Vào những ngày đầu tháng 4 này, cái tên Lãnh Diện được nhắc đến trên khắp các mặt báo trong và ngoài nước. Sự chú ý mà người ta dành cho thi bá chỉ sau sự kiện Fukushima. Đối với giới văn nghệ sĩ, tiếng vang của tập thơ “Người thổi kèn cuối phố” mà thi bá mới cho xuất bản còn gây rúng động thi đàn hơn cả vụ nổ 3 lò phản ứng hạt nhân cộng hưởng.
Đây là hiện tượng đặc biệt nhất trên văn đàn VN đầu thế kỷ 21.
Cái gì đã làm nên sức hút kỳ lạ của thi phẩm Lãnh Diện đối với công chúng?
Cái gì khiến cho tên tuổi một nhà thơ xuất thân từ giới kinh doanh này làm lu mờ hết thảy những Tố Như, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Trần Dần, Phều Phào, Hoàng Vĩ Nhiên...?
Sáng nay, thi sĩ Lãnh Diện đã dành cho tạp chí “Thi học mới” một cuộc trò chuyện thân mật, sau đây là nội dung do nữ phóng viên Chương Thim thực hiện và ghi lại...
* * *
(Ghi chú của PV : Như đã hẹn, thi bá xuất hiện trước mặt tôi đúng 8 giờ sáng trong bộ veston mới cóng, chân đi dép lào, đầu vấn khăn xếp, tay cầm quạt mo cau phe phẩy.)
CT : Chào anh, bây giờ là 8h sáng. Anh đã làm được bài thơ nào cho ngày mới chưa?
LD : Vâng, chào chị. Khi nãy thì chưa, nhưng nhìn chị là tôi có thơ ngay rồi. (cười)
CT : À, thế anh đọc cho em nghe thử đi!
LD : (vừa rót hai cốc nước lọc, vừa ngâm nga)
Sáng nay là ngày đẹp trời cùng cục
Gặp cô nhà báo xinh tươi hùng hục
Tôi rót mời cô một ca nước lọc
Nước đi vào cô trôi theo chiều dọc
Lóc bóc xóc à ơi ơi à ời
Thương nhau chín bỏ làm mười phảy năm
(Ghi chú của PV : tôi đã xúc động tận đáy lòng khi nghe nghe bài thơ này được đọc lên bởi chính nhà thơ vĩ đại ấy. Để mặc tôi ngồi suy tư, anh đưa tay cắm lại mấy bông hoa trong bình, thỉnh thoảng liếc về phía tôi cười hồn hậu. Mấy phút sau tôi mới tiếp tục trò chuyện được bình thường.)
CT : Thơ anh dùng từ lạ quá. Sao lại “đẹp trời cùng cục”? Em cảm nhận được vẻ đẹp sâu sắc trong câu này, nhưng không thể lý giải.
LD : Cái này chị đừng cố lý giải. Ngôn ngữ thơ là cái gì đó hoàn toàn khác ngôn ngữ bình dân. Chị có bao giờ nhìn thấy một đàn gà con theo mẹ chúng nhàn nhã đi trong vườn vào một buổi sớm mai? Khi ấy, chị hãy lắng nghe tiếng “cùng cục” của gà mẹ. Hãy nghe bằng trái tim. Chị sẽ thấy như tôi đã, rằng gà mẹ đang nói với đàn con về buổi sáng đẹp trời này.
CT : Thật kỳ diệu! Những câu đầu thì rất hiện đại, nhưng hai câu cuối lại đậm chất ca dao. Thậm chí ngay trong câu thứ 5 đã có 2 phần trái ngược : nửa đầu là cách dùng từ ngữ của thơ hậu hiện đại, nửa sau mang âm hưởng lời hát ru. Làm sao anh có thể tạo ra một sự kết hợp hài hòa đến thế?
(Ghi chú của PV : thi bá bắn một điếu thuốc lào, gật gù phả khói lên trời, mơ màng)
LD : Cái này là chị rất tinh tế đấy. Cái này ấy, cái này tôi gọi là sự giao phối giữa truyền thống và hiện đại. Sự giao phối chị ạ! Nhiều anh nhà thơ bây giờ mải mê chạy theo cái mới mà lãng quên cái cũ. Cụ Nhiên bảo : “Thi học dân gian mênh mang như biển”. Cái này cụ ấy nói là không sai đâu chị ạ! Chúng ta có lịch sử 4000 năm cơ mà. Cho nên tôi thưa với chị là dù có hiện đại đến đâu, cách tơn đến đâu cũng không thể xa rời các giá trị truyền thống. Mà không phải là nói suông nhé! Cái sự giao phối ấy nó phải thể hiện mọi nơi mọi lúc. Đây, chị nhìn tôi đây này! Tôi có hiện đại không? (Thi bá dùng tay trái rút chiếc iPhone 4G giắt ở cạp quần ra chạm chạm vào chiếc áo ves đang mặc). Tôi có truyền thống không? (Thi bá lấy tay phải giơ cái quạt mo lên cao dứ dứ vào cái khăn xếp trên đầu). Đấy cho nên tôi nhấn mạnh ở cái chỗ ấy. Phải giao phối, tích cực giao phối giữa truyền thống và hiện đại. Chị hiểu ý tôi chứ?
CT : Em cũng chỉ hơi hiểu hiểu thôi ạ! Bây giờ cho em hỏi câu khác. Điều gì đã khiến anh bước chân vào thi đàn? Theo tìm hiểu thì anh mới chỉ làm thơ cách đây một thời gian ngắn thôi phải không ạ?
(Ghi chú của PV : thi bá lại bắn một điếu thuốc lào)
LD : Cái này khó nói lắm chị ạ! Nó như nhà duyên nợ, như là nghiệp dĩ. Nó lại như là một sự dồn nén thúc đẩy từ bên trong. Cái này thì nhiều nhà phê bình thơ tôi đã nhắc đến. Chị phải làm thơ mới biết. Cái sự dồn nén cảm xúc từ bên trong rất là gây khó chịu. Khó chịu lắm. Nó dồn lên, đầy ứ, làm mình đau tức, phải xả ra, xả nữa, xả cho bằng hết. Thế là cái thơ tôi nó tuôn trào, khi sè sè, khi ồ ồ, mặc kệ, nó phải tuôn trào ra mình mới dễ chịu. Đấy, cái đấy tôi chỉ có thể nói như vậy.
CT : Khiếp! Anh nói nghe cứ như một bậc tiểu tiện, mà theo em biết thì trong giới tiện sĩ, anh đã thuộc hàng đại tiện rồi chứ nhỉ!
LD : Chị vui tính quá! Lời thiên hạ đồn đại hơi nào mà tin (cười).
CT : Trước kia anh tề danh với tứ đại thi nhơn, nhưng bây giờ danh tiếng của anh đã vượt trội họ hoàn toàn. Em nghĩ là phải có một sự đột phá nào đó giúp anh đạt được thành công như hiện nay. Cái đột phá ấy là gì? Anh có thể cho bạn đọc của chúng em biết không?
LD : Đột phá à? Thế này chị ạ. Thứ nhất, theo cách nói của các cụ mình xưa thì đột phá nghĩa là “tức nước vỡ bờ”. Thường khi người ta tích lũy đủ kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng... thì người ta dừng lại. Người ta hài lòng dừng lại đó, không tích lũy nữa vì nghĩ thế là đủ rồi, cho nên họ không có đột phá. Còn tôi khác. Tôi có cái sì tin của tôi. Tôi tích lũy không ngừng, và thế là tự nó phải dẫn đến chỗ đột phá.
Cái thứ hai nữa là thời vận chị ạ. Tôi được vận may rơi trúng. Đây là chuyện của toán xác suất, chắc chị hiểu hơn tôi. Đầy người có tài không kém gì tôi đâu. Chị đọc thơ anh Ngạo, anh Chớp, anh Hớ, anh Phều mà xem. Cũng hay lắm chứ? Nhưng mà họ không gặp may, không có thời. Cho nên họ phải ở phía dưới tôi, phải nghển cổ lên ca tụng tôi. Đời mà!
Nhưng nếu chỉ đổ cho thời vận như thế là chúng ta rơi vào khách quan chủ nghĩa, thiếu tính biện chứng khoa học, là phủ nhận con người cá nhân. Cho nên cái tôi muốn nói đây nữa là bản thân tôi phải có gì đó hơn người khác chứ, phải không chị? Thằng khác gặp may như tôi chưa chắc đã tận dụng được cơ hội, chị có đồng ý không nào? Cho nên cái này tôi tự thấy là mình có tố chất thiên tài. Đấy, tôi nhấn mạnh cái ấy. Tố chất thiên tài. Còn tố chất thiên tài ấy cụ thể là gì thì để cho các fan của tôi phân tích, chứ tôi tự nói ra làm gì, phải không chị?
CT : Vâng, nói theo cách biện chứng thì thành công của anh là nhờ tổng hòa các điều kiện khách quan và chủ quan. Thôi giờ cũng muộn rồi, xin phép anh cho em hỏi một câu cuối cùng : anh muốn nói với độc giả điều gì nhất vào lúc này?
(Ghi chú của PV : thi bá lại bắn một điếu thuốc lào)
LD : Tôi cũng đang định bảo chị để hôm khác trò chuyện tiếp chứ ngồi lâu với chị thế này con vợ tôi nó không thích đâu. Tôi thì thích gần gũi chị. Nhưng con vợ tôi thì rất là không thích... Ấy chết, chị đừng hiểu lầm. Tôi đang trả lời câu hỏi của chị. Ý tôi là vấn đề quan điểm cá nhân. Giả sử chị là một đối tượng nghệ thuật, tôi thích chị nhưng con vợ tôi lại không thích. Cái này là ở chỗ quan điểm cá nhân khác biệt. Thì thơ tôi cũng thế. Có người thích, hết lời ca ngợi, đôn tôi lên tận mây xanh. Lại có người không thích, tìm đủ cách lôi thơ tôi ra chặt chém. Cho nên tôi bảo là sự khác biệt quan điểm. Nó hết sức là bình thường. Các độc giả không nên quá khích. Thơ tôi không chỉ cho một thế hệ người đọc mà cho nhiều thế hệ mai sau nữa. Nhiều vị không đủ tầm để hiểu, nhưng lại thích bình phẩm bôi bác, đấy là cái rất có hại cho tình hình văn học nước nhà. Thì tôi bảo các vị ấy rằng hãy sống thêm 300 năm nữa đi, lúc ấy các vị đọc lại những bài thơ tôi mà các vị đã chê, các vị sẽ hiểu các vị đã nhầm. Với các fan của tôi, tôi chỉ muốn nói là Lãnh Diện rất yêu các bạn. Lãnh Diện sẽ làm hết sức mình để không phụ lòng mến mộ của các bạn.
CT : Vâng, xin cảm ơn nhà thơ. Kính chúc anh có thêm nhiều đột phá nữa trên con đường thi ca tuy lắm chông gai nhưng cũng đầy hoa bướm. Hẹn gặp lại anh vào một dịp khác.
LD : Cảm ơn chị và quý báo.