Giai nhân trong mộng của thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp
Nhà thơ Nguyễn Vỹ trong tập Văn – thi sỹ tiền chiến đã không ngần ngại bày tỏ: “Nếu không có người đẹp Đỗ Thị Bính sẽ không có một Ngày xưa làm rạng danh chàng thi sỹ đa tình”…
Cho nên, để biết được nhan sắc kiều mỵ của một trong những “Hà thành tứ mỹ” xưa chỉ cần đọc tập thơ Ngày xưa cũng đã đủ hình dung ra chân dung của giai nhân Đỗ Thị Bính.
Người đẹp may mắn
So với số phận bi thảm của giai nhân Vương Thị Phượng, cô Síu Cột Cờ… cuộc đời của giai nhân Đỗ Thị Bính được xem là khá may mắn và tròn trịa. Cô là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi – nhà thầu khoán vào loại có “máu mặt” của Hà Nội những năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ “Bá Già” (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Sinh ra trong một gia đình nề nếp, lại được thụ hưởng nền giáo dục phong kiến cũ, những chuẩn mực của vẻ đẹp thanh lịch của đất Tràng An được giai nhân Đỗ Thị Bính hấp thu đầy đủ. Ở nàng, người ta thấy toát lên một vẻ đẹp vừa đoan chính, u buồn, vừa khôn khéo, dịu hiền lại vừa trầm tĩnh, trí tuệ. Phụ mẫu của nàng hết sức cưng chiều cô con gái, tất cả những môn học của nàng đều được cha mẹ mời riêng thầy giáo về nhà để dạy dỗ.
Chân dung “người đàn bà áo đen” Đỗ Thị Bính. (ảnh internet)
Cuộc sống của tiểu thư Bính trôi qua êm đềm trong ngôi biệt thự theo lối kiến trúc Pháp cổ kính. Sinh thời, nàng có thói quen mặc đồ đen, áo dài tay hay áo ngắn tay đều là những gam màu đen sang trọng. Màu đen làm cho vẻ đẹp của nàng thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng, sự sang trọng và nghiêm trang của người đẹp. Có lẽ cũng vì lý do này mà thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp đã gọi nàng là “người đàn bà áo đen”.
Sau khi lập gia đình với chàng kỹ sư Bùi Tường Viên – em trai luật sư Bùi Tường Chiểu, giai nhân Hà thành sống một cuộc đời bình lặng, không tai tiếng. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cũng như những người khác, nàng hoạt động trong phong trào bình dân học vụ rồi theo kháng chiến, tản cư lên huyện Sơn Dương – Tuyên Quang. Mặc dù cuộc sống khó khăn mọi bề, nhưng bằng sự khéo léo của một người phụ nữ, giai nhân đã chèo chống gia đình qua cơn bĩ cực.
Người dân Hà Nội xưa thường nhắc đến “tứ mỹ Hà thành”, gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. (ảnh internet)
Cũng trong thời gian sống ở Tuyên Quang, giai nhân Hà thành đã giúp đỡ những người dân ở đây bằng nghề làm thuốc của mình. Bà con vùng Sơn Dương yêu mến gọi nàng là “bà tiên kháng chiến” hay “bà ké kháng chiến” với tình cảm tri ân xuất phát từ tận đáy lòng. Sau khi kháng chiến thành công, nàng trở về Hà Nội và tiếp tục nuôi sống gia đình bằng tài nghệ khéo léo về ẩm thực của mình.
Nguồn cảm hứng của thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp
Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tấm chân tình của chàng thi sỹ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp đã làm cho giai nhân Hà thành động lòng. Những bài thơ như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Chùa Hương”, “Tay ngà” đều phảng phất dáng hình của Đỗ Thị Bính. Tuy nhiên, mối tình này không đi đến kết cục có hậu nào bởi Nguyễn Nhược Pháp mất vào năm 24 tuổi vì bệnh lao.
Người đẹp Hà thành đã đi vào hững vần thơ trong sáng, đẹp đến thuần khiết của con trai nhà tư sản Nguyễn Văn Vĩnh. Chàng thư sinh nhỏ bé cao 1.52m đã thầm thương trộm nhớ giai nhân Đỗ Thị Bính. Khi ấy, Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’Annam nouveau. Ngày nào, chàng thi sỹ cũng kiếm cớ đi ngang nhà người đẹp để được nhìn thấy nàng Giai nhân cũng biết chàng trai nhỏ nhắn, thư sinh ấy “cảm”mình.
Sắc đẹp của Đỗ Thị Bính đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi sỹ bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp. (ảnh internet)
Một đôi lần, hai người đã đứng nói chuyện cùng nhau qua rào cây tầm xuân hữu tình và lãng mạn. Nhưng rồi, những nhớ nhung, yêu thương ấy, mỗi người chỉ lưu giữ thành một bí mật của riêng mình. Giai nhân để nhớ thương vào trang sách, vào những buổi sáng đi tưới cây hay đi dạo trong vườn nhà, để đợi chờ một ánh mắt quen thuộc thấp thoáng xuất hiện. Còn nhà thơ gửi yêu thương của mình vào những vần thơ trong sáng. Mười hai thi phẩm của Ngày xưa, vẻ đẹp mà Nguyễn Nhược Pháp vận vào cho các nhân vật trữ tình của mình, đó chính là vẻ đẹp của giai nhân Đỗ Thị Bính.
Sắc đẹp ấy đã làm ngẩn ngơ cả tâm trí chàng thi sĩ điển trai nhưng gầy guộc Nguyễn Nhược Pháp, đến mức, cả trong thơ, chàng cũng không kìm được tiếng thốt nhớ nhung:”Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ”…Vẻ đẹp của mỹ nhân được Nguyễn Nhược Pháp đưa vào thơ của mình, mỗi bài là một nét đẹp của người con gái khuê các áo đen.
“Tình yêu không lời” của đôi nam nữ này cuối cùng cũng bị hai gia đình phát hiện ra. Lúc ấy, cụ thân sinh ra Nguyễn Nhược Pháp gặp nạn, đến mức phải khuynh gia bại sản. So với gia đình người đẹp Đỗ Thị Bính, chàng thi sĩ chỉ có bàn tay trắng. Về môn đăng hộ đối, điều đó đã là một cản trở. Mặt khác, lòng tự trọng của Nguyễn Nhược Pháp lớn quá. Ông không dám mơ cao sang với một tiều thư khuê các, có danh phận Sự tự ti về thân phận của một đứa trẻ mồ côi mẹ năm hai tuổi càng làm chàng sống khép kín. Mối tình đầu sâu sắc và đơn phương đã trở thành niềm cảm hứng để Nguyễn Nhược Pháp có được Ngày xưa trọn vẹn, giúp chàng tỏa sáng trên văn đàn Việt Nam.
Nguyễn Nhược Pháp mất vào năm 1938 vì bệnh lao với mối tình câm lặng nhưng đầy thơ mộng. Chưa bao giờ nhận được lời yêu từ giai nhân Hà thành, nhưng với cả hai, đây lại là mối tình lớn. Giai nhân gửi nhớ thương vào những trang sách, còn nhà thơ gửi nhớ thương của mình vào những vần thơ trong sáng, tài hoa.
Năm 1992, giai nhân Đỗ Thị Bính qua đời ở bệnh viện Bạch Mai trong màu áo đen quen thuộc, kết thúc một cuộc đời bình lặng, một cuộc đời mà có lẽ được gọi là may mắn nhất đối với những giai nhân Hà thành lúc bấy giờ.
Yên Nguyễn