Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm)
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Trang: 1 2 3 4 5
Một tâm hồn mênh mang ảo diệu
Thanh Thảo

Không chỉ làm thơ, dịch tiểu thuyết, viết sách khảo luận triết học, Bùi Giáng còn viết rất nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy bút về thơ. Đọc những tùy bút này, ta nhìn thấy tâm hồn ông mênh mang ảo diệu, thăm thẳm như bầu trời. Ông cảm nhận được những điều tinh vi huyền bí nhất của thi ca. Ông đúng là tri âm của các thi sĩ. Chúng tôi xin giới thiệu một bài trong số đó, đây là bài Bùi Giáng viết về Tuệ Sỹ, trích trong tập Đi vào cõi thơ.

Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi


Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.


Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm ? Một bài thơ "Không đề" của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.

Ông đáp: Để về hỏi lại ni cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời
Hội cũ


Xin xuống dòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì ? - Khung trời hội cũ.

Một hội Đạp thanh ? Một hội nao nức ? - "Giờ nao nức của một thời trẻ dại ?".

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ...

Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh... Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.

Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi điều "phải nói" với mọi người "muốn nghe" với riêng mình "không thiết chi chuyện nói".

Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).

Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.

Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: "Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (... ...). Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế ?".

Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch !

Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả

mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.

Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ


Đôi mắt ướt ? Đôi mắt của ai ? Vì sao ướt ? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh ?

Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.

Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng ?

"Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang"

Áo nào màu xanh ? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối ?

Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn


Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ ? Mình là thân Bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ ? Dám gác bỏ kệ kinh ? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn ?

Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan


Ta tưởng như nghe ra "cao cách điệu" bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.

Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn ? Ngồi trên một đỉnh đá ? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?

Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình sừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du:

Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng


Một tiếng "buồn chăng" lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi:
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh


Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ ? Một tuổi xuân chưa vừa ? Một tuổi vàng sớm chấm dứt ? Một tuổi "đá" sớm từ giã mọi yêu thương ?

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn


Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thư khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.

Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.

Thanh Thảo
Bùi Giáng : Đôi mắt lạc thần
Tác giả Thanh Thảo

Đọc bài viết rất hay của nhà văn Đặng Tiến (Paris) về Huy Cận, tôi dừng lại ở đoạn anh Đặng Tiến viết về Bùi Giáng ngợi ca thơ Huy Cận, và chợt nhìn năm sinh cùng năm mất của Bùi tiên sinh: 1926-1998. Vậy là Bùi Giáng sinh năm Bính Dần và mất năm Mậu Dần. Trọn trong vòng Hổ. Một con hổ rất hiền nhưng vẫn là hổ chánh hiệu, không phải "hổ kiểng". Nhưng vẫn là hổ phải xa rừng, phải "lìa xa cố quận".

Nói đến hổ, tôi lại chợt nhớ, cái gây ấn tượng nhất cho tôi khi lần đầu (và cũng lần cuối) gặp Bùi Giáng chính là đôi mắt của ông, một đôi mắt lạc thần. Sau ngày Bùi Giáng mất, nhà thơ Nguyễn Đỗ có làm một cái phỏng vấn tôi qua điện thoại về Bùi Giáng, xin được trích một đoạn có liên quan đến đôi mắt kỳ lạ của Bùi tiên sinh: "Nguyễn Đỗ: Thưa anh, nhắm mắt lại, gương mặt nhà thơ Bùi Giáng như thế nào trong anh ? Thanh Thảo: Dù nhắm mắt hay mở mắt thì tôi cũng chỉ hình dung một Bùi Giáng như người cõi khác về chơi cõi này. Chơi chán thì đi, thế thôi. Cả gương mặt Bùi tiên sinh dồn vào đôi mắt: một đôi mắt lạc thần. Đó là đôi mắt luôn nhìn quá. Dù Bùi Giáng đọc thơ, nói cười, múa hát, thì đôi mắt ấy vẫn im lặng. Nguyễn Đỗ: Người ta cho rằng: điên hay bất bình thường là một thuộc tố của thơ ca. Còn anh ? Thanh Thảo: Tôi không biết. Nhưng tôi biết một điều: làm thơ là một quy trình bất bình thường: đang nói năng bình thường thì lại có người nói năng theo vần nhịp, bằng bằng trắc trắc... chẳng là bất bình thường ư ? Còn điên? Ai mà chẳng có những cơn điên trong đời, kể cả những người không làm một câu thơ. Chỉ có khác, với những người làm thơ, những cơn điên lúc họ làm thơ là những cơn điên-tỉnh. Điên hoàn toàn cũng không có thơ, mà tỉnh hoàn toàn thì dẫu có thơ, thơ ấy cũng... dở". Như thế, theo tôi, Bùi tiên sinh là người có nhiều "cơn điên" trong đời hơn chúng ta, những kẻ bình thường. Điều đó biểu hiện trong thơ ông, một giọng thơ khác thường, thậm chí lạ thường:


"Gấu ôi điềm tĩnh đi ngang
Cọp ôi dừng bước giữa hàng thơ hoa
Đi về trong cõi người ta
Trước là thi sĩ sau là đười ươi
Trận sầu kết chặt cơn vui
Tiền trình vạn lý chôn vùi dấu chân"



Bài thơ của Bùi tiên sinh có nhan đề Gấu ôi, một nhan đề rất... chơi, nhưng bài thơ thì tuyệt vời sâu sắc và rất... hiện thực, nếu ta hiểu sâu hơn về thân phận nhà thơ, thân phận của thơ. Thi sĩ, theo Bùi Giáng, là vậy, khó thoát khỏi cái vòng karma đi về giữa thi sĩ và đười ươi. Nhân đây cũng nói thêm, chữ đười ươi là chữ Trung Niên thi sĩ rất hay dùng, với ý hoàn toàn nghiêm túc chứ không mảy may cợt đùa, với ý ngợi ca chân thành chứ không một chút chua cay giễu cợt. Và nếu ai có điều kiện đếm thử (bằng máy tính) xem Bùi tiên sinh đã dùng trong các tác phẩm của mình bao nhiêu chữ đười ươi, cũng như bao nhiêu chữ cố quận, có lẽ thống kê ấy sẽ góp phần giải mã được thơ Bùi Giáng, một giọng thơ đang chơi chơi đột nhiên thăm thẳm, những từ ngữ như bị hút vào lỗ đen, giống những ngôi sao bị lỗ đen hút tuột. "Lòng đi trong cõi người ta/Lòng đi đi mất đi là đi đi/", hai câu lục bát có đến 6 chữ đi trong tổng số 14 chữ mà khi đọc ta tự nhiên bị hút vào không hiểu vì sao, không giải thích được. Thơ có lẽ là thế chăng ?


Trở lại với cái duyên Huy Cận-Bùi Giáng mà nhà văn Đặng Tiến đã viết rất hay, ta mới biết, hóa ra chữ cố quận mà Bùi Giáng dùng như một bửu bối trong đời thơ của mình, hai chữ ấy bắt đầu từ Huy Cận, chính xác là từ hai câu lục bát trong một bài thơ của Huy Cận viết khoảng năm 1942, bài thơ chưa một lần được in sách: "Tâm tình một nẻo quê chung,/Người về cố quận, muôn trùng ta đi". "Cố quận" là một từ Hán - Việt, nhưng có lẽ đã được Việt hóa hoàn toàn kể từ khi Huy Cận dùng trong thơ và được Bùi Giáng tô đậm lại trong suốt đời thơ của mình như một giai điệu chủ. Trong trước tác Lời cố quận và lễ hội tháng ba, Bùi Giáng dịch giải M.Heidegger bình thơ nhà thơ Đức Hoelderlin, tiên sinh đã thổ lộ cơ duyên vào thi ca của mình: "Khoảng năm 1943, ở Việt Nam có thằng thiếu niên Việt gặp được một vần lục bát in rơi rớt trên một tờ báo bạn đường: "Tâm tình một nẻo Quê Chung/Người về Cố Quận muôn trùng ta đi/". Hình như man mác trong không gian, thường có những niềm tương ngộ. "Bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao Bùi Giáng mê thơ Huy Cận đến vậy! Có một "niềm tương ngộ" nào đó giữa họ. Nhưng hơn tất cả, họ đã gặp nhau trong thơ. Mà với họ, thơ mới là "cố quận" cho suốt một đời họ.

Trở lại chuyện Bùi tiên sinh coi bói cho tôi hồi tháng 5/1975. Với đôi mắt lạc thần, ông nhìn tôi nhưng lúc ấy tôi có cảm giác ông đang nhìn tận đâu đâu. Bùi Giáng phán: "Anh là người bất định". Chịu thầy ! Tôi thì có định gì đâu, cho tới bây giờ, tôi vẫn là người bất định (!). Chỉ một câu nói có vẻ chơi chơi, có vẻ tình cờ ấy thôi, tôi nghiệm lại mấy chục năm đời mình và thấy đúng quá! Nó cũng giống như những câu thơ Bùi Giáng, mới đọc tưởng chơi, tưởng điên, tưởng ông chọc quê, nhưng rồi với thời gian, với sự trải nghiệm trong đời, đọc lại, ta bỗng như phát hiện một điều gì, cảm thấy xa xót một nỗi gì. Những thi sĩ như Bùi Giáng, nói là điên cũng ừ, họ điên giùm cho chúng ta đấy ! Mà thế nào là điên cơ chứ ? Theo tôi, những người không tự biết mình, những kẻ cứ "bé cái nhầm" tưởng tiền của dân của nước là tiền của... mình, để đến nỗi tan tành cố quận, tung tóe đười ươi, những kẻ ấy mới chánh hiệu là... điên. Điên hết thuốc chữa! Chứ sao gọi một thiên tài thi ca như Bùi Giáng là điên ?

Tác giả Thanh Thảo.
Gặp Bùi Giáng ở Paris
Tác giả Thanh Thảo


Trong bài thơ Vùng (Zone) nổi tiếng, G.Apollinaire, có lẽ nhìn từ tháp Eiffel đã thấy những cây cầu bắc qua sông Seine như một bầy cừu "kêu be be sáng nay". Nếu thay vì bầy cừu là bầy dê, thay nàng chăn cừu là chàng chăn dê, lại thấy thấp thoáng hình bóng một Bùi Giáng nơi thượng nguồn con sông Thu Bồn đang chăn những đám mây trên mặt nước sông vào buổi sáng mùa thu nào đó.

Là người dịch rất nhiều tác phẩm trứ danh của văn học Pháp, nhưng hình như Bùi Giáng chưa có dịp đi Paris. Vậy mà tôi đã... gặp ông ở ngay kinh đô Ánh sáng này. Cuối năm 2003, tôi sang Paris dự Festival Thơ quốc tế, và khi có dịp ghé quán Foyer Viet Nam ở số 80 phố Monge quận 5 (khu Latin), người tôi gặp đầu tiên ở đây là... Bùi Giáng! Đúng hơn, là tôi đã gặp một bức chân dung Bùi Giáng vẽ bằng bút sắt. Nét vẽ rất có thần. Lại đôi mắt sáng quắc nhìn tận đâu đâu. Lại vẻ mặt hồn hậu của một lão nông xứ Quảng Nam đang mơ màng như nhớ lại câu thơ tuyệt vời của Apollinaire: Bergere ô tour Eiffel le troupeau des ponts bêle ce martin (Ôi tháp Eiffel nàng chăn cừu bầy cầu be be sáng nay - bản dịch của Hoàng Hưng). Tôi hỏi nhà thơ Võ Văn Thận - người phụ trách Foyer VN - và được biết bức chân dung Bùi Giáng là của họa sĩ Trần Văn Liêm-một người rất hâm mộ Bùi tiên sinh ở Paris. Mà không chỉ họa sĩ Liêm, khi Võ Văn Thận tặng tôi tập thơ mới của anh Bàn chân dưới đất, tôi cũng đã đọc trong những câu thơ của người xa xứ này rất nhiều hơi hướng Bùi Giáng. Anh Thận cũng là người hâm mộ, và có lẽ hơn cả hâm mộ, yêu quý Bùi Giáng.
Đi lang thang giữa những phố cổ của Paris, thỉnh thoảng tôi lại gặp những người già chánh hiệu... Bohemiens. Họ uống rượu hoặc không uống rượu nhưng ngồi hoặc nằm ngay vỉa hè những con phố đông người qua lại. Trong hình dáng những người già tóc râu xõa xượi ấy, tôi lại thấy thấp thoáng một Bùi Giáng đang cảm nhận Paris bằng tất cả thể xác và tâm hồn mình. Chợt nhớ bản dịch tuyệt vời của Bùi tiên sinh tác phẩm u ẩn mà run rẩy tình người của Saint-Exupery Cõi người ta (Terre des hommes). Đúng là phải tới tay Bùi Giáng thì nguyên tác này mới có chữ "cõi" và chữ "ta" trong bản dịch. Giở một quyển sổ cũ, cách đây hơn 20 năm, tôi đã chép lại một đoạn văn xuôi trong Cõi người ta, chép để giữ cho mình như một lời biết ơn tác giả và dịch giả:

"Punta Arenas! Tôi tựa lưng vào bờ giếng. Những đàn bà già nua tới đây lấy nước. Trong tấn bi kịch đời họ, ngày mai tôi sẽ biết riêng chỉ một cử động tôi đòi ấy thôi. Một bé con ngửa cổ vào tường, khóc lặng lẽ. Ngày mai trong kỷ niệm của tôi, sẽ chỉ còn ghi riêng hình ảnh một đứa bé lạc loài, sầu khổ không nguôi. Tôi là kẻ lạ tới đây. Tôi không biết, không biết gì hết cả. Thế giới họ, tôi không thể bước vào, làm tôi dám nói. Những yêu thương, những ganh ghét, những niềm vui của con người, cả một tấn tuồng rộng lớn đó diễn ra trong một khung cảnh bé bỏng xiết bao. Từ đâu con người khơi dẫn được về cho mình nguồn khát vọng vô biên. Từ đâu? Con người vốn bị phó mặc cho rủi may, bị vất ra sống trên một miền đất mà phún thạch hỏa sơn còn hâm hấp nóng, mà những trận bão cát sắp tới, mà những cơn mưa tuyết sắp về, còn hăm dọa mãi! Nền văn minh của họ chỉ là một lớp vàng mạ mỏng manh. Hỏa sơn sẽ xóa, sẽ bôi. Một biển mới sẽ dâng triều. Một cơn lốc cát".

Tác phẩm văn học nước ngoài, khi qua một dịch giả đồng điệu sẽ hiện ra bằng Việt ngữ như vậy đó! Một bài thơ văn xuôi đích thực, đầy xúc cảm và nhuyễn như thể nó được viết bằng tiếng... Việt. Tôi biết, nhiều người kêu Bùi Giáng ở một số bản dịch khác, rằng ông dịch tùy hứng và cả... tùy tiện quá! Nhưng chúng ta thử đọc Cõi người ta hay Hoàng tử bé của Saint-Exupery, hãy đọc Ngộ nhận hay Carnets của Albert Camus qua bản dịch Bùi Giáng, ta sẽ cảm nhận được hết sự tinh tế và uyên áo của nguyên tác qua một bản dịch. Tôi nhớ, ngày còn chiến tranh, ở chiến trường Đông Nam Bộ, tôi đã chép từng đoạn văn A.Camus trong Sổ tay (Carnets) qua bản dịch Bùi Giáng, và những đoạn văn tuyệt vời ấy đã an ủi tôi rất nhiều ngay trong những hoàn cảnh thắt ngặt của chiến tranh. Sau này, đã có những dịch giả dịch lại những tác phẩm trên của A.Camus hay Saint-Ex, nhưng phải nói thực, họ không vượt qua được bản dịch cũ của Bùi Giáng. Cần phải ghi công ông ở lĩnh vực truyền bá văn học thế giới này. Một người chỉ tự học ngoại ngữ mà có thể trở nên uyên thâm như thế, có thể "tung tăng" như thế trong khi dịch thuật, quả là hiếm có! Người như thế mà chưa một lần sang Paris để mặc sức chăn cừu hay chăn dê trên sông Seine thì thật đáng tiếc! Nhớ những ngày ở Paris hay xuống Orleans với nhà văn Đặng Tiến, ở đâu tôi cũng cảm thấy phảng phất sự hiện diện của Bùi Giáng trong những câu chuyện trao đổi về văn học, trong những bài thơ hay bài viết của các bạn văn người Việt ở Pháp mà tôi được đọc. Anh Thận còn tặng tôi một đĩa DVD về ngày giỗ Bùi Giáng ngay tại Paris, tại quán Foyer thân thiết và ấm cúng. Những bài thơ của Bùi tiên sinh đã được trình bày trong ngày giỗ ấy. Coi như ông đã đến Paris và đã lang thang dọc những con phố lát đá mờ ảo khu Latin này rồi, khu Đại học nổi tiếng của Pháp và cũng là nơi vinh danh rất nhiều nhà thơ nhà văn Pháp mà Bùi Giáng đã có lần chuyển dịch sang Việt ngữ.

Trong dòng sông văn học khá bình thản của ta mà có được một người "quậy tưng" như Bùi Giáng kể cũng đặc biệt và thú vị. Nhưng rồi, ngay trong những lúc "quậy" như thế, chợt ta chìm lắng lại với những câu thơ kiểu như thế này: "Một hồn rũ rượi trong mưa/Nhớ ôi ngọc trắng ngày chưa cát lầm". Như một khúc bi ca về cội nguồn trinh thục của Thơ. Như nỗi hoài nhớ về một thiên đàng tuổi thơ đã biền biệt. Thiên đàng ấy bên một dòng sông và những ngọn đồi lúp xúp mọc toàn sim mua...
Thơ là hạnh phúc
Tác giả Đặng Tiến

Trở lại với giai đoạn Mưa nguồn, chàng thanh niên Bùi Giáng còn giữ niềm tin ở mùa xuân, ở trần thế trong thời gian, ở Màu xuân: Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt, hay trong bài Bờ xuân tiếp theo:

Mùa xuân bữa trước mùa xuân bữa sau, xuân bốn bên trong hiện tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích. (Mưa nguồn, tr.38-39)

Mùa xuân, mùa xuân hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thinh sắc. Trong niềm hoan lạc của đất trời, con người an tâm vui hưởng, vì tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én:

Én đầu xuân tuyết đầu đông

Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa

(Mưa nguồn, tr.62)

Người ta thường nói: xuân về. Chữ về tin tưởng an lạc như Về Cố Quận. Xuân về với gió đông, xuân mang thương nhớ trở về (Nguyễn Bính). Chữ về gây cảm giác ấm cúng, thân thiết, tin cậy:

Mùa xuân hẹn thu về em trở lại

Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng

Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại

Với dòng trong em hẹn ở bên đường

Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại

Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia

Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi

Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa

Mùa xuân hẹn thu về em trở lại

Bên đời đi còn giữ mãi hay không

Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại

Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng.

(Mưa nguồn, tr.61)


Thơ là hạnh phúc của ngôn từ như trong Một ngày lễ hội, tên một bài thơ Holderlin được Heidegger bình minh. Hạnh phúc trong lời nói, của lời nói, dù nói để chẳng nói gì: thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia. Câu thơ không mang lại một thông tin nào cả. Xưa kia làm gì ? Bờ nước ấy: ấy nào ? Nào ai biết. Chỉ biết là không gian và thời gian hạnh phúc. Hạnh phúc không cần nội dung. Hạnh phúc không cần lý do, không cần tự thức.

Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài, cổng xô còn vọng... Bùi Giáng mách ta thế, và có lần kể:

Xưa kia tôi đã có lần

Và bây giờ đã đôi phần tôi quên

(Ca dao, Mưa nguồn, tr.143)

Nhà thơ không cho biết đã có lần làm gì, nhớ gì và quên gì, nhưng chúng ta cảm rằng xưa kia ấy là hạnh phúc, ngay trong nhịp thơ tần ngần, ngập ngừng, lơ đãng. Hồ Dzếnh rất được Bùi Giáng yêu thích, đã thật thà hơn:

Có lần tôi thấy tôi yêu

Dáng cô thôn nữ khăn điều cuối thôn

Xa rồi, nay đã lớn khôn

Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau ?


Chúng ta đối chiếu, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai tác giả, và đặc sắc của thơ Bùi Giáng mà chúng tôi gọi là hạnh phúc của ngôn ngữ:

Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi

Trần gian ôi ! Cánh bướm cánh chuồn chuồn Hạnh phúc ấy là Xuân trần gian, ăm ắp trong thơ Bùi Giáng, thời điểm mưa nguồn trên mái tóc. Cùng với tinh thần đó, trước khi mất, ông đặt cái tên Thơ vô tận vui cho một tập di cảo sắp sửa được xuất bản.

Tuy nhiên, niềm vui vô tận ở đây chỉ là một minh triết về cuộc sống. Từ đó không thể nói đời và thơ Bùi Giáng lúc nào cũng vui, dù theo lẽ buồn vui tương đối của sự đời. Vui ở đây hiểu theo nghĩa hiền triết Đông phương, như cá vui, bướm vui trong Nam Hoa kinh của Trang Tử. Nhìn dưới góc độ tư tưởng hiện sinh của phương Tây, thì ngược lại, có thể nói đến "bi kịch".

Từ 1948, Bùi Giáng có câu thơ sấm ký: Ngày Xuân xanh sơ ngộ để thiên thâu (Mưa nguồn, tr.57). Câu thơ quan trọng, mang mâu thuẫn, có tính cách biện chứng, giữa thiên thu và sơ ngộ. Một mặt, nó nằm trong mạch Vũ trụ ca của Huy Cận:

Lòng chim gieo sáng dệt vân sa

Trên bước đường xuân trở lại nhà

Mở sách chép rằng: vui một sáng

Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta

(Áo xuân, 1942)


Mặt khác, nó báo hiệu cho chủ đề “chết từ sơ ngộ”, và Màu hoa trên ngàn sơ khai đã là Màu hoa cuối cùng:

Lỡ từ lạc bước bước ra

Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng

(Chớp biển, tr.45)


Bùi Giáng, rất sớm, đã linh cảm rằng mình suốt đời đứng nguyên ở một tọa độ, xác định bởi một không gian Cố Quận và một thời điểm Nguyên Xuân:

Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước

Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay

Chợt có lúc hai chân dừng một lượt

Người đi đâu ? Xưa chính ở chỗ này

(Chỗ này, Mưa nguồn, tr.82)


Có một mùa xuân nào, tuần hoàn trong trời đất, cùng với niềm vui nào đó. Nhưng có một hạnh phúc khác, màu xuân khác không bao giờ trở lại với nhân gian:

Mưa nguồn cũ quá xa rồi một trận

Ôi xuân xanh vĩnh biệt như thể nào

(…) Người viết mãi một màu xanh cho cỏ

Người viết hoài một màu cỏ cho xuân…

(Bài ca Quần Đảo, tr.22-23)


Rồi suốt đời, khi sáng suốt, khi cuồng điên, qua hàng vạn trang sách, người thơ chỉ làm hoài làm hủy một bài thơ, vẽ cho mình một chân dung duy nhất, như viết hoài một màu cỏ cho xuân.

Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt

Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ

(Bài ca Quần Đảo, tr.11)

Năm mười sáu tuổi đã xảy ra biến cố gì trong đời tác giả làm chìm tắt mùa xuân ? Chúng ta không biết, chỉ biết là ông làm thơ từ tuổi ấy, khoảng 1942, tại Huế, theo lời ông kể ở đầu sách Lời Cố Quận.

Xuân về xuân lại xuân đi

Đi là đi biệt từ khi chưa về


Hai câu thơ đơn giản. Ngớ ngẩn mà thâm sâu. Vớ vẩn mà thần sầu.

Thâm sâu ở chỗ: lời nói tự hủy, tự lời bôi xóa lời. Câu thơ có nghĩa là: tôi vô nghĩa.

Thần sầu ở chỗ: không mấy ai thấy cái chốn thâm sâu.

Thơ Việt Nam nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay có một.

Đặng Tiến
Bùi Giáng nguồn xuân
Tác giả Đặng Tiến

Hôm mùng ba mùng bốn theo nhau đẩy lùi mồng một mồng hai của hôm nay Nguyên Đán (Mưa Nguồn, tr.164)

Câu thơ văn xuôi này của Bùi Giáng mang hai đặc tính: một là ý nghĩa nói về ngày Tết và mùa Xuân, hai là chữ nghĩa đi ngược chiều thời gian.

Dĩ nhiên là mồng ba đẩy lùi mồng hai; mồng hai đẩy lùi mồng một. Như vậy hôm nay Nguyên Đán nằm ở vị trí nào trên chuỗi tháng ngày? Nói khác đi, Bùi Giáng đứng tại thời điểm nào ở đầu tháng giêng để phát ngôn?

Lời thơ theo trật tự số mục, và lối đếm thông thường: mùng một, mùng hai… mùng ba, mùng bốn… Nhưng theo ý nghĩa câu thơ thì phải nói ngược lại: mùng bốn mùng ba (sẽ) theo nhau đẩy lùi mồng hai mồng một. Như vậy, nhà thơ phát ngôn từ ngày hôm nay Nguyên Đán, như Nguyễn Bính năm 1940:

Năm mới tháng giêng mồng một Tết

Còn nguyên vẹn cả một trời Xuân

Nhưng nếu hiểu (đã) theo nhau, thì tác giả lên tiếng vào ngày mồng năm. Và trong cả hai giả thuyết, trật tự chữ nghĩa trong câu thơ Bùi Giáng vẫn không thuận chiều.

Rối rắm như vậy để nói lên một điều cơ bản: thơ Bùi Giáng là một “dòng nước ngược” một tâm thức đi ngược chiều thời gian, trong một Sử Lịch, ngược dòng Lịch Sử.

Trong hàng vạn trang sách để lại, Bùi Giáng thường dùng từ Sử Lịch. Chỉ một lần dùng chữ Lịch Sử để chối bỏ:

Sử Lịch phai trang

Chạy quàng

Là Lịch Sử

(Lá Hoa Cồn, tr.55)


Xuân trong thơ Bùi Giáng là xuân không mùa, xuân duy nhất và tuyệt đối, mà ông gọi là Nguyên Xuân (Lá Hoa Cồn, tr.26), là khởi thủy của nguồn sống, nguồn thơ, quê của Em Mọi, của Đười Ươi, đồng thời là đối tượng, là cứu cánh của sáng tạo, của Lời Cố Quận, Tiếng Gọi Về:

Thưa rằng ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

(Mưa Nguồn, tr.25)

Tác phẩm, và cuộc đời Bùi Giáng là niềm thủy chung trước sau như một với một Màu Hoa Trên Ngàn: ông khởi đi từ đây và trở về lại đấy.

Xuân là nguồn mạch thơ tuôn tuôn từ miền xa biệt:

Lỡ từ lạc bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn



Mùa xuân xuất hiện thường xuyên trong tập Mưa Nguồn, và tái hiện trong Lá Hoa Cồn, về sau chỉ thấp thoáng mỗi ngày một ít, ở những thi phẩm cuối đời.

Mưa Nguồn - thi phẩm đầu tay và đều tay nhất của Bùi Giáng được in năm 1962, gồm có nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ trong sáng, tươi thắm và tha thiết, vào tập bằng hai câu mào đầu:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau


Là câu thơ nổi tiếng sớm nhất của Bùi Giáng, vì nó có thể được sử dụng ở nhiều tần số khác nhau: buồn hay vui, u hoài hay đùa cợt, ví dụ khi bè bạn gặp nhau ngoài phố, lặp lại câu thơ: xin chào nhau giữa con đường, dù không hiểu miên trường là gì.

Và ý tác giả có thể ngược lại: mùa xuân phía sau, miên trường phía trước. Cũng cần nói thêm, thời đó, 1962, thơ Bùi Giáng chỉ được truyền tụng trong một giới độc giả và bằng hữu, đồng hương, chứ không phải là một “hiện tượng văn học” như gần đây.

Có thể là thơ của tuổi xanh, nên tập Mưa Nguồn đã khởi đi từ nhiều hình ảnh thắm tươi, điệu thơ ánh ỏi:

Những nhành mai sớm sương bên lá

Những nhành liễu chiều gió bên cây

Cũng lay lất bởi đời xuân em ạ

Thế nên chi anh cũng viết dòng này

(Những Nhành Mai, Mưa Nguồn, tr.10)


Lời thơ tham dự với đất trời vào niềm hoan lạc của mùa xuân. Thể thơ cổ điển, nhưng tác giả đã trộn lẫn thơ bảy và tám chữ, với âm điệu lạ ở câu hai. Nhưng đặc sắc trong thơ Bùi Giáng thời ấy là những hình ảnh tân kỳ trong thể thơ truyền thống:

Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến

Ô thiều quang ! Làn nước cũ trôi mau

Em đi lên vói bắt mấy hương màu

Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc

Xa biệt lắm Mưa Nguồn trên mái tóc

Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa

(Giã từ Đà Lạt, 1958, Mưa Nguồn, tr.94)

Lời thơ diễn tả niềm hoang mang trước thời gian, ý tưởng không mới, nhưng lối kết hợp ẩn dụ thì mới, so với lối thơ tám chữ trước đó.

Ở Xuân Diệu, Huy Cận niềm ám ảnh của phôi pha không gây bất ngờ như với Ôi thiều quang ! làn nước cũ trôi mau…

Trần gian phôi pha, thời gian hủy diệt, nhưng nhà thơ chấp nhận quy luật, nên đã ghì siết hai tay, Nàng Thơ đẹp của trần gian ứa lệ:

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn và hết cả da xương

(…)

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi

Còn một đêm còn thở dưới trăng sao

Thì cành mộng còn tung lên không ngại

Níu trời xanh tay vói kiểng chân cao

Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết

Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi

Ta chết lặng bó tay đầu lắc

Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi

(Phụng Hiến, Mưa Nguồn, tr.30)

Những bài thơ tin yêu cuộc sống, tươi sáng và thắm thiết như vậy ít khi thấy ở những tập thơ sau, mà cũng ít người nhắc đến. Âu cũng là một thiệt thòi cho ông. Chúng tôi trích dẫn một bài thơ xuân thắm tươi, có lẽ làm vào mùa xuân 1973, toàn văn:

Nắng Nguyên Đán

Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời

Về chân đất dưới chân em mọc cỏ

Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ

Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm

Chạy đi em! sương gió nắng thênh thang

Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ

Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ

Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man

Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật

Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất

Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang

Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng.

(Bài Ca Quần Đảo, tr.54)


Phong cách nhắc lại một bài thơ trước:

Chạy đi em, qua vườn thắm theo ngày

Cùng với phút giây này phơi mở lá

Em ngó nhé cành xanh cây giục giã

Hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu…

(Mưa Nguồn, tr.96)

Nhưng nhịp thơ nhanh, âm điệu khỏe, hình ảnh rộn ràng hơn, một điệu thơ hiếm có ở Bùi Giáng, nhưng vẫn lấy lại chủ đề nguyên xuân, và giọng lẳng lơ cố hữu, cỏ mọc hai hàng, đi đến ngôn ngữ Ẩn Mật về sau. Tóm lại, một bài thơ không Bùi Giáng mà vẫn Bùi Giáng.

Đặng Tiến
Nguồn Bùi Giáng
Đặng Tiến

Mưa Nguồn, tên sách là một từ ngữ, hình ảnh thông thường, như trong thành ngữ dân gian, chớp bể mưa nguồn.

Những trận mưa rừng núi là hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, có lẽ Bùi Giáng đã nhiều lần chứng kiến cụ thể thời trai trẻ, khi chăn dê miền trung du Trung Phước, khoảng 1946. Đây là những trận mưa giông lớn, ào ạt đổ xuống rất nhanh, nhất là vào mùa hè, gây ấn tượng mạnh. Mưa Nguồn có thể hiểu theo nghĩa đen.

Lại thêm nghĩa bóng: mưa móc, ân sủng dội xuống nơi cội nguồn cuộc sống, ào tuôn, “giáng” xuống một lần rồi thôi, nhưng cũng có thể trở lại, trong lẽ tuần hoàn, như lời chờ mong của Tản Đà: Nước đi ra bể lại mưa về nguồn, trong Thề Non Nước.

Cần hiểu thêm, chữ nguồn, ở quê Bùi Giáng, còn có nghĩa đời sống của dân tộc thiểu số ở miền trung du Trung Bộ, mà Bùi Giáng thường xuyên tiếp xúc. Họ thuộc nhiều chủng tộc, chủ yếu là người Gié Triêng và Ca Tu, mà cuộc đời hoang dã đã tạo ra và lưu lại nhiều ấn tượng sâu xa trong tâm thức Bùi Giáng. Cuộc trao đổi hàng hóa giữa hai miền xuôi ngược - ngày nay gọi là Kinh Thượng - đã để lại câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên


Nậu nguồn là những thương nhân chuyên môn buôn bán với Mạn Ngược. Và ở đây có thể phát âm hai vần ngùn/chùn theo giọng Quảng Nam của Bùi Giáng, cũng như Mưa Ngùn. Như vậy mới kết vần được hai câu ca dao địa phương khác, mà Tế Hanh hay Sơn Nam ưa tham chiếu:

Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên ngùn (nguồn) đốt than


Thơ Bùi Giáng, có khi cần phải phát âm theo giọng tác giả, mới thú vị:

Chén trà sương sớm bên thềm

Vừa chờ chim hót vừa thèm chim (chiêm) bao.

(Chén Trà, Báo Thời Văn, tr.24)


Chim hót đối ngẫu với chim (chiêm) bao.

Chữ Nguồn ở Bùi Giáng là một hình ảnh vừa quê mùa vừa uyên bác, tự nhiên mà tinh tế. Gốc Hán Việt là “nguyên”, là nguồn cội, là nguồn sống, là Sơ Nguyên Ngọn Suối: con chim điên vì nhớ Suối vô cùng. Suối cũ Suối xanh Suối bờ mọc cỏ. Suối võ vàng em có hai tay Suối mừng nhìn thấy. Suối khóc suốt đêm bây giờ suối nín... (Gió Nguồn, Lá Hoa Cồn, tr.75).

Suối ở đây là Nguồn Xuân Tinh Thể. Nhưng nói vậy là nói lắp, vì Xuân đã là Nguồn, và Suối đã là Xuân. Tiếng Anh rất hàm súc khi dùng một từ Spring để chỉ Xuân và Nguồn. Trong thơ Bùi Giáng, Xuân đồng nghĩa với Nguồn, như trong tiếng Anh. Nó là cõi uyên nguyên có trước Trời Đất, là “cái cửa khe huyền diệu” - “huyền tẫn chi môn” theo lời Lão Tử. Chữ “tẫn” Ngô Tất Tố diễn dịch là khe, mà có người cắt nghĩa là giống cái, tức là mẹ đẻ của muôn vật. Đó cũng là một nghĩa”(1).

Có lẽ, từ đó hình ảnh khe, kết hợp với người Nữ, thường xuất hiện nơi thơ Bùi Giáng. Chữ môn nghĩa là cửa (nhân tạo), linh mục Dòng Tên, Claude Larre dịch là Porte (des secrètes merveilles)(2) có lẽ, về sau đã gợi ý cho Bùi Giáng làm đoạn thơ nổi tiếng bắt đầu với hai chữ ngõ và cửa:

Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài

Cửa xô còn vọng điệu tài tử qua


Niềm vui, nghĩa sống con người đã xô cửa bước ra từ cõi ban sơ ấy, và ngân dài, âm vọng qua lời thơ của người tài tử. Nhưng về sau lại lỡ từ lạc bước bước ra... và tác giả, hay độc giả có thể tùy nghi ráp nối nhiều câu lục bát khác vào đoạn trên, như Tuệ Sĩ đã gợi ý trong một bài báo rất uyên bác, trên Báo Văn 1973:

Ta về ngóng lại mưa sa

Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào


Hoặc:

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Vân vân... Như đã nói: toàn bộ tác phẩm Bùi Giáng có thể xem như là một bài thơ duy nhất, một nét chữ lên đàng quẩn quanh. Và người đọc lý thú, vì cảm giác tham dự vào cuộc chơi, thậm chí là đồng tác.

Người đời thường trích dẫn mấy câu thơ hay, bề ngoài đơn giản, nhưng kỳ thật là phức tạp:

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên rằng một hai ba

Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

(Chớp Biển, tr.132)

Hai câu đầu là một hình ảnh từ chương. Câu sau đã khó hiểu hơn: một, hai, ba nghĩa là gì? Hoặc ta cho là thơ cà chớn, không cần tìm hiểu; hoặc ta tìm hiểu và tham chiếu vào Đạo Đức Kinh, lời Lão Tử: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”; ý thức con người đong đưa giữa cái nghi và cái diệu: không nghi thì không có diệu, không nhờ cái diệu thì không giải tỏa được cái nghi. Đo và Đếm là hai thao tác của Tâm và Tưởng để tiếp xúc và nhận thức ngoại giới: đo cái liên tục và đếm cái gián đoạn. Nhưng còn là, là gì? Là môi giới qua Lời Nói. Nhưng Lời Nói là gì? Chúng ta trở về vị trí đong đưa sóng biển giữa Diệu và Nghi.

Hiểu thơ Bùi Giáng không phải lúc nào cũng đơn giản. Mà không hiểu, chưa chắc đã đơn giản.

Bàn về một chữ Xuân mà phải dàn xa dặm dài, như vậy phải biết ngừng lời, vì:

Thưa rằng nói nữa là sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

(Chào Nguyên Xuân, Mưa Nguồn, tr.25)


Đặng Tiến
Ngã ba ngôn ngữ
.Huỳnh Ngọc Chiến

[Hình: 270065_521391511251568_318098868_n.jpg]
(Hình: Bùi Giáng vẽ)

Das Gedachte eines Denkers läßt sich nur so verwinden, daß das Ungedachte in seinem Gedachten auf seine anfängliche Wahrheit zurückverlegt wird.

Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn, phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta được trả về chân lý sơ nguyên của nó.

(M. Heidegger, Was heißt Denken? Max Niemeyer Verlag Tübingen, 1954, tr. 23)

Với nhan đề bài viết này, tôi không muốn góp thêm một “ngã ba” nữa cho cuốn Con đường ngã ba vốn chứa quá nhiều “ngã ba” của Bùi Giáng, nghĩa là cái Dreiweg của Heidegger, theo kiểu “họa xà thiêm túc”, mà chỉ muốn ghi lại một vài suy tưởng nho nhỏ khi đọc sách của hai tác gia này. Tôi vốn là kẻ ngoại đạo về triết học, nên chỉ thích đọc sách thuộc lĩnh vực này theo thể điệu ngẫu nhĩ lai rai của một layman.

Mọi trang sách triết học nếu không chạm đến ta trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn để làm nó rung động với những cảm xúc vi tế nhất, thì suy cho cùng đó cũng chỉ là những thứ hý luận phù phiếm và vô nghĩa, chỉ dùng để giải trí chơi giữa cõi Ta Bà. Mọi kiến thức, dù là kiến thức hàn lâm uyên bác được thu thập từ những tư tưởng gia vĩ đại cổ kim đi nữa, nếu nó không đem lại cho ta một tâm thức bình yên để sống giữa cõi đời, và một tinh thần vô úy để một mình đối diện với cái chết, thì tôi xem cũng như một món đồ trang sức phù phiếm để khoe mẽ với đời, dù thoạt nhìn thì chúng có vẻ “sang trọng” và “trí thức” hơn những viên kim cương, hột xoàn lóng lánh trên cổ các vị mệnh phụ phu nhân.

Tôi có một người bạn thân suốt đời không hề đọc sách, song mỗi lần trò chuyện cùng anh, tôi lại thấy lý thú và học hỏi được rất nhiều điều, vì trong những gì anh nói, tôi đều nghe ra hơi thở thực sự của cuộc sống. Đây là điều chúng ta hiếm khi tìm thấy trong các sách biên khảo về triết học. Trong đó, tất cả đều được phu diễn một cách rất ư là công phu trên bề mặt ngữ nghĩa, hết tham chiếu chỗ này lại tham khảo chốn nọ. Song khi đọc, sao ta vẫn thấy cảm thấy dửng dưng, ngay cả khi chúng đề cập đến những vấn đề thiết thân của cõi nhân sinh. Đơn giản chỉ vì đó chỉ là những thứ kiến thức phù hoa, và những suy tư lạnh lùng vô hồn của lý trí, mà thiếu đi tiếng nói đằm thắm của tâm tình. Ta có cảm tưởng như đang nghe Thúy Vân thay mặt Thúy Kiều ngồi kể lể và phân tích chuyện đời dâu bể! Dù có đầm đìa nước mắt đi nữa thì nó vẫn hời hợt và vô vị.

Chỉ có những trang sách của các tác gia có suy tư chân thành và tư tưởng phóng dật thênh thang mới có thể làm rung động được lòng người, vì họ đã truyền được tâm lực và trí lực vào ngòi bút. Bút lực đó mang một dạng năng lượng tế vi, tương tự như khái niệm “Ojas” trong tư tưởng Ấn Độ [1] . Đây là một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm của Trần Trọng Kim, Kim Định, Bùi Giáng, Krishnamurti, Vivekananda, Nietzsche, Trang Tử, Whitman, Heidegger v.v… Chính những tác gia này mới cho ta thấy sức mạnh của ngôn ngữ.

Đọc Bùi Giáng ta dễ dàng nhận thấy bút lực cuồn cuộn của một người đã rong chơi du hý trong cõi ngữ ngôn để lần ra đầu mối “nhất dĩ quán chi” xuyến suốt mọi bờ bến tư tưởng kim cổ Đông Tây. Ông là người duy nhất đã thực hiện được một cuộc phục hoạt trùng tân (Widerholung) đối với Nguyễn Du, như Heidegger đã làm với các triết gia tiền Socrates, theo tinh thần:

“Chúng ta hiểu phục hoạt trùng tân một vấn đề căn cơ là sự mở phơi những khả tính uyên nguyên của nó, những khả tính mà từ lâu đã bị chìm khuất trong quên lãng. Thông qua việc triển khai này, vấn đề căn cơ đó sẽ chuyển dời bình diện, và do đó, sẽ được giữ gìn phần nội hàm đáng được đặt thành vấn thoại. Tuy nhiên giữ gìn một vấn đề có nghĩa là để nó được tự do và đánh thức được sức mạnh nội tại, sức mạnh có khả năng biến nó thành vấn thoại trong căn cơ của Hiện Tinh Thể (Wesen) của nó”. [2]

Có ai đã làm được điều đó như Bùi Giáng đã làm với Nguyễn Du? Những phần vô ngôn thăm thẳm nào của Nguyễn Du đã được Bùi Giáng khơi dậy trong tinh thần tân thanh tái tạo và buộc chúng ta phải đọc lại Nguyễn Du bằng đôi mắt khác? Và từ đó nhận ra chân dung của Heidegger và Khổng Tử?
Bùi Giáng đã làm điều kỳ diệu nào khi dùng ngôn ngữ Truyện Kiều để bắc nhịp cầu nối liền hai bờ cõi Đông Tây, nối liền hai dòng ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nhau là Đức ngữ và Việt ngữ? Để hiểu hết được sự hoằng viễn của Bùi Giáng, khi cưỡng bức ngôn ngữ để triển khai phần vô ngôn trong tư tưởng, ta hãy suy tư xem giữa ngôn ngữ Tây phương và tiếng Việt có mối hòa thanh tương ứng nào không?

Ta hãy thử xem câu đầu tiên của Đạo đức kinh là “Đạo khả đạo phi thường Đạo 道 可 道 非 常 道” khi được dịch ra ngôn ngữ phương Tây thì nó lóng ca lóng cóng như thế nào? Tôi xin trích một số câu tiêu biểu:
Der Sinn, der sich aussprechen läßt, ist nicht der ewige Sinn (Richard Wilhelm).
Quand on La nomme la Voie n'est plus la Voie (không rõ người dịch).
TAO called TAO is not TAO (Stephen Addiss, Stanley Lombardo: 1993).
Nature can never be completely described, for such a description of Nature would have to duplicate Nature (Archie J. Bahm: 1958).
The Way that can be described is not the absolute Way (Sanderson Beck: 1996).
The Way (Dao) that can be “Wayed” is not the constant Way (Alexander J. Beecroft).
The Tao that can be expressed is not the eternal Tao (Alexander J Beecroft).
There are ways but the Way is uncharted (R. B. Blakney: 1955).
Existence is beyond the power of words to define (Witter Bynner: 1944).
The way that can be told is hardly an eternal, absolute, unvarying one (Tormod Byrn: 1997).
The Tao that can be told of is not the eternal Tao (Wing-tsit Chan: 1963).
Tao that can be spoken of, Is not the Everlasting Tao (Ellen M. Chen: 1989).
The Tao that can be followed is not the eternal Tao (Charles Muller).
The Tao that can be trodden is not the enduring and unchanging Tao (James Legge).
Tôi nêu một loạt các câu văn dịch để bạn đọc xem kỹ và hãy tự hỏi: liệu người phương Tây, qua các bản dịch đó, có nắm được tinh thần câu văn mở đầu của Đạo đức kinh như người Trung Quốc hoặc người Việt chúng ta? Hay là các chữ “Sinn”, “La Voie”, “sich aussprechen läßt”, “Tao”, “can be Wayed”, “can be trodden”, “can be spoken of”, “can be followed”… trong các câu văn dịch đó, đối với người Tây phương đều lớ ngớ như cảnh gà con mất mẹ? Vậy mà chúng ta cứ hồn nhiên cho rằng như thế là dịch sát! Chỉ một chữ “Đạo” đơn giản thôi đã khiến người phương Tây lúng ta lúng túng đến thế, thì còn có thể bàn gì đến toàn văn, hay cõi đạo Đông phương?

Bây giờ hãy thử trở lại với một câu văn của Heidegger. Ngôn ngữ của Heidegger cực kỳ phong phú và khó dịch. Mảnh đất siêu hình học đầy gai góc của mấy ngàn năm của Tây phương không cho phép ông lập ngôn đạm nhiên như những bậc chân nhân Đông phương, nên ông phải đem thiên tài ra cưỡng bức ngôn ngữ Đức để làm mở phơi, hiển lộ được cái Hiện Tinh Thể (Wesen) của ngữ ngôn. Chỉ riêng một từ Dasein của ông cũng đã đẩy các ngôn ngữ Âu châu vào chỗ bế tắc. Các cách dịch l’Être-là, Being-There, l’Être-le-Là rõ ràng đều không ổn thỏa.

Chúng ta thử dịch một câu đơn giản và quen thuộc của Heidegger ra Việt ngữ. Câu đó như vầy: “Die Sprache is das Haus des Seins: Ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu Tính” [3] . Đây là câu nói nổi tiếng của Heidegger trong trang đầu tiên của tác phẩm Brief über den Humanismus (Thư về chủ nghĩa nhân bản), thường được trích dẫn rất nhiều trong các bài biên khảo về ông, kèm theo đủ thứ các kiến thức minh giải hàn lâm. Câu nói đó có nghĩa là gì? Thực chất, trên bình diện văn phạm, chúng ta có thể hiểu và dịch nôm na là: “Ngôn ngữ LÀ ngôi nhà của CÁI LÀ” (với LÀ thứ nhất là động từ LÀ đã chia, còn CÁI LÀ sau là động từ LÀ nguyên mẫu!) Như vậy, với câu “Die Sprache is das Haus des Seins” thì người đọc sẽ đón nhận và hiểu nó như thế nào trong bản Việt ngữ? Liệu họ có cảm nhận được gì không, hay rốt cuộc cũng chẳng khác gì người phương Tây lắng nghe Đạo đức kinh, nghĩa là cũng chỉ có thể nắm một đống khái niệm ù ù cạc cạc và suy diễn theo những sở tri tích lũy trong trí não? Trong câu nói đó của Heidegger, cho dù ta có dịch chữ Sein là Tính, Tính thể, Tồn lưu, Chân tính, Hữu thể, Tồn thể, Hằng thể, Vĩnh thể, Thường thể, Tồn tại, Tồn hữu, Hữu tính v.v... và dù có nỗ lực “giải minh”, “thông diễn” câu nói đó bằng vô số kiến thức hàn lâm thì tất cả cũng đều cùn nhụt và bế tắc như nhau. Vì đó đơn thuần chỉ là sự thay đổi từ này bằng từ khác, dù ta có truy đến tận gốc của từ nguyên để cho rằng từ này sát nghĩa hơn hơn từ kia.

Rõ ràng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó của Heidegger không thể chỉ cho mọi ngôn ngữ bất kỳ nào, cho dẫu đó là ngôn ngữ Âu châu. Các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp “Language is the place for Be[ing]” hay “La langue est la maison de l’Être” nghe vẫn lạc lõng và rời rạc. Có phải rằng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó chỉ có thể là tiếng Đức hoặc tiếng Hy Lạp mà thôi? Có phải nó mang một điểm đặc dị thù thắng nào như chữ “Đạo” trong tiếng Trung Quốc?

Giữa chữ Đạo 道 và các chữ Voie, Tao, Way, Path có khoảng cách bất khả tư nghì nào mà người phương Tây khó lòng thể hội? Nó có giống với khoảng cách giữa tiếng Đức và tiếng Việt? Đặc biệt là tiếng Đức của Heidegger? Nếu cho rằng dịch chỉ đơn thuần là đi tìm sự tương phối giữa những chữ tương đương về ý nghĩa và kết hợp chúng lại với nhau theo các quy luật về ngữ pháp, thì tại sao chữ Weg trong tác phẩm về sau của Heidegger lại mang một tố chất và âm hưởng mênh mang nào mà ta khó lòng cảm nhận qua các chữ Path, Way, Chemin trong các bản dịch Anh, Pháp ngữ, mà lại cảm thấy nó gần như chữ Đạo phương Đông? Và tại sao Heidegger lại khẳng định chỉ ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp thôi mới là logos [4] , và vì sao ông cho rằng chỉ có tiếng Đức mới nói lên được Hữu Tính (Sein) còn mọi ngôn ngữ khác đều chỉ nói về Hữu Tính? “The German language speaks Being, while all the others merely speak of Being. [5] Toàn bộ sự khác biệt nằm ở chữ VỀ (of). Các ngôn ngữ Âu châu, những đưa con cùng cha khác mẹ của tiếng Đức, còn bế tắc như thế trước một chữ Sein trong Đức ngữ, thì thử hỏi đứa con ngoại tộc là tiếng Việt sẽ làm thế nào để dìu được hồn cái phần hồn của Sein vào trong Việt ngữ? Hiểu được điểm đó thì chúng ta mới có thể hiểu được sự cưỡng bức ngôn ngữ của Bùi Giáng khi ông dịch các tác phẩm triết học phương Tây, đặc biệt là Heidegger. Cũng như Heidegger, Bùi Giáng là người thâm cảm được sự bế tắc của ngôn ngữ quy ước khi diễn đạt cảnh giới của nội tâm. Nếu Hegel buộc triết học phải nói bằng tiếng Đức thì Bùi Giáng buộc triết học phải nói bằng tiếng Việt, và hơn thế nữa là nói bằng thơ lục bát Việt Nam!

Heidegger đạm nhiên bảo:

“Không bao giờ và trong bất kỳ ngôn ngữ nào, điều được diễn tả lại là cái cần được nói ra” (Nie ist das Gesprochene und in keiner Sprache das Gesagte. – "Aus der Erfahrung des Denkens").

Bùi Giáng thơ mộng hơn:

“Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên”

Trong kinh điển Phật giáo, đức Phật không ngớt nhắc nhở các môn đồ rằng ngôn thuyết không bao giờ diễn đạt được Thực Tướng, tức Đệ nhất nghĩa đế.

Thử hỏi, về mặt ngôn ngữ, sự chi phối của các chữ Sein (Be, Être) và Seiende (Being, Étant) trên dòng triết học Âu châu có giống như thể cách của chữ Là, chữ Đạo đối với người phương Đông? Rõ ràng điều này hoàn toàn không có. Thậm chí ý nghĩa của Sein/Seiende trong tiếng Đức cũng không hoàn toàn tương đồng với Be/Being trong tiếng Anh hoặc Être/Étant trong tiếng Pháp. Ngay cả các nhà nghiên cứu ở phương Tây như F. H. Heinemann vẫn phải tự hỏi:

“Liệu sự phân biệt giữa Sein và Seiende có thật sự mang một ý nghĩa quan trọng có tính căn cơ, hay chỉ dựa trên một điểm đặc thù ngẫu nhiên trong tiếng Đức? Nó không thể được dịch sang tiếng Anh một cách chính xác đã đành, mà dịch sang tiếng Pháp cũng rất khó khăn”. [6]

Nêu hai ví dụ đơn giản về chữ Đạo và chữ Sein như thế để làm gì? Để thấy rằng muốn bắt được nhịp cầu từ ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác, từ một cõi suy tư này sang cõi suy tư khác thì con đường tư tưởng của chúng ta phải chuyển dời bình diện, chứ không thể bám cứng một cách nô lệ và máy móc vào chữ nghĩa, nếu muốn vượt qua được lớp vỏ ngôn ngữ để đến được với phần tinh mật bên trong. Suốt mất ngàn năm qua, câu nói “Bất dĩ từ hại ý” của Mạnh Tử vẫn đồng vọng như một lời cảnh tỉnh.

Làm thế nào để ngôn ngữ thực sự là ngôi nhà cho Hữu Tính, để Die Sprache thực sự là das Haus des Seins? Chỉ còn cách lắng nghe và chiêm nghiệm ngôn ngữ trong viễn tượng thơ. Phải khơi rộng dòng thơ để dìu hồn Hữu Tính đi vào trong xoang điệu của tân thanh để lắng nghe được phần vô ngôn trong ngôn ngữ. Đó là chỗ mà Bùi Giáng đã nối bước Nguyễn Du để thực hiện trong tất cả các tác phẩm của ông. Theo tôi, đó mới thực sự là tinh thần của cái gọi là “hermeunetics”. Đem thơ Nguyễn Du làm phương tiện nhiếp dẫn người đọc vào cuộc đối thoại với Heidegger, Bùi Giáng đã thực hiện một cuộc “Wiederholung” tuyệt trù vô tỷ đối với Truyện Kiều. Chỉ có trực giác thiên tài của một nhà thơ mới có thể đưa ông đi vào trong cảnh giới bất khả tư nghì đó để làm “băng nhân” cho cuộc hôn phối kỳ diệu giữa hai bờ cõi Đông Tây.

“Nếu ta không thực hiện nổi cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm, thì không bao giờ triết học tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu”. [7]

Chính nhờ “Cõi nguồn trường mộng ở nội tâm” đó mà ông thừa thãi thông tuệ để nhiếp dẫn triết học Heidegger về hội thoại với Tố Như. Đoạn gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, khi Kiều đi tìm lại cành thoa, được ông minh diễn như cuộc đối thoại hy hữu giữa Sein và Dasein, đã nói lên được phần vô ngôn thăm thẳm nào trong tư tưởng Tố Như và của Heidegger? [8]

Theo chân Bùi Giáng đi ra từ cõi rừng huyền bí Đông phương, chúng ta sẽ không còn bỡ ngỡ nhiều chi lắm trước ngôn ngữ kỳ bí của Heidegger. Vì Heidegger bảo tất cả tác phẩm của mình chỉ là sự chuẩn bị cho phương Tây có đủ tư cách để mở được cuộc hội thoại với phương Đông trong mai hậu.

Các nhà nghiên cứu đôi khi chỉ trích cách dịch của Bùi Giáng một cách khắt khe mà có khi nào họ tự hỏi: ngôn ngữ Việt đòi hỏi nguyên tác phải chuyển dịch theo yêu sách nào để cái phần vô ngôn tinh mật, hay cái Ungedachte trong suy tư, mới lọt được vào cái Nghe của người đọc? Nền Phật học Trung Quốc với Thiền tông há chẳng phải là “bản dịch” tuyệt diệu của Phật giáo Ấn Độ đó hay sao? Thử đối chiếu các bản dịch của Bùi Giáng về Heidegger với nguyên tác, người đọc có thể cảm nhận được sự sáng tạo phi phàm của ông, dù đôi khi ông có đùa rỡn quá trớn qua lối hý lộng ngữ ngôn. Song đó cũng chỉ là yêu sách của lập ngôn, bởi vì “Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn, phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta được trả về chân lý sơ nguyên của nó”.

Sài Gòn 07.2008

@Huỳnh Ngọc Chiến

© 2008 talawas

[1]The Yogis claim that of all the energies that are in the human body the highest is what they call “Ojas”. Now this Ojas is stored up in the brain, and the more Ojas is in a man's head, the more powerful he is, the more intellectual, the more spiritually strong. One man may speak beautiful language and beautiful thoughts, but they do not impress people; another man speaks neither beautiful language nor beautiful thoughts, yet his words charm. Every movement of his is powerful. That is the power of Ojas. (Vivekananda, Raja Yoga).
[2]Unter der Wiederholung eines Grundproblems verstehen wir die Erschließung seiner ursprünglichen, bislang verborgenen Möglichkeiten, durch deren Ausarbeitung es verwandelt und so erst in seinem Problemgehalt bewahrt wird. Ein Problem bewahren, heißt aber, es in denjenigen inneren Kräften frei und wach halten, die es als Problem im Grunde seines Wesens ermöglichen (M. Heidegger, Kant und das Problem der Metaphysik, Frankfurt am Main: Vittorio Klostermann, 1973, tr. 198.) Lâu nay, các bản Anh ngữ dịch “Wiederholung” là Retrieve; Retrieval, Repitition, Recovery hoặc bản Pháp ngữ dịch là Répetition đều không thể diễn tả được hết nội dung của thuật ngữ này. Nhà thơ Bùi Giáng dịch là “trùng phục thu hồi ”, tôi cũng chưa thật thỏa mãn, dù tôi vô cùng kính phục dụng ngữ phi thường của ông. Tôi đề nghị dịch chữ Wiederholung là “phục hoạt trùng tân” 復 活 重 新 nghĩa là làm sống dậy và làm mới lại một nội dung cũ theo tinh thần tái tạo của hai chữ tân thanh.
Wesen của Heidegger thường được dịch sang tiếng Anh là “Essence”, hoặc dịch theo nghĩa “coming to presence”. Tôi dùng “Hiện Tinh Thể ” để dịch Wesen vì đối với Heidegger, Wesen là phần tinh mật, chỉ cái đương thể (whatness) trì tồn trong sự hiển lộ tinh anh.
[3]Tôi dùng từ “Hữu Tính” hoặc “Tính” để dịch Sein (Being, Être). Dịch là “Hữu Tính” khi Sein mang nghĩa đối lập lại Không Tính (trong tinh thần Phật giáo) hay Vô Thể (Nitchs, Nothingness, Néant), còn dịch là Tính khi Sein mang nghĩa đối lập với Thể; và dùng từ Hữu Thể, Hiện Thể, Vạn Hữu để dịch Seiende (Beings, Étants).
[4]…die griechische Sprache ist keine bloße Sprache wie die uns bekannten europäischen Sprachen. Die griechische Sprache, und sie allein, ist (... ngôn ngữ Hy Lạp không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ quen thuộc với chúng ta như các ngôn ngữ Âu châu khác. Ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp, mới là Logos – Heidegger, Was ist das – die Philosophie?, Gunther Neske Pfullingen, 1956, t.12).
[5]http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/m/martinheid395938.html
[6]Is the distinction between Sein (to be) and Seiendem (being) really of….basic importance… or is it based on a chance peculiarity of the German language? It cannot be properly translated into English, and only with difficulty into French.” (trích theo Julius Seelye Bixler, The Failure of Martin Heidegger, The Harvard Theological Review, Vol. 56, No. 2. (Apr., 1963), t. 121-143).
[7]Bùi Giáng, Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại, Tập 1, 1962, t.147.
[8]Bùi Giáng, Thúy Vân và Tam Hợp đạo cô, NXB Võ Tánh, Sài Gòn, 1969, các tr. 13-23.
Hát tặng bác Lãnh Côn big green

Hôm nay mới thấy happy

Tks HHCH rất nhiều, nghe xong sảng cbn khoái luôn laughing.

like big green
CỔNG XÔ CÒN VỌNG ĐIỆU TÀI TỬ QUA
Tác Giả: Du Trốc Tử

“Hãy gõ cửa, cửa sẽ mở. Tìm thì sẽ gặp”. Đâu đó trong Thánh kinh đã dạy như thế. Cánh cửa Bùi Giáng không hề cài then, thế mà lâu nay ít người dám đẩy vào. Chuyện “thôi”, “sao” của Giả Đảo đời Đường nay đã thành bệnh trong văn giới. Kể cũng dễ hiểu: Ai cũng thận trọng “giữ mình” khi đứng trước ngôi nhà Bùi Giáng, nên cứ đứng ngoài ca tụng suông, hoặc im lặng để khỏi biến thành kẻ lố bịch. Có người nhạy cảm hơn, bắt chước Bùi Giáng “… dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra phá vòng vây…” (Thi ca tư tưởng). Nhưng than ôi! Bùi Giáng có cách tồn lập của một kẻ chịu chơi, còn nếu chúng ta vô trách nhiệm với cả chính mình thì đâu là chân dung của văn nghệ hôm nay?

Kẻ quê tôi không danh không phận nên liều mình xô cánh cửa từ lâu bỏ ngỏ, và phiêu hốt nhận ra cánh cửa ấy mở đến vô cùng những phương trời nắng lạ, dám xin những bậc thức giả hãy mạnh dạn bước vào chiêm nghiệm, và kể lại cho hàng hậu học nghe những sở cảm của mình. Riêng tôi, tự hiểu mình không đủ khả năng, trình độ hiểu biết để nhìn sâu vào những chân trời thi ca Bùi Giáng, chỉ xin nhặt những hạt cát đầu thềm rồi thử hỏi vì sao?

Có lần Bùi Giáng viết: “Anh em thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ, ngẫu nhĩ có đọc thơ văn tôi, có bất ngờ xúc động vì những lời tôi nói về Nguyễn Du, về Nguyễn Khắc Hiếu, về Xuân Diệu, về Trần Quang Dũng - có hay không cái đó? - Nếu không có cái đó, thì bận tâm làm gì với cái cá thể lầm than của một thằng thi sĩ Quảng Nam tên là Bùi Văn Sáu Giáng?” “Bùi Giáng ngó lại hành trình thơ” - Đặc tuyển Thời Văn 19, tr. 22)

Có lẽ đây là lời nói tâm huyết cảm động nhất của Bùi Giáng với thế hệ trẻ Việt Nam trước thềm thế kỷ 21 và trước khi ông mất. “Tâm tình một nẻo quê chung, ngõ về cố quận muôn trùng ta đi”. Hẳn chúng ta không phải bất ngờ mà vô vàn xúc động khi đối diện với thơ và con người Bùi Giáng. Nỗi xúc động ấy có nhiều lý do. Ở đây ta hãy thử ngắm nhìn sự khơi mở của Bùi Giáng đối với thi ca, tư tưởng hôm nay và mai sau như thế nào?

CỔNG XÔ CÒN VỌNG ĐIỆU TÀI TỬ QUA

1. Bùi Giáng với quê hương thi ca Việt Nam

Thơ ơi em bỏ sa mù

Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau

Tôi vẫn còn giữ nguyên cuộn băng ghi âm khi đến thăm ông và được nghe ông ngâm hai câu thơ trên một cách hùng hồn và thống thiết thế nào. Khởi sự từ Nguyễn Du, thi ca Việt Nam thánh thót tiếng sáo diều thơ mộng. Tình yêu và thân phận cứ luân khởi một cách dập dìu để đất nở ra hoa. Khói lửa quê hương đẩy thi ca đến một bờ vực tồn sinh đầy thử thách. Một số thi nhân hoài vọng cái “hồn Đường” vay mượn một cách tự ti của ngàn năm phương Bắc. Từ Bà Huyện Thanh Quan đến Quách Tấn, chữ nghĩa treo lơ lửng trên một cái hồn kẻ khác. Đẹp thì đẹp thật, nhưng đẹp để làm gì khi nàng thơ bỏ sa mù để đi theo tiếng gọi trường chinh? Mặc dù người ta vẫn cố tình tìm lại cố hương trong nỗi tuyệt vọng khôn hàn của kẻ thức thời lỡ vận, nhưng đọc những câu thơ như: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan) hay“Chiều chiều trông nước Lai Giang chảy, thấp thoáng buồm treo mộng cố hương” (Quách Tấn), ta có cảm giác như những lời than van ai oán của Thục Đế hiện về trong tiếng chim quốc đêm khuya. Có khi quê hương vẫn canh cánh trong lòng kẻ sĩ, nhưng sự sực tỉnh không đủ để đánh thức “một thời đại thi ca” gọi về cỏ hoa hồn du mục. Trần Tú Xương đã có hai câu thơ thật hay: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai, giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Đáng thương nhất có lẽ là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - gạch nối giữa hai thời kỳ bút lông và bút sắt - nhưng chính Tản Đà cũng “Bây giờ ông đổi lông ra sắt, cách kiếm ăn đời có nhọn không?”. Một thế hệ thi nhân tiền chiến: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Thái Can, Jei Leiba, Quang Dũng, Vũ Hoàng Chương… kẻ Tây, người Tàu, kẻ bình dân người bác học, để rồi:

Tặng nhau từ ngữ lạc lầm

Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn


(“Y ư mộng du ư mê” - BG)

“Khóc ngang ngửa mộng…”, có lẽ đó là thân phận của Bùi Giáng. Ông nào muốn trò chơi chữ nghĩa này. Suốt đời ông nhớ về đồi núi miền Trung du với hình ảnh chàng mục tử lùa bò vào rừng sim trái chín, hay “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Có ngôn ngữ nào đẹp bằng ngôn ngữ của chính sự sống, sờ chạm vào cõi tiêu sơ nguyên ủy của thực tại và thầm lặng gửi trao niềm yêu tha thiết với cuộc đời? Hốt bùn non trát lên lưng trâu, cà sát lưng mình vào lưng trâu cho đã ngứa, nhen ánh lửa bằng cọng rơm vàng giữa ruộng đồng cỏ hoa thơm thảo mà nghe hoàng hôn buông xuống bên bếp rạ, bìa rừng, nha nhẩn khói lam chiều mà nằm ngửa ngắm trời mây bữa nọ… Nhưng khổ nỗi, ai là người “tự nai lưng ra cáng đáng” văn nghệ hôm nay giữa “giông gió phi thường bốn biển đi về phút giây đánh chìm hồn nhiên thiên hạ… chơi… chơi”. Phong vận kỳ oan ngã tại cư, những oan khốc lạ lùng của bọn phong nhã, ta tự coi như người trong cuộc. Bùi Giáng thương biết mấy những vần thơ của Quang Dũng:

Em mới thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến đã ra đi…

…Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng…

("Đôi mắt người Sơn Tây")

Nhiều người vẫn tưởng đó là nỗi trăn trở của lớp người sau đối với thơ Cũ và thơ Mới, hay yêu quê hương kiểu tự thấy mình “đầu thai lầm thế kỷ” của Vũ Hoàng Chương. Không! Cái đó nhỏ lắm, cái tình yêu lãng mạn kiểu đàn bà con trẻ đó đâu đáng để chàng trai họ Bùi phải bỏ núi rừng miền Trung để chạy theo nghiệp văn chương. Bùi Giáng đã vượt qua khỏi thời tính và địa dư tính. Quê hương trong ông không có biên giới. Dầu là quê hương Việt Nam, nhưng Việt Nam ở mọi ngõ hồn bát ngát từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không cùng màu da sắc tộc. Chỉ có trở về tắm mát giữa cội nguồn nguyên xuân đó thì mới cứu vớt được quê hương tránh khỏi sự hủy diệt của thế kỷ. Và lẽ dĩ nhiên, sứ mệnh của văn nghệ sĩ đích thực là phải gặm nhấm nỗi đau khổ thống thiết của sự nghiệp bằng chính sự cô đơn khủng khiếp giữa lộ trình:

Mười năm sau xuống ruộng

Đếm lại lúa bờ liền

Máu trong mình mòn ruỗng

Xương trong mình rã riêng.


(“Bờ lúa”)

Ban đầu, ta cứ nghĩ họ Bùi tuyệt vọng, đành ôm tay bó gối. Thế rồi những câu hỏi - hỏi chứ không phải trả lời - chính những câu hỏi là vị cứu tinh có sức công phá mãnh liệt và dắt tay hiện thể trở về.

Cây và cỏ, cỏ và hoa và lá

Cũng thi đua ồ ạt đối lập nhau

Nên anh chỉ đành bó tay em lại ạ

Trước uy quyền vạn vật chứ sao.

(“Đành chịu thế thôi”)

Đành chịu không có nghĩa là chạy trốn. Bùi Giáng “đành chịu” nhảy thẳng vào trung tâm cơn lốc của cuộc chơi, và thấy “còn sơ nguyên mộng…” giữa ba đào thế thái. Ông bắt đầu “khoác áo khinh cừu”, bắt đầu “… dìu ba đào về một chân trời khác…” Tôi không có ý định dẫn chứng nhiều thơ của Bùi Giáng để chứng minh cho nhận định này, những tác phẩm đồ sộ của ông còn ngổn ngang kia, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Rong rêu, Sa mạc trường ca… Còn vô vàn những điều chưa nói tới, và chính những tác phẩm ấy chứ không phải những câu trích trong bài viết này làm nên một Bùi Giáng. Trích dẫn ở đây chẳng qua chỉ là những vần điệu thoạt nhớ đến khi viết, và đệm vào như những nốt nhạc rớt rơi khi hội thoại ngân dài.

Bùi Giáng đã khơi mở gì đối với quê hương thi ca Việt Nam? Câu hỏi còn vụng về lắm lắm. Chúng ta thường tìm đến thi ca với ánh mắt của một nhà khoa học bước vào phòng thí nghiệm: Cái gì? Ở đâu? Bao nhiêu? Thế nào? Chính những câu hỏi ấy thiêu hủy mầm sống của thi ca. Trở về với lục bát Nguyễn Du, Bùi Giáng nhận ra cái vĩ đại ở đây đâu phải lục bát gì? Nếu cho rằng lục bát là chính cái hồn dân tộc thì có lẽ phải nên một lần phá hủy cái đó chăng? Vấn đề ở đây không phải là thể loại. Bùi Giáng chỉ mượn lục bát để phá hủy luôn cái ý thức hạn cuộc của lục bát. Bùi Giáng và Nguyễn Du gặp nhau ở đây chăng? Có vẻ không phải như thế, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Người nằm ngủ tự nghìn năm thấp thoáng

Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần.

Ngôn ngữ rụng xuống hai lần để thi ca trở về cái “thiên địa chi tâm”. Bùi Giáng làm thơ lục bát như chơi. Ông có thể làm thơ chữ Hán theo thể lục bát, ông cũng có thể làm thơ tiếng Pháp theo thể lục bát. Ngôn ngữ dù bất kỳ của dân tộc nào qua ngòi bút thiên tài của ông đều trở thành Việt Nam. Có khi ông làm thơ theo kiểu học trò lớp hai mới tập làm thơ lục bát, có khi lục bát thành lục cửu, có khi chẳng nên vần nên điệu trắc bằng. “Vui thôi mà!” Thực sự ông chẳng có ý thiết lập một thể điệu nào cả, tất cả đều tự nhiên trôi chảy qua ngòi bút tài hoa và tâm hồn bát ngát của ông.

Như vậy, rốt cuộc không phải là lục bát, không phải cách nói lái, thể điệu Bút Tre hay nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đặc thù của ông, lại càng không phải là tất cả những cái đó, mà là chính sự phá hủy toàn triệt tập khí ngôn ngữ đã khơi mở cho quê hương thi ca Việt Nam một vận mệnh mới, một VĂN NGHỆ MỚI. Vâng! Văn nghệ mới của Việt Nam đang hé mở từ thế giới thi ca Bùi Giáng.

2. Bùi Giáng và khả tính vô hạn của tình yêu

Trước đây tôi vẫn không hiểu vì sao Bùi Giáng thường nhắc đến Xuân Diệu. Khi tôi tự cho mình am hiểu thơ tiền chiến và ép Xuân Diệu xuống “chiếu dưới” thì không ngờ Bùi Giáng lại thường nói đến Xuân Diệu như một kẻ tri âm. Nhưng hẳn nhiên bây giờ không phải tôi muốn “ăn theo” sở thích của thiên tài, mà do càng đọc đi đọc lại Bùi Giáng, tôi mới thấy phần nào cái lớn của Xuân Diệu.

Thương em mỗi lúc một nhiều

Ghét em mỗi lúc một trìu mến em

(“Tình yêu” - BG)

Thương và ghét chỉ là hai mặt ái. Nếu dặm dài dặm dặt với cái ái này thì thế gian sự thường, chẳng có gì đáng nói cả. Tình yêu là nền tảng của đời sống, ghét hay thương gì cũng là yêu cả. Xuân Diệu chỉ dừng lại ở con người, người yêu của Xuân Diệu là một “cô em” cụ thể, Phật giáo gọi đó là “ái kiến từ bi”, Bùi Giáng thì không cụ thể một cô em nào, hay tất cả con gái trên đời đều được cụ thể hóa thành một Lynrô, Bardot, Kim Cương, Phùng Khánh…

Anh cứ ngỡ đầu đường thương xó chợ

Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau.


Hay:

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.


(“Phụng hiến”)

Nếu không yêu được cái kiến con sâu thì không thể yêu trọn vẹn được một con người. Rõ ràng ở đây không phải là cái “Từ bi bất ngờ…” của Trịnh Công Sơn. Từ bi là nền tảng của tình yêu. Phải có lòng từ bi chân thật thường hằng thì mới vượt qua được mọi thành kiến của đời sống trần tục. Và cái đạt được trong tình yêu là cái trinh tuyền sơ thủy tự cỗi nguồn tâm linh dào dạt chứ không phải cái hạn cuộc phong kiến của Trung Hoa. Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân 15 năm đoạn trường bồ liễu, thế mà đến Nguyễn Du, Thúy Kiều đã mang niềm kiêu hãnh của một trinh nữ về gặp Kim Trọng:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng vò cho nát lại vầy cho tan.


Chỉ có tâm hồn Việt Nam như Nguyễn Du thì mới dám để Thúy Kiều thốt lên lời trinh tiết sau 15 năm ở chốn lầu xanh như thế.

Đến Bùi Giáng, để yêu được trần gian điên dại này, Bùi Giáng phải đánh đổi bằng “cả tâm hồn và hết cả da xương”.

Có lúc, yêu thương nụ cười giọt lệ bằng sự thành kính cảm động đến không ngờ:

Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ vệ

Chỉ xin nâng một giọt lệ êm đềm!


(“Tự hỏi vì sao”)

Bùi Giáng thường dùng hai chữ “mẫu thân”, từ một ni cô thượng thừa hay một cô em mọi nhỏ ở bờ cõi châu Phi nào đó. Cái nguyên lý mẹ là nền tảng của tình yêu huyền đồng bát ngát trong tâm hồn thi nhân. Đạo đức kinh gọi là Huyền tẫn, Huyền tẫn không phải là nữ tính, mà là chất mẫu thân, nói theo ngôn ngữ của Bùi công. Bằng thứ tình yêu này, không có một trở ngại nào làm thi nhân chùn bước, giống như người mẹ có thể hi sinh tất cả cuộc đời để con mình hạnh phúc. Thơ tình của Bùi Giáng do đó mà hết sức phong phú và đa dạng, có thể đúc kết thành một quyển từ điển nhỏ, từ thần nữ, thánh nữ, nữ chúa, thục nữ, mẫu thân, ni cô, cô em mọi nhỏ cho đến bò vàng, dê Sao, dê Đốm, chuồn chuồn, châu chấu, sâu bọ, vi trùng, hoa hoang, cỏ dại, cành khô, củi mục, lá chị, lá em… Đừng hỏi Kim Cương là ai? Phùng Khánh là ai?… phụng hiến một cách trọn vẹn, tuyệt hậu tái tô, phục sinh trong vòng tay trìu mến của vũ trụ đại ngàn.

3. Bùi Giáng trên hành trình bồ tát đạo

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như diện

Ưng tác như thị quán.

Trước hết, người viết xin minh định rõ ràng: Bồ tát đạo (Bodhisattvacaryà), tức con đường tu hành của bồ tát, tu hành lục độ vạn hạnh, là chánh nhân thành tựu đạo nghiệp. Bồ tát đạo không phải là bồ tát địa, tức hàng Thập địa bồ tát.

Trong cách hiểu thông thường của người Việt Nam hiện nay, bồ tát là chỉ cho quả vị chứng ngộ cao tột, gần bằng với Phật, như bồ tát Quan Âm, bồ tát Phổ Hiền… Vì thế gọi Bùi Giáng là “bồ tát thi sĩ”, dễ gây sự ngộ nhận theo cách hiểu thường tình. Có người gọi Bùi Giáng là thiền sư, cũng vậy, sẽ dễ gây thị phi đối với một số người chấp nhất.

Thực ra, nếu muốn hiểu Bùi Giáng như một vị bồ tát nghịch hạnh hay một thiền sư triệt để phá chấp vẫn không có gì sai lệch, cái sai ở đây là gây ra sự hiểu lầm, lợi bất cập hại. Tôi cẩn thận như vậy trước khi nói “Bùi Giáng trên hành trình bồ tát đạo”. Vâng! Tất cả chúng ta đang bước đi trên con đường bồ tát đạo.

Suốt một đời sống phiêu bồng rong rêu đầu đường xó chợ, quần áo lôi thôi, ăn uống nhập nhoàng. Trước khi chết cũng điêu linh như bao con người, làm sao tránh khỏi những hoài nghi nơi tâm hồn cạn mỏng. Rồi có người thắc mắc Bùi Giáng sau khi chết sẽ đi về đâu, thiên đàng hay địa ngục? Thăng hay đọa?

Thật khó đem điều này giải thích với người chưa bao giờ nghe và hiểu tinh thần Thiền tông, chưa làm quen với thế giới Hoa nghiêm, chưa tiếp xúc với văn học Bát nhã.

Nếu trích dẫn thơ Bùi Giáng vào đây để chứng minh thì cùng lắm chỉ cho biết được sự hiểu biết của Bùi Giáng đối với những thứ ấy thôi, mà cái chính muốn nói ở đây là Bùi Giáng đang ở cung bậc nào trên lộ trình tu tập. Trái lại, nếu có người ra sức biện hộ cho Bùi Giáng, trích dẫn kinh điển và hình ảnh các vị thiền sư nổi tiếng như Hàn San, Thập Đắc, Hiện Tử, Trư Đầu để chứng minh rằng Bùi Giáng giống họ, thì cũng có sao?

Sai một ly đi một dặm tai hại sẽ là vô cùng. Hành trạng của Bùi Giáng đã có bao nhiêu người biết và viết cặn kẽ rồi, ở đây tôi chỉ xin thành kính nghĩ về con người kỳ dị ấy trên góc nhìn của Phật giáo mà thôi.

Trước hết là nhìn về Nhân quả. Có người hỏi thiền sư Bách Trượng Hoài Hải: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả hay không?” Sư đáp: “Bất muội nhân quả”. Người hỏi đã từng năm trăm năm đọa làm con cáo đồng chỉ vì trả lời cũng câu hỏi ấy là “Bất lạc nhân quả”, tức bậc đại tu hành không rơi vào nhân quả. Bây giờ nhờ hòa thượng trả lời là “không mê mờ (bất muội) nhân quả” mà thoát kiếp cáo đồng. Đây có thể là câu chuyện quan trọng nhất khi tìm hiểu tinh thần Thiền tông Trung Quốc.

Dù Bùi Giáng có tu hành và chứng ngộ đến đâu đi nữa, ông cũng không ra ngoài nhân quả. Nhân nào thì quả nấy, ông không ăn thì đói, không uống thì khát, uống rượu thì say, ngủ đầu đường xó chợ thì muỗi cắn và lạnh, ông không tin Phật A Di Đà thì làm sao lên thế giới Cực lạc? Bậc bồ tát không mê mờ nhân quả, họ biết rõ nhân quả, do đó đừng hỏi Bùi Giáng thăng hay đọa, lên hay xuống thì không quan trọng với ông. Ông là kẻ chịu chơi số một ở Việt Nam từ mấy trăm năm nay. Không phải ông tự đày đọa mình, mà chấp nhận điêu linh như một cứu cánh để đạt được sự tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Ta cứ ngỡ đùa vui trong tí chút

Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh.


Cứ ngỡ đùa vui tí chút để vào cánh cửa của thế giới hiện tượng gởi trao một thông điệp phiêu bồng. Nào ngờ, gặp toàn kẻ điếc tai, độn trí, ông phải đem thân tàn ma dại thống thiết điêu linh để thắp lên một niềm tin cho tới hơi thở cuối cùng.

Ta chấp nhận ngàn lần trong thổn thức

Ta bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm

Ta cam chịu cuồng si để sáng suốt

Ta đui mù cho thỏa dạ yêu em.

(“Phụng hiến”)

Yêu trần gian như thế, dẫu có xuống địa ngục, chánh nhân Phật đạo vẫn sáng ngời như niềm tin bất hoại trong tâm hồn thi sĩ.

Lần đầu tiên tôi gặp Bùi Giáng là vào khoảng năm 1983, cũng tại khu vườn lý tưởng của ông, nơi có căn nhà nhỏ tồi tàn với đầy đủ giẻ rách và chó con. Ông ra mở cổng và chắp tay kính cẩn cúi đầu chào một chú tiểu còn để chỏm, trịnh trọng dắt tôi vào bên cây vú sữa. Lần đó, ánh mắt ông lẳng lặng nhìn trời như có một thứ lực gì kỳ lạ, đến nỗi làm tôi rớt hết mọi định kiến về ông. Nếu tôi có diễm phúc nhìn ông những lúc như thế, chắc hẳn sẽ thay đổi ít nhiều.

Như trên tôi đã nói rằng tôi không thích gọi Bùi Giáng là thiền sư, thậm chí còn phản đối. Nhưng không vì thế mà không nhìn Bùi Giáng qua góc độ Thiền tông.

Ngữ lục Thiền tông Trung Quốc đã nói nhiều hành trạng các thiền sư phá chấp triệt để, những câu nói động trời kiểu “Càn thỉ quyết”, hay những hành động kỳ quặc như Hàn San, Thập Đắc, Phong Can. Vì thế, nếu thực sự Bùi Giáng là những con người thuộc cung bậc ấy thì chúng ta khỏi phải thắc mắc gì những hành động và lời nói kỳ quặc của ông.

Tôi có đọc đâu đó một bài viết về thiền sư Basho, một thi sĩ nổi tiếng với thể thơ Haiku của Nhật Bản. Bùi Giáng rất giống với nhân vật này về thể điệu phiêu bồng. Nhưng Basho thì được tâm hồn Nhật Bản “cắt tỉa” cẩn thận như chậu Bonsai, còn Bùi Giáng thì giai thoại về ông khi các giai thoại vẫn là giai thoại. Phải chi những giai thoại đó được Bùi Giáng hay những “tín đồ” của ông sao chép lại, thì dễ chừng sau này người ta gọi nó là ngữ lục, dù sự thật hay là hư cấu. Nếu Bùi Giáng là người Trung Quốc, chắc chắn đã được các “chú ba” nhà ta phong lên hàng “Tế Điên tái thế” hay “Thập Đắc chuyển sanh” rồi. Ta không nên gọi cái dễ chịu người Tàu. Bùi Giáng là người Việt Nam, hãy để ông ngủ bên hiên chùa mái chợ hay đứng làm cảnh sát giao thông giữa ngã tư đường cũng được. Làm thiền sư cực lắm!

Tôi vẫn chưa nói vào trọng tâm đề tài? Đúng vậy! Tôi phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình, trong khi Bùi Giáng lại là Bùi Giáng chứ không phải một nhà thơ thuần túy nào đó. Người có đủ tư cách nhất ở Việt Nam hiện nay bàn thế giới nội tâm Bùi Giáng là Trần Đới? Trần Đới là kẻ thử mang, thử nếm cái điên hay tỉnh nơi hình hài phiêu hốt và bụi bặm cùng độ của họ Bùi, nên có thể tránh được sự ngộ nhận. Theo Trần Đới, có lúc Bùi Giáng ở trong một trạng thái phỉ lạc cực độ của một thứ tam muội mà ông gọi là niết bàn của thi sĩ. Những lúc ấy, Bùi Giáng thấy các thế giới này lung linh như sương móc, sỏi đá cũng sáng ngời như châu ngọc, cho nên có lúc cả một buổi trời ông chỉ đi tới đi lui trong một không gian nhỏ với sự phấn khích cùng độ, không có kẻ oán người thân, không có dài ngắn vuông tròn, thi sĩ dường như đã chạm vào được cái nút để bật lên được cỗ máy huyền vi, một thế giới trong suốt hiện tại bày tất cả mà vẫn trinh tuyền như sương và lãng đãng như khói, ngạt ngào như cõi Chúng Hương mà chỉ ngay tại gang tấc bình sinh linh động. Ta chợt nhớ thế giới Gandavyùha của Hoa nghiêm. Phải chăng Bùi Giáng đã thể nhập vào cảnh giới này?

Rồi đâu là sinh địa đích thực của Bùi Giáng?

Theo tinh thần Hoa nghiêm, nơi nào có tâm bồ đề phát khởi, nơi đó có quốc độ của bồ tát, vì đó là nơi xuất sinh các thiện tri thức; nơi nào có chứng nhập các trụ địa (Bhùmi), có phát đại nguyện, có đại từ, có chánh kiến, có sự quảng bá của Đại thừa, có sự giáo hóa chúng sanh, có phương tiện trí (Prainà - upàya), có sự tu tập của hết thảy Phật giáo… đó là trụ xứ của bồ tát, vì những nơi ấy là nơi sinh trưởng hết thảy các ba la mật, là nơi thi hành công hạnh, là nơi phát triển tứ nhiếp pháp, trí tuệ siêu việt trỗi dậy, các phương tiện thiện xảo được vận dụng, là nơi nhận biết hết thảy các pháp đều không sinh và là nơi hết thảy chư Phật giáng sinh.

Như trên chỉ là sơ lược vài nét về góc độ giáo lý nhà Phật để thử lý giải hiện tượng Bùi Giáng, song chỉ là qua sự suy luận hẹp hòi cạn cợt của người viết, chắc chắn sẽ bị búa rìu dư luận. Song người viết cũng không ngần ngại phát biểu một cách “thiệt thòi nhà quê” cái bầu trời của một con ếch ngồi đáy giếng.

Nhưng bằng tấm chân tình, người viết cũng xin có đôi lời cùng với Bùi Trung Niên thi sĩ, rằng tâm bồ đề rất dễ thối thất nếu không được nuôi dưỡng bằng thiền định. Giới, định, và huệ là ba món vô lậu, là tăng thượng duyên thăng tiến trên hành trình Phật đạo. Vì phương tiện mà có lúc Trung Niên thi sĩ đã tự phá hủy sức lực của mình, chắc chắn là sẽ chịu những quả báo ở trong các thế giới thi sĩ đi qua. Dẫu sao, đừng để những tâm hồn cạn mỏng phải mất tín tâm đối với tự tính của họ và cố gắng thiện xảo hơn trong những phương tiện chuyển hóa đồng loại. Còn bây giờ, tất cả chúng ta hãy thành kính chắp tay hoa quỳ xuống giữa đôi vầng nhật nguyệt, tụng ca bất tận câu thần chú Pràjnà:

“GATE, GATE, PARAGATE, PARASAMGATE, BODHI, SVÀHA”!

Nguồn: dacnsansuoinguon.org
Trang: 1 2 3 4 5