Đọc bài này của Hớ tự nhiên mình cũng ngứa ngáy, quay cuồng muốn múa máy lung tung như sau:
Bắt đầu bài thơ, tác giả Hớ đã quằn quại với cái sự lê thê, dằng dặc của vũ trụ đất trời trong những ngày hè nóng nực:
Ngày thì xa tít
Đêm dài quá dài
Chỉ có mỗi hai câu, tám chữ như trên mà khiến cho người đọc lâm vào tinh thần hoảng loạn phiêu du vì cái sự tít tắp mông lung ghê rợn đến vậy. Chúng ta thường nghe đến một không gian xa mờ tít tắp, một vật cụ thể nào đó dài, hay là một quảng đường dài… ở đây tác giả không chỉ dùng ngày dài mà lại còn nhấn nhá thêm bằng cách láy từ quá dài làm cho cái độ dài ở đây nó trở nên mênh mang vô tận. Thật là thâm sâu.
Cũng vì cái lê thê, mông lung của cả ngày và đêm như vậy nên đã làm cho tác giả phải lang thang như mộng du mà lạc vào miền tịch mịch, mộng mị liêu trai.
Ta về tịch mịch
Mộng về liêu trai
Và rồi
Chiều buồn không nắng
Cho mình nhuốm sầu
Quanh bờ hoang vắng
Kéo vào đêm thâu
Sau khi thoát khỏi cái ‘mộng mị’ ‘liêu trai’, lợi dụng một ngày không có nắng, với một tâm tư ‘nhuốm sầu’, tác giả đã chẳng đàng hoàng đưa các nàng đến những nơi vui nhộn nhịp nơi phố thị mà âm thầm lôi kéo, dụ dỗ họ ra “bờ hoang vắng” để rồi đưa họ “vào đêm thâu” và sau đó thì có trời mà biết được anh đã làm gì và đã gây ra nhưng tội lỗi gì với họ. Thiện tai, thiện tai.
Sau khi gây ra bao nhiêu là tội lỗi, tác giả không những chẳng biết ăn năn hối lỗi về những tội tình mình đã gây ra mà có thể ngụy biện cho rằng những tội lỗi đó cũng chẳng qua là do hoàn cảnh khách quan “bờ hoang vắng” “đêm thâu” xô đẩy, vì vậy mà anh cho rằng các nàng phải tưởng nhớ, thương cảm “ngấn lệ” với cái lỗi lầm mà anh đã gây ra chứ kỳ thực bản thân anh cũng chẳng muốn gây ra cái lỗi lầm đó lắm lắm.
Đọc đến đây nhà cá chợt nhớ ngày xưa cụ Tố Như đã từng ngẫm:
“Ba trăm năm nữa làm sao biết, Thiên hạ ai người khóc Tố Như”
Thì nay Hớ cũng kêu rống lên, cũng gào lên da diết:
Ai còn ngấn lệ
Khóc dùm cho ta?...
Giới nữ tú Sài thành chắc có rất, rất nhiều người sẽ rỉ ra nhiều nhiều nước mắt như vậy để mà kêu rên mà than khóc cho một con người đã từng gây ra bao lỗi lầm, bao tội lỗi đối với họ trong thời gian qua. Ta thật sự thán phục công phu thâm hậu của tác giả, vì sau khi gây ra bao nhiêu là tội lỗi như vậy mà anh vẫn được biết bao nhiêu là người con gái không một lời oán thán, tránh cứ nào mà lại xót xa, thương xót, ngấn lệ trào dâng. Thật là cao thủ, cao thủ.
Thực sự, khi đọc đọc khổ thơ cuối thì ai ai cũng phải cúi rạp người mà tung hô, mà bái phục cái công lực thượng thừa Khu đen (Thâm hậu) của tác giả.
Chiều nay lặng lẽ
Từng bờ vai qua
Chỉ mỗi một buổi chiều lặng lẽ “Chiều nay lặng lẽ” mà anh đã kịp qua biết bao nhiêu là bờ vai, không phải là “một, hai” hoặc “một vài bờ vai” mà “từng bờ vai” nhiều đến nỗi không thể nào đếm xiết. Điều này đủ cho thiên hạ phải lác mắt, ngả mũ và nghiêng đầu kính phục. Chàng Đông Goăng ngày xưa có hào hoa, lịch thiệp phong nhã, đa tình đến đâu cũng không thể nào so sánh được với anh bạn này vậy vậy. Thế cho nên tác giả mới không hỏi cụ thể một em nào đó “còn ngấn lệ” mà phải là ai còn ngấn lệ? cái “ai” ở đây nó là đại từ nhân xưng đại diện cho rất nhiều thanh nữ ngây thơ mà đã trót nhẹ lòng trao gửi hồn, xác của mình cho tác giả.
Bài thơ đã là một bài học sâu sắc cho một tầng lớp chị em trong xã hội ngày nay, đừng có nhẹ dạ cả tin mà dại dột nghe theo những lời đường mật mà rồi có ngày sẽ mờ mắt vì “ngấn lệ”
Hà nội, ngày thương binh liệt sỹ 2012
Thi Nhũn
Nguồn:
http://blog.yahoo.com/duytuan/articles/950030/index