Cái đẹp của sự dang dở.
Phở > 03-07-2012, 12:20 AM
Hoài Nam
Với những người yêu thơ Hồ Dzếnh (1916 - 1991), chắc chắn không ai lại không biết đến thi phẩm nổi tiếng có tên Ngập ngừng của ông. Ngập ngừng - bản thân cái tên của bài thơ đã có ý nghĩa như là dấu chỉ, như là sự xác định một trạng thái tâm lý chưa hoàn kết của tác giả, và có thể là sẽ không bao giờ hoàn kết! Ngập ngừng có cả thảy mười tám câu thơ, thì trong đó, nhà thơ đã ba lần tự nói với chính mình (hoặc là van xin với người yêu trong tâm tưởng, nếu muốn diễn đạt theo cách khác): “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!”.
Thật không bình thường một chút nào hết. Đại phàm, những người yêu nhau, khi đã hẹn hò gặp gỡ nhau thì đều muốn rút ngắn thời gian, muốn đốt cháy thời gian, thậm chí muốn làm cho cái thời gian phải đợi chờ bị tiêu biến ngay lập tức. Để thỏa nỗi niềm mong nhớ, để truy lĩnh sự gần gũi vốn đã bị gián đoạn vì những lý do nào đó. Vậy tại sao lại: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”? Ông nhà thơ người Việt gốc Hoa này không lẽ không biết đến cái cảm giác nhớ nhung đến cồn cào vì chờ đợi của người đang yêu? Không phải thế. Ta hãy đọc: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!/ Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/ Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần/ Tôi khẽ nói: Gớm, sao mà nhớ thế?”.
Cái sự nhớ nhung người yêu của ông xét cho cùng cũng chẳng khác mấy so với người thường. Có khác chăng chỉ là ở chỗ: ông không muốn chấm dứt nó, mà muốn duy trì nó; không muốn dập tắt nó, mà muốn nó cứ thế, âm ỉ cháy trong thời gian và âm ỉ cháy trong lòng người. Tóm lại, ông chờ đợi người yêu, nhớ nhung người yêu nhưng lại không muốn sự chờ đợi nhớ nhung ấy đi tới một kết cục viên mãn: sự gặp gỡ. Bởi lẽ, trong ông đã mặc định một suy nghĩ, một quan niệm riêng về giá trị của đời sống: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. (Chính vì thế mà hai câu kết bài Ngập ngừng cũng rất đẫm chất… ngập ngừng: “Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”). Tôi đồ rằng, sau này, khi một nhạc sỹ nổi tiếng của nền ca khúc trữ tình Việt Nam viết những câu: “Hãy cứ là tình nhân, đừng là vợ là chồng”, thì chính là do ông đã bị ám ảnh bởi hai câu “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” của Hồ Dzếnh.
Tôi cũng đồ rằng, với hai câu thơ mang sứ mệnh của một “tuyên ngôn” về tình yêu và cuộc đời đầy “cắc cớ” như thế này, Hồ Dzếnh đã “trêu gan chọc tức” các nhà đạo đức học cổ điển (và cổ hủ), những người vốn vẫn khư khư giữ cái quan niệm rằng tình yêu chân chính phải là tình yêu dẫn đến hôn nhân, dẫn đến sự thành lập gia đình hạt nhân (và rồi kết quả sẽ là “tái sản xuất ra bản thân đời sống” - nghĩa là sinh con đẻ cái!). Tôi không hề có ý phản đối rằng, đã, đang và sẽ có vô khối sự chân chính trong những tình yêu trọn vẹn như thế. Nhưng chẳng lẽ những tình yêu không đi đến cùng đích của nó, bất chấp mong muốn của những cặp tình nhân và vì bất kể lý do gì, tất cả đều… bất chính? Tôi nghĩ, có lẽ ở đây, các nhà đạo đức học cổ điển (và cổ hủ) đã không thể chia sẻ được với điều mà một thi sỹ với tâm hồn đầy lãng mạn như Hồ Dzếnh đã cảm nhận đến tận đáy của nó: cái đẹp của sự dang dở!
Sự dang dở cũng có thể mang lại cho con người cảm giác về cái đẹp chăng? Có thể. Trong đời sống, trong nghệ thuật không hiếm những trường hợp như vậy, và nó được cảm nhận, theo cách càng trở nên đậm đặc hơn ở những người lãng mạn chủ nghĩa. Sự dang dở, hiểu theo nghĩa rộng, đối lập với sự viên mãn, sự hoàn thiện, sự tới đích, sự thắng lợi. (Thật ra, sự viên mãn, sự thắng lợi nào mà lại không chứa ngay trong chính nó những dang dở sắp tới. “Mãn chiêu tổn” - cái đầy gọi cái vơi - cổ nhân từng dạy thế.
Xuân Diệu cũng đã chẳng từng viết: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”, là gì?). Sự dang dở có giá trị đặc thù của nó trong việc tác động tới cảm giác về cái đẹp của người lãng mạn. Hãy nói về thơ ca: không cần đến thống kê nhưng ai cũng có thể khẳng định được rằng những bài thơ “thất tình” hay thì nhiều gấp bội những bài thơ “đắc tình” hay
Đọc những câu thơ nhỏ máu vì nhớ tiếc một mối tình bất thành của Vũ Hoàng Chương: “Men khói đêm nay sầu dựng mộ/ Bia đề tháng sáu ghi mười hai/ Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng, nay Tố của ai?” (Mười hai tháng sáu), hay bài thơ nẫu lòng như một lời vĩnh biệt người yêu của nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire: “Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo/ Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi/ Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa/ Mộng trùng lai không có ở trên đời/ Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi/ Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó” (Lời vĩnh biệt. Bùi Giáng dịch), và còn nhiều nhiều ví dụ nữa…, ta há chẳng thấy đẹp sao, cái đẹp của những mối tình dang dở đã nở thành hoa thơ từ những vết xước trong trái tim thi sỹ? (Một ví dụ mà ta có thể lấy làm phản đề cho vấn đề này là cuộc đoàn viên hội ngộ của cặp đôi tài tử giai nhân Kim Trọng - Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh: Sự dang dở đã kết thúc, thay vào đó là sự viên mãn, như kết quả bù đắp cho mười lăm năm truân chuyên xa cách của hai người. Thế nhưng sự viên mãn theo kiểu “Lấy duyên cầm sắt thay duyên cầm kỳ” - từ tình nhân trở thành bạn tri giao - nó mới đầy gượng gạo và chán chường làm sao!). Văn xuôi cũng vậy thôi. Ai đã từng đọc và mê danh tác Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, hẳn không thể không nhớ tới hình ảnh Quan Vân Trường kiêu hùng đến thế nào khi tế ngựa rẽ rừng quân để lấy đầu Nhan Lương, Văn Sú như trở bàn tay, khi một mình một đao “quá ngũ quan trảm lục tướng”, coi binh lực của những Viên Thiệu, Tào Tháo như cỏ rác. Đó là hình ảnh đẹp về một chiến tướng. Nhưng cái chết của Quan Vân Trường trước quân Đông Ngô, cái chết bi tráng của một bại tướng, cũng là hình ảnh đẹp, vì nó khiến cho tất thảy thế hệ bạn đọc Tam quốc chí diễn nghĩa đều phải tiếc nuối trước sự dang dở của một cuộc đời anh hùng cái thế.
Văn hào người Anh R. Kipling từng nói: “Đông là Đông, Tây là Tây”, ý là phương Đông và phương Tây chẳng có gì chung với nhau cả. Không hẳn thế, có vẻ như là ông văn gia Ăng Lê đã quá chủ quan, ít nhất là trong trường hợp cụ thể mà người viết bài này đang nói tới. Vì tôi nhớ (không chính xác lắm) một nhà văn lãng mạn chủ nghĩa người Pháp (V. Hugo hay Th. Gautier hay A. de Musset đây?) từng phát biểu, đại ý: ông ta thấy một viên bại tướng với chiến bào tả tơi, mặt mũi nhem nhuốc vì khói thuốc súng, thân thể đầy thương tích, trở về cùng một đội quân tan nát thảm hại, là một hình ảnh còn đẹp hơn hình ảnh một viên chiến tướng đang ca khúc khải hoàn, giáp trụ sáng choang, quân đội chỉnh tề, mặt người và mặt ngựa đều vênh lên trong niềm vui thắng lợi! Và hãy nhớ tới một chi tiết trong Đỏ và đen của Stendalh: khi công nương Mathilde La Molle tiến ra pháp trường, lấy khăn bọc chiếc thủ cấp của Julien Sorel, thì với cô, đó là cái đầu đẹp nhất trên thế giới này! Nó sẽ vẫn đẹp đến thế chăng, nếu nó ở nguyên trên cổ Julien Sorel, nếu lưỡi máy chém sắc ngọt không phập xuống và làm dang dở cuộc đời một con người trẻ tuổi đầy kiêu hãnh, đầy ý chí vươn lên để thay đổi thân phận của mình trong xã hội quý tộc - tư sản?
Sự dang dở phải chăng bao giờ cũng mang lại cảm giác về cái đẹp? Không hẳn thế. Người chiêm quan thấy là đẹp ở các phế tích như đấu trường La Mã hay thánh địa Mỹ Sơn, bởi đó là cái đẹp của sự (đã từng là) viên mãn bị lụi tàn với thời gian. Nhưng với những công trình kiến trúc xây mới mà đang còn dang dở, đang còn bừa bộn, dứt khoát không ai bảo rằng nó đẹp (đấy là tôi còn chưa nói tới những công trình hoàn thiện rồi nhưng đã và đang hiện diện một cách kệch cỡm, xấu xí, mà những thứ này thì đầy rẫy ở ta). Một bức quốc họa Trung Hoa cũng sẽ khó có thể coi là đẹp - dù nó rất tuyệt về bố cục, đường nét, thần thái - nếu thiếu đi dòng lạc khoản được viết bởi chính tay tác giả.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Chín bỏ làm mười”. Câu này, nếu xét ở giác độ một lời khuyên về lề lối ửng xử giữa người với người trong cuộc sống, thì đúng. “Chín bỏ làm mười”, cách sống ấy khiến cho người ta không đòi hỏi, không đặt yêu cầu quá cao ở tha nhân và ở chính mình, khiến cho mọi quan hệ nhân tính đều có thể trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu, không chấp nhặt, thậm chí có thể “xí xóa” được những căng thẳng, nếu cần. Tuy nhiên, nếu mang tinh thần “Chín bỏ làm mười” vào sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học thì quả thực là nguy hiểm. Trong trường hợp này, chín, chỉ cách mười một đơn vị và một cái tặc lưỡi theo tinh thần lười nhác. Thế nhưng, mười là sự hoàn thiện, toàn thiện và toàn mỹ. Còn chín, không gì khác, chính là sự dang dở, là ý chí chấp nhận sự dang dở, là không cần hoặc không có khát khao vươn tới cái toàn thiện toàn mỹ. Trong những công trình như “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới” hoặc “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã lý giải điều này một cách thấu đáo. Ông cho rằng, chính triết lý ứng xử theo kiểu “Chín bỏ làm mười” đã khiến người Việt Nam chúng ta không/ chưa có được những giá trị văn hóa mang tính điển phạm ở tầm thế giới.
Hãy nói riêng về văn chương thôi: Người Trung Hoa có Sở từ, Đường thi, Minh - Thanh tiểu thuyết, người Pháp có bi kịch cổ điển thế kỷ XVII. Tất cả những cái đó đều đạt tới trình độ mẫu mực của thể loại. Trước những thể loại ấy, văn - thi gia thuộc các nền văn chương vệ tinh (trong đó có Việt Nam) chẳng còn việc gì khác là “sáng tạo” theo những nguyên tắc mỹ học đã trở thành khuôn vàng thước ngọc mà người Trung Hoa và người Pháp tạo ra. Nền văn chương của chúng ta, xét đến cùng, không có những thể loại vừa mang tính mẫu mực, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy. Và điều đó, nên xem là một trong những ví dụ về cái chưa đẹp của sự dang dở