Thi Ẩm Lâu
Chuyện thiệt như... đùa ! - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Trà Dư Tửu Hậu (https://thiamlau.com/forum/forum-8.html)
+--- Chủ đề: Chuyện thiệt như... đùa ! (/thread-756.html)



Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 12-10-2011

Đền lại… trinh nam

Vũ Đức Sao Biển

Trước nay, người ta thường nghe khái niệm “trinh nữ” chứ hiếm khi nghe tới khái niệm “trinh nam”. Hai chữ “trinh nam” là do một người đàn ông ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đặt ra trong một phiên xử ly hôn. Tôi cũng bắt chước dùng theo vậy.

Họ thương yêu nhau cả làng trên xóm dưới đều biết; không chừng cả tỉnh Quảng Nam cũng biết. Thế rồi họ nhanh chóng cưới nhau. Cưới nhau xong rồi, chị mới tá hỏa vì chứng… mê rượu của anh. Anh không cần rượu tây sang trọng, chỉ cần món rượu gạo đùng đục nấu bên cạnh chuồng heo đưa cay với cá đù khô, trái xoài, trái cóc là đủ. Hôm nào may mắn có được lạng thịt trâu xào với củ hành thì hôm đó với anh là ngày đại tiệc.

Mê rượu nên ai rủ anh cũng đi, thậm chí không rủ anh vẫn tới. Một lần uống rượu của anh kéo dài nhiều ngày. Ai đời mới cưới vợ mà có những “trận” anh bỏ vợ đi biệt mù sơn dã gần cả tuần mới về nhà. Về tới nhà, anh lại xao lãng không làm nghĩa vụ dân sự với chị, chỉ lo ngủ (và ngáy), đợi có ai rủ thì lật đật thức dậy đánh răng qua quýt rồi ra đi. Cửa nhà anh trống huơ trống hoác; mấy sào ruộng để cho cỏ mọc, bò ăn giùm.

Chị khuyên giải, anh không nghe. Chị khóc lóc, anh cười. Chị giận bỏ về nhà cha mẹ, anh đón. Chị nhờ người lớn trong nhà nói giúp, anh không ưng. Sống chung hai năm nhưng chẳng “chung” được cái chi, chị đâm ra nản chí lớn, đành phải nhờ đến… tiệm vi tính viết và in giùm cái đơn xin ra tòa ly dị.

Đời anh có một ngày xa rượu duy nhất, đó là ngày anh… ra trước Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc với tính cách bị đơn. Tòa hỏi tới đâu, anh nhận tới đó. Anh có một lời khai danh tiếng: “Xỉn ngủ ngoài đường còn bảnh hơn ngủ trên giường với vợ”. Xét thấy họ chưa có con, tài sản chung cũng chẳng có gì, tòa chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn vợ. Trả lời tòa, anh cũng tỏ ra hí hửng khi tòa tuyên cho họ ly hôn.

Phiên xử gần xong, anh đưa tay xin nói. Thẩm phán Trương Văn Triệu: “Anh có ý kiến gì cứ nói đi”. Anh dõng dạc: “Thưa quý tòa, trước khi cưới cô ấy, tôi chưa hề gặp gỡ chung đụng với cô gái nào khác. Tôi là một… trinh nam. Ăn ở với cô ấy hai năm qua, tôi đã mất đi sự trong trắng của người thanh niên rồi. Tôi đề nghị quý tòa buộc cô ấy đền bù lại cho tôi thời trinh nam”.

[Hình: nam.jpg]

Thẩm phán Triệu nói: “Tòa chỉ xét xử theo những gì pháp luật dân sự quy định. Pháp luật dân sự không nói đến cái gì trinh nam trong trắng nên tòa rất tiếc không thể buộc nguyên đơn đền bù khoản đó lại cho anh”. Anh năn nỉ một lần nữa, tòa vẫn bác yêu cầu.

Phiên xử xong. Anh bước ra khỏi tòa án, đứng phía bên kia con đường đẹp nhất của thị trấn. Nhìn qua cổng tòa, anh la to: “Tòa xử chi ác rứa? Người ta yêu cầu có chút xíu là đền lại thời trinh nam cho người ta mà tòa vẫn bác. Bác là bác cái làm răng?”.

Theo Báo Thanh Niên



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 26-10-2011

Chồng bo cho... vợ

Vũ Đức Sao Biển

Thông thường, người ta chỉ bo cho đào. Thế nhưng anh chàng sau đây ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thì chỉ chuyên dùng tiền bo… cho vợ. Việc làm hiếu hỷ quái chiêu đó đã dẫn tới một phiên tòa ly hôn đáng tiếc.

Ra trước Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, nguyên đơn - một chị vợ còn rất trẻ, khăng khăng bảo lưu ý kiến xin tòa cho được ly hôn với người chồng của mình. Lý do mà chị đưa ra trong đơn xin ly hôn là “Vợ chồng không hợp tính nhau”.

“Vợ chồng không hợp tính nhau” là một câu khai báo thường gặp trong án ly hôn, trẻ hay già cũng đều có thể nói như vậy. Thế nhưng đó là một câu khá mơ hồ mà phiên tòa nào cũng cố gắng làm rõ để xem còn có thể kết nối hai con người ấy lại với nhau hay không.

Tòa: “Chị khai anh và chị không hợp tính nhau. Có cái gì chứng minh cho chuyện không hợp tính đó?”. Chị vợ: “Thưa tòa, có một chuyện rất khó nói”. Tòa: “Đây là tòa án. Chị nói rõ thì chúng tôi mới giải quyết được”.

Chị vợ: “Thưa tòa, là vợ chồng với nhau thì chuyện ăn ở với nhau là bình thường. Rứa mà đêm mô ăn ở với tôi xong, chồng tôi cũng… rút bóp ra, lẳng lặng ném vào mặt tôi khi năm chục ngàn đồng, khi một trăm ngàn đồng y như cái kiểu bo cho mấy cô bia ôm ngoài đường ngoài sá”.

Lời khai của chị vợ khiến tòa ngạc nhiên. Tòa hỏi bị đơn chồng: “Anh có rút tiền ra ném vào mặt vợ sau mỗi lần quan hệ như chị khai không?”. Anh chồng: “Thưa tòa, có”. “Tại sao anh có hành động như vậy?”. Anh chồng: “Thưa tòa, con ni không chung thủy. Tôi coi hắn cũng như… mấy đứa bia ôm, phải bo rứa cho hắn biết mặt!”.

[Hình: cHONGBOCHOVOnb.jpg]

Dù bị đơn chồng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh vợ mình không chung thủy nhưng tòa vẫn kinh hãi vì hành động dùng tiền bo thường xuyên cho vợ của anh ta. Người ta quý nhau mới bo còn anh này khinh vợ thì bo. Tình hình ấy tiếp diễn lâu dài chắc chắn sẽ khiến cho chị vợ bị ức chế, nhẹ thì có thể trầm cảm mà nặng thì có thể phát bệnh tâm thần. Tòa hiểu nỗi khổ này của người vợ trẻ khi được bo! Ai nói được nhận tiền thì sướng? Thôi thì giải quyết cho họ ly hôn để sau này anh… bo cho ai đó thì tùy ý.

Theo Báo Thanh Niên



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 27-10-2011

Ngộ nghĩnh chuyện ly hôn

Vũ Đức Sao Biển

Bình Phước là một tỉnh có nhiều người nhập cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Cộng đồng đông đảo các dân tộc đó cũng xảy ra những vụ ly hôn ngộ nghĩnh.

[Hình: Honnhan.jpg]

Quá cỡ thợ mộc !

Một ngày đầu mùa mưa năm nay, tòa án nhân dân huyện B. tiếp một phụ nữ người Tày. Bà đã 50 tuổi, đến tòa xin nộp đơn ly hôn. Chồng bà lớn hơn bà ba tuổi. Bà trình với tòa: “Tôi lập gia đình ba chục năm, có 5 mặt con với ông ấy. Nay tôi xin ly hôn vì… thấy cuộc sống không có hạnh phúc nữa”. Hai người đã trên năm mươi tuổi mà nói chuyện không hạnh phúc thì kể cũng lạ. Tòa đành phải nhận đơn.

Như thông lệ, tòa thực hiện nhiều lần hòa giải. Người chồng khẳng định cuộc sống vợ chồng hoàn toàn không có xung đột. Ông đề nghị tòa hòa giải cho hai vợ chồng vẫn được sống với nhau; các con còn đủ cha mẹ; các cháu có đủ ông bà. Ngặt một nỗi, bà vợ vẫn khăng khăng đòi được ly dị, từ đầu chí cuối chỉ nói một câu “Vợ chồng không hợp nhau”. Tòa bèn phải đưa ra xử.

Trước phiên tòa, thẩm phán dùng hết lý lẽ, phân tích mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân gia đình để mong hai ông bà đừng ly hôn. Bà vợ khóc như mưa như gió, xin được nói lời… sau cùng. Thẩm phán mời bà nói. “Thưa tòa, tôi không thể chung sống với ông ấy được nữa vì khi ông ấy bệnh thì ông ấy… được “nghỉ”, còn khi tôi bệnh thì ông ấy… không tha. Tôi đã chừng này tuổi mà đêm nào ông ấy cũng… “làm việc” dữ quá, chịu không nổi nên tôi xin ly hôn”.

Ông chồng nghe vợ khai trước tòa và trước đám con cháu của mình đang dự khán phiên tòa cũng hơi xấu hổ. Ông nói nhỏ: “Tại tao thương mày đấy chứ”. Thẩm phán cũng bất ngờ trước ông chồng 53 tuổi mà “công lực” thường xuyên thâm hậu như vậy. Ông phân tích thêm cho hai vợ chồng hiểu về chuyện quan hệ “giải trí lành mạnh” trong cuộc sống lứa đôi nên cần có sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tòa muốn hai người không ly hôn.

Bà vợ đề nghị: “Thưa tòa, nếu tòa… buộc ông ấy đừng ngủ chung với tôi nữa thì được”. Tòa phải nín cười, phân tích cho cả hai người rõ là tòa không thể buộc hai người ngủ chung hay không ngủ chung, làm chuyện ấy hay không làm chuyện ấy. Tòa nhắc nhở ông chồng nếu ông “muốn” thì phải được sự đồng ý của vợ chứ không nên dùng sức mạnh để ép buộc bà. Ông chồng gật gù, đồng ý.

Nghe tới đó, bà vợ sướng ran. Bà nói: “Vậy tôi xin rút đơn ly hôn”. Phiên xử hòa giải thành. Có thế chứ. Ngày người ta bệnh, cũng phải… hưu chiến chứ! Riêng người dự tòa thì nhận định rằng ông chồng dù không là thợ mộc nhưng “làm việc” quá cỡ thợ mộc, chẳng cần sâm hay viagra, thật đáng khâm phục!

Nguy cơ hết mực hee hee

Đó là một gia đình khá giả, các con đều ngoan. Bà vợ thì chí thú làm ăn, ông chồng cũng rất mực gắn bó với gia đình, không hề rượu chè cờ bạc. Bà thua ông gần mười tuổi, mới ở độ U40; ông đã trên năm mươi. Đánh đùng một cái, bà nộp đơn ra tòa, xin ly hôn.

Trong phiên hòa giải thứ nhất, bà vợ đưa ra lý do “Chúng tôi không hợp nhau”. Ông chồng nhăn nhó khổ sở, không hiểu không hợp nhau là không hợp cái gì. Trong phiên hòa giải thứ hai, bà lặp lại ý đó. Ông chồng nổi nóng: “Thôi, tùy em quyết định nhưng phải để anh nuôi hai đứa con”.

Sau hai lần hòa giải không thành, tòa vẫn mong hàn gắn lứa đôi này. Cuộc điều tra của tòa cho thấy trong gia đình, bốn người của họ sống chung với nhau rất hạnh phúc. Vậy động cơ nào khiến chị vợ khăng khăng ly hôn?

Mấy ngày sau, thẩm phán mời riêng chị vợ lên để làm việc với tòa. Người vợ đưa ra nhiều lý do để xin ly hôn nhưng thẩm phán bác bỏ hết. Cuối cùng, chị nói thật: “Lý do chính rất khó nói nhưng nó làm tôi rất khổ tâm”. Thẩm phán nói: “Nếu chị thấy khó nói thì chị cứ viết ra giấy cho chúng tôi có căn cứ xem xét”. Người vợ viết mấy chữ rồi vò tờ giấy bỏ đi, nói: “Thưa tòa, chồng tôi là… cây viết hết mực”. Rồi chị khóc nức nở: “Trời ơi là trời, ổng đi ra ngoài phung phí cho lắm, về nhà thành cây viết hết mực, không ly dị để làm chi hả trời?”.

Tòa hiểu ra nguyên nhân. Hóa ra ông chồng vào ngoài tuổi năm mươi, trạng thái mãn dục nam đến khiến ông đâm ra… hờ hững với chuyện làm “nghĩa vụ dân sự” cùng bà vợ U40 này. Do vậy mà bà vợ sáu phần ngờ ông ngoại tình, bốn phần buồn vì “cây viết” của ông hết mực. Thẩm phán phân tích cho bà hiểu thế nào là trạng thái mãn dục ở nam giới, động viên bà giúp chồng cải thiện tình trạng “hết mực” của ông bằng liệu pháp tâm lý lẫn thuốc men. Bà vợ nghe ra, rút lại đơn ly hôn. Hòa giải thành !

Theo Báo Thanh Niên



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 31-10-2011

Bồ nhí lập hội

Thục Minh

Dính líu đến người đã có vợ thì chẳng tốt lành gì, nhưng “cố đấm ăn xôi” mãi thì cũng ức, nên các cô bồ nhí ở Trung Quốc lập hội để hành động.

20 tuổi, Dương Lý (tên thật đã được thay đổi) phải lòng một người đàn ông chững chạc. Yêu thương được 2 năm thì anh ta thú thật là đã có vợ và một con trai. “Tôi nhất quyết chia tay, nhưng anh ta cứ nài nỉ và hứa sẽ cưới khi tôi đủ 30 tuổi”, Lý kể. Mòn mỏi chờ đợi đến 8 năm, nhưng ngày cưới của Lý đã không bao giờ đến. “Cuộc đời tôi đã bị hủy hoại bởi người đàn ông đó, nhưng chả có luật pháp nào bảo vệ tôi, trong khi anh ta vẫn sống hạnh phúc với vợ con”, cô gái ở tỉnh Triết Giang cay đắng.

Hội những cô bồ nhí

Buồn tình, Lý lên mạng kể lể, than vãn. Cô viết hàng chục bài trên blog cá nhân và ký bên dưới những cái tên cô gọi kẻ phong tình: gã thọc bánh xe, kẻ hủy hoại, thủ phạm chính, kẻ sinh ra yêu ma, tên tội phạm tinh quái...

[Hình: Bonhi.jpg]

Nhưng Lý không đơn độc, trên mạng khối cô có tâm sự như thế. Cùng hoàn cảnh, họ tìm đến nhau với những cái tên giả và tập hợp thành cái gọi là “hội những cô bồ nhí”. Họ tìm kiếm từ nhau những lời khuyên, sự chia sẻ, và cả những chiêu trò đối phó với các bà vợ và lôi kéo người đàn ông về phía mình. “Tôi gia nhập hội này không phải để tìm lời khuyên, tôi chỉ muốn biết những cô khác như tôi sống ra sao”, một cô tên Tiểu Vy nói với báo China Daily.

Tiểu Vy, 28 tuổi, kể rằng cô yêu một doanh nhân 36 tuổi đến từ thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. “Tôi mới là người anh ấy thật sự yêu, chỉ có điều anh ta đã không gặp tôi trước khi lập gia đình”, cô quả quyết thế. Dù mòn mỏi qua ngày, cô vẫn hy vọng có lúc người đàn ông kia sẽ bỏ vợ và đến với cô.

Cả Dương Lý vẫn nuôi một niềm hy vọng như thế. Và xem ra, hy vọng của họ không đến mức quá mong manh trước thực tế là có đến 50% số đàn ông ngoại tình ở Trung Quốc vĩnh viễn chia tay “cơm” để chạy theo “phở”, theo số liệu năm 2010 của Bộ Dân sự nước này.

Điều này cũng có nghĩa là ở đâu đó hẳn phải tồn tại một nhóm phụ nữ khác ngày đêm lo sợ mất chồng hay đau khổ vì đã mất chồng!

Đến hội chống bồ nhí

Thật vậy, hồi tháng 6.2011, đã có một “hiệp hội chống bồ nhí” ra đời. Sáng lập hội là bà Lưu Chí Tiên, 40 tuổi, người vừa vuột mất kẻ đầu ấp tay gối chính danh với mình suốt 16 năm và có chung 2 đứa con. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, hội của bà Lưu đã có 3.000 thành viên thường xuyên, cùng 8 phòng chat trên mạng, rải đều từ tỉnh Hồ Nam ở miền trung cho đến Sơn Đông, Phúc Kiến ở miền đông. Không chỉ chia sẻ trên mạng, các bà ở chung địa phương cũng tổ chức gặp nhau ngoài đời.

Là người phụ trách một nhóm ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, bà Lưu thất nghiệp này rất năng nổ. Bà mời cả những chuyên gia tâm lý và luật sư tình nguyện tham gia hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ với bà một cách chuyên nghiệp. “Tôi thấy có quá nhiều phụ nữ chọn cách ly hôn khi chồng có bồ nhí. Chúng ta nên đoàn kết và tập trung sức mạnh có được từ những gì đã trải qua để giúp đỡ nhau”, bà nói. Bà cũng tâm sự nhờ làm việc này mà bà bước ra được khỏi bóng tối của cuộc hôn nhân đổ vỡ vì người thứ ba.

Chưa hết, không chỉ các bà mới lập hội. Một người đàn ông tên Châu cũng vừa cho ra đời một tập hợp tương tự ở tỉnh Hồ Nam. Chẳng bị ai phụ tình bao giờ, nhưng ông Châu có kinh nghiệm này hơi nhiều. Ông từng là thám tử tư chuyên được thuê đi theo dõi các vụ “ăn vụng”, và đã lôi ra ánh sáng ít nhất 50 cô bồ nhí giúp các bà vợ đau khổ. Rồi có lẽ đã chán chuyện đi rình mò, ông Châu thôi làm thám tử và chuyển sang làm tư vấn hôn nhân gia đình, có chứng chỉ hành nghề hẳn hoi. “Tôi từng được thuê đi tìm bồ nhí giúp các bà vợ biết chồng lừa dối mình. Bây giờ tôi có đủ kinh nghiệm để giúp họ những lời khuyên chuyên nghiệp”, ông Châu tự tin.

Các nhà chuyên môn ở Trung Quốc đang lo ngại không biết các hội này sẽ đem lại kết tích cực hay tiêu cực.

Theo Báo Thanh Niên



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 02-11-2011

Kịch bản ly hôn

Vũ Đức Sao Biển

Vừa qua, ông D. - một công dân ở Đồng Xoài, đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, thú nhận những sai lầm của mình trong vụ án xin ly hôn trước đây gần bảy năm.

Ông D. kính mong tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm bản án ly hôn giữa ông và bà T. - người vợ cũ. Xin bỏ một bên tình tiết của vụ này. Ở đây, chúng tôi chỉ nhấn mạnh khía cạnh ly hôn đôi khi là cái bẫy khá tinh vi.

Kế hoạch ly hôn

Bảy năm trước, ông D. và bà T. là một đôi vợ chồng trung niên khá hạnh phúc tại thị xã Đồng Xoài. Họ sống chung nhiều năm song chưa có con nhưng không vì thế mà tình nghĩa phai nhạt. Thế rồi, nghe thông tin khu dân cư họ đang ở sẽ bị giải tỏa và mỗi hộ sẽ mua được một suất đất tái định cư. Tính ra, họ sẽ có một món tiền chênh lệch khấm khá từ việc giải tỏa đền bù.

[Hình: Kichban.jpg]
Minh họa: DAD

Bà T. bàn với ông D. nên nộp đơn ra tòa xin ly hôn giả. Cứ theo bà, ly hôn giả thì họ sẽ được sống ở hai hộ khác nhau; mỗi hộ sẽ được mua một nền nhà tái định cư. Cái món ly hôn giả này là nhằm qua mặt chính quyền thôi chứ trên thực tế, mọi chuyện sẽ y như cũ. Nghĩa là sẽ vẫn sống chung trong một ngôi nhà, sẽ ăn chung, ngủ chung như chưa hề có cuộc… ly hôn.

Ông D. nghe vậy thì đồng ý. Ông còn giao hẹn mua được hai nền nhà xong sẽ hợp hôn lại về mặt pháp lý. Bà T. nhất trí cao như nhà chọc trời.

Bà T. còn “đờn” thêm một bản nữa là để mọi tình tiết có vẻ y như thật, hai người phải có một đứa con chung. Bởi họ chưa có con cho nên đứa con chung ấy sẽ chỉ là con ảo trên giấy tờ. Phải có con ảo thì kịch bản ly hôn mới thêm hoàn chỉnh. Ông D. ra tòa phải thuận giao cho bà đứa con ấy để bà nuôi dưỡng; có vậy, bà mới mua được cái nền nhà.

Nghe lời vợ “đờn” hay quá, ông D. bèn giả mạo hai chữ ký của hai nhân chứng, lên bộ phận tư pháp phường xin làm khai sinh trễ hạn cho một đứa con gái không có thật sinh năm 2001. Có được đứa con ảo, họ thuận tình dắt nhau ra tòa xin ly hôn!

Trong phiên xử sơ thẩm, ông D. đồng ý để cho bà T. nuôi đứa bé gái, lại đồng ý chu cấp cho con mỗi tháng một triệu đồng cho đến khi nó tròn mười tám tuổi. Mọi việc vừa xong, bà T. nhanh chóng… kết hôn với một người thanh niên trẻ hơn bà sơ sơ mười tám tuổi. Rồi bà bán tháo, bán đổ tài sản của mình, dắt anh chồng trẻ bỏ Đồng Xoài, dông tuốt!

Ngày trở về

Nếu câu chuyện dừng ở đây thì cũng chưa có gì là bi kịch. 6 năm sau ngày ly hôn với ông D., bà T. trở lại Đồng Xoài. Bà nộp đơn vào cơ quan thi hành án dân sự, yêu cầu thi hành quyết định trong bản án mà tòa đã xử vụ ly hôn, buộc ông D. phải chu cấp tiền nuôi con gái như án đã tuyên! Nghĩa là bà gài ông D. vào một nước cờ pháp lý khá chặt chẽ.

Thấy mình rơi vào cái bẫy ghê gớm của bà vợ cũ, ông D. phải làm đơn thú nhận những sai lầm của mình và kính mong Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước giám đốc thẩm lại bản án ly hôn 7 năm về trước. Thời hiệu xin xét xử giám đốc thẩm vụ án đã hết nhưng tòa vẫn thấy có cách giúp đỡ ông T. trong hoàn cảnh tế nhị này.

Qua sự trình bày của ông T., chính quyền đã ra quyết định hủy bỏ khai sinh của đứa con ảo mà trước đây ông D. và bà T. đã thỏa thuận “nặn” ra. Như thế, việc bà T. đòi ông D. số tiền “chu cấp cho con” trên bảy chục triệu đồng đã có thể giải quyết được. Cái mà các vị thẩm phán ngán ngẩm là không ngờ lòng người lại đến như thế.

Theo Báo Thanh Niên



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Phụng - 15-11-2011

Ghen độc

Minh Tâm

Ghen tuông chút chút như chất xúc tác khiến mối quan hệ vợ chồng thêm phần thi vị, nồng ấm. Tuy nhiên, nếu ghen quá đà và vô lý có thể đẩy gia đình vào chốn bi kịch.

Tảng băng sau đêm tân hôn

Anh vốn là giám đốc công ty ở TP Cần Thơ. Chị là kế toán. Họ quen nhau trong đám cưới người bạn. Vẻ đẹp mỏng manh của chị khiến anh muốn sở hữu, che chở. Bờ vai vạm vỡ của anh khiến chị muốn tựa vào. Họ bắt đầu mơ về mái ấm với những đứa con kháu khỉnh.

Đám cưới. Rượu giao bôi đưa đôi uyên ương vào đêm hợp cẩn. Một đêm. Chỉ một đêm thôi. Để rồi từ đêm đó từng đêm, từng đêm, người đàn ông đều nằm quay lưng về phía vợ. Những lời yêu thương trước đây thay bằng giọng gằn hắt hoặc lạnh tanh. Trong sâu thẳm, anh nghĩ chị yếu lòng trong giây phút chứ không phải thuộc tuýp người dễ dàng trao gửi. Nhưng anh không muốn nghe vợ giải thích. Có những đêm tối giật mình tỉnh giấc thấy bóng vợ ngồi gục đầu nơi góc giường, anh ao ước có thể bao dung, ném tảng đá ra khỏi lồng ngực để ôm chị vào lòng. Nhưng anh không thể nhấc tảng đá ấy lên...

Cứ thế, không khí gia đình đầy u uẩn. Chị cố khép nép, dịu dàng, nhẫn nhịn như không thể dịu dàng, nhẫn nhịn hơn, nhưng đáp lại vẫn là sự ghẻ lạnh của chồng. Chị muốn giải thích, tâm sự rằng vùng quá khứ chỉ là một phút yếu lòng, chị cố gắng lắm mới cắt lìa khỏi ký ức để đến với anh. Rằng khi cùng chồng gắn bó cuộc đời thì chị sẽ là vợ hiền để mái ấm hạnh phúc tròn tươi, nhưng anh không cho chị cơ hội thổ lộ nỗi lòng.

Vật chất đủ đầy. Không đi làm. Cơm nước có người giúp việc lo. Nhưng chị thấy cuộc sống vô cùng buồn bã. Nhiều khi bản năng khao khát một đứa con trào dâng, nên có đêm chị nhè nhẹ choàng tay qua nhưng anh phũ phàng hất ra. Những giọt nước mắt nóng hổi của chị cứ lăn dài với những suy tư dằn vặt chẳng lẽ người phụ nữ khi chỉ lỡ lầm một lần thì không thể quay về? Đó là định kiến nam tôn nữ ti ăn sâu vào mỗi người hay tại bản chất anh vốn dĩ quá ghen? Và cái kiểu ghen không đánh đập, không chửi bới nhưng lạnh như băng của anh lại là lưỡi dao đâm thấu tim khiến chị đau đớn để rồi cuối cùng phải viết đơn ly hôn...

Hủy hoại dung nhan

Quán cà phê nhỏ, đủ để hai mẹ con chị L.T.B.T. ở Kiên Giang sống an nhàn. Đã một lần ly dị nên chị T. rất thận trọng khi bước thêm bước nữa, vả lại cũng sợ cảnh cha dượng con ghẻ khiến con mình khổ. Vì thế khi N.V.Ch. đeo đuổi gần hai năm trời chị mới xiêu lòng bởi nghĩ hoàn cảnh Ch. giống mình, hôn nhân đã một lần tan vỡ. Sống với nhau một thời gian, chị thấy không hợp bởi Ch. rất hay ghen. Chị T. đề nghị chia tay nhưng Ch. năn nỉ, hứa sẽ đổi tính song đâu vẫn hoàn đấy. Thấy vợ nói chuyện với ai là Ch. hậm hực, hoạnh họe, thậm chí gây gổ, đánh đập. Và do muốn níu kéo tình yêu nên Ch. hành động rất tàn nhẫn khi dùng lưỡi lam rạch mặt cho vợ xấu đi để không đòi ly hôn nữa...

Nhưng những vết sẹo chằng chịt khiến khuôn mặt chị trở nên dị dạng, khách ngại không dám đến uống cà phê. Chị đành chuyển sang bán vé số nhưng cũng gặp những ánh mắt ghê sợ pha lẫn thương hại. Những khi trái gió trở trời, vết thương hành nhức bưng bưng lại làm chị không thể đi bán. Riêng đứa con học lớp 6 phải bỏ học bởi chị không đủ tiền lo cho con. Sau tất cả những gì xảy ra, mỗi lần soi gương chị T. không thể tha thứ cho người đàn ông tàn nhẫn kia dù người đó đã năn nỉ, van xin chị. Tòa án đã tuyên Ch. 24 tháng tù cũng không làm chị nguôi ngoai.

Loại bỏ “vũ khí”

[Hình: ImageView.aspx?ThumbnailID=529634]

Cuộc sống của họ khá dư dả với mấy mẫu đất. Sống với nhau gần mười năm, có hai mặt con nhưng vợ ghen mấy lần đến bứt hơi. Rồi lần đó biết được chồng đem tiền nuôi “phòng nhì”, cơn giận bùng lên biến thành lửa ghen cực đoan khi thấy người bạn đời chẳng những phản bội mà còn dùng những đồng tiền mồ hôi vung vào các cuộc ăn chơi. Vì vậy chị hành xử rất dã man, cắt phăng “của quý” của chồng để chồng không còn “vũ khí” đi chinh phục vùng đất lạ và ở nhà với vợ con.

Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng các bác sĩ đành chịu thua vì “của quý” không còn nguyên vẹn nên chẳng thể nối lại. Sau cái ngày bi kịch đó, người chồng biến đổi tâm tính. Từ một người hoạt bát, vui tính trở thành kẻ lầm lì, ít nói, cáu bẳn. Vì sĩ diện, người chồng không thưa ra tòa nên vợ không bị xử lý hình sự nhưng sau đó anh gửi đơn xin ly hôn.

Sau khi chia tay, chồng bỏ quê Hậu Giang đi biệt xứ, mái ấm gia đình tan nát, ngay cả hai đứa con cũng không biết cha đi đâu, về đâu...


Mã:
Nếu ghen quá đà và vô lý, nhất là ghen với quá khứ, có thể gây tác dụng ngược khiến chính mình đau khổ và bạn đời bị xúc phạm, tổn thương. Khi không thể sống chung, những người trong cuộc nên chủ động dứt khoát chia tay sẽ ít bi kịch hơn, đừng có ý nghĩ độc ác, nông cạn là gây thương tích cho người bạn đời hòng níu kéo tình yêu... Bởi ngoài những vết thương trên cơ thể, nạn nhân còn đau đớn tinh thần, cuộc sống bi thương khiến họ khó lòng tha thứ người đã gây ra nỗi đau. Còn người ghen tuông lương tâm sẽ dằn vặt, thậm chí bản thân có thể bị tù tội...

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai

Theo Báo Tuổi trẻ



RE: Chuyện thiệt như... đùa ! - Ngạo - 15-11-2011

Ta ghét những thằng cưới vợ vì miếng da bé tẹo..Xàm thấy ớn..không những xàm mà ta còn cho là ngu dốt.laughing