Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén,
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự!
Giầy cỏ, gươm cùn, ta đi đây!
Thi sĩ Nguyễn Bính làm bài thơ Hành Phương Nam những năm 1940 khi ông bánh xe lãng tử lưu lạc vào Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong Hành Phương Nam Thi sĩ nhắc đến Kinh Kha. Chuyện Kinh Kha Tráng sĩ Tầu qua sông Dịch, một mình một dao vào đất Tần hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng là chuyện nhiều người Việt đã biết. Tuy nhiên vì sự liên tục của chuyện, và vì những người chưa biết chuyện Kinh Kha, xin kể lại sơ lược:
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma ...
Hơn hai ngàn năm trước: Nước Tần cường thịnh, Tần Vương – về sau là Tần Thủy Hoàng — dùng quân lực tiêu diệt các nước chư hầu. Thái Tử Ðan nước Yên căm thù Tần Thủy Hoàng, dùng Kinh Kha làm thích khách, dùng kế cho Kinh Kha làm sứ giả đến Hàm Dương kinh đô Tần, dâng bản đồ nước Yên cho Vua Tần, lợi dụng lúc được đến gần sẽ dùng dao đâm chết Vua Tần. Tất nhiên làm việc giết Vua Tần Kinh Kha phải chết trong điện Vua Tần.
Thái Tử Ðan trọng đãi Kinh Kha đến tận cùng. Chuyện kể hai người đi bên bờ hồ, Kinh Kha nhặt viên sỏi ném mấy con cá trong hồ. Lát sau có người bưng khay vàng đến dâng, Kinh Kha hỏi để làm gì, Thái Tử Ðan nói để Tráng sĩ ném cá. Trong dạ tiệc có múa hát, Kinh Kha khen hai bàn tay đẹp của một vũ nữ. Lát sau thị nữ bưng ra cái khay phủ khăn gấm, dâng cho Kinh Kha. Kinh Kha mở xem, thấy trong khay có hai bàn tay của người vũ nữ. Thái Tử Ðan ra lệnh chặt hai bàn tay của người vũ nữ để dâng Kinh Kha vì Kinh Kha khen hai bàn tay người đó đẹp. Hai chuyện đó được Thi sĩ Nguyễn Bính kể gọn trong bẩy tiếng:
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Ðây là chuyện Kinh Kha sang Tần theo Sử Ký Tư Mã Thiên:
Thái Tử Ðan và quan khách bận áo trắng, mũ trắng, tiễn đưa Kinh Kha ở bờ sông Dịch. Cao Tiệm Ly đánh trúc, Kinh Kha cất tiếng hát; giọng hát trầm trầm thảm thiết, mọi người rỏ lệ:
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục phản,
Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê,
Tráng sĩ một đi chừ không trở về!
Âm điệu khẳng khái, kích động, ai nấy trợn mắt, dựng tóc. Kinh Kha lên xe, không nhìn lại.
Ðến Tần, đem lễ vật đút lót cho Mông Gia, sủng thần của Vua Tần. Mông Gia tâu với Vua Tần:
– Vua Yên sợ oai Ðại vương, xin đem cả nước quy thuận. Nay cho sứ giả đưa bản đồ nước Yên và thủ cấp Phàn Ô Kỳ đến xin dâng.
Tần Vương tiếp kiến Sứ Yên ở Cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng hộp đựng đầu Phan Ô Kỳ, Tần Vũ Dương bưng hộp đựng bản đồ. Tới trước bệ rồng, Tần Vũ Dương thất sắc, run rẩy. Kinh Kha nói:
– Người man di phương bắc quê mùa, chưa bao giờ được thấy Thiên tử nên sợ hãi. Xin Ðại Vương tha thứ.
Kinh Kha được cho lên điện, đến trước chỗ Tần Vương ngồi, dâng bản đồ, Tần Vương mở xem. Cuộn bản đồ mở gần hết thì lộ chuôi con dao chủy thủ dấu trong đó. Kinh Kha tay trái nắm tay áo Tần Vương, tay phải cầm dao đâm. Nhát đâm hụt. Tần Vương đứng phắt dậy, tay áo đứt rời, Tần Vương rút gươm, gươm dài vướng vỏ, luống cuống không rút ra được. Tần Vương chạy quanh cái cột, Kinh Kha đuổi theo. Rồi Tần Vương rút được gươm, chém Kinh Kha gẫy đùi bên trái. Bị thương, Kinh Kha ném chủy thủ, không trúng Tần Vương mà trúng cây cột. Tần Vương chém tiếp, Kinh Kha bị tám nhát gươm, ngồi xổm, dựa cột, cười mà nói:
– Việc không thành là vì ta muốn bắt sống nó, buộc nó phải hứa trả lại các đất nó đã chiếm của chư hầu. Rất tiếc ta không báo đáp được Thái Tử.
Hai ngàn năm sau, Thi sĩ Nguyễn Du trên đường đi sứ sang Bắc Kinh, đi ngang làng cũ của Kinh Kha, tưởng nhớ người xưa, làm thơ:
Kinh Kha Cố Lý
Bạch hồng quán nhật thiên man man,
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn.
Ca thanh khảng khái, kim thanh liệt,
Kinh Kha tòng thử nhập Tần quan.
Nhập Tần quan hề trì chủy thủ,
Lục quốc thâm thù nhất dẫn thủ.
Ðiện thượng hốt nhiên nhất chấn kinh,
Tả hữu thủ bác, Vương hoàn trụ.
Giai hạ Vũ Dương như tử nhân,
Thần dũng nghĩ nhiên duy độc quân.
Túng nhiên bất sát Tần hoàng đế,
Dã toán cổ kim vô tỷ luận…
Mống trắng xuyên mặt trời, trời man mác, gió thổi vù vù, nước sông Dịch lạnh. Tiếng ca khảng khái, tiếng đồng vang lên. Kinh Kha từ đấy vào ải Tần. Vào ải Tần, cầm dao găm. Thù sâu của sáu nước ở cả trong bàn tay mình. Trên điện rung động, bọn tả hữu nhốn nháo, Vua chạy quanh cột. Dưới thềm Vũ Dương đứng đờ như người chết. Dũng khí hiên ngang chỉ một mình ông. Dẫu không giết được hoàng đế Tần, tính ra xưa nay không có ai bằng được ông…
Bẩy trăm năm sau ngày Kinh Kha chết, Thi sĩ Ðỗ Mục đi qua sông Dịch, nhớ Kinh Kha, làm thơ:
Thử địa biệt Yên Ðan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn.
Ðất này xa Thái Tử,
Tóc tráng sĩ dựng mũ.
Người xưa đã mất rồi,
Hôm nay nước lạnh dữ.
Những năm 1960, ở Sài Gòn, Thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhắc đến Kinh Kha:
Một nhát dao bay ngàn thưở đẹp.
Dù thành hay bại cũng là dư.
Không lấy thành bại mà luận anh hùng nhưng thành vẫn hơn, bại thì ta đau thương. Làm việc nước, quan hệ đến sự sống chất, hạnh phúc hay khổ đau của cả dân tộc, chí ít cũng đến nhiều người, phải tính sao cho thành công. Trong trường hợp Kinh Kha tôi thấy kế hoạch thất bại là vì Kinh Kha dở, kém về kiếm thuật. Kinh Kha can đảm, biết chết mà vẫn làm, nhưng quá kém về tài đánh kiếm. Không thể nói là may hay không may trong trường hợp này: Kinh Kha có đủ những điều kiện tốt nhất để giết Tần Thủy Hoàng. Kinh Kha đã nắm được tay áo Tần Thủy Hoàng, tức là đứng sát người Tần Thủy Hoàng, người không có chút kiếm thuật nào cũng có thể đâm chết Tần Thủy Hoàng, nhưng Kinh Kha đâm, chém không trúng. Tần Thủy Hoàng bị tấn công bất ngờ nhưng vẫn thoát chết, vẫn chém được Kinh Kha. Hai người có đấu đao kiếm với nhau, Kinh Kha thua. Vì không có tài Kinh Kha chết mà không giết được Tần Thủy Hoàng, làm chết uổng Ðiền Quang với Phan Ô Kỳ.
Chuyện kể Kinh Kha nói “Ta muốn bắt sống nó..” là chuyện người đời sau thêm vào, với dụng ý che đậy tài dùng kiếm quá dở của Kinh Kha. Và ai là người nghe được Kinh Kha nói câu đó?
Ðiền Quang người nước Yên, được Thái Tử Ðan cho biết mưu định hành thích Tần Thủy Hoàng, Ðiền Quang nói:
– Tôi già rồi, không còn sức để làm việc này.
Bèn tiến cử Kinh Kha. Thái Tử Ðan căn dặn Ðiền Quang giữ kín âm mưu. Ðiền Quang tự tử để Thái Tử Ðan thấy mình không tiết lộ kế hoạch. Hành động Quân Tử Tầu. Không có gì đáng ca ngợi trong việc làm quá khích của Ðiền Quang. Mưu định dùng Kinh Kha vào việc giết Tần Vương không thể nào dấu được khi Thái Tử Ðan hậu đãi Kinh Kha cả năm trời, khi triều đình Yên Quốc tổ chức tiễn đưa Thích Khách linh đình trên bờ sông Dịch. Một chi tiết nhỏ trong cuộc tiễn đưa: Kinh Kha lên xe, không một lần nhìn lại. Tiễn đưa trên bờ sông thì Kinh Kha phải xuống thuyền sang sông, qua bờ sông bên kia là đất địch. Không lẽ Thái Tử Ðan và triều thần ngồi thuyền đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch, và sang bờ sông bên kia rồi Kinh Kha mới lên xe đi. Cũng không lẽ Kinh Kha đi xe đến một bến sông xa mới xuống thuyền sang sông.
Phan Ô Kỳ là tướng Tần, vì chống lại Tần Thủy Hoàng nên phải sang sống nhờ nước Yên. Kinh Kha cho Phan Ô Kỳ biết âm mưu hành thích Tần Thủy Hoàng và đề nghị Ô Kỳ “ cho muợn cái đầu” của họ Phàn làm lễ vật dâng Vua Tần cùng với bản đồ Yên Quốc. Chuyện kể Phan Ô Kỳ tự cắt đầu theo lời gợi ý của Kinh Kha.
Ca tụng lòng can đảm và sự hy sinh của Kinh Kha nhưng Nguyễn Du cũng tỏ ý thương tiếc những người chết uổng:
Quái để hành tung nguyên thị ẩn,
Tằng dữ Yên Ðan vô túc phận.
Sát thân chỉ vị thụ nhân tri,
Ðồ đắc Ðiền Quang khinh nhất vẫn.
Khả lân vô cô Phan Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì.
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ,
Hàm Dương thiên tử chung nguy nguy…
Chuyện lạ là vốn sống ẩn ở chợ, ông không hề quen biết Thái Tử Ðan. Ông giết thân ông chỉ vì ông được người ta biết đến. Ðiền Quang tự vẫn chết uổng. Thương thay Phàn Ô Kỳ vô tội, cho mượn đầu không hẹn ngày trả lại. Một sáng mai giết uổng ba liệt sĩ, ngôi Thiên tử ở Hàm Dương vẫn cứ nguy nga..
Ngay thời Tư Mã Thiên nhiều người đã cho chuyện Kinh Kha là chuyện bịa đặt. Ở cuối chuyện Kinh Kha Tư Mã Thiên viết:
Người đời mỗi khi nhắc chuyện Kinh Kha thường nói đến vận mệnh của Thái Tử Ðan, đến việc “trời mưa thóc, ngựa mọc sừng.” Thuyết đó quá đáng. Lại nói rằng việc Kinh Kha đâm Tần Thủy Hoàng cũng là chuyện bịa đặt. Nhưng Công Tôn Quí Công và Ðổng Sinh trước từng đi lại với Hạ Vô Thư, có biết rõ câu chuyện và đã kể cho tôi nghe việc xẩy ra như thế.
Trời mưa thóc, ngựa mọc sừng! Sách Yên Ðan Tử chép: “Thái Tử Ðan làm con tin ở Tần, xin được về nước, Tần Vương nói: Làm cho quạ bạc đầu, ngựa mọc sừng thì cho về. Ðan uất ức ngửa mặt lên trời hú dài, uất khí bay lên trời, đàn quạ đen bay ngang bỗng ở cổ có khoanh lông trắng – từ đó mới có loài quạ khoang — và có con ngựa mọc sừng. Tần Thủy Hoàng phải để cho Ðan về nước.”
Kể cũng lạ. Theo sự tính toán có thể không đúng lắm của tôi thì từ thời Kinh Kha đến thời Tư Mã Thiên cách nhau khoảng hai trăm năm. Khi nhà viết sử Tư Mã Thiên đưa sự tích Kinh Kha vào sử ông không có văn liệu nào để căn cứ, ông chỉ được nghe chuyện do mấy người ông quen kể lại. Chuyện do những nhân vật Công Tôn Quí Công, Ðổng Sinh, Hạ Vô Thư kể có gì bảo đảm đó là chuyện thật? Chuyện xẩy ra từ mấy trăm năm trước, mấy ông này cũng chỉ nghe người đời kể lại và nghe sao mấy ông kể lại như thế. Ðiều đáng nói là trong thời ấy người đương thời đã cho chuyện Kinh Kha là chuyện bịa nhưng Tư Mã Thiên cứ cho chuyện vào Sử và người đời sau, căn cứ trên Sử Ký của Tư Mã Thiên, cứ tin chắc chuyện Kinh Kha là chuyện có thật.
Một chi tiết làm tôi nghi chuyện Kinh Kha không có thật: Tần Vương có thể không cho Kinh Kha đến gần. Không có gì bắt buộc Tần Vương phải cho Sứ giả nước Yên đến sát tận chỗ mình ngồi, gần đến có thể nắm được áo mình. Sứ giả có thể được cho lên điện nhưng phải đứng xa Tần Vương, quan hầu của Tần Vương sẽ đưa những cống phẩm của Sứ giả đến trước ngai của Tần Vương. Ngay đến các quan của Tần Vương còn bị cấm lên điện, chắc chắn một sứ giả ngoại quốc không được lên điện. Cả kế hoạch hành thích dựa trên việc Sứ giả thích khách được đến gần Tần Vương, gần đến có thể đâm Tần Vương được bằng dao. Mà việc Sứ giả được đến gần Tần Vương thì không có gì bảo đảm là chắc chắn sẽ xẩy ra. Khi Tần Vũ Dương run rẩy đứng không vững, ai bưng cái hộp đựng đầu Phan Ô Kỳ lên điện? Không lẽ Kinh Kha bưng cả hai hộp: hộp đựng bản đồ và hộp đựng đầu Phan Ô Kỳ, cũng không có lý Kinh Kha bưng hộp bản đồ lên, để đó, rồi trở xuống lấy hộp đựng đầu Phàn Ô Ky øtừ tay Vũ Dương? Tần Vương có thể ra lệnh cho Sứ Yên đứng dưới điện, hay quì thật xa chỗ mình ngồi, nội thị của Tần Vương bưng hai cái hộp đến trước ngai Tần Vương.
o O o
Không phải tự dưng tôi kể lại chuyện Kinh Kha. Ðêm thu ở Rừng Phong
Trời không chớp bể với mưa nguồn,
Ðêm nảo, đêm nao tôi cũng buồn..
..nhân viết chuyện Vua Lê Chiêu Thống, tôi đọc lại lịch sử nước tôi, thấy tôi có ông Ðặng Dung đời nhà Trần anh dũng quá là anh dũng, can đảm ơi là can đảm, võ nghệ lại cao cường hơn ông Tầu Kinh Kha. Tráng sĩ Ðặng Dung của tôi không làm chết oan ai cả; hơn hẳn Kinh Kha, Tráng sĩ Ðặng Dung của tôi làm thơ thật cảm khái. Thế hệ người Việt lưu vong năm 2000 tuổi đời Sáu, Bẩy Bó chúng tôi nhiều người thuộc lòng bài thơ của ông Ðặng Dung…
Thế sự du du nại lão hà.
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu tâm phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma!
Chuyện đời rối bời, ta già rồi. Trời đất, cuộc sống thu vào chén rượu. Gặp thời, bọn bần tiện thành công dễ thôi. Lỡ vận người anh hùng càng thấy đau đớn. Lòng vẫn ôm chí hướng giúp vua nhưng tiếc thay ta không thành công. Thù nước chưa báo được đầu đã bạc. Lâu rồi ta vẫn mài kiếm Long tuyền dưới trăng…
Năm 1410 Tướng Nhà Minh Trương Phụ đem binh sang đánh nước tôi lần thứ hai. Ðể đập tan tinh thần đề kháng của dân tộc tôi bọn quân Minh thi hành chiến lược khủng bố hết sức tàn bạo, chúng giết dân tôi chất xác chết lên thành núi, rút ruột người treo lên cây, nấu thịt người lấy dầu. Khi quân Minh đi hai đường thủy bộ vào đánh Vua Trần Quí Khoách ở Nghệ An, Trương Phụ ở trên soái thuyền đậu ở cửa biển. Ðêm khuya hai tướng Ðặng Dung, Nguyễn Súy cùng đội cảm tử quân đi thuyền nhỏ đột kích thủy trại địch. Ông Ðặng Dung nhẩy được lên thuyền Trương Phụ, ông định bắt sống tên tướng giặc ác ôn nhưng ông không biết mặt nó. Trương Phụ phải nhẩy xuống biển, lên thuyền con bỏ chạy. Các ông Ðặng Dung, Nguyễn Súy cùng các cảm tử quân chém giết bọn tướng Minh một trận rồi các ông lại thoát được lên bờ. Nếu Ðặng Dung của tôi nắm được áo Trương Phụ sức mấy mà Trương Phụ còn sống.
Ðêm về sáng, không gian im lặng, tôi ấp quyển Sử Việt Nam lên ngực, nhắm mắt mơ màng, tưởng tượng cảnh đêm đông trên biển, những chiến sĩ Việt từ mặt biển nhẩy lên thuyền địch, tiếng hò hét, những ánh kiếm sáng lóe, bọn tướng lãnh Tầu kinh sợ, …Nếu tôi làm phim, trong phim của tôi Chiến sĩ Ðặng Dung chém chết Tướng Minh Trương Phụ.
o O o
Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự..
Chuyện Phùng Hoan về Ấp Tiết đòi nợ cho Mạnh Thường Quân, gọi những người có nợ đến tuyên bố Mạnh Thường Quân tha hết nợ, đốt hết các văn tự, tức giấy vay tiền, giấy nhận nợ. Trở về Phùng Hoan nói với Mạnh Thường Quân:
– Khi tôi đi Ngài nói thấy nhà Ngài thiếu thứ gì thì mua về thứ ấy. Tôi thấy nhà Ngài thiếu Ðức nên tôi mua Ðức về cho Ngài.
Có chút rượu vào bao tử, Thi sĩ Nguyễn Bính mơ làm Kinh Kha, Phùng Hoan, hai nhân vật Tầu đời xửa, đời xưa, Thi sĩ đe dọa :
“Giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây.”
Giầy cỏ: giày làm bằng cỏ, không biết giày tết, kết bằng cỏ đi được mấy dặm đường – mấy kilômét – thì nát? Ðúng ra là hài thảo, nhưng các nhà thi sĩ cho «
hài thảo » nghe không gợi cảm bằng «
hài xảo » Và đúng nữa là «
giép cỏ », không phải là «
giầy cỏ. »:
Mây vướng cồn xa núi bạc đầu.
Nhà sàn nghiêng mái nhớ thương nhau.
Người đi bạt dấu chân hài xảo,
Vạt áo chàm xưa có nhạt mầu?
Dấu chân hài xảo..! Thơ Ðinh Hùng. Ta trở về với Thơ Nguyễn Bính: Thi sĩ đe dọa ra đi nhưng ngay sau đó Thi sĩ lại ngẩn ngơ:
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Ðã dấy phong yên lộng bốn trời.
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi…
Ba nhà thơ Việt: Nguyễn Du, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính đều ca tụng người hùng Tầu Kinh Kha, không ông nào nhớ, nhắc đến Tráng sĩ Ðặng Dung của ta.
CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG