Previous     Next   
Category : Truyện dài
Truy tìm Cập Phong kiếm
Tác giả : HVN
Biến cố ở Tương Dương

Tôi ở lại Dạ Lan trang hai ngày rồi mới cùng HVN trở lại Tương Dương. Suốt thời gian đó anh ta luôn tỏ ra buồn bã, nên mặc dù rất muốn biết anh đã lấy được Cập Phong kiếm ở Dương Châu như thế nào, nhưng tôi cũng không dám hỏi.

Những lúc trò chuyện, anh chỉ nhắc đến cô em gái với thật nhiều thương yêu trìu mến. Sau khi chắp nối những mảnh vụn rời rạc lại với nhau, tôi đã biết được sơ qua lai lịch của anh.

Gia phụ HVN nguyên là một quan văn trong triều, lúc về già không nhận đất phong mà lên núi Vũ Di, dựng một sơn trang làm nơi hưu dưỡng. Năm HVN mười bảy tuổi thì toàn gia gặp phải thảm nạn. Trong một đêm hơn hai trăm người ở sơn trang đã bị sát hại. Chỉ có HVN và tiểu muội lúc ấy mới lên sáu tuổi, cùng với một người gia nhân, vắng mặt nên thoát khỏi tai kiếp.

HVN quyết chí báo thù. Anh đến nhờ cậy một người bạn đồng liêu của gia phụ là Liễu đại nhân chủ trì đại cuộc. Bằng nhiều cách, anh tiếp cận được với các tài liệu công vụ liên quan đến gia phụ anh thời ông còn đương vị, và phát hiện ra manh mối. Ở mắt xích cuối cùng, anh lần tới kẻ chủ mưu là một vị đại quan trong triều, Lại bộ Thượng thư Vương Địch. Vương Địch có con trai là Vương Xung trước đó bị án phạt lưu đày hai mươi năm ngoài biên ải, vĩnh viễn không được làm quan. Người thụ lý vụ án đó là gia phụ của HVN.

Tuy HVN đã biết được kẻ chủ mưu, nhưng Liễu đại nhân e ngại thế lực của Vương Thượng thư nên không dám quyết đoán mà ngược lại còn báo cho Vương Thượng thư biết và đem toàn bộ tang chứng hủy đi.

HVN không chịu thua. Chẳng bao lâu sau, Vương Thượng thư đột nhiên mất tích, xác được tìm thấy dưới chân dãy Vũ Di sơn. Còn Liễu đại nhân bị bãi nhiệm, tịch thu toàn bộ gia sản do dính líu vào vụ Tả gián nghị đại phu Diệp Hoành làm nội gián cho nước Kim. Tất cả những sự kiện này đều có bàn tay của HVN phía sau âm thầm sắp đặt.

Rửa thù xong, hai anh em HVN về thôn Long Tuyền cư ngụ. Trong một lần lên Miêu Lĩnh sơn, anh tình cờ cứu được con trai của trại chủ Kim Xà trại thoát hiểm, nên có giao tình với Ngũ Độc giáo và thường đến đó tìm hiểu về các loại độc dược.

Ba năm trước, HVN tới thăm Kim Xà trại chủ, mang theo cả Lan muội đi cùng. Chẳng may trong lúc đùa nghịch, nàng chạm phải một loại hoa độc mà ngay cả Hắc Diện Lang Quân cũng chưa từng biết đến. HVN tìm mọi cách chạy chữa, nhưng hoàn toàn vô vọng. Vậy là anh đã phải chứng kiến đứa em gái duy nhất của mình bị chất kỳ độc ấy hành hạ suốt ba năm trời, cho đến buổi chiều định mệnh mà tôi được trông thấy nàng, lần đầu tiên cũng là lần sau cuối.

Hai chúng tôi đến Tương Dương vào chiều ngày 13, tức chỉ còn hai ngày nữa là đến hẹn trao Cập Phong Chân Vũ kiếm về cho Võ Đang phái. Vì trời đã tối, HVN và tôi quyết định nghỉ lại trong thành một đêm.

Sau khi cơm nước xong xuôi, HVN rời khỏi khách điếm nói là đi gặp Jono. Còn lại một mình trong phòng, lôi liền đem cây Cập Phong Chân Vũ kiếm ra ngắm nghía hồi lâu. Thanh kiếm này được tinh luyện từ một loại thép đặc biệt quý hiếm. Khi rút ra, thấy lưỡi kiếm tỏa ánh hào quang rạng ngời chính khí. Nổi hứng, tôi cầm nó đánh thử vài đường, quả nhiên khác hẳn với cây Huyền Thiết kiếm nặng nề tôi thường mang theo. Dường như sau mỗi lần xuất chiêu kình lực phát ra càng mạnh hơn, mức độ tập trung kiếm khí càng cao hơn mà không đòi hỏi thêm nỗ lực nào từ phía người sử kiếm.

Ngắm chán, tôi lấy một mảnh lụa nhỏ cẩn thận lau chùi nó. Lúc ấy, có một người của khách điếm mang trà đến cho tôi, nhân tiện bỏ thêm trầm hương vào chiếc lư nơi góc phòng trước khi đi ra.

Tôi tra kiếm cẩn thận vào vỏ bao, đặt lên bàn, rồi vừa nhấm nháp tách trà vừa thầm mong HVN về sớm. Sau một ngày rong ruổi trên đường, mùi trầm hương êm dịu khiến tôi có cảm giác buồn ngủ. Giữa lúc tâm trí lơ mơ, tôi vẫn ý thức được trọng trách mang thanh kiếm trấn phái về cho sư phụ. Trong việc này, tôi không có quyền sơ suất. Kinh nghiệm giang hồ báo cho tôi biết một âm mưu nào đó đang vây bủa quanh đây. Mùi thơm vẫn phảng phất. Và tôi chợt hiểu ra đó là một loại mê hương. Dùng tất cả ý trí sáng suốt còn lại, tôi cố gắng thử bế khí, phong tỏa kinh mạch. Nhưng đầu óc tôi đã bắt đầu choáng váng, mê muội.

Trong màn sáng mờ ảo giăng ngang trước mắt tôi vụt hiện ra một bóng người. "HVN!", tôi gọi, nhưng không ai đáp trả. Bóng người đi đến trước bàn, chạm vào thanh Cập Phong kiếm. Cảm thấy mình phải đoạt lại nó bằng mọi cách, tôi chồm lên định giằng lại, nhưng hai tay tôi chụp vào khoảng không chới với đổ sấp xuống mặt bàn. Bóng người đi ra cửa, thanh Cập Phong lấp loáng bay chờn vờn cạnh y. Tôi lao theo và thấy y vung tay về phía tôi, rồi một luồng chưởng phong ập tới làm tôi nghẹt thở. Hình như tôi bay lên và rơi xuống rất nhanh.

Thế rồi, tôi không còn biết gì nữa...

* * *

Một luồng chân khí nhu hòa từ bên ngoài chầm chậm đi vào huyệt Bách Hội rồi chia ra hai đường cùng lúc xâm nhập cả hai mạch Nhâm, Đốc của tôi. Biết có người đang giúp mình đả thông kinh mạch, tôi liền tập trung tinh thần, sử dụng Thái Cực Thần Công ngưng tụ nguyên khí tại Đan Điền rồi từ từ điều chuyển lên để tiếp nhận dòng chân khí từ bên ngoài vào. Ban đầu, mỗi khi dẫn khí trên Nhâm mạch lên đến huyệt Cửu Vĩ, tôi lại cảm thấy ngực đau tức không sao chịu nổi, nhưng nhờ có dòng chân khí ngoại lai hòa vào tương trợ nên dần dần tôi đã khai thông được hết kỳ kinh bát mạch.

Chừng nửa canh giờ sau, công lực đã hoàn toàn hồi phục, nội thương xem như đã hết, tôi nhớ đến Cập Phong Chân Vũ kiếm liền vội bật dậy, nhảy xuống đất. HVN đang ngồi bên bàn, nhìn chăm chú vào một tấm giấy vải trải rộng trên mặt bàn. Tôi nói lớn:

- Anh HVN, thanh Cập Phong kiếm!

HVN đáp bình thản:

- Có người đã lấy đi rồi. Hắn còn đánh anh bị thương, may mà không nghiêm trọng!

Tôi lo lắng hỏi lại:

- Bây giờ chúng ta phải làm sao?

- Anh cứ khoan tâm. Chiều nay chúng ta sẽ đoạt lại. Bây giờ anh nên ăn uống chút gì đi đã!

Hơi lạ trước vẻ thản nhiên của HVN, nhưng tôi cũng thấy bớt lo, bèn đến ngồi đối diện anh. Cái mà anh ta đang xem là một tấm bản đồ của thành Tương Dương.

- Tôi không đói. Làm thế nào đoạt lại được? Anh đã tìm thấy dấu vết của hắn à?

- Không hẳn thế. Đêm qua tôi trở về hơi muộn. Khi vào phòng thì phát hiện mùi u hương khác lạ. Tôi biết chút ít về các loại dược liệu nên nhận ra ngay đó là "Tán tâm mê hồn hương". Biết đã có chuyện xảy ra với anh nên tôi vội đi vào mở hết cửa phòng và thấy anh đang nằm bất tỉnh, còn thanh Cập Phong kiếm thì biến mất!

- Đây là lỗi của tôi.

- Anh có tự trách cũng chẳng để làm gì! Chiều nay mọi việc sẽ được giải quyết tốt đẹp.

Tôi buồn bã thở dài.

- Cái này - chỉ vào tấm bản đồ, tôi hỏi - anh định dùng làm gì?

- À, tôi kiểm tra lại vị trí mà chúng ta sẽ gặp gỡ với người bạn đã đến thăm anh tối hôm qua.

- Sao anh chắc chắn rằng hắn sẽ có mặt ở đó?

HVN đáp:

- Nếu hắn không đến, thì công chúng ta lặn lội đến Dương Châu coi như uổng phí hay sao?

Tôi thuận miệng hỏi luôn:

- Ở Dương Châu anh đã tìm ra Cập Phong kiếm như thế nào?

HVN nhìn tôi mỉm cười:

- Chuyện này chắc hẳn đã khiến anh khó chịu suốt mấy hôm nay vì tò mò. Được rồi, để tôi kể. Như tôi đã nói, bức họa cho biết Cập Phong kiếm được giấu ở đâu. Anh hình dung lại được các hình vẽ trong đó chứ?

- Được.

- Những chi tiết nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với anh?

- Bức họa không có nhiều chi tiết, những gì tôi nhớ rõ nhất cũng là những gì đập vào mắt đầu tiên: ngôi chùa, mặt trời, một người đàn ông với mặt trăng trên trán.

- Thực ra đó chỉ là một trò ghép chữ đơn giản thôi. Nếu như mấy anh chàng ở Võ Đang sơn liên tưởng đến Bao Thanh thiên thì tôi lại nhớ đến một giai thoại về ông này: "Cổ cầm oán".

- Giai thoại này ra sao?

- Chuyện "Cổ cầm oán" kể rằng, hôm đó đoàn người của Khai Phong phủ đi vào một ngôi nhà hoang. Họ trông thấy một con thỏ với vành cỏ trên đầu. Công Tôn Sách suy luận rằng chữ "Thố" đội thêm mũ thì thành chữ "Oán" và nhận định có oan tình xảy ra trong ngôi nhà đó. Một cách chiết tự thú vị!

- Thế còn ở đây?

- Với những chi tiết mà anh vừa nói, tôi có được các chữ "Nhất", "Nhân", "Nhật", "Nguyệt", "Tự". Nếu thử ghép chữ "Nhất" với chữ "Nhân" thì ta sẽ có chữ "Đại". Chữ "Nhật" ghép với chữ "Nguyệt" thì thành chữ "Minh". Và thế là tôi nghĩ đến Đại Minh tự ở thành Dương Châu.

Tôi kinh ngạc hỏi lại:

- Đơn giản thế thôi sao?

HVN bật cười:

- Vậy anh nghĩ nó phải phức tạp đến đâu? Chúng ta thường hay phức tạp hóa những chuyện đơn giản, để rồi làm trí óc rối lên trong những cái bẫy luận lý mà chính chúng ta giăng ra cho mình. Tôi thích nhìn với sự việc theo cách đơn giản nhất có thể.

Tôi ngập ngừng hỏi tiếp:

- Thế còn... những câu thơ?

HVN lấy nghiên bút và một tờ giấy rồi đến đứng cạnh tôi, viết bốn câu thơ hôm trước lên đó. Chữ của anh không đẹp lắm, nhưng thanh thoát và trang nghiêm. Viết xong, anh cười cười:

- Như tôi đã nói. Bức họa chỉ cho tôi biết Cập Phong kiếm đang được cất giữ tại chùa Đại Minh, nhưng cụ thể là ở vị trí nào thì tôi chưa nắm chắc. Cập Phong kiếm có thể nằm trong một vách tường, một ngôi mộ giả, hoặc là trong một bức tượng Phật. Tôi không thể xới tung cả ngôi chùa lớn ấy để tìm ra thanh kiếm. Vì thế, tôi cần biết thêm bốn câu thơ này.

HVN vừa đi quanh bàn vừa nói, trong khi tôi chăm chú nhìn vào bài thơ trước mặt.

- Ngay khi bắt gặp dòng đầu tiên, tôi đã thoáng nghĩ đó là sự chỉ dẫn về thời gian. Nhưng khi xem xét toàn bài thì tôi nhận thấy trong bài thơ thực ra chỉ có vài ý liên quan đến chỗ giấu Cập Phong kiếm, còn những phần khác được thêm vào để làm cho nó hoàn chỉnh về hình thức, đồng thời cũng để gây nhiễu khả năng phán đoán của người xem tranh. Anh có nhận thấy câu đầu tiên ý nghĩa là tường minh, khác hẳn với những câu sau?

Tôi đọc lại bài thơ một lần nữa. Quả thực HVN có lý. Câu đầu tiên ý tứ rõ ràng là tả cảnh, còn các câu sau mới khiến tôi thấy khó hiểu.

- Đúng thế! - tôi gật đầu thừa nhận.


First   Previous   1   2   3   4   5   6   7   8   9   Next   Last