Thi Ẩm Lâu
Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) (/thread-321.html)

Pages: 1 2 3 4 5


Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 19-02-2011

Nhà thơ Bùi Giáng


Bùi Giáng - Nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20

Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998).
Có lẽ những người yêu thơ Việt Nam vẫn còn nhớ ngày này cách đây 5 năm (7/10/1998), thi sĩ Bùi Giáng của chúng ta đã trút hơi thở cuối cùng ở Sài Gòn. Bùi Giáng, không chỉ là nhà thơ, mà đi xa hơn, ông chính là hiện thân của một "đạo thơ", một "thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn"...

Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã "can thiệp", xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là "lõi thơ". Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu là các cuốn Ngộ nhận, Hòa âm của điền dã, Hoàng tử bé)... mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại)... Ông lấy "thi tưởng" để "quán" hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là "ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ".

Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa nguồn:

"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù."


cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:

"Sài Gòn chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn."


Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được. Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:

"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".


Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh hoa của trời đất.

Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp. Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con".


Tất nhiên, ý thơ này là của Bùi Giáng chứ không phải của Trịnh Công Sơn. Cũng cần phải nói thêm, Trịnh Công Sơn đã từng sử dụng rất nhiều ý tưởng của Bùi Giáng cho nhạc của mình nhưng ít khi ông chính danh về điều đó. Ví như ý câu thơ "Từ khi trăng là nguyệt" vậy. Nhưng Bùi Giáng, theo chỗ tôi biết, chưa một lần có phản ứng về điều này. Đến khi Bùi Giáng mất, Trịnh Công Sơn là người đã khóc trên báo Thanh Niên số tưởng niệm Bùi Giáng. Trịnh Công Sơn viết đại ý, ngày còn sống Bùi tiên sinh đã có thơ tặng ông. Thơ viết rằng:

"Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng
Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi!".


Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp lại bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "Sa mạc phát tiến". Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta đã từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng hay "nhập đồng" phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và những tâm tình thơ.

Nguyễn Hữu Hồng Minh


RE: Bùi Giáng - Nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20 (st) - TieuChieu - 19-02-2011

Ði tu tâm niệm

Bùi Giáng

Ði tu em nhớ một lời

Ðừng bao giờ trở lại đời làm giai nhân

Ðừng đẹp đẽ đến vô ngần

Chỉ cần chút đỉnh đẹp tần ngần tu (đi)

Phật giáo trong thơ Bùi Giáng

[Hình: buigiang.jpg]

Không kể đến những thiền sư thi sĩ, Bùi Giáng là người duy nhất trên văn đàn Việt Nam có nguồn thơ thâm mật, trác tuyệt lấy từ cõi Phật giáo uyên nguyên. Ngôn ngữ Phật giáo trong thơ Bùi Giáng vừa là “thuật ngữ chuyên môn” của Kinh, vừa là thứ rất riêng của Bùi Giáng.

Với thứ ngôn ngữ đó, Bùi Giáng đã đưa kinh Phật về với cõi ba đào tuý luý tình mộng đổ xiêu của mình, cõi thơ Bùi Giáng trở nên lãng đãng bóng dáng, ngôn ngữ tinh mật thuyết thoại cùng bể dâu tuế nguyệt. Thơ Bùi Giáng vì vậy thấy gần gũi mà xa lạ; giản dị mà khó hiểu vô cùng.

Bùi Giáng suốt kiếp rong chơi – rong chơi cả trong tư tưởng, mặc dù ông đã phiêu du qua lắm ngõ ngách của cõi Đông – Tây nhưng chưa một lần ông chọn cho mình một ốc đảo cụ thể nào để quay về nương tựa. Trong ông là cả một đống tư tưởng hỗn-độn-hoà-hiệp của “đìu hiu con nhạn Hocderlin, con ngỗng trời bất tuyệt Nguyễn Du, con hạc vàng huyền ảo Nervel, con sư tử hống thời phương thảo lục Nietzsche”, của đức Lão, đức Khâu, đức Phật…

Công bằng mà nói, Phật giáo là nguồn “tài trợ” hào phóng cho cả thơ và đời Bùi Giáng. Xét về lối sống, Bùi Giáng đã phụng hiến cả đời mình. Ông học thói tiêu dao đã lệch xiêu của Đạo giáo, học kiểu sống tuỳ duyên, sắc sắc không không của Phật giáo theo cố chấp riêng của mình… Nhưng đậm đặc hơn cả vẫn là tư tưởng của Phật giáo. Ở điểm này, chưa thấy tu sĩ Phật giáo nào “học cùng bài” với ông lại làm như ông cả. Bởi ông là môt dạng thức của việc áp dụng thái quá và tổng hợp những tư tưởng mà ông học hỏi được. Vì vậy mà Bùi Giáng sống một đời phá chấp phá tướng gần như huỷ hoại, cố vùng vẫy thoát ra mắc lưới “chấp có lại dính chặt vào chấp không”: phá tướng phong nhã, hào hoa, nhà cao, cửa rộng lại trở về ưu ái chiếc áo trùng điệp màu sắc bẩn thỉu, quần lớp ba lớp bảy ngắn ngoài dài trong, ngủ phố, ngủ hè…

Phật dạy con người trở về với bản lai diện mục, Bùi Giáng hô hào đi tìm “nguyên mộng”, “nguyên xuân” và “trở về cố quận”. Thế giới thơ Bùi Giáng là thế giới biểu tượng thơ mộng và dịch giải ra, ấy là lời Phật. Bùi Giáng có lúc cao hứng còn cho rằng: có ngày “mưa nguồn”* sẽ chuyển dịch thành “kinh điển thơ ca… lúc đó Tăng Ni… sẽ ngâm thơ thay cho tụng kinh đọc chú”. Bùi Giáng nói như vậy, tất nhiên, trừ ông ra mãi mãi sẽ không có ai nói lời tương tự. Cho nên, nội lực thâm hậu của Bùi Giáng chỉ có thể là “tiếp dẫn đạo sư” cho nguồn thơ Việt, là ngọn gió tọc mạch khiến cho mây bình nguyên vần vũ đảo điên chứ không thể không ít nhiều làm đổ rụng, xiêu lệch tư tưởng Phật giáo uyên nguyên. Nhưng trừ những cố chấp đó ra, Bùi Giáng vẫn tỏ ra xứng đáng với danh hiệu “thi sĩ Bồ tát” mà giới bạn đọc đã dành tặng cho ông.

Xưa nay người ta nói nhiều về chữ “Tâm”: Nguyễn Du “lẩm cẩm” nói đi nói lại trong “Kiều”; Nguyễn Trãi bằng cách này cách nọ cũng mang chữ “Tâm” đi thuyết thoại lòng người; Trịnh Công Sơn diết da gào kêu đằm thắm: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”… và đến Bùi Giáng thì “tướng tuỳ tâm hiện”. Nhưng “tâm” Bùi Giáng thì hiện rặt những tồn hoạt đổ xiêu, trăng thuở trước, sóng ngàn sau… Qua đổ rụng thấy hoa lá rung rinh, qua thể thân chuyển dịch thấy thể thân được tao phùng với bao điều mới mẻ, tinh khôi trong mỗi phút, mỗi giờ:

“Đường đi ngõ quạnh lang thang,
Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay.
Trái tim mỗi mỗi mỗi ngày,
Mỗi giờ phút đọng mây trời rung rinh”.

Ấy là sự chuyển dịch, đổi thay của không gian, thời gian, bản chất và hiện tượng. Thời gian đi là nước đi. Hay đời người cũng đi? Bùi Giáng buộc mình ý thức trong từng sát-na sự ra đi của xác thân, của tình yêu, của vạn vật trong cõi ban sơ:

– Thân xương máu đã đành là uỷ mị.
– Em ở lại với đời ta em nhé.
– Em về mấy thế kỷ sau.
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.


“Mỗi sáng tôi nhìn mặt trời mọc trong mây,
Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,
Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây reo,
Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”.
(Nhìn thấy – “Đêm ngắm trăng” tr.27)

Có ý thức từng hơi thở vào ra mới thấy sự quý trọng và cần thiết của hơi thở. Bình lặng thở vào, mỉm cười thở ra, dẫu “mặt trời lặn”, “mặt trời mọc” thì hơi thở cũng trong lành và tĩnh tại.

Nhìn vạn vật đổi thay, em hãy là tấm gương sáng trong để tất cả qua đi soi mình vào đó. Sống là phụng hiến, là vươn lên. Nếu em buông thả cho tất cả qua đi trong vô ý thức, cuộc đời sẽ xám đen một màu ảm đạm. Đừng tỏ ra bất cần và chẳng hề tỉnh táo để nhận diện sự mầu nhiệm xung quanh. Nhưng nếu em “đưa tay nắm bắt để cầm; (em sẽ) nghe trong chút nắng sương chầm chậm bay”. Nắng giữ chẳng được, buông thả không xong, tất cả qua đi trong ý thức. Cứ nghe chim hót, lá reo. Cứ nhìn mặt trời mọc, mặt trời lặn mỗi sớm, mỗi chiều để thấy một bình minh, một mặt trăng đang nhón gót đến gần. Đừng cố níu giữ làm gì, rồi mặt trời sẽ mọc, mặt trời sẽ lặn, mỗi ngày mỗi mới, em sẽ tìm ra đúng nghĩa một đời vui.

Tha thiết cầu cứu cho chuồn chuồn, châu chấu, nguyên mộng, nguyên xuân… thơ Bùi Giáng vì vậy văng vẳng lời kêu “phản quan tự kỷ”. Chỉ với thiên nhiên huyền nhiệm, ta đã giàu có mà ta lại làm “cùng tử lang thang” đi tìm cầu mọi thứ để khi sức mòn lực kiệt mới thảng thốt gào kêu: Cố hương ơi, đường trở về sao quá xa xôi! Ôi quê hương, cố quận! Ôi, nguyên mộng, nguyên xuân! Cuối cùng rồi ta cũng gặp ngươi, gặp lại tình ta. Hoát nhiên ta “đại ngộ” vì sao Bùi Giáng nói:

“Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.
hay :
“Từ đâu ngươi đến? – Từ đây ta về”.

Hành trình lữ thứ để quy hồi cố quận, có ai ngờ, càng đi càng xa. Hãy đi để trở về, “hãy đến đi để thấy”, “hãy như thực tri chứng”. Cũng như:

“Người nằm ngủ thấy gì,
Thấy rất nhiều nắng lạ,
Những chùm bông rất xanh,
Có lẽ bông là lá.
Người nằm ngủ thấy gì,
Chẳng thấy gì hết cả.
Ngài thử nằm ngủ đi,
Đừng hỏi gì hết cả”.
(Có lẽ – “Mưa nguồn…” tr. 359)

Nắng, lá, bông ngươi thấy không như thấy. Cái ngươi thấy sẽ khác cái ta thấy. Hãy ngủ đi để thấy, hỏi có ích gì. Hãy bỏ chân xuống tháng ngày, đừng bắt chước bọn thi sĩ lếu láo “quanh năm ru rú trong tháp ngà mà liên miên thuyết thoại về dâu biển tinh sương chan hoà tuế nguyệt”? Lời suông có ích gì, chỉ méo mó xiêu lệch mà thôi. Không ai lấy cắp được đoá hoa trong tâm hồn người khác, mặt trăng rỗng tuếch tư niệm soi xuống nhân gian như ngàn vạn đoá hoa dâng tặng hồn người. Bùi Giáng cảm nhận được và cố chỉ cho người khác nhưng lại khuyến cáo “ngón tay không phải là mặt trăng”. Không đến sẽ không thấy, kẻ “như thực tri chứng” trong trường hợp này chỉ biết ngước mắt nhìn trăng thơ mộng mà cảm thương: ước gì ta có thể cho ngươi vầng trăng đẹp này!

Đọc thơ Bùi Giáng không bằng hiểu Bùi Giáng. Hiểu Bùi Giáng không bằng cùng Bùi Giáng bỏ chân xuống tháng ngày. Bảo rằng nhìn thơ Bùi Giáng qua nhãn quan Phật giáo là nhạt nhẽo, méo mó… Hãy đến đi, để thấy… Dẫu sao, Bùi Giáng cũng từng nhắn nhủ: “Chúng ta quên một cách quá dễ dàng, vắng một nhà tư tưởng tác động một cách thiết cốt nhất, chính là những điểm ông bị kích bác hơn là những điểm ông được tán đồng”. Biết vậy, Bùi Giáng mặc ai khen, ai chê, đã “tự tại với tâm” thì “tự tại với pháp”.

Yến Tử
(Nguồn: Liễu Quán)



Ý thức rằng màu sương đang mòn ruỗng, chiếc lá chuyển màu, dòng nước miệt mài trôi và những yêu thương rồi cũng mất… là những ý thức tạo nên nghị lực sống thù thắng phi thường, một can đảm để chấp thuận ngang ngửa bể dâu, dù lắm lúc cũng dở khóc cười và chất ngất điêu linh. Nhưng … hãy mỉm cười đi, trong huỷ diệt đã sẵn mầm sự sống, trong buốt giá mùa đông “thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”.

(Theo: hoalinhthoai.com)


RE: Bùi Giáng - Nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20 (st) - lanhdien - 08-07-2011

Bùi Giáng – Một thưở rong chơi

.Người ta nói về Bùi Giáng quá nhiều rồi, có lẽ nhiều không kém so với những gì ông đã để lại trong văn thơ, dịch thuật suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình. Người ta cũng đặt ra nhiều câu chuyện xoay quanh ông, kẻ coi ông là người điên, người thì xem ông là nhà thơ kỳ dị siêu phàm. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, với khả năng sáng tác sung mãn hàng nghìn bài thơ, số lượng đầu sách in kỷ lục, phong cách dịch thuật tuyệt vời (tiêu biểu như cuốn “Hoàng tử bé”, “Ngộ nhận”, “Khung cửa hẹp” …, lại thêm đời sống rong chơi nhàn nhã, bia rượu tràn trề; ông xứng đáng được vinh danh là ngôi sao lớn trên bầu trời văn nghệ miền Nam trước giải phóng, là“nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20″ (trích lời Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là con cháu đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Sinh thời, ông tự ghi tiểu sử cho mình, cao hứng nhất là những năm tháng sau giải phóng:

- Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang.
- Rong chơi như hài nhi (con nít).
- Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh.
- Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc…..
- Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô).


Ông qua đời tháng 10 năm 1998 tại bệnh viện Chỡ Rẫy, để lại niềm thương tiếc cho đông đảo độc giả và giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Tìm hiểu thêm về cuộc đời sáng tác của ông, người ta lại càng thấy thêm kinh ngạc. Có người hỏi ông về việc đó, ông chỉ đáp “vui thôi mà” – đấy, cái lẽ nó đơn giản như vậy thôi mà đủ biến ông thành con người “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ” Khi trước, có lúc người ta thấy một Bùi Giáng lang thang giữa phố phường Sài Gòn trong bộ dạng của người điên, ông hành sự ăn nói cũng thất thường, lúc lại nghêu ngao đọc thơ; rút cục ông có mắc bệnh điên hay không? Đúng là ông đã từng vào điều trị tại Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, nhưng trong mắt của Trần Đới:


Một sự thực là Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tỉnh lại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống.

Còn Nhất Thanh thì cho rằng:

Ồ, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả chúng ta.

Truyện đời ông là thế, vậy còn thơ ông có gì độc đáo? Người viết bài này chưa đủ điều kiện đọc hết thơ ông, cũng không đủ khả năng ngôn từ để hiểu và diễn giải hết hàng nghìn bài thơ ông đã viết, chỉ xin điểm qua đôi nét chính.

Người đọc Việt Nam sớm biết đến ông qua sự trong trẻo và tươi vui của tập thơ “Mưa nguồn”:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào…

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân


rồi sau đó là hình ảnh của mùa xuân trong con mắt ông:

Én đầu xuân, tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
Xuân này em có về không
Nhành mai cố quận nở bông dịu dàng
Mỗi mùa xuân lá trổ bông
Quên tờ cung chúc cũng không hề gì


Và sau này là những khía cạnh thực của xã hội mà ông đúc kết qua những năm tháng sống ngao du:

Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ,
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu
Là nơi đó chốn kia anh rất rõ
Trong máu me từng khoảnh khắc sơ đầu
Hỡi Thượng Đế! Cúi đầu con thưa lại
Ở trần gian ai cũng khổ liên miên
Người đã dựng cảnh tù đày đọa mãi
Để làm gì? Cho sáng nghĩa Vô Biên?


Tình yêu và hình ảnh người phụ nữ trong thơ ông cũng lạ kỳ và tinh tế vô cùng:

Rằng xưa ký ức đàn bà
Tên là phụ nữ, tuổi là dấn thân.


Người con gái mặc quần

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
Đen và đỏ là hai màu rồi đó
Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
Vàng và tím là hai màu mỉm miệng
Mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì là lành rách cũng long lanh.



Áo xanh

Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua.
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.


Cứ lục bát, cứ dân gian, cứ dạ thưa, Bùi Giáng như làm sống lại một nền văn học trời Nam. Người ta mãi tấm tắc nhiều câu thơ trác tuyệt của ông, nhẹ nhàng mà thâm thúy:

Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa.
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.

Anh điên dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu.

Chén trà sương sớm bên thềm
Vừa chờ chim hót vừa thèm chim (chiêm) bao.

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Thuyền con chiếc lá giữa trời,
Thơ văn tiếng thở như lời tơ than.
Trông vời hồng rụng ngổn ngang,
Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia.

Bây giờ ngó lại người ta
Gẫm rằng thiên hạ ai là đi tu.


“Phóng túng hình hài, ngang tàng tính mệnh” – đúng như Bùi Vũ Nam Sơn đã khái quát về ông, Bùi Giáng luôn nửa say nửa tỉnh giữa đời, thơ ông hay mà lạ, nhiều mà chất; những câu thơ của ông, theo Phạm Thị Hoài, thì phải “có một chỗ trang trọng trong bảo tàng văn học Việt Nam”. Người ta còn muốn lấy tháng 10 hàng năm làm ngày trao “Giải thưởng Bùi Giáng” cho những sáng tác hay dịch thuật văn học thể hiện mạnh mẽ ước vọng mà Bùi Giáng tận mình đi theo – ước vọng tự do và sáng tạo. Và để kết bài viết về con người Bùi Giáng một thưở, xin mượn đôi câu thơ của chính ông viết về mình:

Sài Gòn chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn.


Nguồn: http://www.icouple.sg/blog/reading-stuff/809


RE: Bùi Giáng - Nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20 (st) - lanhdien - 08-07-2011

Mắt Buồn


Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão dông

Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con


Bùi Giáng


RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 22-09-2011

Viết vào Bùi Giáng mong manh...


"Đêm nay
Những lứa đôi gặp gỡ
Để ngày mai
Ra đời
Những đứa trẻ mồ côi"...
(Bertolt Brecht)


Trong bài Bài Thơ Ấy của Trung niên thi sĩ, có hai câu
"Viết vào tờ giấy mong manh
Bao nhiêu tình tự long lanh không lời".


Đọc thơ Bùi Giáng là thuốc thử về quan niệm thơ, về mỹ học thi ca. Đã và sẽ không ai sai nhiều lắm, cũng không ai đúng là bao, khi bình bàn về thơ họ Bùi. Nhắc về cái tuyệt đỉnh trong thơ Bùi Giáng, độ cao sâu tư tưởng ở trước tác Bùi Giáng nhiều bao nhiêu cũng thấy thiếu; mà chỉ ra những câu thơ dở, những bài thơ tệ, những đoạn văn chán trong chữ nghĩa Bùi Giáng bao nhiêu cũng bằng thừa.

Cái Hay cái Dở ăn ở ở thơ Bùi Giáng

Hay dở dở hay: Đây là đầu mối của các bình giá về thơ Bùi Giáng!
Đa số các nhà phê bình đều đánh giá thơ Bùi Giáng đến mức cạn nguồn tiếng Việt ở độ ca ngợi. Tôi theo "phe" này, nhưng ngợi ca bằng lời nôm: thơ Bùi Giáng, một là: hay... ơi là hay; hai là: không phải chỉ có hay! "Phe" chê thì không nhiều, điển hình là Trần Hữu Thục, Thụy Khuê, Phan Nhiên Hạo...

Giá có ai cầm bút dọa... giết, tôi cũng không đồng ý với Trần Hữu Thục rằng: "Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay – chưa hẳn là rất hay –, còn lại hầu hết thơ ông đều dở", "Ta có thể nói, cái dở trở thành tính cách của thơ ông". Cũng như ít san sẻ được với Thụy Khuê: "Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng". Vâng, sự nhàm lặp là có. Nhưng với cái "thằng" nhàm lặp chịu trách nhiệm ở nhiều câu dở, cũng khó có thể thể thổi tội hắn lên như vậy. Trong một dịp ngồi chuyện phiếm với Phạm Duy, tôi nhắc đến thơ họ Bùi với ý ca, họ Phạm gật gù vẻ cho qua, rồi không đừng được ông hơi nhăn mặt: "Nhưng lắm câu nhàm! Lặp lại quá, cậu ạ!" Cái nhàm ở cấu tứ, nhịp điệu, ngôn từ trong thơ Bùi Giáng, nhiều người nhận ra như thế. Nguyễn Hưng Quốc đã bình giá thơ Bùi Giáng mà tôi nghĩ có thể như một lý giải khả ái về vụ nhàm lặp: "Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhòa của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay". Tôi thật tiếc cho Thụy Khuê khi chị tiếc cho một cái tiếc xây nên tất cả "ngôi nhà Bùi Giáng", tác phẩm cùng con người: "Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá (...) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại". Ô! Nếu như Bùi quân đừng thế này phải thế kia (đóng complet, leo lên mạng mà chat mà mail thì thơ của ông đã... giáng trần mất rồi!

Thưởng thức thơ, bất nhất như với ẩm thực. Vì "mùi sầu riêng" ở thơ Bùi Giáng mà sinh tranh cãi – đó là điều dễ hiểu. Như, trong bài Tặng Quán Phở Huyền Trân,
"Hai cô bán phở dịu dàng
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta
Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
( . . . )
Tuỳ thời thể dựng mà tuy nhiên là"

khi mà Nguyễn Hưng Quốc ngạc nhiên "Ai cũng thấy rõ hai câu đầu và sáu câu sau có giọng điệu khác hẳn nhau. Vậy mà, riêng tôi, thú thật, tôi không hiểu tại sao Bùi Giáng có thể chuyển từ hai câu đầu xuống sáu câu dưới một cách dễ dàng tự nhiên như vậy", thì cũng thú thật là tôi hiểu tại sao rồi.

Cái dở trong thơ của các nhà thơ hay

Sẽ rất thú vị về những phát hiện vết đen trên mặt trời thi ca mà các chiêm tinh gia, thiên văn gia với đầy đủ kính viễn vọng, vô tình hay cố ý, hoặc bị ràng buộc bởi cách thức phê bình đã không nhận ra ở các bài phê bình mô phạm. Cái dở trong thơ của các nhà thơ hay. Đó không phải dọn vườn thơ ở các thi sĩ đã mang thương hiệu. Càng không là hành vi "lật đít tượng" hay "đốt đền"! Đó cũng không hẳn là "nói đến cái dở thì cũng chỉ cốt làm nổi cái hay" (Hoài Thanh). Tìm hiểu điều dở trong thơ ở các thi nhân, xét cho cùng, là – vươn qua các thi nhân cụ thể – để thấy cái thú vô tận trong cõi chung, bất định, bất toàn của nghệ thuật thi ca.

Với các bậc kỳ tài, có những cái dở tệ trong thơ có thể chấp nhận được. Nhưng, thơ rất khó tính: có những cái thơ không thể cho phép một nhà thơ đã đến thế mà lại có thể hạ một chữ thơ, một câu thơ, một bài thơ như thế. Điều đó nằm ở đâu: Đề tài? Nội dung? Chi tiết? Câu chữ? Cấu tứ? Hình tượng? Nhịp điệu? Âm vần? Xúc cảm? Tất cả đều có thể. Và ở từng tác giả, từng câu, bài cụ thể nó hiện ra mỗi cách, khi hiển hiện khi ẩn tàng. Trong thơ, chúng là cái dở vô cớ; nói nôm là lãng xẹt, vớ vẩn. Phân tích từng nhà thơ với văn phong, tính cách, cuộc đời, bối cảnh xã hội… ta có thể tiếp cận nguyên do của các cái dở vô cớ. Nói chung, với những nhà thơ tránh được lỗi này, ta gọi họ là những người biết tự biên tập thơ. Làm thơ là khó, là phiêu lưu; biên tập thơ là chuyện sống chết! Chiến công trong các chuyện sửa thơ thường được lưu truyền như giai thoại.

Bạn bè chúng tôi hay bày trò lập "Top” cho thơ Việt hiện đại. Đương nhiên kết quả rất khác nhau. Tùy sân chơi. Tôi ghi nhận được rằng Bùi Giáng thường có trong "Top-10"; thi thoảng lọt vào "Top-7"; rất hiếm khi trúng "Top-5". Trong các nhà thơ được xếp hạng đó, hình như Thanh Tâm Tuyền, Huy Cận là các nhà thơ ít có những cái dở vô cớ. Xuân Diệu, Nguyễn Bính rồi Bùi tiên sinh nhà ta là các đấng tài hoa kiêm các đấng "hơi bị nhiều" các cái dở vô cớ, các đoạn, bài vớ vẩn. Thật chí vớ va vớ vẩn! (Ở đây không xét những gì gọi là "phục vụ chính trị" đưa đến cái dở vô cớ của một số vị nói trên. Nhấn mạnh: quan hệ giữa chính trị và chất lượng thơ lại là một đề tài khác. Ta đang hàm ý việc nhiều nhà thơ vốn không hạp gu chính trị thì dễ có cái dở vô cớ ở thơ trong khi phải phục vụ chính trị tức thời.)

Còn điều nữa, tương tự: Cái dở trong các bài thơ hay. Tìm hiểu điều dở, điểm bất cập trong những thi phẩm đã được xếp hạng kinh điển xét cho cùng, là – vươn qua các thi phẩm cụ thể – để thấy cái thú vô tận trong cõi chung, bất định, bất toàn của thi ca.

Hàn Mặc Tử có thơ rằng "Người thơ phong vận như thơ ấy". Bùi Giáng có một đời thơ; và trên hết, còn có những bài thơ, có một trường thơ vĩnh cửu trong làng thi ca tiếng Việt.

Các tiểu phẩm, dịch phẩm, biên khảo, sách giáo khoa của thi sĩ dường như chỉ mang giá trị tinh thần, không nhiều người tìm được giá trị sử dụng. Đọc xong ít nhiều trang văn xuôi của ông, tôi chẳng biết dùng nó vào việc gì, nhưng đinh ninh chúng là thứ của chìm cho hành trang sáng tác, suy tư của mình. Còn với Phan Nhiên Hạo: " (…) biết rõ, ngay từ lần đầu tiên đọc Bùi Giáng, tôi không thích văn chương ông. (...) và tôi không chịu được dịch thuật của ông. Thơ ông làm theo những thể điệu cũ, vừa trong sáng nhưng cũng vừa cầu kỳ, giọng điệu vừa đùa cợt lại vừa trịnh trọng, và phảng phất một không khí cổ. Còn dịch thuật, phải nói ông phóng tác thì đúng hơn. Mà phóng tác như viết kiếm hiệp. (…) kiểu văn chương "phiêu bồng" của Bùi Giáng dường như ở quá xa mặt đất đối với tôi." Trang lứa đàn em Phan Nhiên Hạo bây giờ, chắc sẽ dành hàng giờ để sục xạo các mạng hơn là đọc những trang văn Bùi Giáng nửa đùa nửa thật, nửa thấp nửa cao. Nên tôi giật mình trước chi tiết Nguyễn Hữu Hồng Minh đưa ra: "Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp lại bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho nghệ thuật". Phải chăng chính tiên sinh nhận ra, hơn ai hết, chất lỏng lẻo, bất nhất, tang bồng trong các áng văn thơ đó và ngài ngại bị chất vấn đến cùng? Hay vì ngài là cái nòi không muốn đặt đích cho công việc, nên không chịu trước tác "thẳng lối ngay hàng" để có các trang bài mà Phan Nhiên Hạo trông chờ? Nền văn nghệ, văn hóa miền Nam 1954-1975 với đặc thù của mình đã sinh ra được vài kỳ nhân. Xã hội Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua, chưa ở đâu có được những Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện như vậy. Những "thiên thần" đó đều có... "ma quỷ" trong mình.

Nhìn Bùi Giáng "đi vào cõi thơ"

Đi Vào Cõi Thơ, có thể xem đây là tập phê bình (nửa bình luận nửa nhận định) văn chương đặc trưng phong cách Bùi Giáng. Không khó đọc, như nhiều trang văn xuôi khác của ông. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris, 1998, tái bản (từ bản in lần đầu 1969, nhà Ca Dao, Sài Gòn, 1969); hai cuốn, mỗi cuốn trên dưới 160 trang, khổ thường, trình bày sang, trong sáng. Nhìn chung các bài đều ngắn, 2-3 trang, nhiều bài chỉ 5-6 câu, nửa trang. (Gọi là trang cho tiện, chứ các trang của hai cuốn sách này chứa rất ít chữ). Ở cuốn Hai (mang tên Thi Ca Tư Tưởng – Sổ Đoạn Trường) kích cỡ các bài khá đều; cuốn Một thì thất thường: những bài chỉ 3-4 câu (về Dylan Thomas, Walt Whitman); vài bài thiệt dài: về Huy Cận (21 trang), Hoài Khanh (13 trang), Quang Dũng (8 trang), Tuệ Sỹ (8 trang). Nếu Anton Tchekhov làm phê bình gia, chắc ông sẽ không cần phải mơ đến "những bài gọn bằng một bàn tay" nữa. Chúng có trong Đi Vào Cõi Thơ rồi!
Bùi Giáng đã phê, bình, bàn... về nhiều nhà thơ, nhà tư tưởng cổ kim Đông-Tây. Ở cuốn Hai, vài chủ điểm chung chung cũng được đáo qua (dịch, thi ca, triết lý, Thượng Đế). Chừng 90 tác giả khá tiêu biểu được chọn làm tên bài, và hầu như tên bài cũng chỉ là tên tác giả cần bàn tới. Những tác giả được viết thành bài nhiều nhất là Hồ Dzếnh (7 lần), Nguyễn Du (6), Xuân Diệu (3), Huy Cận (3), Đinh Hùng (3), Phạm Hầu (2), Hoài Thanh (2), Đỗ Long Vân (2), Hoài Khanh (2), Mai Vân Thu (2), Khổng Tử (2), Shakespreare (2), Martin Heidegger (2)... Một lần tác giả tự bình mình, trong bài Bùi Giáng (trang 98, cuốn Một).

Nhà An Tiêm đã có một thao tác thừa mà rất nhà nghề, khiến tập sách và tác giả thêm điểm: Lưu ý độc giả rằng tác giả, vì các hoàn cảnh éo le, không thể viết tiếp các tập 3, 4, v.v... như dự định "để cố tránh sự ngộ nhận, bởi vì còn nhiều nhà thơ tài ba mà Bùi Giáng chưa đề cập đến." Khỏi cần thanh minh. Mọi cách thức phê bình đều có chỗ mạnh yếu. Bản thân lối phê bình theo thị hiếu cá nhân đã là bất cập về tuyển chọn. Chả thế Hoàng Trung Thông từng viết về Hoài Thanh: "Đừng trách anh tại sao chỉ nói nhiều về người này mà ít nói về người kia." Cũng như các tác phẩm hay dở dở hay của Bùi Giáng, tập sách này nếu biên tập chỉn chu, chắc phải bỏ đến mươi bài.

Phương cách luận thơ của ông cũng theo lối bình giải văn học, với nội dung và hình thức độc nhất vô nhị. Và, vẫn như Hoài Thanh – Hoài Chân làm Thi Nhân Việt Nam, cách tuyển chọn, bình giải ở đây không qui luật, hoàn toàn "phê bình cảm thụ hồn nhiên theo thị hiếu cá nhân". Phong cách của Hoài Thanh thì sang cả, nhẹ nhõm mà tinh vi. Còn với Bùi Giáng "nhiều khi đọc lên thật bàng hoàng. Với nhận xét tinh tế, độc sáng về một khía cạnh nào đó của một tác giả thơ nào đó." (Tạp chí Thời Văn, Sài Gòn; trang bìa cuối cuốn Hai). Tôi còn nhớ, khi đọc lần đầu, các bài như những đoản kiếm khi đâm thẳng lúc lao xiên vào nỗi ham biết về thơ ca, vào cái tò mò về Bùi Giáng của tôi. Trong bài về Hoài Thanh (trang 70, cuốn Hai), Bùi Giáng đã viết về người thày cũ của ông, rằng phong cách phê bình Hoài Thanh tạo ra "không biết bao nhiêu con đường cho những thi sĩ và phê bình gia đi sau". Xin được nói thêm: Bùi Giáng là một. Người sau nên và có thể đi theo Hoài Thanh được; và người sau không nên mà cũng không thể đi theo Bùi Giáng được.

Bài đầu tiên của cuốn Một, về Tuệ Sỹ, là một áng phê bình không thể nào quên. Làm ta hiểu đúng và hiểu hay về Tuệ Sỹ, nhà sư-nhà thơ mà theo tôi có thơ hay nhất trong giới tu hành (tức tính cả Phạm Thiên Thư.) Các bài hay khác: Hoài Thanh, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa, Đỗ Long Vân, Huy Cận...

Bài Vui Nhất Và Buồn Nhất (trang 110, cuốn Hai) là tản văn ngắn, dung dị, châm đến một cốt tủy của thơ, ít người viết ra: làm sao nói được nỗi vui nhất bằng thơ! Xứng đáng đứng vào văn tuyển cho học sinh.
Bài Đỗ Long Vân (trang 66, cuốn Một) chỉ có ngần này câu chữ – "Đỗ Long Vân không làm thơ, nhưng lại là kẻ có tâm hồn thơ sâu đậm thâm thiết rộng rãi hơn bất cứ kẻ thi sĩ nào. Trường hợp ông cũng như trường hợp Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... mang tâm hồn thi sĩ giấn mình vào cuộc biên khảo ngậm ngùi" – mà sao lênh láng, ngậm ngùi. Ở sự đúng và sự thơ. Bài Đỗ Long Vân khác ở trang 87 cũng trúng lắm!

Bùi Giáng tài đúc những câu bảng hiệu cho nhiều tác giả: "Nguồn thơ Đinh Hùng trong Mê Hồn Ca là nguồn thơ lạ nhất trong thi ca Việt Nam." (trang 38, cuốn Hai); "Ngôn ngữ thơ Việt Nam thành tựu bởi Nguyễn Du. Văn xuôi Việt Nam đạt tới cõi thâm viễn với Hoài Thanh." (trang 70, cuốn Hai); "Thơ Huy Cận quả có như là cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương." (trang 98, cuốn Hai).

Người thơ được thành bài nhiều lần nhất là Hồ Dzếnh: 7 lần! (Nguyễn Du chính thức là 6 lần, nhưng thơ và con người của "cha nàng Kiều" thì đi tới đi lui trong hai cuốn sách.) Tôi hơi khó hiểu vì sự hợp "gu" giữa hai nhà thơ này. Có thể giải thích thế nào: Cùng là thần lục bát? Cùng tâm trạng tha hương bỏ xứ, cô đơn? Đây cũng xin là một câu hỏi tới các nhà Bùi Giáng học. Đọc 7 bài bình ấy, tôi thấy nó không sai, không trúng; thú vị thôi, chớ không thần phục. Tôi cũng mê thích thi sĩ Minh Hương này lắm, coi ông như một trong các đại tướng của quân chủng lục bát Việt Nam, nhưng cái mê thích của tôi khác với Bùi tiên sinh nhiều quá. Chắc tôi chưa hiểu hết Hồ Dzếnh rồi! Sẽ phải đọc lại các bài Giang Tây, Phút Linh Cầu từng khiến Bùi Giáng "bải hoải chân tay".

Và cũng chính từ hai bàn tay ấy có biết bao lời bình rất... chán:
– Sáo tai, nhàm mắt: "Nghĩ tới Nguyễn Trãi, không còn can đảm đâu viết nên một lời gì cả" (trang 64, cuốn Một);

– Đại ngôn, tếu táo: "Đọc ông Nguyễn Du mãi cũng chán. (...) Thơ Nguyễn Công Trứ là một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi (...) Hàng vạn bài na ná giọng điệu giống nhau. Chỉ còn mấy bài của Ngân Giang nữ sĩ và Vân Đài nữ sĩ là có linh hồn" (trang 30, cuốn Hai); "Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia (bài Rằm Tháng Giêng – ĐQ) của Hồ Dzếnh" (trang 36, cuốn Hai);

– Không thuyết phục: "Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ Bà Huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm" (trang 124, cuốn Một).
Họ Bùi bình chọn không ít các nhà thơ chưa, đang thành danh, nhưng tôi thấy hiếm có bài nào thành công. Không phải vì tên tuổi các vị đó không rạng rỡ như các vị thành danh, mà chính là ở chất lượng bài viết. Chúng làm dở một tác phẩm quí hiếm như Đi Vào Cõi Thơ! Dễ có cảm giác ông có các bài ấy vì thù tạc, hoặc vì ẩu! Có những bài tệ tới độ không phải bình thơ mà là bàn tán loạn! Như các bài Mai Vân Thu, Phạm Quang Bình...
Võ Phiến cũng nhận xét: "Nói về một thi sĩ khác, ông bảo khỏi cần trích thơ, chỉ cần nên ra các tên bài cũng đủ. Và ông liệt kê một loạt tên bài tùm lum; chỉ có tên bài thôi. Có nhiều thi sĩ, ông "đi vào cõi thơ" của người ta một hồi mà không thấy ông chọn được bài nào, thậm chí một ý hay một câu hay, một chữ đẹp cũng không! Như thể bận tâm chứng minh là một bận tâm nhỏ mọn quá, ti tiểu quá, không đáng lí đến."

Võ Phiến đã tinh tường nhìn ra vài bất cập ở cách bình luận trong hai cuốn sách, khi tác giả động đến các thi sĩ cùng thời, các bạn thơ của ông: "Khi khác, Đi vào cõi thơ (1969) của các thi sĩ cùng thời với mình, Bùi Giáng càng tỏ ra tinh quái quá lắm. Chẳng hạn về trường hợp một thi sĩ nọ – đồng hương với ông – ông nói qua nói lại một hồi, rồi ông bảo trót đánh mất tập thơ của bạn nên không trích được bài nào. Sau này, có dịp cầm chính tập thơ nọ trong tay, tôi loanh quanh tìm mãi không thấy có bài nào trích được! Vậy Bùi Giáng có mất sách thực chăng? Và không tìm ra cuốn sách nào khác của bạn thực chãng? Lẽ nào ba muơi nãm trước ở Việt Nam thơ ấy khó tìm hơn ba muơi nãm sau ở Mĩ? Vả lại, không chỉ có trường hợp người bạn vừa kể. Chuyện như thế xảy ra đều đều". Hai tác giả được Võ Phiến nhắc đến mà Bùi Giáng "chạy làng" là: Tạ Ký (trang 109, cuốn Một) và Đặng Tấn Tới (trang 168, cuốn Hai).

Tôi không khẳng định có thật là Bùi Giáng không có sách của hai-ba người đó hay không. Cũng không cho việc cả Bùi Giáng lẫn Võ Phiến không chọn được bài thơ nào thì tập thơ đó phải dở. (Chúng ta đang nói về phương pháp bình chọn theo "gu" mà!) Nhưng nếu Võ Phiến có lý thì, xin thưa rằng bảo "tinh quái" là ông nói yêu đấy thôi. Hay vì ông đã trọng tuổi nên dư lòng tha thứ! Kẻ viết bài này thua ông 2-3 thế hệ nên cũng ráng bảo Bùi quân là "quái". Còn đám trẻ hơn, thế hệ "gọi con mèo là con mèo", sẽ la lên: "Cụ Bùi xạo quá tụi bây nè!" Nếu như Bùi quân có thủ sách trong tay nhưng không khoái trích dẫn thì quả đấy là một giọng... trí trá (xin lỗi tôi chưa tìm được từ khác nhẹ hơn!) Ai cũng biết trong nghề phê bình, tội trí trá được xem là tệ nhất! Nhưng mà thôi, tha lỗi cho tôi chót nặng lời. Là Bùi "siêu quậy" của thi ca Việt Nam, lời nhận định của ông cũng quậy, "cũng đi rồi đến". Chúng ta nên đọc ông với một tâm thế riêng trong tương quan của mình với ông.

Một điểm này thì vui vui. Điều chính của bài Quang Dũng (trang 88, cuốn Một) là bình bài thơ Kẻ Ở để chứng minh nhận định (cũng nên coi như một ''đại ngôn" của tác giả): "Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi". Đoạn bình Kẻ Ở và toàn bài Quang Dũng có thể xem là thành công. Nó chỉ "thất bại" ở chỗ, tác giả lời bình cũng bị số phận như đa số dư luận yêu thơ khác – đó là biết bao nhiêu năm đã bé cái lầm về tác giả bài thơ quen thuộc. Quang Dũng "người Sơn Tây" không phải là tác giả của nó đâu ạ! Từ những năm 1989-1992, báo chí trong nước, rồi ngoài nước, đã "trả cát bụi về cho cát bụi": bài thơ Kẻ Ở trước được biết của Quang Dũng chính là bài Dặm Về (hay Mai Chị Về) của Nguyễn Đình Tiên. Báo Cánh Én (Đức, số 15, 1992) đã có bài của V.X.L. tổng kết vụ này. Các nghi án văn học đều kèm theo tai nạn. Trời giáng ai nấy chịu. Đến "người trời" như Bùi Giáng cũng không thoát được. (Phụ lục 1)

Thục quốc danh tướng, Việt Nam lục bát thi sĩ và Bùi Giáng

Nếu Bùi Giáng (chỉ) là thơ, thì thơ Bùi Giáng (chỉ) là lục bát.
Tôi sẽ ví các danh tướng nhà Thục thời Tam Quốc với các thi sĩ lục bát tài danh Việt Nam! Một cách tương đối: Về ngôi thứ uy quyền, nếu coi Lưu Bị là Nguyễn Du, thì tiếp theo ai là ai? Quan Vũ, ấy là Nguyễn Bính; Trương Phi là Bùi Giáng. Vậy là xong nhà Lưu-Quan-Trương. Tiếp: Triệu Tử Long: Hồ Dzếnh. Rồi những Hoàng Trung, Ngụy Diên, v.v... là những Bàng Bá Lân, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Duy, Luân Hoán, Đồng Đức Bốn, v.v... Còn hạng xoàng xoàng Tôn Càn, My Chúc, Giản Ung... thì kể không kể xiết. "Lục bát là nơi thử thách bút lực của các thi sĩ" (Trần Đăng Khoa). Tôi đoán chắc không sai là ai đã làm thơ tiếng Việt thế nào cũng kinh qua một tá bài lục bát? Với rất nhiều người thơ, lục bát là mối tình đầu.

Bùi Giáng quí cưng Hồ Dzếnh lắm, quí hơn Nguyễn Bính bội phần. Trong hai cuốn Đi Vào Cõi Thơ nói trên, Dzếnh được bình những 7 lần (lại còn được yêu đến mức cải tên thành Hồ Xuân Dzếnh!); Bính được nhõn có 1 lần! Bất chấp, trong khi chưa hiểu hết Hồ Dzếnh, tôi vẫn coi Nguyễn Bính và Bùi Giáng là hai vị tả hữu quanh ông vua lục bát Việt – Nguyễn Du, Hồ Dzếnh ở sau, cách xa hai vị này. Và còn khoảng cách rất xa nữa mới tới các vị sau đó.

Rất nhiều câu thần ở lục bát hai ông thơ này. Thần thơ Nguyễn Bính là thần dân, thần đất. Ta ngẩn ngơ và ngẫm một hồi, không lâu. Ta hiểu, cảm được. Phần nào.

"Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay".

(Hành Phương Nam)

Hay chính câu mà Bùi Giáng chọn khi bình Nguyễn Bính ở Đi Vào Cõi Thơ:

"Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi".

(Thư Gửi Thầy Mẹ)

Đọc Bùi Giáng ta gặp Nguyễn Du đều đều, ở những câu trang trọng, phức tạp:

"Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh"
(Áo Xanh)

Và cũng gặp Nguyễn Bính thường xuyên, ở những câu chân chất như lời lách lẹ ra từ tim; như thế này:

"Hôm nay mưa gió đầy trời
Về sau sẽ có vài người quên nhau"
(Mê Cung)

Hay như thế này này, khi nhà thơ tự tả mình trong cái nhìn của cô hàng xóm:

"Vừa điên dại vừa thê lương
Vừa vui trời đất vừa buồn nắng mưa".
(Lẩm Cẩm)

Lục bát Bùi Giáng là thơ của trời, lục bát Nguyễn Bính từ đất. Tư tưởng là nền cho thơ Bùi Giáng. Ở Nguyễn Bình là tình cảm. Có thể vì học vấn của họ Bùi thâm hậu, còn của họ Nguyễn thì chân quê! Nhiều câu thần của Nguyễn Bính, đọc xong bạn có thể vỗ đùi: "Giá Bính không viết, ắt mình hay thằng X. sẽ viết!" Cái thần Bùi Giáng là thần trời. "Ông trời xanh ắt cũng phải bối rối lắc đầu…" huống hồ. Bạn chỉ có thể vò đầu:

"Quét xong sân lá chợt buồn
Bỗng dưng chợt thấy nghìn muôn lỗi lầm" .
(Ca Dao)

Thần! Thần đến thế là cùng!

Hỏi ngay giới phê bình hay các fan Bùi Giáng rằng bài thơ nào, 2-3 bài thơ nào là hay nhất. Chắc họ tắc tị! Bù vào họ sẽ đọc vanh vách một vài câu, thậm chí cả chục câu xuất thần. Không! Bùi Giáng đâu phải là nhà-thơ-của-những-câu-thơ-bạc-cắc. Trong tập Đi Vào Cõi Thơ, khi tự bình thơ mình, ông chọn ra hai bài đượm chất chuồn chấu nhất – tức Bùi Giáng nhất – đó là Giữa Phố và Bóng Dương Buồn Ngủ. Đã nhâm nhi đến cả tá lần hai bài này, tôi khó mà có ý gì khác với tác giả. Song, nếu là người tuyển chọn, tôi sẽ chọn hai-ba bài khác, của riêng mình. Với những độc giả đã chịu rồi, thơ Bùi Giáng tỏ ra rất hào phóng, "dân chủ". Không như với đại đa số nhà thơ tên tuổi khác, các bài hay của họ dễ thành của chung trong lòng người yêu thơ. Ai cũng có thể có một Bùi Giáng, một thơ Bùi Giáng của riêng mình. Trong khi chúng ta thường có chung một Nguyễn Du, một Nguyễn Bính, một Xuân Diệu, một Hàn Mặc Tử, một Thanh Tâm Tuyền, một Hoàng Cầm, một Tô Thùy Yên... Và ngay cả một Đinh Hùng, một Trần Dần...

Thơ Bùi Giáng có trong sách giáo khoa cho học sinh chưa? Tôi cũng không biết! Nếu chưa thì nên có. Chọn vài bài thơ hay nhất của Bùi Giáng vào hợp tuyển văn học thì khó. Nhưng không khó lắm khi chọn thơ của ông vào văn tuyển, sách giáo khoa. Không xa tay tôi đang là tập Mưa Nguồn (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993.) Thi phẩm đầu tay của ông. "Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng" (Đặng Tiến). Tôi giở không chủ ý, nơi trang 108, được bài lục bát Xuân Bình Dương. Nó có thể làm bài thuộc lòng cho học trò trung học thời a còng. (Phụ lục 2)

Công việc biên tập, in sách của Bùi Giáng được làm ra sao?

Tại sao thơ Bùi Giáng lại hay dở dở hay? Đây không chỉ là câu hỏi quan trọng cho giới phê bình nghiên cứu văn học, mà còn cho các nhà Bùi Giáng học. Vấn đề biên tập dự phần ra sao? Tôi muốn hỏi to một câu: Những khi thể trạng ông không điên-tỉnh, là người bình thường liệu Bùi Giáng có tham gia chịu trách nhiệm trong việc in ấn, phổ biến tác phẩm của mình không? Thực ra, các bản thảo "nguyên đai nguyên kiện" của một tác giả nào đó chỉ có giá trị nhất định đối với những ai làm công tác nghiên cứu văn bản. Một tác giả chỉ được đánh giá công bình qua các tác phẩm ra mắt độc giả trong sự kiểm soát nào đó của anh ta về sự công bố.

Ngợp và ngạt giữa cái phi phàm lại thú vị, cái khó hiểu đến kinh dị mà dễ thương, cái lộn xộn mà vẫn đâu ra đấy trong trước tác của Bùi Giáng, công tác biên tập sách, bài vở của ông ở miền Nam trước 1975, ở Việt Nam và hải ngoại sau đó, dường như đã không qua cách thức bình thường. Con người ta vốn sợ bỏ rơm rác ra khỏi một kho vàng. Cứ y như là khi phải ra đi rác rơm mang theo vàng vậy! Là người không có đời sống tinh thần và vật chất ổn định, là người viết tự do tuyệt đối (về phong cách, nhu cầu in ấn, tính chuyên nghiệp), tác phẩm của Bùi Giáng dựa trên ý thức của một người phi học, vô nghề. Cho dù có đúng là Bùi Giáng "không che dấu cái dở của mình. (...) Chẳng những thế, ông lại còn cố ý phô bày nó ra, phô bày một cách chân tình, hồn nhiên, toàn diện", nhưng những người biên tập đã làm gì cho tròn trách nhiệm? Chính các điều dang dở và các điều dở trong bản thảo đã góp phần tạo phong cách hay dở dở hay ở văn chương Bùi Giáng. Và thách đố cho những ai bạo gan biên tập sách, bài vở của ông là ở đấy. In sách thì phải cho ra sách. Ô cửa này của văn minh nhân loại thiên tài nào cũng phải qua, nếu đã vào vòng định giá. Nhất là ở thời này, khi văn hóa truyền thông coi việc truyền khẩu, giai thoại và các sản phẩm của nó như một cái gì man rợ!

Tôi ngưng đoạn này trong sự đồng tình cùng ý với Phạm Thị Hoài: "Không sửa sang cho ông, như thường miệt mài gọt rũa hay tưởng đang gọt rũa mình công phu lắm, với cái cớ rằng chữ nghĩa của ông từ ngàn khơi đổ về, chẳng ai biên tập một đại dương. Không thẩm định, không đòi hỏi, không đặt niềm tin, không thất vọng, ta nhẹ ban cho ông hai chữ "thiên tài".”

Bùi Giáng và Những đứa trẻ mồ côi

Lời đề từ ở trên cho bài này là nguyên một bài thơ của Bertolt Brecht. Lời, ý và tứ rõ ràng, lại mang nhiều nghĩa, nghĩa nào cũng rõ ràng. Rất Đức tính. Thực tế, hiển hiện. Trữ tình, sâu ngút. Ta hãy đọc nó (bốn câu đầu) bằng nụ cười, rồi (một câu cuối, hai chữ sau cùng) bằng nước mắt. Sau, đọc lại cả bài bằng nước mắt hay nụ cười cũng được. Các lần đọc sau, nước mắt khác nước mắt lần đọc trước, nụ cười cũng khác. Để chiêm nghiệm luật nhân quả như một lẽ thường tình, một điều bất an. Từ khi đọc nó lần đầu, chừng 30 năm nay, tôi giữ bài thơ nhỏ nhắn trong mình như ôm trọn bông hồng đơn rực sắc với những cánh gai dài nhọn. Mỗi nghĩa của bài thơ ám ảnh tôi trong từng vụ việc cụ thể.

Độc giả người Việt Nam và người ngoại quốc của văn học, rồi lịch sử, văn hóa Việt Nam cận-hiện đại là những đứa trẻ mồ côi. Nhiều "đêm-ngày" đã qua, trong số họ, kẻ chỉ có Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; đứa là của Nhất Linh, Hồ Hữu Tường, Mai Thảo; dăm tên mau mắt hơn thì có thêm Đào Duy Anh, Trịnh Công Sơn, Trần Dần, Bùi Giáng...

Mong cho bài tạp văn này về Bùi Giáng không phải theo phận đứa trẻ mồ côi. *)


Canada, 2003 - 2009
Đỗ Quyên

---------------------------------------------------------
*) Được sửa đổi, rút gọn nhiều từ bài “Bùi Giáng và Những đứa trẻ mồ côi” đã đăng ở báo mạng talawas.org 21-10-2003

Các tài liệu trích dẫn khác:

Bùi Giáng: Đêm Ngắm Trăng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1997
Phạm Thị Hoài: Một giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng (talawas.org 10/10/2003
Trần Hữu Thục: Bùi Giáng giữa chúng ta; trích “Viết và Đọc”, Văn Học, California 1999
Thanh Tâm Tuyền: Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khốn, Văn, Sài Gòn 1973
Nguyễn Hưng Quốc: Cuộc hòa giải vô tận: Trường hợp Bùi Giáng; Trích “Thơ, v.v... và v.v...”, Văn Nghệ, California 1996
Phan Nhiên Hạo: Bùi Giáng như tôi thấy (talawas.org 8-10-2003)
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Bùi Giáng – Người thơ cuối cùng của thế kỷ 20 (vnexpress.net 7-10-2003)
Võ Phiến: Bùi Giáng, Văn học miền Nam - Thơ, Văn Nghệ, California 1999

Phụ lục:

1) Bài thơ Dặm Về (Kẻ Ở) khá nổi tiếng và có thể nhiều độc giả chưa tường xuất xứ, xin tóm tắt:
Nguyễn Đình Tiên (tên thật Nguyễn Đình Tiến), sinh năm 1924; viết Dặm Về (hay Mai Chị Về) sau ngày 19-8-1945, đây là sáng tác thơ duy nhất của ông. Trên báo Văn Nghệ (Hà Nội, số 37, 1989) Vân Long nêu ra việc tìm xuất xứ của bài thơ. Ngay sau đó Nguyễn Đình Tiên (Văn Nghệ, số 41, 1989) đã xác nhận là tác giả của bài thơ. Báo Đoàn Kết (Hà Nội, số 4-1991) Hoài Vân đã công bố có lẽ là bản cuối cùng của bài thơ, với nhiều câu chữ khác so với các dị bản khác. Bản mà Bùi Giáng bình trong Đi Vào Cõi Thơ (hiện chúng tôi không có toàn văn) có một số câu chữ sau đây khác so với bản in trên Văn Nghệ (theo bài của V.X.L.):

– "Sương buông khắp lối đường muôn ngả" (bản Văn Nghệ);
"Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả" (bản Bùi Giáng).
– "Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo" (VN);
"Hươu chạy quay đầu, theo ngó theo" (BG).
– "Ngựa chị vừa qua thác sao vàng" (VN);
"Ngựa chị dừng bên thác sao vàng" (BG).
– "Sao trôi đáy nước, rơi chân ngựa" (VN);
"Sao rơi đáy nước, vương chân ngựa" (BG).
– "Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn" (VN);
"Buồn dâng đôi mi, hàng lại hàng" (BG).

So với bản trong băng thơ Hồng Vân (giọng ngâm Hoàng Hương Trang), làm trước 1975, thì bản Bùi Giáng cũng khác không ít. An Tiêm tái bản cuốn Đi Vào Cõi Thơ sau gần 10 năm khi tác giả và văn bản của bài Dặm Về (Kẻ Ở) được xác định lại. Còn ấn bản điện tử của Đi Vào Cõi Thơ trên talawas.org 11-5-2006 làm theo sách nói trên cũng không có chú thích gì về bài Quang Dũng. Nếu như An Tiêm và talawas.org có một chú thích nhỏ thì thiệt quí cho các tác giả Quang Dũng, Nguyễn Đình Tiên, cho bạn đọc, và cho cả nhà phê bình Bùi Giáng!

2) Bài Xuân Bình Dương của Bùi Giáng:
"Xin lời mở rộng con mương
Xin chiều bến đỗ Bình Dương bây giờ
Những bàn chân bước hoang sơ
Những bàn tay những mùa thu trong mình
Xin lời nói hãy nín thinh
Xin hàng phượng đỏ bên đình ngơ cho
Bến sông ghe đỗ bây giờ
Ngàn năm thôn nữ lên bờ ướt chân
Xin người em hãy lại gần
Nhắm hai mắt mở muôn phần hai con
Ngó sương mây lục trời tròn
Ngó sương muối nhuộm tóc còn xanh vai
Bàn chân đen ngón không dài
Bàn tay đen ngón nắm hoài không nguôi
Bây giờ xin hãy nhìn tôi
Người em ấy nhận ra người anh chưa".



RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 23-09-2011

Mùa Xuân và Thơ Tình Bùi Giáng

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân…



Bùi Giáng,một thi sĩ đặc biệt của nền thơ đa dạng Việt Nam hiện đại.Ngưòi ta đã nói nhiều về ông và chắc theo thời gian về ông còn nói nhiều nữa!

Bùi thi sĩ sinh ngày 17-12-1926 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1998 tại Sài Gòn. Ông là con trai thứ của ông Bùi Thuyên và bà vợ lẻ Huỳnh Thị Kiềng. Tốt nghiệp trung học khi tuổi vừa đôi mươi , học chưa xong Đại học Văn khoa, ông bỏ dở, đeo đuổi sự nghiệp văn chương. Văn nghiệp của ông gồm nhiều thể loại: Lý luận - phê bình ,biên khảo triết học, dịch thuật văn chương, sáng tác Thơ, Văn …Lĩnh vực được
người đọc nhắc đên nhiều chính là Thi ca, có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu : Mưa nguồn, Rong rêu, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Mười hai con mắt, Mùa màng tháng tư, Bài ca quần đảo,Màu hoa trên ngàn, Đêm ngắm trăng, Thơ vô tận vui v.v.

Bằng một phong cách nghệ thuật rất riêng, ông đã tạo nên một cõi mông lung huyền ảo về quê hương ,đất trời , về cỏ hoa muôn vật, về nhân sinh, về Đạo… Tất cả như lãng đãng sương mù ,như hoa đăng, ảo ảnh.Thế giới trong thơ ông như trong một kính vạn hoa. Ông là một bậc thầy về ngôn ngữ Việt và thể tài thơ lục bát. Thơ ông có nhiều câu, nhiều bài rất thuần khiết nhưng cũng có nhiều bài lời thơ mơ hồ phiêu lãng chập chờn giữa đôi bờ thực và mộng, nối cõi nhân sinh trầm luân thực tại và thế giới ảo huyền siêu thoát . Nó là những cơn mơ giữa đời thực, đôi khi như là một “ru - bích” của trò chơi tâm linh .

Trong cái biển thơ mông lung huyền ảo đó ta bắt gặp một dải thơ nói về tình yêu khá chân tình và giản dị, tuy cũng không thoát khỏi cái sương khói mơ màng chung của thơ ông .

Thơ tình Bùi Giáng tỏa thành hai nhánh, một về cõi thực, một về cõi mơ và đều gắn với một không gian, một xứ quê mà ông gọi là “cố quận”. Đó là một quê thực xứ Quảng của ông nhưng cũng là một xứ mơ, một quê xưa , nước cũ đầy khái quát mơ hồ .

…Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu …


Dọc theo miền Trung cằn khô chúng ta tới đất Quảng, ngược dòng Thu Bồn đến sông Vu Gia, rồi ngược mãi lên sông Côn, sông Bung, qua Hòn Kẽm, Đá Dừng…nghe bâng khuâng những câu ca dao xa xót một thời xứ sở phân tranh

“Ngó lên Hòn Kẽm , Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi !”.


Cuộc hành trình tiếp tục , ta sẽ như thấy mình trôi trong cổ tích: một sông nước mênh mông, những làng thôn trải dài qua những nương dâu xanh ngát, kẽo kẹt xa quay tơ tằm vàng óng, sẽ hiểu thêm một phương diện thực tế của hai từ “cố quận”. Đó chính là nơi chôn rau cắt rốn, nơi chứa đầy những kỷ niêm một thời của ông. Nhớ người từ những buồn vương, xa người từ thuở đoạn trường diễn ra? Cuộc thế thăng trầm buồn vui hư ảo, khi muốn trở về thưc tại,về với những an ủi, về với cái thuở ban đầu đầy ấp iu nồng đượm, con đường ngắn nhất và dễ tìm về nhất là cố quận – quê xưa!

Khi nói về những mối tình, về những người con gái đi qua đời mình, Bùi thi sĩ đều mơ màng và nâng niu. Kỷ niệm sau đây về một người cũ nơi miền quê xa thấm đượm một tình cảm se sắt , trìu mến:

Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?
Gắng thu xếp gấp rồi vào
Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không?
Trong này thiên hạ rất đông
Ăn mặc thật đẹp nhưng trong không mặn mà bằng em..


Nhà thơ buồn nhớ không biết em giờ ở đâu và “ cỏ trong mình mẩy” của em “sầu ra sao?”. Câu thơ đầy ẩn ý, hư hư thực thực, trần thế mà phiêu bồng, rồi “Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không?" Tại sao là “tấm” mà không là “cái”, là “chiếc” hay chỉn chu hơn là ”manh” (tấm áo, manh quần). Chữ “tấm“ ở đây rất dân giã thể hiện được cái nghèo của đối tượng nhưng phủ đầy sự thân thương của tác giả .Chao, thi sĩ tuy mơ màng nhưng câu hỏi ở đây, rất thực, rất chân tình, có cái gì như bẽ bàng như trách móc mà cũng đầy thương yêu!

“Trong này thiên hạ rất đông” -

người thành phố mà, ăn mặc cũng thật đẹp nhưng tác giả không thấy “mặn mà” như em nơi thôn dã ( chắc em ở miệt ngoài chân quê). Con người bao năm mơ màng nơi phố phường nhưng tận sâu trong lòng vẫn da diêt một thâm tình quê kiểng, nâng niu vẻ đẹp mặn mà nguyên sơ .Và với một tình cảm như vậy nên từ khi cất bước “khắp bến giang hà” thì ở đâu cũng không nghĩ đến ai khác ngoài em thân thuộc, ngọc ngà “Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông”.

Câu thơ gợi cả hai trường nghĩa đen và nghĩa bóng ! Còn thì nhớ nhung , mất thì xa xót, cái tình người của Bùi cũng rất nhân thế .

Người bạn tấm mẳn của Bùi Giáng qua đời đã ngót nửa thế kỷ, có lẽ cảnh chia biệt đó đã tạo cho ông những xót xa buồn khổ, để rồi từ đó ông thổ lộ một cách vô cùng sâu sắc trên những trang thơ, dựng nên bóng
dáng ấm áp của những người em, người vợ . Một nỗi nhớ nhung xa xót khôn nguôi,đôi tình nhân lỗi hẹn:

Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em ..


Bên cạnh những người em rất thực thì thơ Bùi cũng thường nói nhiều đến những người em rất mộng - nguồn tạo sinh muôn màu trong cuộc thế ! Những vần thơ xinh tươi diễm ảo đầy sức khêu gợi nói về cây cỏ , mặt trời , chim chóc …tất cả đều trào dâng sức sống , đều từ em, nhờ em mà sinh sôi.

Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ …


Em là cái chân dung toàn thiện toàn mỹ của người nữ trong cuộc đời : em ở khắp nẻo đường, em là mây gió, là cây lá, là sông hồ..Tác giả nâng hình ảnh em lên tầm hoàn vũ :

Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười buồn mây mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng !


Những câu thơ vừa thực vừa ảo. Những câu thơ nói về một người con gái đẹp đẽ, thánh thiện nhưng là của một tình yêu chiêm bao, một tình yêu khoáng dật vô thường !

Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
… Ồ thưa em ta thấy mộng không thường .


Cái chất Bùi Giáng huyễn hoặc thể hiện ở cái “mộng không thường” này. Em như sương khói, như suối nguồn, em đến làm dịu mát tâm hồn thi sĩ nhưng em không hiện hữu trong đời thực, dẫu “ôm em trong vòng tay” thì “ em vẫn trôi”, “vẫn chảy lọt qua hai vòng tay khép chặt” !

Ta thả một chiếc lá, chiếc lá trôi
Ta thả một con thuyền giấy, con thuyền giấy trôi
Ta ôm em trong vòng tay,Em vẫn trôi…


Tình yêu trong thơ Bùi Giang, đối với chúng ta vẫn như một định đề muôn thuở ,vừa quen vừa lạ. Quen vì nó mang đến cho hồn ta sự ngọt ngào của tình người như rượu ngọt và cũng mặn chát bẽ bàng như thuốc đắng, mà thiếu nó vũ trụ sẽ không hồn. Nó lạ vì khác những tình yêu mà ta đã gặp hoặc nồng nàn như Xuân Diệu, bẽ bàng như Huy Cận, phiêu du như Vũ Hoàng Chương…, tất cả đều rất thực , thực đến mức “cắn”vào được, nhưng cáí tình của Bùi lại lưỡng phân vừa thực vừa mộng, vừa đời vừa đạo ,vừa chạm tay vào đã sương khói bay xa, đôi lúc ảo giác và cuồng vọng gần với Hàn Mặc Tử …

Một sắc thái khác của thơ tình Bùi Giáng không thể không nói đến, bên cạnh cái đằm thắm , cái ảo huyền lại còn nữa cái đuà cợt châm biếm . Một sắc thái “tự trào” làm đa dạng thêm cái “Tình“ trong thơ ông. Một cái tình thoáng qua,một cái tình thất vọng nhưng sự thất vọng, sự bất lực được thể hiện trong một chuỗi cười rất đáng được chia xẻ.

Gọi là gặp gỡ giữa đường
Trái tim không chịu giữa đường rút lui
Bỏ đi buồng phổi sụt sùi
Trái tim không chịu lau chùi máu me…( Kẻ qua đường )


Nhà thơ không nói gì đến cái đối tượng ái tình cuả mình , không cầu xin, không trách móc như những vần thơ khác trong trường hợp tương tự ta thường gặp .Ở đây nhà thơ chỉ nói về cái “tình si” quá mức của mình, vừa bày tỏ vừa chế giễu , nhưng chắc rằng, sau cái “sụt sùi” , cái “máu me” này nhà thơ chúng ta vẫn vui vẫn sống. Đó là cái nét ngồ ngộ của ái tình Bùi Giáng mà có nguời cho rằng “thái độ hậu hiện đại trong thơ”( Hoàng Ngọc Tuấn ).

Bản chất của những vần thơ tự trào là nhà thơ “tự yêu” cái kém cỏi, cái bất lực, cáí vô dụng của mình ; tự cười nhạo , tự chế giễu, nhưng đằng sau cái cười nhạo đó âm thầm che giấu một tâm tình kiêu bạc thách thức
“ta trong giữa đời đục” !

Đã hơn mười mùa xuân thi sĩ ra đi , văng vẳng bên tai ta một câu hỏi đau đáu khi xuân về :

Mùa xuân em có về không?
Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng…


Câu hỏi nghe xao xuyến và nếu ta thay “cố quận” bằng một tên làng cụ thể thì câu thơ quả thực chính là tâm trạng của chính ta, của bao người xa quê, bao kẻ ra đi vì cuộc mưu sinh mong ngóng ngày gặp gỡ nhất là những dịp xuân về tết đến.… Nhưng “cố quận” của Bùi Giáng phải chăng là một từ phiếm chỉ , một miền đất đã lìa xa, một kỷ niệm, một ước vọng hơn là một thực tại. Và người em, và tình yêu nơi ông cũng chỉ gợi ta về một giấc mộng nơi “bờ nước cũ” của người “em xưa” .

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối giấc em xưa…


hoặc may mắn hơn, thì cũng chỉ là chốn đào nguyên tương tư hai hình bóng:

Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu…


Bùi Giáng quả một thi sĩ đặc biệt, thật khó hình dung nền thơ Việt Nam hiện đại lại thiếu ông.Thơ tình của thi sĩ góp phần tạo nên cái sự riêng,cái nét đặc biệt đó .


Hà Quảng


RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 25-09-2011

TƯNG TỬNG QUẢNG GẶP TƯNG TỬNG HUẾ

Trần Kiêm Đoàn


Huế là kinh đô của vương triều nhà Nguyễn, nên Huế phải khác thường. Tâm lý "Đế đô" là tâm lý sang cả, đài các. Ăn thì phải ăn nhiều món, chuẩn bị cầu kỳ -- Dẫu là muối bảy món -- Mặc thì phải áo dài lượt là lượt khi ra đường; dẫu là gánh chè bán dạo, áo vá bạc màu. Nói thì phải nói cho sang, chữ nghĩa thưa bẩm đúng trật tự, không cong đuôi cụt đầu, dẫu có mắng nhiếc ai nặng lời thì cũng phải có vần có điệu phù hợp với bài bản.

Cách biểu hiện tình cảm cũng phải đượm mầu quý phái. Có nghịch ngợm thì cũng phải chòng ghẹo "rím rím". Nghĩa là phải kín đáo, dẫu "có hoang chẳng giống người thường". Không nói toạc móng heo những ý tưởng riêng tư thầm kín mà nói ra nửa kín nửa hở. Khi cái trạng thái hư hư, thự thực, nói năng bóng bẩy, lời lẽ bốn phương, hiểu phương nào cũng đúng nầy mà đạt đến trạng thái thăng hoa nghệ thuật thì sẽ trở thành cái "tửng tửng" điển hình của Huế. Đây là cách kiểu nói ra hay biểu hiện thái độ một cách tự nhiên và tỉnh táo như đùa như thật; như nghiêm như trêu; như theo như chống...

Trong thơ ca, nhất là thi văn xướng họa thì sự trêu ghẹo nhau bằng chữ nghĩa thường trở thành những màn chơi chữ đầy nghệ thuật thú vị. Kiểu nói tửng tửng nầy thật không ngờ lại chưa hẳn là sở trường của Huế. Một người bạn Huế, phóng một câu tuyệt tác tửng tửng đến nước nầy thì con dân văn bút nhà Huế chỉ còn nước sắp hàng một vỗ tay hoan hô:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương


Dạ thưa, đó là Bùi Giáng, anh học trò trong Quảng ra thi của một thời Quốc Học...
Mới nghe qua hai câu thơ đệ nhất tửng tửng nầy đã có người lên tiếng:
- Nói chi lạ rứa hè! Sông Hương núi Ngự thì muôn năm vẫn là sông núi cũ chứ có bò đi mô mà phải tìm kiếm! Nói theo kiểu ni thì có khác chi nói lại rằng:

Dạ thưa cái cổ đã lâu
Vẫn còn dính với cái đầu, hai vai


Có những chân lý thị hiện hằng ngày đâu cần tìm kiếm. Nhưng sự nghịch lý của đời nầy là càng hiện rõ chừng nào, càng khó thấy chừng đó. Như lý thuyết nhà Phật thường nhấn mạnh chân tâm Phật tánh ở ngay trong mỗi con người, nhưng có được bao nhiêu người tìm ra được. Sông Hương Núi Ngự đi qua ngày hai buổi nhưng mấy người chịu lắng lòng để nghe câu chuyện dâu bể của dòng sông; mấy người nghiêng mình vào cõi vô trú để nhìn ra dáng vẻ đầy uy vũ muôn trùng của ngọn núi.

Cái nhìn của Hàn Mặc Tử là cái nhìn quá tĩnh lặng và xuyên suốt bản chất mới thấy được "Nắng hàng cau" nơi thôn Vỹ Dạ. Cái nhìn của Bùi Giáng là cái nhìn bão nổi trong cảm xúc và uyên thông trong trí tuệ mới thấy được trái tim của Huế. Bao nhiêu thế hệ đã đi qua. bao nhiêu nguy biến đã dập vùi mà "Vẫn Còn". Căn tính chưa lụi tàn, thể tính chưa phôi pha nên vẫn còn, vẫn còn và vẫn còn... Vẫn còn Núi Ngự bên dòng sông Hương. Huế vẫn còn là Huế.

Một thời, có ai nói đến thơ xưa, thơ mới, thơ siêu thực, thơ tượng trưng, thơ nguyên tử... tôi lại lan man nghĩ đến Bùi Giáng với Mưa Nguồn và những bài thơ đăng rải tác đâu đó trên các sách báo miền Nam thời đi học. Có lẽ tại tôi mê chuyện kiếm hiệp nên thích những mẫu người kỳ lạ hơn là nghiêm túc nghĩ đến văn chương.

Điều tôi thích nhất ở Bùi Giáng không phải là những vòng hào quang cũng như gai góc mà người đời đã không ngớt mang tặng cho ông. Tôi thích nhất ở Bùi Giáng là thái độ rong chơi của ông trong thi ca tư tưởng. Ông nói chuyện triết học cao siêu dễ dàng và cà rỡn như nói chuyện Tấm Cám và nói chuyện Tấm Cám xa vời như tư tưởng của Kant, Nietzsche, Heidegger. Đọc sách của ông rất khó phân biệt được biên giới giữa thi ca và triết học. Ông bàn về chuyện triết học như làm thơ và làm thơ như chuyện đùa giỡn. Bùi Giáng là người làm xiếc trong ngôn ngữ với một “bút-pháp-không-bút pháp”. Thơ ông đầy những từ đẹp như hoa gấm, những câu tuyệt bút, nhưng cũng không thiếu những chữ đệm “tầm ruồng” (chữ của chính Bùi Giáng), những câu khó hiểu, những ý mờ mờ nhân ảnh, nên rất dễ làm hoa mắt những đầu óc quá thông thái mà thiếu cái Tâm thoáng đạt, hồn nhiên, chất phác; thậm chí... quê mùa!

Khái niệm cổ điển lập ngôn, lập thuyết hay “văn dĩ tải đạo” trong sáng tạo văn chương có vẻ không hợp như những chiếc áo thụng xanh đỏ rộng thùng thình trên tấm thân gầy guộc của Bùi Giáng. Ông đã bứt phá những vòng trói buộc nghìn năm của những thước đo, những “râu mép” (Road Map) làm khuôn vàng thước ngọc cho đường bay sáng tác thi ca: “Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thóat ra phá vòng vây...”

Bởi vậy, trong Thi Ca Tư Tưởng ông đã “báo động” cho các bậc học giả và giả học rằng:
“Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi.”

Trong suốt nửa chiều dài của thế kỷ nầy, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã có quá nhiều bài viết về Bùi Giáng. Hay ho cũng lắm mà tào-lao-luận ba hoa chích chòe cũng nhiều. Dường như ai cũng cố vẽ ra một Bùi Giáng, muốn biết một Bùi Giáng thật sự, nhưng hầu như tất cả các cây bút đều ngại ngùng, lúng túng trước một khối lượng tác phẩm “khó tiêu hóa” quá lớn và một bút pháp lắt léo, quanh co, bay lượn của một “tay phù thủy ngôn ngữ” như ông. Thế nhưng, sau những trận mưa tắm gội ngôn ngữ của người đời dành cho Bùi Giáng, người ta đành chào thua trong cố gắng nhằm phân tích “phức liệu Bùi Giáng” để trả Bùi Giáng về lại Mưa Nguồn của chính ông. Khổ nổi là chưa bao giờ thấy Bùi Giáng lên tiếng phân bua hay cãi chính về những khen chê của người khác dành cho mình. Và càng im lặng, ông càng nổi tiếng. Xung quanh Bùi Giáng nổi lên quá nhiều giai thoại. Những giai thoại cứ xoắn riết ông từ lớp nầy đến lớp nọ; trong khi Bùi Giáng vẫn tiếp tục sống lang thang lây lất, ăn bụi, ngủ hè, bị gậy, áo rách quần xài, khi ẳm chó, khi ôm mèo, đánh bạn với thú vật, muông cầm, cây cỏ, loanh quanh các nẽo đường gió bụi Sài gòn.

Có thể nói Bùi Giáng là một hiện tuợng thi ca, văn học lạ lùng nhất của Việt Nam thời cận đại. Lạ lùng như một dấu hỏi - vẫn còn mãi là một dấu hỏi nơi ông:

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm


Bùi Giáng đã trải qua một cuộc rong chơi tận tình, chất ngất trong tư tưởng và giữa cuộc đời. Ông sinh năm 1925 tại Quế Sơn, Quảng Nam, đã từng đặt cho mình nhiều bút hiêu khác nhau: Báng Giùi, Bùi Báng Giúi, Búi Bàng Giùi, Vân Mồng, Trung Niên Bùi Thi Sĩ, Thi Sĩ Đười Ươi, Bùi Brigitte...

Bùi Giáng học trường Quốc Học Huế và đột nhiên bỏ học vì lý do, theo lời ông trong tác phẩm Đi Vào Cõi Thơ, là bị “chấn động dị thường” bởi vì tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận. Ông bỏ học về quê chăn dê và đọc sách. Từ đó, ông trở thành một học giả uyên bác hầu như “vô sư tự ngộ”, tự đọc sách , tự học hỏi mà khai phá trí tuệ giống như thiền sư Huyền Giác ngày xưa đọc kinh Duy Ma Cật mà “phát sinh tâm địa”. Đây cũng là khởi điểm cho Bùi Giáng suốt đời âm thầm đi trên con đường tư tưởng đôc đáo và riêng biệt của mình.

Tập thơ đầu tay của Bùi Giáng là tập Mưa Nguồn xuất bản tại Sài gòn năm 1962 và tập thơ cuối cùng là tập Đêm Ngắm Trăng xuất bản năm 1997. Trong cuộc hành trình 35 năm đó, Bùi Giáng đã càng ngày càng chứng tỏ ông là một người nghệ sĩ với dáng dấp tàng tàng, lọt tọt (chữ của Nguyễn Hàn Thư) đi rong chơi khắp muôn vạn nẽo trong cõi thơ.

Thơ của Bùi Giáng thường không dễ hiểu, nhưng rất dễ ngấm mà những đầu óc "ngầu" chữ nghĩa thích gọi là “trực cảm nguyên ngôn” hay gì gì đó... Thử đọc và “ngấm” một khúc “Ly Tao” của ông:

Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn ngã
Bủa vi vu như thoáng mộng la đà


Lần đi từ điểm khởi phát của Mưa Nguồn và của Ly Tao là một gã trai quê chăn bò trên vùng quê hẻo lánh xứ Quảng. Thuở đó, tâm hồn Bùi Giáng đầy cây lá và những cảm xúc nhân ái, chân thành. Tâm thức ông tan loãng, hòa nhập với thiên nhiên cỏ nội hoa đồng:

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lã
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình
(Anh lùa bò... Mưa Nguồn, tr153)


Và có chăng tình yêu ngày đó với cô gái quê bên bờ cỏ mượt thì cũng chỉ là những xao xuyến buổi đầu đời. Rồi tình yêu đó cũng chỉ là những cảm xúc rất vi vu và hư ảo, không đậu lại trên một thân xác nào có thật màrong chơi theo ông, rồi “tan đi trong hố thẳm chôn vùi”:

Nhìn em nhé bên kia bờ gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa

Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt
Có lệ buồn khóc với lệ hòa vui
Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát
Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi
(Bờ nước cũ. MN, tr 49)


Hình như giữa cuộc rong chơi, Bùi tiên sinh có lúc dừng lại để ngắm cái đẹp, chiêm nghiệm cái đẹp, cảm thụ cái đẹp một cách rất chi là não nùng trang trọng:

Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ vệ
Chỉ xin nâng một giọt lệ êm đềm
(Tự hỏi vì sao)

Em đi đắm đuối tấm lòng
Có bao giờ biết người trăm năm buồn
(Tỉnh mê)

Anh sẽ khóc suốt thiên thu tình lụy
Của vấn vương tình nghĩa nặng muôn nghìn
(Vì có lẽ)

Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua
Mưa có lạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt suơng là lệ ở trong mây
Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Bằng biển rộng không bến bờ em ạ



Rồi Bùi Giáng tiếp nối cuộc rong chơi. Trái tim ông cũng rất “lăng loàn” khởi phát từ bản chất đa tình nghệ sĩ. Đa tình nhưng lại không đa lụy vì ông vẫn mãi sống một cuộc đời độc thân rong ruổi. Nhưng ông vẫn sống miên man trong cái đẹp thác ngàn của Thúy Kiều, của Kim Cương, của Marilyn Monroe, của Brigitte Bardot, của cô Mọi Nhỏ bên rừng Phi Châu... Nàng thơ, nàng Ly Tao trong thơ Bùi Giáng thường có một vẻ rờn rợn liêu trai, toàn là cõi mộng, cõi tưởng, cõi vi vu đầy mê hoặc:

Em đã lại với đời về nắng ấm
Thắm không gian thương nhớ bóng hình em
Anh đã đợi chờ em từ lâu lắm
Ngày đi không để lại lạnh trăng rằm
Em có nụ cười buồn buồn môi mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm


Từ tập thơ đầu, Mưa Nguồn, đến những tập thơ sau như Lá Hoa Cồn, Mùa Thu Thi Ca, Ngày Tháng Ngao Du, Sương Bình Nguyên, Trăng Châu Thổ... là cả một đoạn đường dài rong chơi, đùa cợt, cù cưa bất tận của Bùi Giáng với ngôn ngữ thi ca. Đến Đêm Ngắm Trăng với 227 bài thơ, phần lớn là lục bát, sau cùng trong cuộc rong chơi của Bùi Giáng thì rõ ràng Lão Thi Sĩ đang “nói lục bát” một cách tự nhiên, dễ dàng, khề khà, “tồn hoạt chịu chơi” như những ông già đang ngồi vuốt râu nhâm nhi vài xị đế. Ông nói về “dzách” (thùng cù lũ?):

Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa
Nỗi sung sướng đến móc mưa bất ngờ
Đời xưa đất đá cằn khô
Đời này đất đá đều đờ đẫn điên
Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên
(Dzách. Đêm Ngắm Trăng, tr139)


Càng điên điên ông càng “chịu chơi” tới cái mức “thần thông du hí”. Đã có hơn một đầu óc uyên bác đem cái lý thuyết biểu tượng, tinh thể và phá chấp ra để xào nấu những vần thơ sau đây. Nhưng riêng tôi thì lý thuyết nào cũng không thể áp dụng vừa vặn vào đây bằng lý thuyết “chịu chơi!”:

Ông gieo vần điệu dã man
Tờ điên hoa giậy lang thang lên mùa
Ông buồn- quýt ngọt chanh chua?
Còn cam còn bưởi còn xoài riêng đâu?
Ông tìm kiếm suốt hương màu
Thời gian tinh thể đi đâu mất rồi
Ông ngồi suốt những canh thâu
Nêu từng nghi vấn trình tâu với người
Nguời từ vô tận chịu chơi
Thần thông du hý chốn nơi nào là
(Con vui vô tận. ĐNT, tr 145)


Thật ra thì ngay giữa cuộc hồng trần nầy, Bùi Giáng sống cùng tận trong cái mơ mơ, màng màng thuần lý mang tính “đồng nam hiển thánh” (chữ của ĐS); nhưng chưa đến mức dám bức phá những hàng rào trói buộc hay những quy ước rất thường tình của con người trong cái hệ lụy nhân sinh:

Anh uống rượu tới mê man khôn dại
Duỗi tay chân tại tâm điểm bụi đời
Chiêm bao về ứng mộng giữa tuyệt vời
Quần phong nhụy bất thình lình giũ trút

Ôi mật ngọt ôi thiên đường bất chợt
Hiện huy hoàng hiện thể suốt tâm linh
Anh c hào em từ ảo mộng một mình
Và dám chắc nhận nhìn rằng: anh hổng dám

...Anh bình tĩnh thưa rằng: anh hổng dám!
Hổng dám đâu! Đâu hổng dám là đâu...
(Hổng dám đâu. ĐNT, tr 149)


Càng đọc thơ Bùi Giáng, tôi càng cảm thấy muốn khóc khi ông cười; và muốn ôm bụng cười khi ông khóc... có lẽ vì tôi chưa có một tí ti “chất nghệ sĩ Bùi Giáng” nào trong mình. Đọc bài thơ tự trào hết sức độc đáo và lạ lẫm của ông, tôi cứ ước chi mình có được một phần trăm cái “điên”và một phần mười cái “ngu sy” của Bùi Giáng để có thể có chút nào đồng cảm với ông chăng:

Cuộc đời tẻ nhạt hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là hôm mai
Ba hôm cả thảy than dài
Thấy thằng bùi giáng đêm ngày ngu sy
Tháng tròn năm méo tý ty
Tồn sinh lả tả từ ly cuộc đời
Nó về tồn hoạt chịu chơi
Nó đi suốt cõi chơi vơi hồng trần
Nó từ vô tận mông lung
Nó đi suốt kiếp trùng phùng thiên thai
Giữa đêm thở vắn than dài
Khóc hu hu nó khóc hoài trăm năm
(Hôm Hôm. ĐNT, tr 150)



Đến đây tưởng cũng nên làm sáng tỏ tại sao sẽ có rất nhiều người mơ ước có được một phần cái “ngu sy” của Bùi Giáng. Tôi xin được liệt kê lại một phần cuộc rong chơi của Bùi Giáng qua những tác phẩm đã được xuất bản của ông. Ngoài ra, tôi cũng như nhiều người có thể tin; mà cũng có thể không tin, những điều do người khác đã viết trên giấy trắng mực đen rằng, Bùi Giáng đã từng viết ra cả ngàn câu thơ trong một đêm...

Sự rong chơi của Bùi Giáng trong ngôn ngữ và giữa cuộc đời vừa thâm trầm, vừa vui nhộn, vừa “bi... khoái” là vì ông không dè dặt, giữ gìn mà cố tình buông thả đi về lẫn lộn giữa những câu thơ khóc cười đầy uyên bác, trang đài, cổ kính xen với những từ, những câu đầy ngôn từ dân giã, bụi đời có khi đến mức giang hồ ngỗ ngáo, trần trụi. Vừa nói đến tâm sự mình một cách quý phái:

Hồn du mục cỏ hoa mòn mõi
Rừng đêm xanh trăng tạ không lời
Vì hơi thở cũng sầu như lá úa
Rớt lưng đèo bối rối lách theo lau


... ông “chuyển hệ” mượn lời người khác nói về cái điên của mình một cách thống khoái đầy “sáu Giáng”:

Vợ chồng tôi lúc nào cũng nhớ anh
Anh điên mà dzui – dzẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu


Sự đùa bỡn với ngôn ngữ thi ca bằng cách sử dụng kiểu nói lái tinh quái của quê hương ông nhiều khi thô thiển một cách cụ thể chứ không bóng bẩy kiểu Hồ Xuân Hương. Người đọc rất thường gặp trong sách ông những cụm từ như: tồn lưu, tồn liên, liên tồn, lưu tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp... để đùa nghịch với triết học, nghịch với thi ca, nghịch với cuộc đời và nghịch ngay với chính bản thân ông:

Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra...

(Mưa Nguồn)

Thời kỳ ông được coi là điên nặng nhất với lối sống kỳ dị thì cũng là lúc ông bơi trong “đại dương thi ca” để cho ra đời tập thơ Bài Ca Quần Đảo. Bùi Giáng làm thơ dễ dàng đến độ nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến phải kêu lên rằng, “Đôi lúc chúng tôi có cảm tưởng rằng ông có thể đọc ngẫu hứng thơ lục bát từ sáng đến chiều mà không vấp... Ông làm thơ bằng tiếng Việt, tiếng Hán, thỉnh thoảng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngôn ngữ đã nhập điệu trong ông như cây đàn trong tay người nghệ sĩ kiệt xuất. Chỉ ấn tay là thành giai điệu. Tự nhiên như nước chảy, mây bay mà chẳng có chút dụng công nào. (Thời Văn 19, tr 66)

Cuối cùng của cuộc rong chơi, Bùi Giáng đã lặng lẽ bỏ mùa xuân của trần gian đi về cõi miên trường phía sau:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

...và bỏ tất cả lại cho đời:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngữa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con


Một buổi tối thứ Tư trên xứ Mỹ, tôi đang ngon trớn rong chơi với vườn thơ “tập cười” qua câu chuyện sinh điếu của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy thì nhận được I-meo của Tà Thư báo tin Bùi Giáng vừa qua đời chiều hôm qua (7-10-98) tại Việt Nam. Tôi bỗng chững lại, quên hết chuyện cười, nhìn xuống thật buồn và cảm thấy một thoáng trống vắng. Những mệ, những ôn, những hoàng thân, tôn nữ một thời của Huế lần lượt vắng bóng, mang theo cái "tửng tửng" truyền đời như tiếng chèo đập nước trên sông lụi tàn sau tiếng máy dầu xình xịch.

Và, con mắt trần gian cuối cùng đó giờ cũng đã vĩnh viễn khép lại.

Sáng hôm sau, tôi bâng khuâng kêu một người bạn thân báo tin Bùi Giàng đã ra đi và tự nhiên đọc cho người bạn đó nghe hai câu thơ của Bùi Giáng đã làm tôi xúc động miên man trong những tháng ngày viết lách đùa nghịch với bạn bè:


Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh


Tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt...

Phía bên kia đầu dây, người bạn cũng lặng im đến nỗi tôi nghe cả tiếng sôi mơ hồ trong đường dây điện thoại. Trong một thoáng phù du đó, tôi biết là người bạn cũng đang rơm rớm nước mắt như tôi. Trên quê hương yêu dấu cái tửng tửng của Quảng đã gặp cái tửng tửng của Huế. Nơi quê người, nếu không không có cái tửng tửng mang theo, tiếng nói yêu thương của ngày xưa quê mẹ cũng sẽ chìm dần trong cổ tích.

Trần kiêm Đoàn



RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 29-09-2011

BÙI GIÁNG GIANG SAN MỘT GÁNH DỊ THƯỜNG...
Thái Tú Hạp

Lời Giáo Đầu: Những câu chuyện trở thành những giai thoại thích thú trong giới văn học nghệ thuật cho dù đông hay tây vẫn là những câu chuyện đời sống thật bên kia thế giới văn chương. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến những giai thoại đầy chất người của Cụ Tiên Điền Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp... mới hiểu sự thật rất bình thường của thiên tài lỗi lạc, lừng lẫy tiếng tăm mà tác phẩm để lại vượt qua hàng mấy trăm năm vẫn không giảm đi giá trị sâu xa về văn chương. Có rất nhiều những nhà trí thức triết gia, giáo sư và những nhà thơ, văn Việt Nam viết rất nhiều cõi văn chương tuyệt tác của thi sĩ Bùi Giáng, đều những khám phá, tán dương, ca ngợi một cách chân tình, trung thực. Trong thời gian gần đây có nhiều bằng hữu, đa số họ không ở trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật, vì yêu mến con người siêu lãng tử Bùi Giáng, lẫn thiên tài độc đáo của thi sĩ Bùi Giáng nên đã kể lại những giai thoại buồn vui đầy châm biếm, khí khái, rất tỉnh táo... của nhà thơ mà đa số quần chúng miền Nam một thời yêu mến.

Trước thời điểm lịch sử đầy nghiệt ngã, đau thương 75, trong những sinh hoạt văn nghệ gây nhiều chấn động bất thường nhất ở miền Nam, là hiện tượng Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Đức Sơn Sao Trên Rừng, Thế Phong, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng... Riêng biệt ở thế giới nửa vời hiện thực và hư vô có Phạm Công Thiện và Bùi Giáng. Phạm Công Thiện xuất hiện như một thiên tài của tuổi trẻ, anh đã đề cập đến trí tuệ uyên bác của Nietzche, của Hegel, của Schelling, của Jean-Paul-Sartre, của Camus... Những giòng thơ trữ tình ẩn mật trong ngôn ngữ Apollinaire hay nỗi buồn cô đơn của con người lang thang trong đời sống... Phạm Công Thiện bao giờ cũng tỉnh táo trong công trình khai phá những tư tưởng hiện đại mới mẻ của thế giới cũng như tình yêu những thiên tài và những siêu nhiên ở cõi hư vô. Cuộc rong chơi trăng sao vẫn triền miên, cho đến những năm gần đây, khi thì ông ở Paris, khi thì Úc Đại Lợi và thỉnh thoảng uống rượu tại Los Angeles với bạn bè đồng điệu... như cánh chim đại bàng vượt đại dương cùng khắp. Ông Nguyễn Ngu Í đã chết ở Saigon và vợ con đang sống những tháng ngày khốn cùng nhất trong địa ngục trần gian. Với Bùi Giáng thì khác. Điên khùng có hơn hai mươi năm qua, làm thơ đến cả ngàn bài và vẫn đuổi theo cõi ảo giác siêu hình. Đã từ lâu, tôi yêu thơ Bùi Giáng từ những tập Lá Hoa Cồn, Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột... và đã cố ý sưu tầm những nguyên nhân dẫn tới những chấn động mất bình thường trong đời sống của Bùi Giáng. Theo Trần Phong Giao... “Thuở nhỏ, Bùi Giáng học rất thông minh, có năng khiếu xuất sắc về sinh ngữ và văn chương. Lập gia đình năm 18 tuổi, nhưng không được hưởng hạnh phúc bao lâu vì chiến tranh và nạn lụt đã cướp mất vợ và hai đứa con thơ của ông...”. Có thể đây là một trong những giả thuyết biện chứng cho những cơn điên của Bùi Giáng? Ở một tài liệu khác của Giáo sư Vũ Ký, hiện ở Bỉ, viết về những kỷ niệm giữa Giáo sư và Bùi Giáng, Tạ Ký, Nguyễn Thùy là những tâm giao đồng điệu văn nghệ cùng xứ Quảng Nam. Có đoạn Giáo sư đề cập tới Bùi Giáng: “...Năm 1943 Bùi Giáng từ Trung Phước xuống học ở trường Viên Minh, Hội An được một thời gian ngắn, đột nhiên, bỏ về quê sống đời Tô Vũ Mục Dương làm thơ ca hát nghêu ngao giữa trời đất và phát điên từ đó không hiểu nguyên nhân...” nhiều bạn bè thương Bùi Giáng khám phá chiều sâu tư tưởng của ông thì lại nhận định khoa học hơn... “Bùi Giáng có cái biệt tài học và hiểu ngoại ngữ rất nhanh như Pháp, Anh, Đức Ngữ nên ông đã đi vào thế giới của Simone de Beauvoire, Jean Paul Sartre, Heidegger, Somerset Maugham, của Sagan, của Camus, Henry Miller... thêm vào những triết lý của Khổng, Lão và Phật giáo đã làm cho Bùi Giáng nghịch lý triền miên trong tâm thức. Tuy nhiên, Bùi Giáng tinh lọc những tuyệt vời nhất để hình thành những giòng thơ rất Đông Phương và cũng rất là Bùi Giáng:


... Rêu trời phủ xuống hiên xanh
Một bờ chim én vây thành sang thu
Sương Hy lạp phương lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
Đầu sông nước gọi cây mùa
Gốc du sung đẩy sông đùa phăng trôi
Cành nguyên thủy mọc xa trời
Chùm xuân xanh thổi lại đời lang thang...

... Chín phương trời tuyết ra bông
Trong nguồn thủy thảo đất đồng khai nguyên
Đầu sơ mộng cuối phi thuyền
Ngàn năm mai trúc chim chuyền bữa nay...
(Lá Hoa Cồn)


Ở những bài thơ khác, Bùi Giáng biểu lộ toàn bộ hình ảnh cất dấu từ trong tiềm thức thuở ấu thơ, chăn dê trên những cánh đồng hoa bát ngát:

...Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng hạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang...

Mười lăm năm ngó triều dâng
Bóng trăng thánh thót ngọn gần ngọn xa
Ngọn cây người ở bên ta
Ngọn cây đón bóng trăng tà tà nghiêng
Mười lăm năm mộng kim tuyền
Tính vân như mãi uy quyền đầy vơi
Chim bay cất cánh từng hồi
Chim về ở lại bên đời đời dâng
Mười lăm năm ngọn tử phần
Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi.
(Mười Lăm Năm)


Nguồn thi hứng của Bùi Giáng, phát sinh từ những giòng suối róc rách ven ngọn đồi Trung Phước, từ những giọt sương mai lấp lánh trên cành lá biếc, từ những sợi khói lam tương tư chiều trong thôn xóm Vĩnh Trinh, thuở ấu thơ đầy hoa mộng... Thơ Bùi Giáng đã chứa chan tình cảm đôn hậu của hương đồng phấn nội, của đêm trăng tỏa sáng trong vườn cam Đại Bình:

...Ruộng đồng mọc lúa quanh năm
Em về Đại Lộc tôi nằm Bình Dương
Kể ra hai nẻo lộn đường
Sầu riêng châu chấu một nường năm xưa...


Những hình ảnh thân thương lấp lánh trên đôi cánh chuồn chuồn, châu chấu, những giọt sương như đính ngọc trên lối cỏ sớm mai làm sao nguôi ngoai trong tâm hồn thi sĩ, cho dù cuộc đời đã chia cách đôi nơi:

...Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng hạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang...


Ở mỗi thời điểm, Bùi Giáng có những giai thoại điên khùng rất là dễ thương vì trong những cơn điên ấy, Bùi Giáng chỉ tự làm tội làm tình chính thể xác ông thôi chứ không làm phiền lụy đến ai. Như trường hợp điển hình Bùi Giáng đang dạy học ở trường Tân Thanh, Saigon của ông Phan Út.
“...Một đêm nọ, Bùi Giáng vào lớp mặc đến bốn áo sơ-mi và nghiêm chỉnh trịnh trọng cởi từng chiếc áo một cho đến khi... trước mặt nam nữ học sinh làm chúng hoảng kinh bỏ chạy ra khỏi lớp... Đoạn ông lấy tay chỉ lên mặt trăng phán lớn: “Các em hãy nhìn lên cao và xem kìa... chân lý... đã xuất hiện...”. Thế là xem như lớp đệ ngũ đông nhất học sinh của trường chỉ trong một đêm là tan hoang. Ông hiệu trưởng chỉ còn có nước nhăn mặt kêu trời!...” Đó là một trong những giai thoại điên của Bùi Giáng trước năm 75. Sau những năm 75, một số anh em văn nghệ sĩ vượt thoát ra hải ngoại hầu như mỗi người đều có mang theo một vài kỷ niệm buồn vui của Bùi Giáng. Như nhà thơ Hà Nguyên Thạch kể lại với người bạn khi ghé về thăm Saigon: “Một người đàn ông ăn mặc rách rưới như ăn mày, lang thang ăn ngủ trên vỉa hè, tụ tập đám trẻ bụi đời móc trong túi còn bao nhiêu tiền cho chúng ăn nhậu no nê. Trên đầu lúc nào cũng đội cái nón nhựa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chọc quê mấy anh bộ đội...”. Một người bạn khác trong nhóm Việt Thường ở Canada kể lại chuyện “Bùi Giáng la cà ở các quán chợ trời, dừng chân bên hàng quán bán đồ phụ tùng xe đạp, đang là mục tiêu xem xét của các anh bộ đội miền Bắc mới vào. Bùi Giáng với tay lấy cắp một cái ghi-đông rồi tỉnh bơ quay lưng đi làm cho người bán hàng chạy theo la lối om sòm. Bùi Giáng bình thản đưa lại cái ghi-đông và nói nhỏ nhẹ: “Bà con thấy không? Mới mất một cái ghi-đông đã xớn xác, ồn ào đến như vậy. Sao đất nước mất đi thì chẳng nghe ai than thở tiếng nào... Lạ chưa?” Giáo sư Vũ Ký khi rời Saigon có mang theo nụ cười về Bùi Giáng: “Có lần Bùi Giáng đi bụi đời rồi nằm ngủ đêm trong chợ Trương Minh Giảng. Công an cộng sản bắt Bùi Giáng định lôi về công an Phường đánh đập. Bùi Giáng la to lên giữa chợ: Cụ Hồ hồi đi làm Cách Mạng, ngủ dọc đường xó chợ, ngủ bờ ngủ bụi, đã không bị ai bắt, sau này còn được tiếng dấn thân gian khổ làm Cách Mạng cứu nước, còn tôi theo gương Cụ thì bị mấy ông Công an này bắt bớ làm tội làm tình. Bớ Cụ Hồ ơi! Con cháu Cụ đã bắt tôi đây này! Bớ Cụ Hồ ơi! Cụ Hồ! Cụ Hồ ơi!” Ở một câu chuyện dí dỏm sâu sắc khác do một người bạn ở Hội An cư ngụ tại Los Angeles đã về thăm gia đình ở Saigon qua kể lại... “Một buổi xế trưa ở Saigon trên đường phố Lê Lợi cũ, thoáng thấy vài ba tên Liên Sô đi với một phụ nữ nhởn nhơ qua trước mặt Bùi Giáng. Thi sĩ bất thường này đã xông tới bóp "hai quả dừa" to tướng của con mẹ Liên Sô làm cho mụ ta la hoảng như nhà cháy. Bùi Giáng vẫn đứng lại chỉ chỏ mà rằng: “Có gì đâu mà sợ, để ông xem thử sữa của Liên Sô có đủ để nuôi nổi dân Việt Nam không?” Câu nói của Bùi Giáng làm cho khách qua đường một phen cười khoái chí. Sự kiện viện dẫn quả thật Bùi Giáng vẫn còn thông minh sáng suốt hơn những người sáng suốt. Tất cả những cái bất bình thường mà người ta cho là khùng điên của Bùi Giáng, nhưng với Bùi Giáng thì không có gì phải quan trọng trong đời sống đầy vẩn đục, tham, sân, si, mê muội phù hư giả tướng. Nên ông đùa nghịch khinh thường cái đời sống đó. Nhưng điều gây ngạc nhiên và hoài nghi cho mọi người, cõi thơ Bùi Giáng lại trong sáng, mộc mạc, tuyệt vời thơ mộng như trăng sao:

...Thư em tờ mộng rách rồi
Tim thơ rướm máu vừa rơi thiên đường
Bấy chầy chưa tỏ chưa tường
Vì sao tâm sự như dường như không...


Thiên hạ điên, chứ ông không bao giờ điên. Trong những bài thơ ở Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Màu Hoa Trên Ngàn... quả ông đã đưa mọi người yêu thơ lục bát vào cõi say mê tuyệt vời bằng những tư duy mới lạ đầy sáng tạo và bao giờ ông cũng cho ông là những người tỉnh táo nhất:

...Hết điên rồi! Hết điên rồi
Bài thơ bất tận rạng ngời Việt Nam
Còn nguyên châu thổ hội đàm
Giòng sông bất tận
Huy hoàng Cửu Long
Thênh thang dưới nguyệt đêm rằm
Nguyên Tiêu sương tuyết tơ tằm bủa giăng
Người điên ta có gặp người
Người không điên cũng là người gặp ta...
(Hồi Phục)


Năm 1990, nhóm Việt Thường do các ông Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Đỗ Quý Toàn, Lê Quang Xuân... ở Montréal, Quebec, Canada chủ trương, cho ấn hành tập thơ Bùi Giáng gồm 200 bài thơ mới sáng tác sau 75.
Với mục đích nhằm mở đường cho một loạt sáng tác khác, của biết bao nhiêu người vẫn đang “đưa đầu trần, đứng một mình chống lại tất cả những thế lực đen tối đang vồ chụp quê hương”. Nhờ đó, chúng ta có cơ may đọc những bài thơ mới của Bùi Giáng nơi đất khách quê người:

...Đi về mây gió về theo
Đá vang tiếng ngựa ngọn đèo đầu khe
Đầu truông nắng dựng hội hè
Ngàn hoa mộng tưởng há dè sử xanh...
(Bình Minh III)

...Ban sơ thế điệu phiêu bồng
Về sau rớt một chùm bông quê nhà
Bây giờ một lúc uống trà
Ăn qua loa chút gọi là tái sinh...
(Tặng Cố Nhân)


Hai trăm bài thơ như giải trường giang Thu Bồn từ Hòn Kẽm Đá Dừng cuốn trôi ra Cửa Đại, hòa nhập vào Thái Bình Dương, đầy tình người và quê hương dân tộc. Nói đến Bùi Giáng ở nhiều phương diện khác nhau, ở văn chương, ở đời sống, ở bạn bè và ở cõi hư vô khùng điên đáo để. Nhà văn Mai Thảo đã kể những kỷ niệm lý thú về Bùi Giáng ở Saigon trên những số Văn đặc biệt về Bùi Giáng khi ở trong nước và lúc ở hải ngoại. Nhà văn Võ Phiến, Viên Linh đã viết về Bùi Giáng trên Bách Khoa ngày xưa và Thời Tập bây giờ. Trần Phong Giao với Tất Cả Bùi Giáng, Du Tử Lê trong Năm Sắc Diện, Năm Định Mệnh, Cao Thế Dung qua Văn Học Hiện Đại, Thi Ca và Thi Nhân. Tạ Tỵ tác giả Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay. Không ai còn xa lạ đến cái quê quán sinh thành ra Bùi Giáng: Quảng Nam. Miền đất đã hình thành những nhà Cách Mạng như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Phan Thành Tài...
Quảng Nam còn nổi danh “Ngũ Phụng Tề Phi”, nơi khoa trường như các tiến sĩ thủ khoa là các ông Phan Quang, Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hiển Tiến... Ngoài thiên tài Bùi Giáng, cái xứ “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa nhấm đà say...” đã đào tạo nhiều thế hệ văn nghệ sĩ như Phan Khôi, gia đình Nguyễn Tường Tam, Tú Quỳ, Phan Tứ, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Phạm Hầu, Nam Trân, Nam Xuyên Phan Quảng Nam, Trương Duy Hy, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Vũ Ký, Ảo Giản Phan Ngô, Tạ Ký, Đinh Hoàng Sa, Thành Tôn, Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Lê Trọng Nguyễn, Lôi Tam, Lưu Bạch Đàn, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Phan Nhự Thức, Huỳnh Nhâm, Nguyễn Nho Nhượng, Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Thị Bích Ni, Hương Nhân, Huệ Thu, Lưu Nguyễn, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Huỳnh Châu, Đynh Trầm Ca, Vũ Hữu Định, Tường Linh, Trầm Tử Thiêng, Hồ Thành Đức, Du Miên, Phổ Đức, Huy Tưởng, Hà Quốc Huy, La Hối, La Thoại Tân, Vũ Hối, Cung Tích Biền, Trần Trung Đạo, Phùng Nguyễn, Phan Xuân Sinh, Lê Uyên Phương, Phùng Minh Tiến, Thái Tú Hạp... “... Theo nhận xét của cổ nhân, có thể vì chịu ảnh hưởng của sơn kỳ, thủy tú, nên dân Quảng Nam phần đông có tư chất thông minh, cần cù, hiếu học. Sĩ phu thì có khí tiết, cứng cỏi ngay thẳng, bộc trực nhưng vì thổ lực không hậu, mà thế nước chảy xiết, cho nên tính người ít trầm tĩnh, phần nhiều nóng nảy...” (Tài liệu Hứa Hoành). Qua phân tích của người xưa đã viện dẫn, không biết có ảnh hưởng gì đến cái thể tính bốc đồng gàn dở, ngang bướng của Bùi Giáng mà người đời bình thường gọi ông là “thi sĩ điên”? Ở những cảm tình mến mộ tài hoa Bùi Giáng khác thì gọi ông là nhà thơ rong chơi ở cõi “Giang sơn một gánh dị thường!”



RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 04-10-2011



THƠ BÙI GIÁNG - TỪ PHÁ THỂ SANG HỘI NHẬP
TS. Lưu Nguyễn Đạt


Trong thơ Bùi Giáng luôn luôn có một trạng thái mâu thuẫn tự tại, từ bản thể, nhân sinh quan, tới ngôn ngữ sáng tạo. Những khía cạnh trái nghịch nhau về tư tưởng và hình thức được lồng ghép lại, vừa để phủ nhận, và cũng để thừa nhận lẫn nhau trong một thế biện chứng bất giải. Tình trạng nghịch lý đó được Jacques Derrida qui định trong một từ ngữ mới -- "différance" -- do ông sáng chế bằng cách ghép nghĩa của hai từ ngữ "différence" (khác biệt/phân biệt) và "différance" (différer/trì hoãn) thành một.

Theo Derrida, ngôn ngữ và từ ngữ luôn luôn mang trạng thái ngộ nhận và ngờ vực, vì ngôn ngữ và từ ngữ chỉ là những thể cách biểu hiệu giai đoạn của sự khác biệt và bất toàn, tách mảnh, trong tư tưởng về bản thể, nhân sinh quan và vũ trụ quan. Cách phân tích này đặt trên căn bản xét lại một tác phẩm được hình thành qua kết cấu hủy tạo hay phá thể (Déconstruction / Défigurations du langage ).

Đọc thơ Bùi Giáng khó có thể thấu hiểu ngay chân ý, hoặc nguyên ý của tác giả, mà chỉ có thể nhận định sự tách mảnh ngôn ngữ và tư tưởng qua những dấu hiệu bất toàn đang chuyển dần từ nỗ lực phá thể sang sinh lực sáng tạo. Người đọc thơ Bùi Giáng cần hội nhập toàn diện trào lực đó.

Thơ Bùi Giáng, trước hết, là một cuộc đàm thoại miệt mài, vơi những câu hỏi liên tục và những câu trả lời không rõ rệt, vì mong lung và phổ quát, như trong bài "Tặng Mã Giám Sinh" (BG.193):
"Hỏi tên rằng biển xanh dâu
"Hỏi quê ? rằng mộng ban đầu đã xa
"Gọi tên ? rằng một hai ba
"đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

Cuộc vấn hỏi này, dù xuất xứ từ ai, cũng chỉ mang lại một hồi âm mơ hồ và bất tận, liên can tới một hiện tượng biến đổi liên tục. Dù vĩ đại và trường kỳ đến mấy, sự biến đổi đó chỉ hiện hữu trong ý thức và tâm thức của thi nhân về một nhân sinh quan và vũ trụ quan luôn luôn khác biệt và khiếm khuyết. Trước hết, sự biến cách hay "sái diện" (BG.5) của cái "ta" nơi Bùi Giáng theo diễn tiến một sự kết cấu qua thể hủy tạo hay phá thể (déconstruction-défiguration) đa diện và đa trạng. Đó là một trào lực có khuynh hướng vừa ly tâm, vừa hướng tâm, nhằm phá vượt hai chiều những biên giới bản thể, để chủ thể trở thành khách thể, cái "ta" trở thành "không-ta", thành "mình", thành "em", hoặc ngược lại, trong một thế tách-nối vô định và bao quát liên hệ tới nhân thể, như trong câu:
Nhìn em như thể nhìn người ...
Nhìn người như thể nhìn ta
Tự mình nâng cốc rót ra rót vào (BG.195);

hoặc:
Nhớ quên người nhớ quên người
Tầm sương sái diện ai người ai ta (BG.155).

Đặc biệt là hiện tương người "láng giềng": đó là vị thế của một thứ tha nhân, vừa xa lạ, vừa gần gũi, ở bên kia hàng rào, nhưng lại bên cạnh vách tường, từng sống giáp ranh như những mảnh "ta" chia cách, nhưng vẫn còn luyến tiếc tâm giao:
Láng giềng tâm sự là ta với mình (BG.174)

Trong quan niện tách-nối này, thi nhân có lúc cảm thấy bớt lẻ loi, đỡ cô đơn, vì có khả năng "khuếch xung" (BG.22) thành những thân phận khác. Nhờ đó, thi nhân thẩm thấu được những cảnh huống đa thể, đôi khi như mâu thuẫn với chính mình: sống hộ người khác; sống qua người khác; hoặc sống-bên-cạnh và lạc lõng ngay chính bản thân mình. Cũng như sống và không sống, đôi khi chi là một cảm giác, một quan niệm hai bề. Đó là viễn tượng "trùng khơi" (BG.54) qua những bản thể và trạng huống tư duy khác nhau thành những trào lực dây chuyền tiếp nối.

Ngay với tại bản thể, sự "sái diện" của cái "ta" cũng là một hiện tượng "điệp trùng" (BG.29) nhân cách, được thể hiện qua tâm thức và ấn tượng đa diện từ chính bản thân mình. Cái "ta" đó luôn luôn là môi trường xung đột hoặc gặp gỡ của những tâm trạng tỉnh và say, điên cuồng và sáng suốt, vui và buồn, lẫn lộn. Đôi khi tình, tỉnh và điên cũng có thể tiếp ứng nhau một cách kỳ diệu để trở thành thứ "tình điên...chơi vơi" so với "tình không điên" (BG.62) cũng đầy hỗn mang -- tĩnh và loạn cùng một nơi, và có thể cùng một lúc. Đảo điên đôi khi lại tách biến thành "cuồng mộng" (BG.69, 92, ), thành "niềm vui vô hạn" và "niềm đau vô lượng" (BG.95), trong một thể luân phiên hư hư thực thực: "Vui quá giả bộ buồn" (BG.119). Sự sái diện của cái ta đảo điên đôi khi còn đi song song với hiện tượng "khuếch xung" và phản "khuếch xung", qua những giai đoạn so sánh hay ám chỉ dí dỏm như sau:
Điên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần

Phải chăng đây là những lời tự mỉa mai (phản khuếch xung), hay tự tâng bốc (khuếch xung), nói thế nào cùng đúng, và cũng có thể sai, vì làm sao biết được thi nhân điên hay không điên, thơ hay thẩn, thần hay ngợm ?
Sự "sái diện", "điệp trùng" và "khuếch xung" của cái "ta" trong thơ Bùi Giáng, không những chỉ có tính cách thuần nhân, liên hệ tới ta và không-ta, mà còn thẩm thấu xuyên qua các giới sinh vật, qua thiên nhiên, trong một vòng "trùng sinh thái thậm" (BG.19). Có lúc thi nhân muốn truy dụng cái phong độ của "tuổi cọp" mình để đủ bản lãnh "giữ mộng đười ươi" (BG.56); hoặc theo "ngựa về núi đá đầu thai" (BG.19). Cũng có lúc thi nhân như có thể thu kết được cả vũ trụ, thấy "mưa gió trong thân" (BG.73), hoặc nghe "mùa đông dậy chậm mau trong mình" (BG.132).
Sự "sái diện", "điệp trùng" và "khuếch xung" từ nhân sinh quan tới vũ trụ quan luôn luôn ám ảnh Bùi Giáng đến nỗi thi nhân đã phải thốt lên:
Từ đó về sau Trẫm đau đớn thiết tha
Và không còn biết mình là cái gì nữa cả (BG.11)

Nhưng sự tách-biến hoặc phá thể siêu (xiêu) hình này không hoàn toàn đưa đến sự khước từ nhân cách hoặc tự hủy trong tư tưởng, mà lại có ích dụng hoặc chức năng làm rẫy và mở đường phóng toả, nhằm truy dụng những "ngõ ban sơ" (BG.122), như thể tìm kiếm "dấu" (BG.168) tích của một nguồn gốc xa xưa; như để tìm lại huyền sử trong "trang phai cỏ" (BG.54). Nguồn gốc của bản thể trong ta và ngoài ta được Bùi Giáng gọi chung là quê quán của "mộng ban đầu đã xa" (BG.193), là "cố quận" (BG.17, 20, 32, 85, 96...) vừa thực thể dưới hình thức tương tự của "phố cũ" (BG.85), hoặc "viễn phố" (BG.5), vừa trừu tượng như quan niệm "nguyên thủy (BG.20) của không gian và thời gian vô tận, của những "nghìn xa vắng " (BG.35) còn phảng phất mơ hồ trong tiềm thức nhân loại.

Nỗ lực phá thể đã cùng lúc chuyển sang sinh lực hội nhập, vừa hướng tâm, vừa hướng nguồn. Tác động biểu lộ trào lực này được diễn tả qua cụm động từ "đi về" (BG.6, 68, 70, 73, 90, 110, 137, 158...), một hình ảnh động mà Bùi Giáng đã dùng đi dùng lại như một ám ảnh, hay một đam mê: ở đầu nhiều bài thơ, ở giữa, ở cuối, ở bất cứ đâu, thành những lời rủ rê, ve vãn; những mời mọc thiết tha; những thôi thúc nhiệt tình:
Đi về giũ áo cà sa
Trút tờ phong nhã từ ta tặng người (BG.6)
hoặc:
Đi về tinh thế đa mang
..........
Quy hồi cố quận lênh đênh (BG.68)
như:
Đi về giữ lá đầu cây (BG.70)
hoặc:
Đi về với gió phù du (BG.90)

Sau những giai đoạn phá diện như "đi qua dâu biển rối bời" (BG.158), thi nhân đã nhập cuộc trở về "nguyên thủy" (BG.20), về nguồn gốc chung của sinh loại và vạn vật, về một điạ danh huyền ẩn, nơi mà Bùi Giáng gọi là "cố quận tập trung" (BG.20). Đó là lộ trình trở về nguồn, về cội, về trái tim vũ trụ, mà cũng là trái "tim thơ rướm máu" (BG.46, 91, 206), nơi thi nhân đã "đi về đi ở dấn thân" (BG.158) suốt cuộc đời mình.

Bùi Giáng cũng đặt lại vấn đề ngôn ngữ một cách miệt mài, qua nhiều giai đoạn hủy tạo tiếp nối. Bùi Giáng nhắc tới ngôn ngữ rất nhiều lần trong tập thơ, không hẳn để liệt kê những dụng cụ, những phương tiện diễn tả, mà hầu như để kết nghĩa với chúng, như đem trình làng những cộng tác viên mật thiết, song song và tương xứng với tư tưởng của thi nhân. Ngôn ngữ và "thy ngữ" dưới tay Bùi Giáng đã trở thành những thành viên, những chủ thể có đặc tính riêng biệt và "chức năng" rõ rệt trong sinh hoạt sáng tạo toàn bộ.

Trước hết, ngôn ngữ từ Bùi Giáng không thuần nhất và cố định, vì chúng có khả năng tách biến hoặc "phân ly" (BG.200) từ hình dung tới nội dung để trở thành "sái diện" (BG.73). Sự tách biến và sái diện của ngôn ngữ được hình thành qua những giai đoạn "trùng vây...trùng khơi" (BG.39); hoặc theo ngư điệu "điệp trùng" (BG.73 & 117) hoặc "tam trùng tứ điệp" (BG.24). Riêng để chỉ định hình dung và sắc thái của thơ, ngôn ngữ Bùi Giáng đã phải tự tách biến qua dấu hiệu "cảo thơm" (BG.26); "phương cảo" (BG.27), phù du như "trang phai cỏ" (BG.54), bay bổng như "lá rừng kết tập hàng hàng so le" (BG.74). Thơ Bùi Giáng lại mang những dấu tích tâm linh, khi tự mở thành những "trang mơ " (BG.190), hoặc những "trang lịch sử" (BG.141) có thể làm ấm lòng người, dù đó chỉ là những "tờ mộng rách" (BG.206).

Ngôn ngữ được thi nhân phân loại theo tâm hướng: "ngữ ngôn cuồng dại" (BG.9); "ngôn ngữ hồ đồ" (BG.28,138); "ngôn ngữ xuề xòa" (BG.30); "ngữ ngôn bừng dậy" (BG.45). Hoặc theo chức năng kết tạo: "Ngữ ngôn thi điệu thêu thùa" (BG.59); "ngữ ngôn thích ứng (BG.31); "Ngữ ngôn thích dụng như hà" (BG.78); "Ngữ ngôn viễn lữ kim tuyền" (BG.178); "ngôn ngữ tuyệt trù" (BG.38,87); "ngôn ngữ nguy nga" (BG.114). Hoặc thành nhịp độ trào lực: "ngôn ngữ trùng vây...trùng khơi" (BG.39); "Ngôn ngữ điệp trùng" (BG.73,117); "Ngôn ngữ cuối cùng" (BG.126); "Ngôn ngữ phân ly" (BG.200).

Từ thi nhân chơi chữ phát hiệu ra một thứ ngôn ngữ "chịu chơi" (BG.184), duyên dáng lạ lùng: "Thân láng giềng" đảo ngữ thành "Giếng làng mọc cỏ thuyền quyên" (BG.202); từ cuộc "Chiêm bao đứt ruột" ngôn ngữ đã đảo thành "bao chiêm", rồi để đảo ngược thành "biêm chao", và cuối cùng láy thành "biên chép" (BG.203), trong một vòng liên âm, liên tưởng độc đáo.
Chơi chữ là đấu trí và cũng là cách trả đòn, trả đũa, sửa lưng thâm độc:
Que diêm que lửa que lời
Cõi trăm năm cũng một đời ba que
Ba que bốn quít hội hè
Tầm sưu nhậu nhẹt đề huề bủa giăng (BG.37)

Thoạt đầu thi nhân có vẻ nhắc tới sứ mạng của mình một cách khá tinh vi, như muốn mượn lời thi sĩ lãng mạn trong văn chương Pháp tự ví mình như "kẻ lấy trộm lửa thần", khi dùng ba chữ "diêm", "lửa" và "lời". Nhưng khi chơi luôn ba lần chữ "que", rồi đột nhiên ghép thành "ba que", thì chữ chơi không những nghịch ngợm, mà còn thêm vẻ đanh đá: xỏ lá ắt phải chơi với "ba que" mới đủ cái nghĩa đểu cáng của nó ! Nếu tiếp tục trò chơi chữ này bằng cách nhái giọng hoặc nói lóng, thì từ "bủa giăng" không biết còn văng ra chữ gì nữa ?

Chơi chữ hoặc chữ chơi có lúc cũng sâu sắc, xót xa như trong câu:
Lòng mơ hủ tiếu miệng lồ gồ dâng (BG.32)

Nếu đem dòng thơ này ra phân tích, thì thấy phảng phất một vị thơ "Bài Cú" (Haiku) của thi ca Nhật, vì ý và âm độ ngôn ngữ hài hoà đã đạt được tính chất siêu việt ngay trong cái gì tầm thường nhất: nhờ ở chữ "mơ" mà miếng ăn nhẹ hẳn đi, đỡ phần trần tục. Sự thèm thuồng trở nên trừu tượng, như tiếng gọi của đam mê. Riêng cụm từ "lồ gồ dâng" lại biểu hình một cách rất hóm hỉnh về tác động lên xuống, lồi lõm như miệng đang nhai. Đồng thời cũng phảng phất âm thanh một "logo"- lời biểu hiệu, hoặc nhai nhái như một "slogan" - cái khẩu hiệu thôi thúc, mời mọc: bên cạnh một món ăn vật chất có sự hiện diện điển hình và cần thiết của món ăn tinh thần; hoặc, ngược lại, tất cả cuộc sống, ăn uống, dù ở cái thế tận cùng, tầm thường nhất, cũng chỉ là giấc "mơ", là lời nói suông, tuyên truyền vu vơ, vừa để ngụy biện, vừa để tự dối lòng. May là mơ và mộng của Bùi Giáng lại đa diện về mặt ngôn ngữ, nên có lối thoát cho thi nhân trong nỗi thèm thuồng bất toại. Vậy nếu còn có "Lòng mơ hủ tiếu miệng lồ gồ dâng " thì chưa đến nỗi tuyệt vọng.

Đôi khi chơi chữ lại tế nhị, ân cần như trong câu:
Từ thơ phố thị tới nàng nàng nương (BG.64)

"Nàng" và "nương" tuy cùng nghĩa, nhưng vì được láy đi láy lại tới hai ba lần với nhịp độ điệp trùng trầm âm, nên đượm thêm vẻ nũng nịu, trìu mến.
Chơi chữ còn ấm ớ và khêu gợi như trong bài thơ "Em đi" (BG.44):
Em đi áo mỏng quần dày
Áo dày quần mỏng máu đầy hở hang ...
Hoa đời động đậy từ hang khe rừng

Không những đồng âm, "hở hang" và "hang khe rừng" còn a tòng và đồng lõa tham dự vào cuộc chơi tẩn mẩn, dùng cặp mắt nhìn trộm (voyeurisme) "hoa đời" và trái cấm. Nhờ người nhìn trộm là thi nhân, nên đối tượng của cái nhìn đó được thi vị hoá, phơn phớt đượm vẻ khêu gợi, thứ khiêu dâm nhẹ nhàng, úp úp mở mở trong mộng tưởng và trong ngôn ngữ:
Ngữ ngôn bừng dậy đầu hang khê đầu (BG.45).

Ta hãy đọc thêm câu sau:
Cái quần cái áo là bao
giá bao nhiêu mộng mỵ nào là mơ (BG.48)

Bên cạnh "cái quần cái áo", vốn là những tấm vải che thân, ngôn từ "là bao" được dùng để đặt một câu hỏi về số lượng, hay chỉ để ám chỉ vật thể "bao" bọc bên ngoài. Câu này cũng cho ta nghi rằng, ngôn ngữ qua tay Bùi Giáng chỉ là cái "quần", chiếc "áo" bọc ngoài tư tưởng và ý thơ. Phía trong thân thể của thơ, của "thy ngữ" là "mộng mỵ", là mơ, là hẹn hò chờ đợi. Làm thơ và đọc thơ là làm tình với ngôn ngữ. Và thơ Bùi Giáng là tiếng gọi tình miệt mài trong đam mê:
Hỏi rồi hỏi nữa, hỏi hoài
Hỏi liên miên gọi tình hoài mê man (BG.49)

Cách độ dùng ngôn ngữ trong thi ca Bùi Giáng láy đi láy lại như nhịp độ một câu thần chú (incantation) hoặc theo nhịp tụng "mantra":
Nền thi nhạc nếp hây hây...
Nền vô vi vút vi vèo (BG.32)

Ngôn ngữ đã sống hộ cho thi nhân, theo cung vần xoay bậc tái sinh, như bài thơ sống lại một lần nữa. Đó là trường hợp của "Bài thơ số dzách" (BG.79) mà toàn thể đã tái sinh trong bài "Từng cơn" (BG.119). Thi nhân chỉ việc "chép" lại và thêm dòng tái bút: (Vui quá giả bộ buồn), rồi đổi tên thành bài mới. Như vậy, Bùi Giáng đã sống chọn vẹn quan niệm thơ là thái độ với thơ. Mỗi khi chép lại, đọc lại một bài thơ là đã sống lại bài thơ đó một lần nữa, một cách khác. Người đọc hoặc ngâm thơ cũng có thể coi là đồng-thi-nhân, được tái nhiệm để tiếp tục công việc còn dang dở của người viết đầu tay chưa diễn tả hết lời, chưa sống hết độ thơ.

Nếu Bùi Giáng chỉ là người "chép tờ cuồng loạn ....chép câu gây cấn" (BG.135,192); "chép tờ mê hoặc thơ ngây" (BG.182); cũng như "chép tờ thạch lưu (BG.191), thì bài thơ đó cũng đã trở thành "bài thơ vô lượng" (BG.117) đang kết chùm thiên nhạc với giấc mơ, và có khả năng
đổi thay tình mộng vô cùng
đổi vô biên với điệp trùng đối nhau (BG.29).

Ngay trong "tim thơ rướm máu" và trần tục, Bùi Giáng đã vượt qua phân cách và đối nghịch để về lại chốn vô biên -- nơi vô lượng và vô thường nhập thành một.

(TRÍCH VĂN LUẬN, CỎ THƠM, 2000)



RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm) - lanhdien - 15-12-2011

Bùi Giáng - Ẩn ngữ
Vũ Đức Sao Biển

Sài gòn, Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn


Bùi Giáng sinh ra tại làng Thanh Châu, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng nam.

Phía trên là chiếc áo kaki, phía dưới là chiếc quần tây bạc màu. Vai đeo cái túi, đầu đội nón mũ nỉ, chân mang giày nghiêm chỉnh. Khuôn mặt mới đáng nói. Mắt mang đôi mắt kiếng, gọng bên phỉa còn nhưng gọng bên trái gãy mất, phải cột một sợi dây thun tròng qua phía sau ót. Sau mắt kiếng là một đôi mắt thật tròn, tinh quái và thông minh; cái nhìn nhu xoáy vào người đối diện.

Ông thường đến báo Thanh Niên vào tháng Mười một dương lịch. Ngày ấy, cơ quan báo còn một cây nhãn nhỏ. “Chu, tui có mấy bài thơ thơ mộng lắm ông Sao Biển nghe” – ông nói. “Thưa anh, bài mô của anh cũng thơ mộng hết”- tôi trả lời. Ông ngồi dưới gốc nhãn, “tác chiến” thơ. Thơ ra ào ào, dồn dập nhừ hàng long thập bát chưỡng; công lực có vẻ thâm hậu cực kỳ. ấy là Bùi Giáng đại lão gia, tức Báng Giùi, tức Bùi Bàng Giúi, tức Bùi Bàng Giùi tiên sinh đó vậy.

Nhiều người đã viết về nhà thơ Bùi Giáng. Viết thêm một bài về ông thì cũng không nhiều, không viết thêm một bài về ông thì cũng không phải vì thế mà ít đi. Thế nhưng, đa số những bài viết thường có khuynh hướng đưa ra mối quan hệ quen thân của tác giả với ông. Cho nên đáng lẽ phải nghiên cứu thi ca của ông như chính nó hiện có thì nhiều bài viết lại chỉ nhắm vào khía cạnh kể lại giai thoại và những mối quan hệ với ông. Mà than ôi, giai thoại và những mối quan hệ thì có thể có, cũng có thể không và cũng vô chừng vô đổi. Bởi Bùi tiên sinh qua đời rồi, có thể có một mà nói tới mười cũng chẳng ai làm chứng được chuyện đúng sai.

Viết về Bùi Giáng thật sự rất khó. Chẳng vậy mà em ruột của ông Bùi Luân đã từng viết thư thăm tôi và nói: “Tôi là em ruột Bùi Giáng và nay đã 68 tuổi đầu. Xin anh đừng tiết lộ chi cả về việc tôi gởi tặng anh cuốn Chớp biển với Bùi Giáng anh nhé”. Thư viết năm 1998, đến nay đã là mười hai năm. Khi ấy, còn là sinh thời ông Bùi Giáng. Tôi nhớ lời ông Luân dặn, không nói với ông Bùi Giáng và không viết về ông. Bây giờ tôi xin được phép viết.

Viết rằng: Thuở ngoài đôi mươi, Bùi Giáng đã có vợ. Vợ ông là một cô gái Quảng nam mới 19 tuổi, nghe nói khá đẹp. Chị về làm dâu, được cha mẹ chồng cho hai vợ chồng ra riêng, ở một khu vườn xanh tươi thuộc làng Đại Bường (Trung Phước, nay thuộc huyện Nông Sơn, Quảng Nam) Không hiểu do đâu, chị qua đời sớm khiến Bùi Giáng rất đau đớn. Có thơ làm chứng như vầy:

Em chết trên bờ lúa
Để lại trên lối mòn
Một dấu chân bước của,
Một bàn chân bé con.
Anh qua trời cao nguyên
Nhìn mây buồn bữa nọ.
Gió cuồng khóc mưa điên,
Trăng cuồng khuya trốn gió.
Mười năm sau xuống ruộng,đếm lại lúa bờ liền.
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rả riêng…


Cái chết của người vợ trẻ đã tác động lớn đến tâm hồn nhà thơ. Ông gọi người vợ thân yêu của mình bằng cái ẩn ngữ thân thiết và nũng nịu “Con mọi nhỏ bên rừng Phi châu”. Có khi, từ một người, một con mọi nhỏ hóa ra thành ba người. tập thơ Mưa Nguồn có lời đề “Tặng ba người con gái chiêm bao bên bờ cỏ Phi châu” thật dễ thương. Mà không hiểu do đâu, Phi châu lại lọt vào trong tư tưởng cua nhà thơ Quoảng Noam loãng moạn này.

Từ đó về sau, Bùi Giáng yêu thương nhiều người phụ nữ khác, say đắm nhiều tấm dung quang nguyệt thẹn hoa nhường khác. Ông say mê đào chớp bóng ngoại quốc, đào kịch nói nội địa, ca sĩ, nữ tu. Ông say mê nhan sắc Bình Dương, Mỹ Tho, Sa Đéc…tưng bừng. Thế nhưng, không có ai được ông yêu bằng “con mọi nhỏ”:

Tháng năm, dòng nước trôi xa
Người qua, người sẽ đi qua những người
Thôi qua…không hẹn một lời
Hẹn hò chi bấy, bước đời về đâu?
Tặng đời đóa đóa hoa sầu
Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi…

Than ôi, cái đóa mộng đầu – chữ dùng đầy hình tượng trong thơ Huy Cận “Chờ nhau dưới gốc sim già nhé; Ta hái trao em đóa mộng đầu”. Hắn đẹp cái chi mà đẹp ly kỳ, cổ quái. Hắn tươi tốt, kỳ vĩ, lung linh. Hắn trong trắng, thơ mộng, hồn nhiên một cách lạ lùng và hoàng tráng. Hắn chính là tình yêu, là chút rung động ban sơ thánh thiện trong một thoáng trái tim trẻ thơ bỗng bừng lên ngọn lửa tình yêu kỳ diệu. Khi “Đóa mộng đầu rã đôi”, thơ của Bùi Giáng lại hiện lên những ẩn ngữ khác lạ lùng hơn.

Mất đi đóa mộng đầu, đời đau điếng. Mất đi đóa mộng đầu, tim rát rạt. mặt đất bằng phẳng nhưng người ta vẫn té ngửa, té nghiêng trên đời. Thơ như âm ba ngậm ngùi vỗ lên cuộc sống rong chơi đầu đường xó chợ những đau đớn buồn thảm của phận người:

Lá như cây, lá như nhánh, lá như con chim nguồn heo hút ngó đầu gục xuống hai vai khóc ngang ngửa một đời nhớ nhung kiếm tìm không thấy.

Thơ Bùi Giáng tràn ngập những ẩn ngữ như vầy:

Các em đầu đội vai mang
Tiếng kêu rào rạt giang san ngậm ngùi
Em từ tuổi nhỏ tươi vui
Lớn dần lên thấy niềm vui tan tành.
Đầu đường xó chợ quẩn quanh,
Em nhìn phường phố thấy anh chạy quàng.
Thưa em, từ bữa lạc đường,
Người muôn, vạn, triệu ngập tràn chốn nơi.
Té lên, té xuống, té ngồi.
Té nằm duỗi dọc dưới trời giằng co…


Ấn tượng về người ngọc (ngọc nhân) ám ảnh tâm hồn Bùi Giáng. Đó không phải là một con người cụ thể; đó là đúc kết lại tất cả những gì mà ta gọi là chất ngọc của người phụ nữ. Nó có thể là nhan sắc phiêu bồng. Nó có thể là xác và thân, xương và xẩu, da và thịt thơm tho. Nó có thể là nụ cười hồn nhiên, ánh mắt mơ màng…

Người kỳ nữ ngày xưa trên bến nước,
Sẽ đi về trong bóng nguyệt quanh năm.
Và sẽ nhắc với đời em chuyện trước,
Vòm nguyên tiêu rơi rụng giữa trăng rằm.
Ngày trống rỗng không gian trôi vào cõi,
Xót xa thân sầu chảy máu bên xương.
Ngày theo tháng tiếc thương không tiếng gọi,
Nghe mùa xuân không đổ lục bên hường.
Con đường thẳng con đường cong cỏ mọc,
Nhịp mơ màng những quang gánh trên vai.
Hồn tuổi trẻ phiêu bồng trong tơ tóc,
Trút tình thu lạc gió ở bên ngoài.
Màu hoang đảo từ đây em sẽ ngó,
Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao…


Thế nhưng, người đi mất tiêu rồi. Nếu có một ngày người trở lại bến sông xưa tắm rửa chút đỉnh, tẩy trần cho thể xác và tâm hồn thì hình ảnh lại khác. Nó bắt đầu có vẻ thân xác một chút, một chút thôi:

Em về nhìn tháng theo năm
Chân mòn duỗi rạc rời nằm dưới thông
Một vùng trắng phủ mai thôn
Sương trùm nước ruộng lá dồn xuống khe.


Thêm một chút nữa, thơ ông hiện ra hình ảnh:

Những nàng tiên nữ trên cao
Thả xuống cho ta những trái đào.


Bùi Giáng thật hạnh phúc, được tiên nữ cho những trái đào. Văn cao ngày trước chỉ khao khát: “Thiên Thai, chúng em xin dâng chàng hai trái đào tiên”. Cả Lưu Thần và Nguyễn Triệu chỉ được mỗi cha một trái đào. Bùi Giáng ngơm hơn, được tới những trái đào. Tôi cứ nghĩ miết, không hiểu loại đào này là loại đào gì. Thực tế cho ta biết là đào người bằng da bằng thịt vẫn ngon hơn đào tiên và cuộc sống vẫn tốt hơn cõi Thiên Thai viễn mộng. Ha ha.

Thơ ca Bùi tiên sinh bắt đầu quẩn quanh qua chữ sex. Phòng trung thuật, Hoàng đế Tố vấn nội kinh của Trung quốcKama Sutra của Ấn Độ đã chẳng quẩn quanh chữ ấy là gì. Hoàng đế Tố vấn nội kinh coi sex là phương thuốc chữa bệnh. Kama Sutra vốn mang theo yếu tố Hindu giáo, coi sex là biện pháp giải thoát, giúp con người gần hơn với Thượng đế.

Người xưa đã vậy thì người nay há kém người xưa? Thế nhưng, chữ sex trong thơ của Bùi Giáng thơ mộng hơn, khiêm tốn hơn, ngây thơ hơn và thánh thiện hơn. Chữ sex trong thơ Bùi Giáng chính là thơ. Nó lãng đãng như bức tranh lụa vẽ hình thiếu nữ lõa thể sau màn sương khói:

Em về giũ mộng phù sa
Vén quần phong nhụy cho tà huy bay


Vừa vén quần mà tà áo lại bay lên nữa thì nghe cũng hơi khêu gợi. Thế nhưng đó là cảnh bên ngoài, nếu người ta nhìn thấy được thì gọi đó là trực quan sinh động. Cái ẩn ngữ bên trong thơ Bùi Giáng mới ghê gớm hơn. Ẩn ngữ ấy nóng như núi lửa, mạnh như nội công thái thậm lăng tằng, đìu hiu rất mực. ông lắng nghe chút hương dịu dàng khi tà áo thoang bay lên:

Châm trời mộng mị vàng pha
Mùa phương lan dậy sau tà áo bay


Mùi hương phương lan đó ẩn nấp sau một hình ảnh rất thực mà rất mơ hồ. Than ôi, Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung xây dựng nhân vật Điền Bá Quang giỏi đánh hơi ra chỗ có phụ nữ bởi cái lỗ mũi nhạy cảm với mùi son phấn. Cái mũi của Bùi tiên sinh nhạy cảm hơn Điền bá Quang. Ông chỉ cần hít một hơi chân khí là đã nghe “Mùa phương lan dậy”. Ông hoang một cách triệt để. Ông quán triệt cái hoang đó sang những người đọc thơ ông. Ẩn ngữ lại đi qua một hình tượng ẻo lả là cò. Có thơ làm chứng như vầy:

Bây giờ em ở nơi đâu,
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?


Thật gớm mặt. Có cái gì đẹp hơn cỏ mùa xuân? Có cái gì thơ mộng hơn cỏ mùa xuân? Tháng ba dương lịch, trời hạ du sông Thu thật đẹp. Người thiếu nữ lơ đãng qua đó:

Em về, rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh thu đà hồ phai


Hết cỏ, Bùi Giáng lại nhắc đến “cái nhu mì” nơi người phụ nữ. Tôi nghĩ bể óc cũng không hiểu sự vụ nhu mì đó là cái giống gì. Bản thân người phụ nữ ngoan đã nhu mì, vậy cái gì nơi họ cũng nhu mì tuốt. Nói như thế có nghĩa là cái nhu mì trong thơ Bùi Giáng nhu mì hơn tất cả những cái nhu mì trên trên thế gian.

Em đi, lặng lẽ em đi
Anh về nhớ cái nhu mì của em


Trong hai chục năm cuối đời, Bùi thi sĩ của chúng ta oai hùng hơn. Ông bắt đầu sự nghiệp…nói lái trong thơ. Ông dùng một hệ thống ẩn ngữ rất mực chịu chơi, vô cùng khủng khiếp, thái thậm lăng tằng để nói về chuyện nhu mì với nhu bún. Có thơ làm chứng như vầy:

Làm con gấu, con beo, con bò rừng, con hổ
Làm con chồn lùi lũi chạy vô hang

Ai hiểu cái chi là hiểu, hiểu cũng tốt mà kkhong6 hiểu cũng tốt. lái cũng được mà không lái cũng được. Bởi lẽ không muốn lái thì tự nó lại nói lái và dẫu có muốn nói lái tới đâu mà ngôn ngữ tự nó không chịu lái thì người cũng đành thua. Bởi lẽ hể lái thì thuyền về tới bến mà không lái thì thuyền cũng có thể về bến.

Gọi người bỏ lách lau thôn
Kêu người dứt cỏ lìa cồn cổ kim


Trình độ nói lái của ông đạt đến mức cổ kim hiếm thấy, thái thậm lăng tằng, đìu hiu rất mực. Ẩn ngữ đi qua những ngõ ngách, những hẻm hóc kỳ khôi dị hụ:

Cái lời tồn dập thong dong
Ở trong cái tiếng sầu đong lấp đầy
Ông trời rất mực thơ ngây
Bà trời rất mực dằng dai liên tồn
Trâu đi đứng gót lùi chồn
Chắc rằng tâm sự linh hồn đìu hiu


Ông giỡn với ngôn từ. Trời đất ơi, ông sáng tạo ra thứ ngôn ngữ Quảng Nam thật đặc biệt:

Lọt cồn sử lịch mai sau
Sẽ xin dâng tặng cái màu ban sơ
Tôi làm bác sĩ xin sờ
Vào nơi chốn nọ một bờ bên kia


Quê nhà vốn dĩ có tình trạng phát âm sai một số âm tiết. Thí dụ trong bách tính chỉ có họ Bùi. Bùi Giáng giỡn, thêm vào chữ Bùi một chữ Ô, sáng tạo ra một chữ Buồi làm ngữ nghĩa đảo điên, mơ màng , chộn rộn.

Ông tên là Gioáng phải không?
Quoảng Noam-Đòa Noẽng chánh tông tộc Buồi!
Nói xong, bèn phá ra cười
Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo.

Cứ thế, thi ca Bùi Giáng tràn ngập những ẩn ngữ. Ai đọc thơ ông thế nào, cảm nhận thơ ông ra sao là việc của họ. Riêng ông hồn nhiên, nghĩ ra làm sao thì viết vậy. Ông chỉ tác chiến thơ. Còn ai biên tập thơ ông là kệ họ.

Sau mấy chục năm đi du côn, Bùi Giáng trở về làng xưa ở Quảng Nam. Ông gặp lại những người hàng xóm thân quen cũ. Và chỉ với mấy câu thơ cà rỡn, ông đã cho người ta thấy được cuộc sống của người nông dân nghèo khi vào hợp tác xã:

-Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
-Còn cô, có phải cô Bông năm nào?
-Anh còn nhớ rõ, ôi chao!
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nào nhớ anh
Anh điên mà dui dẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu.

Chị Bông này buồn hiu thì phải. làm ruộng vườn là phải vui người ta mới làm được. đàng này, sáng nghe đánh keng một tiếng phải vác cuốc ra ruộng, trưa nghe keng một tiếng vác cuốc về, xế xế keng tiếng nữa lại vác cuốc đi. Vào hợp tác xã, người nông dân máy móc làm ruộng theo tiếng kẻng đánh. Làm rứa răng làm được? Cho nên tỉnh táo mà buồn hiu là vậy.

Bùi Giáng rất tinh tường. Đôi mắt của ông nói lên tất cả. Có người bảo ông là nhà thơ điên nhưng tôi thì chưa bao giờ nghĩ vậy. ông tỉnh một cách đáng để chúng ta kinh ngạc Ông chỉ giả bộ điên cho vui rứa thôi. Tôi đó trên đời này ai cãi lộn lại Bùi Giáng. Công phu cãi của ông rất thâm hậu.

Tôi còn nhớ năm 1968, tạp chí Văn ở Sài Gòn muốn phỏng vấn và giới thiệu thơ ông. Thế nhưng, người ta biết nếu dùng khái niệm phỏng vấn thì dứt khoát Bùi Giáng sẽ không trả lời, thậm chí còn có nguy cơ bị ông mắng mỏ cho một trận. Sau cùng tạp chí này khôn khéo cử một giáo sư triết là ông Nguyễn Xuân Hoàng gặp gỡ Bùi Giáng. Ông Hoàng viết thư trước, nói rõ với Bùi Giáng rằng sẽ nói chuyện về thi ca mà thôi. Bùi Giáng rất vui và tiếp ông Hoàng

Thuở ngoài ba mươi, Bùi Giáng được ông hiệu trưởng trung học tư thục VH mời dạy môn văn cho học sinh lớp đệ nhị (lớp 11 ngày nay) là lớp phải đi thi tốt nghiệp để có bằng tú tài 1 thời ấy. Bùi Giáng đã mạnh dạn…cãi lại chương trình giáo khoa và chủ trường. Hôm nào ông giảng truyện Kiều là hôm ấy…ông cởi áo ra, thậm chí gục xuống bàn mà khóc để bày tỏ niềm đau xót cho thân phận con người. Ấy bởi vì ông yêu nhân vật Thúy Kiều.
Thế nhưng hôm giảng qua Nguyễn Công Trứ. Ông vào lớp, mở rộng hai cánh cửa sổ, đăm chiêu nhìn ra ngoài trời. Rôi ông xoay lại với học sinh: “Các em à, hôm nay chúng ta học qua tác giả Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, Nguyễn Công Trứ không có cái gì đáng để cho chúng ta học hết! Thôi các em về đi”. Học sinh mà, chỉ chờ có vậy là bỏ đi sạch sẽ. Chủ trường tư thục than như bộng. Sở dĩ Bùi Giáng không dạy vì ông (xin lỗi) rất ghét thói ham hố công danh, muốn làm kẻ sĩ để “ra tài lương đống” của Nguyễn Công Trứ. Ông gọi nhân vật này là kẻ háo danh.

Bùi Giáng viết tiểu luận văn học rất sắc sảo dành cho học sinh muốn nghiên cứu văn học Việt nam. Ông yêu thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát…Những tác giả cổ văn khác có trong giáo trình nhưng ông không thích nên không thèm viết.

Một ngày năm 1993, ông đến báo Công an thành phố thắp nén hương lên bàn thờ Huỳnh Bá Thành. Ông đúng nhìn ngẫn ngơ tấm di ảnh của Thành rồi làm thơ:

Đến thăm anh Nguyễn Bá Thành
Tôi là Bùi Giáng rành rành bấy nay
Bay lâu mới có một ngày
Nhìn nhau như để thở dài, nhớ nhau.


Làm xong bài thơ, đọc lại, ông nói: “Thôi chết rồi, ông Thành họ Huỳnh mà tôi viết họ Nguyễn. Chừ làm răng ông Sao Biển hè?”. Tôi điềm nhiên: “Thưa anh, không răng cả. Trong bách tính có họ Huỳnh nhưng quy tắc hòa thanh thơ lục bát ở đây lại không cho phép ta dùng chữ ấy. Đáng lẽ ra anh phải viết là Huỹnh Bá Thành thì mới hợp hòa thanh nhưng trong bách tính lại không có họ Huỹnh. Cho nên anh dùng chữ Nguyễn ở đây là đúng. Tình hình thi ca là không thể thay đổi được”. Ông nhìn tôi bằng đôi mắt tinh quái: “Thằng cha ni lợi khẩu thiệt”.

Sigmund Freud và trường phái tâm phân học (psychanalyse) của triết học Đức cho rằng khi những khuynh hướng bị cản trở, con người sinh ra ẩn ức (refoulement). Những ẩn ức đó có thể được thăng hóa để bộc lộ qua các sáng tác văn học nghệ thuật. Nó bày tỏ cảm thức, tình yêu, sự say đắm, lòng khát vọng. Nó cao hay thấp, mập hay gầy, dày hay lép, dẹp hay to là do tài hoa của người sáng tạo. Nó chính là sự phát tiết tâm tình, tư duy, khát vọng của con người mần ra nó. Hễ không phát tiết được thì chủ thể sẽ…phát khùng ngay.

Cái chi trên đời cũng phải có xú-pắp để khi cần thì xả. Xả xú-pắp tức là phát tiết, tức giải tỏa ẩn ức. Nhan sắc của người đẹp là “Tinh hoa phát tiết ra ngòi; Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Bà Hồ Xuân Hương tác chiến thơ chữ Nôm, được xem là phát tiết tư duy. Ta có thể coi hệ thống ẩn ngữ trong thơ Bùi Giáng nằm trong khái niệm ấy chăng?