Thi Ẩm Lâu
Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Ca kỹ phòng (https://thiamlau.com/forum/forum-10.html)
+--- Chủ đề: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ (/thread-497.html)

Pages: 1 2


Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - lenne - 09-04-2011

Những ngày gần đây rất nhiếu báo chí phô về những bức thư Họ Trịnh..
len ko dám đi sâu tình tiết- lạm bàn chuyện riêng tư của nhạc sỹ .


Tuy nhiên nếu cho phép được nhìn từ khía cạnh khác nào nó

len cảm thấy như người đọc sẽ có sự tưởng tượng rất thú vị trước những ngôn từ được Trịnh đa cách hoá ..

len trình độ giới hạn ko biết nói gì hơn
đọc báo len thấy lời bình nầy cũng rất hay ..

xin trích cho cả nhà - và những ai thích dòng nhạc Trịnh cùng đọc hén


......

"Trên chặng đường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt,
Trịnh Công Sơn như một nhà phù thủy của ngôn từ,
ông khoác vào ngôn ngữ mẹ đẻ một quầng ảo vọng, siêu thực mà theo tôi có lẽ nhiều năm sau cũng khó có người Việt nào đạt đến trình độ điêu luyện ấy.
Những sự vật tầm thường nhưng khi được “chiếc đũa thần” của Trịnh gõ vào thì lập tức biến thành lạ thường.
“Nắng” thì ai chả thấy, nhưng chỉ có Trịnh Công Sơn mới thấy Nắng thủy tinh. “Mưa” đương nhiên ai chả biết

nhưng Mưa hồng thì chỉ chàng trai họ Trịnh mới hay!
Hạ là hè. Mùa hạ tức mùa hè.
Điều đó có gì lạ! Lạ chăng là bởi sau chữ Hạ,
Trịnh Công Sơn thêm chữ Trắng đầy diễm tuyệt trong ca khúc Hạ trắng.
“Mắt xanh xao” có lẽ đối với các nhà bệnh lý học thì đấy là triệu chứng của một bệnh nào đấy, nhưng đối với Trịnh thì “mắt xanh xao” lại là điểm nhấn cho một hình ảnh liêu trai, đài các: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” (Diễm xưa).

Ở đây, tôi mạo muội làm cái việc “động trời” là đụng đến Nguyễn Du
- một bậc thầy về ngôn ngữ.
Không có ý so sánh, tôi chỉ muốn bàn về nghệ thuật sử dụng ngôn từ giữa hai con người tài danh này mà thôi.
Ở Nguyễn Du, tiếng Việt chỉ đẹp bởi sự chính xác, mang tính triết lý cao, và xem ra cái “mỹ” ở đây chỉ là cái “mỹ” của hiện thực.
Còn cái “đẹp” của Trịnh Công Sơn lại là cái đẹp bảng lảng, sương khói của siêu thực, ấn tượng,

bởi vì ông có khả năng tạo nên độ bóng của ngôn từ.
Sự vật nào được Trịnh Công Sơn đụng đến cũng bớt thật đi, và được khoác lên một thứ ánh sáng mới, đủ sức bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng.

Khác với Nguyễn Du tạo nên nàng Kiều - một giai nhân toàn bích -
nhưng cái đẹp toàn bích không làm Trịnh Công Sơn rung động,
giữa cái toàn bích ông chấm một nét hỏng và chính nét hỏng đó làm say lòng người: Gió sẽ mừng vì tóc em bay/Cho mây hờn ngủ quên trên vai/Vai em gầy guộc nhỏ/Như cánh vạc về chốn xa xôi (Như cánh vạc bay).

Cụ Nguyễn Tiên Điền có lúc phải thốt lên một câu: “Yêu nhau lại hóa bằng mười phụ nhau”.
Trịnh Công Sơn thì sao? Chẳng sao cả!
Ông bình thản trước mọi tráo trở của cuộc đời. Ông tuyên bố: “Yêu em yêu thêm tình phụ/Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đây là lời chú mở lối thiên thai, là tình yêu cứu rỗi, chung cùng, vượt qua ranh giới thiện ác, vị kỷ của con người.

Cái đẹp và cái buồn của Trịnh Công Sơn, có cái gì đó khác người.
Như một nhà hiền triết phương Đông, ông nhận ra cái tất yếu của cô đơn, cái hào hoa của thất bại, cái quyến rũ của triền dốc, cái ma lực của chén đắng.
Do đó bóng dáng cổ tích không hề xuất hiện trong các ca khúc của Trịnh, tình yêu cũng siêu hình, nỗi đau cũng siêu hình, tức là ít nhiều và tình yêu trở thành ý niệm.

Hình như máu lửa quê hương và sự ám ảnh về cái chết đã làm cuộc hôn phối cho một thế giới vừa hư vừa thực trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Ông nhìn thấy cái “tan” ngay khi cái “hợp” đang thành tựu, cái biến dịch ngay trong cái khởi nguyên.
“Ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng” (Rồi như đá ngây ngô),
“Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng” (Như cánh vạc bay) hay “Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau” (Bay đi lặng thầm), “Trong Xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần như niềm tuyệt vọng)
, “Đã có nghìn trùng trên môi người tình/Đã dấu nụ tàn bên trong nụ hồng/Có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn/Có thoáng gập ghềnh trên con đường mòn” (Như một vết thương)..

. Dưới con mắt ông, thần chết không đáng sợ như ta tưởng, mà thần chết cũng có cái gì đó rất duyên (!).
Ông từng tâm sự: “Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết.
Sống làm thế nào cho tràn đầy sự có mặt và chết cho tràn ngập cõi hư không.
Phải đi đến tận cùng của hai cõi sống chết để làm tan biến những giấc mộng đời không thực”. Bởi mọi sự vật đều thường biến, biến thiên theo những chu kỳ nhất định,
không có cái gì trường cửu, kể cả tình yêu. Vì vậy nghe ông, chúng ta thường bắt gặp một cái nhìn đầy ưu tư về thân phận.

Có lẽ Trịnh Công Sơn là “ma” trong chốn riêng của mình. Chưa bao giờ ngôn ngữ mẹ đẻ lại có một bộ mặt liêu trai, lạ lẫm đến như vậy: “Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” (Diễm xưa),
“Vòng tay quen hơi băng giá” (Nghe những tàn phai), “Tay rong rêu muộn màng” (Ru ta ngậm ngùi), “Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc” (Em hãy ngủ đi), “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (Nắng thủy tinh)..

Hãy trở lại với cụ Nguyễn Du, và xem cụ Nguyễn tả cảnh.
Tôi xin trích ra đây hai câu thơ trong Kiều: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” - một vẻ đẹp toàn bích của hội họa tả thực.
Còn Trịnh Công Sơn: “Ôi áo xưa lồng lồng đã xô dạt trời chiều” (Tình nhớ), “Nghe tháng ngày chết trong thu vàng” (Nhìn những mùa Thu đi) thì lại là đỉnh cao của ấn tượng, siêu thực.

Nhóm tâm trạng của Nguyễn Du: “Từ nay góc bể chân trời/Nắng mưa thui thủi quê người một thân”.

Trọng âm nằm ở chữ “một” âm trắc, chữ “thân” âm bằng theo sau tạo thành âm hưởng buồn như một cái kết tối đen của sự cô quạnh.
Câu thơ đạt đến sự chuẩn mực của nền văn học cổ điển. Cũng là một thân, cũng là sự cô đơn vô tận của kiếp người trong cõi trần ai nhưng Trịnh Công Sơn lại dùng chữ “với” cực hay. “Đời như vô tận/Một mình tôi về/Một mình tôi về, với tôi” (Lặng lẽ nơi này).

Dưới đôi cánh thi ca thiên tài của mình, Trịnh Công Sơn một lần nữa đưa ngôn ngữ mẹ đẻ vỗ cánh bay lên.
Ông khái quát hóa sự vật thành biểu tượng, khi chúng ta nghĩ ngợi đến cùng đích cộng với sự thăng hoa tình cảm thì lại gặp ông.
Ngôn ngữ của ông có sức len lỏi vào tận cùng người nghe, đánh thức trong họ sự bừng tỉnh, cộng hưởng và run rẩy không thôi. Và ở một góc độ nào đó,
Trịnh Công Sơn không chỉ dừng lại ở nhà phù thủy của ngôn từ mà còn là nhà sáng tạo ngôn ngữ.

nguon: 24h










RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - Vũ Thiên Di - 09-04-2011

Bài hay lắm Lene rose


RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - Vũ Thiên Di - 11-04-2011



Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ *


Có lẽ chẳng còn bao lâu cho một thời mơ mộng buông trôi. Cuộc sống vẫn vô tình tất bật – đẩy ta đi, mấy ai có thể thả trôi hoài được bao giờ. Đôi khi ta bị đẩy trôi xa hơn nhiều so với ta tưởng… xa lắm… xa quá cho một thời… xa cho một không gian… xa cho một khoảng lặng ngày nào…

…và ta vẫn phải chấp nhận…

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ *


…có những khoảng lặng tưởng đã ngủ yên… có những phút giây ngỡ có thể quên… có… tưởng đã có thể dừng chân…

Lá không in dấu được mãi… rồi vẫn có những chồi biếc thay vào… Có lúc nào đó, ta chợt thấy xa lạ với cả chính ta…

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi *


…ghét quá ta ơi…


(*Bên đời hiu quạnh - Trịnh Công Sơn)





RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - 1t2u3a4n - 11-04-2011

Nhạc Trịnh nổi tiếng đã lâu, đến mức không ai nhầm lẫn ngớ ngẩn từ này có nghĩa là nhạc ông Trịnh Cung hay ông Trịnh nào khác ngoài Trịnh Công Sơn.

Đóng góp của nhạc Trịnh, cảm nhận về nhạc Trịnh đã có quá nhiều, mà tôi cũng không hứng thú viết. Nhân đi qua đây thấy topic này, chỉ xin kể lai rai đôi dòng những kỷ niệm về nhạc Trịnh với bản thân.

Tôi nghe nhạc Trịnh từ năm cấp 1. Nhớ đâu như hồi đó người ta còn cấm nghe, thế nên tiếng chỉ vặn nhỏ đủ từ ngoài sân có thể nghe vọng trong nhà ra. Thịnh hành nhất khi ấy có lẽ là "Lambada", một giai điệu vui tươi, trẻ trung và sôi nổi.

Tôi nghe, thời điểm đó là "Khánh Ly - Sơn ca 7", không phải bởi hiểu hay thích bất cứ cái gì có trong nhạc Trịnh mà sau này tôi cảm nhận được. Giờ nhớ lại, tôi nghĩ ấn tượng với tôi nhất có lẽ là lời giới thiệu của băng nhạc và một đoạn do Khánh Ly đọc, hình như trước bài "Ướt mi": "Anh yêu dấu, nói cho em nghe, sông sẽ trôi ra biển, đời người sẽ về đâu...".

Sau này, mãi tận khi lên ĐH, tôi mới lại nghe nhạc Trịnh, nhưng cũng không nhiều lắm. Thi thoảng cà phê, hoặc đến nhà/phòng của vài đứa bạn chơi và vô tình nghe được. Tuy nhiên, lúc này tôi đã bắt đầu cảm thấy rất yêu thích những bài hát này. Tôi thường hát đi hát lại những bài như "Rừng xưa đã khép", "Tình sầu"... với tất cả sự lãng mạn và ngây thơ của tuổi trẻ. Riêng bài "Ướt mi", nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Ấy là lần đi chơi với bạn gái, đó là năm có Bin Cờ lin tơn sang thăm VN. Bạn gái tôi đã đứng cả lên sau xe đạp mà vỗ tay, mà hoan hô chào đón lão già ấy. Và trong tôi, nỗi ghen tức dâng lên cuồn cuộn. Sau đó, tôi chở nàng và mồm cứ tua đi tua lại bài "Ướt mi" như không mệt mỏi, như một thông điệp buồn. ^^

Năm 2003, tôi đi thực tập ở KonTum. Đây chính là một trong những giai đoạn tôi nghe nhạc Trịnh nhiều nhất. Đến nỗi quán "Bố già" - một quán cà phê kiêm cả tiệm làm đầu nằm trong hẻm ở đưởng Bà Triệu - hễ thấy tôi vào là đổi nhạc. Thời kỳ chơi và nhìn nhiều hơn làm, vì vậy tôi thường ra, gọi một ly đen và nhâm nhi cả hai thứ, đôi khi thấy "lòng chợt bình yên mà ...không buồn mấy". ^^ Có nhiều bài tôi mới nghe đã thấy thích như "Có những con đường" hay "Chiếc lá thu phai..." và lẩm nhẩm hát theo (nhưng không hề biết tên bài hát ^^).

Đến 2007, tôi lộn lại Hà Nội. Đây là thời kỳ nghe nhiều và đầy đủ nhất nhạc Trịnh. Lúc đó tôi mới biết đến những bài như "Hát trên những xác người", "Đại bác ru đêm" hay "Gia tài của mẹ"... (hoặc giả trước đây có nghe nhưng không chú ý chăng?) Mấy anh em ngồi nhâm nhi một vài ly rượu, khề khà tán loạn những chuyện từ rau muống tăng giá đến vì sao Liên Xô tan rã. Trong khi ấy, thật không hợp người hợp cảnh, Những ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam... vẫn vang lên đều đặn.

Giai đoạn này cũng làm tôi biết đến một số quán thường mở nhạc Trịnh, sang hơn, còn chơi nhạc Trịnh và có thể lên đăng ký hát vào những ngày nhất định trong tuần. Đó là Trịnh Ca, Trịnh Quán, rồi Cuối Ngõ... Bảo đi thì tôi có thể dẫn đến, nhưng chỉ đường tôi lại chả biết nó nằm ở nơi chốn nào. ^^

Gần đây ít nghe nhạc. Có thể lúc chat chit với 1 người bạn bèn nghe chung, hoặc đôi khi hứng lên bèn mở một vài bài buồn buồn của Trịnh nghe cho... vui, không còn nghe được cả album như trước. Không phải do niềm yêu thích giảm đi, mà có lẽ do... tuổi tác đem lại. rolling on the floor

(Cọp pẹt, giờ toàn chơi đồ cổlaughing)


RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - chopmat - 12-04-2011

... Nghe cái câu "tay em gầy guộc nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh" tuy nó ko siêu thực bằng nhưng nghe nó vẫn phê hơn nhiều so với cái câu "Xoè bàn tay đếm ngón tay, một anh béo trông thật đến hay" nhỉ.

Với cái câu "Bàn tay năm ngón em ru ngàn năm" vẫn ảo hơn là câu "Bốn với một là năm, năm ngón tay sạch đều"...

Cũng là cóp pẹt laughing


RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - lanhdien - 13-04-2011

Đọc cái này của Tuấn Khanh cũng khá đặc biệt:

Trịnh Công Sơn - Ngợi ca và khỏa lấp

Ào ạt như những cơn sóng thần và động đất, người Việt Nam cũng vừa tiếp nhận một khối lượng khổng lồ đến ngộp thở về sự sùng kính và ngợi ca nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của ông, 1 tháng 4.

Mọi thứ về người nhạc sĩ hiền lành và thơ mộng này đang trở thành một kho vàng cho những khai thác mang lại sự kiện và lợi nhuận, nhân danh lòng thương mến hay đức phục vụ công chúng, bất chấp bản tính khi còn sinh thời của ông là một người thích tế nhị và kín đáo. Và chắc chỉ không riêng năm nay, mà nhiều năm nữa, những chi tiết, những điều riêng tư của ông sẽ còn được phơi bày đến tận cùng.

Người ta nhìn thấy nó như một điều không cưỡng lại được, dài hơi và thu hút, từ những con người tự xưng mình là rành rẽ cho đến nghiên cứu, từ những tờ báo có tiếng chuẩn mực cho đến những bản tin tầm phào. Dĩ nhiên, có thể không loại trừ với sự thoả hiệp của ai đó trong số những người thân của ông Trịnh Công Sơn.

Cuộc đào bới đó, chưa thấy có chặng dừng, dù tiếng dao kéo và búa chày đã cùn mòn và hỗn mang.

Nhưng ngay cả trong cái vẻ của sự diễn đạt lần hồi cạn kiệt đó, trải qua nhiều năm tháng, những người yêu và biết về một Trịnh Công Sơn có thật, vẫn không hiểu sao người ta đang cố bỏ quên những phần rất quan trọng về cuộc đời người nhạc sĩ này.

Người ta không nói rõ đến giá trị lớn nhất của Trịnh Công Sơn, rực rỡ và xứng đáng nhất vẫn là tập Ca khúc Da Vàng, nói về cuộc chiến 30 năm như là một cuộc nội chiến anh em, không có kẻ chiến thắng mà chỉ có thân phận con người trĩu đau. Chính vì điều này, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông gặp nhiều khó khăn, và sau năm 1975, ông cũng phải đi học tập cải tạo – không rõ trong bao lâu.

Người ta cũng không nói về chuyện ước ao đến khi nhắm mắt của Trịnh Công Sơn về việc xin được tái bản bộ Ca Khúc Da Vàng nhưng thất bại, từ thời của ông bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn kéo dài đến bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Lời hứa sẽ xem xét và duyệt chính thức cho phép vẫn treo lơ lửng ở đó. Quan điểm hát về nỗi đau của một dân tộc mà không chọn lựa mình đứng về một phía nào đã là viên sỏi khó chịu trong chiếc giày tư tưởng của nhiều quan chức Việt Nam cho đến hôm nay.

Người ta không nói về Trịnh Công Sơn với những sự mòn mỏi và thậm chí vô nghĩa qua nhiều bài hát để ca ngợi thủy điện Trị An, ca ngợi Saigon 20 năm sau ngày thống nhất... v.v. Một giai đoạn mà nhiều bài bình luận đã tạm gọi đó phần đời “sáng tác để tồn tại” của người nhạc sĩ lừng danh này. Dường ai như mọi người cố tình né tránh việc nhìn thấy rõ rằng những năm tháng sáng tác thiếu sự tự do tuyệt đối và tính trung dung thế sự của ông, đã khiến hiện tại lúc ông còn sống thiếu sự rực sáng hơn những gì trong quá sứ son trẻ của đời ông, thậm chí vào lúc cuộc sống mong manh giữa lằn đạn.

Những cuộc lắp ghép tên tuổi của Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, rồi có thể đến Joan Baez... sẽ chẳng có giá trị gì nếu phần lịch sử Ca Khúc Da Vàng – vốn gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc – không được nói rõ, làm rõ và nhìn nhận minh bạch với tư duy tử tế nhất.

Phần quá khứ gằn liền với quê hương đầy bom đạn và thân phận của một kẻ sĩ chọn lựa cuộc đời là lẽ sống tự do, trung dung, nếu không được nói đến, ai sẽ hiểu cho ông rằng ông mãi mãi là kẻ cô đơn của bất kỳ hệ thống chính trị nào, dù là trong hay ngoài nước của người Việt. Chắc chắn, nỗi cô đơn đó đáng kính trọng và chia sẻ hơn là những câu chuyện tình được phanh phui mỗi ngày trên báo chí.

Cuộc đời của Trịnh Công Sơn toả sáng khi hát về bi kịch của một dân tộc, và nếu trân trọng một giá trị, có lẽ cần nên trả lại và nói đủ về ông một cách hoàn chỉnh. Hơn là cứ mãi nhảy múa và ngợi ca giả dối chung quanh sự thật. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản là một người viết tình ca thâm thuý, những cơn sóng thần ngợi ca như hiện nay lại là một điều lố lăng.

Không ai có thể phủ nhận Trịnh Công Sơn là một người tài năng. Nhưng chỉ có tài năng mà thôi, thì đặt tên một con đường cho riêng Trịnh Công Sơn sẽ bất thường, nếu như không có những con đường Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang hay Phạm Duy.

Và đột nhiên, thiếu sự thật, người ta dễ nhìn thấy những ầm ĩ chung quanh đời Trịnh Công Sơn khiến ông được yêu mến, chỉ là son phấn. Và thậm chí kéo theo một lớp người luôn tung hô và nghe nhạc như là một phong trào muốn chứng tỏ mình là sành điệu và trí thức. Vào mỗi dịp tưởng nhớ về ông, người ta nhìn thấy đúng là có những tấm lòng, nhưng cũng có vô số những tiếng leng keng rao bán sự rỗng tuếch của mình như kiểu tung hê nhạc Trịnh là thiền ca, triết ca… khoả lấp đi những gì thật sự đẹp nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn.

Nghệ sĩ Việt Nam, có vô số những cuộc đời như vậy, gắn liền với chìm nổi của dân tộc, và nếu chỉ nói được một phần, hoặc ồn ào khoả lấp, là giả dối và phi nhân.



Tuấn Khanh




RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - TieuChieu - 14-04-2011

Mới vừa coi chương trình buổi trưa trên HTV, có nói về ông nhạc sĩ thiên tài (hình như chữ thiên tai... huyền này bị lạm dụng quá mức) Trịnh Công Sơn nên mình cũng ráng lắng tai hóng hớt. Cuối bài cô PTV bảo: nhạc sĩ để lại cho đời hơn 600 tác phẩm, trong đó có nhiều bản tình ca buồn và nhiều bài hát đã được "phổ nhạc ra nhiều thứ tiếng nước ngòai", hehe.


RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - chopmat - 14-04-2011

Cái bác Tuấn Khanh phát biểu vớ vẩn quá Bash

1 quãng nhạc có 8 nốt, nếu có nốt thứ 9 thì người thổi được nó phải là TCS cool



RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - MrTee - 04-12-2011

Bữa nào các bác có dịp ra Huế em dẩn đi xem nhóm em offline đêm nhạc Trịnh nhé love struck


RE: Trịnh Công Sơn: Nhiều năm không hết lạ - lanhdien - 04-12-2011

Vô Sg đi ta dắt đi thăm mộ TCSlaughing