Thi Ẩm Lâu
Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam (/thread-389.html)

Pages: 1 2 3


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011

Giỏi ứng xử thoát cửa tử




Một ngày kia, Trạng Trình được Vua triệu vào để giao cho chức Hình bộ tả thị lang.

Thì ra Trạng đã được Vua tin dùng trong việc thi hành đường lối khoan hậu trong hình ngục.

Vua tỏ ra hết sức phẫn nộ đối với lề thói hà khắc của giới hình quan từ thời Uy Mục đến giờ.

Sự tín nhiệm của Vua đã đem lại cho Trạng Trình những nỗi vui ít buồn nhiều, bởi tất cả dường đã trở thành cái nếp khó di dời hoặc lay chuyển. Phân xử, bắt bớ, tra khảo để hạch sách tiền của, chẳng phép nước luật Vua gì cả.

Điều đáng nói là chính bọn hữu ty và cả viên Thượng thư bộ hình luôn tỏ ra nghi ngại hoặc không tán thành, hoặc né tránh. Họ quan tâm đến cái ghế của họ hơn là quyền lợi của người dân, vô hình trung Trạng đã trở thành người đối đầu với họ.

Chẳng bao lâu, Trạng lại được thăng chức Lại bộ tả thị lang, kiêm Đông các đại học sĩ, được tham gia giảng sách ở toà Kinh Diên cùng dạy học cho Thái tử.

Thái tử Mạc Phúc Hải tuy còn trẻ tuổi nhưng rất thông minh và biết nghe lẽ phải, nhưng bản chất có phần mềm yếu, thiếu quyết đoán, ưa phỉnh nịnh.

Lợi dụng điều ấy, bọn quan lại sâu dân mọt nước đã đưa Thái tử vào quỹ đạo của chúng và họ xem Trạng như là chướng ngại vật cần phải dọn sạch, việc đầu tiên là chúng tìm cách ly gián, gièm pha Thái tử và thầy mình.

Đúng dịp, hôm ấy Trạng phụ trách buổi giảng sách, đề giảng chỉ là một câu trong sách Luận ngữ:

Vị quân nan, vị thần bất dị
(Làm Vua khó, làm tôi không dễ)

Bài giảng liên quan đến đường lối làm Vua của Thái tử, vì vậy đã khêu gợi sự chú ý của bọn nịnh thần, chúng chuẩn bị cả một kế hoạch để Trạng tự chuốc tai vạ cho mình.

Trạng đã đoán trước nên vẫn đặt cho mình ở một tư thế sẵn sàng, điềm tĩnh và tự tin.

Quả nhiên, theo kế hoạch của chúng, Thái tử khơi mào:

- Thế nào là "làm tôi không dễ"?

Trạng Trình từ tốn:

- Tâu điện hạ, nếu chỉ biết nhắm mắt phục tùng để hưởng lợi về mình, dùng mưu mô xiểm nịnh để đưa Vua vào con đường lỗi đạo và muôn dân phải gánh phần tai họa thì không khó.

Còn như nếu hết lòng vì nước mà hiến mưu cao, chước lạ, đem lời trung chính mà can ngăn Vua thì không những nghĩa vụ của mình sẽ được làm tròn mà còn phúc lây đến trăm họ.

Được như thế dễ có mấy người. Làm tôi như vậy thật không dễ.

Những cặp mắt hằn thù đều hướng cả vào Trạng. Thái tử lại đặt tiếp vấn đề:

- Thế còn "làm Vua khó"?

Trạng chậm rãi:

- Tâu điện hạ, thật đúng như thế.

Thái tử ra chiều khó chịu:

- Hoàng tổ ta, hoàng khảo ta đã dầy công xây dựng, biến nguy thành an, đổi loạn làm trị, để lại cho ta một cơ đồ vững chãi như thế này, há phải làm Vua cũng khó ư?

Một nỗi căm phẫn trào lên trong lòng Trạng.
Đây đúng là luận điệu của bọn nịnh thần vừa mới mớm lời cho Thái tử.

Song Trạng đã kịp thời trấn tĩnh, bởi vì, lúc này chỉ cần một cử chỉ, một lời nói vụng về, một hành động thiếu cân nhắc thì ông sẽ rơi vào bẫy của bọn tiểu nhân nham hiểm ngay.

Nghĩ thế nên Trạng nói thật ôn tồn.

- Tâu điện hạ, đúng như lời điện hạ phán.
Ngày nay ân trạch của triều đình đã thấm nhuần đến mọi hang cùng xóm vắng, khiến nơi nơi yên ấm.
Hiện tại chính là lúc ngồi hưởng phúc. Tuy nhiên kẻ ngu thần này vẫn thường nghĩ đến như Nghiêu, Thuấn xưa mà vẫn nơm nớp lo sợ trong nước còn một người dân đói khổ, bị oan khuất.

- Nhà ngươi có vì ta mà hiến kế không?

- Tâu điện hạ, tiếng nhân đức của điện hạ ai ai trên đất nước này mà không biết, kẻ hèn này đâu dám tâu xằng.
Nhân buổi giảng sách hôm nay, thần chỉ dám mạo muội dâng lên điện hạ một câu: "Như bão xích tử, lâm thành cầu chi, tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử nhi hậu giá giả dã".
Hạ thần chỉ mong điện hạ yêu dân như con, như thế thì lẽ nào không hiểu được lòng dân mà đề ra liệu pháp trị nước, cần gì đến kẻ này.

Vậy là nhờ tài ứng xử, biện bác,
Trạng đã thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc, lại còn khiến Thái tử đã chịu nghĩ lại nhiều sau buổi giảng này.

Chẳng những thế, Trạng và một số giảng quan khác còn được Thái tử lưu lại ban trà.



nguồn: www.vanhoaphuongdong.com


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 20-03-2011

Con ngựa Nê Thông của Hoàng đế Trần Duệ Tông


Nê Thông là con ngựa của Hoàng đế Duệ Tông cưởi khi tiến công Thành Đồ Bàn của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga cách đây hơn sáu thế kỷ
là một con tuấn mã kỳ vĩ cực kỳ hiếm có kể cho đến bây giờ chưa chắc một nhà nghiên cứu mã học được nhìn thấy một con thứ hai



Tháng 12, năm Bính Thìn ( 1376 ) vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư.... Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.

Trước đây, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hoá Châu.

Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng vua. Tử Bình im đi, cướp là của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh.

Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ, quan quân đến cửa biển Di Luân (thuộc Quảng Bình), các quân vượt biển mà tiến.

Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, tập luyện một tháng.

Năm Đinh Tỵ (1377) mùa xuân tháng giêng, ngày 23 đại quân tiến cửa Thị Nại (cảng Quy Nhơn, Bình Định) rồi đóng quân ở động Ỷ Mang.

Chế Bồng Nga dựng trại bên ngoài thành Đồ Bàn

Ngày 24 vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông , sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kịp truyền lệnh tiến quân.

Đại tướng Đỗ Lễ can

Vua nói :

-“Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta.
Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau.
Cổ nhân cũng có nói : “Dùng binh qúy ở thần tốc”. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp.....”

...

“ Quân lính người ngựa bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá.
Tiền quân và hậu quân hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ quan quân tan vỡ, vua bị hãm trong trận mà chết.
Bọn đại tướng như Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, Phạm Huyền Linh đều chết cả.
Giặc bắt sống đuợc Ngự Câu vương....
.Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không đến cứu nên thoát chết.
Lê Quý Ly dốc quân chở lương, nghe tin vua băng, bỏ trốn về nước.’’



Có lẽ linh hồn của Hòang đế Trần Duệ Tông và con chiến mã Nê thông vẫn còn phảng phất ngậm ngùi trên giáo trường đó , vì sao vậy ?



RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 20-04-2011



Bí ẩn kho báu họ Mạc ở Hà Tiên


Ở Hà Tiên, Kiên Giang, nhắc đến Mạc Cửu người ta vẫn nhớ đến một bài sấm ký về kho báu dòng họ Mạc. Những lời bí ẩn này - nhất là đoạn cuối gợi cho người ta tưởng tượng ra một kho báu đầy vàng ngọc.

Khoảng giữa cuối thế kỷ XVII, đầu XVIII, bên Trung Quốc triều Thanh lật đổ triều Minh. Những di thần nhà Minh không chịu thần phục, tổ chức "Phản Thanh phục Minh" dưới nhiều hình thức, trong đó có Mạc Cửu.

Bài sấm ký về kho báu

Theo lý giải của Đông Hồ - Mộng Tuyết về bài sấm truyền trên thì vận số họ Mạc tuy chỉ huy hoàng trong 72 năm, không là vương là bá, nhưng thực tế không thua gì một vương quốc độc lập. Câu: "Bờ tre xanh xanh/Hái lá nấu canh/Canh ăn hết canh/Vị cay thanh thanh". Ứng vào điềm bờ tre bọc quanh núi Bình San bị phá hủy. "Hết canh" tức hết năm Canh Tuất (1910). Vị cay tức là tân, nghĩa là tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911) khu lăng mộ họ Mạc sẽ bị phá hủy. Câu: "Trời tây ngả bóng chênh chênh/Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng" ứng với việc mở được cửa mộ thì đã chiều, phải soi mới tìm được chiếc trâm vàng cẩn ngọc. Trời tây cũng ứng vào việc người Tây khai quật, hành động không chính đáng.





Khai quật

Tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911), lấy cớ là để mở mang thị trấn Hà Tiên, viên chủ tỉnh người Pháp đã cho đoàn tù khổ sai phá đất đá ở núi Bình San và lẽ dĩ nhiên là hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc cũng thuộc diện bị khai quật. Những người hiểu chuyện biết rõ rằng đằng sau việc di dời này là âm mưu truy tìm kho báu mà rất có thể dòng họ đứng đầu "tiểu vương quốc" Hà Tiên đã cất giấu trong các hầm mộ, theo lời một bài thơ được xem như tấm bản đồ chỉ dẫn lối vào kho báu, vốn chỉ lưu truyền trong dòng họ Mạc.


Việc khai quật được tiến hành đầu tiên với ngôi mộ chính thất phu nhân họ Nguyễn của Mạc Thiên Tích. Ngôi mộ rất lớn, tấm bia đề "Hoàng Việt hiếu túc thái phu nhân Mạc phủ Nguyễn tỷ chi oanh - Nhâm thân trọng xuân cốc đán". Đoàn tù khổ sai đục đến chiều tối ngày thứ 10 mới phá được chỗ bệ thờ trước mộ bia. Lễ bốc mộ có sự chứng kiến của chính quyền và con cháu họ Mạc.

Ông Mạc Tử Khâm, cháu 7 đời của Mạc Cửu, cầm nến soi vào áo quan nhặt từng mảnh xương xếp vào quách đưa về đền thờ họ Mạc chờ làm lễ cải táng. Nhiều lời đồn đại xung quanh cuộc khai quật này. Nghe nói ông Mạc Tử Khâm được chủ tỉnh Hà Tiên chia cho một cái trâm vàng có gắn ngọc quý. Về sau ông Khâm túng quẫn đem bán chiếc nhẫn này cho một người Pháp tên là Chapuis đang cai quản ngọn hải đăng ở Mũi Nai. Từ đó gia đình Chapuis gặp nhiều điều không may...

Sự thật về kho báu dòng họ Mạc không biết thế nào, nhưng sau khi khai quật mộ của Mạc phu nhân thì hơn 40 ngôi mộ họ Mạc còn lại được giữ nguyên, không bị di dời nữa.

Ngày 7/9/2008, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập trấn Hà Tiên xưa và 10 năm thành lập thị xã Hà Tiên, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu - người có công khai phá và biến vùng đất hoang sơ nơi biên ải thành một biên trấn tráng lệ, một thành luỹ vững chắc, một đầu mối giao thương với các nước.

nguon:http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/bi-an-kho-bau-ho-mac-o-ha-tien-c46a363741.html





RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - kanguru - 08-06-2013

Giai thoại về Nguyễn Văn Giai (1554 - 1628)


Nguyễn Văn Giai người làng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng đỗ đại khoa và giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nước ta dưới thời Lê - Trịnh.
Trong hơn 40 năm làm quan ông nổi tiếng là người liêm chính, luôn giữ nguyên kỉ cương phép nước, khiến vua chúa và cả triều đình đều kính nể.

1. Phép nước giữ nghiêm minh


Một lần, có người con rể của chúa (quận mã) ra trận thấy giặc đã bỏ chạy. Theo luật pháp đương thời thì phải khép vào tội chết. Ông phụ trách việc xét xử và định tội viên quân mã đúng luật. Chúa gợi ý cho ông giảm án. Nhưng ông đã viện lí rằng, đối với kẻ trên phải xử nghiêm minh để làm gương cho kẻ dưới, có thế mới giữ vững được cơ đồ nên chúa cũng không dám quyết.
Quận chúa - vợ quận mã bèn đem vàng bạc đến nhờ bà vợ ba của ông Giai nói giúp, vì bà này rất được ông yêu quý. Song bà Ba đã từ chối và phân trần với quận chúa:
- Tướng công là người thanh liêm, xưa nay vốn rất ghét của đút lót. Vả lại, đây là việc hệ trọng trong triều, tôi đâu dám can dự.
Nhưng quận chúa cứ nằn nì mãi, khiến bà Ba động lòng, nghĩ bụng cũng là đàn bà với nhau cả, không nỡ để quận chúa chịu cảnh góa bụa, bèn nói:
- Thế thì sáng mai, sau khi tướng công vào triều, quận chúa hãy cho mang đến đây một mâm xôi nếp cái, một con lợn nhỏ luộc chín, một con dao sắc và các thứ gia vị, rồi tôi nói giúp.
(Chuyện kể, từ thuở thiếu thời ông vốn rất thích ăn món xôi với thịt thủ lợn luộc chấm với mắm).
Quận chúa mừng rỡ, về sắm sanh đúng như lời dặn.
Sáng hôm sau, bà Ba lập cách nấu chậm bữa sáng, nên ông Giai đành phải nhịn, lên xe vào triều cho kịp buổi chầu. Đến trưa, tan chầu về nhà, bụng đang đói, lại thấy mâm xôi, thịt hợp khẩu vị bày sẵn trên bàn, ông Giai tưởng người nhà cất phần cho mình, bèn ngồi chén một mạch ngon lành.
Xong bữa, ông hỏi sao lại có nhiều xôi, thịt như vậy. Bấy giờ bà Ba mới thú thật là của quận chúa. Ông giận lắm, tự trách mình có lỗi chỉ vì một miếng ăn mà không giữ đúng phép nước. Ông thầm nghĩ hay viên quận mã số chưa hết cũng nên, bèn sai đánh xe vào hầu chúa, xin tha chết cho kẻ phạm tội. Chúa mừng lắm và chuẩn y ngay.
Từ đó trở đi, ông Nguyễn Văn Giai luôn tự vấn lương tâm và quyết từ bỏ hẳn cái sở thích ăn xôi với món thịt lợn luộc chấm mắm. Hễ ngồi vào mâm mà thấy món nào lạ, là ông hỏi cặn kẽ rồi mới ăn.
Nguyễn Văn Giai lấy nhiều vợ và sinh được gần chục đứa con. Trong số đó, có người con thứ ba là Hùng Lĩnh Hầu ỷ thế làm nhiều điều xằng bậy, gây nhiều tai họa, oan khuất cho bà con anh em. Khi nghe tin, ông đã cấp tốc từ Thăng Long về quê và cho lập phiên tòa xét xử.

Truyền thuyết dân gian kể rằng:
Thấy tội trạng của đứa con đã rành rành, chiếu luật phải lĩnh án tử, ông liền tán thành, lại cho dân sở tại mở hội vui hát ba ngày, để chứng tỏ bản án là công bằng, đúng đắn và luật pháp triều đình không vì con quan đại thần ngự sử mà nương nhẹ. Khi tâu lên, vua chúa biết tính ông không thể can ngăn, nên phải chuẩn y bản án.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - kanguru - 08-06-2013

2. Có chí lập thân từ bé


Theo địa chí huyện Thiên Lộc, từ bé Nguyễn Văn Giai rất hứng thú việc học tập và bộc lộ khá rõ một tư chất thông minh.
Lên 5 tuổi ông đã biết chữ, 9 tuổi biết làm văn, từng có bài phú: Con trâu trên nghiên mực.
Dòng họ ông các đời trước đều thuộc loại khá giả, nhiều người đỗ đạt đại khoa. Nhưng đến đời cụ thân sinh ông Giai là Nguyễn Văn Củng, thì chỉ là khoá sinh và gia thế lâm vào cảnh nghèo túng. Vì vậy, ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Văn Giai đã phải tự lao động cày ruộng, bắt cá, làm thuê để giúp đỡ gia đình và kiếm tiền ăn học. Ông có sức vóc hơn người, ăn rất khoẻ và làm lụng thì ít người bì kịp.
Giai thoại cho biết Nguyễn Văn Giai có thân hình đẹp, to cao, tiếng nói như chuông đồng, tính tình rất ngay thẳng, hay bênh vực kẻ yếu, đả kích lũ cường hào, nên bị bọn chức sắc ghét bỏ, đuổi khỏi làng. Ông ra Thanh Hóa, đến vùng Đan Nê, huyện Yên Định làm thuê, trọ trong gia đình họ Lê ở gần núi. Năm ấy vào dịp tháng 3, làng tổ chức lễ cúng thần Đồng Cổ, là vị thần Trống Đồng rất linh thiêng, có công giúp vua Hùng Vương và các vua thời Lý - Trần đánh thắng kẻ xâm lược.
Hôm đó, xảy ra việc một số mâm cỗ bị mất. Người làng dò xét thấy trong nhà Nguyễn Văn Giai trọ có mâm xôi gà đang ăn dở. Hỏi thì chủ nhà bảo không biết. Lúc đó thần Đồng Cổ hiện vào ông hương trưởng và phán bảo mọi người rằng:
- Ông khách trọ là bạn của ta từ xa tới, phải tiếp đãi cho tử tế, ngày sau ông ấy sẽ giúp đỡ cho !
Người làng nghe theo lời thần, bèn rước ông về ở nơi tử tế, hậu đãi cơm ăn áo mặc. Nhờ thế, ông Giai có điều kiện để học. Tối tối, tiếng ông đọc sách vang cả sang bên kia sông Mã.
Ông có đức tính hễ chịu ơn ai thì đều tìm mọi cách đền trả hết sức chu đáo. Vì vậy sau này khi đỗ đạt ra làm quan, ông đã tâu vua xin trùng tu đền Đồng Cổ và tự tay soạn tấm văn bia dựng ở đền, đến nay vẫn còn.
Một lần, trên đường đi làm về, trời nóng nực, Nguyễn Văn Giai bèn cởi bỏ quần áo để trên bờ, lội xuống ao làng nọ tắm Nào ngờ, áo quần bị kẻ trộm cuỗm mất, nêm tắm xong ông cứ ngâm mình dưới nước, chưa biết tính kế sao.
Vừa lúc có cô gái ra giặt, nhưng thấy người lạ đứng dưới ao, cô phải quay về. Chờ một lúc cô gia lại ra, song vẫn chưa thấy ông lên. Cô gái biết chuyện, bèn trở về nhà lấy mấy thước vải đem đến bỏ trên bờ ao. Ông Giai hiểu ý, thầm cảm ơn cô gái, rồi dùng vải quấn làm khố ra về.
Sau khi thi đỗ, tuy đã có vợ do gia đình sắp đặt từ trước, nhưng ông Giai không quên ơn cũ, đã tìm đến nhà cô gái năm xưa, xin cưới nàng về làm vợ mong được sống chung để đền đáp. Vừa lúc, có một người bạn đồng khoa cũng đến dạm hỏi nàng. Ông Giai phải kể lại chuyện tắm ao của mình cho mọi người nghe và nói rõ nguyện vọng thiết tha của mình để mong mọi người thông cảm.
Gia đình cô gái và cả người bạn không biết tính sao cho phải lẽ. Họ đành hỏi ý kiến cô gái và cô đã đồng tình về với ông Giai làm vợ thứ. Đó chính là bà Ba, người vợ được ông Giai đem lòng quý mến hơn cả.
Chuyện còn kể rằng, hồi đi khắp nơi kiếm sống, một lần Nguyễn Văn Giai gặp người làng nọ đang xúm xít đào giếng. ông dừng lại xem, rồi buột miệng chê:
- Làm như các ông thì bao giờ mới xong!
Mấy người đào giếng đã thấm mệt, ngước mắt nhìn rồi xẵng giọng bảo:
- Có giỏi thì xuống đào thử xem.
Ông Giai cười, nói:
- Cứ cho tôi ăn tất phần cơm của các ông thì tôi sẽ đào xong.
Người làng nghe chàng trai lạ mặt trả lời ngồ ngộ không tin, song cũng lấy mấy chục phần cơm sắp vào ba nong và thách:
- Nếu ăn hết sẽ không phải đào giếng nữa. Còn nói láp thì bị đánh đòn. Người làng này không thích đùa đâu nhé !
Ông Giai chẳng nói chẳng rằng đến bên nong cơm ngồi chén tì tì, một lát đã hết nhẵn mấy chục xuất. Sau khi tư ừng ực một bầu nước, ông bảo người làng:
- Các ông về làm gì thì làm, còn để mình tôi đào cho khỏi vướng! Ông làm hùng hục bằng mấy chục người, đến chiều thì vừa xong giếng. Dân làng kinh ngạc, cho rằng ống là sao Tất giáng sinh (ngôi sao chỉ sức khỏe). nên lấy làm kính sợ, khẩn khoản mời ông về làng thết đãi, hậu tạ. Nhờ thế, ông có thêm tiền gạo để theo đuổi học hành.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - kanguru - 08-06-2013

3 . Chúa vị nể, dân kính trọng


Nguyễn Văn Giai rời quê, đi nhiều nơi, ra tận Thăng Long vừa kiếm sống, vừa tìm thầy để học.
Năm 18 đuổi, ông thi đỗ Hương cống. Nhưng bấy giờ, miền đất phía ngoài nhà Mạc chiếm. Cũng như một số Nho sĩ thời đó, ông Giai không muốn ra làm quan phục vụ triều Mạc, cho rằng họ Mạc là kẻ thoán đoạt ngôi của vua Lê.
Quan niệm trên đã hình thành ở ông Giai từ nhỏ.
Chuyện kể ngay hồi còn ở nhà, Nguyễn Văn Giai đã tỏ thái độ bất bình đối với những kẻ phò Mạc.
Bấy giờ ở cùng làng có ông Phan Đình Tá, đỗ Hoàng giáp năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm tới chức Thượng thư dưới triều Mạc. Ông Tá là người đã mang sắc phong cho Mạc Đăng Dung và thảo tờ chiếu của vua Lê nhường ngôi cho họ Mạc. Trong nhà thờ họ Phan có bức đại tự đề: ''Lưỡng triều Tể tướng'' (ý muốn chỉ ông Tá cả hai triều Lê, Mạc đều làm Tể tướng).
Nguyễn Văn Giai phản ứng, bèn đề lên cánh diều của mình bốn chữ: ''Thiên cổ tội nhân" (nghĩa là ''người có tội nghìn đời'') để lên án việc ông Tá phò Mạc.
Bởi thế, sau khi trúng khoa thi Hương ở Sơn Nam, Nguyễn Văn Giai không chịu dự thi Hội do triều Mạc tổ chức. Mãi đến năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 3 (1580), ông mới dự khoa thi Hội do triều Lê - Trịnh mở ở Thanh Hóa và đã đỗ Hoàng giáp. Sau khi chiếm đại khoa, Nguyễn Văn Giai được bổ vào viện Hàn lâm, rồi vào Ngự sử đài, giữ chức Đô ngự sử. Bấy giờ thế nhà Mạc đang rất mạnh. Chúa Trịnh Tùng cầm quân đánh mấy trận đều thất bại, binh sĩ nao núng.

Tương truyền, một đêm chúa nằm mơ thấy mình vẽ mặt trời không đựơc, bỗng có vị thần đến mách: muốn vẽ được phải tìm Nguyễn Công và đọc cho nghe một bài thơ, câu cuối có chữ "Thiên Lộc chỉ huy". Tỉnh dậy, chúa sực nhớ đến Nguyễn Văn Giai, người Thiên Lộc, bèn cho vời ông đến cùng dự bàn việc quân.
Năm 1592, trong trận Đường Nang (Quảng Xương, Thanh Hóa), ông ngồi chung voi với chúa Trịnh Tùng. Quản tượng bị quân Mạc giết chết, ông liền thay chân quản tượng thúc voi tiến đánh, khiến quân Mạc đại bại.
Trong hai năm 1596-1597, sứ nhà Minh bên Trung Quốc tìm cớ cho rằng họ Trịnh giả danh phù Lê, nên đến tận biên giới nước ta hoạnh họe, sách nhiễu. Nguyễn Văn Giai được cử lên Lạng Sơn giao dịch với sứ Minh. Có lần đoàn sứ bị kẻ làm phản tập kích. Mấy viên tướng hộ vệ, có quân lính trong tay, mà kẻ phải bỏ chạy, kẻ thì bị giết. Riêng ông Giai tay không, nhưng nhờ vào mưu kế khôn khéo, biết dựa vào vách núi làm nơi che chắn, nên thoát nạn.

Làm việc nơi công đường, ông Giai luôn giữ đúng mẫu mực, kỉ cương, xét xử các vụ kiện không chút thiên vị, nể nang, việc triều chính nhất nhất tuân theo phép nước.
Song, trong cuộc sống đời thường, ông lại rất bình dị, chan hòa, người dân dễ gần gũi, trò chuyện. Thời ở Kinh, ông giữ chức quan đầu triều, có ngựa xe đưa đón. Song nhiều khi ông thích đi bộ để rẽ vào các chợ, thôn xóm... xem dân tình làm ăn, sinh sống ra sao.
Một lần từ triều về, đi qua chợ Cửa Đông ở Kinh, ông thấy người dân bán con cá thời ngư lớn, là loại cá nước ngọt, thịt trắng và thơm ngon. Ông dừng lại hỏi chuyện, rồi buột miệng khen cá ngon. Khi về đến nhà, đã thấy người đem cá đến đứng ở cổng. Nhưng cá đã được cắt ra từng khúc. Ông đùa, bảo đen chắp lại cho xem, thì thấy thiếu mất khúc đuôi. Hỏi ra nới biết khúc cá đó đã được bán cho bếp nhà chúa. Sự việc trên chứng tỏ người dân rất quý mến và gần gũi với ông.

Thời kỳ ông giữ chức Hiến sát sứ Thanh Hoá, nhân dân nơi đây còn truyền nhau câu chuyện kiện cáo giữa hai thôn Thọ Giáp và Ngũ Giáp về việc tranh chấp ruộng đất. Đơn kiện đến tay ông. Ông đã về tận nơi tìm hiểu, biết rõ hư thực, đúng sai, bèn cầm bút phê vào đơn hai câu thơ:
Ngũ Giáp căn bản chi nguyên
Thọ Giáp kí sinh chi mộc
(Nghĩa là: ruộng đất của Ngũ Giáp vẫn giữ nguyên như xưa, còn Thọ Giáp mới đến ngụ cư thì vẫn nhờ vào ruộng đất của Ngũ Giáp như trước, như cây kí sinh vậy).

Tác phong khoáng đạt, dân dã của Nguyễn Văn Giai đã được phản ánh ở một số bài thơ có tính chất trào phúng, dân gian, mà người đời cho rằng ông là tác giả. Chẳng hạn, bài thơ ''Nói khoác'' sau đây tương truyền là do ông sáng tác:

Ta con ông Trạng, cháu ông Nghè
Nói khoác trên trời, dưới đất nghe
Sức khỏe Hạng Vương cho nửa đấm
Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe
Vượt ngay ra bể neo thuyền lại
Tốc thẳng lên non bắt cọp về
Mai mốt đem quân vô phủ Chúa
Ra tay diệt Mạc để phù Lê

Nguyễn Văn Giai rất được vua Lê và chúa Trịnh trọng vọng.
Năm 1617, ông giữ chức Thiếu phó, là bậc đại thần hàng thứ hai trong triều. Năm 1623, ông nhận mệnh vua mang sách vàng phong cho chúa Trịnh Tráng làm Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương.
Sau đó, ông được phong Thái phó, phẩm trật xếp bậc thứ nhất của triều đình. Ông trải qua ba đời vua là Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông và bốn đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Giang và Trịnh Kiều Tuy đường công danh của Nguyễn Văn Giai đã tột bậc, dài lâu, song lại nằm trong giai đoạn ba họ Mạc, Lê, Trịnh tranh giành ngôi báu, gây nên các cuộc nội chiến, khiến đất nước rơi vào cơn binh lửa, nhân dân vô tội chịu bao đau khổ, chết chọc. Vì thế ông luôn mang trong lòng nỗi day dứt, buồn chán, thể hiện rất rõ trong bài thơ tứ trào do ông sáng tác vào năm 70 tuổi như sau:

Ba vua bốn chúa bảy thằng con
Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn
Công nghiệp không thành sinh cũng hổ
Quan tài sẵn đó chết thì chôn
Giang hồ lang miếu trời đôi ngả
Bị gậy cân đai đất một hòn
Cũng muốn sống thêm mươi tuổi nữa
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn

Ngày nay, ở đền Đồng Cổ còn giữ được tâm bia có bút tích của ông Giai. Văn bia do ông soạn từ trước, nhưng bia được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 4 (1656), 28 năm sau khi ông qua đời. Văn bia gồm khoảng 1300 chữ, trong đó có bài minh 56 câu, mô tả vị trí, cảnh quan, sự tích vị thần và việc trùng tu đền Đồng Cổ. Cảnh trí vùng đất này thuở đó được ông Giai ghi lại như sau:

... Sông Mã đông quanh lượn
Ngòi Thung bắc chảy về
Người bốn phương qua lại
Vui rầm rập bước đi
Khách trăm nhà buôn bán
Bao xe ngựa chẹn chân
Núi chầu quanh sau trước
Đò qua lại đêm ngày.
Đủ non xanh nước biếc
Phong cảnh đẹp xinh thay!...
(Bùi Xuân Vỹ dịch)

Trên vách ngọn núi đá ở Đan Nê còn thấy văn bia do dân làng sở tại khắc năm 1899, có câu ghi nhận công đức của ông Nguyễn Văn Giai và vùng này vẫn còn truyền tụng mấy câu ca biết ơn ông:

Công đức chùa này của cụ Giai
Nhân dân Nam Bắc đến Đông Đoài
Đâu đâu cũng được nhờ ơn Phật
Tế độ muôn người chẳng sót ai

Trong sách Thiên Lộc huyện chí, tác giả Lưu Công Đạo, đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu, đời Gia Long thứ 12 (l813), đã đánh giá về Nguyễn Văn Giai như sau:

''Trải đời làm quan, ông đã lần lượt thờ ba triều vua... Ngồi chiếu Tể phụ suốt 29 năm, nắm giữ quyền sáu Bộ trong 12 năm, là một triều thần giữ chức vụ cao nhất mà chúa thượng không vì thế có sự nghi ngờ... Con cái ông đều thành đạt, quý hiển, thê thiếp được thụ phong, ông cha được ấm phong... Một đời vinh hiển tột bậc mà thiên hạ vẫn cho như vậy không có gì là quá đáng. Ông có những người con nuôi như Thái phó Tào quận công, Thượng thư Hải thọ hầu... nhưng đương thời không cho đó là kết bè, kết đảng. Ông giết đứa con thứ ba là Hùng Lĩnh hầu, nhưng người đời không cho đó là kiêu mãn. Tuy là bậc hiển quý, nhưng trong các buổi chầu, khi tâu bầy việc gì, ông không hề quên giọng nói gốc gác của làng quê, mà triều đình không vì thế mà cho đó là cử chỉ thô chướng khó coi... ý chừng trung để thờ trên, thuận để giữ mình, không xao xuyến đức tính trung thuận là xuất phát từ lòng tin ở đạo có phải vậy chăng? Nếu không như vậy sao lại thủy chung trọn vẹn, vinh thịnh đời đời tiếp nối, con cháu được hưởng thọ phúc dài lâu...''