Previous     Next   
Category : Truyện dài
Truy tìm Cập Phong kiếm
Tác giả : HVN
Châu về Hợp phố

HVN tiếp:

- Tôi đã từng tham khảo nhiều điển tích nói về việc tìm lại các báu vật cất giấu trong lịch sử, dựa trên những chỉ dẫn mơ hồ không kém. Thông thường, nếu các chỉ dẫn được chia làm hai phần, thì một phần sẽ cung cấp thông tin về địa điểm, còn phần kia cho biết phương pháp khai thác. Nhưng trong trường hợp này, chỉ dẫn thứ nhất của chúng ta không hề rõ ràng. Do đó, tôi cho rằng, chỉ dẫn thứ hai chắc hẳn có nhiệm vụ cụ thể hóa chỉ dẫn đầu tiên. Nghĩa là nó cho biết chính xác vị trí cất giữ Cập Phong kiếm tại chùa Đại Minh.

- Anh phân tích rõ hơn đi!

- Câu thơ thứ hai và thứ tư sử dụng các từ trong Ngũ hành. Anh hiểu thế nào về "Thủy mộc tương sinh"?

Tôi đáp:

- Theo luật tương sinh trong thuyết Ngũ hành thì Thủy sinh Mộc. Như thế "Thủy mộc tương sinh" hoàn toàn phù hợp với quan niệm đó. Sự tương sinh giữa hai hành này thể hiện trong thiên nhiên chẳng hạn như... - tôi cảm thấy như đã lờ mờ hiểu ý HVN - Ồ, phải chăng anh cho rằng Cập Phong kiếm được giấu nơi một cái cây đứng trong dòng nước?

- Anh giỏi lắm. Nhưng chưa đúng đâu! Nếu hai trăm năm trước tôi nảy ra ý định cất giấu một bảo vật thì tôi nhất định phải chọn một dấu hiệu bền vững hơn để chỉ dẫn cho hậu thế. Có gì chắc chắn một cái cây sẽ sống đến vài trăm năm sau?

Tôi rầu rĩ đáp:

- Thế thì tôi chịu rồi!

HVN vừa ngồi xuống vừa lắc đầu cười:

- Bây giờ chúng ta nhìn lại vấn đề nhé. Có hai chìa khóa để mở cánh cửa bí mật. Bức họa nằm ở Thiếu Lâm tự nhắc đến một ngôi chùa. Những câu thơ nằm ở Võ Đang phái, sử dụng các hành trong Ngũ hành luận để giấu mật mã. Có điểm chung nào ở đây? Tôi biết rằng phái Võ Đang xây dựng triết thuyết và võ đạo dựa trên nền tảng của Lão giáo. Mọi đệ tử đều được dạy về Âm Dương, Bát Quái, Ngũ Hành. Lão giáo quan niệm mọi thứ đều xuất phát từ Vô Cực, Vô Vi, sau đó mới phát sinh Thái Cực, rồi Lưỡng Nghi, Tứ Tượng... Những khái niệm này chắc hẳn anh không lạ gì?

Tâm trí bắt đầu rối tung lên, tôi cau có:

- Những điều đó thì đương nhiên tôi đã được học. Thôi anh nói thẳng ra đi. Quanh co mãi!

HVN đấu dịu:

- Chà, anh thật là... Tôi chỉ muốn trình bày một cách tường tận thôi mà. Như trên đã nói, vì tôi cho rằng các câu thơ cung cấp chỉ dẫn đến một vị trí nào đó, cho nên tôi cố gắng tìm ra những dấu hiệu ám chỉ đến phương hướng. Mà trong thuyết Ngũ hành thì Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cũng có liên hệ với phương hướng địa lý. Chẳng hạn Thủy ứng với hướng Bắc, Mộc ứng với hướng Đông. Từ đó tôi mạnh dạn nhận định bốn chữ "Thủy mộc tương sinh" ở đây là nói đến hướng Đông Bắc.

Tôi ngẩn người lắng nghe từng lời HVN nói, mỗi lúc càng thêm khâm phục cách suy luận táo bạo của anh. Anh tiếp:

- Thế còn Hỏa diện tiền là sao? Anh nhớ lại nhé. Nếu thử đem Ngũ hành đối chiếu với Bát quái, anh sẽ thấy Hỏa ứng với quẻ Ly...

HVN đứng dậy với cây bút lông, cúi xuống tờ giấy vạch lên đó một gạch thẳng đứng, điểm hai chấm bên cạnh từ trên xuống, rồi vạch một gạch thẳng đứng thứ hai (|). Đó là biểu tượng của quẻ Ly.

- Nếu có dịp ghé Đại Minh tự, anh sẽ thấy toàn khối kiến trúc của ngôi chùa này được dựng theo hình quẻ Ly.

Hình như thái độ của tôi lúc ấy phải kỳ quặc lắm, nên HVN dừng lại nhìn tôi cười thích thú. Đoạn, anh hăng hái nói luôn một tràng dài:

- Mặt khác, Hỏa cũng tương ứng với hướng Nam. Đến đây, tôi đã biết rằng mình phải bắt đầu cuộc tìm kiếm từ mặt phía Nam, sang phía Đông Bắc của Đại Minh tự. Chúng ta đã loại trừ câu thơ thứ nhất. Câu thứ ba cũng tạm xếp lại vì ý nghĩa của nó không quá mờ mịt. Đến câu thứ tư, lại có sự xuất hiện của hai hành: Kim và Thổ. Tiếp tục đem đối chiếu giữa Ngũ Hành với Bát Quái, tôi nhận thấy Kim ứng với Càn và Đoài, còn Thổ ứng với Khôn và Cấn. Trong tự nhiên, Khôn chỉ về đất, Càn chỉ về trời, Cấn chỉ về núi, Đoài chỉ về đầm, hồ. Vì Càn và Khôn mang nghĩa bao quát rộng, nên tôi tạm không xét đến mà chỉ lấy Cấn và Đoài. Từ đây, tôi đã hình dung ra một hòn đảo, hay ít nhất cũng phải là một khoảnh đất nhỏ nổi lên giữa mặt hồ.

HVN dừng lại, uống một hớp trà. Nãy giờ đầu óc tôi đã phải làm việc hết khả năng để bám theo chuỗi lập luận kỳ dị của anh, đến mức quên bẵng cả việc thanh Cập Phong vừa bị lấy mất.

HVN trở lại với giọng điềm đạm vốn có:

- Hôm ấy, sau khi chia tay anh ở trà quán, tôi liền một mình đi thẳng đến chùa Đại Minh. Xuất phát từ mặt Nam của ngôi chùa, tôi đi dần lên phía Đông Nam. Cứ thế đi mãi cho đến lúc bắt gặp một am thờ Trấn Nguyên Đại Tiên cách khá xa chính điện và có vẻ như ít người bén mảng đến. Trong am có tượng Trấn Nguyên Đại Tiên và hai đồ đệ...

- Thanh Phong, Minh Nguyệt?

Trong sách Tây Du ký có một phần nói đến chuyện đấu đá giữa Trấn Nguyên Đại Tiên và Tôn Hành Giả về cây nhân sâm ngàn năm. Thanh Phong, Minh Nguyệt là hai đệ tử của vị tiên này. Tôi còn nhớ rõ đoạn miêu tả loại quả nhân sâm chịu ngũ hành tương khắc, Ngô tiên sinh viết: "Quả này gặp kim thì rụng, gặp mộc thì khô, gặp thủy thì hóa, gặp hỏa thì héo, gặp thổ thì nhập".

HVN đáp:

- Vâng. Câu thơ đầu thực ra không hề vô nghĩa. Nhưng còn một điều tuyệt vời hơn: ngay trước am thờ có một cái hồ nhỏ thả rất nhiều hoa sen, chính giữa hồ sen là một hòn giả sơn làm bằng đá. Nhìn thấy quang cảnh đó, tôi biết ngay rằng mình đã lần đúng hướng. Không suy nghĩ gì thêm, tôi nhảy lên hòn giả sơn. Trên đó có tám bức tượng nhỏ xíu, những người thiết kế giả sơn này muốn trình diễn lại cảnh Bát Tiên Quá Hải.

Tôi reo lên:

- Vậy thì "mỹ nhân" trong câu thơ thứ ba chắc hẳn nói đến Hà Tiên Cô!

HVN gật đầu:

- Đúng thế. Trong bát tiên chỉ có Hà Tiên Cô là nữ. Nhưng hòn giả sơn quá nhỏ, chỗ lớn nhất của nó cũng rộng không được bằng bảy bước chân tôi. Vậy thì làm sao mà "di thất bộ"! Tôi liền thử nắm lấy tượng Hà Tiên Cô mà lay vặn các kiểu, nhưng nó không hề nhúc nhích. Bấy giờ tôi tự hỏi: "Phải chăng là bảy bước chân của bà ta chứ không phải của tôi?". Nghĩ thế, tôi lấy bức tượng Hà Tiên Cô làm tâm, ước lượng khoảng rộng bằng bảy bước chân bà ta, và dùng ngón tay nhấn thử xuống các điểm xung quanh. Phải sau năm hay bảy lần gì đó, tôi mới đặt ngón tay trúng đích. Mặt đá bằng phẳng lún xuống để lộ một rãnh sâu chừng hai tấc kéo dài từ điểm tôi đặt ngón tay đến chân bức tượng. Tôi đẩy Hà Tiên Cô trượt theo rãnh đó. Khi sang đến đầu bên kia thì nó tự động tụt sâu xuống. Rồi cả khối đá rung rinh chuyển động, tôi vội vàng nhảy vọt lên cao. Phía dưới chân tôi, hòn giả sơn mở bung ra như một đóa sen lớn. Tôi để thân mình rơi vào lòng đóa sen đó, và thấy nó khép kín lại trên đầu. Rồi cả khối đá dịch chuyển dần xuống dưới, mang tôi chìm sâu vào lòng hồ.

Tôi sửng sốt:

- Anh không sợ à?

HVN lắc đầu:

- Đó là nơi các vị tiền bối phái Võ Đang để lại bảo vật cho truyền nhân của họ. Tôi không nghĩ họ lại thiết lập các cạm bẫy bên trong. Mà dù có chăng nữa, tôi cũng nhất định phải đi tới đích. Vì ngay hôm gặp anh ở Tương Dương lần đầu, tôi đã nhận được tin từ Lâm An báo cho biết bệnh tình của tiểu muội đang có xu hướng trở lại nghiêm trọng.

Sợ HVN lại buồn, tôi kéo anh về với câu chuyện:

- Rồi sau đó, sự việc dưới lòng hồ diễn biến ra sao?

HVN nén một tiếng thở dài, giọng anh lắng xuống:

- Cũng chẳng có gì thú vị. Họ phải để bảo vật nằm sâu bên dưới lòng đất để tránh những tác động của thiên nhiên hoặc con người lên bề mặt hòn giả sơn có thể làm nó lộ ra theo thời gian. Tôi xuống phía dưới và gặp một cái hang đá rộng, trong hang có bảy chiếc rương bằng đá bày theo hình của chòm sao Bắc Đẩu. Gần sát vách trong cùng là một cái hốc nhỏ có bệ đá, trên đặt giá đỡ binh khí giống như ở gian mật thất trong thư phòng của sư phụ anh. Chỉ khác một điểm là trên giá có đặt thanh Cập Phong Chân Vũ kiếm.

- Thế làm sao mà anh đi lên được?

- Vào được thì phải ra được chứ. Nhưng cũng mất một lúc lâu để tìm hiểu. Khi đứng trong hốc đá, tôi tìm thấy một cơ quan. Nhớ lại cách sư phụ anh mở cửa mật thất, tôi đánh liều khởi động nó, thế là nó từ từ đưa tôi lên...

- Lên đâu?

- Cái am thờ, phía sau tượng Trấn Nguyên Đại Tiên.

Tôi thôi không hỏi nữa, mà chỉ lặng ngắm nhìn người bạn. Chắc hẳn HVN đã lược bỏ nhiều chi tiết trong chuyến thám hiểm của anh dưới lòng hồ, nhưng cũng không quan trọng lắm. Tôi dự định khi nào có dịp, sẽ rủ anh trở lại Đại Minh tự một lần nữa để chính mắt nhìn thấy nơi mà Cập Phong kiếm đã được cất giữ trong suốt hai thế kỷ.

Buổi sáng trôi qua thật dài. HVN chìm đắm trong những tư tưởng sâu xa nào đó của riêng anh. Còn tôi lại trở về với sự dằn vặt vì mình đã để mất thanh kiếm. Kẻ nào đã làm điều đó? Liệu hắn và kẻ sát nhân trên núi Võ Đang có phải là một người hay không? Kế hoạch của HVN chiều nay là gì?


First   Previous   1   2   3   4   5   6   7   8   9   Next   Last