Thi Ẩm Lâu
Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam (/thread-389.html)

Pages: 1 2 3


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 14-03-2011


Nhưng đã đến lúc kho sách của thầy của bạn không đủ đáp ứng nhu cầu của cậu bé. Lấy đâu ra tiền để mua sách? Mạc Đĩnh chi loay hoay mãi mà chưa nghĩ ra. Mạc Đĩnh Chi đi kiếm củi thêm. Và, dù chẳng được bao nhiêu tiền nhưng là cách duy nhất để cậu bé có tiền mua sách. Từ đó, hàng ngày Mạc Đĩnh Chi vừa đi kiếm củi vừa học. Mạc Đĩnh Chi có gầy đi và đen thêm nhưng kiến thức ngày càng được mở mang.


Chỉ còn hai năm nữa mới tới kỳ thi Đình. Tự thấy mình không đủ dạy Mạc Đĩnh Chi, thầy đồ Lũng Động đã khuyên Đĩnh Chi theo học một người bạn mình vốn đã đỗ tam khôi đang ngồi dạy học ở vùng bên. Hôm chia tay, vì thương nhà Mạc Đĩnh Chi nghèo, thầy đồ đưa cho Mạc Đĩnh Chi ít tiền và ân cần căn dặn:


- Thời này sau ba lần đuổi giặc, đức vua biết nới sức dân, chú tâm tuyển chọn nhân tài mở mang nền thịnh trị thái bình cho dân nước. Vì vậy, con có cơ đồ đạt được công danh trên đường khoa bảng. Con là người có chí, có tài lại có đức, nhưng vì thuộc dòng cùng dân nên cái tài cái đức của con phải hơn người gấp bội mới mong được trọng dụng.

Mạc Đĩnh Chi rưng rưng nước mắt:


- Thầy đã xua tan cho con một lớp mây mù. Tạ ơn thầy chỉ giáo. Con tin theo lời thầy để cố công học tập. Ngừng lại một lát để nén xúc động, Mạc Đĩnh Chi tiếp, dáng ngần ngại thầy còn đông các em, con không dám nhận số tiền này. Lúc nào con cần sẽ xin thầy sau.


Thầy đồ thoáng buồn đỡ lấy bọc tiền Mạc Đĩnh chi đang cung kính trao lại. Đã từng dạy Mạc Đĩnh Chi bao nhiêu năm thầy đồ hiểu cậu bé khảng khái và cương nghị này không dễ bắt ép làm một việc gì mà cậu ta không cho là phải. Dầu vậy, thầy đồ vẫn có ý không bằng lòng.


Nhưng ngay sau đó thầy đồ lại tự cắt nghĩa. Có lẽ nó thường bị người đời khinh rẻ do phận nghèo, nên mới khí khái quá đáng như thế. Và, cho đến lúc Mạc Đĩnh Chi ôm bọc hành lý đã đi xa, thầy đồ vẫn đứng nhìn theo mãi. Phải xa cậu học trò yêu, thầy đồ vừa vui vừa buồn. Vui vì thầy đồ thấy mình làm được một việc có nghĩa. Chắc rằng gặp được thầy dạy giỏi, sức học Mạc Đĩnh Chi sẽ mau chóng tấn tới. Từng dạy học lâu năm, nhiều người đã thành đạt, nhưng thầy đồ chưa thấy trò nào thông minh, có trí nhớ kỳ lạ, ứng đối nhanh nhẹn, nhất là có nghị lực như Mạc Đĩnh Chi. Thầy đồ buồn vì phải xa người trò vừa giỏi vừa ngoan. Đặc biệt điều làm thầy đồ băn khoăn là liệu Mạc Đĩnh Chi có đủ tiền gạo theo học đến đầu đến cuối không? Mặc dầu vậy, linh tính như báo trước: Một cậu bé có nghị lực phi thường đã từng chịu cảnh nghèo, khổ công học trong bao năm thì nay cũng sẽ vượt được tất cả.


Tin Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên được lan truyền rất nhanh ở kinh đô. Ngay sau lễ truyền lô, nhân dân kinh đô Thăng Long xôn xao bàn tán về tài học có một không hai của vị tân trạng nguyên vốn là con nhà tiều phu xuất thân. Rồi họ nô nức kéo nhau đi xem mặt trạng. Nhưng cũng giữa khi ấy, trong triều đình lại xảy ra một việc trái thường. Lúc Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt vua Trần Anh Tông trước khi đi giễu qua các phố thì thấy tướng mạo Mạc Đĩnh Chi quá xấu, vua chẳng nói chẳng rằng cho Mạc Đĩnh Chi lui và bắt hoãn các nghi lễ đón rước trạng. Vua cho vời quan chủ sự cuộc thi vào hỏi:


- Khanh đã xem xét kỹ lưỡng bài văn của các sĩ nhân chưa? Trẫm ngỡ rằng có sự nhầm lẫn nào chăng?


- Muôn tâu vương thượng! Thần và các quan chủ khảo cũng vì sợ sự nhầm lẫn đó mà đã xem đi xem lại nhiều lần. Thực tài Mạc Đĩnh Chi hơn nhiều người lắm.

- Trẫm phải xem lại lần nữa văn bài của Mạc Đĩnh Chi và mấy sĩ nhân được chấm đỗ cao.


Lập tức một xếp bài thi được đem đến. Vua Anh Tông chăm chú đọc lại các bài thi. Hồi lâu vua nói với quan chủ sự:


- Quả thật lý lẽ của Mạc Đĩnh Chi hàm súc, thanh thoát không sĩ nhân nào sánh được. Trẫm khá khen thay. Chẳng hay tính hạnh của Mạc Đĩnh Chi ra sao?


- Thật không ngờ con người sớm phải chịu cảnh mồ côi cha. Việc ăn học của Mạc Đĩnh Chi chỉ do một tay người mẹ hèn, làm nghề đốn củi chăn lo.


- Sao, con nhà tiều phu à? Vua ngắt lời viên quan, không giấu được vẻ sửng sốt thất vọng.


- Nhưng viên quan tiếp thần xin lấy đầu đảm bảo Mạc Đĩnh Chi là người cương trực, liêm khiết biết kính trên nhường dưới. Về mặt ứng đối lại càng sắc sảo. Con người ấy nếu biết dùng sẽ là người có tài kinh bang tế thế đời này.


Vua Anh Tông cau mày suy nghĩ rồi nói, giọng không vui: - Trẫm thật lấy làm tiếc, một người có tài nhường ấy mà lại là hạng cùng dân. Đã thế tướng mạo lại xấu xí. Trẫm thật tình không muốn cho đỗ.



Đêm ấy Mạc Đĩnh Chi thao thức không ngủ được. Hóa ra không phải bọn nhà giàu khinh rẻ kẻ nghèo mà chính vua cũng chê kẻ nghèo. Mới chỉ có mấy ngày sống ở kinh đô, bước đầu tiếp xúc với các văn võ bá quan, Mạc Đĩnh Chi đã học được bao điều không có trong sách vở. Trong thâm cung của sự thật bao giờ cũng chứa bao điều cay đắng Mạc Đĩnh Chi buồn rầu, nhận ra điều ấy. Lẽ nào leo cau đã đến buồng, cau đã cắt được rồi, mà bỗng dưng, chỉ vì phận nghèo, kết quả rồi lại xôi hỏng bỏng không! Ta lại phải rời kinh đô, trở về làng cũ, dùi dập bao năm dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử. Hơn thế nữa, vùi dập cả bao mơ ước muốn đem những điều đã học để phụng sự cho đời hay sao?


Mạc Đĩnh Chi suýt bật khóc khi nghĩ tới mẹ già từng chịu bao cay đắng, tủi nhục vì con và đang đỏ mắt trông chờ tin con. Từ đáy lòng Mạc Đĩnh Chi thấy dôi nên tình cảm yêu ghét xen lẫn lòng oán giận đối với triều đình vua Trần. Nhưng chẳng lẽ ta lại cam chịu số phận ấy một cách dễ dàng đến thế? Chẳng lẽ vua Anh Tông lại thiển cận đến mức ấy sao? Sau gần trọn đêm mất ngủ, một ý định chợt nảy ra: ít nhất cũng phải để cho vua thấy ta tuy nghèo nhưng là người có phẩm giá thanh cao, có chí thờ vua giúp nước như bao người quyền quý khác.


Ý nghĩ ấy khiến Mạc Đĩnh Chi thấy tỉnh táo, minh mẫn hẳn lên. Ta phải viết một bài phú dâng vua nói được ý mình! Mạc Đĩnh Chi vùng dậy đốt nến, lấy nghiên bút thực hiện ý định. Mạc Đĩnh Chi viết bài phú rất nhanh. Viết nhanh, diễn đạt ý nghĩ của mình khúc chiết, sắc sảo, đó là chỗ mạnh của Mạc Đĩnh Chi; huống hồ ý tứ bài phú tuy mới dội lên hồi đêm, nhưng là những điều đã chất chứa, tích lũy qua bao nhiêu sách vở, qua bao nhiêu vị cay đắng, mặn chát cả cuộc đời. Vì vậy, không đầy một trống canh, bài phú dâng vua đã thảo xong.


Mạc Đĩnh Chi buông bút, ngả người lên thành nghế đọc lại bài phú và hài lòng vì thấy đã gói gọn được ý mình. "Ngọc tỉnh liên" (hoa sen trong giống ngọc), đầu đề bài phú cũng thật hợp với hàm ý toàn bài. Nói được ý mình, Mạc Đĩnh Chi như thấy trút được những ấm ức trong lòng. Mạc Đĩnh Chi phấn chấn đọc lại những đoạn mà mình thích thú nhất.


- Chẳng phải như đào trần, lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.

Cầu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào bì.

Giậu Đào lệnh, cúc sao quý được; vườn Linh Quân, lan sá kể gì.


Chợt Mạc Đĩnh Chi cảm thấy bài phú còn chỗ nào chưa thật như ý. Mạc Đĩnh Chi vội đọc lại lần nữa rồi căng óc suy nghĩ. Phải rồi, nếu chỉ làm rõ được phẩm giá thanh cao của mình thì thật chưa hoàn hảo. Phải thêm, chính ta là người có chí tiến thủ, muốn được như người xưa, đem tài năng đức độ cáng đáng những trọng trách gây đời thịnh trị cho dân nước. Và, ta có thể làm được những việc ấy chứ không phải bên trong trống rỗng. Chẳng qua số phận ta gặp nhiều trắc trở, không được thi thố hết sức mình.

Nhưng dầu số ta có hẩm hiu như thế chăng nữa, những điều ta đọc được, học được để phụng sự cho đời cũng không dễ gì mai một. Rồi một lúc nào đấy, ta sẽ được mặc sức mà đem tài năng nối chí người trước, cứu cho khắp, giúp cho cùng muôn họ. Cần thêm những ý dù phải chép lại cả bài phú Mạc Đĩnh Chi tự nhủ và cầm bút ghi vội những ý nóng hổi:


- Không là bên trong trống rỗng không có gì. Than cho số phận thuyền quyên phần gặp nhiều trắc trở. Nếu cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng, thì mưa gió có hại gì."

Bài phú được dân lên vua. Vua Trần Anh Tông xem xong lại càng sửng sốt trước tài năng của Mạc Đĩnh Chi. Vua nói với văn thần:


- Trẫm chưa đọc bài phú nào hay đến thế. Không câu nào, chữ nào thoát ra khỏi khuôn phép của đầu đề. Phải là người có học vấn uyên thâm, có khí phách cao cường mới viết được bài phú như vậy. Một người như thế lẽ nào ta không cho đỗ trạng.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 14-03-2011

Thời thơ ấu của một thi tài



Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, trước tên là Hiệu, tự là Trọng Uyên, hiệu là Thương Sơn, biệt hiệu là Bạch Hào Tử. Con thứ 10 của Thánh tổ Nhân Hoàng Ðế do bà Thục Tân họ Nguyễn Khắc sinh ra.
Lúc mới sinh, mày bên hữu có một cái lông dài trắng, mình có 4 vú, lưng có nốt ruồi đỏ tía; trên ngực bên tả có cái vết vuông một tấc, hình như cái ấn nhỏ, trên lốt vết ấy mọc lông. Thế tổ Cao Hoàng đế nghe tin lấy làm mừng cho 10 lạng vàng.

Khi còn thơ ấu, Vương nhiều bệnh tật, lại hay khóc. Thục Tần ngày đêm hết sức chăm nom. Chưa đầy một năm, khóc quá nhiều, hai mắt mờ đi và chảy máu. Thục Tần lo ngại, cứu chữa nhiều không khỏi. Chợt có một vị đạo sỹ tên là Vẵn trông thấy bảo rằng: Ðấy là sao Thái Bạch Kim tinh giáng thế, làm lễ tiền thì khỏi. Quả nhiên, đúng như lời nói.

Năm Minh Mạng thứ III, mới 4 tuổi đã bắt đầu học chữ, sách học là Hiếu kinh, rất thông minh đĩnh ngộ. Năm 7 tuổi, đến học Dưỡng Chính đường, không thích chơi đùa, chỉ biết chăm chú vào sách. Vương có trí nhớ tuyệt hảo, gấp sách đọc có khi nhớ đến trăm trang giấy. Một hôm vào hầu Thục Tần, thấy trên án có chiếc quạt viết bài thơ thể ngũ ngôn đường luật, trong đó có mấy chữ chưa hiểu nghĩa, bèn cố xin cho được cái quạt ấy. Hôm sau đến hỏi viên giảng tập rằng: Ðấy là thơ gì? Viên giảng tập đem sở kiến của mình để trả lời. Nhân đấy mới hỏi nghĩa toàn bài thơ ấy, lại xin dạy cho luật phép làm thơ Ðường luật. Từ đấy, Vương làm bài nào cũng hợp phép thơ.

Năm thứ 8, mùa xuân Tế Giao, Công theo đi, có làm bài thơ tế Nam Giao, bấy giờ Công mới 9 tuổi. Năm thứ 16, theo Vua lên núi Ngự Bình, Vua sai làm bài thơ, có nhiều câu hay, Vua khen ngợi, phong làm Tùng Quốc Công, cho mở phủ ra phường Liêm Năng, bên cạnh phường ấy tiếp giáp với Tĩnh Phố, tức là phủ của Tuy Lý Vương. Ông cùng Vương ngày ngày vui thưởng xướng hoạ. Ðến khi Hiến Tổ Chương Hoàng Ðế nối ngôi, năm thứ II, Vua đi tuần ra miền Bắc, Công theo hầu, có tập thơ Bắc hành. Sau, hoặc lên núi Nam Sơn đi săn bắn, hoặc lên núi Thuý Vân xem chơi đều có thơ cả.

Vương chăm chú học tập các sách kinh sử, không sách gì không
thông hiểu. Lại có tính mê sơn thuỷ, hằng ngày cùng danh sỹ giao lưu, kiến văn càng rộng, làm thành nhiều tập thơ bắt đầu từ đây.

Hai câu thơ:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thị đáo Tùng Tuy thất thịnh Ðường

đánh giá cao tài năng của một thi nhân xứ Huế mà lúc còn nhỏ đã bộc lộ sở trường cùng năng khiếu của mình


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm



Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), huý là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, người làng Trình Tuyền (Trung An), huyện Lĩnh Lại, tỉnh Hải Dương xưa, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò của bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Vì tình hình đất nước lúc bấy giờ không ổn định, nên mãi đến năm Giáp Ngọ, khi đã bốn mươi ba tuổi ông mới đi thi hương và đỗ ngay giải nguyên.

Sau đó đỗ hội nguyên rồi đỗ trạng nguyên năm thi Ất Mùi, niên hiệu Đại chính thứ sáu (1535), đời Mạc Thái Tông.

Ông làm quan Đông các hiệu thư, Lại bộ Tả Thị Lang, kiêm Đông các đại học, tước Trình Tuyên hầu. Làm quan cho nhà Mạc được tám năm, thấy gian thần hoành hành, ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám tên lộng thần. Vua không nghe, ông liền trả áo mũ, xin về quê, dựng am dạy học. Học trò ông có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ...

Trong khi ở ẩn, Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc.

Lúc mất, ông được Vua Mạc truy phong tước Trình Quốc công, do đó mà có tên gọi là Trạng Trình. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), tròn 94 tuổi.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011


Người đàn bà nuôi chí lớn



Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra từ một cuộc hôn nhân không bình thường, và phần chủ động thuộc về mẹ ông, Nhữ Thị Thục, người đất Tiên Minh, làng An Tử hạ. Ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Văn Lan, một người thông minh khác thường từ tấm bé,

khi lớn lên đã làm rạng rỡ dòng họ và quê hương với bảng vàng tiến sĩ, khoa thi năm Quí mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời Lê Thánh Tông, được nhà Vua tin dùng, phong chức Thượng thư bộ Hộ.

Theo người ta kể lại thì bà Nhữ Thị Thục là bậc nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ.

Điều khó hiểu là suốt thời kỳ con gái, theo cha, với những cuộc giao thiệp hết sức rộng rãi mà địa vị người cha cho phép, bà vẫn hoàn toàn thờ ơ với tất cả, từ ông trạng, ông nghè, ông tổng.

Có lẽ trong quan niệm riêng của bà thì tất cả những tài năng của những con người ấy chỉ đủ để thi đỗ làm quan, phục tùng vua. Tuổi trẻ bà trôi qua với những cuộc giao du sơn thuỷ.


Thế rồi chỉ một lần gặp gỡ với ông đồ nhà quê tên Nguyễn Văn Định bà đã tự nguyện gá nghĩa. Bà Thục rất tinh thông thuật số, bà đến với ông Định chỉ vì nhận thấy ở ông có tướng sinh quý tử.

Từ nhỏ, bà đã nuôi chí lớn: chồng bà phải là Vua, hoặc sinh con ra làm Vua.

Bà cũng đoán trước, ngay từ thời nhà Lê còn cực thịnh, bước đường suy vong của triều Lê chẳng còn bao xa.

Nhưng rồi thực tế dường như đã không đáp ứng được mong muốn của bà, "quý tử" của bà sau này danh vọng lắm chỉ đỗ trạng nguyên là cùng.

Vì vậy, giữa hai vợ chồng thường xảy ra xích mích.



Lần nọ, bà Nhữ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà trông con. Ông buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và nói:

- Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!

Tưởng con không biết gì, chẳng ngờ Văn Đạt (tên lúc nhỏ của Bỉnh Khiêm) nói:

- Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung.

Khi bà Thục về, Văn Định khoe chuyện ấy bảo là con trai họ thông minh. Không dè, bà Thục nói:

- Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong thành Vua, thành Chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì.

Lần khác, biết vợ thường soạn những câu ca để dạy con và ghi lại trong sách, khi vợ đi vắng. Văn Định lấy sách của vợ tìm một câu để dạy con, thấy câu:

"Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng"

Văn Định hoảng sợ, cho là ý kiến phản nghịch, có thể bị tội chém đầu, bèn chữa chữ "tựa" thành "vịn".

Bà Thục về đến, biết chuyện này bực lắm.

- Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm tôi, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.


Vì nhiều quan niệm bất đồng, bà Thục đã bỏ nhà ra đi, không bao giờ trở lại với chồng và con, cho cả đến khi nhắm mắt cũng vậy.






Tương truyền khi còn sống với Văn Định, có lần bà Thục ra Đồ Sơn, gặp một người dân chài, oai vệ, cao to, sắc sảo, vừa thi trúng võ cử, sắp đi làm lính túc vệ, bà giật mình than rằng:

Người này mới thật là người mà ta mong ước

- Tiếc thay khi đó bà đã là gái có chồng.


Người ấy, sau này cướp ngôi nhà Lê, lên làm Vua, mở đầu cho triều Mạc (1527), Mạc Đăng Dung.



Có truyền thuyết cho rằng, sau khi bỏ đi, bà Thục đã bước thêm bước nữa, ít lâu sau sinh hạ ông Phùng Khắc Khoan.

Về sau Phùng Khắc Khoan theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông coi như em ruột.
Như vậy, tuy bà Thục có hai người con đều đỗ đạt và đều nổi tiếng, nhưng dù sao thì bà cũng không đạt được cái chí lớn lao của mình.



RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011

Số chỉ làm Trạng



Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ thường. Đầy thôi nôi đã biết nói, lên bốn được mẹ dạy cho học thuộc lòng các bài chính nghĩa của kinh, truyện cùng với mười bài thơ Nôm.

Tương truyền một hôm, bà Thục đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê ngoại thăm gia đình, dọc đường gặp một thầy tướng số Trung Hoa.

Thấy Bỉnh Khiêm có tướng mạo lạ thường, ông bèn nói:

- Đứa trẻ này về sau có thể làm tới ngôi vương.

Nhưng rồi sau khi xem kỹ lại, ông than:

- Da khô quá, thật là đáng tiếc! Cùng lắm chỉ là trạng nguyên mà thôi.

Tuy thất vọng, nhưng bà Thục vẫn không thôi nuôi chí lớn.
Bà hi vọng "nhân định thắng thiên", bà mong rằng với âm trạch của tiền nhân, quyết sau này con bà phải ở ngôi thiên tử, để lại tiếng thơm cho muôn thế hệ mai sau.

Nhưng rồi thực tế đã không đáp ứng được mong mỏi của bà.

Đứa con mà bà xem là "quý tử" ấy đã không theo kịp mẫu người lý tưởng mà bà hằng tìm kiếm.
Bà xem như cuộc đời mình đã bỏ đi. Và đường công danh của Nguyễn Bình Khiêm sau này như thầy tướng số Trung Hoa dự đoán: Số ông chỉ làm trạng nguyên.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011

Thái Ất Thần Kinh



Thấy con học giỏi hơn người, cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định cho con theo học quan Bảng nhãn Lương Đức Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.

Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi lại nổi tiếng về văn thơ.

Một hôm, cụ Lương Đức Bằng ốm, biết rằng mình không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp nhỏ, đặt ở đầu giường, rồi bảo:

- Con hãy mang tráp đến đây, rồi mở ra lấy một bộ sách mà ta đã gói kỹ vào để sẵn trong ấy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời, làm theo ý thầy. Cụ Bằng lại bảo tiếp:

- Thầy cho con quyển sách này, vì thầy nghĩ chỉ có con mới có thể hiểu nổi, nhưng con phải hứa với thầy là phải giữ gìn sách cẩn thận.

Quyển sách này liên quan đến một việc khá li kỳ, thầy sẽ kể con nghe. Lần trước, khi thầy đi sứ qua Tàu, lúc trở về nước, có một cụ khách già trao cho thầy quyển sách.
Thầy tưởng cho thầy nhưng sau đó, cụ ấy lại nói: "Ta không cho ngươi, ta chỉ nhờ người đem về giao lại cho một người An Nam".
Thầy rất ngạc nhiên khi không nghe cụ già ấy nói đến tên họ người mà cụ muốn gửi gắm.
Cụ già liền xua tay: "Không cần. Chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần".
Nói xong, ông cụ ấy bỏ đi mất, chừng đó, thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân.
Nay, thầy giao quyển sách này lại cho con, ấy là con có phần.



Nghe lời thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sách về nhà, mở ra đọc.
Cảm thấy không lĩnh hội được gì mấy, ông bèn mang sách cất đi, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, đọc xong rồi lại cất, cứ như thế mãi.

Cho tới một hôm, có một người khách đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông giở ra xem thì thấy ngụ ý của bài thơ có phần liên hệ với những câu trong bộ sách của thầy Bằng trao, mà ông đã cất công sức đọc nhiều lần nhưng không sao thông được.

Bộ sách ấy chính là bộ Thái Ất Thần Kinh mà thầy Bằng để lại cho người học trò cừ khôi của mình.

Nhờ quyển sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông số học, tinh thông mọi sự đời, đoán được thế cuộc, nổi tiếng văn hay.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011

Lấy tử vi cho cái quạt



Vào một ngày mùa hạ, bà trạng đi chợ mua về cho cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm một cây quạt giấy.

Trạng tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi.

Trạng đoán ra cái ngày chết. Việc làm ấy, trạng bí mật không cho ai hay. Trạng lại nghĩ:

- Nếu để dùng lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, như vậy "cái ngày chết" của nó ắt sẽ xảy ra và xảy ra rất bình thường.

Nếu đúng như nó có số thật, không ai có thể ngăn cản được, thì sao ta chẳng mang cất nó đi, để xem tới ngày ấy, nó có chết thật hay không?

Nghĩ thế, nên trạng Trình niêm phong ngay cây quạt rồi treo nó lên chỗ kín đáo nhất.
Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên.
Hôm đó, suốt từ sáng tới chiều, trạng Trình cứ ở nhà, quanh quẩn ở nơi để quạt, xem nó chết ra sao.
Thỉnh thoảng trạng lại ngắm nghía và lấy tay phủi những hạt bụi bám xung quanh.

Vừa lúc ấy, có khách đến mời trạng sang ăn giỗ, ông từ chối không đi, cho rằng trạng giận việc gì nên đánh tiếng nhờ bà trạng.

Từ sáng, thấy cử chỉ kỳ dị của chồng, bà trạng đã chướng mắt lắm rồi, nên khi được khách cậy nhờ, bà liền đốc thúc trạng:

- Ông ở nhà làm gì, người ta nghĩ tình nên sang mời, mà ông nỡ từ chối. Tôi mua quạt về cho ông dùng, chớ đâu phải để ông mang cất đi, rồi cứ ra vào mà phủi bụi cho nó như đầy tớ thế.

Vừa nói, bà trạng vừa giật lấy cây quạt xé nát tan ra từng mảnh vụn. Thấy vậy, trạng cười nói:

- Ra là thế. Cuối cùng thì ta đã biết được nó chết thế nào.

Rồi mặc cho bà trạng đứng ngẩn người ra không hiểu, trạng khăn áo chỉnh tề đi sang nhà người khách lúc sáng để ăn giỗ.


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011


Ngựa đá qua sông




Dòng sông Thái Bình hiền hoà, bình lặng, chiếc đò ngang nho nhỏ vẫn cần mẫn đi về, nối liền đôi bờ.

Bên này là đất Vĩnh Lại, nơi quê hương của trạng, một vùng đất hiếu học và trọng khoa cử. Nhưng học thì rất nhiều mà đỗ đạt thì lại ít, chẳng mấy ai làm nên những sự nghiệp lớn lao. Có thể xem vùng đất này:

"Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu"

(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)

Dân miền Vĩnh Lại ấm ức vô cùng, họ tìm đến hỏi trạng cho ra nhẽ, song trạng không trả lời gì khác hơn ngoài câu:

- Thiên cơ bất khả lậu!

Dân chúng thầm bất mãn, cho rằng trạng thâm hiểm, nhỏ mọn, biết mà không nói để bản thân riêng hưởng.

Nghe tin ấy, trạng rất phiền lòng nhưng rồi thông cảm cho sự nôn nóng, sốt ruột của dân làng, trạng lại bỏ qua.

Sau đó, trạng bèn làm một con ngựa, trạng còn cho thợ khắc hai câu thơ bằng chữ nho:

"Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu".

Tạm dịch như sau:

"Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng"

Ngựa vừa dựng lên, dân làng rủ nhau đến xem rất đông…

Kể từ đó, ngày lại ngày, họ cứ chờ đợi, mong ngóng, có người tin tưởng tương lai xán lạn không xa,

nhưng cũng có người lại cho rằng trạng nói thế chỉ để trấn an dân làng, chứ làm gì có chuyện ngựa đá biết đi, nói chi đến việc lội sang sông được mà hòng những chức như quận công, đô đốc.


Nhưng rồi người dân Vĩnh Lại đã thoả nguyện, ngày lại ngày, dòng sông cuộn chảy mang theo phù sa bên lở, bên bồi.

Con sống Vĩnh Lại lở thêm để bồi sang bên kia, đến cuối đời Hậu Lê thì con ngựa đá đã sang sông thật. người thì vui mừng, người thì hối tiếc vì đã trách nhầm trạng, song ai nấy đều hy vọng một cuộc đời hiển hách.


Uy tín trạng ngày càng cao hơn và đồn đi khắp nơi, đây đâu cũng rôm rả chuyện con ngựa đá ở bờ sông Vĩnh Lại.

Trai làng thì lên mặt, con gái các nơi đổ xô đến tìm nơi để làm dâu, mong sau ngày trở thành bà đô đốc hay bà quận công.


Giữa lúc ấy, trong Nam lại xảy ra cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn.
Tây Sơn thắng trận, rồi thừa thắng đem binh ra diệt luôn chúa Trịnh ở Bắc, trả quyền cho nhà Lê.
Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi của Trịnh lại trở về.

Vua Lê phải triệu Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp.
Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp tan đám con cháu của chúa Trịnh còn sót lại.
Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền, ra mặt chống với Tây Sơn, Nguyễn Huệ thấy vậy, sai Nhậm đánh Chỉnh.
Chỉnh đem vua Lê chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị Nhậm bắt, vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân mang theo ân tín mà chạy.

Tứớng Tây Sơn đuổi theo, nhà vua phải qua sông Vĩnh Lại và ở lại làng này.

Việc vua đến lưu trú, lại thêm chuyện "ngựa đá qua sông" dân làng cho rằng đây là ý trời để làng Vĩnh Lại được oai danh hiển hách, mới rước vua về đình rồi thảo hịch chiêu mộ quân sĩ để chống Tây Sơn, sẵn có ấn tín của vua, hết người này đến người khác bức vua phong tước.

Thế cùng, lực kiệt, nhà vua đành nghe theo, vậy là chỉ trong mấy ngày dân Vĩnh Lại đều thành quan này, quan nọ cả.

Phong tước xong, nhà vua từ giã để chạy sang làng khác.

Hay tin dân làng Vĩnh Lại phò Lê chống Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm đem quân vây đánh, dân làng chống cự không lại, lớp bị giết, lớp bị bắt thật thảm thương.

......


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011



Hoành sơn nhất đái



Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, con của một vị tướng triều Lê tên là NH Dụ trốn sang Lào, được vua Lào cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hoá.

Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông.

Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim thu nạp một kiện tướng ở tỉnh Thanh Hoá tên là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim.

Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Nhưng bỗng dưng Nguyễn Kim chết vì ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm.

Việt Nam lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều.
Từ Thanh Hoá trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam Triều.


Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và NH, cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người.

Trịnh Kiểm không khỏi lo sợ cả hai sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên đã ngấm ngầm ngăn trở, và vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ,

Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình.

NH thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng Trình.
Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và thốt lên một câu:

“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Tạm dịch nghĩa:

“Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”

Từ câu nói đó, NH nghiệm ra rằng trạng Trình đã bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp.
NH vội vàng đến nói riêng với bà chị, lựa lời cho ông vào trấn đất Thuận Hoá, phía Nam dãy Hoành Sơn.

Nhờ thế mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu dài.

Khi cơ đồ của nhà Nguyễn trở nên vững vàng, NH có cho người mang lễ vật đến tạ Trạng Trình, nhưng Trạng đã cương quyết khước từ.

....


RE: Những giai thoại đặc sắc của văn học Việt Nam - lenne - 15-03-2011



Lê tồn, Trịnh tại - Lê bại, Trịnh vong



Nhà Lê Trung Hưng dùng căn cứ ở Thanh Hoá tiến mạnh ra kinh đô.

Tuy nhiên các phe phái Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn vẫn hằm hè, đấu trí, đấu sức nhau, mưu sự thịnh vượng cho mình.

Nhiều danh sĩ lại phân vân, cân nhắc chẳng biết nên theo Lê, hay ở lại với Mạc. Trong số ấy có Phùng Khắc Khoan, mãi không chọn được hướng đi để tồn tại và phát huy hết khả năng của mình, Phùng Khắc Khoan đã tìm đến Am Bạch Vân để vấn kế Trạng Trình.

Chuyện kể rằng, khi nghe Phùng Khắc Khoan hỏi han đến sự thể,

Trạng Trình không hề bảo cho Phùng Khắc Khoan là nên định hướng thế nào, dù họ đã có cả buổi ngồi đàm đạo, ăn cơm, uống rượu.

Phùng Khắc Khoan không khỏi băn khoăn, trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt được, vừa lúc ấy Trạng Trình đến đập cửa và nói vọng vào:

- Gà đã gáy rồi, sao không dậy, còn ngủ gì nữa?

Ông Khoan giật mình thức giấc, ông ngầm hiểu ý của Trạng Trình là đã đến lúc phải vào Thanh Hoá với nhà Lê.
Phùng Khắc Khoan vội vàng bật dậy, sắp đặt hành lý rồi đến chào từ biệt Trạng Trình.

Trạng vẫn không nói gì, chờ tới lúc Phùng Khắc Khoan quay gót,
Trạng liền cuốn một chiếu ngắn ném theo.
Nghe tiếng chiếu rơi phịch cạnh chân mình, Phùng Khắc Khoan càng thêm hiểu ý của Trạng:
“Phải hành động nhanh như cuốn chiếu, chứ đừng chần chờ gì nữa”.

Quả nhiên vào Thanh Hoá, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng được trọng dụng và được Thái sư Trịnh Kiểm tin tưởng, việc gì quan trọng cũng hỏi ý kiến.

Khi Lê Trung Tông mất, Trịnh muốn nhân dịp này để nhà Trịnh thay hẳn nhà Lê, vì thực chất nhà vua chỉ là hư vị, mọi công lao trung hưng và quyền bính đều ở trong tay họ Trịnh cả.
Trịnh Kiểm hỏi ý, Phùng Khắc Khoan lúng túng không biết trả lời thế nào, liền bí mật phái sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình.

Người được cử đi về kể lại:

- Quan Trạng không bảo ban gì cả. Ngài cũng không có thư hồi đáp.

Phùng Khắc Khoan gặng tới:

- Thế ông được quan Trạng tiếp đãi ra sao? Và những câu quan Trạng nói ông còn nhớ kỹ không?

Người được cử đi lắc đầu:

- Dạ, ngài Trạng tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng ngoài những câu giao tế bình thường, ngài chẳng nói gì hết.
Chỉ trong lúc nhấp chén trà với tôi, quan Trạng có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu chuyện cả!

- Là câu gì thế? Phùng Khắc Khoan thắc mắc.

Người đàn ông đáp sau một thoáng ngẫm nghĩ:

- Quan ngài bảo: “Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”.

Phùng Khắc Khoan mừng rỡ bảo:

- Đó chính là lời Trạng nói với chúng ta đấy. Đâu, ông cố nhớ lại ngài Trạng còn nói gì thêm không?

- Dạ nếu thế thì có chuyện này. Vừa cạn tuần trà xong, ngài Trạng đứng lên, xin ra chùa thắp hương.
Tôi giữ lễ, xin phép đi theo, đến cửa chùa, nhà sư ra đón. Trạng bảo nhà sư: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.

Phùng Khắc Khoan gật đầu, rồi vội vàng đội khăn, mặc áo vào gặp Trịnh Kiểm, thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của Trạng Trình.

Kiểm hiểu ngay ý Trạng Trình dặn: Phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài.

Và sau đó, Kiểm cho tìm người cháu của ông Lê Trừ, là anh ruột vua Lê Thái Tổ, tên là Lê Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đem về phò lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.

Về sau, con cháu chúa Trịnh cũng đã nhiều lần muốn chiếm ngôi nhà Lê, nhưng cụ Trạng Trình đều khuyên khéo:

"Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong"

Tuy nhà Lê suy nhược, nhưng Lê còn thì Trịnh mới đứng vững được.

Lời sấm của Trạng Trình không sai, khi vua Lê Chiêu Thống để mất ngai vàng thì dòng Trịnh cũng chẳng còn ai xưng chúa nữa.


....