Thi Ẩm Lâu
Clip và bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Xi-Mô-Nôp - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Ca kỹ phòng (https://thiamlau.com/forum/forum-10.html)
+--- Chủ đề: Clip và bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Xi-Mô-Nôp (/thread-301.html)



Clip và bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Xi-Mô-Nôp - lanhdien - 11-02-2011

Bức tranh trên cát không như bức tranh tĩnh mà là cả một câu chuyện tình cảm động trong Chiến tranh vệ quốc. Qua clip này, chúng ta cảm nhận được nhiều hơn về bài thơ Đợi Anh Về của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp.





bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Tố Hữu


Em ơi, đợi anh về
Đợi Anh hoài Em nhé,
Mưa cứ rơi dầm dề
Ngày cứ dài lê thê
Thì Em ơi cứ đợi.
Dù tuyết rơi gió nổi
Dù nắng cháy Em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé.

Tin Anh dù vắng vẻ,
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì Em ơi, cứ đợi.

Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại


Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài nghe Em
Tin rằng Anh sắp về.

Đợi Anh, Anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ

Nào có biết bao giờ
Bởi vì Em ước vọng,
Bởi vì Em trông ngóng
Tan giặc, bước đường quê
Anh của Em lại về.

Vì sao Anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu Em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như Em chờ đợi.

Tố Hữu

Lời bình và sửa lại:

1. Trong khổ đầu, Tố Hữu dịch:

" Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài Em nhé "

Tố Hữu đã dùng câu điệp là thừa, hơn nữa từ " hoài " làm nghĩa câu thơ bị sái (hoài công, phí công). Cả hai câu này là lời nhắn nhủ của người lính ở xa. Anh nhắn nhủ thế là đúng, nhưng còn Anh thì sao? Không thấy nói đến. Do đó câu thơ trở nên một chiều.

Còn trong nguyên bản là :

" Em ơi, đợi Anh!
Anh sẽ về "

Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.

2. Câu thứ 8 và thứ 9 Tố Hữu dịch là :

" Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé "

Câu này không rõ nghĩa, không chuẩn về mặt ngữ pháp và nhắc lại từ " hoài " không đắt. Nội dung chính trong nguyên tác là :" Dù các bạn của Em, có ai đó đã quên người yêu của họ, thì riêng Em cứ chờ ". Hai câu có hai vế đối lập nhau, làm tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy. Vậy nên dịch lại là :

" Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em cứ đợi "

Cụm từ " ai đó " ở đây có nghĩa không xác định, không chỉ một người cụ thể nào chứ không nên dịch như Tố Hữu là " bạn cũ có quên rồi " vì nó cụ thể quá làm bạc nghĩa. Ngoài ra, cụm từ " Dẫu ai đó "đối lập với cụm từ " Thì riêng Em " sẽ làm nổi bật lên sự kiên định của Em . Lời dịch của Tố Hữu không phản ánh được điều này.

3. Tiếp theo Tố Hữu dịch :

" Tin Anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì Em ơi cứ đợi ".

Dịch thế là sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói :" Chẳng mong chi ngày về " nghe nó tuyệt vọng quá ( giống như từ " hoài " vậy ). Xi-Mô-Nốp không nói thế. Còn vô nghĩa là ở câu dịch :" Lòng ai dù tái tê ", bởi " lòng ai " có nghĩa không xác định, không rõ đối tượng, còn trong nguyên bản đối tượng rất cụ thể là " Lòng Em " chứ không phải là một ai khác.

Nên dịch lại là:

"Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh dù chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ "

4. Còn một khổ dài Tố Hữu dịch là:

" Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại..."

Khổ thơ này gần như sai hoàn toàn so với nguyên tác. Trong bài thơ, Xi-Mô-Nốp nói: " Em chờ Anh, nhưng đừng có hoàn toàn mong những điều tốt lành. Bởi vì, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra cả. Nếu chẳng may Anh có hy sinh thì nỗi đau khổ của Em, Em phải gắng quên đi trong nghị lực, hãy giúp Mẹ nuôi con thay Anh... ". Trong khổ thơ này, Tố Hữu một lần nữa lại dùng cụm từ không xác định " Dù ai nhớ thương ai " làm câu thơ trở nên vô hồn, không có nghĩa.

Thêm nữa, chỉ có 4 câu 5 chữ mà Tố Hữu đã 2 lần lặp lại , trùng văn , trùng ý: " Chẳng mong có ngày mai - .... - Hết mong Anh trở lại ... ". Trong thơ của mình Xi - Mô - Nốp không hề có ý nghĩ tiêu cực về bà mẹ như lời dịch của Tố Hữu: " Dù mẹ già con dại - Hết mong Anh trở lại ". Còn trong nguyên tác ý nghĩa rất tích cực của tác giả là : " Em hãy cố gắng quên khổ đau để nuôi Mẹ nuôi con " Tố Hữu lại bỏ mất. Có thể nói khổ thơ này dịch sai hoàn toàn cả ý, cả lời.

Nên dịch lại là :

"Chờ Anh, Anh sẽ về
( nhưng ) Đừng chỉ mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Nỗi đau cần phải quên...
Hãy nhìn vào Mẹ hiền
Và các con thơ dại...
... Nếu Anh không trở lại "

Như thế vừa sát nguyên văn, phản ánh được đúng tâm hồn của tác giả.

5. Lại một đoạn thơ rất hay của Xi-Mô-Nốp, nói với người vợ ở hậu phương rằng: " Nếu có người bạn gái của Em vẫn chờ chồng phương xa, thường ngồi bên cửa sổ nhâm nhi li rượu cay ( từ cay ở đây rất hay ) để có thể nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ, nỗi khổ, thì Em ơi, Em hãy cứ như bạn mà uống đi ".

Nhưng Tố Hữu lại dịch khác hẳn:

" Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài Em nghe
Anh của Em sắp về "

Thì có thể nói gần như đã phóng bút đến mức bịa ra một ý khác hẳn. Trong nguyên tác, không hề có " nấm mồ xanh ", không có " ai viếng hồn ai " cả. Còn câu: " Nâng chén tình dốc cạn... " thì không thể hiểu ý tứ gì, nghĩa lí gì được nữa. Phải dịch là :

" Như ai đó đợi chờ
Vẫn ngồi bên cửa sổ
Li rượu cay, nỗi nhớ
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ "

6. Và Xi-Mô-Nốp còn viết: " Nếu có người vợ nào đó có cầm lòng không được, thì đừng trách họ làm gì. Nhưng trong bom rơi đạn lửa ta (em và anh) vẫn biết chờ nhau ". Tố Hữu dịch ra ngoài ý này: " Thì Em ơi mặc bạn -.... ". Nên dịch lại là:

" Đợi Anh! Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi "

Đoạn này nói lên tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa, trong cảnh rất nhiều người chồng, người anh của họ đã ra đi mà không bao giờ có thể trở về.

7. Đoạn cuối Tố Hữu dịch là:

" Đợi Anh, anh sẽ về
Trong chết cười ngạo nghễ
Hẳn cho sự tình cờ...".

Trong nguyên tác không hề có sự " chết cười ", không có " ngạo nghễ ". Nói thế làm câu thơ không còn đẹp nữa. Trên đời không có sự tình cờ nào cả, mà nếu có thì cũng ra ngoài cái ý chí, lòng kiên định, sự tin tưởng của tác giả muốn nói. Cần phải dịch lại:

" Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau
Lúc Anh về, Anh biết "

Biết cái gì ? Tác giả đã lí giải và nên dịch lại đoạn này như sau:

" Chỉ có Em tha thiết
Dù dòng lệ cạn khô
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi ".



Sau đây là toàn bộ bài thơ “ Em ơi ! đợi anh về ” của Xi-mô-nôp - được ông Nguyễn Tất San và anh Nguyễn Tất Thịnh dịch lại theo nguyên bản tiếngNga:

Em ơi, Đợi anh,
Anh sẽ về
Dù mưa rơi dầm dề
Dù ngày buồn tái tê
Thì Em ơi, cứ đợi.
Dù gió Đông tuyết dội,
Dù nắng Hạ mưa rơi
Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em, cứ đợi.

Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh thường chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ.

Chờ Anh, Anh sẽ về
Đừng mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Có lúc cần phải quên.
Hãy nhìn vào mẹ hiền
Và con thơ bé dại
Em ơi, Em hãy chờ.


Như ai đó vẫn chờ,
Ngồi bên ô cửa sổ
Ly rượu cay nỗi nhớ,
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ.
Đợi Anh, Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết,
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi.

Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau,
Lúc Anh về, Anh biết:

Anh biết Anh không chết
Đâu phải lẽ tình cờ.
Chỉ có Em tha thiết
Dẫu dòng lệ cạn khô,
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi.


Theo nguồn từ chungta.com







RE: Clip và bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Xi-Mô-Nôp - }{ồ điệp khách - 12-02-2011

bài này đọc một lần hồi học cấp 2 thì phải
từ đó trong đầu lảng vảng câu: em ơi đợi anh về-đợi anh anh sẽ về
hôm nay đọc lại ........

xem clip trần trồ không dưới 3 lần....


RE: Clip và bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Xi-Mô-Nôp - hothiethoa - 12-02-2011

Ngôi sao mới trên YouTube là cô gái người Ukraina - Kseniya Simonova, 24 tuổi, vừa giành giải nhất cuộc thi Ukraine’s Got Talent. Cô đã chiếm trọn trái tim hàng triệu khán giả với tài năng… chơi với cát của mình.

Kseniya Simonova đã trở thành một hiện tượng trên YouTube khi kể lại những câu chuyện qua tranh cát. Tờ Guardian của Anh đã không tiếc lời khen rằng có Simonova rồi thì ai còn cần Susan Boyle (“giọng ca thiên thần” giành vị trí thứ hai trong cuộc thi Britain’s Got Talent 2009) nữa?

Kseniya Simonova với cuộc chơi cùng cát...





Sử dụng một hộp ánh sáng, âm nhạc đầy cảm xúc, trí tưởng tượng và tài năng vẽ tranh trên cát, Simonova kể lại câu chuyện bi tráng thời chiến tranh vệ quốc Thế chiến II.

Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh một cặp đôi ngồi nắm tay nhau trên chiếc ghế dài dưới bầu trời đầy sao. Rồi chiếc máy bay chiến đấu xuất hiện và cảnh tượng hạnh phúc không còn nữa. Thay vào đó là khuôn mặt một phụ nữ đang khóc, và rồi một em bé xuất hiện và người phụ nữ lại mỉm cười.

Một lần nữa chiến tranh lại trở lại với những cảnh tượng hỗn loạn. Khuôn mặt trẻ trung của người phụ nữ nhanh ng trở thành một khuôn mặt người góa phụ già nua đầy những nếp nhăn và vẻ buồn bã. Sau đó hình ảnh ấy lại biến thành đài tưởng niệm của một người lính vô danh.

Cảnh tượng này được đóng khung trong một chiếc cửa sổ như thể người xem đang ngồi trong nhà nhìn ra đài tưởng niệm. Cảnh cuối cùng là hình ảnh một bà mẹ và em bé ngồi bên trong, bên ngoài là người đàn ông ấn tay vào tấm kính nói lời tạm biệt để ra trận.

Với câu chuyện được kể lại bằng cát của mình, cô gái sinh năm 1985 đã chiếm giữ con trái tim khán giả. Màn trình diễn dài 8 phút rưỡi của Simonova như thể một tác phẩm bậc thầy làm lay động sâu sắc những người dân Ukraina. Khán giả không kìm được những tiếng thổn thức khi theo dõi cát biến ảo dưới bàn tay tuyệt vời của cô.

Video trình diễn của Kseniya Simonova trong cuộc thi Ukraine’s Got đã gây sửng sốt với người hâm mộ. Gần như hầu hết trong số 13 triệu người xem Simonova trình diễn trực tiếp qua truyền hình trong cuộc thi Ukraine’s Got Talent đều khóc thổn thức. Ban giám khảo cũng như những khán giả tại studio cũng không thể ngăn những dòng nước mắt tuôn rơi.

Và không chỉ người Ukraina mới yêu thích những câu chuyện của Simonova. Đến nay, video trình diễn của Simonova thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên YouTube. Con số này là một hiện tượng khác thường cho một clip của một nghệ sĩ ở một nước ngoài Anh và Mỹ, đặc biệt là khi rất ít người xem có thể hiểu được những dòng thông điệp được viết bằng tiếng Ukraina.

Những bức tranh cát của Simonova mang đến sự bình lặng, rồi những xung đột. Một cặp đôi ngồi bên nhau trên chiếc ghế tựa bỗng chốc hóa thành một khuôn mặt phụ nữ. Một cuộc đi dạo êm ả bỗng trở thành một thảm họa. Một góa phụ đang khóc thổn thức bỗng chuyển thành chiếc đài tưởng niệm một người lính vô danh… Simonova đã giữ cho câu chuyện kể của mình liền mạch bằng bàn tay khéo léo “làm phù thủy” với cát…

Thành công ùa đến khiến Simonova vô cùng ngạc nhiên. Người mẹ trẻ này cho biết cô hạnh phúc được sống với chồng và cậu con trai nhỏ ở Evpatoria (một thành phố nhỏ ở Ukraina) và sẽ không đi đến các nước khác để kiếm lợi từ lượng fan khổng lồ khắp toàn cầu của mình.

“Tôi tham gia cuộc thi bởi vì tôi muốn giúp một em bé đang cần làm phẫu thuật. Tôi không định làm cả nước tôi phải khóc”, Simonova tâm sự về quyết định tham dự cuộc thi Ukraine’s Got Talent. Simonova đã dùng khoản tiền thưởng gần 120.000USD để mua một căn nhà nhỏ và lập một quỹ từ thiện cho trẻ em.

Xuân Vũ (Theo Telegraph/Guardian/Russianwomen)