Thi Ẩm Lâu
CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Phiếm Luận Đường (https://thiamlau.com/forum/forum-14.html)
+--- Chủ đề: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA (/thread-983.html)



CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - lanhdien - 30-05-2012

CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA
Trần Đình Thu

Tôi đọc bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, nhận thấy nhiều chỗ nhà thơ viết sai văn phạm và dùng từ tối nghĩa, xin chép ra đây để bạn yêu văn chương cùng xem xét bình phẩm.



I. Đoạn văn:

“Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.

Trong đoạn văn này có một số bất ổn như sau:

1. “Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này,...”

Từ điển tiếng Việt Wiktionary giải thích từ “địa chỉ”:

Địa chỉ là nơi ở ghi trên giấy tờ. Thí dụ A nói với B:

A: Anh cho tôi địa chỉ của anh đi.

B: Địa chỉ của tôi là Ba Đình, Hà Nội.


Sau khi tra từ “địa chỉ”, tôi tra từ “địa điểm” trong từ điển này, được kết quả như sau:

Địa điểm: Nơi chốn cụ thể xảy ra một sự việc nào đó.

Có mặt tại địa điểm quy định.

Tìm một địa điểm thích hợp.

Một địa điểm chiến lược quan trọng.

Rõ ràng câu văn trên dùng từ sai. Nó phải được viết thế này mới đúng:

“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ…”

Như vậy nếu thay “địa chỉ” bằng “địa điểm” thì đoạn văn trên đúng một phần (từ đầu đến gặp gỡ). Tuy nhiên sau “gặp gỡ”, cụm từ “đáng nhớ này” lại làm câu văn tiếp tục bị sai văn phạm. Ta hãy đọc lại:

“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ đáng nhớ này.”

Cụm từ “đáng nhớ này” hoàn toàn không bổ nghĩa được cho bất kỳ thành phần nào của câu trước đó. Nó bị thừa. Lẽ ra chỉ nên viết:

“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ, …”



2. “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.

Đoạn văn trên có gì đó không ổn khi sau cụm từ “cây bút trẻ”, tác giả dùng động từ “tiếp tục”. Ở đây đã có động từ “bày tỏ” rồi, sao lại dùng thêm động từ “tiếp tục”? Hai động từ dùng xen kẽ ở chỗ này là không ổn. Đoạn này phải viết là:

“diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” (thay cụm từ “tiếp tục một cách xứng đáng” bằng “đối với”).

Tóm lại tôi đề nghị biên tập lại đoạn văn trên như sau:

“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.

II. Đoạn văn:

“Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, rất đáng mừng của Hội nghị lần này một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách”.

Đoạn văn trên có chỗ bất ổn như sau:

I. “thì rất đáng mừng của Hội nghị lần này…”

Ở đây tác giả viết câu thiếu. Cái gì rất đáng mừng của hội nghị lần này? Có lẽ tác giả làm rơi mất chữ “điều” nên thành ra câu cụt.

Đoạn này phải viết lại như sau mới đúng:

“Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, điều rất đáng mừng của Hội nghị lần này là một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách.”


III. Đoạn văn:

“Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng.”

Đây là câu văn thuộc dạng kết cấu “nếu – thì”. Loại câu này yêu cầu 2 mệnh đề phải chỉ cùng một trạng thái. Nếu mệnh đề trước chỉ thời gian thì mệnh đề sau cũng phải chỉ thời gian. Do đó ta phải viết: “Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì hôm nay, năng khiếu phải trở thành tài năng” thì mới đúng.

IV. Đoạn văn:

“Văn chương là cái biển chứa tài năng không biết thế nào cho đủ.”

Câu này là một câu thừa. Thừa làm cho câu văn tối nghĩa.

Lẽ ra câu văn này chỉ được phép viết: “Văn chương là cái biển chứa tài năng.”. Cụm từ “không biết thế nào cho đủ” là cụm từ thừa, đã không đóng vai trò gì trong câu rồi, còn làm cho câu tối nghĩa.

Có thể tác giả không muốn dừng lại ở “cái biển chứa tài năng” mà muốn viết thêm để nhấn mạnh sự vô tận của nó nên mới viết câu như thế. Nhưng nếu muốn như thế, tác giả nên thay cụm từ “không biết thế nào cho đủ” bằng cụm từ “vô tận”. Khi đó có thể viết: “Văn chương là cái biển chứa tài năng vô tận”.

V. Đoạn văn:

“Hiểu rồi, các bạn muốn nói đến một nền văn học hiện đại, giao diện với toàn thế giới.”

Từ điển tiếng Việt Wiktionary giải thích từ “giao diện”:

Giao diện: Mặt tiếp xúc của một đối tượng, sự vật với thế giới bên ngoài.

Như vậy “giao diện” là danh từ chứ không phải là động từ. Vì vậy tác giả đã nhầm lẫn khi dùng một danh từ thay thế cho một động từ.

VI. Đoạn văn:

“Vậy lý do nào đưa đến của hội tụ tài năng hôm nay?”

Không biết có phải “lỗi người đánh máy” không mà câu này có sai sót khá bất ngờ, khi từ “của” nhảy vào chiếm chỗ từ “cuộc” một cách quá thô bạo?

Xin tạm dừng việc phân tích ở đây vì bài phát biểu khá ngắn mà tôi lại phân tích quá dài.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của tác giả Hữu Thỉnh.


Văn học phải được phóng lên từ bệ phóng dân tộc

Nhà thơ HỮU THỈNH

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa Hội nghị.

Thế là, sau một thời gian chuẩn bị với không ít bận rộn và hào hứng, hôm nay Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc. Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến. Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nồng nhiệt chào mừng đại biểu các cây bút trẻ từ các vùng miền trong cả nước và gồm nhiều dân tộc anh em đã về dự Hội nghị. Xin trân trọng chào mừng và cám ơn các vị khách quý, các nhà văn lớp trước đem tin yêu và quý trọng đến với các tài năng văn học trẻ của đất nước.

Qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, mỗi kỳ Hội nghị Viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lại trở thành một cuộc hò hẹn thú vị, ghi dấu một lớp nhà văn mới lại đến với văn học. Trong lần gặp gỡ này, tôi muốn mở đầu câu chuyện của chúng ta bằng một vài câu hỏi làm quen. Câu thứ nhất:

- Những người viết văn trẻ, bạn từ đâu đến?

- Chúng tôi đến từ miền của tài năng.

- Đúng quá, xin chào các sứ giả đến từ miền của tài năng.

Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, rất đáng mừng của Hội nghị lần này một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách. Và hơn nữa, số giải thưởng văn học mà các bạn đem về Hội nghị này nhiều hơn bất cứ hội nghị nào trước đó. Như vậy có thể nói các bạn đã bước qua giai đoạn xuất hiện. Kế tiếp sau đây là giai đoạn định hình. Miêu tả chặng đường vừa qua, có thể diễn đạt qua ba nhận xét sau đây về tác phẩm của các bạn.

- Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng.

- Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa.

- Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công.

Đó là những đặc điểm thường thấy trong giai đoạn xuất phát. Giờ đây, các bạn đã từ giã giai đoạn xuất phát để bước hẳn lên cuộc hành trình mới mà nhiệm vụ quan trọng nhất là định hình, là khẳng định. Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh. Nếu hôm qua bạn chỉ cần bản năng thôi là đủ, thì hôm nay viết văn là công việc tự giác hoàn toàn. Nếu hôm qua bạn bảo viết văn cũng thường thôi thì hôm nay bạn sẽ cảm thấy, càng ngày càng cảm thấy viết văn là vô cùng khó. Về chuyện này, tôi muốn mời bạn tham khảo lời bàn sau đây của Lưu Hiệp, một nhà phê bình văn học uyên bác của Trung Hoa cách chúng ta 1626 năm về trước. Lưu Hiệp nói: Làm thơ nếu thấy là khó thì cái dễ sẽ tới, còn xem là dễ thì cái khó đến ngay (Văn tâm điêu long, thiên minh thư).

Xem thế đủ biết, để đi được dài, được lâu bền trên cuộc độc hành vất vả này, bạn phải chăm lo cho sức khoẻ tài năng của bạn ghê lắm. Sức khoẻ của tài năng còn có một tên gọi khác, đó là vốn sống, một tổng thể hiểu biết, trải nghiệm, dấn thân và dâng hiến tận cùng mà nguồn bổ dưỡng vô tận chính là đời sống. Thoát ly đời sống thì ngay cả thiên tài cũng có nguy thơ thui chột.

Văn chương là cái biển chứa tài năng không biết thế nào cho đủ. Mà cái quy luật hưởng thụ văn chương mới thật ngược đời. Mỗi khi có một tài năng xuất hiện thì nó lại kích thích người ta đi tìm một tài năng kiểu khác. Đó là bản chất của quy luật bổ sung. Vì thế nên bao nhiêu sắc thái, bao nhiêu cung bậc tài năng đều tìm thấy chỗ đứng của mình. Một nền văn học trưởng thành là một nền văn học cộng sinh những tài năng khác nhau: Đó là lý do, là mục đích của Hội nghị này. Chúng tôi biết có một số bạn băn khoăn là có những nhà văn lớp trước còn dè dặt trước lối viết của lớp trẻ, chưa đánh giá đúng mức công hiến của họ, thậm chí có bạn lo ngại có người muốn áp đặt, gò gẫm lớp trẻ phải viết theo khuôn thước của lớp trước hay không. Nếu quả có lo lắng như vậy thì hôm nay, tại đây, chúng tôi muốn nói rằng, đó là những lo lắng không có căn cứ, vì Hội Nhà văn Việt Nam không bao giờ chủ trương như vậy. Một nền văn học được làm giàu bởi tài năng của các thế hệ, đó là sự đòi hỏi của cuộc sống và nhu cầu nội sinh của văn học. Từ một cách nhìn như thế, mọi sự đố kỵ, ganh ghét là sự buồn cười thảm hại. Vấn đề là mỗi người phải trở thành một chủ thể, độc đáo, duy nhất, một lĩnh xướng tài hoa của dấu ấn cá nhân. Chỉ như thế, bạn mới có thể sớm tách khỏi dàn đồng ca vui vẻ. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và vô cùng cấp bách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học ta.

Vậy lý do nào đưa đến của hội tụ tài năng hôm nay? Trả lời câu hỏi này, không có gì xác đáng hơn là trích một câu trong Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khoá X. Nghị quyết viết: “Tài năng là vốn quý của dân tộc. Chăm sóc và giúp đỡ tài năng phát triển là trách nhiệm của toàn xã hội“. Như vậy có thể thấy cuộc sống đang mở đường và bảo trợ cho tài năng phát triển. Tuy vậy, về phần mình, cứ cho là tư tưởng trên được thấu triệt và thực thi tuyệt vời đến đâu chăng nữa thì vẫn không thể thay thế cho nỗ lực chủ quan của mỗi cá nhân. Tài năng là trời cho nên cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào. Bảo hiểm cho tài năng chính là thái độ sống đung đắn, một tình yêu rộng lớn không bao giờ mỏi mệt.

Thưa các bạn, câu chuyện của chúng ta xin tiếp tục bằng câu hỏi thứ 2:

- Các bạn viết văn trẻ, các bạn từ đâu đến?

- Chúng tôi đến từ tương lai.

- Đúng quá, các bạn là đại diện cho nền văn học tương lai. Nhưng trước khi tiến thẳng lên tương lai, xin các bạn hãy dành thời gian trò chuyện một chút với hiện tại. Mà cái hiện tại này mới cụ thể làm sao, có thể cảm thấy bằng làn da, bằng hơi thở, từng ngày từng giờ, một hiện tại vừa nhẵn nhụi vừa xù xì, vừa xa vừa gần, quấn quýt, bấu bện đến không thể gỡ ra được. Mà xem chừng bạn cũng đang còn quyến luyến với cái hiện tại này lắm. Nó làm nên yêu ghét, khổ đau, phấn khích, bồng bột, đắm say khiến bạn không biết khâu cất vào cái túi tám gang mười gang nào cho yên nên quyết định cầm bút. Và vì cầm bút mà các bạn cho người ta thấy các bạn đang lo âu, thao thức đang ra sao trước biết bao thuận cảnh và nghịch cảnh. Trong lúc đắm say, các bạn quên là các bạn đang làm công việc tự bộc lộ, tự vẽ chân dung của mình. Và lúc này đây bức chân dung đó mang dáng vẻ một người đang sốt ruột. Các bạn muốn cuộc đời phải nhanh lên, phẳng phiu, phải ngăn nắp đâu vào đấy, nghĩa là nó phải hiện ra đúng với hình dung và mong muốn của bạn. Nhưng cuộc đời nó cứ vận hành theo cái quy luật riêng của nó, nó tỏ ra đủng đỉnh trước sự sốt ruột của bạn, và chỉ chịu nhích lên phía trước khi tất cả chúng ta đều đấu tay vào cùng đẩy cỗ xe cuộc sống. Lý do đơn giản, nếu không đấu tay vào thì không tìm được ai là người lái con tàu đưa bạn đến tương lai. Thưa các bạn, tôi đã chọn câu chuyện dài dòng để nói đến một vấn đề mà các bạn đã tâm đắc từ lâu: Nâng cao tính tích cực xã hội của nhà văn.

Và sau đây, là câu hỏi thứ ba:

- Các bạn viết văn trẻ, các bạn từ đâu tới.

- Chúng tôi đến từ nền văn học trên mười đầu ngón tay.

- Ôi, nền văn học gì mà phải đấu cả mười đầu ngón tay vào như thế.

- Máy tính, vật tuỳ thân của những người viết trẻ.

- Hiểu rồi, các bạn muốn nói đến một nền văn học hiện đại, giao diện với toàn thế giới. Thế thì quý hoá quá, chúng ta khao khát được đồng hành với nhân loại từ lâu. Nhưng tò mò muốn hỏi các bạn sẽ gửi thông điệp gì cho nhân loại từ địa chỉ Việt Nam? Và trong khi trò chuyện với nhân loại, các bạn có bỏ quên số phận của một bộ phận nhân loại đang đau đáu gửi đá và gửi máu ra biển đảo, hay không? Các bạn có nói đến những ác mộng, những cơn mê sảng, đau đớn tột cùng cả thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam hay không? Và các bạn có nói cho cư dân mạng biết có những cô giáo nhỡ nhàng duyên phận sau nhiều năm dạy học đơn chiếc ở vùng cao hay không? Tất cả những câu chuyện bằng xương bằng thịt ấy có làm tổn hại đến tính sang trọng của văn học mười đầu ngón tay hay không? Nhân câu chuyện này, tôi muốn nhắc bạn là nơi ta họp đây rất gần với ngôi nhà cũ của Lan Khai và mỏ than Tràng Định, nơi ông lấy chất liệu để viết cuốn tiểu thuyết Lầm than nổi tiếng. Năm 1935, theo dõi ý kiến của nhà văn Pháp rất nổi tiếng lúc bấy giờ là André Ghide phát biểu trong một Hội nghị quốc tế rằng “Ngày nay vấn đề cốt yếu là tạo ra một nhân loại mới”, Lan Khai đáp lại như sau: “Tôi muốn nói khác. Ngày nay vấn đề cốt yếu của chúng ta là tạo ra cuộc đời tương lai cho một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng của dân tộc.” Thay vì nói nhân loại chung chung, Lan Khai nói con người Việt Nam cụ thể, và nói đến con người, trước hết phải tạo ra cuộc sống cho con người. Một quan niệm như vậy về mối quan hệ giữa dân tộc và nhân loại đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.



Chúng tôi biết vừa qua các bạn rất quan tâm đến hiện đại hoá nền văn học của chúng ta, đi đứng, nói năng, lập ý lập ngôn nhất nhất đều muốn chứng tỏ danh tính của công dân thế kỷ 21. Đúng quá, các bạn mà không quan tâm đến yêu cầu hiện đại hoá thì đổ trách nhiệm đó cho ai? Nhưng thế nào là hiện đại? Xin các bạn tham khảo lời di huấn sau đây của Tagor:

- Bất cứ tính hiện đại nào cũng không tuỳ thuộc vào thời gian mà tuỳ thuộc vào khí chất.

Khí chất, đó là tinh hoa. Thời gian có thể vượt qua tất cả, kể cả chính nó, trừ tinh hoa. Xem thế thì không phải bất cứ cái gì đến trước đều bị gán ghép oan uổng là lạc hậu, cũ kỹ; ngược lại cũng không phải bất cứ cái gì đến sau đều được phỉnh nịnh là hiện đại. Do đó, quá trình hiện đại hoá văn học phải gắn liền với quá trình nhân đạo hoá đời sống và văn hoá hoá tâm hồn. Như thế trong chiếc vi tính xách tay kia, ngoài phần cứng, phần mềm còn cần có một bộ phận mềm hơn, đó là một tâm hồn. Mà hình như chiếc máy tính của nhân loại lúc này cũng đang lắm vấn đề mà người ta đang tìm cách chữa, đó là bệnh vô cảm, bệnh sao chép, mô phỏng giản đơn. Và nói đến hiện đại thì thói quen thường thấy là liếc mắt sang Phương Tây. Tiếp thu Phương Tây là rất cần thiết, nhưng cần đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Là bởi vì đã có nhiều thứ của Phương Tây trở nên quá đát từ lâu. Và cũng đừng quên rằng, Phương Tây cũng khổ sở vì quá nhiều sự quái gở do nó tạo ra và họ đi tìm thuốc chữa từ Phương Đông. Để cho những cố gắng hiện đại hoá nền văn học không trở thành công việc gánh bùn sang ao, các bạn đừng chỉ lo sự phán xét của tương lai mà bỏ quên những câu thần chú của quá khứ, một quá khứ không bao giờ đứng yên mà luôn luôn sống động, không ngừng tiếp sức cho hiện tại và tương lai. Một trong những câu thần chú của quá khứ mà tôi muốn nhắc lại ở đây hôm nay đó là lối sống tình nghĩa của người Việt Nam. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã bình luận rất hay về lối sống tình nghĩa như sau: Một khi bị rỗng ruột tình nghĩa thì… mọi học thuyết khoa học xã hội, nhân văn, dù hệ thống lý luận có kiên cố nguy nga đến đâu đi nữa cũng chỉ là những cái vỏ màu mè, hão huyền, những bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào!! ” Lối sống tình nghĩa là đạo lý, là căn cước dân tộc, căn cước văn hoá quan trọng nhất trong hệ thống giá trị của Việt Nam. Hoá ra, mọi khát vọng hiện đại hoá văn học chỉ thực sự có nghĩa khi nó được phóng lên từ bệ phóng dân tộc.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, thấy có một cách hành xử sai lầm, cho rằng và đã tốn bao mồ hôi để tỏ rằng, hiện đại hoá văn học là hiện đại hoá về hình thức.

Tách rời hình thức, tuyệt đối hoá hình thức ra khỏi chỉnh thể văn học chẳng khác nào đập vỡ chiếc cốc pha lê, biến nó thành những mảnh vụn mà tác dụng duy nhất chỉ có thể là sát thương văn hoá và nhiễm trùng văn học.

Lại cũng đã thấy có một cách hành xử khác, cho rằng viết khó hiểu mới sang trọng, dẫn đến tình trạng văn học đang mất dần công chúng. Tìm lời giải sáng sủa vấn đề này, xin các bạn lắng nghe câu thần chú của quá khứ đến từ Tagore. Tagore nói:

- Trò chơi chỉ là trò chơi khi có người chơi nó.

Vậy thì viết văn mà không có người hiểu văn nữa, làm thơ mà không còn người hiểu thơ nữa, thì văn thơ lập tức biến mất, trở thành con vật tàng hình đang kêu khóc thảm thiết ở đâu đó.

Hướng tới công chúng, sao cho mỗi tác phẩm là một thông điệp nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người, đó là lẽ phải thông thường của văn học và cũng là khát vọng cầm bút của chúng ta.

Thưa các bạn.

Bằng tác phẩm của mình, các bạn đã chính thức bước lên những bậc thềm đầu tiên của ngôi đền văn học. Điều đó nói rằng, tài năng của các bạn không còn là của riêng các bạn nữa, nó đã thuộc về một cái gì rộng lớn hơn, cao vọng hơn. Cuộc sống, sự nghiệp, công chúng đang chờ đợi các bạn. Tất cả đang ở trước tầm tay. Chúc các bạn thành công.

Hà Nội 7.9.2011


Nguồn: http://binhchonthohay.com/News/Details.aspx?id=11091102


RE: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - lanhdien - 30-05-2012

Sau khi đại ka Trần Đình Thu "chém gió" thì có quả "lại gió" của Thành Cát đại hiệp:

Văn hóa phê bình và phê bình văn hóa

(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, nhất là từ trước, trong và sau khi diễn ra Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, trên một số các trang báo mạng, blog cá nhân, nhân danh sự tự do ngôn luận đã đăng tải hàng loạt bài viết phê bình tác giả, tác phẩm văn chương một cách hỗ lốn rất thiếu văn hóa với những lời lẽ cùng cách thức mang tính chất trả thù, gây hấn nhiều hơn là phân tích, bình phẩm, phê phán các tác giả, tác phẩm ấy. Điều này cho thấy văn hóa phê bình đang rơi tự do xuống vực thẳm của sự thô lậu.

Phê bình văn chương cần phải có văn hóa

Văn chương- nghệ thuật là một trong những lĩnh vực thuộc về/của văn hóa, nên trước hết nó cần phải được đối xử một cách có văn hóa, bất luận tác phẩm, tác giả, chỗ này hay chỗ khác có những điều viết hoặc nói ra chưa hay, chưa đúng. Mọi lối viết theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, sử dụng nhiều đại ngôn để khỏa lấp vấn đề nhằm mục đích gây hấn, chọc tức, trả thù cá nhân hoặc là bới lông tìm vết, săm soi tác phẩm, tác giả như cảnh sát điều tra tội phạm đều là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa phê bình chân chính.

Nếu bất cứ ai có thì giờ, chỉ cần vài giây nháy chuột vào lethieunhon.com, hoặc một số trang blog cá nhân khác, nếu lướt qua các tít bài, sẽ thấy ngay hàng chục bài viết kiểu này, của một vài cây bút nhằm vào những người có trách nhiệm tổ chức Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII và chủ yếu là ông Chủ tịch Hội NVVN Hữu Thỉnh. Chẳng hạn như: “HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ 8” CÓ CHÍNH DANH KHÔNG?; VÌ SAO HỮU THỈNH ĐƯỢC NHIỀU GIẢI THƯỞNG TÔN VINH NGHỀ NGHIỆP HƠN XUÂN DIỆU?; “TRƯỜNG CA BIỂN”- MỘT TÁC PHẨM LÀNG NHÀNG, NHẠT NHẼO SẮP ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH; “CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA,...

Chưa vội bàn đến nội dung đúng sai của các bài viết nói trên mà chỉ cần đọc một vài cái tít như vừa nêu trên cùng chapeau được người biên tập giật làm phụ đề cho bài viết với chủ đích làm tăng “sức nóng” của vấn đề cũng đủ thấy một thái độ hằn học cá nhân , với sự “ác tâm” rất rõ rệt, khiến người đọc hoàn toàn có thể nghi ngờ về tư cách cá nhân của tác giả các bài báo trên, cũng như quan điểm của chủ các trang mạng ấy. Ngôn ngữ của phần lớn các bài viết trên hoặc là mang tính hù dọa, quy chụp, cãi vã kiểu hàng tôm hàng cá ngoài chợ hơn là chỉ ra những thiếu sót, sai lầm của các tác phẩm, tác giả văn chương. Minh chứng là trong bài viết “TRƯỜNG CA BIỂN”- MỘT TÁC PHẨM LÀNG NHÀNG, NHẠT NHẼO SẮP ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH” với hơn 3040 chữ mà chỉ có khoảng 850 chữ là ngôn ngữ của tác giả, còn lại khoảng 2200 chữ là trích trong “Trường ca biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Thử hỏi như vậy có được gọi là một bài “phê bình” hay không, chưa cần nói đến thái độ, lời lẽ của tác giả. Nếu nói đúng ra đây phải gọi là một bài trích dẫn thơ. Bạn đọc nếu muốn biết tường tận “Trường ca biển” hay dở như thế nào thì đọc trực tiếp tác phẩm, chứ họ đâu cần nhà phê bình trích dẫn quá dài dòng theo một cách chắp vá lổn nhổn nhằm chủ đích nói lên cái chưa hay của tác phẩm. Sao tác giả bài viết lại làm khổ bạn đọc đến như vậy. Đây là kiểu “phê bình” nào, xin nhường phần bạn đọc quyết định. Ở những bài khác người viết phê bình lại chuyển sang dạng đơn khiếu nại, tố cáo một cách trá hình. Vì nếu là đơn khiếu nại, tố cáo mà gửi lên mạng lethieunhon.com e rằng tác giả đã nhầm địa chỉ chẳng, thay vì phải gửi đến công an, tòa án chứ (!?). Còn giọng văn mang tính chất tố cáo, nhưng thể thức lại không thuộc về dạng đơn từ có tính chất pháp lý. Sự “đánh bùn sang ao”, cố ý nhầm lẫn kiểu này chỉ chứng tỏ người viết hoặc là không biết/không có văn hóa phê bình mà thôi.

Sao lại cố tình “chữa lợn lành thành lợn què” như thế (?!)

Bài viết “CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA” là của tác giả học và làm luật, chứ không phải của một nhà văn, nhà phê bình, nên cách diễn đạt rất “đúng luật”, một, hai, ba,... rõ ràng. Từ xưa đến nay chẳng ai có quyền cấm nhà toán học, luật học, côn trùng học,... viết văn, làm thơ, với tư cách là sự sáng tạo hoàn toàn mang tính chất ca nhân. Và ngay cả ở lĩnh vực lý luận phê bình văn học- nghệ thuật cũng chưa thấy có quy định nào bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấm các nhà trên tham gia. Như vậy có thể nói quyền và cơ hội được tham gia hoạt động văn chương- nghệ thuật được chia đều cho tất thảy mọi người trên thế gian này. Nhưng thiết nghĩ người biết “tri túc, tri chỉ” thì nên hiểu rằng quyền là một chuyện, còn năng lực để thực hiện quyền ấy lại là một câu chuyện khác. Riêng đối với lĩnh vực phê bình lý luận văn học là một ngành khoa học về văn chương, người muốn tham gia vào lĩnh vực này, cần thiết phải được đào tạo hẳn hoi, có bài bản hệ thống lý thuyết với tư cách là công cụ nhận thức tác giả, tác phẩm giai đoạn, thời kỳ, trường phái,... văn chương. Đồng thời cần được trang bị các tri thức chuẩn về văn chương cùng tri thức về các ngành khoa học kế cận như tâm lý học sáng tạo, ngôn ngữ, triết học,...với tư cách là những công cụ tối thiểu phục vụ cho các thao tác trong quá trình hoạt động lý luận phê bình, văn chương.

Trở lại bài viết vừa nói trên, ngay ở điểm 1, tác giả cho rằng đoạn văn sau đây có những bất ổn: “Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này,...”. Sau khi tra từ điển tiếng Việt Wiktionary, tác giả bài viết kết luận xanh rờn rằng” “Rõ ràng câu văn trên dùng từ sai. Nó phải được viết thế này mới đúng: “Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ…” (hết trích dẫn).

Trước hết xin thưa với tác giả bài viết rằng cái từ điển mà ông tra là nguồn tư liệu không đáng tin cậy, vì không thấy chú thích tập thể tác giả, chủ biên, nhà xuất bản, năm xuất bản, nơi xuất bản,...thì chẳng khác nào ông bảo độc giả là người mù đi tìm bắt con mèo đen trong đêm ba mươi tết ở vùng quê xưa. Nếu đây là từ điển tồn tại trên mạng, tức là không gian ảo lại càng không đáng tin cậy hơn. Thứ nữa, cụm từ “địa chỉ” và “địa điểm” ở đây không có sự phân biệt quá xa về ngữ nghĩa. Địa chỉ là chỉ về một địa điểm nào đấy, chẳng hạn như: Địa chỉ của tôi ở quận Ba Đình, thì từ Ba Đình là địa điểm. Như vậy có thể hiểu hai từ “Tuyên Quang” ở đây chính là địa điểm rồi, nếu dùng thêm một từ địa điểm nữa thì câu văn trở nên cực kỳ ngớ ngẩn. Cớ sao nhà luật học lại đi “chữa lợn lành thành lợn què” như thế.

Còn ở điểm 2, tác giả bài viết cho rằng đoạn văn này ông Chủ tịch hội cũng viết sai nốt, xin trích: “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.

Đoạn văn trên có gì đó không ổn khi sau cụm từ “cây bút trẻ”, tác giả dùng động từ “tiếp tục”. Ở đây đã có động từ “bày tỏ” rồi, sao lại dùng thêm động từ “tiếp tục”? Hai động từ dùng xen kẽ ở chỗ này là không ổn. Đoạn này phải viết là: “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” (thay cụm từ “tiếp tục một cách xứng đáng” bằng “đối với”). (hết trích dẫn).

Câu “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” là một câu phức gồm hai mệnh đề độc lập được nối với nhau bằng liên từ “và”. Mỗi mệnh đề có cấu trúc của một câu đơn hoàn chỉnh, nên buộc nó phải có đủ hai thành phần cơ bản của câu là chủ ngữ và vị ngữ, mà chương trình ngữ pháp dạy cho các em học sinh phổ thông gọi là câu CHỦ- VỊ. Như vậy hai từ “tiếp tục” là động từ- vị ngữ của chủ ngữ “các cây bút trẻ” thì có gì là sai đâu. Câu trên có thể diễn đạt như thế này: “Diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm (của mọi người) và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”. Nếu thêm động từ tình thái “là” trước hai từ “tiếp tục” thì hai từ này trở thành trạng ngữ chỉ tình thái, bổ nghĩa cho động từ “là”.

Dường như nhà luật học này chưa học ngữ pháp tiếng Viết sơ cấp hay sao ấy nên mới chữa văn của người khác theo cách “chữa đui thành mù” đến thế. Tôi chỉ cần dẫn ra hai ví dụ trên để xin thưa với vị luật sư là nên học lại câu của cha ông ta đã dạy từ bao đời nay là “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Còn nếu không thì học câu này của Khổng tử cũng được “tri chi vị tri chi, bất tri chi vị bất tri chi, thị tri”.

Lâu nay, cổ nhân có câu “bản thân không thể nổi tiếng và thành danh bởi uy tín cá nhân, thì “đánh” vào người nổi tiếng, thể nào cũng được chú ý”. Như vậy, mục đích hạ thấp danh dự cá nhân-hòng bới lông tìm vết cho bõ ghét, bõ tức, để cho thiên hạ biết mình là ai, âu cũng là một cách hành xử thiển cận.

Rõ ràng đem những hiểu biết lỗ mỗ ra để đi phê phán người khác là một điều
rất không nên làm đối với những người có học hành hẳn hoi. Nếu làm vì chủ đích hạ uy tín, bôi bẩn một ai đó, ngoài phạm vi quan tâm của học thuật thì đấy là một nhân cách kém, đáng thương.

Thành Cát
Nguồn: http://www.biethet.com/n762910-van-hoa-phe-binh-va-phe-binh-van-hoa


RE: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - 1t2u3a4n - 30-05-2012

Nếu bài của ông Hữu Thỉnh là một bài nói thì một số trong các lỗi trên có thể chấp nhận, một đôi chỗ chỉ cần thêm dấu câu vào sẽ trở thành không sai, đỡ chướng.

Nhưng em đồ rằng đây là bài viết, vì có nhắc đến việc đánh máy. Có một số chỗ thật ngây ngô.


Còn Thành Cát chắc thiếu chữ Tư Hãn nên gió không đủ đuổi ruồi, he he he.


RE: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - TieuChieu - 30-05-2012

Bác Thành Cát này chắc đệ tử bác HT, gắng bao biện, nâng bi để lấy điểm với bác HT đây mà.


RE: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - hothiethoa - 30-05-2012

Đồng ý với bác Thu hết. Chỉ có đoạn này thì oan cho ông Chịch Tủ quá!
Trích dẫn:III. Đoạn văn:

“Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng.”

Đây là câu văn thuộc dạng kết cấu “nếu – thì”. Loại câu này yêu cầu 2 mệnh đề phải chỉ cùng một trạng thái. Nếu mệnh đề trước chỉ thời gian thì mệnh đề sau cũng phải chỉ thời gian. Do đó ta phải viết: “Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì hôm nay, năng khiếu phải trở thành tài năng” thì mới đúng.

"thì trên chặng đường mới này" có thể hiểu là những ngày kế tiếp,đối lập với hôm qua, chả sao cả!

Còn bác Thành Cát thì khỏi nói rồi! Chưa gì phê phán Wiki- không đáng tin cậy, có cả cái hội nhà văn + Viện Việt Học gì gì đó cũng chưa đủ tầm chê đâu! Nếu bác ấy thêm thế này thì may ra: "Wiki không đáng tin cậy 100%" thì chả ai cãi được bác được.


RE: CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA - lanhdien - 30-05-2012

Sao lại cố tình “chữa lợn lành thành lợn què” như thế (?!)

Câu này của bác Thành Cát chảng có gió chút nào. Đã lại gió thì phải chém cho to, cho kêu...chứ chém sao nghe như tiếng rên, không rỏ ràng dứt khoát. Mềm oặc! Nên phong bác này Thi Nhũn quá.