Category : Truyện ngắn
Tam Châu
Tác giả : Nắng Thủy Tinh
Ngày trước nhà tôi ở trong một khu phố người Hoa. Ngày thì nghe các loại máy tiện, máy dập chạy sầm sập, đêm đến thì tiếng trẻ con khóc, tiếng cãi nhau chát chúa … chẳng bao giờ khu phố được yên tĩnh cả.

Ở cạnh nhà tôi là xưởng tiện Vĩnh Phát, giàu nhất nhì khu phố lúc bấy giờ. Nhưng mọi người ở đây vẫn quen gọi là xưởng Tam Châu hơn vì đó là tên ba cô con gái của ông chủ đều có chung chữ “Châu”: Minh Châu, Bảo Châu, Tú Châu. Ngày ấy, khi các nhà máy lớn chưa ra đời, thì những cơ sở xản suất nhỏ này làm ăn rất phát đạt. Lại nghe đồn bên họ nội nhà Vĩnh Phát đều đi vượt biên trót lọt, định cư ở nước ngoài nên nhà đó giàu càng thêm giàu.

Tôi vẫn còn nhớ. Lúc đấy tivi là một món hàng xa xỉ, vậy mà nhà đó đã có cả đầu máy chiếu video. Đêm đêm cả xóm lại tập trung về xưởng Vĩnh Phát để coi ké những bộ phim chưởng Hồng Kông. Rồi còn nuôi cả chó xù. Những con chó trắng muốt, ú nụ_ mỗi cô Châu sở hữu một chú. Cứ sáng sáng, các cô lại dắt mấy chú chó đi dạo… Cả khu phố ngẩn ngơ trông theo, nhủ thầm “nhìn con gái nhà ấy cứ như ở Tây về.”

Chị Minh Châu năm đó khoảng mười tám tuổi. Bảo Châu thì mười sáu. Còn Tú Châu bằng tuổi tôi mười hai và cũng là người chơi thân với tôi nhất. Cấp một tôi và nó học chung trường, chung lớp, lên cấp hai thì hai đứa không còn được học cùng nữa. Nhưng hai đứa vẫn chơi thân với nhau. Cứ đi học về là tôi lại lén trốn qua nhà nó chơi. (Phải lén vì sau một vụ mẹ tôi và mẹ nó tranh nhau mua một chậu kiểng, rồi quay ra cãi nhau, tôi và nó bị cấm chơi với nhau từ đó.) Giữa lầu nhà tôi và gác xưởng Vĩnh Phát có một khoảng trống trước đây là một đường hẻm, giờ bị lấn chiếm chỉ còn là một khoảng cách nhỏ xíu. Ở đó người ta kê một miếng gỗ nhỏ để tiện cho việc trèo lên mái nhà phơi phóng. Sau này không ai dùng đến nữa, chỉ có tôi và Tú Châu dùng lối ấy để đi thăm nhau, thường là giữa trưa_ lúc cả ba mẹ tôi và nó đều đã ngủ trưa. Khác với nhà tôi, mấy anh em phải ở chung một phòng lúc nào cũng ồn ào, mưa đến thì kê ca chậu hứng nước. Mùa hè còn khổ hơn, cả căn nhà nóng sầm sập, chỉ có một chiếc quạt máy chạy lạch xạch phải nhường cho mẹ và em bé mới sinh.

Tú Châu thì khác. Mỗi chị em nó là một căn phòng riêng lúc nào bước vào cũng nghe thoang thoảng mùi thơm. Quần áo, thú bông chất đầy. Tôi vẫn hay mân mê những món đồ của nó và nói “mày chẳng khác gì công chúa.” Nó chẳng nói gì, chỉ có vẻ tư lự buồn buồn. Cái buồn phảng phất trong mắt của một đứa trẻ mười hai tuổi trông thật đáng thương. Nhưng là bây giờ tôi nghĩ thế, chứ ngày đó nào biết gì nhiều nhặn đâu để mà an ủi nó.

Có một lần tôi trốn qua nhà nó, lại thấy nó ngồi ngay khe hẻm, môi mím chặt, gương mặt trắng bệch. Tôi lo lắng:

- Mày ốm à?

Nó lắc đầu, run run nói:

- Ba tao đang đánh chị Minh Châu.

Tôi lắng nghe. Quả thật có tiếng roi vun vút, ông Vĩnh Phát đang la lối và tiếng khóc thút thít của chị Minh Châu. Tôi ngồi xuống cạnh Tú Châu. Tôi biết nó đang rất sợ. Mỗi lần ba nó cầm roi lên là cả nhà nó đều lo lắng. Ông rất dữ dòn, ngay cả bà mẹ có can ngăn cũng không được. Rồi tiếng ông gọi Tú Châu, nó run run đứng dậy trèo xuống. Tôi nhìn theo, cầu trời nó không bị đánh.

Tôi nghe lỏm mẹ tôi nói chuyện với mấy bà hàng xóm. Đại khái họ nói nhà Vĩnh Phát giàu, nhưng không để đức cho con cháu, nên đến đời ông Vĩnh Phát sinh rặt toàn con gái. Rồi cả chuyện chị Minh Châu thương một thằng bán bánh mì ngoài bến xe… “Thật rõ đẹp mặt. Nhìn con bé xinh thế mà không có mắt lựa chọn gì cả.” Người khác nói chen vào “ Tuổi trẻ bồng bột mà.”… Giờ tôi mới hiểu vì sao chị Minh Châu bị đòn. Không chơi thân với chị, nhưng tôi quý chị lắm. Nhìn chị hiền hiền, tóc để dài trông thật dịu dàng. Mỗi lần thấy tôi qua chơi, chị còn hay cho tôi ăn chè ,kẹo bánh. Hôm sau tôi hỏi Tú Châu xem chị và nó có sao không thì nó trả lời mà mắt ráo hoảnh.

- Không sao. Chỉ bị cấm ra khỏi nhà thôi.

- Ừ, thế còn đỡ. Tao nghe người ta nói…

Rồi tôi kể cho nó những gì tôi nghe lỏm được, trừ chuyện nhà đó không để đức cho con cháu. Nó trả lời tôi mà mắt cứ bâng quơ nhìn đâu đâu:

- Người ta nói đúng đó. Ba tao không cho chị Minh Châu quen ông đó. Ổng bảo không “môn đăng hộ đối”

Tôi cũng chỉ lờ mờ hiểu đó là khoảng cách giữa giàu và nghèo, nhưng trẻ con chẳng bận tâm gì mấy thứ đó, nên cũng mau quên.
Rồi đến một ngày Tú Châu báo tin cho tôi: chị Minh Châu đã bỏ nhà trốn đi cùng người yêu. Tôi nghe mà cứ ngẩn ngơ vì giống trong mấy bộ phim tình cảm mẹ tôi hay xem quá. Trong phố cũng bàn tán việc ấy một thời gian. Ông chủ Vĩnh Phát có vẻ vừa buồn vừa giận. Ông không cho người đi tìm chị Minh Châu, cứ ngồi nhà uống rượu, đôi mắt dõi xa xăm. Chỉ có con chó xù Mina của chị Minh Châu thành bơ vơ, nó cứ đi ra đi vào chờ bóng chủ nhân quay về… Tôi biết Tú Châu cũng buồn, nhưng đôi mắt nó vẫn ráo hoảnh:

- Sau này lớn lên tao cũng sẽ bỏ nhà đi như chị tao.

Tôi mắng nó:

- Mày dại quá. Mắc gì bỏ đi. Nhà mày sướng thấy mồ.

Nó cúi đầu.

- Mày không hiểu con gái nhà người Hoa khổ thế nào đâu.

Quả thật là tôi không hiểu.

Hiệu Vĩnh Phát vỡ nợ. Đi đâu trong xóm cũng nghe mọi người nói. Có kẻ hả hê vì chuyện ấy, cũng có người thấy tội cho nhà họ. Hôm đó tôi đi học về thì thấy nhà Tú Châu khóa cửa ngoài và… mãi mãi không bao giờ còn mở nữa. Nhà ấy đã đi đâu, chẳng ai biết, có người bảo là về quê trốn nợ. Tôi thấy nhớ Tú Châu lắm bây giờ nó sẽ ra sao???

Giữa trưa nắng, như thói quen cũ, tôi trèo lên khe hẻm giữa hai nhà. Nhưng cánh cửa dẫn vào phòng Tú Châu đã khóa lại vĩnh viễn rồi. Thẫn thờ ngồi bó gối dựa vào lưng tường, một giọt nước rơi xuống tay tôi, lấp lánh trong nắng ban trưa. Đó là lần đầu tiên tôi biết mình đang khóc vì một người khác.

Tú Châu ơi…