Category : Tản văn
A Tử
Tác giả : Bách Diệp
Thiên Long Bát Bộ tuy khép lại nhưng những dòng chữ cứ nhảy múa trong đầu, trước mắt lại hiện ra một Nhạn Môn Quan gió thét căm căm, bi tráng uất nghẹn…

A Tử là nhân vật duy nhất trong tất cả các thể loại thượng vàng hạ cám từng đọc để lại những cảm xúc cứ xoay chuyển không ngừng. Thường, việc thích hay ko ưa 1 nhân vật nào chỉ cần qua những dòng phác họa đầu tiên thì ấn tượng đã hình thành sẵn trong đầu, thế mà, riêng A Tử thì ko, mỗi lần xem, hình bóng nàng lại mang những âm hưởng cảm xúc khác nhau.

Lần đầu tiên biết A Tử qua Thiên Long Bát Bộ của TVBI (cũng gần 10 năm).

Nàng tàn ác, vâng, nàng rất tàn ác!

Nàng nhẫn tâm, vâng, rất rất nhẫn tâm!

Nàng độc địa, vâng, cực kỳ độc địa!

Nhưng lại ko thể ghét nàng, đã từng nghĩ: “Xưa nay cực ghét những vai phản diện, thấy ai ác 1 chút là ko ưa nổi, thế tại sao 1 con nhện độc như A Tử, mình lại ko cảm thấy ghét?”

Và tự bào chữa, chắc vì có hảo cảm với nữ diễn viên trong vai A Tử (có lẽ là A Tử xấu nhất trên màn ảnh, nhưng đôi má tròn tròn của nàng lại khiến tôi để tâm).

Tôi ko dám thừa nhận… ko dám thừa nhận bản thân lại có thể thích 1 con nhện độc!

Lần thứ 2 đọc Thiên Long Bát Bộ cách đây chừng 3 năm.

Ấn tượng về A Tử lại cứ đậm nét dần…

Bất lực cùng sự bất lực của A Tử trong mối tình lạc điệu với Tiêu Phong.

Đau lòng vì nghĩ đến hình ảnh 1 nữ nhân yêu đương trong tuyệt vọng.

Hãi hùng cho thảm cảnh tại Nhạn Môn Quan.

Nhưng, vẫn ko dám thừa nhận, mình thích A Tử, chỉ dám lí nhí: “A Tử thật tội nghiệp!”

Còn bây giờ, đã là lần thứ 3!

Có thể ngẩng mặt mà thừa nhận: “Vâng, tôi thích A Tử, thương A Tử hơn cả A Châu. Bởi, A Châu hạnh phúc hơn A Tử hàng vạn lần!”

Người ta cảm thương và tiếc nuối cho A Châu vì 2 chữ “hiếu – tình” để rồi tóc xanh phải ngậm ngùi ra đi bên chiếc cầu đá xanh nhờn nhợt băng giá.

Khi A Châu ngã xuống cũng là lúc hình ảnh của nàng ấy đẹp mãi trong lòng độc giả…

Tử biệt ư? Mất mát à?

Nhưng đó lại là hạnh phúc! (có ai lại cảm thương và tiếc nuối cho 1 người hạnh phúc ko?)

A Châu được nằm trong vòng tay của Kiều đại ca và trường tồn trong lòng Tiêu Phong đến vĩnh hằng. Đó ko phải là hạnh phúc sao?

Còn A Tử thì…

Khi nghe A Tử: “Muội thà bị tỉ phu đánh cho 1 chưởng như A Châu tỉ để tỉ phu mãi mãi nhớ muội!”, mới thấy chiều sâu nỗi đau của A Tử mới thăm thẳm và tuyệt vọng biết nhường nào...

Đã ko thể ghét A Tử bởi nàng ấy… độc ác một cách ngây thơ!

Nhưng ở đây ko xét đến khía cạnh: “Đáng đời! Ác thế bị trừng phạt là đúng rồi!”

Vì ác nhân hay thiện nhân cũng đều có tình yêu…

Con người là 1 sinh thể rất phức tạp, ko bao giờ định được vào 1 cái khuôn cứng ngắc nào đó, ko phải cứ là ác nhân thì ko biết yêu, ko biết hy sinh vì tình yêu của mình, và ko phải cứ là thiện nhân thì ko bao giờ làm điều gì ác…

Tôi đã nhìn thấy và cảm nhận thấy A Tử trong chiếc vỏ của 1 con nhện phun nọc độc 1 cách… ngây thơ cùng 1 tình yêu mãnh liệt, nghẹn ngào, day dứt và tuyệt vọng!

Vẫn ko phủ nhận, Tiêu Phong và Quách Tĩnh là 2 vị anh hùng võ hiệp mà tôi ngưỡng mộ nhất, đôi khi ko hiểu, rốt cuộc giữa 2 người này, mình thiên về ai hơn?

Nhưng càng lúc, càng nhận ra, Tiêu Phong chỉ là 1 vị anh hùng thô lậu…

Cứ trăn trở, nếu Tiêu Phong trải rộng lòng thì có lẽ A Tử đã ko phải chịu kiếp nhện độc.

Giận Tiêu Phong tối ngày chỉ biết: “Nếu ko vì A Châu thì…”, luận điệu đó nhai đi nhai lại, có biết chăng tấm lòng nhi nữ kia nát tan vì từng lời của tỉ phu?

Nhưng anh nói đúng lắm, sao cứ bắt Tiêu Phong trải rộng lòng với A Tử, mà A Tử lại ko chịu mở rộng lòng với Thản Chi?

Sao nhỉ? Tại mình thiên vị A Tử, tại mình yêu Tiêu Phong???

Liệu có 1 kết cuộc khác cho Tiêu Phong, A Tử và Thản Chi hay không?

Không!

Nếu Tiêu Phong ko khư khư giữ hình bóng của A Châu trong lòng thì cái chết của A Châu hóa ra… nhẹ tênh? Người ta sẽ cười A Châu ngốc, sẽ chẳng còn 1 tấm gương nữ nhân rạng ngời để thiên hạ phải thương tiếc, phải ngậm ngùi khi nhắc đến võ hiệp Kim Dung.

Nếu Tiêu Phong ko khư khư giữ hình bóng của A Châu trong lòng thì Tiêu Phong có còn xứng đáng với danh xưng anh hùng? Ha, cuộc đời này cứ bắt người ta phải hoàn hảo, nhân vật trong tiểu thuyết càng phải tuyệt đối hoàn hảo, dù Tiêu Phong kia có ngăn chặn được chiến tranh Tống – Liêu, đem hạnh phúc ấm no cho muôn dân nhưng lại là kẻ bạc tình lang thì 2 chữ anh hùng kia, Tiêu Phong liệu có nhận nổi?

Nếu Tiêu Phong ko khư khư giữ hình bóng của A Châu trong lòng thì làm sao chúng ta - những kẻ dán mắt vào từng trang từng trang tiểu thuyết võ hiệp này - cảm nhận nỗi bi thảm và tình yêu cuồng si của A Tử lẫn Thản Chi? Làm sao thảm cảnh Nhạn Môn Quan lại có thể ray rứt bao thế hệ độc giả võ hiệp kỳ tình?

Chính vì thế, A Tử chỉ còn duy nhất 1 con đường phải đi để những điều hay ho kia còn “được sống” giữa thế giới võ hiệp ấy.

A Tử ơi, nàng phải ra đi…

Hy sinh nàng để sống mãi vị nữ lang yểu điệu nhu mỳ hiền thục đoan trang, để rực sáng cho vị hào kiệt Khiết Đan anh hùng trượng nghĩa chung tình nhất mực và tưởng niệm cho mối tình si tuyệt vọng, mê muội nhưng lại rất cao cả của nàng, của Du quân…

Trả lại đôi mắt cho Thản Chi, cùng tỉ phu mãi mãi bên nhau dưới đáy Nhạn Môn…

Nghẹn…

Nghẹn lời, nghẹn lòng hay nghẹn cả tâm tri…

Ta thương nàng lắm, yêu nàng lắm, yêu mối tình si của nàng lắm, A Tử ạ!

Ngủ ngon A Tử, ngủ ngon trong giấc mộng cùng Tiêu lang…