Thi Ẩm Lâu
Nhà Trọ !!! - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Nhà Trọ !!! (/thread-81.html)



Nhà Trọ !!! - Ngạo - 03-12-2010

Nhà Trọ
Tác giả : Ngạo Thế Cuồng Sinh
Bầu trời bất chợt đen kịt. Không gian bên trong căn phòng trọ tối tăm đặc quánh lại mùi ngái ngái của khói thuốc lá trộn lẫn với mùi của toa-let không được dọn thường xuyên khiến lão Bưởi ngột thở. Lão nhướng cặp mắt già nua lên nền trời thầm mong cho cơn mưa mau tới. Cầu mong sao cơn mưa thật lớn gột rửa tất cả bùn nhơ của khu nhà trọ. Mưa lớn để át đi tiếng tự tình khoái lạc, át đi cả tiếng mắng chó chửi mèo của cặp tình nhân trẻ và át đi cả tiếng khóc thổn thức của cô thợ may vừa phá thai. Lão Bưởi chỉ thích nghe tiếng bi bô của con bé Lúa mỗi khi chào đón ba mình đi làm về.

Thế rồi lời ước nguyện của lão cũng thành hiện thực. Cơn mưa đầu mùa trút xuống thành phố Sài Gòn những giọt mưa vừa to vừa nặng. Khu nhà trọ tuềnh toàng chìm ngập trong màn nước. Tiếng mưa rớt đồm độp trên mái tôn quả thực át đi tất cả âm thanh mà lão không muốn nghe. Nhưng liệu trời có mưa mãi? Thôi kệ. Lão Bưởi nhủ thầm và tạm hài lòng với cái ước mơ nhỏ nhoi. Lão chỉ ước thêm là có tiếng ễnh ương như đang tấu khúc giao hoan trong đêm để lão được mơ về miền quê xa thẳm.

Tiếng ho húng hắng của bà lão cộng với tiếng kẽo kẹt của đôi quang gánh còn nặng làm lão Bưởi thoáng buồn. Có lẽ hôm nay cả nhà lại phải xơi món canh bún trừ cơm rồi! Lão nhớ lại ngày mình chưa bị tai nạn lao động, nhớ lại đôi chân thoăn thoắt to khỏe của mình giờ đây nó chỉ còn là hai khối thịt u lồi.

- Mợ về rồi đấy à? Tôi đặt nồi nước cho mợ tắm rồi đấy !

Lão vẫn trìu mến chăm sóc vợ như thuở vừa cưới nhau. Dưới nếp nhà tồi tàn lão Bưởi vẫn mong cho dù rách cũng phải giữ lấy lề. Lão ngồi xó nhà cặm cụi dán từng cái bì thư. Đôi lúc lão mơ từng cái bì thư mà lão dán hàng ngày sẽ biến thành hạc giấy. Mỗi một nghìn con hạc giấy sẽ mang lại cho lão một điều ước. Đã nửa năm lão liên tục dán bì thư để phụ vợ nuôi con (hay tự nuôi mình lão cũng không biết!). Lão tạm hài lòng là mình không ăn bám. Thế thôi.

Lão ngắm nhìn vợ lão rồi tặc lưỡi. Người con gái xinh nhất cái làng Hành Quần này đã vì thương lão mà phiêu bạt bao năm. Ước mơ dành dụm mua một căn nhà nhỏ của vợ chồng lão vừa sắp thành hiện thực thì… than ôi ! Tai nạn lao động đã cướp cạn số tiền ấy.

Lão có hai đứa con gái. Đứa đầu đang học Ngân hàng. Đứa kia học Kiến trúc. Phải tội... hai con bé xinh thế mà lại ngoan hiền... Ban đêm chúng phải đi làm thêm để tự lo tiền mà học. Cái thế giới chung quanh bốn bức tường của lão chỉ còn liên lạc với thế giới bên ngoài qua cái tivi Toshiba cũ rích. Cứ mỗi đêm lão lại trằn trọc thắc thỏm đợi con đi làm về, lão lại cặm cụi đun nước cho con tắm.

Tên lão là Bưởi nên có lẽ lão thích Bưởi. Lão trồng cây bưởi toàn ra lá mà lão cũng chăm chút như con mình, để rồi mỗi ngày lão lại thì thầm xin nó ba chiếc lá để lão thả vào nồi nước. Nồi nước ấm chứa cả tấm lòng của lão vậy. Thi thoảng lão thấy con gái mình say khướt, chệnh choạng lê bước về nhà, lão lại chua xót nhìn vào đôi chân của mình.

Trời chạng vạng tối. Cơn mưa nặng hạt đã dứt. Lớp khói bụi bùn nhơ của thành phố đã được rũ sạch. Sài Gòn bóng lộn lên dưới anh đèn tràn ngập phố phường. Cái vẻ xa hoa đầy màu sắc đó không che lấp được cái xóm nhỏ tối tăm, nghèo nàn. Nó như cái ốc đảo tách rời ra vậy. Ở đây những thân phận khốn khó gắn với nhau bởi một thứ keo. Thứ keo có tên thật đặt biệt. Nghèo!!!


Rầm! tiên sư bố nhà mày ! Mày có để yên cho bà nằm ngửa về nuôi mày không?

Chát! Chát! Tiếng tát xé tai của gã đàn ông vô dụng vũ phu như chọt vào màng nhĩ của lão Bưởi. Lão chộp lấy cây gậy trong góc phòng đẩy lẹ chiếc xe lăn .của mình về phía căn phòng bên góc trái của khu nhà trọ. Lão hùng hồn như thiên lôi cầm búa tầm sét. Mắt lão long lên. Tên đàn ông đốn mạt kia giật vội nắm tiền con con trong tay cô gái đáng thương kia rồi ù chạy đi. Chả phải hắn sợ lão Bưởi mà hắn chỉ ù chạy đi mua ít sái thuốc phiện cho qua cái cơn nghiện đang dày vò!

Lão lại quay về căn phòng của mình, cổ họng vẫn còn gầm gừ gì đó chả rõ. Lão cũng không an ủi cô gái buôn phấn bán hương kia. Với lão chỉ là bổn phận của người cha chú bảo vệ con cái mà thôi!

Tiếng điểm đồng hồ trên tivi đã 7 giờ. Sát cạnh phòng lão là hai cô cậu sinh viên mới dọn tới ngày hôm kia. Trông họ như đôi chim câu. Họ tíu tít trang trí căn phòng. Họ trao nhau những lời ngọt như mía lùi. Lão nghe cả tiếng họ thở. Cả tiếng kẽo kẹt của chiếc giường đơn yếu ớt rên rỉ trong đêm. Lão tự hỏi liệu cha mẹ của họ có biết con cái họ đang làm gì ở thành phố này. Học chữ hay học làm vợ chồng!

Những âm điệu của cuộc sống đó cứ vang lên đều đặn như chiếc đồng hồ quả lắc. Sáng 4 giờ lão đánh xe ba gác máy đẩy chiếc xe cà khổ ra đường. 5 giờ sáng vợ lão quang gánh ra đi. 7 giờ sáng đôi chim câu nhỏ chở nhau đến trường. 11 giờ 30 cô gái làm tiền dậy súc miệng soành xoạch, phun toẹt một cái ra sàn đất trước nhà rồi làu bàu chửi thề gì chả rõ. Dạo này Lão Bưởi có bí mật riêng. Sáng nào lão cũng tranh thủ tầm từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30, lão đi đâu đó rồi về với tâm trạng thật phấn khích. Tối nọ lão nằm gần vợ thủ thỉ...

- Mợ này... Tôi sắp mua được máy vi tính cho hai cái hĩm nhà mình rồi đấy nhá.

Bà vợ trợn tròn mắt nhìn Lão. Bà nhẩm tính cái máy bét nhất cũng cứa vào hầu bao thiên hạ hết 5 triệu. Lão bưởi gà què quanh quẩn cối say kia làm sao có được từng ấy tiền?

Ánh mắt hồ nghi của bà vợ làm lão thảng thốt phân bua :

- Này mợ... Mợ nghĩ tôi đi làm điều xằng bậy sao. Hì ! Mà thôi để coi sao đã...

Lão cứ lấp lửng trong khi bà vợ mệt nhoài với bán buôn đã ngủ say từ lúc nào.

Mấy hôm nay lão Bưởi nhận được công việc chăm sóc cây cho một gia đình nọ. Vô tình lão thấy chiếc máy vi tính quá mode bị bà chủ nhà vất lăn trong góc. Lão tự nhủ lão ráng làm đến cuối tháng rồi xin bà chủ mua cái máy đó cho con gái lão. Cái máy mà bàn dân thiên hạ cho là cánh cửa mở ra với thế giới bên ngoài, là chìa khóa đi vào kho tàng của nhân loại. Chữ nghĩa lão không bao nhiêu nhưng lão nghe cô xướng ngôn viên trên tivi nói vậy lão biết vậy…

3 ngày sau… Lão tự hào kệ nệ đem chiếc máy thần kỳ ấy về căn nhà trọ. Hôm đó lão cố gắng xếp được 1000 cái bì thư… Chao ôi! Lão đã đạt được một điều ước!

Trong khu nhà trọ này duy có mỗi hai mẹ con nhà Lúa là lão nói chuyện! Mẹ của bé Lúa là một cô gái tầm tuổi 25. Bố của bé lúa là anh thanh niên tuổi trung niên mỗi tháng chỉ về thăm mẹ con bé Lúa một lần. Khổ thân con bé, cũng may là một lần chứ không con bé lại mang cái chữ con hoang trên đầu.

- Ông ơi! - giọng nói bi bô của bé Lúa kéo Lão Bưởi về hiện tại.

- Sao nào? Mẹ cháu đâu rồi? Tới chơi với ông!

Lão Bưởi dang tay đón cái mầm non bụ bẫm xinh xắn vào lòng. Con bé cứ quấn quít lão như lão là ông nội của nó. Lão cũng chưa từng hỏi về gia cảnh của mỗi người. Lão chỉ im lặng đón nhận cái buồn sâu thẳm của mỗi cá nhân con người trong khu nhà trọ này. Bên cạnh những nhọc nhằn mưu sinh thì họ chỉ còn có niềm vui là lao vào thân xác nhau, dường như muốn tạo thêm một thế hệ nheo nhóc tiếp theo trên cái xóm trũng này.

- Ông ơi! Ông có lên được cái cao cao kia không?

Ngón tay bé teo của Lúa chỉ về hướng tòa cao ốc 33 tầng.

- À ừ... ông chưa lên. Nhưng Bé Lúa thích ông cháu mình đi vậy!

Cả hai ông cháu đang đón những ngọn gió trong lành của thành phố. Những đoàn người đi lại tấp nập như những con kiến siêng năng chăm chỉ mang lại cái hồn cho chính Sài Gòn này. Sài Gòn, thành phố của những đứa con xa nhà mưu sinh.

Dường như 2 ông cháu đều không muốn trở về với cái oi bức tồi tàn, cái nghèo nàn ẩm thấp. Con bé Lúa ngó đông ngó tây mãi cũng chán, ríu mắt ngủ ngay trên bờ vai to rộng của lão Bưởi. Kể từ hôm ấy, mỗi ngày lão tự cho phép mình tiêu 2000 vào việc đi thang máy lên 33 tầng lầu để vãn cảnh cùng bé Lúa.

Phụp...

- Đ.M. mấy thằng chó đéo nhà đèn lại cúp điện. - Tiếng chửi thề của lão ba gác như nhạc trưởng của dàn hợp xướng chửi mở màn cho hàng loạt tiếng chửi. Khổ thân cho Lão Bưởi. Lão có bịt tai con Bé Lúa cũng chẳng kịp. Lão ước sao mấy câu thô tục kia không ngấm vào đầu của con bé. Lão cũng mơ đừng bao giờ cái bùn nhơ của xóm nhỏ này vấy lên thân hai đứa con gái của lão.

- Choảng... mày trút hết cả bao muối vào món ăn à...

- Rầm... Tao rảnh mà đi hầu mày hả oắt con. Tao còn học bài nữa mà… Mày thì suốt ngày hết game rồi tới bida, nhà cửa chả thèm ngó... huhu...

Thôi rồi hai con bồ câu non đang phang nhau. Họ chả có ai dạy để vượt qua cái khó đầu tiên của cuộc sống hôn nhân. Đó là hai chữ : Trách Nhiệm.

Cái không gian đen kịt, thi thoảng leo lét ánh sáng của vài ngọn đèn dầu con. Lão Bưởi nhắm mắt lại nhưng những âm thanh chung quanh vẫn không tha lão. Tiếng đập nhau chửi nhau loạn xị của đôi bồ câu, tiếng làu bàu say khướt của lão ba gác, tiếng rên rỉ giả tạo của ả bán hoa, tiếng hát ầu ơ ru con của mẹ bé Lúa... Lão thấy mừng thay là giờ này con gái của lão đang đi làm.

Cái nóng hầm hập của căn phòng làm Lão Bưởi ứa nước mắt. Lão nhớ cái miền quê lộng gió khoáng đãng của lão. Lão nhớ những cánh diều của trẻ thơ, nhớ con trâu và cả cái cày, nhớ mảnh ruộng con con, nhớ hương đồng gió nội. Nhớ cả gốc cây đa mà lão hay ngả lưng nghỉ trưa. Giữa cái thành phố chết tiệt này lão đào đâu ra khoảng không gian đó. Rượu. Lâu lắm rồi lão không động đến. Không phải lão không thèm, nhưng... Lão tặc lưỡi rồi lăn mình xuống sàn nhà. Lão mong tìm chút hơi mát từ cái nền nhà trang xi măng lồi lõm.

Ồ... ồ... ánh sáng lại tràn ngập khu nhà trọ tồi tàn. Lão ba gác lại oang oang chửi thề. Dường như lão này có gắn cả cái máy chửi vào trong cuống họng. Đôi bồ câu non kia ngưng mắng nhau. Tiết dỗ dành của cậu trai, tiếng khóc thút thít của cô gái... Bé Lúa của lão lại đang bi bi bô bô nô đùa với cha. Gã nghiện lại đang vòi tiền cô gái bán phấn buôn hương. Cuộc sống cứ thế mãi trôi... Lão lại tiếp tục xếp những phong thư... Lão chỉ mong tới cái một triệu... Cả cái xóm này sẽ không còn ai phải khóc vì tủi hận với phận Nghèo.

Bên ngoài trời kia những căn hộ cao ốc mọc lên như nấm sau mưa. Liệu có nơi nào cho những mảnh đời nhỏ bé này một chốn dung thân ngoài... Nhà Trọ...

12.11.08

Ngạo Thế Cuồng Sinh



RE: Nhà Trọ !!! - hvn - 23-02-2011

Bác Ngạo chú ý mấy dấu chấm cuối câu, sửa mệt quá sad

Trong ngữ pháp vốn không có dấu 2 chấm ".." hoặc 4 chấm "...." cuối câu trần thuật. Chỉ có thể là 1 chấm hoặc 3 chấm. Đôi khi, người ta cũng cho phép nhấn mạnh cái ý chưa dứt hoặc vân vân bằng cách ghép 2 hoặc 3 dấu 3 chấm với nhau, mỗi cụm 3 chấm cách nhau bằng 1 khoảng trắng, như thế này : "... ..." hoặc "... ... ...". Nhiều cụm 3 chấm hơn nữa thì là vô nghĩa. 2 dấu chấm cũng là vô nghĩa !

Truyện ngắn này của bác, nhiều chỗ dấu 2 chấm ".." có thể đổi thành dấu phảy "," hoặc dấu chấm "." như thế này !

Quá nhiều dấu câu đặt lung tung bác ạ ! Ví dụ vài đoạn :

Trích dẫn:mùi ngái ngái của khói thuốc lá . trộn lẫn với mùi của toalet không được dọn thường xuyên

Bác đang tả 2 thứ mùi trộn lẫn với nhau, sao lại nẩy ra 1 dấu chấm giữa câu như thế ?

Trích dẫn:Lão Bưởi chỉ thích nghe tiếng bi bô của con bé Lúa ,mỗi khi chào đón ba mình đi làm về ..

Đây là một câu phức gồm 2 mệnh đề. Cụm từ "mỗi khi chào đón ba mình đi làm về" rõ ràng là chỉ một hành vi của "con bé Lúa", bổ nghĩa cho "con bé Lúa". Như thế bác nên bỏ dấu phảy ở giữa câu này, để "con bé Lúa" ghép với "mỗi khi chào đón ba mình đi làm về" tạo thành mệnh đề phụ của câu.

Trích dẫn:lão nhớ những cánh diều của trẻ thơ .. nhớ con trâu và cả cái cày .. nhớ mảnh ruộng con con .. nhớ hương đồng gió nội ..

Đoạn này liệt kê những nỗi nhớ của lão Bưởi, những ngữ đoạn "nhớ con trâu và cả cái cày", "nhớ mảnh ruộng con con"... đều có chung một chủ ngữ ẩn là "lão". Phải thay những dấu ".." bằng dấu phảy để ngắt từng ý nhỏ trong câu.

Đại loại là thế, mong bác viết kỹ kỹ một chút để người sưu tầm đỡ mất công chỉnh sửa, người đọc cũng dễ chịu hơn.






RE: Nhà Trọ !!! - 1t2u3a4n - 23-02-2011

Lão Ngạo kết hợp cùng lão Điên thì quả một cặp trời sinh tongue.


RE: Nhà Trọ !!! - hvn - 23-02-2011

(23-02-2011, 08:25 AM)1t2u3a4n Đã viết: Lão Ngạo kết hợp cùng lão Điên thì quả một cặp trời sinh tongue.

Đúng đúng, bác Nhất cũng rất hay bỏ dấu chấm lung tung chatterbox

Nhân chuyện dấu chấm câu, lại nhớ vohinhhiepnu. Trên Giai phẩm quán, vohinh từng chấn chỉnh tôi về chuyện đặt dấu "!" và dấu "?" cuối câu.

Chả là tôi có thói quen đặt 2 dấu này cách tiếng cuối cùng trong câu 1 khoảng trắng, vì thấy đặt như vậy nhìn nó rõ ràng hơn. Nhưng nàng ấy cho rằng điều này bất hợp lý.

vohinhhiepnu Đã viết:...góp ý riêng với hvn nè, hvn cũng mắc cái bệnh bỏ dấu câu ko đúng quy chuẩn rồi nhé. Thường dấu phẩy và chấm thì bỏ đúng, còn dấu hỏi và chấm than thì luôn bỏ sai. Khẩn thiết yêu cầu bỏ đúng dùm cái, kế sau từ cần bỏ dấu là đặt vào liền, xin đừng vui tay mà space 1 phát làm khổ... vohinh fải check mấy bài viết của hvn mà chỉnh cách đặt dấu. Đã bảo vohinh cầu toàn mà, với lại hvn cũng cầu toàn ko kém, hà cớ gì thấy sai (hay ko biết đó là sai?) lại có thể sửa được lại ko sửa?

Tôi biện giải Yes

me Đã viết:...đệ nghĩ dấu câu là một thành phần trong câu, không phải bộ phận của từ, vì thế nó nên đứng độc lập như một đơn vị ngữ pháp, chứ không nên dính liền vào với từ. Tỷ có văn bản quy định cụ thể về cái này không ?

Cô ấy liền phản bác bằng những lý lẽ rất xác đáng :

vohinhhiepnu Đã viết:Về dấu câu, nói như hvn ko thấy mâu thuẫn sao? Dấu chấm và dấu hỏi cùng là dấu câu, thế tại sao hvn chấp nhận cho dấu chấm nằm sát từ, còn dấu hỏi phải cách từ 1 khoảng trắng? vohinh ko có trong tay bất kỳ văn bản quy định về vụ bỏ dấu này, chỉ là nhờ đọc nhiều cộng với quan sát mới rút ra được thôi. Về khoản đọc nhiều thì thấy những người về viết lách, lấy công cuộc gõ phiếm làm cần câu cơm luôn bỏ dấu nằm sát sau từ. Còn về khoản quan sát thì vohinh ngày xưa chuyên môn space 1 fát rồi mới bỏ dấu, sau đó nhìn lại thấy rất có vấn đề. Ví dụ nhé, bỏ dấu như hvn với những câu có độ dài khiêm tốn, hoặc dài mấy hàng cũng được nhưng kết thúc câu đó luôn nằm ở đầu hàng hoặc cuối hàng thì nhìn ko sao. Giả như kết thúc 1 câu của dấu chấm than, chấm hỏi là cuối hàng thì hvn sẽ được chứng kiến cái cảnh: tự nhiên có 1 dấu chấm than hoặc 1 chấm hỏi nằm ở đầu dòng và chỉ nằm 1 mình đơn lẻ. Mặc dù trước nó có 1 câu đàng hoàng nhưng vì độ dài của hàng ko cho phép nó được đứng gần 1 từ (đã có space) cho nên đành xem dấu câu là 1 từ và đá nó xuống hàng bên dưới. Khi đó, hvn sẽ chứng kiến sự lạc loài của sự bỏ dấu.

Cuối cùng, tôi cũng bị thuyết phục :

me Đã viết:Đúng là có nhiều lúc vì khoảng cách này mà dấu câu bị đẩy xuống dưới. Thôi thì với câu dài, đệ sẽ làm vậy, còn với các câu hội thoại ngắn, đệ sẽ vẫn giữ 1 khoảng trắng để cho nó thoáng và dễ nhìn.

Từ đó đến nay tôi cũng cố gắng sửa nhiều, nhưng đôi khi vẫn cứ quen tay nhấn space 1 phát sad



RE: Nhà Trọ !!! - Ngạo - 24-02-2011

Dào.. chỉ là lúc viết truyện này và hầu hết các truyện khác Ngạo đều viết ngay trên 4r .. viết tới đâu post tới đó.Dẫu biết đó là thói quen xấu+ sai nhưng lại khó bỏ.Và Ngạo ta cũng nghỉ rằng viết chỉ để thoả mãn cái cá nhân của bản thân.Dạng tự viết tự đọc nên cũng không lưu tâm đến là tác phẩm của mình có đáng để thiên hạ sưu tầm hay không.Thôi thì ai sưu tầm ráng bỏ chút công xoá đi cái (..) vớ vẫn đó đi vậy.Dù sao cũng cám ơn bác Thần Thám chân thành góp ý.Ta sẽ tiếp thu và chỉnh sửa các tác phẩm( tạm gọi là thế)khi rỗi.
Thân!



RE: Nhà Trọ !!! - Phụng - 24-02-2011

(23-02-2011, 05:11 PM)hvn Đã viết: Từ đó đến nay tôi cũng cố gắng sửa nhiều, nhưng đôi khi vẫn cứ quen tay nhấn space 1 phát sad

Lâu rồi không để ý, nay thấy hvn nhắc lại thì thấy đúng là có vấn đề.

Mình cũng hay để dấu "!" & "?" sau một khoảng trắng, ban đầu là nghĩ tại cái

dấu nó "lớn" hơn những dấu đại loại như dấu "." ",", sau này còn để thêm dấu

":" cũng có khoảng trắng trước.

Chả biết mấy bác giáo dục nhà mình có hướng dẫn cụ thể về việc này không nhỉ ?

Còn dấu liên kết nữa "-", cái này thấy cũng sử dụng rất tùy ý, khi có khoảng trắng,

khi thì không, chả biết đâu mà lần.


RE: Nhà Trọ !!! - hvn - 24-02-2011

Theo tôi, dấu "-" trong từ ghép thì viết liền, trong câu thì nên tách ra. Còn dấu ":" có nhiệm vụ báo hiệu một đoạn văn thì cũng nên thêm space. Cả 2 cách viết đều không sai, nhưng có khoảng trắng thì dễ nhìn hơn.

Đấy là xét về mặt thẩm mỹ chứ tôi chưa thấy quy tắc nào hướng dẫn cụ thể về những vấn đề này!