Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Đò chiều - Nguyễn Trọng Tân
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Tôi đọc Nguyễn Trọng Tân từ những ngày còn bé. Đó là tập truyện ngắn Đò chiều mà tôi lôi ra được trong một lần lục lọi tủ sách của ông chú. Cuốn đó có một số truyện ngắn đặc sắc với nhiều tình tiết kỳ quặc, bi thảm đã đeo bám trong tâm trí tôi rất lâu. Hôm rồi tôi có nhắc lại tên cuốn này với Hàn Tuyết và chợt muốn đọc lại. May mà trên VN Thư Quán cũng có vài tác phẩm của Nguyễn Trọng Tân, trong đó có Đò chiều, truyện ngắn mà tên được lấy đặt cho tập truyện hồi xưa tôi đã đọc.

Nguyễn Trọng Tân sinh năm 1949, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trong hoạt động viết lách, ông còn dùng các bút danh như Nguyễn Lê My, Phù Việt Trang...

[Hình: 92432bcb5364cbc996bfe7118497e64c.jpg]

Trong giới hạn tập truyện Đò chiều, ấn tượng của tôi về bút pháp Nguyễn Trọng Tân là cách ông xây dựng nhân vật và tình tiết cực kỳ sinh động. Cách ông đặt tên cho nhân vật cũng rất lạ. Bối cảnh trong tác phẩm thường là làng quê Việt Nam, với tất cả những khốc liệt, bi tráng, trần trụi, đau đớn của phận người thời hậu chiến. Văn phong Nguyễn Trọng Tân khá chân phương, mộc mạc, dân dã, song có những lúc hưng phấn ông cũng viết ra những dòng vô cùng diễm lệ như ánh tà dương bất chợt bừng lên vào những khoảnh khắc cuối cùng của một ngày mưa bão.

Mời các bạn thưởng thức truyện ngắn "Đò chiều" của Nguyễn Trọng Tân như chút hương vị cho ngày nghỉ. Tác phẩm được copy từ vnthuquan.net, có chỉnh sửa một số lỗi typo.


Đò chiều
Nguyễn Trọng Tân

Nghề viết đưa tôi đi nhiều, gặp đủ hạng người. Song cái tạng tôi ngại tiếp xúc, lại lúc nào cũng thấy thảng thốt, như có lời giục giã đã từ đâu đó xa lắc: Hãy sống mau lên làm được gì có ích thì làm đi. Cuộc đời đáng yêu thật nhưng cũng chán ngắt. Cuộc đời có vinh nhục đủ cả nhưng không phải nơi ồn ã, trang trọng. ở đấy, cuộc đời trả giá, phù phiếm tới mức điệu nghệ. Phải chăng thế mà chuyến đi lặng lẽ về miệt rừng núi heo hút, cụ thể là cái trạm thuế con con bên ngã ba con đường Tây Bắc xuôi về làm tôi nhớ mãi.

Duyên do chuyến đi bởi ông Cao Nhơn, người phụ trách nghành thuế tỉnh X. tôi quen ông khi ông làm Chủ Tịch một huyện lớn. Từ ngày ông về Thuế, tự dưng tôi thấy ngại gặp. Có thể do nỗi mặc cảm về cái nghề "thuế má" với những tay thước mặt mày hung gở in sâu trong trí nhớ tôi qua phim ảnh, sách báo thời còn trẻ.

Dịp gặp nhau tại một lễ kỉ niệm; rượu vào, rượu lôi những điều ngại nói ra khỏi cổ, Cao Nhơn bảo tôi bằng cái giọng ngang ngang, ấm ức ra chiều:" Ông chẳng hiểu cóc khô gì cái nghề thu thuế của chúng tôi cả".

- Này, hôm nào về với tôi ít ngày. Tôi đưa ông đi săn. Săn ở rừng cấm hẳn hoi. May được con hoẵng con chim, nếu trắng tay anh em thuế sẽ đãi ông bữa chẽo sông Bứa. Chẽo nướng, chẽo ôm măng tôi tin ông khối tư liệu viết còn hay hơn, tai quái hơn cái Trang gia phả viết bằng vôi.

Tôi chột dạ. Ra cái ông thuế này chịu đọc hơn tôi tưởng. Truyện ngắn trang gia phả viết bằng vôi, in đã lâu trên một tờ báo nhỏ ở thủ đô. Nội dung chỉ là câu chuyện tôi chép từ cuốn gia phả họ được viết trước cách mạng. Truyện chẳng ra gì mà ông đọc, ông nhớ. Vậy là ông quý tôi. Còn tôi thì cứ giữ cái định kiến xưa nay cho rằng xưa nay niềm mê say duy nhất của mấy cán bộ thuế là tiền. Làm sao, bất luận thu được nhiều tiền. Lòng họ lạnh lùng chai sạn?; Tôi đâm phân vân. Đôi mắt Cao Nhơn cười cười, tai quái. Giọng ông dịu bớt vẻ gây sự:

- Ngày học phổ thông tôi giỏi nhất môn văn học, nhưng số phận đẩy tôi đi làm tài chính. Tôi được đào tạo chính quy và cũng gắn bó với nghề. Sinh ư nghiệp mà, nhưng không bỏ được thú mê văn chương thế mới khổ.

- Sao lại khổ? Tôi cảnh giác nhìn Cao Nhơn. Văn ấy đâu phải là nghề. Văn ấy là Người. Nó là phần tâm hồn, hương nhụy của bông hoa. Ông làm tài chính mà giầu tâm hồn ấy là người sướng, người tốt.

Cao Nhơn cười cười giễu cợt:

- "Em" là người lòng thành thôi.

Tự nhiên tôi thấy phát cáu vì cái lối tưng hửng của ông. Tôi đay nghiến:

- Lòng thành là cái phù phiếm bậc nhất. Nó vô giai cấp. Chỉ có lòng thành thôi ông cóc làm lãnh đạo người khác được. Dân buôn lậu cúng thần linh làm cho cánh phòng thuế, công an, có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm. Đấy là lúc họ thể hiện lòng thành nhất còn gì.

Kha kha cười, cái cười như đám hạt ngô già nổ bung giữa cát bỏng, Cao Nhơn không giận:

- Nói chuyện với mấy ông văn nghệ kinh bỏ xừ. Nhưng tôi chịu được.

Tôi cũng dàn hòa:

-Văn chương là cái kính chiếu yêu. Nó chịu người có tâm, nỡm kẻ mượn nó để tiến thân. Ông có tâm thì sợ gì.

Tôi nhận lời đi săn cùng Cao Nhơn trong rừng cấm. Nói cho oai thế thôi, rừng cấm bây giờ sạch tinh tươm. Chẳng biết ông Nhơn chuẩn bị ngựa từ bao giờ, hai con ngựa đủ bộ lệ yên cương. Cái dáng ngồi ngựa của Cao Nhơn thật điệu đà, cái phất roi khiêu khích làm tôi phải khen thầm:" Cha này thật lắm tài". Tuổi Đinh Hợi lại có sao hỷ thần chiếu mệnh, nghe đâu ông là "tác giả" của bao chuyện hóm nghịch động trời. Dưới đây là một chuyện:

"Một lần Cao Nhơn đi viếng đền. Cổng đền tạc hình hai ông Thiện Ác. Đấy là những ông lính gác. Sứ mệnh các ông là làm vệ binh cho các đấng thần linh. Người đời không thờ cúng hai ông. Vậy mà chẳng hiểu sao dưới chân các ông lại có hai bát hương to tướng. Khói táp đen cả võ phục oai vệ. Lúc Cao Nhơn đến, thấy một nữ tu đang lúi húi. Cô gái còn quá trẻ. Gương mặt đẹp và buồn đến não lòng. Đôi môi hồng cắn chỉ, mòng mọng như chỉ trực òa ra nỗi ẩn ức đớn đau, khiến bộ quần áo nâu xồng cô đang mang chỉ làm tăng nỗi da riết với cuộc đời trần tục. Cao Nhơm sững lại. Cái máu nghịch ngợm trong người kéo ông tới bên cô bé. Đợi cô cắm hương xong, ông chắp tay khấn mà như hát: "Con lạy hai ông. Hai ông sinh ra để gác cổng đền. Cần chi đến sự thờ phụng của người đời. Vậy mà ai lại vẽ chuyện thế này. Quanh năm suốt tháng hương lửa cháy đùng đùng con hỏi thật, hai ông có thấy nóng rát ở chỗ ấy không?". Miệng nói nhưng bao nhiêu "lòng thành" từ đôi mắt hấp háy nơi ông nghiêng ngả sang bộ nâu xồng. Nữ tu quá sức e thẹn, bối rối liếc xéo cái ông đệ tử tai quái. Gương mặt đẹp mê hồn như có lửa cháy. Cô ngoăn ngoắt bỏ đi như hờn như rỗi. Chút vốn liếng tu hành rõ ra chưa được mấy nả có cơ bong mất.

Lúc hai con ngựa sóng đôi, tôi hỏi lại Cao Nhơn. Ông cười kha kha bảo:

- Có chuyện đó thật. Nhưng dạo ấy tôi còn trẻ mà. Với lại cũng tại cô bé ấy xinh tệ. Người quá xinh đẹp không thể tu thành chính quả được. Họ đi náu đời, nhưng đời nào tha họ. Cửa Phật là nơi thanh tịnh cạn kiệt mầu mỡ, mà cô bé thì như tinh túy của trời đất. Bước chân vào đó cô ấy sẽ chết. Cao Nhơn nói như hụt hơi: "Đùa vậy mà không hiểu sao đêm về tôi cứ thấy đau. Nỗi đau buồn vô cớ. Cho mãi đến sau này, gương mặt người nữ tu, dáng vẻ lầm lụi với một bể tâm sự và cam chịu trong cái tấm thân mảnh mai ấy cứ trở về mỗi khi tôi đơn côi."

Tôi chợt phát hiện ở Cao Nhơn nỗi đa cảm và cô đơn khủng khiếp. Cái dáng ngồi tưạ thanh thoát như đã biến đâu. Tấm lưng cong xuống nặng nề, tia mắt vút xa nơi vỉa núi đang sẫm dần lúc chiều buông.

- Sau đó tôi nghe nói, ông có đi tìm nữ tu?

- Có, tôi có nghe ngươi ta bảo cô bé sang đò ở gần bến Gành. Ngày rằm mồng một cô ấy vẫn qua lại các chùa trong vùng, nhưng sau hôm ấy không thấy trở sang nữa. Các cụ bảo: "Trai yêu bằng mắt" có lẽ thật. Chỉ nhìn thấy cô bé lần ấy mà tôi nhớ mãi. Nhớ đến nỗi sau này gặp ai có nét hao hao giống cô bé là tôi cảm tình ngay. Với tôi sắc đẹp phải là như thế, phải có hồn vía của bùn đất, của mưa nắng. Sau đó tôi có qua lại hàng chục ngôi chùa trong vùng nhưng đều vô ích. Cô bé như là một đốm sáng kì lạ đậu vào đời tôi trong chốc lát rồi biến đi. Chỉ thế thôi mà tôi cứ khắc khoải, cứ nhớ thương, cứ tôn thờ suốt cuộc đời. Nhiều lúc tôi giật mình tự hỏi không biết chuyện nữ tu là mơ hay thật. Tôi đã cố họa lại gương mặt đó, tôi chưa vẽ bao giờ cả vậy mà tôi đã thể hiện được sắc diện của "nàng" trên mặt giấy. Nàng như một sự ban tặng, lại như một đòn trừng phạt tôi trong cuộc đời.

Chuyến đi săn quả thật trắng tay. Hình như anh em trạm thuế cũng biết thế. Họ đã chuẩn bị sẵn cơm. Có thịt chẽo thật. Chẽo rán vàng ươm. Món măng tre trắng phau ngâm với ớt chỉ thiên. Những trái ớt bé tý, nhọn hoắt chỉ nhìn thôi đã thấy cay xé lưỡi. Đêm ấy trong cái trạm thuế chon von giống như một nếp nhà nghèo bị bỏ quên nơi cửa rừng, tôi trằn trọc không ngủ nổi. Giường bên, Cao Nhơn vẫn nằm ngay ngắn như vô lo, mà quá nửa đêm ông nói tỉnh queo: "Từ dạo về thành phố ít được ngủ rừng. Cứ ngủ rừng tôi lại nhớ, lại đau..."

Giát giường cọt kẹt. Tôi nhìn sang thấy ông đang lụi cụi trở dậy. Ông vừa mặc áo vừa nói:

- Dậy uống trà vậy. Ngồi bên cửa sổ nhìn sông Bứa về đêm đẹp ra phết.

Hai cánh cửa gỗ mở ra. Tiếng con sông nhánh vào loại cổ nhất vùng Tây Bắc cất lên dào dạt. Ban ngày nhìn dòng sông bé bỏng, tù túng. Lúc này nó lại có vẻ huyền bí, mơ màng. Cao Nhơn ngồi im như pho tượng. Điếu thuốc chợt lụi, chợt hồng làm gương mặt ông gãy gọn như những nét khắc. Bỗng Cao Nhơn hỏi mà cũng ra như không hỏi tôi.

- Ông có thể không! Nhiều lúc tôi có cảm giác rất lạ về thời gian tồn tại của đời người. Nó giống như con sâu đo ấy. Nếu cứ để ý nhìn nó bò thì sốt ruột lắm, ấy vậy mà chỉ nhãng đi một chốc, một chốc thôi, ngoảnh lại mới thấy kinh ngạc bởi sự hiện diện của kiếp người trước cái vô cùng vô tận của trời đất.

Tôi khẽ rùng mình vì âm sắc chìm đắm, nỗi cô đơn, yếu ớt trong lời ông. Và tôi cũng chợt hiểu ra rằng, ai yêu ông chắc cũng nhận ra phần trong trẻo, thơ ngây nơi ông bị khuất lấp sau không ít đớn đau, bụi bậm và cả sự hơ hớ vô hồn của cuộc đời.

*

Cuộc chiến tranh năm ấy giống như một trò đùa ác. Cái lưỡi lông lá của nó táp nhoáng nhoàng vào một vùng biên cương. Dẫu cái thời đặc biệt đó chỉ diễn ra trong vòng vài chục ngày, nó kịp xới tung cuộc sống quen thuộc của hàng triệu con người. Lo sợ, vất vả, chết chóc, và lâu dài hơn, nó làm bật rễ niềm xác tín vào những hiện hữu mà cuộc sống thanh bình, lành mạnh đã vun trồng nên.

Ngàn, vợ Cao Nhơn ôm được hai đứa con theo xí nghiệp xơ tán về xuôi, chưa ổn định đựoc chỗ ăn ngủ thì lại nghe chiến tranh kết thúc. Lại lục đục kéo ngược. Lại chôn người, dựng nhà hàn gắn đổ vỡ. Cô gái vùng bãi vải thủa nào ánh mắt vẫn thăm thẳm và thật nhiều khao khát. Mười năm trước học xong trung cấp Tài chính, niềm cuốn hút của rừng lôi bật Ngàn lên miệt biên cương này. Ngày ấy mọi người đều chưa biết tính toán chuyện thiệt hơn. Với Ngàn, được lập thân xa nhà còn đặc biệt hấp dẫn cô.

Cao Nhơn gặp Ngàn khi cô vừa chân ướt chân ráo từ dưới xuôi lên. Cái áo gụ cổ trái tim bó tấm thân tròn lẳn, vẻ bỡ ngỡ e ấp nơi cô động chạm đến một cái gì rất sâu trong anh. Cao Nhơn hơi sững người. ánh mắt anh như lửa vây bọc Ngàn mỗi khi hai người gặp nhau. Và dẫu chưa nói ra, những cử chỉ ấy đã quá đủ một lời thú nhận sự si mê của anh trước cô. Nó giống như một tình cảm đã được ém sẵn, một tảng than hồng vẫn âm ỉ cháy dưới làn tro mỏng, cô đến, khối lửa ấy bùng cháy thành tình yêu.

Ngàn khá xinh gái. Ngoài cái hấp dẫn chết người của "đàn bà" dậy thì, gương mặt và hồn vía của đôi mắt phảng phất những nét mê đắm nhất ở người có cá tính riêng mạnh mẽ. Hơn thế cô đem tất cả những thứ mỏng manh ấy dấn thân vào đời với một sự bạo dạn hiếm có. Ngày còn học trung cấp Tài chính, giữa thời bom đạn phá tơi bời, Ngàn đã là một cô gái cứng cỏi, quyết đoán hơn đám bạn học. Nhà cách trường vài chục cây số, chiều thứ bảy cô lại xăm xăm cuốc bộ về quê, có khi chỉ để ăn một bữa thật no bù cho những bữa ăn học trò suốt tuần chỉ đủ tráng dạ. Có khi chỉ để rúc vào ngủ với mẹ một đêm, để mẹ nắn chân nắn tay cô con gái nần nẫn ra mà miệng thì xuýt xoa rằng con gầy yếu vì thiếu ăn, vì học hành vất vả. Sáng chủ nhật tíu tít cơm cháo, mẹ lại dúi cho vài chục bạc, có lúc túm ngô rang, vài cân gạo thế là vui.

Một lần trường tan học muộn quá, cô về đến bến sông thì đã nửa đêm. Có gọi thì cũng chẳng còn ai chở đò, Ngàn mượn con đò vô chủ tự bơi qua sông mà về. Chuyện thân gái dặm trường sông nước ấy đã làm lác mắt khối đấng "tu mi nam tử". Nhưng với Cao Nhơn, tính cách ấy lại làm anh thấy hay hay. Một cuộc săn đuổi ngấm ngầm của vô khối chàng trai trong xí nghiệp nhằm tới Ngàn. Mà chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cũng giống như Cao Nhơn, trái tim tưởng như ngỗ ngược của cô lại thổn thức vì anh. Nhìn vẻ bề ngoài Nhơn có vẻ không đăng đối lắm với cô. Anh nhỏ con hơn, trầm tính hơn. Nhưng có gần gụi thì mới thấy Cao Nhơn là tay nghịch ngầm có hạng. Đôi mắt heo heo, cái miệng đào hoa mim mỉm với những câu chuyện dí dủm, tai quái, bất ngờ như bỏ bùa mê cho Ngàn. Cứ thế tình yêu thắt chặt hai người giữa không ít "hằn học" của đám mày râu thất trận. Một năm rồi hai năm, những chuyến đi vất vả từ rừng núi về đồng bằng trình diện hai gia đình đối với họ cứ nhẹ tênh tênh, cứ dày thêm cái tổ ấm mà họ phải xây đắp. Đám cưới của Cao Nhơn với Ngàn được tổ chức ngay tại xí nghiệp, một xí nghiệp sơ tán được coi là khá yên ả giữa những ngày căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mĩ trên miền Bắc. Hạnh phúc ấy chẳng đòi hỏi gì nhiều. Cả nước thắt lưng buộc bụng để đánh giặc. Người người lấy chính tâm làm trọng. Xã hội trong yên lành, yên ả. Và ngày đất nước bùng lên tiếng reo chiến thắng thì trong cái tổ ấm con con của Cao Nhơn, đứa con trai đầu lòng của vợ chồng anh cũng chào đời. Rồi hai năm sau tiếp đứa con gái. Nhiều gia đình xin chuyển về xuôi, nhưng Cao Nhơn thì chưa thể lo chuyện đó. Anh được cơ quan cử đi một khóa đại học chuyên nghành. Nhìn gian nhà tập thể xộc xệch, hai đứa con thơ dại, anh đã định từ chối, nhưng Ngàn lại cứng cỏi hơn anh. Cô biết để anh đi, ba mẹ con ở nhà sẽ vất vả gấp bội, nhưng anh đi được thì tương lai của nhà chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn. Chiến tranh buộc tất cả trong sự quân bình, nhưng hòa bình là sự phân biệt, là sự phân cấp bởi trình độ và tài năng. Vợ chồng anh coi như đã gắn bó cả cuộc đời với rừng núi này, nhưng còn tương lai của lũ trẻ? Đêm trước ngày Cao Nhơn về Hà Nội nhập học, vợ chồng anh dường như thức trắng. Anh biết đây là thử thách đối với Ngàn. Khó khăn trong cuộc sống và công việc anh không lo cho cô, nhưng dường như thế, ai càng cứng cỏi về lý trí tình cảm lại yếu mềm đến độ ngạc nhiên. Khoảng cách ngày mai gữa hai vợ chồng anh là hơn 300 cây số. Anh biết Ngàn cố dấu sự lo lắng khi không có anh bên cạnh.

Những ngày hòa bình đầu tiên ở cái vùng núi xa lắc này thật náo nức, nhưng cũng nhanh chóng chìm đi bởi bao nhiêu kế hoạch lớn từ tác động của chiến thắng. Hàng ngàn người đã tưởng xây dựng quê mới ở đây, bắt đầu nhấp nhổm lo chuyển về thành phố. Cả một làng công nhân đông đúc nay chỉ còn lại những gia đình đã quá nặng gánh vì con cái trưởng thành an cư lạc nghiệp, hoặc quá nghèo mà trong tay chẳng có bằng cấp gì để xin việc ở thành phố. Xí nghiệp in của Ngàn vẫn hoạt động. Sản phẩm vẫn là thứ hàng đặt của các đơn vị trong tỉnh với loại giấy nứa đen xì. Do nhiều người nghỉ nên việc nhiều. Một nách hai con, chồng lại ở xa, Ngàn gắng gỏi để tăng thu nhập nuôi con. Ngoài việc chuyên môn, tối đến cô nhận thêm hàng về nhà làm. Hoàn cảnh như Ngàn, bằng cấp có, có điều kiện về xuôi mà vẫn yên tâm công tác, là người lao động tiên tiến, trở thành đối tượng bồi dưỡng phát triển của tổ chức. Nhưng sâu thẳm trong lòng Ngàn cứ bị một nỗi thắc thỏm lo lắng vô cớ. Lúc làm việc ở phân xưởng đông vui thì quên đi nhưng đêm về, con nhỏ, xung quanh là rừng núi mênh mang, mới thấy ngấm nỗi chông chênh của đàn bà vắng chồng. Cô lại chợt tiếc đã để anh đi học. Năm năm quả là dài đối với tuổi đàn bà hồi xuân. Ngàn biết mình là người mạnh bạo, quyết đoán vì thế nhu cầu tình cảm, khát khao hưởng thụ cũng mạnh mẽ không kém. Nhiều đêm trằn chọc không ngủ, nỗi khát khao càng dày vò cô tợn. Nước mắt tràn ra, cố ghìm lại tiếng thở dài cứ nối nhau đẩy đến tức ngực. Ngàn tháo tung chiếc áo con bó chặt bộ ngực săn chắc lại của mình, cuộn cái chăn chiên, ghì lên tấm thân nóng bỏng đang đòi hỏi. Mỗi đợt như thế người cô lại bơ phờ mấy hôm mới trở lại thăng bằng. Cô dò hỏi người bạn tên Thuận, chồng Thuận đi bộ đội đóng quân tận biên giới Tây Nam, Thuận nhe răng cười bảo:" Mày chết, thế là mày bị ách-ta-ri rồi. Những cô gái quá lứa hay bị mắc bệnh đó. Có chồng như mày mà bị thế là ghê lắm?;" " Có thuốc gì không?". Thuận dí ngón tay vào trán cô, giọng dài ra. "Có. Chỉ có mỗi một thứ thuốc, nhưng mày có dám không?". "Thuốc gì mà không dám?". "Đàn ông". Ngàn giật mình. "Thật đấy!". Thuận bảo, "Lúc lên cơn ách ta ri cứ cho một tay đàn ông nào đó yêu một tý hoặc chỉ cần sờ một tý là nguôi ngay".

Từ hôm đó Ngàn không hỏi thêm gì Thuận, nhưng mỗi lần "bị" như thế, Ngàn lại nghĩ đến phương thuốc Thuận nói, không rõ thật hay đùa. Nhưng quả có thế những kỳ chồng cô về nghỉ hè, một thời gian dài sau đó, cô không thấy chuyện ấy xảy ra.

*

Quản đốc phân xưởng Trần Xạo, ngót bốn mươi tuổi. Nghe đâu vì vợ anh sinh toàn con gái nên anh ta chán xin lên làm việc ở cái phân xưởng sơ tán này. Nom bên ngoài Trần Xạo dễ làm người ta ngài ngại vì cái vẻ đồng cô tồi tội. Xạo ở một mình trong khu tập thể Xí nghiệp. Thỉnh thoảng anh ta mới về thành phố với vợ con. Xạo về được vài tháng thì Cao Nhơn đi học, hai người chỉ biết nhau sơ sơ.

Từ ngày được tổ Đảng phân công giúp đỡ Ngàn phấn đấu, Trần Xạo mấy lần gặp riêng trò chuyện với cô. Sự khao khát vươn lên của mỗi người là lẽ tự nhiên, Ngàn cũng mừng vì được tổ chức quan tâm, nhưng mỗi lần gặp Xạo cô lại linh cảm thấy một nỗi lo lắng tuy rất mù mờ. Trần Xạo đặc biệt quan tâm, săn đón cô. Nhiều bận đã hết giờ làm anh ta còn giữ cô ở lại nói chuyện vu vơ, rồi một vài lần anh ta đến nhà vào buổi tối. Chuyện công tác, phấn đấu của cô hình như chỉ là cái cớ để anh gần gụi cô. Nhưng lòng đàn bà lại thế, dù đã biết mười mươi mối hiểm họa bên mình, họ vẫn không thắng được sự tò mò, một chút kiêu hãnh tự ve vuốt mình. Đối với Trần Xạo, một chút đó quá đủ để anh ta đánh gục cái danh tiết của bất kỳ người đàn bà nào. Cái bản mặt tồi tội, nhẫn nhục và đơn côi, cộng với những lời nỉ non mượt mà dối trá, được Trần Xạo sử dụng tài tình như cái chìa khóa đặc dụng len lỏi vào trúng nơi yếu lòng nhất của bất cứ quý bà nào muốn thách thức: "Cứ để xem sao".

Ba năm xa chồng, rồi cú giáng điếng người của cuộc chiến biên giới là thời điểm, là cái cớ xô Ngàn vào với Xạo. Giữa những ngày lao đao ấy, một nách hai con, Ngàn thấy yên lòng trong đôi cánh tay đàn ông dang ra đỡ đần. Những ngày đầu sự cảnh tỉnh trong cô còn mạnh, song nỗi lo sợ đơn côi cứ lớn lên thêm mỗi khi cô vui sướng được Trần Xạo quan tâm. Sự nhùng nhằng trong lòng người đàn bà là vết nứt đầu tiên tuột họ vào vòng sa ngã. Ngàn đã xuôi tay trong cái bẫy tình ái vừa ngọt ngào vừa đắng chát của số phận. Có nhiều đêm cô thấy mình thơ thới, sôi nổi như thuở đầu đời. Cũng chen giữa đó là sự giật mình hoảng sợ cho tương lai: Chồng con, sự nghiệp? Xong, cái cây đời đang xanh tươi thế. Những đêm núi rừng vừa thâm sâu vừa khêu gợi, đàn bà thao thức một mình, cái lý sự "thằng Bờm" có sức thuyết phục ghê hồn. Cứ thế Ngàn như người vừa tự giác vừa mộng du bước vào vòng tay của Xạo. Và khi đôi tay đó khép lại thì sự dùng dằng trong lòng người đàn bà cũng chấm dứt. Suốt những ngày tháng chồng ở xa, cô và Xạo lang thang trên con đường ven sông Lô. Dưới ánh trăng non, dòng sông như một dải lụa màu viền theo miên man núi đá. Dường như mọi thứ ngổn ngang sau cuộc chiến tranh với họ cũng không còn nặng nề ghê sợ nữa.

*

Suốt hai ngày trời, trên chuyến xe khách liên tỉnh, một người đàn bà đã đứng tuổi không lúc nào bớt nhầu nhĩ; cái túi du lịch kẹp vào giữa hai gót chân, lúc xe qua đoạn đường xấu chị lại nhăn mặt như đang có gì đạp thúc trong bụng. Đôi bàn chân gầy, với những sợi gân xanh như giữ cái túi khỏi nhảy lên mà lại như bám víu vào đó. Lúc chị đứng lên mới nhìn thấy cái bụng đã lùm lùm sau làn áo xanh công nhân khá chật. Xe vào bến, hành khách tỏa đi các ngả rất nhanh, hình như họ đều là người quen thuộc vùng này, chỉ có chị lạ lẫm. Người gác bến chỉ đường cho chị về ngôi nhà trọ gần xí nghiệp in của tỉnh. Chị Miền. Vợ của quản đốc Trần Xạo từ một xí nghiệp ở Hà Nội lên.

Nghe nói mấy năm trước Xạo đã từng là phó giám đốc nhà máy nơi chị đang làm việc. Cũng vì lôi thôi thế nào với một nữ công nhân trẻ, Xạo bị anh chồng máu Trương Phi của cô ta đánh ghen chặt đứt một ngón tay. Chuyện ầm ĩ. Xạo bị lãnh án cách chức, và phải "hạ phóng" về xí nghiệp in sơ tán nơi rừng núi này. Miền đã có với Xạo hai con gái, chồng bị điều đi xa, chị với hai con vẫn ở lại Hà Nội. Vài tháng Xạo mới về thăm vợ. Chuyện cũ được thời gian và cả sự xa cách xóa mờ dần. Cũng cứ mong tình cảm được nuôi dưỡng trở lại. Biết khát khao của chồng về một đứa con trai, Miền cũng chiều lòng. Cái thai trong bụng chị lớn từng ngày. Theo kinh nghiệm của mẹ chị chắc lần này chị sẽ sinh con trai. Nỗi vui mừng cứ dâng lên cùng với hy vọng Xạo được trở về xum họp cùng gia đình lấn lướt cả nỗi áy náy vì chuyện sinh đẻ có kế hoạch của nhà máy. Nào ngờ Xạo lại lần nữa phụ bạc chị, chạy theo người đàn bà khác trong khi chị đã tha thứ cho anh ta. Chị cắn răng chịu đựng mọi lời dị nghị, mọi ánh mắt soi mói trước cái thai nhẽ ra không nên có, chịu thiệt thòi về quyền lợi và cả bước phấn đấu để mong anh ta tu tỉnh.

Một tuần liền sau khi biết tin chồng, Miền như người mất trọng lượng. Chị dấu mẹ, dấu các con chuyện xấu hổ đó. Chị xin nhà máy nghỉ phép rồi gửi con cho mẹ, theo xe lên Hà Tuyên nơi Xạo đang làm việc. Hơn ba trăm cây số đường rừng, vất vả, cực nhọc với người đàn bà bụng mang dạ chửa không đáng ngại bằng chị phải giáp mặt với Xạo. Vì những đứa con cần có bố, chị cố gắng nén nỗi đau của người vợ bị phản bội. Nhưng lần này nữa chị cũng không biết mình phải xử sự ra sao. Chị không phải là loại đàn bà có thể túm tóc, lăng nhục người đàn bà khác đã ăn nằm với chồng chị. Nhưng nỗi ấm ức, ghen hờn vẫn cứ bập bùng cháy rát trong lòng.

Nhà trọ vắng khách, chị được ở một phòng riêng. Nghỉ ngơi, tắm táp xong chị tìm người bạn gái tên Châu vốn trước cùng làm việc trong nhà máy. Chị bối rối và cay đắng khóc khi nghe Châu cứ sồn sồn "Tý nữa tao phải đưa mày đi, phải bắt tận tay day tận trán lũ mèo mả gà đồng ấy. Tao tức lắm. Chồng con Ngàn đi học vắng, lão Xạo suốt mấy tháng nay cứ dính kè với nó. Ngứa cả mắt!". Châu đanh đá, tốt bụng theo kiêu thẳng băng. Thấy chuyện bất bình của ai Châu cũng sắn tay vào can thiệp. Ngày trước chiến tranh, nhà máy còn ở tập trung, mấy ông lãnh đạo ngại nhất khi họp công nhân viên. Thế nào Châu cũng được mọi người phân công phát biểu. Tuổi Canh Dần thế nào Châu lại lấy được người chồng Kỷ Sửu, cả ngày anh ta chỉ lầm lũi, ậm à ậm ừ cho qua chuyện. Nghe Châu sôi sục, anh bảo: "Ở trên này ai cũng biết chuyện ấy cả nhưng đều ngại dây vào. Hay là để mai tôi bảo riêng ông Xạo gặp chị Miền. Hai vợ chồng có gì đóng cửa bảo nhau. Cứ nghe cô Châu làm ầm lên thế có khi gay!". "Gay là gay thế nào?". Châu vằn đôi mắt xếch lên. "Không làm cho chúng nó sợ thì ông Xạo dám bỏ vợ con theo nó lắm. Không lôi thôi gì cả. Ngồi đây ăn cơm rồi tao đưa đi. Tối nào mà hai đứa chẳng hú hí với nhau!".

Tội thân chị Miền, mới chỉ nhìn thấy chồng cùng người đàn bà ấy ngồi với nhau, chị đã hức lên ngã vật xuống. Cái thai như rữa ra quặn thắt. Châu hoảng hốt réo tên Xạo. Ngàn thất thần rời vòng tay của Xạo lao về nhà. Xạo thảng thốt nhận ra Miền đang quằn quại trong đôi tay Châu, anh ta đưa Miền về trạm xá Xí nghiệp thì cái thai đã không giữ được. Bà y sĩ cho biết đã rõ hình hài một đứa bé trai.

Chuyện giữa Miền và Xạo loang ra khắp các xí nghiệp trong vùng. Cao Nhơn buồn tê tái. Nỗi buồn của những người có tâm thường đi ngược vào trong gan ruột. Nó khiến mỗi tế bào đều đắng ngắt và rệu rã. Mấy ngày ở nhà. Cao Nhơn cứ cật vấn mình. Anh biết lỗi này cũng do mình một phần. Với một người nhiều khao khát, mạnh bạo như Ngàn thường dễ gẫy bởi những gì mù mờ, dai dẳng. Cô thanh minh, bào chữa cho việc mình làm cũng bằng cách hối hả, rành rẽ. Cao Nhơn cắn răng nghe, cố nhủ mình bình tĩnh, cảm thông. Anh không hề căn vặn nóng nảy. Dù không muốn thế, mà sâu lắng trong suy nghĩ, anh linh cảm có một điều gì đó nghiêm trọng đang bóp chết mọi cố gắng của anh: Hai đứa con thơ dại phải được lớn lên thanh thản dưới sự che chở của cả bố lẫn mẹ. Tâm hồn non nớt của chúng phải được bảo vệ. Bởi không giữ được những điều đó thì mọi lý do của người lớn với chúng tất thảy đều là giả dối, vô nghĩa.

Gần một thàng hè ở nhà bên vợ con, Cao Nhơn cố gồng mình lên để không khí đỡ tẻ. Hai đứa con còn quá nhỏ, chúng chưa đủ nhạy cảm để hiểu sự ấm êm giả tạo mà bố mẹ chúng dựng lên. Nhưng Ngàn thì khác. Dưới cái mặt nước có vẻ bằng lặng của gia đình, là những cơn vật vã của sóng ngầm. Nó cứ khoét sâu vào cái chân đế hạnh phúc của vợ chồng cô đã nứt vỡ. Ngàn biết tất cả tại cô. Cao Nhơn muốn nhờ thời gian hàn gắn những vết rạn, nhưng chính tính cách quyết liệt của Ngàn lại chống lại cô. Cái sợi dây buộc cô với gia đình là hai đứa con chưa đủ khỏe trước sức hút của sự lỡ làng và nỗi dày vò xấu hổ. Sau khi Cao Nhơn về trường, Ngàn đem tất cả nỗi khổ tâm của mình đặt lên tay mấy ông thầy tướng. Trần Xạo vẫn lén lút gặp Ngàn. "Tình cũ không rủ cũng về", hai người ấy vẫn như con thiêu thân quáng mắt vì ánh đèn. Không dứt ra được với Xạo, Ngàn còn sa chân vào nơi mà trước đây cô không hề để ý tới: Cầu cúng. Cô giật mình vì những lời phán của thầy như đi guốc trong bụng cô. Gia cảnh nhà chồng, tính cách của mỗi người, mối tình với Xạo... tất cả cứ như được xếp đặt từ trước trong số mệnh. "Sách trời" đã ghi rằng đời cô phải "sang đò" chuyến nữa! Đôi lúc tự Ngàn cũng nghĩ rằng có ai đó đã làm thầy dùi cho mấy ông xem tướng để bắt cô phải tin như thế. Nhưng rồi mọi sự tưởng như mù mờ trong lối nói của "các thầy" cứ rành rẽ ra trong đầu óc của người đàn bà đang hoang mang và khát thèm một sự bấu víu, một nhu cầu giải tỏa. Hai lực hút cộng hưởng đưa cô về với cái vòng xoáy của nó. Mặc cảm tội lỗi với người thân, nỗi ám ảnh vô hình về tiền kiếp, duyên số bít chặt sự hồi tỉnh trong cô. Và rồi, vào lúc yếu lòng nhất, bấn loạn nhất, Ngàn bỏ lại hai đứa con, dứt tình với người chồng mà cô hằng yêu thuơng và chắc hẳn vẫn yêu thương, để khăn gói đi theo Trần Xạo.

*

Cơn bão số 9 sầm sập về thành phố. Những đụn mây đen tựa đôi cánh tả tơi của con quái vật khổng lồ quét nốt những đốm sao hiếm hoi trên bầu trời. Mưa quất xéo xuống sân ga. Nước sùng sục ngoạm tiếng đám bã mía, lá bánh, bột than vương vãi đẩy về phía miệng cống. Tiếng cống rên ùng ục. Tốp sinh viên năm cuối trường Ngoại thương nhảy từ cửa xe ca xuống mặt sân, áo mưa, mũ cối, cặp da, ai có thứ gì giơ lên che đầu thứ đó. Họ ào vào phòng đợi tầu khiến cái ga thị xã vốn yên ắng đến rầu rĩ bận rộn lên. Lưa thưa vài người khách chờ tầu đều ngước mắt lên nhìn.

-Mưa bão thế này mà thi với cử, có mà trượt ráo.

- Bọn khoa văn đến chưa mày ơi?

- Chưa, còn sớm chán.

Người đàn ông đứng tuổi chạy sau cùng. Gần cửa ga anh ta nhảy loi choi như con chuột túi. Vừa đặt chân vào đã la toáng lên:

- Các cậu ơi, lại đây tý. Tàu xe đêm hôm cẩn tắc vô áy náy. Tất cả xem lại đi nào. Vé, hành lý rồi túm tụm vào với nhau cho gọn.

Đám nữ sinh đang chải đầu quay ngoắt cả lại. Những con mắt nhóng nhánh tinh quái:

- Đoàn trưởng Tùng ơi. Được túm tụm vào với nhau ạ?

- Ha, ha... Được đấy! Con gái Ngoại thương mình cũng ra phết.

Chàng trai vừa nói chợt ré lên. Một rừng móng tay chợt xoắn vào da thịt cậu. Những cái miệng nhọn ra nhao nhao:

- Coi thường con gái Ngoại thương hả, hả? Vâng, các chị đây thì khô như ngói, đâu bằng "người" văn khoa nhà anh. Vừa đa cảm này, vừa dẻo mỏ này, văn thơ lênh láng này, đúng không? Thú nhận đi.

Vừa chống đỡ cơn tá hỏa của đám bạn gái, vừa hềnh hệch cười lùi mãi về phía Tùng. Một cái sống lược dí vào trán chưa tha:

-Tý nữa lên tàu lại chỗ bọn khoa văn mà ngồi nghe chưa.

Tùng lụi cụi đẩy hai chiếc ghế băng sát vào nhau, vừa xong thì các cô ùa lại chiếm mất.

- Nào thì túm. Anh Tùng ơi túm kiểu gì đây?;

- Hừ nghiêm túc, nghiêm túc. Lúc nãy học trò vừa mới thưa thầy, thưa cô đấy nhé.

- Em chã em chã đâu.

Lại ồn ã một chặp nữa.

Cao Nhơn ngồi thu lu mãi cuối phòng, gần cửa soát vé. Theo dõi đám sinh viên từ nãy anh thoáng vui lây. Anh cũng mới dời ghế nhà trường được hơn một năm nay. Nhưng ngay cả lúc sinh viên anh cũng thuộc loại các "chú". Không còn cái tuổi vô lo để nhảy nhót quậy phá. Thêm nữa chuyện gia đình làm cho năm cuối khóa học của anh nặng nề tưởng như chẳng còn muốn thi cử gì nữa. Ngàn bỏ đi theo Trần Xạo, gài lại mảnh giấy nhỏ trong cánh tủ: "Anh Nhơn. Em biết mình có lỗi. Em bỏ đi vì số mệnh của em phải vậy. Cầu mong các con hiểu cho em. Sau này, khi các con dựng vợ, gả chồng, nếu được, anh nhắn tin trên đài, erm sẽ về...". Cao Nhơn vẫn nhớ rõ cái cảm giác ghê gớm phút đầu cầm mẩu giấy lạnh lùng đó. Anh đã bổ đi tìm Ngàn mấy chuyến. Ai mách ở đâu cũng đi. Chiều hôm qua anh vừa từ trong Nam Bộ ra, tiện đường tạt về nhà người anh vợ báo tin. Chuyện xảy ra đã gần ba năm nhưng về phía nhà Ngàn gánh nặng tâm lý chưa thể giải tỏa được. Anh trai Ngàn là Sơn, đã lên tận Hà Tuyên, nơi Ngàn công tác để tìm hiểu. Giọt máu trên, rọt máu dưới không thể không xót xa. Nhưng đêm qua lúc anh em tâm sự, anh Sơn cũng phải nhận rằng cô Ngàn là người có lỗi chính. Cao Nhơn bảo rằng nghe có bạn trong Nam điện ra gặp một phụ nữ giống Ngàn ở Bến Tre. Bến Tre là một nơi mà cậu em trai Ngàn từng đóng quân, đến nay gia đình cũng không xác định được còn sống hay đã chết. Giấy của đơn vị chỉ báo tin cậu ta mất tích. Có thể Ngàn vào trong đó. Nhưng lúc Cao Nhơn nhờ người hỏi chuyện thì người đó không nhận. Nét mặt chỉ hao hao, linh cảm vợ chồng cũng mờ mịt, Cao Nhơn biết đó không phải là Ngàn.

Đám sinh viên đã chán đùa. Họ xúm vào nhau, rù rì chuyện vãn, vài cô gục vào vai người bên cạnh ngủ. Cao Nhơn đưa mắt ra sau ga. Mưa đã tạnh. Hàng rào kẽm gai chạy song song với đường sắt thỉnh thoảng lóa lên bởi ánh chớp. Cái ga bé nhỏ lợp ngói này đã bao nhiêu lần đón đưa vợ chồng anh về thăm quê vợ. Mỗi bận chia tay, các em, các cháu lại đạp xe ra đưa tiễn. Lại ríu rít hẹn hò. Vậy mà giờ đây anh một mình thui thủi. Cao nhơn đốt thuốc, đi đi lại lại để tránh cơn buồn ngủ đã chớm đến. Chợt có tiếng gọi như reo:

- Anh Nhơn, anh Nhơn phải không?

- Ôi Hảo!

- Anh làm gì mà ở đây?

- Còn em? Nào ngồi xuống. Em đi coi thi phải không?

- Vâng. Vừa xong buổi sớm, chiều ra tầu về thì gặp mưa.

- Anh đi công tác à?

- Không, chuyện dài lắm. Anh đi miền Nam ra, tạt về quê cô Ngàn.

Hảo ngước mắt lên bạo dạn nhìn vào mắt Cao Nhơn.

- Anh vẫn đi tìm chị ấy à?

- Có người mách gặp Ngàn trong Bến Tre.

-Khốn khổ cho anh! - Mắt Hảo chợt xỉu xuống, một chút hờn dỗi rất trẻ con - Chẳng đáng phải làm thế.

Cao Nhơn nhìn đi chỗ khác, thở một luồng khói dài. Hảo cùng quê với anh, con một thầy giáo trường làng. Ngày bé Nhơn đã học cụ. Chuyện của vợ chồng Nhơn, cả làng biết. Đặc biệt ông bà giáo rất thương anh. Hai đứa con gửi ở quê cho bố mẹ anh chăm sóc vẫn được ông bà giáo và Hảo đón về chơi. Hảo kém anh hơn chục tuổi. Cô rất xinh gái, học giỏi. Ngày anh sắp tốt nghiệp đại học Kinh tế thì Hảo vào học Ngoại thương. Thỉnh thoảng anh mới gặp cô ở quê. Không ngờ Tết vừa rồi ông giáo mời anh sang uống rượu. Ông cụ vẫn giữ lối sống nghiêm khắc cũ. Mâm cỗ chỉ có hai thầy trò, bà cụ và chị em Hảo ngồi dưới bếp. Giữa chừng ông cụ nghiêm giọng bảo: "Anh Nhơn này. Tôi với ông cụ bên nhà là bạn bè cùng lứa. Chuyện vợ con anh thế âu cũng là cái số. Nhưng cảnh gà trống nuôi con. Lại còn công còn việc. Mấy năm nay anh cất công đi tìm chị ấy Không thể cứ thế mãi được. Tôi ngắm ra con Hảo nhà này nó quý mến anh lắm. Bây giờ dân chủ rồi chẳng còn ai nghĩ luẩn quẩn như ngày xưa nữa đâu. Phải duyên phải số thì tôi cho anh con Hảo đấy. Tôi xem ý nó cũng đồng ý. Tôi nói thế. Anh tính sao? Nếu ưng lúc nó ra trường đại học thì cưới..." Nhơn suýt chút nữa đánh rơi chén rượu. Mặt anh lựng đỏ. May lúc đó Hảo không có mặt ở đó. Hai gia đình anh và ông giáo vốn là chỗ thân tình. Anh quý Hảo như em gái lại chênh lệch tuổi tác, Nhơn đâu có nghĩ đến cô như bạn bè. Mấy năm nay, con gửi ở quê, tuần nào anh cũng từ cơ quan về vào chủ nhật, biết chúng gắn bó với Hảo nhưng lòng anh nào đã nghĩ đến chuyện gá nghĩa với ai, huống hồ với Hảo. Đến lúc nghe ông cụ nói anh mới lờ mờ nhớ ra chuyện này bố mẹ anh cũng đã ướm hỏi anh một vài lần. Hảo qua lại thăm anh, chăm sóc các con anh chân tình, thẳng thắn, còn anh thì chẳng để ý gì tới. Ngót một năm trời sau đó, anh bấu víu chuyển công tác từ Hà Nội về để gần gũi lo cho hai đứa con. Sự quan tâm của ông bà giáo, rồi nỗi khát khao của cha mẹ lo cho anh, cứ bị anh ậm ờ bỏ qua. Tình cảm của Hảo, anh cũng tưởng là sự cảm thông, nỗi xúc động ban đầu, thời gian sẽ làm cho cô nghĩ khác đi.

Dù sao thì anh cũng có một đời vợ và một gáng nặng gia đình cùng hai đứa con. Nhưng mỗi lần về quê đến thăm ông bà anh nhận thấy ý định tác thành cho anh vẫn vững chắc trong quyết tâm của những người thân. Bối rối quá chừng, anh mấy tháng liền không về quê. Giống như một cuộc chạy trốn. Nhưng chính trong những ngày đó anh tự dưng lại nghĩ đến Hảo nhiều nhất. Không giống như nỗi nhớ của những người trai trẻ đang yêu. Không bồng bột, liều mạng mà cứ da riết, ấm áp. Đêm đêm khi hai đứa con đã ngủ, mỗi đứa lăn một góc giường, quần áo con Điệp nhàu nát, chân thằng Hoàng nhựa chuối bám đen, Nhơn lại nhớ đến những lần Hảo kỳ cọ tắm giặt cho chúng nó. Mồ hôi lấm tấm khắp khuôn trán và hai bên thái dương cô. Những chân tóc xanh mướt bị kéo căng làm chỗ thái dương rân rân đỏ. Cái cách buộc tóc của Hảo khiến Nhơn rất thích. Một vòng dây chun mộc mạc túm cái đuôi tóc vồng lên, đường ngôi thẳng thắn, cái cổ trắng thon thả, cao cao, trông cô đoan trang, hiền đảm hơn. Hai cái tay áo chật kéo cao, bó sít vào cánh tay tròn, mỗi lần cô vò quần áo, những đường cong trên vai, trên lưng lượn thật hút hồn. Lần đó anh đứng chẳng biết bao lâu. Ông giáo nghỉ trưa, hai đứa trẻ chắc cũng ngủ. Hảo cứ lúi cúi bên cạnh giếng không biết mình bị ngắm trộm. Đến lúc nghe có người ngoài cổng, anh mới chợt lên tiếng. Hảo giật mình quay lại. nỗi vui mừng hơi thái quá, cô chạy líu ríu ra đón anh, con mắt ngời ngợi. Hai má lừng lựng đỏ, e thẹn, đôi môi một thoáng cong lên như hờn giận rất trẻ con. Chỉ một cử chỉ ấy thôi khiến anh lại thấy vị chan chát trong ngực mình. Hảo còn quá trẻ đẹp, quá nhân hậu. Anh sợ!

Sau một vài bận nữa anh về quê, nhưng không gặp Hảo. Cô đã sắp hết năm thứ ba, thời kì làm khóa luận để bước sang năm cuối khóa. Tình yêu của Hảo với Nhơn, nếu có thể gọi như thế, là một thứ tình yêu không giống với mọi người. Hảo không bao giờ viết thư hay đến thăm Nhơn, dù là cách xa nhau vài tháng, nhưng hễ gặp lại là hồ hởi, tha thiết, hờn dỗi. Hảo biết Nhơn mặc cảm. Nhơn thương Hảo nhưng kẻ cả, đàn anh. Nỗi đau và cả lòng thương người kiểu ấy khiến trái tim anh không bắt được tín hiệu yêu thương từ Hảo. Một tình yêu mạnh mẽ, đúng đắn hơn lý trí, nó vượt qua thông lệ và mọi cố chấp. Nó như được duyên số mách bảo. Nhận ra điều ấy, với Cao Nhơn đòi hỏi phải có thời gian. Và suốt mấy tháng trời anh cứ cật vấn mình, đến khi anh nhận thấy hình như cuộc đời mình cần có Hảo, thì lại được tin Ngàn đang sống tại một huyện đồng bằng tỉnh Bến Tre. Tin ấy đem lại trong anh một cảm giác lạ. Không phải là tình yêu mà trách nhiệm của người cha đối với các con. Và nếu như trước khi đến với Hảo anh gặp lại được Ngàn thì nhẹ nhõm hơn. Anh quyết tâm đi tới nơi mà có thể Ngàn đang sống. Để rồi không ngờ anh lại gặp Hảo ở đây.

Tiếng Hảo rành rẽ, chân thật:

- Em không muốn gợi lại chuyện buồn của anh. Nhưng anh thử nghĩ xem, bố mẹ chị ấy chết chị ấy cũng không về. Anh còn chờ đợi gì nữa chứ?

- Không phải cho anh. Hảo ơi. Hai cháu Hoàng, Điệp cứ ngày một lớn lên. Mỗi lần chúng hỏi về mẹ chúng, anh lại đau lòng.

Giọng Cao Nhơn nhão ra, Hảo cúi mặt không nói gì thêm, anh rít thuốc liên tục rồi thở dài thườn thượt, một lúc sau quay lại nhìn Hảo thì mới nhận ra cô đang khóc. Nhơn sợ tốp sinh viên để ý, nhưng họ đã quá mệt mỏi dúm vào nhau mà ngủ. Nhơn run run đặt tay lên bờ vai tròn. Hảo càng thổn thức. Một cảm giác tươi tắn, ấm áp dần dần ùa sang Nhơn. Hai bàn tay nhỏ nhắn của Hảo bối rối đan ngón vào nhau trông thật tội. Như không còn nhớ mình đang ở giữa nơi đông người, Nhơn khẽ khàng nắm hai bàn tay ấy. Đã từ lâu lắm cảm nhận gần gũi với một cơ thể khác giới trở lại trong anh. Nó ào ạt phá vỡ sự cố chấp, sự hành hạ mình, dày vò mình trấn ngự trong lòng anh từ ngày Ngàn bỏ đi. Anh linh cảm đôi vai bé nhỏ kia sẽ san sẻ cho anh cái gánh đời quá sức nặng nề, những đứa con anh sẽ phải nương dựa vào đó. Ba mươi tuổi đời đã không chỉ một lần anh định phó mặc tất cả. Không ngờ giúp anh đứng vững trong lúc khó khăn nhất lại là đôi tay tưởng như mềm yếu này chăng?

Cao Nhơn nhìn sâu vào đôi mắt Hảo, hỏi gấp gáp trong hơi thở:

- Hảo, em?

Mái đầu gật nhẹ, đôi mắt nhoèn nước long lanh, gò má Hảo lại ửng hồng. Mầu của lửa tỏa khắp gương mặt đẹp và thật hiền. Cao Nhơn bỗng như bị choáng. Cái khóe miệng dễ hờn dỗi này, đôi môi mòng mọng viền một nét chỉ này, hình như anh đã gặp ở đâu, xa lắm nhưng rành rẽ lắm. Một núi ký ức trong lòng Cao Nhơn theo nhau sụp xuống. Có cái gì cay cay len dần lên sống mũi, văng vẳng như chính giọng anh sững sờ "Trời ạ! Chẳng lẽ là Nàng. Không! Không thể là Nàng. Nhưng hơn mười năm trước, Nàng đã tặng ta khuôn mặt này". Hảo nhăn nhó hoảng sợ nhìn Nhơn.

- Ối, bóp tay em đau quá, anh làm sao thế?

- Ồ không, không. Xin lỗi em, anh ngu thật.

Hảo không hiểu Nhơn nói gì. Còn anh cứ tự hỏi làm sao bao nhiêu năm gần gũi, bao nhiêu lần trò chuyện mà đến tận bây giờ anh mới nhận ra vẻ đẹp này nhỉ. Vẻ đẹp của người nữ tu, mà suốt đời anh khao khát kiếm tìm lại hiển hiện ngay nơi Hảo!

* * *

Thế là hết một đêm. Cao Nhơn và tôi xuống núi. Xe chạy vào lúc núi non và bạt ngàn cây trái còn đang ngái ngủ. Không khí trong vắt ngọt lừ. Sương đêm nhóng nhánh trên từng chiếc lá mươn mướt. Cao Nhơn mở cặp lấy từ trong một túi giấy bóng nhỏ đưa cho tôi mảnh giấy kẻ ô ly đã cũ, ở đấy nguệch ngoạc mấy dòng chữ viết vội. Nét chữ đàn bà, tâm trạng bấn loạn. Rồi anh nói với lái xe:

- Chú cho anh hút thuốc trong xe nhá, một lần này thôi.

Anh lái xe bấm nút, kính xe tụt xuống. Cao Nhơn quay mặt ra ngoài. Chờ tôi đọc dòng mấy dòng chữ ấy, anh hỏi mà không quay mặt lại:

- Tuần sau con gái tôi vào đại học, tôi muốn nhắn tin cho Ngàn biết. Anh thấy có nên không?

- Lần trước cháu Hoàng đi đại học anh có làm thế không?

- Không! Nhưng trước khi các con tôi nhập trường tôi đều kể lại cho chúng hiểu. Chúng thương bố và cảm thông với mẹ.

- Anh nghĩ chị ấy vẫn sống gần nơi anh ở?

- Có lẽ thế.

- Còn chị Hảo?

- Cô "nữ tu" của tôi ấy à? - Nhơn chợt bật cười - Tôi gọi thế vì sau ngày lấy nhau tôi có kể lại chuyện đi chùa như ông đã biết đấy. Hảo cười lăn cười bò đồng ý với cái tên tôi đặt cho nhưng luôn cảnh báo rằng: "Trời cho anh cái gì thì cố mà giữ lấy, đã để mất thì chớ có hy vọng tìm lại". Cô ấy đùa thế mà có lẽ đúng. Một cô nữ tu. Một người vợ. Nhưng chính Hảo mới là người bù đắp cho tôi những gì tôi đã mất. Hảo nhiều lần giục tôi nhắn tìm Ngàn.

Tôi không biết góp ý với anh thế nào. Đã sắp thành ông thành bà cả. Chuyến đò đời đã sang dốc bên bên kia của kiếp người. Nếu bà Ngàn đọc được câu chuyện này xin coi như một lời nhắn gửi. Các cháu đã thành người, đã biết lẽ phải trái ở đời. Còn duyên phận, nó là trò đùa hy hữu nhất mà Trời xanh kia xếp đặt kì công đến mức chẳng ai giống ai. Muôn đời vẫn thế. Hạnh phúc và khổ đau trách trời làm chi ./.

1996
Như này tiền để đâu cho hết big green
(28-09-2013, 09:07 PM)Agift Đã viết: [ -> ]Như này tiền để đâu cho hết big green

Hi, cái tay ngồi gõ bài này chắc ko phải dân Bắc, dù sao cũng tri ân nhưng mà khá nhiều từ đặc trưng miền Bắc bị gõ sai! Tui sửa lại hết rùi big green