Thi Ẩm Lâu
...Sưu Tập Thơ... - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-6.html)
+--- Chủ đề: ...Sưu Tập Thơ... (/thread-124.html)

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16


RE: ...Sưu Tập Thơ... - rêu - 07-03-2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG

Tôi về thăm núi rừng Cam Lộ
Khi nắng chiều xua trận gió Lào
Cát bụi khe Sanh thơm thuốc súng
Đường Cùa mờ mịt lối A-Sao

Gót nặng ba lô xóm Bảng Sơn
Cao Hy, Đá Bạt núi xanh rờn
Đồi Năm Hai bẩy mìn giăng bủa
Cam Thái, Hồ Khê xuống Tot-Mon

Mưa lạnh Ba Trung, nắng Bắc Bình
Hoả châu thắp sáng đêm Gio Linh
Cồn Thiên mỏi mắt đêm chờ địch
Quật Xá ngày vui lễ Đản sinh

Chiều xuống Đông Hà xuôi Cửa Việt
Dòng sông Thạch Hãn sóng đa tình
Cô em Mai Xá tròn như mộng
Trên đống tro tàn buổi chiến chinh
Quảng Tri. 1969


( unknow )


RE: ...Sưu Tập Thơ... - Dự Long - 08-03-2011

Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
(Puskin)


Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
Nhưng tìm mãi đến bây giờ chẳng thấy
Nửa của tôi ơi, em là ai vậy
Sao để tôi tìm tìm mãi tên em?

Chiều dần buông thành phố vào đêm
Ngọn cỏ hàng cây từng đôi ríu rít
Họ may mắn hơn tôi hay họ không cần biết
Nửa của mình hay nửa của ai kia?

Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
Và có thể suốt đời không tìm thấy
Không có em tôi đành sống vậy
Không lấy nửa của ai làm nửa của riêng mình

Cái na ná tình yêu thì có trăm ngàn
Nhưng đích thực tình yêu chỉ có một
Nên đôi lúc tưởng như mình đã gặp
Nửa của mình nhưng nào của mình đâu

Không phải của mình chẳng phải nửa của nhau
Thì thượng đế ơi đừng bắt tôi lầm tưởng
Bởi tôi biết khổ đau hay sung sướng
Là đúng sai khi tìm nửa của mình

Tôi tìm em, tôi đã đi tìm
Và vẫn biết trên đời này đâu đó
Em cũng đi tìm... tìm tôi như vậy
Chỉ có điều mình chưa nhận ra nhau...



RE: ...Sưu Tập Thơ... - xichha - 15-03-2011

Điều còn lại
Dương Thị Hải Yến

Bông phượng đỏ cuối cùng sót lại giữa mùa thi
Chiều như thế vô tình đi qua ngõ
Chú dế cứ gào lên không thấy mình bé nhỏ
Chẳng biết khiêm nhường đành chịu lỗi cùng em.

Mùa hạ nào có thể biết hờn ghen
Khi ta ném yêu thương lên vầng trăng thu ấy
Gió như em, cứ kiêu kì quá vậy
Thu đốt cháy mình không thắp nổi lá bàng đêm.

Chẳng trách nổi heo may cơn bão cứ tần ngần
Để trên phố mưa sững sờ bật khóc
Em ngược phía tiếng trống trường tan học
Ước chạy kịp thu về, ta nhận lỗi cùng em.

Hạ rách tươm như bài kiểm tra điểm xấu rải lên thềm
Ta còn có gì hơn ngoài trang thư cho đi là mất
Hãy tin đi em có điều không có thật
Thu cứ đợi chờ nên hạ mãi đi xa...



RE: ...Sưu Tập Thơ... - TieuChieu - 17-03-2011

CÔ GÁI KHỎA THÂN

[Hình: images?q=tbn:ANd9GcTvkbqaxkZ6mZyCn2_3fJV...LYDleeINrA]

Cô gái ngồi khỏa thân
Giữa phố phường xao động
Lộng lẫy một chân dung
Bên ồn ào đời sống

Cô gái ngồi thơ mộng
Như vừa được sinh ra
Nhan sắc thật Ê-va
Địa đàng hương trái cấm

Cô gái không son phấn
Lúc đời nghiện hóa trang
Vải vóc chỉ vướng bận
Em trần truồng rất ngoan

Ừ, giá cả leo thang
Kệ thị trường chứng khoán
Ừ, cao ốc khoe khoang
Mặc vỉa hè lận đận

Cùng buổi chiều chấy rận
Em ngồi như ca dao
Thơ tôi chưa lạc vận
Mà trổ một thương đau

****

Cô gái ngồi gãi ghẻ
Niềm vui rất hòa bình
Đất nước đang sạch sẽ
Em đâu cần vệ sinh.

*********************************

[Hình: 70810Lut1.jpg]

TỰ CHỬI MÌNH LÚC ĐÁNH RĂNG


Sáng đánh răng rửa mặt

Nhăn nhở cười soi gương



Mặc lũ lội bất lương

Kệ bão giông khốn khó

Tôi ung dung vệ sinh

Soi gương cười nhăn nhở



Kệ mảnh đời cơ nhỡ

Mặc vụn vỡ lầm than

Tôi đồng lõa thơ văn

Thuyết minh về màu mỡ



Mặc trôi sông lạc chợ

Kệ quán gió cầu sương

Tôi nựng nịu văn chương

Sờ điệu đàng nghệ thuật



Sáng đánh răng rửa mặt

Nhăn nhở cười soi gương ...


ĐÀO CÔNG ĐIỆN


RE: ...Sưu Tập Thơ... - lanhdien - 17-03-2011

Tranh lõa thể
Bích Khuê

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này ?
Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây ?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm .
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyên ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi
Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si ...
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu li
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả
Cho tôi nàng, cho tôi nàng! tất cả ...
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê chới với, hồn lên cao
Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ
Tiên nương hỡi! Nàng sống trên thế hệ,
Bóng thời gian phải quị dưới chân nàng .
Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang
Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh
Cớ làm sao nâng niu bầu giá lạnh
Ấp tranh người, lơ đãng ngắm thi nhân ?
Hay nàng nhớ nhung các phượng đền lân
Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc ?
Ôi, nàng ôi! làm sao nàng chẳng khóc
Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm
Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm
Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ ?
Ôi, nàng ôi! thốt lên, lời ngọc nữ
Lời trân châu rúng cả phím lòng tôi ...

Ngọc Kiều! Ngọc Kiều! Đến cặp song đôi
Cho tôi đọ vẻ hương trời sắc nước
Vẻ huyền diệu ứ men say lướt mướt



RE: ...Sưu Tập Thơ... - lanhdien - 19-03-2011

Trăm năm tình đã muộn
Diêu linh
(cho "hồ như lạ trăm năm" của Yên Chi)



trăm năm tình đã muộn
lòng chia ô nhánh sầu
sóng đời dâng cuồn cuộn
cuốn, xô, vỡ, hồn đau !

khi có nhau rất thật
ta vung vãi nụ cười
chừ hụt tay, vụt mất
tiếc nhau - cũng lỡ rồi

đừng gieo thêm huyễn mộng
dìm ta đuối một thời
phía chân trời còn rộng
ra đi, là đành thôi !

chút tình vừa lên ngai
đã khuỵu hồn gục ngã
hết rồi những đắm say
lời yêu chừ cũng lạ

hồ như còn nuối tiếc
sao tay níu, hững hờ ?
ừ thôi, không giã biệt
tiếc chi chút tình vờ

tóc thôi cài hương nhớ
tình đã khan môi cười
thơ hồ như rạn vỡ
trăm năm, đã muộn rồi !
11/08/04



RE: ...Sưu Tập Thơ... - Vũ Thiên Di - 19-03-2011

Trích dẫn:Nguyên văn bởi NhuNgoc91

HỢP ĐỒNG YÊU

Hai đứa cô đơn
Chẳng biết tình yêu tròn hay méo
Sợ ra đường người ta chọc ghẹo
Đành hợp đồng
Ký thỏa thuận
Yêu


Tôi phải ghé nhà em mỗi chiều
Đưa em đi chơi
Chè kem
Dạo phố
Đi shopping một tuần hai buổi
Và không được cười với những cô gái chưa quen...

Về phía em
Cho tôi nắm tay
Choàng vai
Vuốt tóc

Giúp chép bài những hôm tôi trốn học
Và nhất là hổng được khóc khi xa...
Hợp đồng được lập thành ba
Em và tôi mỗi người một bản
Còn bản kia cho cây bàng làm chứng
Ai sai lời... Sẽ thi rớt cho coi!

Hạ Vi Phong


thấy bài này hay hay nên post lên cho mọi người cùng đọc! Hihi, hợp đồng yêu nghe lạ nhỉ, chắc chỉ có trong thơ thôi.

Ngẫu hứng viết vài câu nha bạn happy

Vậy mà hôm nay
Chẳng biết anh chàng nào chơi trò độc ác
Bỏ vào cặp em lá thư tình màu xám bạc
Hẹn đón em
...và sẽ tỏ...
...lời yêu whew!


Em hoảng hốt phone cho tôi lập tức
Đón em học về...
...như cặp...
...tình nhân...
Tôi tự hào bảo vệ cô em nhỏ nhắn
Bỗng thấy mình giống Anh hùng cứu Mỹ nhân… laughing


Nắm tay em...
...bàn tay lạnh ngắt...
Vuốt mái tóc...
...thấy bờ vai em run rẫy…


Kể từ hôm ấy em như trốn tránh
Lần gặp tình cờ, mắt em chỉ khẽ lướt nhìn nhanh
Tôi cảm thấy bước chân mình hụt hẫng
Vắng em rồi, mới thấy khoảng trống không tên...
Bản hợp đồng lấy ai đối chứng...
Ai sai lời… ai sẽ chịu hậu quả thay tôi?...


d'oh

TD 22.01.2009


RE: ...Sưu Tập Thơ... - Vũ Thiên Di - 19-03-2011

HOA TRẮNG TÌNH YÊU

Ngô Văn Phú

Không lúc nào ta không nghĩ về nhau
Những ước mơ lặng thầm
Những khát khao gần gũi
Bao năm tháng chia xa bao chờ đợi
Đã bao giờ ta được sống gần nhau

Gặp gỡ làm chi cho vơ vẩn âu sầu
Cho trằn trọc nhớ thương, thương nhớ
Khi cái thiếu tìm về nơi sẵn có
Chưa đắp bù càng thiếu vắng cô đơn

Đôi mắt em ẩn náu nỗi niềm riêng
Câu cửa miệng em mong chờ kiếp khác
Anh cũng thế cứ như người bước hụt
Nửa sống cho mình, nửa biết sống cho ai

Vẫn cứ đi khắp bể rộng sông dài
Để lại phía sau lời yêu thương chưa bao giờ nói được
Để lại phía sau một tâm hồn đói khát

Để lại sau mình ...

... HOA TRẮNG TÌNH YÊU...

good luckrosegood luckrosegood luck


RE: ...Sưu Tập Thơ... - rêu - 24-03-2011

Lục bát trẻ - "Rừng ong đổ mật lại đời nhân gian" - phê bình - miên di

click vào bài đăng gốc




Được đăng bởi miendi.com 12/16/2010
Bài sẽ đăng trên Tạp chí Sông Hương, số tháng 5 - xin chưa chép dẫn.

(Xin cảm ơn Lê Vi Thủy, Trịnh Sơn và các bạn văn khác, đã gửi những thông tin về các tác giả trẻ, để viết bài viết nhỏ này).


Trong không khí cuối năm, muốn viết đôi chút về lục bát – một “dáng thơ” gần gũi với tâm hồn Việt, gần gũi như cái tết của mọi nhà. Với góc nhìn hạn hẹp của người viết, chưa thể nói lên được một bức tranh toàn cảnh về lục bát đương đại, nên sẽ không tránh khỏi việc bỏ sót những tên tuổi đã có công giữ gìn và làm mới thể thơ giản dị mà đáng yêu này.


Trong bài viết, cụm từ “lục bát trẻ”, xin không hiểu theo nghĩa tuổi tác, Những cái tên: Hương Đình,Vũ Thanh Hoa, Nguyễn Đức Phú Thọ, Hoàng Anh Tuấn, Lê Thị Kim Sơn, Nguyễn Lãm Thắng, Thúy Cỏ, Vũ Thu Huế, Trịnh Sơn, Thuận Nghĩa, Khúc Hồng Thiện, Lê Vi Thủy, Rêu… có thể cách nhau bằng thế hệ, nhưng mỗi người trong họ, đã mang đến cho lục bát những cảm thức đương đại, những thủ pháp thơ lạ và cả những hoài niệm xưa vắng, thân thương. Xin được bắt đầu, bằng những tác giả viết lục bát với một tâm tư về cội.

Tuổi thơ thường chan chứa những lời ru của mẹ, của bà. Có lẽ, lục bát đã thấm vào tâm hồn người Việt từ thủa mỗi chúng ta còn rất bé. Dù rằng thời xưa, khổ lắm! Quanh năm ăn cơm gạo hẩm độn khoai. Nhưng bù lại cũng có những niềm vui cho riêng mình, không như trẻ con bây giờ, đầy đủ đồ chơi, dư thừa kẹo bánh. Nhưng tâm hồn khát khô tiếng à ơi ngọt lịm.

Tuổi thơ tôi có Ngoại, những lúc giã trầu thường hát Trống quân và Chèo cổ. Bẵng đi gần hai mươi năm sau ngày Bà mất, vắng những cái giậm chân thay phách, vắng tiếng hát bồng bềnh. Gặp được tập thơ “Chênh chao tích Chèo” của Khúc Hồng Thiện, đã đưa tôi về với ấm áp của không khí hội làng xưa, ngay bài thơ đầu đã gọi lại những gì thao thiết ngỡ đã “bặt tin”:

“Làng mình vào hội hay chưa
Để cho Thị Kính bỏ chùa đi xin?
Nô biệt tích, Màu bặt tin
Trăm năm gửi lại oan khiên với đời”

Trong một khía cạnh riêng tư, tôi tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc với tác giả này - anh viết về “chiếu chèo”, một nét văn hóa từng là nguồn vui của cha ông, thuần khiết như ánh trăng đêm hội. Bằng vị thế của lớp người đang đứng bên này cây cầu lịch sử mà đoái vọng về, xa xót:

“Mầu, Nô góc bể chân trời
Chiếu chèo phó mặc mồ côi một thằng
Lênh đênh biết mấy mùa trăng
Thấp cao chân Thị cứ dằng dặc xa”

Đọc những câu thơ như thế, dễ nghĩ tác giả là một người tóc đã pha sương, đang lần tìm về địa đàng tuổi thơ đời mình. Nhưng ngạc nhiên! Khúc Hồng Thiện mới đang là một chàng trai 8x – khi các cây bút trẻ đang cuộn trào trên dòng chảy tự do, xuôi về những thể nghiệm mới. Riêng anh vẫn âm thầm, vẫn muối mặn gừng cay với lục bát và những gì tưởng đã cũ lắm rồi:

“phố này từ thủa cha ông
ngoài trăm năm đợi chúng ta hẹn hò”

Khúc Hồng Thiện trong “Chênh chao tích Chèo” đã thể hiện được một phông tư tưởng sớm biết sâu sắc. Có lẽ, với riêng anh, sự đi đến - trong một khía cạnh nào đó - không khác nghĩa tầm nguyên. Một người trẻ với lựa chọn cô đơn của mình đã tự dặn dò bằng lục bát. Và rủ chúng ta cùng về “làm xanh cổ thụ thế rồi lại xa” bằng những hình ảnh đậm màu hương hỏa “khăn piêu, áo cóm”:

“Mong em về kịp hội xòe
Khăn piêu áo cóm đừng khoe chốn này
Phố phường nghiêng ngả vì say
Làm sao cạn được chén đầy khi yêu”

Đứng ở góc nhìn một người đọc, cảm thấy mừng vui. Không phải mừng bởi tài năng của Khúc Hồng Thiện, cái gọi là “tài” - với Thiện, có lẽ đang còn đợi anh ở phía trước. Điều đáng ghi nhận nhất từ tập lục bát này là đã tỏ lộ được một người viết trẻ biết “ôn cố” để mà “tri tân”, biết dành sức trẻ vào lục bát, một thể thơ rất khó để một người trẻ có thể cậy vào nó để thành danh. Vì thế, thay cho sự ghi nhận về nỗ lực ấy, hãy cùng Khúc hồng Thiện “về” để thấy:

“em về kẻo lỡ cơm chiều
mưa giăng mắt bạc chớ liều bước chân

về đi em với chứa chan
về đi em với đại ngàn mà thương
quên đi, về với bình thường”

Và cùng anh “đi” để biết:

“Đi đường thấy nhớ ca dao
phố đông mỏi mắt phía nào cũng em

qua đường chợt nhớ dòng sông
cứ tơi bời chảy nhưng không bến bờ
xuôi theo câu lục thờ ơ
dòng bát lại ngược bao giờ thấy nhau”

Chúng ta vẫn đôi lần giật mình về “phong độ thơ” của những nhà thơ tiền bối, với những câu thơ hừng hực hơi thở đương đại. Và ngược lại, có lúc không khỏi ngỡ ngàng về lớp trẻ khi họ viết về những linh diệu ngàn năm, đẫm đề hương sử. Với Khúc Hồng Thiện, đã phần nào thuyết phục được người đọc, phần nào tỏ lộ được cái tài đã bắt đầu vượt qua nghĩa bản năng, bằng một không gian thơ mênh mang tiếng xưa, nồng nàn màu hoài niệm:

“Vẫn cùng một tiếng nỉ non
mà người ôm nhị đâu còn đẩy đưa

má hồng môi thắm ngày xưa
giờ văng vẳng tiếng chuông chùa thảnh thơi

những xênh, những phách, những lời
dóng lên vài tiếng lại rơi giữa dòng”

Và dường như trong lục bát, anh mới được… thật thà – thật thà với nỗi đau mất Mẹ, và được tự an trong cõi miền trắc ẩn riêng mình:

“Đêm nay mẹ rét lắm không
một mình nằm giữa cánh đồng xa xôi

còn con cũng một mình thôi
từ khi lạc mẹ thành người đa đoan”

Đọc Khúc Hồng Thiện, thấp thoáng một kiến văn sâu thẳm, anh nhìn tha nhân qua kích mục nhị nguyên, một cách không ảo tưởng, mô tả những mâu thuẫn trong cõi người một cách khá ý vị thông qua những hình tượng dễ thương:

“Bập bênh ngày bập bênh đêm
chang chang bên trắng êm đềm bên đêm
bập bênh cả những ngọn đèn
phía leo lét đỏ phía lèn lẹt xanh
phía nào cũng rặt mong manh
nửa quì sát đất nửa thành mây cao

Khúc Hồng Thiện đã mang đến cho lục bát trẻ một không gian văn hóa xưa. Nhưng cái thiếu ở cây bút này là chưa khai thác được những hình tượng đương đại, và trong lục bát của anh vắng thiếu những thủ pháp lạ. Mong rằng, ở những tác phẩm mới của anh, những sự thiếu vắng đó sẽ dần được hoàn thiện hơn.

Cùng với Khúc Hồng Thiện, những tác giả trẻ khác như Hoàng Anh Tuấn cũng đã thể hiện được điều đáng quí là sự chắt chiu những hình thức văn hóa xưa:

“Tò he xanh đỏ tím vàng
Mẹ mua mỗi độ chợ làng vào phiên
Chim cò, ngũ quả, cô tiên...
Nhỏ xinh đánh đổi nỗi niềm tuổi thơ”

Nguyễn Đức Phú Thọ cũng duyên dáng không kém với những hình ảnh nền nã:

“Tôi về cởi áo ca dao
Lời thương em nhặt bên rào bỏ quên”

Với Nguyễn Lãm Thắng thì “về cội” với một cách khác, anh đã nương vào nét mộc mạc của lục bát, để gửi vào đó những trăn trở giàu tính nhân văn, bằng một lối thơ chân phương, dung dị, nhưng thấm đẫm tình người:


“Tuổi bốn mươi chị làm dâu
Bàn tay run, mẹ têm trầu đêm qua
Sáng nay khách đến đầy nhà
Người gần hỏi chuyện người xa, tủi mừng
Ngày vui vui quá chừng chừng
Rượu vui mẹ cũng uống cùng mấy ly
- Muộn mằn cũng chút vu quy
Mong sao có nghĩa có nghì với nhau

….
Mẹ ơi! con ngại con ngần
Đêm hôm trái gió mẹ cần... gọi ai?!"

Ở góc độ làm mới lục bát, có thể bắt đầu kể bằng cái tên tác giả Trịnh Sơn - người viết rất ít lục bát - nhưng lục bát Trịnh Sơn có cái lối ngắt nhịp gây hẫng là lạ và cái chất siêu thực đến mức ám ảnh:

“Tử ơi Tử còn trăng không
bán cho một nắm thắp lòng qua đêm
đau điên máu đỏ đổi tên
- trắng chi mà trắng Vĩ ?
em
- dạ
Buồn

Nỗi đau trong lục bát Trịnh Sơn cũng ám ảnh, những câu thơ như tiếng “xé lụa”, như róc những mảnh thịt da nhạy cảm ra khỏi cốt tủy:

“Tử ơi Tử
quỷ hay người
bán cho một nắm biển cùi lở xưa”.

Cấu trúc ngôn ngữ trong lục bát Trịnh Sơn có nhiều nét mới, anh chủ động tạo nên một sự khúc khuỷnh trong tổ chức từ ngữ, nhằm tạo hiệu ứng từ sức biểu cảm của từ:

Trăng kìa trăng cháy một trăng
Lần khần phố cõng bóng dằn vặt nghiêng

Nguyệt ngày thắp nốt muộn mằn
Thõng vai ngó cuộc nhân trần trụi qua
Vú căng eo thon thả già
Nửa đêm mười sáu phấn và son phơi

Nguyệt khuya khua guốc ngang trời
Rượu tràn nước mắt chảy hời hợt Giêng

Tay không tôi bắt sắc huyền
Ngại ngùng em bế con
Nghiền ngẫm ru

“Ai mua
Quá chén
Trăng mù…

Trong lục bát Trịnh Sơn, sự trúc trắc của ngôn ngữ sắp đặt “gõ” vào cảm nhận người đọc trước, ý tứ là cái đến sau, ngỡ ngàng làm đầy cảm hiểu. Vì thế đọc một bài lục bát Trịnh Sơn phải không ít hơn hai lần thì mới tìm thấy được cảm xúc trọn vẹn:

“Có mùa xuân cũ chưa qua
Đã tàn khúc chậm Chạp hà hơi Giêng
“Mé đìu hiu tình sướng rên” *
Một ngày như một mình ênh suối nguồn
Một ngày như một luôn luôn
Một ngày như một sắc hương huyền hường

Có mùa xuân mới lỡ đường
Ghé tìm nhau hỏi nỗi buồn còn không"

(* Một ý của nhà văn Duyên Anh - theo Trịnh Sơn).

Với nhà thơ Hương Đình, vốn là một tiến sĩ toán học – anh đã đi từ “Ngậm ngùi” xưa của Huy Cận đến với “Ngậm ngùi nay” của chính anh bằng một khoảng cách… toán học. Với thói quen tư duy người ban Toán, anh đã… số học hóa những nỗi niềm, tạo nên một cá tính thơ có màu riêng:

“Nắng chia nửa bãi
nửa bãi mưa nhòe
vườn hoang trinh nữ đi về
véo von

Tơ rách
Nhện rơi 1 con
99 con chim mộng hết hồn
hót ran

Thùy dương chết đứng
hóa con hạc vàng
hạc vàng mất ngủ
ngổn ngang gió lùa

Thương đau chín rụng mấy mùa
100 trái cấm bỏ bùa cho sư”.

Một blogger có cái tên lạ: “Không Danh Phận”, lạ như lục bát của tác giả này - anh còn có một pháp danh là Thuận Nghĩa - một người Việt tha hương. Thuận Nghĩa với chuỗi lục bát dài hơi: “Níu Xưa Lục Bát Đôi Câu” đã thật sự để lại trong lòng những người yêu lục bát nhiều ấn tượng đẹp, anh đưa vào lục bát một ngôn ngữ chỉ thấy được ở Thuận Nghĩa - một ngữ điệu thơ lạ:

“rút mây đan cái ngảo chiều
hứng thu nhốt rọ khỏi rêu rao vàng
bệt ngồi vạt chớm mùa sang
nhìn con én dại cuối ngàn lạc bay”

Ta đọc thấy trong lục bát Thuận Nghĩa một cách tư duy thơ rất riêng, trong cách tư duy ấy anh đã đưa được cái chất - phi - lý của tiểu vũ trụ Thuận Nghĩa dung hòa được với cảm hiểu người đọc một cách tài tình, bằng cách táo bạo, lấy những động từ “chẻ - chuốt” ghép vào những thực tại rỗng “ngày”,“tiếng chuông”:

“chẻ tiếng chuông chuốt thành ngày
trang kinh xé xếp thành bầy chim di
thả trôi sông sóng rầm rì
bọt rêu vỗ vả tìm về bến tơ”

Có thể nói, trong những người viết lục bát hiện nay, Thuận Nghĩa là người hiếm hoi có được sự toàn diện. Lục bát của anh vừa giàu các thủ pháp thơ ca, ngôn ngữ đẹp và cùng lúc đẫm màu triết lý. Có lẽ những thăng trầm của cuộc đời đã cho Thuận Nghĩa một khối trải nghiệm đồ sộ - điều đó đã mang đến cho thơ anh cái mà những tác giả trẻ tuổi chưa thể có ngay được là: tính triết lý – một triết lý nhẹ và sâu:

“đành thôi đập vỡ cuộc chờ
khẩy tìm cái hạt bất ngờ trong nhau
bạn ơi nhẹ mũi dao sau
máu hồng không nhuộm bạc đầu thành xanh

đừng em chặt nhánh đốn cành
thương anh cắn cỏ ngậm vành ngày xưa
có bao nhiêu ấy cho vừa
bao nhiêu cho đủ cuộc đùa nhân gian”

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, thật khó để nói hết về chuỗi lục bát “Níu Xưa Lục Bát Đôi Câu” của Thuận Nghĩa – có thể xem đây như một cách để dành lại cho sự tìm đọc của các bạn yêu lục bát.


Với những tác giả nữ, âm vị 6-8 của lục bát dường như luôn vừa vặn với những tiếng khúc khích của những cô gái chưa chồng, còn ở cái tuổi siêng mộng lười mơ – lục bát “Thúy Cỏ” - một tác giả nữ còn rất trẻ, rất xinh xắn với những từ láy, điệp âm:

“Níu vào cái dửng dừng dưng
Ngẩn ngơ nhạt đóa phù dung. Chớm mùa

Người đi gót mộng nhạt nhòa
Dấu in chát đắng giữa thật thà đau
Người đi tận đẩu đầu đâu
Sót rơi một khúc kinh cầu chứa chan”

Lục bát “Thúy Cỏ” hiền lành như một cô gái mới lớn, nhưng sớm biết trắc ẩn - nó gợi cho người đọc một mơ hồ về nỗi truân chuyên của những hồng nhan, mà từ xa xưa nàng Kiều đã gặp: bạc phận đã mặc sẵn từ sâu thẳm thiên tư:

“Người về rót bóng...
Mùa xưa
Thôi
Vàng vọt nắng
Nhạt mưa
Rụng chiều
Thời gian khô xác rong rêu
Chếnh cha chếnh choáng lời yêu cũ mèm
Cơn mơ thòng lọng vào đêm
Mộng nhau hóa đá ngủ quên nẻo gầy
Nhặt từng mảnh vỡ vụn ngày
Chắp lên miền cũ bầm trầy trật đau

Khép rồi...
Phía chẳng còn nhau
Trẽn trơ cả một khúc nhàu nhàu thơ”

Và trong “hơi thơ” của tác giả nữ trẻ này, một chất “đàn bà” đâm đẫm - đã bắt đầu hé lộ - hứa hẹn trong một tương lai không xa, lục bát của “Thúy Cỏ” sẽ có nét riêng mang, kín đáo tỏ bày những nỗi niềm thầm kín của thân phận đàn bà:

“Vỡ rồi!
Biêng biếc giọng cười
Dớn da dớn dác đôi lời mà chi

Ngả nghiêng...
Ướt mí nhu mì
Em ghen cháy cả xuân thì. Bỏng môi!”

Vũ Thanh Hoa – qua bài “Lục bát @” đã khơi ra một hình ảnh mới, chứa đựng nỗi niềm của người đàn bà đương đại, đã thôi không còn quẩn quanh trong bếp núc nữa – mà đôi khi cô đơn lạc trên bàn phiếm, màn hình máy tính xanh xao như giao diện mới của những thân phận đàn bà:

“em ngồi sắp xếp chiêm bao
Off mùa hò hẹn
Save vào
từng File

cuộc tình ngắn
cuộc tình dài
dư âm
đồng vọng
hình hài tình nhân

bán buôn
cho trắng
nỗi buồn
nợ nần
vay trả
vuông tròn
Shut down...”

Lê Thị Kim Sơn cũng rất nhu mì với những nỗi phiền trong thơ, nỉ non như tiếng côn trùng giữa lòng đêm thiếu nữ:

“Đêm nông tiếng dế khóc hờ
Tình sâu hun hút vật vờ cỏ non
Xuân còn mấy nỗi cỏn con
Phù dung giăng ngõ véo von bóng người
Phấn son ngày ấy đã lười
Hoa kia đã nhạt, hương trời phôi phai
Xa rồi… còn nhớ đến ai
Xót ngày đợi cửa hôm mai đứng chờ…”

Có thể nói, cái hay của lục bát nữ không ở sự táo bạo về mặt thủ pháp, nhưng có thể thấy được trong họ sự tinh tế, nhạy cảm mà khó có được ở những tác giả nam. Với Vũ Thu Huế là một quay quắt với những bao dung đầy nữ tính, hạnh phúc trong lục bát của Huế, cũng mang màu cam chịu:

“Về đi
người của em thương
sao đi đi mãi
dặm trường bể dâu
về đi
xoan tím vườn sau
ngàn nưa đã mỏi
am sầu
sầu riêng”

Một tác giả nữ khác, có cái tên rất gợi là “Rêu”, cũng đã mang nỗi buồn nhẹ tênh vào lục bát, thơ Rêu cũng như cái tên của cô, nghe buồn trơn, Dù đôi khi cô vẫn dặn người “Giữ cho mình một chút vui. Chút lấn cấn, chút ngậm ngùi, anh nhe!”. Nhưng đọc lục bát của Rêu, níu đâu cũng ngã nỗi niềm rêu riêng:


“Ẩn trong đôi mắt buồn tênh
Là ngàn lời nói bỏ quên cõi người
Bởi còn vướng lửng nụ cười
Là môi hoa đó biếng lười, chừa chưa?



Hình như lòng vẫn chưa yên
Đời buồn se
tiếng thở phiền
đa đoan”.

Với Lê Vi Thủy, thì có vẻ rụt rè với lục bát. Dù rằng với thể thơ tự do, Lê Vi Thủy đã xuất hiện trong làng thơ với một sự nhạy cảm hiếm có, bằng những hình tượng rõ nét tâm tình đương đại – nhưng “em Pleiku” lại rất cẩn thận để cuối cùng đã “bỏ buông” với lục bát:

“Dấu vào sâu thẳm bâng khuâng
Chiều cơn mưa đổ sao không chớp nguồn
Bỗng dưng chiếc lá bỏ buông”

Sau bài “Rêu biếc”, Lê Vi Thủy thật thà rằng sẽ… không làm lục bát nữa! Có thể đây chỉ là câu nói đùa, nhưng cũng xem như là sự kính ngưỡng của một người trẻ với phong thể lục bát – tuy giản dị đấy, nhưng để thành “thơ” sao mà khó vô cùng. Ở đây, cần ghi nhận một thật thà đầy trách nhiệm ở Lê Vi Thủy, khi thấy mối tiên cảm của mình không có được cái “duyên” với lục bát. Khác với sự cẩu thả của một số tác giả đã tầm thường lục bát, vốn rất linh thiêng…

Lục bát là một nét văn hóa của cha ông ta để lại. Chúng ta vẫn biết, sau khi đi qua những đổi thay, Văn hóa luôn là cái lõi nguyên tuyền còn lại – những gì gọi là “phủ nhận”, “đập phá”, “đào thải” của dòng chảy sử tính, chỉ có tính chất đẽo gọt đi những mảng bám hủ tục phía ngoài cái lõi quí giá ấy. Lục bát như là sự nguyên tuyền đó - sẽ mãi không bao giờ mất đi.


Những điều trên thôi thúc tôi viết về những tác giả đã dành tâm huyết vào lục bát, nhất là những tác giả trẻ, đã chọn lục bát để dấn thân - một con đường dấn thân rất khó. Lục bát vốn không trao cho người viết trẻ nhiều cơ hội để làm mới, táo bạo quá thì làm hỏng phong thể lục bát, kinh viện quá thì chỉ lập lại những lối đi đã sáo mòn. Cấu trúc của lục bát vốn giản dị, nhưng lại có khả năng dung chứa mọi thủ pháp thi ca và có thể chuyên trở được tâm tình đương đại với một âm vị đầy chất Việt. Nhưng để làm mới được lục bát, cần rất nhiều tìm tòi, tâm huyết, có khi “một sự nghiệp thơ” của một đời người vẫn chưa đủ. Vì thế, trong những ngày đầu xuân này, thật vui khi thấy những tác giả của chúng ta vẫn đang nắm tay nhau cùng viết lục bát, mỗi người mỗi vẻ lấp lánh trên bầu trời thơ Việt. Xin lấy đôi dòng lục bát của cụ Bùi Giáng, thay lời cám ơn nhưng tác giả đang mỗi ngày gìn giữ và làm mới lục bát, họ như “Rừng ong đổ mật lại đời nhân gian”:

“Bước chân chớ vội vã gì
Xuân là trì ngự trên kỳ mộng rơi
Con chim mang lá về trời
Rừng ong đổ mật lại đời nhân gian”

Pleiku – những ngày cuối năm 2010

miên di


RE: ...Sưu Tập Thơ... - Dự Long - 31-03-2011

Bởi vì không thể quên

Bởi vì không thể quên
nên ta hiểu cảm giác của cả triệu người trên thế gian
đã từng yêu ai đó hơn chính bản thân mình!

Những tháng ngày chỉ cần sống cuộc đời bình thường
nấu cho nhau một bữa ăn
mua một viên thuốc khi người kia đau ốm
hay vuốt giùm sợi tóc bay ngang tầm mắt…
nhưng ta biết chẳng dễ gì bên cạnh người được
chẳng dễ gì có thể sẻ chia…

Đã bao giờ người muốn gọi tên ta
muốn ngủ mãi trong giấc mơ mà không thức giấc
muốn chối bỏ đời sống này vì mất đi tình yêu duy nhất
muốn giọt nước mắt cuối cùng sẽ rơi trên vai ta mà không là ai khác
muốn nhìn thấy ta hơn tất cả những hi vọng trên đời…

Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người
khi nhìn thấy nhau nhưng không cách nào bước tới
khi lướt qua nhau và nghe rõ nhịp tim của người kia đau nhói
khi rời xa nhau mà ngay cả ánh mắt cũng không bước đi nổi
xót xa nào hơn…

Người có biết mình mắc nợ chính bản thân mình
cứ mãi loay hoay tìm cho ra một điểm tựa
không phải con người này, không phải ngôi nhà này… mà là ở nơi đó
với một vòng tay bao dung!

Ta không hề muốn sống cuộc đời của những mẫu số chung
yêu một người và lấy một người khác…
rồi tự an ủi mình miễn là có một bờ vai bên cạnh
tự an ủi mình ai cũng giống như vậy thôi???

Người vẫn giữ cho riêng mình một khoảng trời
nhưng đã chôn giấu vào tận góc tâm hồn không có ánh sáng
người không muốn nhìn lại, không muốn rơi nước mắt…
dù trái tim mỗi ngày tự nó làm mưa tuôn…

Bởi vì không thể quên
nên (không chỉ riêng) ta không thể tự tha thứ được cho chính mình!

Nguyễn Phong Việt