Thi Ẩm Lâu
Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ (/thread-988.html)



Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 31-05-2012

Chương 1: CHÚ BÉ SI TÌNH NGUYỄN BÍNH

Trần Đình Thu

Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật, thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục, là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người “cõi trên”. Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo…đều đến nhờ “cậu” cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau:

Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên

Phù vân, giả dối chẳng lâu bền

Tình em đâu phải trao thiên hạ

Dành để trai làng mới đẹp duyên

Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái. Họ đâu có biết rằng, chẳng có tiên thánh nào phán truyền cả mà do nhà thơ của chúng ta ghét thói ham mê vật chất của người đời nên cho thơ như vậy mà thôi.

Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính “giáng” cho mấy câu như sau:

Từ nay anh chớ có đi đêm

Dù thấy đi đêm được lắm tiền

Nhưng có phen rồi mang lấy vạ

Ở tù khổ vợ, khổ con thêm

Sau khi xin được quẻ thơ này, anh chàng đạo chích bỏ nghề luôn từ đó.

Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Người kể quả quyết đây chính là tâm sự thật của Nguyễn Bính trong một lần trà dư tửu hậu.

Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính lại đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén giúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau:

Em ở cõi trần hay cõi tiên?

Phủ đền nhang khói nức hương em

Xin đi chầm chậm cho theo với

Lộc Thánh dâng người một trái tim

Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

Chiều ngày thứ năm của lễ hội, nhân lúc bà mẹ đang say sưa với một phiên hầu bóng thì cô bé lẻn bước ra ngoài. Nguyễn Bính sung sướng bén gót theo liền ra cửa Phủ. Cô gái dừng lại nói trỏng: “Mai về Mỹ Trọng rồi”. Mỹ Trọng là một địa danh cách đó hàng chục cây số. Nguyễn Bính thấy mình như đang bay trên mây. Chợt ông sực tỉnh, vội vàng đưa tay ra nắm lấy tay cô bé. Nhưng cô bé rụt tay lại ngay và quay nhanh vào bên trong. Hôm sau, Nguyễn Bính bám theo cô bé về tận Mỹ Trọng và biết được chỗ ở của gia đình cô. Sau đó tìm cách gặp gỡ cô bé mấy lần. Rồi về nhà cắm cúi làm thơ đến nỗi xao nhãng việc học. Thế nhưng có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất.

Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông. Những lúc thoang thoảng mùi khói nhang là ông lại bần thần nhớ về những ngày xưa tươi đẹp, thuở còn ngây thơ và vụng dại nhưng lòng đã rạo rực niềm yêu ấy.


RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 31-05-2012

Chương 2: KHỞI BƯỚC GIANG HỒ VÀ NHỮNG CÂU THƠ ĐƯỜNG RỪNG

Trần Đình Thu



Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu thích lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc Trung Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

Mùa xuân năm Quý Dậu, 1933, Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố đó. Vì vậy Nguyễn Bính phải bỏ Hà Nội, tìm đến Hà Đông là nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này đang dạy học để tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

Trong thời gian này ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi này. Đặc biệt có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ có tên gọi là Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ như sau:

Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy, anh đừng yêu em


Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh có nhận xét: “Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu”. Có lẽ thời đó Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi, chứ Nguyễn Bính đã từng làm những câu ca dao thật rồi.

Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước đó có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

Buổi chiều uống rượu làm thơ

Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi

Lá khô là lá của trời

Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng

(Thơ tôi) Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lùng hiu quạnh ở miền Lạng Sơn biên ải, ông lại hoài vọng:

Có phải đêm nay trời mới tối

Đêm nào trời cũng tối như đêm

Ải xa không pháo giao thừa nổ

Mưa rét tơi bời mưa rét thêm



Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi

Cành mai ai gửi đến xa xôi

Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng

Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi


(Tết biên thùy – Lạng Sơn 1940)

Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

Từ độ phiêu linh mãi đến giờ

Xuân dàn vào tết bốn năm thưa

Bốn năm biết mấy tao gian khổ

Thôi để xuân sau trở lại nhà




Nhưng rồi tết ấy tết sau qua

Lần lữa ai chưa trở lại nhà

Quán trọ xuân này hoa lại nở

Lại ngồi xem tết, tết người ta


Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính ghiền rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường ghiền rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

Ở đây chiều xuống rất mau

Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ

Rượu say từ sáng đến giờ

Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên


Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác “sầu bơ vơ” khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn đã sắp đổ xuống.

Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa

Lá rừng thu đổ nắng sông tà

Chênh chênh quán rượu mờ sương khói

Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà


Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

Đồi lau gió lạnh phất cờ

Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư

Sương buông, chiều xuống lững lờ

Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men

Điếm canh tuần tráng thay phiên

Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm


Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ “huyết thư” hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng “nâu chen lẫn chàm” thì thật là tuyệt diệu.

Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

Giường tre le lói ánh đèn

Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to

Đôi ba người bạn giang hồ

Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà

Chập chờn bóng quỷ hình ma

Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn


Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo.


RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 31-05-2012

Chương 3: SỐNG VÀ LÀM THƠ GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI

Trần Đình Thu



Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời khỏi quê hương để cất bước giang hồ. Tuy nhiên ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau. Tính từ 1936 đến 1945 là gần mười năm nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội vào khoảng năm 1935 hoặc 1936 Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.

Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương…Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.

Qua một số tài liệu để lại ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Từ năm 1936 cho đến 1938, đề tài làng quê là đề tài chủ đạo của Nguyễn Bính. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước…đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Ta hãy đọc lại vài câu thơ độc đáo viết về làng quê của Nguyễn Bính trong giai đoạn này:

Xóm Tây bà lão lưng còng

Có hai cô gái lấy chồng cả hai

Gió thu thở ngắn than dài

Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa

(Không đề – 1938)

Lợn không nuôi, đặc ao bèo

Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

Giếng thơi mưa ngập nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

(Qua nhà – 1936)

Đấy là những câu thơ đặc tả về làng quê mà khó có người thứ hai nào sáng tác được hay hơn thế. Như là những bức tranh làng Hồ vẽ bằng thơ.

Khi Nguyễn Bính bước chân vào văn đàn, vào khoảng năm 1936, thì cuộc cách mạng thơ mới khởi đầu từ năm 1932 đã đến hồi kết thúc. Lúc này Nguyễn Bính chỉ việc ung dung thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng mà thôi. Tuy nhiên ông lại có một công lao khác đối với cuộc cách mạng này. Đó là, bằng những câu thơ mang hơi thở làng quê của mình, Nguyễn Bính đã góp phần giữ cho cuộc cách mạng không đi quá xa đến mức trên văn đàn tràn ngập những câu thơ ảnh hưởng nặng nề thơ Pháp. Có lẽ ông đã giương lên được một ngọn cờ như thế để nhiều cây bút khác noi theo mà quay trở lại với hồn dân tộc. Có người cho rằng Nguyễn Bính đã ra một tuyên ngôn về thơ trong bài thơ Chân quê ngay trong năm 1936 khi ông viết những câu thơ sau đây:

Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Có thể Nguyễn Bính không nghĩ như thế nhưng vừa bước chân vào văn đàn mà đã thành công rực rỡ ngay là chính nhờ ông đã khai thác đề tài làng quê.

Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nỗi rồi. Vì vậy ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:

Hà Nội ba mươi sáu phố phường

Lòng chàng có để một tơ vương

Chàng qua chiều ấy qua chiều khác

Góp lại đường đi, vạn dặm đường

(Hà Nội ba mươi sáu phố phường)



Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh

Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ

Tôi thấy quanh tôi và tất cả

Châu thành Hà Nội chít khăn xô

(Lòng người trinh nữ)

Những năm 1939, 1940 trở đi, đề tài sáng tác của Nguyễn Bính đã mở rộng ra rất nhiều. Và thật đáng ngạc nhiên, khi rời bỏ cây đa giếng nước của làng quê để viết về phố phường, sau một thời gian lúng túng, thơ ông lại vẫn hay như thường:

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng

Trên xóm mai vàng dưới đế kinh

Có một buổi chiều qua lối ấy

Tôi về dệt mãi mộng ba sinh


(Người con gái ở lầu hoa)

Có những ngày đi rất nhẹ nhàng

Vườn tôi đầy cả gió xuân sang

Hai ba con bướm giang hồ đó

Đã trở về đây rũ phấn vàng

(Vườn xuân)

Vào lúc này, Nguyễn Bính không còn là một chàng trai ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội như ngày nào vừa mới rời khỏi thôn Vân nữa. Nguyễn Bính đã biết hút thuốc phiện, uống rượu tây, đi hát ả đào. Có lần Nguyễn Bính cùng hai người bạn thân Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên tàu lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Thú vui hát ả đào ngày ấy đã trở thành món ghiền khó bỏ đối với nhiều văn thi nhân, trong đó có Nguyễn Bính. Chính vì thế mà Nguyễn Bính có vài bài thơ khi đọc lên thấy ngợ ngờ vì nó không giống những bài thơ khác của ông về tiết tấu, về ngôn ngữ. Chẳng hạn như mấy câu thơ dưới đây nằm trong tập thơ Mây Tần, xuất bản năm 1942:

Đêm xuân này giấc mộng thế là tan

Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn

Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch

Một khúc trường ca men Lý Bạch

Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi

(Trên cầu Chiết Liễu)

Đây chính là những câu thơ Nguyễn Bính sáng tác ra để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ bình thường.


RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 31-05-2012

Chương 4: MƯA XUÂN VÀ NHỮNG SÁNG TÁC ĐẦU TAY

Trần Đình Thu



Từ 1936 đến 1940 là thời kỳ sáng tác sung mãn của Nguyễn Bính. Phần lớn những bài thơ làng quê có giá trị đều được sáng tác trong thời kỳ này. Có hàng trăm bài thơ của ông được đăng báo. Năm 1940, Nguyễn Bính cho in thành sách hai tập thơ Lỡ bước sang ngang Tâm hồn tôi. Đây là hai tập đầu tiên trong bảy tập thơ sáng tác trước năm 1945 của Nguyễn Bính.

Căn cứ theo những số liệu về ngày tháng ghi dưới các bài thơ thì những bài thơ sớm nhất của Nguyễn Bính được sáng tác vào năm 1936, lúc Nguyễn Bính mới mười tám tuổi. Trong hai tập thơ đã nói ở trên, có rất nhiều bài thơ cùng đề năm sáng tác là 1936. Đó là các bài Mưa xuân, Lòng mẹ, Đêm cuối cùng, Nhớ, Qua nhà…Điều đặc biệt đáng quan tâm là tất cả những bài thơ sáng tác vào năm đầu tiên này đều là những bài thơ hay. Về sau có thể có những bài thơ không xứng tầm với Nguyễn Bính nhưng thời gian này thì không xảy ra tình trạng đó. Và trong số những bài thơ sớm nhất đó, bài Mưa xuân nằm trong tập Lỡ bước sang ngang được nhiều người xác nhận là bài thơ đầu tiên, tức tác phẩm đầu tay chính thức của Nguyễn Bính.

Toàn bộ Mưa xuân là một câu chuyện yêu đương hẹn hò vui buồn của trai gái đến tuổi lấy vợ gả chồng ở thôn quê. Cô con gái sống nghề canh cửi phải lòng chàng trai làng bên. Họ đã vài lần nói chuyện với nhau. Một hôm có hội chèo về hát, cô con gái xin phép mẹ đi xem với mục đích để được gặp chàng trai. Trời tháng giêng mưa xuân bay phơi phới, xòe bàn tay thử trước mái hiên mưa rơi từng chấm lạnh ngắt. Thế nhưng cô gái vẫn náo nức đi. Đến hội hát, cô gái mãi lặn lội đi tìm chàng trai mà không để ý gì đến chuyện hát hò. Nhưng tìm mãi, tìm mãi không thấy chàng đâu. Đêm ấy, trên đường về cô gái lầm lũi đi trong mưa. Cô nhớ lời chàng hẹn hôm trước, khi nào có đám hát sẽ sang xem và gặp nhau trò chuyện. Lời hẹn hò thật chắc chắn mà nay đã bay đi đâu mất rồi?

Một câu chuyện thơ hoàn toàn có thể kể lại được bằng văn xuôi một cách rõ ràng, có đầu có đuôi như vậy. Thậm chí có thể viết lại thành một truyện ngắn được. Đấy chính là một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Bính: thơ có cốt truyện, có nhân vật, có cao trào, có kết thúc mà trong các phần khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

Bài thơ này không có nhân vật tôi. Hai nhân vật trong Mưa xuân là mẹ và em. Nguyễn Bính đã ký thác tâm sự của mình vào họ, để họ thay ông nói ra bằng lời những suy tư ngẫm nghĩ, những buồn vui cuộc đời…Nguyễn Đăng Điệp gọi đây là cách nói thác lời. Đây vốn là sở trường của các nhà tiểu thuyết, không hiểu vì sao Nguyễn Bính lại giỏi về khoa này? Có rất nhiều bài thơ Nguyễn Bính dùng cách nói thác lời tài tình như vậy.

Mưa xuân cho ta những câu thơ thật đẹp và đặc biệt thật chỉn chu. Hình như là những bài thơ đầu tiên này Nguyễn Bính phải viết đi viết lại nhiều lần lắm. Nghe nói vào thời gian này Trúc Đường trực tiếp biên tập thơ cho Nguyễn Bính rất kỹ. Về sau này ta thấy nhiều câu thơ của Nguyễn Bính viết quá dễ dãi. Nhưng giờ đây ta hãy đọc vài câu thơ hay và chỉn chu của Mưa xuân. Chẳng hạn như bốn câu thơ đầu tiên:

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa


Khổ thơ thật nhẹ nhàng và chân chất. Ta để ý thấy có một chỗ đặc biệt, là hai câu thơ so sánh cô gái với cây lụa trắng. Trong thơ Việt Nam dường như không có tác giả nào khác có kiểu so sánh như vậy. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đây chính là cách so sánh kiểu dân gian, nó cụ thể hóa những điều trừu tượng thành vật chất cụ thể: sự trẻ trung hồn nhiên của một cô gái so sánh với một cây lụa trắng mới dệt xong. Nguyễn Bính đã học tập từ các nghệ sĩ dân gian cách làm này và sau đó ông đã đẩy lên đến mức điêu luyện, đôi lúc vượt qua những người thầy dân gian ấy của mình. Chẳng hạn như hai câu thơ “Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em”.

Thơ Nguyễn Bính viết về xuân rất nhiều nhưng bài Mưa xuân này có một vẻ đẹp lung linh huyền diệu hơn tất cả. Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ đẹp:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Diễn đạt mưa và hoa như thế thật là tài tình. Mưa phơi phới bay thì đúng là mưa xuân rồi. Những cơn mưa của sự đâm chồi nẩy lộc, của sự hớn hở trong lòng người. Làm sao có thể tìm ra từ nào xuân hơn là phơi phới bay? Cũng như thế, hoa xoan thì lại lớp lớp rụng vơi đầy. Đọc câu thơ, ta hình dung rõ mồn một cảnh trên đường làng gió tung hoa lên từng trận mịt mù phủ kín không gian. Dường như là hoa nhiều lắm. Hoa từ đầu làng đến cuối ngõ. Chỉ thấy hoa chứ không thấy cảnh vật nữa. Làng quê qua ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Bính hiện lên đẹp như là một bức tranh.

Một góc độ nào đấy, có thể so sánh Mưa xuân của Nguyễn Bính với Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử bởi sự toàn bích của nó. Nếu một số bài thơ hay khác của Nguyễn Bính, đôi lúc ta thấy tiếc trong một vài chỗ thì với Mưa xuân, ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Ta không còn có thể khen chê vào đâu được nữa. Viên ngọc đầu tiên của người thợ chạm tài ba này không hề có một tì vết.
Trên một số báo Văn Nghệ trước đây, tác giả Nguyễn Xuân Nam lấy làm tiếc rằng ngày ấy Hoài Thanh không trích dẫn Mưa xuân vào. Đúng là như vậy thật. Tác giả Chu Văn Sơn cũng viết: “Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi”. Ý Chu Văn Sơn cho rằng Mưa xuân là một bài thơ thể hiện đúng chất ngòi bút đồng quê của Nguyễn Bính nhất. Nhận định này rất chính xác. Hiện nay trong chương trình văn học phổ thông, phần giới thiệu Nguyễn Bính có trích dẫn duy nhất một bài Tương tư, nói như Nguyễn Xuân Nam là ta thấy rất đáng tiếc vì Mưa xuân không được trích dẫn thêm vào. Ở đây cần nhấn mạnh, nếu vì lý do gì đó không thể trích dẫn thêm thơ Nguyễn Bính, thì có lẽ nên thay bài Tương tư bằng bài Mưa xuân.


RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 14-06-2012

BÀI THƠ THÀNH CÔNG RỰC RỠ NHẤT

Trần Đình Thu

Năm 1937, Tự Lực Văn Đoàn phát động cuộc thi văn chương, Nguyễn Bính đã tập hợp một số bài thơ để gửi dự thi. Sau đó ông được trao giải khuyến khích với tập thơ Tâm hồn tôi. Đây là tập thơ có những bài quan trọng như Chân quê, Người hàng xóm, Xuân về, Qua nhà…

Nhưng sự kiện đặc biệt quan trọng trong thời kỳ này là việc đăng tải ba bài thơ Lỡ bước sang ngang. Năm 1939, Nguyễn Bính gửi ba bài thơ này đến tờ báo Tiểu thuyết thứ năm và được tòa soạn đăng tải lên trên ba số báo. Nói ba bài thơ cũng được nhưng chính xác hơn có lẽ là ba đoạn thơ trong cùng một bài thơ dài đến 110 câu.

Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Người ta bàn tán về nó trên ghe trên xuồng, đọc nó trên tàu hỏa, trên xe đò…Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang “Ầu ơ. Trời mưa ướt áo làm gì. Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng” bên những xóm vắng ven đường trong buổi trưa hè yên ả.

Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ “tác giả Lỡ bước sang ngang”. Và Lỡ bước sang ngang không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe Lỡ bước sang ngang. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể chuyện ông đọc Lỡ bước sang ngang cho anh Ba Lê Duẩn, tức cố Tổng bí thư Lê Duẩn sau này nghe như sau: “Một lần tin Tây càn quét Đồng Tháp Mười, cơ quan di chuyển, tôi được phân công đi cùng với anh Ba trên chiếc xuồng ba lá. Tôi bơi lái, anh Ba bơi mũi, xuất phát từ xã Nhơn Hòa Lập, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa bơi đêm để quên mệt, tôi đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Anh Ba bảo tôi đọc to một chút. Anh vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng lại bình: Hay!...Rồi đến nơi an toàn, mặc dù gần sáng, anh bảo tôi đọc lại lần nữa”.

Lỡ bước sang ngang là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư…Tập thơ này cùng với tập thơ Tâm hồn tôi đều cùng được xuất bản vào năm 1940 (Tâm hồn tôi được Tự Lực Văn Đoàn trao giải vào năm 1937 nhưng chưa được in ra ngay mà phải chờ cho đến năm 1940 có điều kiện mới được in ra). Như vậy, đây là một trong hai tập thơ đầu tay của Nguyễn Bính. Nó đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.

Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở một ngôi nhà trọ thuộc khu vực Đa Kao, quận 3, TP.HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở đường Sabourain. Với tài viết chữ thảo của mình, tức viết như kiểu ngày nay người ta thường gọi là viết thư pháp, Nguyễn Bính đã trình bày tập thơ Lỡ bước sang ngang rất ấn tượng. Cuối cùng bản viết tay tập Lỡ bước sang ngang được một người tên là Trần Sĩ Nghi, một nhà thầu khoán yêu thơ mua với giá 300 đồng. Nhuận bút một bài thơ đăng báo cao nhất vào thời điểm này khoảng 5 đồng, như vậy tập thơ được mua với giá gấp 60 lần nhuận bút bài thơ. Nếu quy đổi theo bây giờ, lấy mức nhuận bút cao nhất của một bài thơ là 300 ngàn, thì tập thơ được mua với giá 18 triệu đồng. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải là bán bản quyền tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.

Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 khách. Sau lời khai mạc của chủ nhân, đến lượt Nguyễn Bính làm thủ tục ghi lời đề tặng và ký tên trên tập thơ. Sau đó các nữ ca sĩ bắt đầu ngâm bài thơ Lỡ bước sang ngang và những bài thơ khác trong tập thơ. Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở bên Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.


RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - lanhdien - 14-06-2012

Chương 6: LỠ BƯỚC SANG NGANG VÀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ

Trần Đình Thu

Lỡ bước sang ngang là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không thương, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh “Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ”.

Đấy là câu chuyện riêng của người con gái nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang nhưng đấy cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, dưới mái nhà mang tên gọi tam tòng tứ đức. Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người:

Cũng là thôi cũng là đành

Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?

Tuổi son nhạt thắm phai đào

Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!


Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, người ta mới dám nghĩ đến điều này. Bắt đầu từ năm 1933, Nhất Linh cùng với một số nhà văn khác trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ào ạt tấn công vào cái thành trì kiên cố đó để giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự áp đặt của quan niệm gả bán, tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tư tưởng môn đăng hộ đối. Nhưng xã hội lúc đó vẫn còn quá nhiều những cô gái bị cha mẹ bán gả theo kiểu như cô Loan trong Đoạn tuyệt.

Chính vì vậy mà cho đến năm 1939, Lỡ bước sang ngang ra đời, người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này. Bằng thể loại thơ, Lỡ bước sang ngang đã đem đến cho người ta phương tiện để than thân trách phận, để giãi bày, để tự an ủi mình mà trước đó những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn không thể làm thỏa mãn độc giả được.

Thật ra thì trước đó một năm, những bài thơ của T.T.Kh đã gián tiếp bày tỏ vấn đề này rồi. Nhưng ba bài thơ của T.T.Kh là những bài thơ mang tiếng nói cá nhân, còn Lỡ bước sang ngang là phát ngôn của thời đại, nó phản ánh một thực trạng bất công trong xã hội. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.

Về mặt cấu trúc, Lỡ bước sang ngang gần gũi với một tác phẩm truyện thơ hơn là tác phẩm thơ với ba nhân vật chị, người mẹ và cô em gái. Bài thơ như một tiểu thuyết mang tính luận đề kiểu như những tiểu thuyết bằng văn xuôi của Nhất Linh, Khái Hưng lúc đó. Vì vậy sức tố cáo xã hội càng mạnh mẽ.

Công bằng mà nói, Nguyễn Bính chưa thực sự bỏ công trau chuốt trong bài thơ này, vì vậy vẫn còn khá nhiều đoạn thơ thô vụng nằm chen vào giữa những đoạn thơ hay. Đôi chỗ ý thơ còn bị lặp lại. Tuy nhiên có lẽ nhờ cái ý nghĩa nhân sinh quá lớn nên che lấp hết những khiếm khuyết của nghệ thuật. Chúng ta thấy những câu thơ cứ như lưỡi dao cắt vào trong lòng người, nghe đớn đau tê tái:

Em về thương lấy mẹ già

Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công

Chị giờ sống cũng bằng không

Coi như chị đã ngang sông đắm đò

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam. Đứng về góc độ giá trị nghệ thuật, do là một tác phẩm phản ánh một vấn đề bức xúc của xã hội, nên nó không thể giữ nguyên mãi giá trị như những bài thơ hay khác.
Ở đây cần lưu ý, một số tác giả khi phân tích bài thơ này đã không gắn nó vào giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, không xem xét hết đặc điểm của bài thơ nên đã có những phân tích bình giảng không chính xác. Chẳng hạn như giáo sư Hoàng Như Mai. Ông đã đi theo hướng phân tích Lỡ bước sang ngang như là một bài thơ phản ánh sự trắc trở lỡ làng muôn thuở trong tình yêu nói chung của cả nam lẫn nữ chứ không phải là những bi kịch tất yếu từ chế độ hôn nhân gia đình của lễ giáo phong kiến mà người phụ nữ phải gánh chịu, nên đã không lột tả hết bài thơ. Mở đầu bài bình giảng văn học mang tên Lỡ bước sang ngang viết vào tháng 7 năm 1991, tác giả Hoàng Như Mai viết: “Đây là câu chuyện muôn đời muốn nói của tình yêu trắc trở, lỡ làng, đau khổ, não nùng. Nông nỗi này xảy ra với cả nam lẫn nữ, nhưng phụ nữ mang nặng thương tật nhiều hơn, lâu hơn bởi vì họ sống bằng tình cảm nhiều hơn. Ở các xã hội giống như xã hội Việt Nam, mà quyền sống của người phụ nữ chưa được tôn trọng đúng mức, và người phụ nữ bị trói buộc bởi nhiều điều kiện vật chất và tinh thần thì những thiên “lệ sử” được giãi bày trong thơ văn không ít”. Cuối bài bình giảng này tác giả Hoàng Như Mai lại viết: “nó cũng là chung cho đông đảo phụ nữ trong xã hội cũ và cả không ít phụ nữ ngày nay”. Việc đánh đồng về thời đại (thời đại phong kiến mới không tôn trọng quyền sống người phụ nữ chứ thời đại ngày nay không thể không tôn trọng quyền sống người phụ nữ), nhầm lẫn về đối tượng (lỡ bước sang ngang không thể là vấn đề của cả nam lẫn nữ mà chỉ là của phụ nữ thôi) đã khiến tác giả không lý giải được trọn vẹn những hiện tượng xảy ra với bài thơ này.