Thi Ẩm Lâu
"Dị hương" và "Kiếm sắc" - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Phiếm Luận Đường (https://thiamlau.com/forum/forum-14.html)
+--- Chủ đề: "Dị hương" và "Kiếm sắc" (/thread-336.html)



"Dị hương" và "Kiếm sắc" - hvn - 25-02-2011

Dạo trước tết, giới văn học xôn xao về sự kiện truyện ngắn "Dị hương" của Sương Nguyệt Minh được Hội Nhà văn trao giải thưởng văn học thường niên. Có ý kiến cho rằng "Dị hương" chỉ là "một bản nháp" truyện ngắn "Kiếm sắc" của Nguyễn Huy Thiệp viết hồi năm 1988. Phe tấn công có cả nhà thơ, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo.

Dưới đây tôi post lại cả 2 truyện trên và một bài phê bình của nhà văn Trần Đình Thu, huynh đệ tỷ muội nào rảnh xem chơi, ngứa tay thì comment cho vui, gọi là theo sát tình hình văn học nước nhà drooling

[Hình: thiep.jpg]

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


[Hình: vanhoc.jpg]

Bìa cuốn "Dị hương" và tác giả Sương Nguyệt Minh - Ảnh : thethaovanhoa.vn



[Hình: 201123225014237903.jpg]

Nhà báo Trần Đình Thu



"Dị hương" - Sương Nguyệt Minh - hvn - 25-02-2011

Dị Hương

Nhợt nhạt. Khô xác. Và thất sắc.

Nằm đườn đưỡn tựa hồ cái xác vô hồn. Dị hương sang trọng quý phái thanh tao biến mất. Yểu điệu dịu dàng chỉ còn trong hình cũ bóng xưa. Không còn là mỹ nhân thanh mai trúc mã thuở nào. Chẳng còn ngọc ngà sắc nước hương trời ngày trước. Cứ mỗi lần ân ái xong là Đức phi tam cung Ngọc Bình như con cá ươn nằm trên thớt. Hết sạch hứng thú, lòng lạnh nguội, Nguyễn Ánh chỉ muốn đạp Đức phi ra khỏi long sàng. Đã đôi lần Ánh tức giận và chán chường, muốn gọi thái giám đem nàng đang khỏa thân héo rũ giam vào lãnh cung. Cái gì đã làm cho nàng tàn tạ, ươn lạnh?

Cung tần qua đêm với Ánh, dù ngực hẳn đầy vết hồng đỏ của bàn tay thô ráp cầm kiếm, hai đùi nhiều vết răng bầm tím, sáng ra vẫn nhuận sắc, nuối tiếc trong niềm hân hoan, mắt sáng long lanh, mặt mày rạng rỡ. Mỹ nữ trong vòng tay vần vò của Ánh, dù khi chính ngọ hay lúc chiều tà, ái ân xong vẫn cười tình tứ, mắt ướt rượt, thịt da căng mẩy, no nê, thỏa mãn. Còn Đức phi tam cung, Ánh chiều chuộng nâng niu, vuốt ve, mơn trớn, đam mê cuồng nhiệt. Vậy mà nàng vẫn ở ngoài trái tim tráng niên sung mãn của Ánh. Điều gì khiến lòng nàng băng giá, thờ ơ? Ánh không cắt nghĩa được. Còn một điều kỳ lạ, cứ mỗi lần Ánh ra khỏi long sàng mặc quần áo thì thân thể Đức phi lại nhuận sắc hồng hào, tươi mởn. Dị hương lại vấn vít quyến rũ không dứt… Cũng là điều Ánh không hiểu nổi.

*

Vó ngựa phi đến bờ sông An Cựu thì dừng đột ngột. Con ngựa tía chân xước sát bởi cành lá quệt gai đâm không chịu cất thêm nửa bước. Nó nghênh nghênh đầu lắng nghe những câu hát của bọn trẻ chăn trâu thả ra khắp triền sông.

Hơn hai mươi năm trường
Nếm mật nằm gai
Chí cao ngút trời xanh
Vó ngựa xéo nát bàn dân thiên dạ
Trước mặt máu chảy đầu rơi
Sau lưng xương trắng đống gò…

Sự lạ? Một vùng hoang vu. Quạ đen bay rợp trời. Xác binh lính chết như ngả rạ. Đồ khí giới quẳng vô tội vạ. Ngựa què nằm bẹp, máu tím bầm đen. Ruồi trâu bay vù vù. Xe mộc bỏ vương vãi. Đồng không mông quạnh. Xơ xác. Tiêu điều. Thật ai oán thê lương nước lửa và ống đồng. Ánh vốn lạnh lùng đến độc nghiệt, cũng không khỏi xót xa, cô đơn và buồn.

…Đường dọc ngang bôn tẩu
Dị hương bay bất chợt
Vương tướng lòng dạ xốn xang
Ngỡ ngàng say người đẹp châu sa
Đôi chân đạp đổ thành phá lũy
Bồi hồi không qua ải mỹ nhân.
“Gái đâu có gái lạ đời
Con vua lại lấy hai chồng làm vua”

Những câu hát xa gần man mác, hoang liêu vẫn cứ rót vào tai người máu lạnh.

Sinh thời Ánh trọng võ hơn văn. Đất nước tao loạn, ru rú thù tạc những vần thơ cũ mèn nhạt nhẽo thử có ích gì? Chẳng ai lấy được thiên hạ từ những bài thơ kẽo kẹt, à ơi. Bất quá, mua vui được chốc lát qua miệng con hát con đào. Lưỡi gươm chém vào trời xanh mới đáng mặt anh hùng. Ánh rất ghét bọn hủ nho làm thơ. Chúng thường xúm vào tâng bốc, ngợi ca Ánh như một bậc kỳ tài trong thiên hạ chí lớn ngùn ngụt. Cứ như chỉ có Ánh mới đáng mặt lấy thiên hạ từ tay anh em Nguyễn Huệ. Nghe mãi cũng chán. Thực ra, bọn hủ thơ chỉ rặt một lũ ăn bám. Chẳng ích tóp gì. Huống hồ mấy câu hát vặt của trẻ con...

Nhưng sao bọn trẻ chăn trâu cắt tóc để chỏm lại hát: “Gái đâu có gái lạ đời. Con vua lại lấy hai chồng làm vua”?

Có điềm gì tốt hay lành như lời sấm truyền đang rơi xuống bầu trời Phú Xuân?

*

Dưới trướng của Ánh có một nhân vật rất kỳ dị tên là Trần Huy Sán. Sán vốn là bộ hạ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Huệ thấy Chỉnh hẹp hòi, đố kỵ, gian hùng lòng dạ hai nơi nên giết đi. Sán bơ vơ ở Thăng Long một thời gian rồi bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh. Sán người lùn tịt. Chân tay ngắn tủn. Cổ bé, dài ngẵng, chằng chịt những mạch máu như đường gân xanh. Nhưng, đầu to như cái chõ xôi. Tóc búi tó củ hành to như vốc tay. Thật dị biệt. Trí lực hơn người. Tính tình khảng khái. Gàn dở hết chỗ nói. Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Y có cái yếm thắm nhỏ và hai cái dải đứt rời nhau, lúc nào cũng mang theo bỏ trong túi áo. Lúc ngủ thì đắp cái yếm lên mặt. Nhòm rất tức cười. Có một điều kỳ lạ, yếm thắm có mùi hương rất dị biệt. Mỗi lần lấy yếm ra khỏi túi áo là hương bay dìu dịu thoang thoảng xa gần quyến rũ. Bí ẩn hương thơm kỳ lạ ấy từ đâu thoảng đến, chỉ mình y biết. Y có tài văn thơ, hiểu nho y lý số. Những ý nghĩ dù u tối hay ranh mãnh, sáng sủa trong đầu Ánh đều không qua mắt Sán. Ánh tin dùng lắm, luôn cho đi theo cùng trời cuối đất. Kho tàng tri thức Nho học của Sán đã giúp Nguyễn Ánh được cái danh thâm sâu, khỏi tiếng võ biền mà cánh sĩ phu Bắc Hà cao ngạo thường mỉm cười coi rẻ.

*

Thấy minh chủ mặt hằn những điều âu lo, ngẫm ngợi, băn khoăn, Trần Huy Sán liền phán rằng:

“Hạ thần nghĩ, cứ theo những câu hát kia thì âu cũng là điềm trời thả xuống nhân gian. Phen này chúa vương lấy được Phú Xuân, thống nhất bờ cõi là chuyện đại sự dễ như thò tay vào lồng bắt chim sẻ. Nhưng, chúa vương cũng sẽ bắt đầu sống vật vã thật với chính lòng mình, đó cũng là sự lớn của đời người”.

Giương cặp mắt nhìn u ám đầy nghi ngờ, Ánh bảo:

“Ngươi nói ta không hiểu. Ta đồ rằng riêng ý tưởng này cao siêu quá, ngươi lại nói những điều viển vông như đám nho sĩ Bắc Hà rồi. Rõ nực cười”.

Sán lại tâu:

“Thưa chúa vương. Ý chí phục tộc của vương quyết liệt cháy ngùn ngụt như ngọn lửa trong lò bát quái. Người đứng trên thiên hạ nên không thèm để ý đến các điều nhỏ nhặt trong cõi nhân gian và chính mình. Song thần nghĩ, thực ra chúa vương tự hiểu được mình rồng mới là điều khó nhất, hiểu lòng thiên hạ chỉ mới là cái khó thứ hai thôi”.

“Sao ngươi có lắm điều tâm sự thế? Lòng dạ đang ngổn ngang rồi. Có phải ngươi đã nhìn thấy trước mọi việc sẽ xảy ra với ta?”.

“Chính phải. Quang Toản là tên bất tài, bạc nhược. Chúa vương sẽ lấy được tất cả những gì thuộc về Toản kể từ cõi bờ thiên hạ, cung tần mỹ nữ đến con chó con lợn. Chung quy cũng bởi đại anh hùng Nguyễn Huệ vắn số”.

Nghe Sán nói, mặt Ánh tối sầm lại, rút phắt gươm ra, quát: “Ngụy Huệ thiên tài thực, nhưng chỉ là tên giặc cỏ”.

Sán vươn cổ cò dài ngẵng nổi chằng chịt những đường gân xanh rợn chờ một ánh chớp. Ánh chùn tay, tra gươm vào bao. Sán im lặng, không nói gì, lui ra. Sán vừa đi vừa nghĩ: Mai mốt chúa thượng sẽ hân hoan, mình thì khốn nạn, bẽ bàng không kể xiết.“Sự đâu có sự lạ đời/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”. Miệng Sán cứ lảm nhảm mãi, như thằng tâm thần.

*

Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân dễ như trở bàn tay. Được một ngày hân hoan mừng vui, hôm sau buồn hẳn. Ánh đeo gươm đi ra đi vào rồi ngồi ủ dột nhìn sông Hương xanh rợn phẳng lì như ngưng chảy. Mấy con đò vắng khách neo vào bờ, có lẽ chủ sợ hãi loạn binh đao bỏ của chạy lấy người. Nguyễn Văn Thành đang đốc quân truy quét, bắt bớ gia thất, quan lại Tây Sơn lẩn trốn và chuẩn bị cho ngày ra Bắc đánh Thăng Long. Y thấy minh chủ lặng trầm liền hỏi:

“Phú Xuân đã vào tay chúa công. Ba quân nhảy nhót reo ca. Sao Chúa vương có điều gì không vui?”.

Ánh thở dài, bảo:

“Giờ ta mới thấy Sán nói đúng. Ngụy Huệ là bậc đại anh hùng thiên hạ thực. Huệ chết bất đắc kỳ tử, ta mới lấy Phú Xuân dễ dàng như đi vào chỗ không người. Vậy phỏng có vẻ vang kiêu hãnh gì với bậc Chúa vương đại nguyên súy như ta? Tiếc y không còn sống để ta thi thố đường gươm vó ngựa”.

Trần Huy Sán lúc đó đang ngồi thảo bài chiếu yên dân, liền ngừng bút, bẩm:

“Thưa Chúa vương, đất nước mệt mỏi, binh đao loạn lạc đồng không xương trắng đã quá lâu. Chả lẽ, chúa công lại muốn Nguyễn Huệ sống lại để thi thố tài năng trên xương máu dân đen con đỏ?”.

“Ta biết… ta biết… rồi binh đao cũng đến hồi kết. Ngụy Huệ hoặc ta chết sớm thì cuộc chiến tranh mới mau chấm dứt. Nay mai ra Bắc, bắt ngụy Toản cũng chỉ dễ như bắt cua bỏ giỏ. Chả lẽ nước Nam này chỉ còn mỗi mình ta là bậc đại anh hùng? Bờ cõi sẽ thuộc về ta, hạt lúa củ khoai trong thiên hạ, đến cung tần mỹ nữ nhà Tây Sơn cũng thuộc về ta nốt”.

Sán nghĩ thầm trong bụng: Thiên hạ này chỉ có hai kẻ cao ngạo, Sán là một, có dễ Ánh là người thứ hai. Trước sau rồi mình cũng chết dưới lưỡi gươm của Ánh. Lòng dạ Sán ngao ngán, nhớ lại câu hát, lòng vừa phục Ánh lại vừa thầm ghen với Ánh.

*

Phú Xuân yên ổn, Ánh muốn lòng tĩnh lại, tìm về những ký ức mù xa thiếu thời êm đềm và đẫm nước mắt chạy loạn Tây Sơn. Ánh bảo Trần Huy Sán kêu quân lấy thuyền rồng của Quang Toản bỏ lại, ngược dòng Hương Giang.

Nước sông xanh ngắt. Mây trôi dưới dòng. Bao la một vùng non sông cẩm tú. Ánh đứng ở đầu mũi thuyền. Tay nắm đốc gươm báu đeo hông. Đôi mắt hướng lên phía thượng ngàn. Vẫn buồn. Cô độc.

Thuyền ngược dòng đến đoạn ngang Hương Uyển Sơn, Ánh nhìn núi non giống như con sư tử đang nằm thò đầu xuống sông uống nước, liền hỏi một viên quan già. Y kính cẩn tâu rằng:

“Chúa vương bôn tẩu thiên hạ hơn hai mươi năm quên mất rồi ư? Xưa núi này có tên Hương Uyển Sơn, sau đặt lại là Ngọc Trản Sơn, dân gian gọi nôm là núi Chén Ngọc; bởi trên đỉnh núi có chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng. Hễ mưa xuống thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Ngày xưa người Chàm thờ nữ thần Ponagar ở Hương Uyển Sơn. Sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng Thánh Mẫu Thiên Yana…”

Ánh bảo:

“Ta phải lìa xa Phú Xuân chạy nạn binh đao từ thuở thiếu thời. Những nơi linh thiêng như thế chưa kịp đến. Thật tiếc lắm thay”.

Viên quan già khép nép tâu tiếp:

“Thưa Chúa vương! Nữ thần Ponagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian. Bà tạo ra trái đất và các loại gỗ, kỳ nam, lúa gạo,… và làm cho chúng tỏa hương. Ngọc Trản Sơn lúc nào cũng có mùi hương thơm lạ lan tỏa vấn vít”.

Ánh nghe thấy có vẻ lạ lẫm và thần bí lắm, bèn vẫy quân chèo thuyền cập bến. Phía Tây mặt trời đã gác núi. Hoàng hôn đỏ bầm như máu. Sông Hương xanh trong cũng quặn mình ngả màu đỏ hồng lai láng. Ánh đeo gươm bước ra khỏi thuyền.

Bỗng nhiên lòng dạ Ánh xao xuyến bởi mùi hương lạ ở đâu đó thoảng bay lãng đãng. Đúng như viên qua già tấu, mỗi bậc đá xanh lên núi lại ngửi được mùi hương đậm hơn. Bước thêm vài chục bậc nữa thì gặp người con gái mặc áo thôn nữ. Thị có vẻ ở nơi thâm cung nhàn nhã no đủ, chẳng giống thôn quê đói rách. Tóc đen óng ả buộc sau gáy thả dài chấm gót. Cổ trắng. Tay cũng trắng. Thị đứng án trước mặt Ánh gần như cản đường. To gan lớn mật nhỉ! Mặt mũi sáng sủa, nhưng lem nhem vết nhọ than. Ánh hỏi:

“Người có biết hương thơm lạ lùng từ đâu bay tới?”.

Thị lo sợ. Mặt lộ vẻ hốt hoảng:

“Dạ. Hoa cỏ… núi Hương Uyển”.

“Thì đã rõ! Ta bôn tẩu khắp Đàng Trong, có loại cây cỏ nào ta chẳng biết. Nhưng, còn một hương thơm lạ lùng nữa không phải từ thảo mộc”.

Thị lại càng ấp úng:

“Thưa! Từ thân thể… tiện thiếp… tỏa ra ạ”.

Ánh tức giận, thoáng nghĩ: Con hầu người ở chẳng phải. Cành vàng lá ngọc càng không. Áo xô gai. Chân đất. Như đám đàn bà con gái lần đầu đi làm thợ sơn tràng. Lại dám khi quân ư? Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng. Lọn tóc dài tung lên trời bay liệng hình con rồng rồi quấn vào cành cây.

Ánh bước chục bậc đá xanh nữa lại một thị nữ xinh xắn, ưa nhìn, án giữa đường dốc lên. Thêm một con rồng tóc bay lên trời xanh. Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ.

“Ta muốn biết hương thơm dị biệt ở đâu bay đến?”.

“Hoa cỏ đất trời Ngọc Trản Sơn chỗ nào cũng có, thưa tráng sĩ”.

“Bàn chân ta xéo nát thiên hạ. Có loại cỏ cây nào ta không biết. Có một thứ hương thơm quý phái nữa không phải từ thảo mộc”.

“Dạ… thưa. Từ thân thể tiện thiếp”.

Ánh lại vung gươm nhưng nửa chừng thì hạ xuống. Ánh bỗng chùn tay không dám chém người người đẹp thứ sáu.

*

Trong điện thờ Thánh Mẫu Thiên Yana, lòng dạ Ánh vẫn bồn chồn. Ánh bước ra ngoài. Lai láng ánh trăng non vàng. Mùi hương lạ cứ vấn vương đâu đó. Tiếng nước xối chảy tong tóc lúc xa lúc gần. Ánh bảo quan quân đứng chờ. Dường như “ma đưa lối quỷ đưa đường”, không, có thể là nữ thần Ponagar dẫn dụ Ánh đi đến bên giếng nước.

Không thể tin được! Một cô gái đẹp như nữ thần Ponagar khỏa trần đang tắm ở thềm giếng. Một tì nữ quăng gầu múc nước. Thân thể ngọc ngà. Những đường cong mẩy nuột nà tưới đẫm trăng non. Ánh bèn lẩn vào bên lùm cây, kéo cành lá, mặt đần ra mê đắm nhìn mỹ nhân tắm. (Sau này Trần Huy Sán viết Phú Xuân thực lục đổ ấn cho Ánh nhòm trộm. Bởi khi nhìn thấy con gái đẹp tắm thì hoàng đế quyền nghiêng thiên hạ hay thằng ăn mày rách rưới cũng giống nhau thôi. Y còn bình rằng: Thật ra, Ánh dòng vương giả hoàng thân quốc thích, nhưng bôn tẩu 25 năm trong thiên hạ gian nan, vất vả, nhiều phen ngủ bờ ruộng chui bụi cây, rập rạ, khốn cùng, tuyệt vọng... Bấy giờ, bỗng dưng bắt gặp con gái đẹp khỏa thân tắm giữa đất trời cây cỏ thì như lạc vào cõi vừa trần tục vừa thanh cao, không nhòm trộm mới là giống nửa đàn ông nửa đàn bà. Điều này không biết thực hư thế nào).

Mùi hương lạ lúc ngào ngạt lúc vấn vương thoảng bay. Ánh nhận ra mùi hương da thịt con gái đang hứng tình nồng nàn trộn lẫn mùi bạch lan đài các và cỏ thi dân dã quý hiếm. Ánh ngẩn ngơ bởi dị hương và vẻ đẹp con gái khỏa thân giữa cây cỏ thiên nhiên. Bất ngờ, tay Ánh vô tình làm gẫy cành cây nhỏ. Con tì nữ ngang ngạnh hắt gầu nước về phía tiếng động và lớn tiếng quát. Quần áo người hùng vừa lấy kinh thành Phú Xuân ướt lướt thướt. Ánh bèn phải bước ra.

Trăng đầu tháng chênh chếch. Bóng Ánh đổ dài kéo thành vệt đến giếng nước. Mỹ nhân vội khép hai đùi, một tay che hai trái tuyết lê căng mẩy, một tay che đám lông mu đen mượt. Thực ra, mỹ nhân không cần phải hốt hoảng che đậy vì chỏm đầu của Ánh đã đổ bóng đen lên ngực nàng.

“Tự nhiên... Nàng cứ tự nhiên như thể ta chưa từng nhìn thấy”.

Mỹ nhân có vẻ trấn tĩnh lại song vẫn lóng ngóng, chân gạt đổ ào lu nước. Cái lu gốm đất nung lăn lông lốc. Ánh lưỡng lự, nửa muốn bước vòng qua thành giếng tiến lại gần, nửa muốn đứng im nhìn mỹ nhân trong bóng trăng mờ ảo. Cuối cùng thì Ánh quay gót trong sự ngập ngừng nuối tiếc.

“Tráng sĩ đã tha mạng cho tiện thiếp, thì hoàng hậu chắc chắn sẽ bình an. Xin hoàng hậu đừng sợ”.

“Hoàng hậu!” Sao lại là hoàng hậu? Thảng thốt trong lòng, Ánh quay lưng, bước lại. Mùi hương dị biệt lại ào vào mặt Ánh. Con tỳ nữ đứng án ngữ che gần hết thân người đẹp. Ánh dùng sống gươm khều xiêm y đang treo vắt vẻo trên cành cây bứa hất mạnh. Xiêm y bay vèo qua giếng nước. Tì nữ giơ hai tay đón được.

“Mặc xống áo vào cho mỹ nhân”.

Ánh nói xong rồi ngồi vắt lên thành giếng xây bằng đá xanh. Bao gươm xệ một bên hông. Bóng Ánh đổ xuống hòa lẫn mặt nước tối om. Lòng dạ ngẩn ngơ, miệng Ánh cứ lẩm bẩm: “Mỹ nhân… Hoàng hậu… Mỹ nhân…”.

Người đẹp đã trấn tĩnh lại bước đến gần, buông gót nhẹ nhàng, êm ái, giọng nói thanh và tự tin, phong thái ung dung:

“Này tướng Gia Định. Ngươi hãy về nói với Nguyễn Vương rằng ta đã chờ cái thời khắc này từ lâu rồi”.

Ánh sửng sốt. Bao nhiêu cái đầu lăn lóc dưới đôi chân bôn tẩu của Ánh. Nàng đã không hề sợ lưỡi gươm sáng lạnh. Ánh thầm khen và kêu quân hầu đưa mỹ nhân xuống thuyền, rồi đứng dậy đi trước.

Còn một người nữa lòng dạ đầy ngổn ngang bước chân nặng chình chịch đi theo sau là Trần Huy Sán. Y đã chợt nhận ra người xưa. Vẫn vẻ đẹp trẻ trung ấy, nhưng đã pha màu đậm đà. Y cũng nhận mặt bọn tì nữ ăn mặc theo lối nhà quê trốn sự truy tìm của quân nhà Nguyễn. Y bồi hồi nhớ lại thời còn ở kinh kỳ Thăng Long…

*

Mỹ nhân là cô bé lên mười hai tuổi đã phổng phao, sáng rỡ, tóc dài đổ óng mượt chấm gót. Y mê mẩn nàng đến nỗi mỗi khi gặp là cứ lẽo đẽo bước sau lưng. Lại làm không biết bao nhiêu thơ lấy cảm hứng từ nàng. Một lần có trận lốc khủng khiếp. Vòi rồng cuốn cả kho tiền đồng, quần áo vua quan, xiêm y cung tần mỹ nữ trong cung bốc lên trời rồi ào ạt ném tóe loe, vương vãi ra ngoài thành. Lúc đó, y đang ngẩn ngơ đi lẽo đẽo sau người đẹp cũng bị chìm trong lốc giông. Lòng tham mỗi người một vẻ. Đám thảo dân, binh lính đi tuần tranh nhau nhặt tiền đồng, trang phục vua quan, xống áo cái ướt cái khô… đến bươu đầu mẻ trán trong mù bụi. Chỉ riêng y lại chạy đuổi theo cái yếm thắm chao liệng như cánh diều hồng trên không trung. Chân y ngắn tũn chạy liến thoắng đến mức đám tì nữ cười ngặt nghẽo, quên cả cơn mưa tiền, mũ mão, xiêm áo. Cuối cùng y cũng nhẩy cẫng lên tay nắm “cái diều hồng”. Lập tức lòng dạ Sán mê mẩn bởi mùi hương kỳ lạ thoang thoảng từ cái yếm. Bọn tì nữ theo hầu nhận ra yếm thắm của mỹ nhân.

“Trả lại yếm cho công chúa út đi”.
Sán không chịu, còn ấp cái yếm thắm lên mặt. Bọn tì nữ quát:
“Đồ vô lễ. Ngươi muốn chết à?”.

Sán cứ khư khư giữ chặt vật báu trong tay. Rồi vươn cổ như cổ cò gân xanh nổi chằng chịt ra đợi chém.

Công chúa nhỏ hồn nhiên nhìn cái đầu to đùng cắm vào cổ dài ngẵng kì dị thích thú quá, bảo:

“Yếm nhặt được là yếm vô hồn. Ngươi cầm giữ phỏng có ích gì?”.

Sán lưỡng lự đôi chút, dứt phắt hai cái dải yếm rồi mới trả. Công chúa nhỏ không giận. Lúc đó, tự dưng nàng cảm động, trong lòng trào lên một niềm yêu quý không cắt nghĩa được. Cả đám quan quân và thảo dân tranh nhau hôi của vòi rồng cuốn không ra thể thống gì. Chỉ mỗi mình y bỏ qua tiền của, theo đuổi cái yếm thắm. Cũng là một con người dị thường.

“Yếm không dải còn làm gì được nữa. Thôi, ta tặng ngươi”.
Y bất ngờ quá, đứng trân trối.

“Tiếc rằng ngươi không dũng mãnh anh hùng như Nguyễn Huệ; kỳ tài, nhẫn nhịn nuôi chí đoạt lại thiên hạ như Nguyễn Ánh để ta chọn làm chồng. Ánh còn bôn tẩu nơi chân trời góc bể. Huệ đã lấy Ngọc Hân chị ta, lại cũng đã chết sớm rồi. Thật hoài phí lắm thay”.

Công chúa than thở rồi vẫy đám tì nữ bước đi. Những bóng hồng xa mờ mà Sán vẫn đứng nghệt mặt nhìn theo. Tay nắm dải, tay nắm yếm chặt cứng…

*

Đèn lồng và nến sáng rực. Mặt nước sông Hương lung linh ánh trăng non lẫn ánh đèn. Ánh khoác trang phục màu vàng uy nghi, ngù vai, vương hiệu lóng lánh trên ngực áo. Bấy giờ, mỹ nhân mới nhận ra Nguyễn Vương, lòng đầy cả thẹn, e lệ và mừng vui. Thực ra, nàng nhận ra cái thân hình ngắn tũn kỳ dị và cái mặt bần thần của Trần Huy Sán trước, muốn hỏi thăm vài câu về Thăng Long mà chưa tiện.

Giọng vương giả, quyền uy, Ánh hỏi:
“Có phải nàng là công chúa Ngọc Bình?”.
Khoan thai, ung dung tự tại, mỹ nhân đường hoàng thưa:

“Chính phải. Thần thiếp còn là Chính cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn Cảnh Thịnh Hoàng đế Nguyễn Quang Toản, thưa Nguyễn Vương!”.

Ánh cau mày, tức giận, quát to đến nỗi bao gươm đeo bên hông gõ xuống ghế rồng cạch cạch. Không gian tràn ngập mùi binh khí lạnh lẽo rợn đến ghê người:

“Tây Sơn chẳng qua là một lũ giặc cỏ, chẳng có tên nào là đế vương trong mắt ta. Ta không muốn nghe nàng nhắc đến tên Toản đớn hèn, bất tài”.

Mỹ nhân bỗng thở dài. Các huyệt, và những lỗ chân lông đóng chặt cứng. Mùi dị hương biến mất. Nỗi buồn tê tái lộ rõ vẻ thất vọng trên gương mặt quí phái:

“Thời nhỏ, thần thiếp nghe đồn chỉ có Nguyễn Vương mới sánh được bậc đại anh hùng trong thiên hạ Nguyễn Huệ. Thần thiếp đã lâu vốn lòng kính phục, yêu dấu. Té ra Nguyễn Phúc Ánh cũng hẹp hòi nhỏ nhen chưa bằng Quang Toản chồng ta vậy”.

Nói rồi mỹ nhân lao đầu vào sập rồng tự sát. Ánh nhanh tay túm được vạt xiêm. Mỹ nhân mất thế, loạng choạng đổ nhào. Ánh đỡ được mỹ nhân, ôm choàng vào lòng. Thân thể Ngọc Bình mềm oặt trong tay Ánh. Lụa xiêm mềm mại mát rượi. Hơi thở mỹ nhân nóng hổi vấn vít mùi hương. Máu bốc hỏa lên đầu Ánh dịu hẳn. Tay phải Ánh vẫn nắm chặt mảnh xiêm y vừa bị xé toạc.

“Sao nàng lại liều thân như thế. Nàng đã ở bên ta đâu mà biết được đâu là vương giả đâu là tiểu nhân, đâu là vàng thau?”.

Mỹ nhân vẫn nhắm hờ mắt, như chết lịm. Nỗi buồn lặng thầm hằn trên gương mặt khả ái làm vẻ đẹp của nàng càng thêm mặn mà. Lòng Nguyễn Vương quặn thắt, suýt nữa thì làm vỡ ngọc quý:

“Sao mỹ nhân nói rằng, mỹ nhân chờ đợi thời khắc gặp Ánh này đã lâu?”.
Ngọc Bình chợt nhớ ra điều gì đó. Nàng như từ xa xăm trở lại trần gian:
“Nguyễn Vương thừa biết thần thiếp chờ đợi điều gì rồi còn hỏi”.

Nói rồi, Ngọc Bình nép sát đầu vào ngực Ánh. Lòng dạ Ánh nôn nao, cồn cào như sóng biển Tây Nam. Bọn Lê Văn Duyệt, theo hầu lúc đó bối rối nửa muốn đi nửa ngồi lại. Trần Huy Sán rầu lòng quá, lại thêm chút bẽ bàng, thò tay lấy yếm thắm trong túi áo ra lúc nào chẳng biết. Mùi binh khí khét lẹt lạnh lẽo nhạt dần, mùi dị hương thoảng đưa. Ánh chợt nhìn thấy Sán cứ bần thần mân mê yếm thắm. Ánh lộn tiết, cho rằng Sán chơi trò ma thuật phù thủy, bèn quát lính lôi ra chém. Y lại vươn cổ ra.

Ngọc Bình ngăn Ánh lại, kể vắn câu chuyện vòi rồng hút kho tiền ở kinh kỳ Thăng Long, rồi tâu:

“Thưa Nguyễn Vương! Thần thiếp cũng không ngờ Sán giữ cái yếm từ dạo ấy. Thần thiếp thật cảm động”.

Ánh bảo:

“Hóa ra, dị hương lãng đãng tỏa ra từ cái yếm thắm của nàng chứ không phải từ cơ thể thằng khốn này”.

Đoạn Ánh quay ra bảo Sán:
“Vậy là, người hạnh phúc trước cả ta rồi”.
Sán nhét cái yếm thắm vào túi rồi rũ tay áo, cung kính tâu:

“Dạo còn ở kinh kỳ Thăng Long, hai đấng kỳ tài mà công chúa khao khát được thành thân hoặc là Nguyễn Huệ hoặc Nguyễn Ánh, chứ không phải hạ thần”.

Bấy giờ Lê Văn Duyệt mới lên tiếng:

“Chúa thượng bình sinh khắp thiên hạ, binh đao nước lửa từng qua, lụa là châu báu, gái đẹp không thiếu. Hà cớ gì phải hạ mình trước con đàn bà vợ ngụy Quang Toản? Bọn thần lấy làm đau lòng và bẽ bàng lắm lắm”.

Ánh cười gằn, bảo:

“Bọn các ngươi không nghe câu thơ cổ: "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng". Nàng còn hơn cả danh tướng. Ta được nàng như được nửa cuộc đời”.

Cả bọn thấy Ánh cười gằn lạnh như ánh chớp đường gươm thì không ai bảo ai, đều lui ra.

*

Đêm ấy, Ánh hạ lệnh neo thuyền rồng giữa sông Hương, bày trò hát múa. Nửa chừng cuộc vui, Ánh đã xao xuyến, thổn thức nhìn Ngọc Bình âu yếm lắm. Ánh cảm thấy có lỗi với nàng, than thở, ra chiều thương xót bọn cung nữ đã bị mình chém ngang cổ. Mỹ nhân nhìn Ánh, trìu mến cười hiền hậu, thưa:

“Ơn trời! Vương đã không phạt đầu đứa cung nữ nào của thiếp. Của đáng tội, chúng mất mái tóc dài cũng tiếc, nhưng được toàn thân. Chúa công không thấy chúng đang xúm quanh thiếp đấy sao”.

Ánh kinh ngạc lắm, chẳng hiểu mình đã làm gì với đám cung nữ. Dọc đường cầm gươm lên Ngọc Trản Sơn cứ hư thực tựa hồ như trong mơ vậy. Nhìn đám cung nữ xinh đẹp của Ngọc Bình, tóc đứa nào cũng bị phạt thả lòa xòe chấm vai, trông rất ngộ. Ánh cứ luôn miệng lẩm bẩm:

“Chả lẽ… chả lẽ… gươm của ta chưa vấy máu cung nữ”.

Ánh uống rượu đến tận khuya rồi vào khoang đã kê long sàng ngủ với Ngọc Bình. Ánh cầm gươm đưa những đường tuyệt kỹ như múa, nhẹ hơn gió thoảng. Loáng một cái cắt nát xiêm y, lụa bay tung lên rồi rơi xuống tơi tả. Như bị bóc trần, mỹ nhân khỏa thân hoàn toàn, mà mũi gươm không hề chạm đến da thịt ngọc ngà. Thuyền rồng lắc lư, dềnh lên dập xuống. Sông Hương nổi sóng. Tiếng rên rỉ trong niềm khoái lạc tột cùng của Ánh tựa hồ tiếng binh khí chạm vào nhau lan ra mặt sông làm váng đầu quan quân. Cá chép ở thượng nguồn xuôi về. Con đực bám đuôi con cái, quẫy ùm ũm giao phối không đợi mùa động dục. Cả khúc sông Hương nổi đầy màng nhầy trong suốt lấm tấm trứng cá, nồng nàn mùi đực cái. Từ lính, quan đến cung tần không ai ngủ nổi. Lại có một người ngũ đoản, cổ dài, đầu to đứng còm cõi ở mũi thuyền. Một lúc sau, cũng không chịu được tiếng rên lạnh lẽo của Nguyễn Ánh, y rút gươm khỏa lia lịa xuống dòng sông. Cá chép động dục bị các đường gươm cắt đôi nổi trắng, máu loang đỏ bầm. Kỳ lạ thay, chỉ những con cá đực bị chết tức tưởi mà chẳng biết lý do gì.

Trên long sàng, Nguyễn Ánh cảm thấy dễ chịu, thỏa mãn và kinh ngạc phát hiện ra điều bí mật:

“Ta không thể tin được nàng vẫn còn trinh trắng”.

Hai mắt sáng rỡ, lấp lánh. Nụ cười tươi tắn đầy thõa mãn, Ngọc Bình úp mặt vào vồng ngực vâm váp của Ánh, thưa:

“Thần thiếp đội ơn nhuần mưa móc của người. Sáu năm thần thiếp làm vợ Quang Toản, chưa một ngày được làm đàn bà đúng nghĩa. Phải như vương năng lượng đế vương thừa thãi, tính dục đàn ông dồi dào. Thần thiếp lấy làm sung sướng mãn nguyện lắm”.

Ánh bảo:
“Ta thấy làm lạ. Hóa ra, ngụy Toản là thằng vua liệt dương! Thật phí đời mỹ nhân cành vàng lá ngọc”.

“Toản lấy thần thiếp chỉ để ngắm nhìn, để ngửi mùi hương. Thần thiếp như cây trầm hương bị phong bao trong lầu son. Không! Như cây khô héo trên cánh đồng mùa hạn”.

“Ta thương nàng giường chiếu với một thằng trẻ ranh èo uột, trí đoản. Hắn đâu xứng với nàng”.

Hai người lại chìm vào biển ái ân nóng bỏng. Đang lúc Ánh sướng quá tru lên như con ngựa hoang động đực, Ngọc Bình rợn người, sững lại. Hai chân dài khép chặt. Người lạnh giá như đồng. Ánh thấy lạ hỏi:

“Sao nàng rùng mình, co rút người thế?”.

“Bỗng dưng, thần thiếp ngửi thấy mùi máu tanh tưởi, mùi cháy khét của binh khí chạm nhau lẩn quất ở long sàng này”.

Ánh nghênh mũi hít ngửi.
“Làm gì có! Làm gì có!”.
“Xin vương cất kín thanh gươm đang treo lủng lẳng kia đi. Thần thiếp sợ hãi lắm”.

Nửa đêm về sáng, Ngọc Bình mệt quá, mềm oặt, nằm không động đậy, như con cá chuối chết. Ánh nhìn thân thể ngọc ngà đang có chiều trắng bệch, xót xa, bảo:

“Có phải ta quá ham vui làm nàng mệt mỏi?”.

“Không! Tự nhiên thần thiếp thấy mình trống rỗng. Lúc đầu ân ái đam mê cuồng nhiệt bao nhiêu thì sau đó lãnh cảm bấy nhiêu”.

Ánh thở dài. Lại nghĩ: Ngọc Bình nhìn long sàng, thuyền rồng mà nhớ nhung Quang Toản trong lúc ái ân. Đang khi tranh tối tranh sáng, Ánh kêu quân hầu mang võng tía lên sườn núi tìm cây giăng mắc. Ánh bế Ngọc Bình đi lên theo. Sương đêm lành lạnh bay mỏng nhẹ như màn buông. Gió sông vẫn thổi không dứt quằn quặn. Gai người.

Đại giám quân Lê Văn Duyệt thức khuya, mệt phờ phạc ra sức can ngăn:

“Chúa công hãy giữ mình rồng. Trước đây bôn tẩu gặp đâu ngủ đấy, cùng đường chạy giặc cỏ thì không nói làm gì. Nay đã có kinh kỳ Phú Xuân vàng son lộng lẫy, chúa vương nên về long sàng mà ngủ. Sao người cứ phải vui thú dập dạ trên cỏ cây như lối bọn thợ sơn tràng hạ dân”.

Ánh đang ẵm mỹ nhân, tức giận quá một tay quắp nàng một tay chỉ vào mặt Duyệt:

“Sao đế vương khổ thế!? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư? Chả lẽ cái việc ngủ với đàn bà con gái mà còn phải hoãn cơn động cỡn lại chờ về nơi lầu son gác tía? Ta là chúa vương tối cao, ta thích sang trọng sẽ được sang trọng, ta muốn dân dã, lấm láp là được lấm láp. Ta không bằng một thợ cày sao? Đêm nay ta muốn ngủ với nàng trên cỏ cây như một thảo dân vô học”.

Mắng xong, Ánh bế phắt mỹ nhân đi như chạy. Bọn Lê Văn Duyệt không dám kêu can nữa. Còn vài canh về sáng, Ánh ngả mỹ nhân ra võng. Mỹ nhân chân dài quắp chặt hông lưng Ánh như hai con trăn. Hai tay vít chặt lưng vai Ánh, mặc cho võng bùng nhùng, dập dềnh. Rồi võng lắc hơn bị bão gió. Lá xanh rụng tơi tả. Hai đầu dây võng thay nhau giật cục thân cây. Có lúc hai ngọn vít vào nhau rồi bật trở ra. Chim chóc đang ngủ ban đêm bị đánh thức bay toán loạn. Voi, gấu, hổ, lợn lòi ở khu rừng bên cạnh vểnh tai nghe và nhăn mũi hít ngửi, động rồ chạy đi tìm đồng loại khác giống. Cả một vùng non ngàn rộn rã bước chân thú và tiếng kêu van vỉ gọi bạn tình, ầm ĩ như động rừng…

Sáng ra, Ánh thức dậy, ngái ngủ và mệt bã. Các khớp xương lục cục, mỏi rã rời. Ngọc Bình nhợt nhạt, mất hồn, thất sắc. Dị hương không còn, chỉ có mùi cỏ cây ải mục ngai ngái xông lên. Ánh ngạc nhiên thấy dây võng đứt mà vẫn đưa chao trên mặt đất. Té ra, nối hai đầu võng với thân cây là hai con trăn. Trăn đực, trăn cái đều ngóc đầu nhìn Ánh thân thiện, hiền từ và nhẩn nha vặn mình đưa võng nhè nhẹ. Ánh phát kinh nghĩ đến chuyện ma quỷ liền nhảy xuống đất, tháo thân lên thuyền giục quan quân giong buồm về Phú Xuân.

*

Trơ trọi một mình nằm trên long sàng. Ánh kinh hoàng ngỡ mình vừa trải qua cơn mê, bèn gọi Lê Văn Duyệt lại hỏi. Duyệt xác nhận câu chuyện ma quỷ ấy là có thật và khuyên Nguyễn Vương hãy vì đại sự quốc gia mà quên nàng Ngọc Bình. Ánh cũng thấy chút bẽ bàng của bậc quân vương, gật đầu chấp thuận.

Nguyễn Văn Thành chuẩn bị chiến thuyền, binh bộ trong cả tuần trăng cho cuộc tiến quân ra Bắc thì cũng ngần ấy ngày Ánh sống trong ủ ê, héo rũ. Có hôm bỏ bữa quên ăn. Người gầy đi mấy phần. Ánh không thể quên được nàng Ngọc Bình. Lúc nào cũng cảm thấy mùi hương lạ thoang thoảng xa gần. Không chịu nổi nỗi nhớ dày vò, Ánh lại kêu quân lính giong thuyền ngược sông Hương. Ánh leo lên Ngọc Trản Sơn. Núi vắng teo. Điện thờ thánh mẫu Thiên Yana quạnh hiu, không hương khói. Ánh nhìn quanh chỉ thấy những lọn tóc đen dài như con rồng quấn trên cành cây. Ánh cảm thấy cô độc, trống rỗng vô cùng.

Về Phú Xuân, Ánh ốm liệt giường. Lúc nào cũng chìm trong mộng mị ân ái với nàng Ngọc Bình ở Ngọc Trản Sơn. Ánh ân hận, cứ nghĩ mình bỏ rơi nàng lại Ngọc Trản Sơn. Ngày phát lệnh tiến quân ra Bắc đến gần mà bệnh tình của Ánh không nguôi. Việc đại sự quốc gia có nguy cơ hỏng. Bọn Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành biết minh chủ ốm tương tư liền kêu nhau phủ phục tận long sàng thưa:

“Ngụy Toản vẫn còn. Giang sơn chưa về một mối. Chúa vương suốt ngày thương nhớ một con đàn bà đến ốm o, mòn mỏi thì thần dân biết trông cậy vào ai?”.

Ánh bảo:
“Người xưa nói: Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.
Lê Văn Duyệt lại phủ phục:

“Thưa chúa vương! Công chúa Ngọc Bình xinh đẹp sắc nước hương trời thật, nhưng lại là hoàng hậu nhà Tây Sơn, vợ kẻ thù hận”.

Ánh cả giận, mắng:

“Ta đoạt lại thiên hạ từ giặc cỏ Tây Sơn, thì cành cây ngọn cỏ cũng thuộc về ta, huống chi là vợ Quang Toản. Vả lại, các ngươi là anh hùng thời loạn chỉ biết hùng hục đánh nhau chém giết, có biết yêu thương bao giờ mà hiểu được lòng ta. Các ngươi là hạng đàn ông võ biền chỉ nghĩ đến chuyện đực cái trần tục, đâu có biết cái thứ mùi hương kỳ lạ thanh tao tỏa ra từ ngọc thể của nàng”.

Nguyễn Văn Thành thì đỏ mặt. Đại giám quân Lê Văn Duyệt vốn là kẻ ái nam ái nữ ngượng ngùng, bẽ bàng quá. Hai đại thần không thể ngấm ngầm giấu mỹ nhân Ngọc Bình mãi, đành phải đưa nàng lại bên Ánh. Ánh cả mừng. Bao nhiêu bệnh tật trong mình bay biến hết. Ánh bảo:

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Tội các ngươi đáng chém. Ta được nàng là được thêm một “danh tướng”. Ta không muốn được danh tướng mới thì mất danh tướng cũ. Thôi, ta tha”.

Lưỡng lự một lát rồi Ánh túm ngực áo gầm lên:
“Sao các ngươi không hiểu lòng ta nhỉ?”
Bọn Thành, Duyệt ngơ ngác và bất lực, lui ra.

Suốt mấy tuần sau đó. Tiếng cười như binh khí chạm vào nhau đêm nào cũng văng vẳng trong không trung. Đất trời Phú Xuân sáng láng, tưng bừng. Cứ y như mùa xuân về sớm. Cây cối, cầm thú rạo rực mùa động tình.

*

Nhiều năm trôi qua.

Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long, lập Ngọc Bình làm Đức phi tam cung và yêu chiều vô cùng. Ánh sai đúc bồn tắm bằng vàng, thả những cánh hoa lan trắng cho đức phi tắm. Lại sai người lên tận rừng rú miền tây Quảng Nam tìm hương trầm về đặt trong cung của nàng. Và Đức phi tam cung cũng kịp đẻ cho Gia Long hai hoàng tử và hai công chúa.

Nhưng, thật trớ trêu, Ánh càng yêu quý đức phi Ngọc Bình bao nhiêu thì nàng lại càng thờ ơ, lạnh lùng bấy nhiêu. Ánh không hiểu nổi, trong lòng ủ dột vô cùng.

Bỗng dưng, Ánh nhớ đến chuyện xưa từ biệt nàng Tống Thị Lan với thoi vàng chặt đôi. Dạo ấy là mùa thu năm Quý Mão, Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy dài. Đường cùng phải phiêu dạt ra Phú Quốc, đói khát hiểm nguy, tuyệt vọng tưởng tận số. Trước lúc sang Xiêm La, Ánh lấy thoi vàng ra chặt vát làm đôi, đưa cho Nguyên phi một nửa, rồi bảo:

“Nay ta phải đi Xiêm. Nàng ở lại cung phụng quốc mẫu. Ta bôn tẩu nơi chân trời góc bể chẳng biết ngày nào gặp lại. Đành lấy vàng này làm tin vậy”.

Nguyên phi phục xuống khóc dòng, vâng lời. Bao nhiêu năm nàng tần tảo hầu hạ mẹ chồng và thân hành may dệt trang phục giúp việc quân. Sau này, Ánh thu lại bờ cõi, có sum họp với đức nguyên phi nhưng dần cũng thưa vào ra cung nàng.

Bấy giờ, đang ủ ê với nàng Ngọc Bình, Ánh nghĩ: Mình lạt lẽo với Đức nguyên phi quá. Gắn bó với nhau lúc khốn cùng thì chẳng có mỹ nhân nào bằng nàng. Ánh bèn bảo thái giám đưa đến cung Nguyên phi.

“Nàng còn cầm giữ nửa thoi vàng xưa không?”.
Nguyên phi cung kính dâng:
“Thần thiếp dù nhịn đói, mặc rách, chứ quyết không bội tín”.
Ánh cầm nửa thoi vàng bị nhát kiếm chặt vát ngày xưa, cảm động lắm:

“Nàng còn giữ được vàng xưa là do ân trời đất giúp lúc khó khăn hoạn nạn. Ta không thể quên lãng. Phải để dành vàng này cho con cháu mai sau biết”.

Nói dứt lời, Ánh lấy nửa thoi vàng mình đang giữ, ráp với nửa thoi vàng của Nguyên phi thì vừa chằn chặn. Rồi giao hết cho nàng cất giữ.

Đêm ấy, Ánh ở lại cung Nguyên phi. Cảm giác ái ân vội vàng, thấp thỏm lúc chạy nạn quân Tây Sơn đuổi lại ùa về. Ánh quên hẳn mình đang ở giữa kinh thành Phú Xuân lộng lẫy vàng son.

*

Sau này, Trần Huy Sán bất đắc chí với đời. Y có viết một chương trong Phú xuân thực lục có đoạn rằng:

Thật là trớ trêu ở đời! Nguyễn Huệ Quang Trung chồng Ngọc Hân công chúa; Nguyễn Phúc Ánh Gia Long lại là chồng công chúa Ngọc Bình; hai kẻ cừu địch không đội trời chung bỗng dưng lại trở thành anh em “cột chèo”. Ta đồ rằng: Gia Long lấy Ngọc Bình chẳng phải là yêu chiều cành vàng lá ngọc mà là núp dưới chiêu bài tâm lý chiến bẩn thỉu để đoạt lại đến tận cùng nhà Tây Sơn, kể cả cái dị thường hư ảo. Ánh làm chính trị thâm độc, nghiệt ngã và khôn ngoan hơn Nguyễn Huệ…

Một đoạn khác viết:

Những năm cuối đời, Ngọc Bình sống trong cô đơn và thất vọng. Mỗi lần ở bên Ánh, nàng không chịu đựng được mùi binh khí lạnh lẽo va chạm vào nhau. Ta đồ rằng: 25 năm bôn tẩu, ý chí phục tộc ngút trời cao, Ánh đã bước qua bao nhiêu xác người, xác ngựa; đi qua bao nhiêu mộc, khiên, câu liêm, giáo, mác, gươm, kiếm… nhuốm máu. Mùi tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va chạm tụ lại thành mùi chết chóc ngấm vào da thịt Ánh. Vì vậy cứ mỗi lần ân ái xong là dị hương bị hút kiệt. Không! Mùi máu tanh tưởi và mùi khét binh khí đã lấn át trùm lấp, không cho dị hương của nàng tỏa ra.

Người xưa nói: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Ta đồ rằng: Nguyễn Huệ Quang Trung có sống lại cưới Ngọc Bình công chúa thì khát vọng của nàng cũng chìm trong bi kịch tuyệt vọng y như đoạn đời nàng sống với Nguyễn Ánh Gia Long.

Nghe đồn Đức tam phi đọc được đoạn này thì gật đầu. Nước mắt chảy lã chã hai hàng đỏ như máu.
Một đoạn khác Sán viết:

“Ánh là Tà hương, là âm u, lạnh lẽo, thiên về sức mạnh độc đoán. Ngọc Bình là Dị hương, là mùi thơm vừa trần tục vừa thanh tao, dịu dàng mà quý phái, cuồng dại mà thanh bình…chỉ hợp với Sán này”.

Có kẻ bên cung Nguyên phi ghen ghét Sán, trộm được Phú Xuân thực lục bèn dâng lên Nguyễn Ánh Gia Long. Ánh nghĩ: Té ra dị hương chưa bao giờ thuộc về mình mà lại thuộc về Sán. Có lẽ cái yếm thắm như một trò ma thuật. Y lại còn dám rủa ta là tà hương.

Ánh cho gọi Sán đến, mắng:

“Rút cuộc, ngươi cũng là loại phù thủy chọc gậy vào bánh xe”.

Sán bảo:

“Hạ thần chưa một lần xảo trá, luôn nghĩ và nói đúng sự thật”.

Ánh rút gươm khều lấy cái yếm thắm trong túi Sán, rồi mắng tiếp:

“Không những ngươi ám ta mà còn giở trò ma thuật để hút hồn đàn bà con gái đẹp”.

Sán im lặng trơ lì như đá.

“Lại còn cao ngạo nữa. Coi trời bằng vung. Tội ngươi thực đáng chém đầu”.

Sán vươn cổ cò ra như thách thức.

Một chớp sáng ngoằng như sét đánh giữa trời quang mây tạnh. Lần này, Ánh chém thật. Cái “chõ xôi” lăn lông lốc, rồi dừng lại, mắt Sán hấp háy, miệng nhếch mép cười cợt. Bỗng dưng, mùi dị hương ở đâu đó dào dạt xông lên rồi, mất hẳn. Về sau, có kẻ phán bừa rằng: dị hương ở yếm thắm đã tẩm hết vào người Sán. Khoảnh khắc đầu lìa khỏi cổ, chút dị hương còm ấy rút ra kết vón lại theo hồn vía Sán thăng thiên.

*

Đêm ấy, lòng dạ Ánh bồn chồn không yên.

Trăng hạ tuần đã gác mái điện Cần Chánh, Ánh vẫn không ngủ được. Ánh bảo thái giám đưa mình đến cung Đức tam phi Ngọc Bình.

Mỹ nhân đang tắm trong đêm khuya khoắt. Nàng ngập mình trong bồn vàng ngập nước thả đầy cánh hoa lan bé mỏng manh trắng muốt. Dị hương lãng đãng xa gần, quyến rũ vô cùng. Lòng Ánh nôn nao, không chịu nổi mùi gợi dục, vội vã cuống cuồng. Ánh hấp tấp y như chàng trai mười sáu tuổi lần đầu nhìn thấy thân thể người đẹp trắng nuột nà, nhào vào bồn tắm, làm nước tràn ra quá nửa. Nguyễn Ánh và mỹ nhân quấn lấy nhau như đôi thanh long giao phối đêm mưa bão. Từng chập từng chập nước sóng sánh tràn ra ngoài. Chỉ một lúc dập dềnh, nước dạt ra ngoài bồn tắm gần hết. Bao nhiêu cánh lan trắng nát bấy dính vào bồn tắm, nổi trên mặt nước thơm rập rờn bên da thịt mỹ nhân.

“Thưa Chúa thượng! Người cầm cái chi trong tay, cứ chạm vào da thịt thần thiếp nóng hổi?”.

Ánh đang ôm cổ mỹ nhân, vội bỏ tay ra, quơ quơ trước mặt nàng cái vật màu đỏ sũng nước lập lòe như đốm lửa.

“Cái yếm thắm của nàng. Ta chém đứt cổ cò thằng khốn ấy rồi”.

Trần Huy Sán đã chết!? Đức phi Ngọc Bình cảm thấy như tắc thở bởi mùi máu tanh tưởi và khét lạnh rợn ngợp của binh khí chạm vào nhau. Nàng rùng mình. Gân cơ co rút lại. Người thẳng đơ, cứng ngắc. Rồi thân thể ngọc ngà từ từ lạnh ngắt. Mỹ nhân đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh.


Lúc bọn thái giám vào, thấy Ánh đã khoác hờ tấm hoàng bào, ngồi bệt xuống sàn, thả một tay vào bồn tắm. Mặt ngơ ngác như người mất hồn vía. Hai mắt Đức phi tam cung nhắm hờ như ngủ. Tóc mây xõa lập lờ trong nước. Hai đùi dài khép sát. Thân thể đã mềm mại và trắng hồng trở lại. Thần sắc đã hồi. Văng vẳng đâu đó như có câu ca vọng vào tam cung:

“Gái đâu có gái lạ đời
Con vua lại lấy hai vua làm chồng”.

Cái yếm đỏ vụt bay khỏi tay Ánh lượn những đường ngoằn nghèo như hương khói.

Tháng 8. 2009
S.N.M




"Kiếm sắc" - Nguyễn Huy Thiệp - hvn - 25-02-2011

Kiếm sắc

Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân.

Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo, không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu. Lân can thế nào cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gÁnh vác giang sơn sao được ? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.

Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Ðịnh tìm cách lật đổ Tây Sơn, khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ "hiệp", chữ "lễ" làm trọng, không coi "nhân", "nghĩa", "trí", "tín" ra gì. Thỉnh thoảng, Ánh vào trong đất Thuận Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Ðàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cư thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua.

Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân. Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được. Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì mới thoát.

Ánh hỏi: "Ai vì nước Việt mà chết ?"

Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:

"Trượng phu quý mạng sống thế à ?"

Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người !"

Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành".

Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho. Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ TÁnh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".

Sáng mồng một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra chia lộc thÁnh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở. Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải !" Lân lại nói: "Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo: "Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng ?" Lân đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn ?" Ánh cau mày đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm". Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế ?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im không nói năng gì.

Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta cười cũng không được ư ?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất thảm khốc.

Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:

Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.


Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình Sông Núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:

Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.


Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng: "Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy ?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gÁnh nặng hơn người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi !" Tuy nói thế nhưng cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân: "Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát, nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".

Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi". Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai ? Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được". Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.

Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng, nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy ?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó ?" Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm không muốn rời tay.

Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt ?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân làm gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo ? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng ? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng người ngoại quốc ? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ nói: "Phải làm sao ?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".

Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải chịu.
ít bữa sau, Lân cãi trang, giắt theo ít vàng bạc, tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.

Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường, thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu, người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:

Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau


Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu. Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy ?" Cô con gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói: "Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại". Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái chủ quán.

Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cánh bèo bị sóng cuốn trôi. Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động.

Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc. Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.

Ðoạn Kết

Tôi, người viết truyện này, gần đây lên Ðà Bắc, đến Tu Lý ở trong nhà một người Mường. Chủ nhà tên là Quách Ngọc Minh có cho xem bài vị thờ tổ tiên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Quách Ngọc Minh cho biết tổ tiên ông là người Kinh. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông tên là Ðặng Phú Lân, có vợ tên là Ngô Thị Vinh Hoa vốn là một ca nữ. Lân và Hoa trốn vua lên Ðà Bắc, giả làm người Mường, về sau lập trại, sinh con đẻ cái ở đây. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông sinh thời từng gặp Nguyễn Du, tác giả cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh nổi tiếng. Tôi còn được con gái ông Quách Ngọc Minh tên là Quách Thị Trinh hát cho nghe một bài hát xưa, lời lẽ rất thanh tao về những chồi cây xanh.

Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi...

Hà Nội 1988
Nguyễn Huy Thiệp



Trần Đình Thu nói về "Dị hương" và "Kiếm sắc" - hvn - 25-02-2011


“DỊ HƯƠNG” KHÔNG GIỐNG “KIẾM SẮC” NHƯNG…

Trần Đình Thu

Những ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh sao chép Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Sau khi đọc cẩn thận 2 tác phẩm này tôi xin nói ngay: “Dị hương” không hề sao chép “Kiếm sắc”. Hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau. Cái giống nhau có chăng là cùng viết về đề tài Nguyễn Ánh. Nhưng trong khi Nguyễn Huy Thiệp viết về một Nguyễn Ánh chính trị thì Sương Nguyệt Minh viết về đời sống tình ái của ông, ẩn dưới một câu chuyện huyền hoặc dị hương.

Một số nhà phê bình viện dẫn ý kiến của một độc giả nào đó ở Đồng Nai tên là Bùi Công Thuấn để phê phán Dị hương. Ý kiến của ông Thuấn cho rằng “Dị hương sao chép cách viết của Nguyễn Huy Thiệp trong Kiếm sắc, từ chủ đề đến nội dung, tư tưởng, cách viết và văn phong” theo tôi là không đúng. Hai truyện ngắn này hoàn toàn khác nhau về chủ đề, về tư tưởng, về văn phong.

Ông độc giả tên Thuấn này còn viết rằng Sương Nguyệt Minh “Bắt chước câu văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng câu văn của Sương Nguyệt Minh chỉ là băm bổ dung tục. Bút lực của Sương Nguyệt Minh không sao sánh được Nguyễn Huy Thiệp. Nếu bút lực Nguyễn Huy Thiệp mạnh mẽ bao nhiêu thì bút lực Sương Nguyệt Minh èo ọt bấy nhiêu. Từ việc chọn bút pháp đến xử lý chi tiết, câu đối thoại và xây dựng tính cách nhân vật, Dị Hương của Sương Nguyệt Minh chỉ là bản nháp của Kiếm Sắc, bản đã bị Nguyễn Huy Thiệp vứt vào sọt rác” cũng là không đúng nốt.

Thực ra khi hai truyện ngắn đã rất khác nhau, chúng ta không thể so sánh như thế được. Cũng như ta không so sánh một cành hoa mai với một cành hoa đào xem cành hoa nào đẹp hơn. Sự thực, đọc Dị hương của Sương Nguyệt Minh tôi thấy rất thú vị. Truyện viết công phu, sức tưởng tượng phong phú, có nhiều tình tiết văn học đắt giá. Theo tôi Dị hương có đủ tư cách để nhận một giải thưởng theo tiêu chí của Hội nhà văn Việt Nam (hiển nhiên, tiêu chí của Hội nhà văn Việt Nam không hẳn được toàn thể cộng đồng yêu văn học Việt đồng ý.)

Điều tôi muốn nói không phải là chất lượng của tác phẩm, mà là tư tưởng của nhà văn.

Nguyễn Ánh, về sau là vua Gia Long, như chúng ta đã biết, là người sáng lập ra triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Do Việt Nam bị mất vào tay người Pháp trong giai đoạn nầy, nên các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975 trước đây quy kết trách nhiệm cho các vua nhà Nguyễn, trong đó có vua Gia Long - Nguyễn Ánh.

Đây là một sự thật nghiệt ngã trong đời sống học thuật của Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Lý giải về thái độ đánh giá trên, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: "Nguyên do sâu xa của vấn đề này là do bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ và cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu"

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng "Bối cảnh chính trị của cuộc cách mạng “phản đế - phản phong” cùng lập trường đấu tranh giai cấp và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã kéo dài sự đánh giá một sắc màu tiêu cực về nhà Nguyễn...".

Sau năm 1975, các nhà sử học Việt Nam đã bắt đầu có cái nhìn bình tĩnh và công tâm trở lại đối với triều Nguyễn.

Ông Dương Trung Quốc viết như sau:

"Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hoà, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng..."

Năm 2008, chúng ta đã tổ chức hội thảo "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX". Giáo sư Phan Huy Lê phát biểu rằng, các nhà sử học tham gia hội thảo ấy đều nhận thấy "sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội... các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực."

Viện dẫn một số tài liệu lịch sử như thế để tiện trao đổi về hai tác phẩm viết về đề tài Nguyễn Ánh.

Với Dị hương, Sương Nguyệt Minh dù viết sau Nguyễn Huy Thiệp đến hai mươi năm nhưng lại có cách nhìn “cũ” hơn Nguyễn Huy Thiệp. Sương Nguyệt Minh vẫn nhìn Nguyễn Ánh theo góc nhìn của các nhà sử học miền Bắc cách đây nửa thế kỷ, trong khi Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn đi trước thời đại. Nếu so sánh hai tác phẩm, thì cần so sánh ở chỗ này.

Nguyễn Ánh trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh hiện lên thật tệ hại. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo viết trong bài “Dị hương: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế” như sau: “Dị hương” mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ”.

Ở đây nổi lên vấn đề thái độ của nhà văn đối với sự công bằng lịch sử. Cùng viết về Nguyễn Ánh như nhau, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không hề có chút phỉ báng vua Gia Long, dù ông viết Kiếm sắc vào cái thời kỳ mà xã hội còn thành kiến nặng nề với Vương triều Nguyễn. Ngược lại, Sương Nguyệt Minh cầm bút khi mà xã hội đã rất cởi mở, thế nhưng nhà văn này vẫn còn xem vua Gia Long như là một nhân vật quái gở của lịch sử. Vì thế Sương Nguyệt Minh đã vẽ ra hình ảnh ông vua khai sáng triều Nguyễn quá thê thảm. Thê thảm hơn nhiều lần so với hình ảnh mà các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975 đã vẽ ra. Xấu thì cho xấu luôn. Xấu hết chỗ chê luôn. Đó phải chăng là ý định của Sương Nguyệt Minh khi bắt tay vào viết Dị hương? Hay là trong lúc mải mê tả những pha hấp dẫn, Sương Nguyệt Minh đã quá đà? Dù cách nào đi chăng nữa, thì ý thức “dậu đổ bìm leo” cũng hiện ra rất rõ.

Nhà văn hiển nhiên là có quyền hư cấu lịch sử khi viết văn. Nhưng hư cấu thế nào thì cũng phải cố gắng thoát ra ngoài cái bóng của những ứng xử xã hội thông thường trong thời đại mình đang sống. Viết về lịch sử, nhà văn phải có góc nhìn của nhà văn, không nên nhìn theo góc nhìn của nhà chính trị (trừ khi anh viết các tác phẩm thơ ca hò vè tuyên truyền cổ động phục vụ cho các phong trào).

Nhân đây tôi muốn nói thêm một chút về cái tầm của nhà văn.

Thời nào cũng vậy, luôn tồn tại hai khái niệm “người viết văn hay” và “nhà văn lớn”. Giải Nobel văn học không bao giờ trao cho người chỉ thuần túy “viết văn hay” mà phải trao cho “nhà văn lớn” (Hội nhà văn Việt Nam chúng ta có lẽ không có thông lệ này). Người viết văn hay có thể làm cho độc giả phát sốt lên, chạy đi mua sách của anh về đọc (như trường hợp Nguyễn Ngọc Tư), nhưng anh không nói lên được tiếng nói của thời đại anh đang sống. Nhà văn lớn thì khác, tác phẩm của họ không chỉ để đọc cho hay. Bởi vậy cùng viết về đề tài Tây Nam bộ, nhưng Nguyễn Ngọc Tư không bao giờ sánh được với “ông già Nam bộ” Sơn Nam là vì vậy.

Đọc những dòng trong Dị hương của Sương Nguyệt Minh, dù hay thì thật là hay nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc ở chỗ đó.

Giao thừa xuân Tân Mão.