Thi Ẩm Lâu
Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng (/thread-1544.html)

Pages: 1 2


Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 02-06-2013

[Hình: NgDucSon.jpg]


Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em cởi truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt mượt cả lông măng

Từ dạo đó xác hồn anh mất hết
Một đêm nào trở lại cõi vô biên
Đời anh đó đâu có bằng hạt cát
Đã vô tình vương dưới gót chân em


Đó là lần đọc đầu tiên của tôi về ông. Lúc đó rất ngạc nhiên và thích thú...Có một thứ gì đó rất sãng khoái nhưng khó mà diễn tả được. Để rồi cứ đi theo những câu thơ kia một cách vô thức, rồi khám phá và bắt gặp những điều thú vị khác từ con người này.

Nguyễn Đức Sơn quả đúng thật là có một cõi phiêu bồng tột đỉnh trong Thi ca Việt, Nhưng điều tôi ghi nhận là ông dám sống và đối diện với chính mình dù đúng, dù sai... Cũng như Bùi Giáng, ông đã đi qua " cõi rong rêu" này mà mặc nhiên không mảy may vướng bận thị phi...

Dưới đây là những bài viết về ông. Dẫu rằng nó chưa hẳn hoàn toàn chính xác, nhưng ít nhiều giúp chúng ta có thể hình dung được phần nào về ông qua những bài viết kia.

[b]Nguyễn Đức Sơn - Hư vô một cõi phiêu bồng

Nguyễn Miên Thảo


Trước năm 1975,giới văn học miền Nam xếp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong 4 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn,Thế Phong, Phạm Công Thiện, vừa tài năng vừa ...quậy. Xin hiểu quậy ở đây có nghĩa là khác người đại để như N Đ Sơn ra biển nằm vọc c..., Bùi Giáng chui xuống gầm cầu Trương Minh Giảng (sát bên Viện Đại học Vạn Hạnh, nay là trường Đại học Sư phạm) để ngửi ...


Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam : Bùi Giáng, Nguỵễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên. Với sư sắp xếp của làng văn miền Nam thời đó hoàn toàn vô tư, trong sáng, không dựa trên quyền uy, chức tước, bè phái, điếu đóm như bây giờ mới thấy chỗ ngồi của Nguyễn Đức Sơn trên chiếu văn sáng như Sao Trên Rừng.

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, bút hiệu Sao Trên Rừng, gốc Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ, Ninh Thuận (Phan Rang). Ông từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết :Sống vô gia cư, chết vô địa táng, và tuyên bố: Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.


Trước năm 1975, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn nổi tiếng: Những Bài Tình Đầu, Đêm Nguyệt Động, Mộng Du, Cái Chuồng Khỉ, Cát Bụi Mệt Mỏi...Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm (Tỳ kheo Thích Thanh Tuệ) in ấn và phát hành.


Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Sau năm 1975, ông về ở hẳn tại Phương Bối Am, Blao-Lâm Đồng, cách ly với sinh hoạt văn học. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.

Nhà văn Võ Phiến, một nhà văn nổi tiếng đứng đắn và cực đoan đã có nhận xét độc đáo và thú vị về Nguyễn Đức Sơn:

"Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưỡi kêu: hắn trót có tí "máu văn nghệ" trong người. Trong đám văn nghệ với nhau thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sĩ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để xứng danh thi sĩ ông cũng làm trò con nít: gửi thư lên chị Hằng, gánh thơ đi bán chợ trời v.v..Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu: "Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra " Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của ông: điềm nhiên giản dị hơn biết bao:


đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...

(Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển )

Cứ thế ông thở "đủ kiểu. Rồi qua một bài thơ khác ông lại "khoái trí nằm thở nữa". Một đằng cố gắng làm ra lạ đời nên phải cởi truồng, phải chọc trời ghẹo trăng cho to chuyện; một đằng vốn có bản lĩnh tự nhiên, nên chỉ nằm mà thở thong thả cũng đủ độc đáo chán. Trong thơ, ta đã mấy ai nghe những tiếng thở cái phào cái phèo ngang tàng như vậy? (Nhất là đọc cho đến hết bài "thở đủ kiểu" ta giật mình thấy không phải đó là cái ngông vô cớ, ta không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa đến thế.) Khi Chế lan Viên muốn cho khác thường, ông đòi: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh", còn Nguyễn Đức Sơn thì chẳng xin một tinh cầu nào, cứ việc nằm ngay trên bờ biển mà vọc c... Khi Chế Lan Viên muốn tỏ ra ngông, ông đòi cởi truồng để tắm trăng; còn Nguyễn đức Sơn thì lại lăn cù trên bờ biển, rồi ngủ quên trên bờ biển, nửa khuya bị mưa ướt, thức dậy tự hỏi mình: "đã đời chưa con?” (Trích "Văn học miền Nam" của Võ Phiến.)

GIỚI THIỆU LAI RAI Thơ Nguyễn Đức Sơn

HÀNH ĐỘNG

các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.

BẮT ĐẦU THỞ

bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc
không bao giờ anh nói dối em đâu
ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục
cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu.

THI SĨ

khi ý thức mặt đất này dang dở
ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang
khi chấp nhận một ngàn lần đổ vỡ
ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang.

TÔI THẤY MÂY RỪNG

một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

thôi nhé ngàn năm em đã qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa

QUÊ HƯƠNG

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm

mười mấy năm rồi dì nhỉ
lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
lòng dạ ai người không thương

quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù

ngỏ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng

ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi

dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.

MAI KIA

Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi suốt ngày
Thu nào tóc bạc òa bay
Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên

ĐỐT CỎ NGOÀI RỪNG

Xem cha đốt cỏ ngoài rừng
Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

NHÌN CON LẬP TẬT

Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

TRÊN BỜ HƯ KHÔNG

một đêm sao ở trên rừng
đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
tuổi vàng suối mộng trời thơ
lớn lên tôi chết trên bờ hư không.

ĐÊM KHƠI

lênh đênh thuyền giạt xa miền
nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
trông lên thượng đế đi rồi
hỏi mây thái cổ con người vân vi
lối mòn cỏ mộ xanh rì
ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao
đảo buồn thổi gió lao xao
ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

NGHE TIẾNG GÀ RỪNG GÁY

chợt nghe tiếng gáy rụng rơi
khóc lên tang hải giữa trời tha ma
từ sương mai đến ác tà
khuất trong thiên cổ dấu gà hiển linh.

MỘT TÂM ẢO TƯỢNG

xe chênh bánh giữa luân hồi
ưu bi chở ngập bên trời bao la
ngày chưa sụp bóng ta bà
đã nghe chừng Hội Long Hoa đến rồi
một ngài Di Lặc xa xôi
một tâm ảo tượng tôi ngồi thâu đêm.

NGÀN SAU

về đây say với trăng ngàn
phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
mai kia tắt lửa mặt trời
chuyện linh hồn với luân hồi có không
thái hư chừng sắp chuyển vòng
đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
chúng ta chờ ước mong gì
văn minh gửi cát bụi về mai sau..

(Từ bài Trên Bờ Hư Không đến bài Ngàn Sau
trích trong Những Bài Tình Đầu, tập 3: Lời Ru).


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 02-06-2013

ĐÁM CƯỚI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN

Nguyễn Miên Thảo
(Viết theo trí nhớ)


Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.

Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.

Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”

Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.

Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.

Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.

Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.

Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!

Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .

Nguyễn Miên Thảo


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 02-06-2013

Sơn Núi
. Tuệ S

1. Sinh ra để làm thơ, đó là
Định mệnh?
Hay lịch sử?
Hay cái gì nữa?

Có bao nhiêu câu hỏi tương tợ như vậy, nghĩa và vô nghĩa, để chắp cánh cho ta đi tìm một bóng dáng huyền thoại của một nhà thơ, và chỉ một mà thôi? Không; không có câu hỏi nào cả. Neti, neti, Tatt tham asi. Không có gì cả. Chỉ có tiếng hú, và huyền thoại của tiếng hú, trong cơn lốc quằn quại của con vượn biết mình đang tan vào lượn sóng, chồm lên hung hãn đòi hỏi phẩm chất làm người. Sóng gào thét với gió ngàn bạt đỉnh, nhận chìm tiếng hú xuống dòng xoáy của hư vô. Từ đó, loài người xuất hiện, lầm lũi bước đi trong bóng đêm u tịch, nghe sau mình tiếng vọng đuổi theo; tiếng vọng của những quá khứ đã chết, những tháng ngày bay vèo theo xác lá khô. Đâu đó, nghe ngân dài: Ôi tình Yêu! Ôi Vĩnh Cửu ?

Tiếng ngân ấy, rung lên giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, và cũng tha thiết. Tiếng thơ của ai? Hay của con người, chỉ một con người, đứng ôm mặt trời nóng bỏng trên đỉnh Trường Sơn. Thế rồi, thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, cho sinh thêm một con người nữa, để có thể hỏi : Thơ là gì, là tình yêu hay tội lỗi ? Thêm một người nữa, để cho ta biết yêu, biết hận, và biết làm thơ. Ta biết làm thơ, vì ta đã phụ bạc, đã ruồng rẫy; chôn tình người xuống hố sâu tội lỗi; dựng lời thơ thành cung điện huy hoàng. Đêm đêm rừng sao mênh mông tuôn xuống lớp lớp cơn mưa châu ngọc. Giữa cơn mê sảng của giàu sang, ảo ảnh hiện hình làm quỷ sứ, gọi nhà thơ dậy, hỏi dồn và thách thức: đâu tình yêu? đâu vĩnh cửu? Nhà thơ nhìn lại trong lòng tay; chỉ còn một hạt cát Trong cơn mê sảng, nó thét lên :

''Hột
Thì le''


Vì người đã sống, và đã đi suốt chiều dài tiến hóa; nên Thơ đã chết. Chỉ còn giai điệu lăn lóc của sỏi và cát:

''Hột
Thì le''


Vô nghĩa, và vô ngôn. Chỉ có sự sống trần truồng, vật vã trong nắng bức và gió rát của sa mạc. Của đam mê và hủy diệt. Của tình yêu và phản bội. Của vĩnh cửu và hư vô.

Hai mươi lăm năm rồi, từ khi tôi biết yêu; từ khi nhìn thấy ngọn cỏ gầy gục đầu dưới lớp bụi nặng trĩu ven đường, mà bỗng thấy rạo rực với những ảo ảnh chập chờn, nghe đâu đó có tiếng thì thầm: Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao. Khi chợt tỉnh, chung quanh khói lửa ngập trời. Rồi mặt trời đỏ rực màu máu. Rồi Thái Bình Dương dậy sóng. Đi đâu hết rồi, những người tôi yêu và những người yêu tôi? Trong bóng tối của tử tù, từng khoảnh khắc tôi nghe đồng vọng tình yêu trên cao. Tình yêu đến gần, đang tô điểm phấn son, chờ phút giây hội ngộ trong yến tiệc linh đình của pháp trường cát. Tình yêu phía trước, ngân vang giai điệu Prélude chậm buồn trong tay những xạ thủ:

''Mai sau tắt lửa mặt trời''

Tình yêu để lại phía sau, dãy hành lang hun hút, dồn đập tiết tấu Rhapsodie :

''Chuyện linh hồn với luân hồi có không''

Rồi lật sang chương ba của bản hòa tấu, Marchefunnebre :

''Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gởi cát bụi về mai kia…''

2. Sa mạc lớn dần...
Thượng đế đã chết...

Bởi vì con người đã chết. Một thế hệ được sinh ra, được nuôi lớn, để làm chứng cho sự sụp đổ, hoang tàn. Thần linh bỗng nhiên biến mất. Và hình ảnh mầu nhiệm, kết tinh từ Thánh thể, cũng biến mất. Sự sụp đổ của một nền văn minh, và hoàng hôn của những thần tượng. Tôi đi tìm đâu đó hoài niệm về một quá khứ mà mình chưa từng có mặt. Bóng ma của cái quá khứ vô tri, xa lạ ấy, đã một thời ám ảnh.

Sa mạc lớn dần...
Thượng đế đã chết...

Từ lâu, tôi không còn nghe những âm hưởng một thời xao xuyến ấy. Không chỉ là xao xuyến, mà là sóng gió, là giông bão. Đó là những âm hưởng rung động, chấn động đầu đời. Tôi chẳng hiểu tại sao thế. Quả thật, còn nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu. Tôi muốn nói những ẩn ngữ của thơ. Cũng như tôi không hiểu tất cả sự huyền bí, mầu nhiệm, sự hiện hữu của một quả nho. Nhưng tôi đã từng nếm vị ngọt của nó. Nói cho thật nghịch lý, tôi chưa bao giờ biết, chưa bao giờ hiểu tôi là ai. Nhưng tôi vẫn là tôi. Một nghịch lý không thể tránh; một nghịch lý ám ảnh không cùng, là tôi vẫn luôn tự hỏi, mỗi khi đối diện với anh: Sơn là ai nhỉ? Con người này là ai?

Anh là ai? Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn "quậy phá"? Dưới ngòi bút phê bình, anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng, và những ấn tượng, mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miêu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, và cũng khó mà làm quen được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng , mà là một một cái gì đó, ở đâu đó, bỗng nhiên rơi xuống đó:

''Tôi đang rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch
Từ muôn đời nay''


Cái đó không phải là một hiện sinh; không phải là một hữu thể hay thực thể, bị ném vào đời một cách phi lý, vô nghĩa. Nó đến như là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng có phải vì vậy mà nó phi lý, nó làm cho buồn nôn? Tuy thế, cái ngòi bút phê bình quả là cái gậy thần. Gõ vào những trang sách dày cộm của Satre, những từ ngữ triết học bí hiểm nhưng lại mang nhiều ưu tư khắc khoải của Heidegger, từ những cơn thịnh nộ bốc đồng của Nietzsche; gõ vào đó và làm cho xuất hiện một hiện sinh, một con người hiện sinh biết làm thơ. Rồi người ta cảm thấy buồn nôn vì cái hiện sinh phi lý ấy, hay vì cái ngòi bút đầy quyền uy siêu nhiên ấy ? Dù sao, thì một thời, người ta nói, Sơn vẫn là nhà thơ hiện sinh. Người ta nói như thế. Cũng như người ta nói "Chú Sỹ hiện sinh". Bởi vì chú thích leo cửa sổ vào buồng ngủ của Thầy hơn là đi vào bằng ngõ chính. Có điều, chú không

''… rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch.''


Anh là ai ? Lần đầu tiên tôi gặp anh. Đó là sao trên rừng. Tôi không cảm thấy ba chữ này phải viết hoa. Trông có vẻ một thư sinh. Cũng hiền lành như những thư sinh khác. Hiền lành, nhưng cũng rất quậy. Một thứ quậy phá của học trò. Anh nói thơ, theo kiểu nói "sùi bọt mép". Anh cãi lý Phật pháp với sư huynh tôi, học chung một lớp. Anh cãi rất hỗn. Nhưng không hiểu sao, cho tới bây giờ, sư huynh tôi vẫn quý anh. Hình như ông không biết đến một "Sơn quậy " ông đã không đọc đoạn giữa của bài thơ, mà chỉ nhìn thấy câu đầu và mấy câu cuối:

''Nhờ hồng phúc

Tôi vẫn đang ngủ trên am mây Với những bậc thầy
Muônthuở trước''


Đoạn giữa, là một đoạn đời, hay một cuộc đời "hiện sinh": mà nay

''Mà nay
Mặc dù đã có gia đình bậy bạ rồi''


Rồi 35 năm sau, vật đổi sao dời; tôi từ trong bóng tối tử tù bước ra, anh tử trên núi lăn xuống. Gặp nhau giữa đống rác Saigon chết. Không thấy gì khác lạ. Tất nhiên là có nhiều thay đổi. Trời đất còn phải đổi thay, non sông còn phải đổi chủ, huống gì là một con người, một gã du sỹ. Cái đổi thay này thì thật là kinh khiếp. Hàng vạn tấn bom không làm cho Thái Bình Dương dậy sóng. Nhưng những bài thơ cóc ngâm, ca tụng thiên đường hạ giới, đã gây những cơn địa chấn làm sập đáy biển, đã nhuộm đỏ biển Đông, đã làm cho cây rừng gục ngã, đã làm cho mồ hôi, nước mắt tuôn ào ạt thành những cơn lũ kinh hoàng. Tôi tìm đâu một trời thơ, sau những ngày tháng đong đưa trên vực thẳm sống chết?

''Ta còn giỡn nữa hay thôi
Khói bay mờ tỏa luân hồi vòng vo
Gửi về đâu một chút tro
Kèn vang lộn mửa tiếng o í e''


3. Một cuộc đời mà ta biết; một con người mà ta quen, thủy chung, vỏn vẹn chỉ có thế. Nhưng khi người ấy làm thơ, thì khi ấy, con người thơ, và cõi mộng của thơ, là ẩn ngữ huyền nhiệm. Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? tàm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai. Bất quá, tôi mượn những ý tưởng có sẵn trong kho ngữ vựng triết học đông tây kim cổ, để tự giới thiệu và tự mô tả. Những ý ấy, và lời ấy, tôi biết thật sự là vô nghĩa. Dù sao, cũng vẫn cần một câu trả lời, để khẳng định hiện hữu của mình giữa cái thế giới lầm lì, hiu quạnh này. Thử hỏi: Ta là ai?

''Thì ra
Ta vốn là ma''

Vẽ ma dễ hơn vẽ người. Mỗi người tuy là mỗi cá thể độc lập, biệt lập; không ai giống ai. Nhưng tất cả loài người, bất kể da vàng da trắng, đều có chung những quy ước phổ quát. Không tuân thủ những quy ước, không làm sao vẽ vẽ được một hình người mà mọi người đều nhận ra đó là người. Dù vẽ theo ấn tượng, hay siêu thức, hay lập thể; vẫn có những quy ước phổ quát. Ngoài đó ra, là vẽ hình ma quái. Ấy thế, cái người mà mọi người cho là quái dị, kỳ cục; nhưng ai cũng cảm thấy mình có thể vẽ được con người ấy; vì nó là ma. Người ta nó i nó là ma . Cái bóng ma ấy chập chờn trên sa mạc.

Quả vậy, tôi đang đi trên sa mạc. Đang quờ quạng trong bóng đêm rét buốt của sa mạc. Mới ban ngày đây thôi, mặt trời nóng cháy. Vì loài người đang thù ghét nhau. Thù nhau từ những phương trời mộng tưởng; đến đây để thanh toán nhau những món nợ oan cừu lịch sử gì đó. Bạn bè tôi, lớp lớp ra đi; theo nhịp bước lịch sử oai hùng. Nhưng thảy đều đi mất biệt. Không có trời đông, hay trời tây, để cho sao mọc hay sao lặn. Thế thì, sao trên rừng là cái quái gì ? Cho nên, đại bác và hỏa châu rượt đuổi anh hàng ngày. Anh trốn trong hủ gạo. Trốn xuống gầm xe. Trốn vào nhà chùa. Anh chạy trốn, tất nhiên vì anh muốn sống. Ai lại chẳng muốn sống? Sống như bóng ma của thời đại trong cái huyễn mộng phù sinh; trong cái chập chờn ma quái; đôi khi lồ lộ một con người chân thật; một hình ảnh con người chưa từng sống, mà cũng như chưa từng chết. Xuyên bức màn trăng, mênh mông vô hình, ta nghe một con người đang than thở :

[i]''Ô hồn ta
Sao quá mỏng .
Ngoài vườn trăng''
[/i]

Trong sa mạc đêm lạnh lẽo này, trong cái bóng tối uy hiếp của bốn vách đá của bức màn sắt rờn rợn này, trong đây không dễ gì tìm ra một ma nào đang thở. Nhưng ngoài kia, ngoài vườn trăng kia, một hồn người sung mãn. Hồn người chứ không thể là hồn ma được. Đó là hồn người, cho nên nó biết khóc khi nhìn trong lòng tay, những giọt trăng đang đông lại thành những giọt máu. Máu của những oan hồn đang đòi quyền sống. Có muộn quá đi chăng ?

''Trong những đêm trăng
Có một nỗi gì thấy quá muộn màng
Làm ta muôn đời muốn khóc''


Sớm hay muộn, nơi đó vẫn có một nắm đất nhân từ, có bóng tối thân thương :

''Hỡi U Minh Giáo Chủ
Trăm năm mần chi đủ
Con hát hoài không thôi
Lướt trên mồ cỏ phủ''

Đọc những câu thơ như thế, tôi muốn chui xuống mộ mà nằm, để còn được nghe tiếng hát.

4.

[i]''Ô i trăng ngàn.
Vừa tan''
[/i]

Còn lại đó, một khoảng không tịch mặc của trời thơ. Và những lời không nói.

''Ngàn sau
Phơ phất gò bông lau.''


@ Tuệ Sỹ

(* Những câu trong dấu ngoặc kép ''...'' là thơ Nguyễn Đức Sơn)


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 04-06-2013

Mưa trên thung lũng

Êm êm chiều xuống chập chùng
Gió lên lùa cả mùa đông vào hồn
Sương mù giăng kín bản thôn
Mái khoan thai đếm giọt buồn theo mưa
Cây rừng chuyển giọng sầu đưa
Nhịp vang theo nhịp như xưa lắm rồi
Suối khô đã tiếp lượng trời
Ngày xanh tôi vẫn một đời tịch liêu.

NĐS

Trời biết

Con gái
Đái ra nước
Sao ta thấm được
Cái buồn ơi là buồn.


[Hình: nguyenducson3thumb.jpg]
(Nguyễn Đức Sơn)


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 05-06-2013

Chiều sương bay
N.Đ.S

Người đi heo hút dặm mòn
Nghe sương rơi trắng linh hồn năm xưa
Mắt buồn khép lại trời mơ
Tóc ai hong nắng ngày thơ đã tàn
Tâm tư còn thoáng tơ đàn
Rừng thu xao động tím vàng nương nhau
Ngậm ngùi theo lối trăng sao
Nghe đêm lay nhẹ lá vào cô liêu...




Giữa Đồi Nhạt Nắng

Nguyễn Đức Sơn

Tóc ai bay giữa đồi nhạt nắng
Mắt biếc ru êm cả buổi chiều
Chầm chậm buồn xa đưa héo ruột
Bóng vàng nghe tắt giữa hoang liêu

Rồi tự ngàn năm gió lên về
Mây buồn đu võng xuống sơn khê
Mưa giăng ướt cả tình xưa cũ
Ðồng vọng sầu dâng lên não nề

Lối mòn heo hút chiều sa rụng
Người ơi sao u hờn mênh mông
Bâng khuâng chân bước tìm quên lãng
Ôi dáng thu xưa trắng ngập lòng.



Phương Bối
|Nguyễn Đức Sơn

Mười lăm năm ấy, đâu rồi
Gửi thân bạc mệnh bên trời mây bay
Lá vàng rơi lạnh chiều nay
Em hong lá cũ đốt ngày gian truân
Khói sương hồn của núi rừng
Lòng em vẫn của muôn trùng trời xanh.

[Hình: 396950_340206322671137_2131395459_n.jpg]


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 06-06-2013

Mang mang

"Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
còn một mình hỏi một mình
có chăng hồn với dáng hình là hai"

NĐS

Một Đêm Vàng

không biết trong mơ em còn mắc cở
một đêm vàng rúng động giấc thanh tân
dưới chăn chiếu thiên nhiên lồ lộ mở
em đái dầm ướt sẫm cả trần gian

(trong tập Đêm Nguyệt Động)

Hành động

các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.

NĐS


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - Phở - 06-06-2013

Nguyễn Đức Sơn - Ngọn Lửa Tịch Mịch

Thiệp ơi, đọc tháng Tư, nhớ về Saigon của bạn trên blog Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu …bạn nhắc ở cuối bài, tháng tư vọng lên câu chửi thề nổi tiếng của thi sĩ Sơn Núi làm tôi nhớ Nguyễn Đức Sơn hỗn danh Sơn Núi quá, lật những trang trong quyển vở đã ố vàng, tìm lại những câu thơ mà Sơn đã ghi trong đó, năm 1987, có câu chửi thề nổi tiếng (Ian Bùi đã dịch ra tiếng Anh rất hay) ghi lại cho đúng như thế này:

Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ

Và bài kế tiếp:
Bông hồng
Mới nở
Mắc cở
Đời hay
Hương sắc
Ai bày
Sáng nay
Ta chết

Từng câu hai chữ, chữ đầu viết hoa …Sơn Núi rất kỹ và khó tánh, sai một chút là chàng ta chửi thề. Đọc hai bài trên, nhớ lại tập Du sỹ Ca, tác phẩm thứ mười một của Nguyễn Đức Sơn, An Tiêm xuất bản năm 1973, có đoạn gần cuối, trang 35:

Địa cầu
Địa cầu
Rồi đây
Lụi hụi
Tới ngày
Quá vui
Mày tan
Thành bụi
Tro than
Mê man
Mở đùi
Ta khụi
Kẻo rủi
Một mai
Ai tới
Ai lui
Ai chùi
Vắng lặng

mới thấy thi sĩ là kẻ tiên tri …nói như Rimbaud, địa cầu như càng ngày càng nóng lên với bao nhiêu trận động đất vừa qua …Cuối tập, tác giả viết: Bài vè này tưởng đã được hoàn tất giữa một đêm rạng sáng ở nhà, trong một cái lò bánh mì đốt củi cũ mục bỏ hoang, đột hứng, tác giả đã phóng đại triển khai thêm một nửa số câu, nằm viết trong nhà đá lởm chởm, nhầy nhụa, chật cứng, bít bùng, chỗ giam của Quân Cảnh Tư Pháp Bảo Lộc, khuya 25 tháng 8 năm 1972 lúc đã được hốt từ lao tỉnh qua.

Như vậy, câu chửi thề mà Thiệp nhớ, với Sơn là dạng một bài vè ghi lại trong một hoàn cảnh đáng nguyền rủa, ngộp thở …lao động là vinh quang.

Có nên nhắc lại một ít về Sơn (1) không? Cứ nhớ giọng đọc của Trương Hồng Sơn, tiến sĩ toán, làm viêc tại NASA, Maryland, người bạn học cùng lớp với Nguyễn Đức Sơn thời trung học ở Nha Trang:

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

Cùng học với thầy Nguyễn Đức Nhơn (thân sinh của Nguyễn Đức Sơn) dạy Pháp văn và thầy Thạch Trung Giả dạy Việt văn, người thầy Sơn rất kính nể.

Trong thư gửi cha từ Blao đề ngày 19.8.1972 thay lời tựa cho tập thơ Tịnh Khẩu: “…Bởi con mà có cái tham vọng gì, con một thằng sống bằng lửa tịch mịch, bằng hơi lạnh thiên thu. đến cả mộng mơ đích thực còn không có, hay chỉ có toàn là mộng không:

Sáng mênh mông
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng
Ô bông, ồ mộng, ồ không.

Ba không thấy sao, chính cái bọn tự cho mình là trượng phu, là kẻ sỹ, lại là bọn người tha thiết nằm trong cái guồng máy vô tâm, thúc hối cái guồng máy đó nghiền nát không những bao kẻ phiêu hốt mà luôn cả những kẻ nào còn mang trong người chút xíu lẽ công bình còn sót lại với trời đất. Vả chăng, thanh minh, bày tỏ cái gì nữa đối với cái thằng đàn ông đã lê tới và đã đi qua cái đỉnh tịch mịch khốc liệt chưa từng thấy là con? Ôi cái giọng của con, cái giọng thơ văn con, mà ngay cả một người đầy tâm huyết và khí phách với bản tính vô cùng thận trọng là nhà văn hóa đầu bạc phơ Nguyễn Hiến Lê cũng cho là “khác cả thế hệ này nữa vì cá tính quá đặc biệt”.

Bửu Ý trong một tự truyện đăng trên Văn năm 1973 đã viết về Sơn là “hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi, Húc bừa về phía trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Đơn độc quắc queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển …’’

Thật vậy, không ai đánh đổi cả đời mình với rừng như Sơn Núi. Sơn vẫn ở riết trên Phương Bối Am từ sau 1975 đến nay (Phương Bối Am là một vùng đồi rộng ở Bảo Lộc từ Sài Gòn đi quốc lộ 20 lên Đà Lạt, qua cầu Đại Lào, bên tay trái, đi sâu vào xã Lộc Châu tới con dốc dẫn lên một vùng đồi rộng là Phương bối Am. Thầy Nhất Hạnh đã xây một thiền thất giữa đồi thông mênh mông, thơ mộng ấy. Sau 1975, ngôi nhà bị sập, cả vùng đồi tan hoang, chỉ còn lại cái bể cạn lớn, khô nước, trơ bốn vách tường xi măng). Sơn đã đưa gia đình lên đó, che cái mái tranh, vách ván, cả nhà chui vào ở. Sơn, Phượng vợ Sơn cùng chín đứa con, bảy trai hai gái: Thạch, Vân, Thảo, Thuỷ, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê.…”Những đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống đươc. nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm mồ chơ vơ trên ngọn đối yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội sang Pháp tu học, tạm qua
y về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái nhà tại chân Phương Bối, trong đó Thuỷ đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học.” (Mù hạ, về Phương Bối – Hàm Anh)

Năm 2005, tôi ghé thăm Sơn Núi. Trên đường lên Đà Lạt, Sơn hẹn ở một quán cà phê quen thuộc bên đường quốc lộ gần cầu Đại Lào rồi đi chiếc xe gắn máy cỡ nhỏ hướng dẫn về nhà. Bây giờ đường đi đã mở rộng, xe hơi vào đến đậu ở chân đồi. Trưa im vắng giữa đồi thông xanh lao xao gió, chúng tôi ngồi ăn mâm cơm chay cùng nhau trên nền xi măng cao bên hông căn chòi nhỏ Sơn ở một mình … Nhà gỗ bên dốc trái là Phượng ở cùng hai cô con gái út Phương Bối, Tiểu Khê, rất xinh đẹp, đang học trung học. Tôi còn gặp cháu Yên, người gầy cao giống mẹ, bị chứng đau mắt nặng, ngồi trong bếp phụ mẹ làm cơm trưa đãi khách. Một buổi trưa thật cảm động, với buồng chuối sứ Sơn chặt đem vào …khoe tài trồng chuối, trồng mít của mình ngoài tài trồng cả rừng thông quanh Phương Bối, mà kể lại là cả một câu chuyện dài …đầy máu và nước mắt về Sơn Núi …

Cũng vui là những năm gần đây, Sơn Núi đã chịu tiếp các nhà báo, nhà làm phim để phỏng vấn, viết và quay phim về mình:“Sơn Núi” Lão du sĩ cuối cùng, bài về mỗi tuần một chân dung của Lê Quang Kết trên Thể Thao & Văn Hóa, số 49,18.6.2002 Trang Phóng sự & Ký sự báo Tuổi Trẻ ngày 6.7.2002 với bài của Quốc Việt Ẩn sĩ cuối Cùng và đồi thông Phương Bối: …” Vừa nói lão vừa dẫn tôi lang thang tham quan đồi thông rộng xấp xỉ 30 ha. của mình. Khoảng vài ngàn ngọn thông lớn nhỏ, nhiều cây cao đã 6 -7 mét. Nhưng rồi ngậm ngùi biết bao khi lão lần xuống triền đồi và chỉ cho tôi xem hàng ngàn cây thông nhỏ với những lổ đất trống không xen kẽ khắp nơi. Tôi cứ trồng xuống, nguời ta lại nhổ lên, rồi tôi lại trồng xuống…Kể về mình, lão đã cười đến chảy nước mắt khi nói đến độc chiêu để bảo vệ thông. Cứ cây nào ra cành đẹp là lão phéng ngay cành đó để chặn mấy tay vô tâm chỉ vì một cành ưng ý mà hạ luôn cả cây. Rồi gần đến mùa Noel lão sẽ châm lửa đốt rừng thông lớn của mình, do thông lớn gặp than lửa sẽ không chết mà càng cao tốt thêm trong khi những cành bên dưới sẽ xấu đi …”

Sơn ký tặng tôi CD ghi lại Buổi giao lưu của đoàn phim HTV về tác giả Nguyễn Đức Sơn với Hải Chuyên, người đẹp dẫn chương trình …, với tôi, thông với thơ là một. Trong núi thơ có đồi thông. Trong đồi thông có núi thơ. Núi thơ là đồi thông. Đồi thông là núi thơ. câu mà tôi ghi nhớ nhất của Sơn trong phần trả lời các câu hỏi …và bài thơ Sơn ghi trên mặt CD:

Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi
Thơ bay từ cổ ngút trời
Quanh năm bảo đảm tuyệt vời nước mây
Cớ sao đãng tử bậc thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu

Sơn Núi, đãng tử bậc thầy đúng vậy, và nhắc đến bạn là từ đá tới cây lắc đầu thật. Nhưng sao trong lòng tôi vẫn luôn nghĩ đến một người bạn quý hiếm, đã đánh đổi cả cuộc đời mình cho Ông Nghệ Thuật, như lời bạn nói.

(1) Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 Nov.1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ biển Ninh Chữ tỉnh Bình Thuận. Học trung học Võ Tánh Nha Trang, Đại học Văn Khoa Saigon 1967.

Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang chưa in, 11 tập thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời Ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973).

Bút hiệu đầu tiên Sao Trên Rừng đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Khởi Hành, Văn ….

Truyện ngắn Ý Tưởng Chiều Tà in trong Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta.

Bài thơ tôi thích nhất của Nguyễn Đức Sơn: Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh (trong Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán xuất bản)

Đinh Cường


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 09-06-2013

Nguyễn Mạnh Trinh viết về Nguyễn Đức Sơn

Chân dung và huyền thoại


Nguyễn Ðức Sơn là một khuôn mặt thi sĩ lớn của văn chương Việt Nam. Một phong cách văn chương riêng, một mình một chiếu, thơ và văn bộc lộ một tâm thái suy tư khác thường đi ngược lại dòng sống thay vì xuôi chảy.

Ông là người làm thơ mà cuộc sống văn chương và đời thường đã tạo thành nhiều huyền thoại. Những chuyện kể về, những giai thoại nói đến, một chân dung tác giả khác thường được tạo dựng và người đọc, không phải chỉ ở những lớp sau mà ngay ở lớp cùng thời, đã có những nhận định sai lạc về chân dung thực con người thực. Ðó là không kể, như ở trong nước, vì lý do lợi nhuận đã có những cuốn sách khai thác quá độ đời tư để đến thành những khoảng cách thật xa với thực tế.

Bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bài báo đã nói về Bùi Giáng, về Trịnh Công Sơn, về Nguyễn Ðức Sơn…. Và đã có bao nhiêu ngộ nhận xảy ra vì những chi tiết trái ngược nhau từ bài viết này với cuốn sách khác của một chân dung tác giả. Ðộc giả, có lẽ phải có sự cẩn thận khi tiếp cận với những vấn đề đó.

Thí dụ, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn. Có rất nhiều bài viết về ông, của những người quen thân có, quen sơ có và nhiều khi không quen cũng tự nhận là quen có. Trong đời thường, Nguyễn Ðức Sơn có nhiều bi kịch. Và nhiều bài viết khai thác những bi kịch ấy. Thí dụ như “Người đàn bà trên đồi cỏ” của Ðào Hiếu đăng trên báo Xuân Doanh Nhân Sài Gòn cuối năm 2008.

Ðào Hiếu viết về mối tình của Nguyễn Ðức Sơn và Phượng đầy thiên kiến và hình như bày tỏ một nhận xét nào không thiện cảm. Và lạ lùng cũng đều nhắc đến Trịnh Công Sơn:
“Nhưng tôi biết nàng rất đẹp.

Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp.

Nguyễn Ðức Sơn thì chửi bới nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói:” Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Ðức Sơn vĩ đại nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ!…

…Năm 1972, Nguyễn Ðức Sơn trốn lính về tá túc ở Bình Dương dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô “độ” cho thành… thi sĩ. Tác phẩm “Ðêm nguyệt Ðộng” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô Annie Phượng”

…Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc rên xiết quỳ lạy… cũng chẳng ăn thua bèn dùng khổ nhục kế. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào “đánh bom tự sát” nhưng Nguyễn Ðức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên “Bớ Chúc Anh Ðài! Ta chết đây” làm Phượng hoảng hốt. Cuộc hôn nhân bắt đầu như vậy…”Cuộc sống của gia đình Nguyễn Ðức Sơn ở Phương Bối Am cũ là một thảm kịch. Sống như những sơn nhân, thiếu thốn tiện nghi đời sống và luôn luôn bị cái đói đe dọa. Một bữa cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con bị trúng độc vì ăn rau rừng và một đứa con bị chết. Bà mẹ phải lấy áo rách của mình ra vá để khâm liệm cho con.

Một lần khác khi chữa cháy rừng Phượng bị phỏng nặng. Nguyễn Ðức Sơn và người con trai lớn Nguyễn Ðức Vân phải băng rừng cáng ra nhà thương tỉnh cứu cấp với bệnh tình rất trầm trọng.

Ðào Hiếu kể:
“Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc.

“Sơn Núi” hỏi “mày lên đây làm gì?”

Sơn Nhạc Sĩ đáp:”Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?”.

“Sơn Núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày nào và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Ðức Sơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó số tiền ấy rất lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giật Phượng khỏi tay tử thần.”

Một nhà văn cũng quen thân với Nguyễn Ðức Sơn là Nguyễn Ðạt nhận xét về bài viết của Ðào Hiếu:
“Và bài báo của Hà Danh (tức Ðào Hiếu) lúc tôi đọc ở Sài Gòn thấy có nhiều sự kiện về Sơn Núi, về Phượng quá lạ lùng quá không đúng sự thật như tôi biết. Nói chung đọc xong cả bài “Người đàn bà trên đồi cỏ” tôi muốn đề nghị tác giả nên chuyển thể thành một vở tuồng cải lương và Hà Danh rất có khả năng trở thành một soạn giả cải lương ăn khách nhưng khác hẳn với những sọan giả tuồng cải lương như Viễn Châu. Tôi chưa thấy Viễn Châu dựng khống một sự kiện liên quan trực tiếp tới nhân vật vụ việc nào có thật ở ngoài đời. Nên khi tôi vừa lấy tờ báo ra Sơn Núi liền nói: “đ.m. cái lão đào hang càng đào sâu càng tối đặc!”. Tôi không hiểu gì hết. Hóa ra, Sơn Núi gọi nhà văn Ðào Hiếu là đào hang và Sơn Núi nói Hà Danh là bút hiệu khác của Ðào Hiếu. Tôi rất ngạc nhiên khi biết vậy và khá buồn bởi tôi quen biết nhà văn Ðào Hiếu và mến ông. Tôi thấy Ðào Hiếu là một người rất văn nhã lần gặp gần nhất tại một quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo tôi nhận lời viết về Nguyễn Ðức Sơn cho trang web của ông, hình như tên là ” Lề bên trái”. Sau đó tôi được nhiều người bạn cho biết những gì Ðào Hiếu viết không bảo đảm trung thực nên tôi không thể viết bài về Nguyễn Ðức Sơn cho báo mạng của nhà văn Ðào Hiếu được dù đã nhân lời.

Sơn Núi nói: “không thể hiểu lão đào hang ở chỗ nào ra cái vụ việc “nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” họ Trịnh cho tôi sáu chục triệu đồng nhờ đó Phượng thoát chết.” Phượng, Nguyễn Ðức Lão con trai út anh của hai cô em sinh ra sau chót năm nay 27 tuổi, và Tiểu Khê con gái út của Sơn núi cũng không hiểu người viết bài về họ lấy ở đâu ra vụ việc Trịnh Công Sơn tặng Nguyễn Ðức Sơn sáu chục triệu đồng vào cái năm một chín tám mấy đó số tiền ấy rất lớn. Phượng nói: “Trịnh Công Sơn ghé lên đây hai lần trong một chuyến đi chơi ở Ðà Lạt. Lúc lên tặng một thùng mì chay ăn liền lúc về tặng một thùng “légume”Ðà Lạt, vậy thôi, chớ làm gì co vụ việc sáu chục triệu đồng.” Sơn Núi xác định thêm: “Ông không tin cứ hỏi Bửu Ý, người rất sùng mộ Trịnh Công Sơn và rất không ưa tôi, coi Bửu Ý nói sao về vụ việc Trịnh Công Sơn cứu tử hoàn sanh bà xã tôi với số tiền sáu chục triệu đồng”. Ngay sau khi đọc bài báo tôi hỏi họa sĩ Trịnh Cung bạn thân của Trịnh Công Sơn có biết vụ việc nhạc sĩ họ Trịnh tặng Sơn Núi 60 triệu? Trịnh Cung bảo không biết vụ đó. Thế thì tôi cực kỳ ngạc nhiên không thể hiểu nhà văn Ðào Hiếu lấy ở đâu ra cái tin động trời đất đó. Trong bài ký tên Hà Danh ông viết đại ý rằng ông không nhớ rõ, những người con của Phượng cũng không nhớ rõ ngày tháng nào nhưng là những năm của thập niên 1980 và 60 triệu đồng cũa Trịnh Công Sơn tặng thời gian đó là lớn lắm. Tôi hỏi Sơn Núi – Ðào Hiếu ‘phịa” chuyện ấy thì quá sức bậy, người trong vụ việc có thể thưa kiện ở tòa án không hiểu sao Ðào Hiếu lại phịa như vậy nhỉ? Sơn Núi nói ngay” Thì lão muốn gia nhập “fan club” của Trịnh Công Sơn mà ông không thấy một loạt bài đánh bóng Trịnh Công Sơn trong tờ báo này hả? Này lão đào hang viết” Tôi thấy Phượng đẹp / Trịnh Công Sơn cũng thấy Phượng đẹp. Phải lôi lão “nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” cùng khen Phượng đẹp thì Phượng mới đúng là đẹp”.

Tôi không biết nhà văn Ðào Hiếu gặp Phượng từ năm nào, chứ từ vài chục năm nay, Phượng quá hom hem gầy guộc. Tôi xót xa khi thấy Phượng “lai”, là lai người dân tộc Tây nguyên ở vùng sâu vùng xa chứ không được như người dân tộc ở thị xã B’lao này. Bài báo “Người đàn bà trên cỏ”, câu chuyện tào lao trá ngụy, Sơn Núi và tôi thà nói chuyện bậy bạ thô tục còn hay hơn sáu chục triệu lần..”

Một thực tế văn học là nhiều khi những huyền thoại văn chương lại phát nguồn từ những bài viết khơi khơi như thế. Ở trong nước với người đọc của dân số hơn 80 triệu một thị trường béo bở thì việc để câu khách lôi kéo độc giả cho mục đích bán sách bán báo, đã có bao nhiêu bài viết về Trịnh Công Sơn, về Bùi Giáng, về Phạm Công Thiện, về Nguyễn Ðức Sơn.. tràn lan như một mốt thời thượng. Thành ra, con người nghệ sĩ của văn chương nhiều khi bị nhòa nhạt đi vì những bài viết kiểu của ông “lạc đường” Ðào Hiếu này.

Nguyễn Ðức Sơn, một nghệ sĩ quái dị. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của hai mươi năm văn học miền nam. Một trong những nhà văn luôn đi tìm trong cuộc sống những câu trả lời không thể trả lời. Một trong những người không thể thỏa hiệp với cuộc đời và đi ngược dòng sống với thái độ hung hăng gây gổ. Một trong những người sống trong những bi kịch của loài người. Một trong những người sống phân hai giữa đời thơ và đời thường, giữa tu tập và buông thả, giữa dục tính và lãng mạn. Thế giới của Nguyễn Ðức Sơn là một thế giới kỳ quặc mà con người phân chia thành nửa này nửa kia luôn luôn chống đối nhau và không bao giờ thỏa hiệp với nhau. Nguyễn Miên Thảo đã viết về mẫu người thi sĩ đặc biệt này:
“Nguyễn Ðức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là khó tính. Tính cách của ông khác người luôn luôn mâu thuẫn với chính mình. Tôi nghĩ sự “va chạm” nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa của ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt, rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng” sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng nguyễn Ðức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ. Sau khi tập thơ Những Bài Tình Ðầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Ðức Sơn hết lời. Nguyễn Ðức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau: “Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào.” Nhà văn Tam Ích nhận thư không giận lại viết thêm một bài ca ngợi Nguyễn Ðức Sơn là thiên tài mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết Nguyễn Ðức Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải được khen mà vì có cơ hội để chửi người khác…”


Và chuyện kể về mối tình của chàng thi sĩ dị thường kỳ quặc :
“Cuộc tình của Nguyễn Ðức Sơn và cô học trò Nguyễn Thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967-1968 gì đó tôi không nhớ đích xác Nguyễn Ðức Sơn nhờ tôi lên báo với thầy Thanh Tuệ in gấp tập thơ Ðêm Nguyệt Ðộng để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mười ngày sau đám cưới Nguyễn Ðức Sơn- Nguyễn Thị Phượng dược tổ chức tại chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một Bình Dương.

Từ sáng sớm một chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Ðức Sơn, Sơn trong bộ com-lê màu sẫm sang trọng đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống đó là Ðại Ðức Thích Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, giáo sư nhà văn Bửu Ý và Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Ðại Học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Ðêm Nguyệt Ðộng không in kịp Nguyễn Ðức Sơn chào đón đoàn nhà trai một câu chửi “Ð.m. thầy thầy có biết ngày hôm nay là ngày trọng đại của tôi không?” Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người thì đã biết Nguyễn Ðức Sơn là ai rồi.

Ðám cưới cử hành tại đại điện chùa Tây Tạng. Thượng tọa Thích Trí Bổn trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn Thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ về ở với cậu từ nhỏ). Ðại Ðức Thích Thanh Tuệ đại diện nhà trai, Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh ( tức nhà thơ Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật, Thượng tọa Thích Trí Bổn và Ðại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau. Sơn dùng miệng mum hết chân nhang khi cắm nhang vào lư ba cây nhang của Sơn lùn tịt không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ mạt bàn rời đặt trên cái giá bốn chân hình chữ X, Sơn và Phượng quì trước bàn cáo tổ tiên lậy bốn lạy Sơn lạy thêm một lạy trồi người tới trước khi đứng dậy đầu dội vào cạnh bàn cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười trừ Bửu Ý.

Một tuần lễ sau đám cưới tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Ðức Sơn vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách. Tôi kêu lên. Sơn làm gì vậy? Sơn vứt dao choàng vai tôi bước ra ngoài “Moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!”…”

Trong bài viết của Thái Ngọc San, một nhà văn Việt Công nằm vùng trước năm 1975 khi viết về đời sống gia đình của Nguyễn Ðức Sơn trong truyện ngắn “Bầy Thú Hoang Dã” đã phác họa những người trong gia đình không khác lắm so với những thú rừng hoang dã. Gia đình đông con, vợ thì yếu dại làm sao mà không nghèo khổ cơ cực. Thái Ngọc San nhìn vào bề mặt đời sống ấy mô tả và có chút phê phán rằng nguyễn Ðức sơn có dã tâm của loài thú và tự mình tạo ra những bi kịch đời sống cho gia đình mình. Nhận xét ấy là của người không đi sâu được vào phần trong của cuộc sống ấy.

Nhưng có người viết nhìn bằng con mắt quan sát khác. Chân dung thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn là một chân dung đặc dị , mà những chi tiết thường khi trái ngược nhau từ những quan sát nhận xét khác nhau. Nhà văn Nguyễn Ðạt một người có rất nhiều gần gũi với đời thường Nguyễn Ðức Sơn viết:
“Hiển nhiên qua cách nhìn nhận như Thái Ngọc San ở truyện ngắn này thì chỉ ghi lại cái bề mặt của cuộc sống Nguyễn Ðức Sơn và mặc nhiên với những trách cứ phê phán của người quan sát thiếu tâm tình.

Trong gần gũi Nguyễn Ðức Sơn nhiều ngày tháng chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn không hề có dã tâm của loài thú để tạo nên đời sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận Ðó là cuộc sống cực chẳng đã phải như vậy mà thôi muốn khác đi cũng không được. Nguyễn Ðức Sơn không biết làm gì khác để thay đổi cuộc sống như bầy thú hoang dã, ông lại càng không thể tính toán bon chen giành giựt với nhân thế. Trên trái đồi rộng bốn năm héc-ta ông không biết và cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận ngoài cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Ðức Sơn chăm chút nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay trái đồi mang tên Phương Bối ở thôn Ðại Lão xã Lộc Châu bây giờ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn tại trên cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc…

Sự thật mà chúng tôi biết Nguyễn Ðức Sơn đầy tình cảm yêu thương con người như mọi người thiện tâm khác. Lần Phượng bị bệnh thập tử nhất sinh phaỉ giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ngồi bên ông ngoài hành lang trước phòng giải phẫu. Ông rất căng thảng chờ đợi kết quả phẫu thuật. Chợt có tiếng cô y tá kêu lớn tên ông nước mắt ông tuột ra chảy dài trên khuôn mặt. Ông ngỡ cuộc phẫu thuật thất bại. Phượng đã chết! Hóa ra không phải cô y tá gọi ông để báo tin lành. Và Nguyễn Ðức Sơn cẳng nhảy lên như đứa trẻ vui mừng tột độ.

Lần một đứa con của Nguyễn Ðức Sơn bị bệnh nằm liệt giường chúng tôi cũng có mặt trên đồi Phương Bối. Ông cuống cuồng chạy xuống đồi hỏi người này người kia để chữa chạy kịp thời cho con. Có người bày cách cho người bệnh ăn thịt cóc sống. Ông hét vang như hóa điên vì gặp ngay người bán thịt cóc đi ngang qua. Mang thịt cóc về cho đứa con ăn ngay chợt ông nhớ cả gia đình vốn ăn chay trường ông vội thắp nén hương niệm Phật xin xá tội. Ðứa con vừa nuốt miếng thịt cóc lập tức nôn mửa thốc tháo. Ông lại cuống cuồng lại chạy xuống đồi kêu xe ôm, ôm con ngồi lên xe đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện lúc đứa con đã an toàn đã đi đứng trở lại bấy giờ mới để ý ông chỉ mặc quần cụt mà lại thủng rách cả đũng. Nhưng Nguyễn Ðức Sơn lúc đó vui rộ lên nói lắp bắp những câu hí lộng về cái quần thủng rách…”

Ðời sống của một thi sĩ như Nguyễn Ðức Sơn đầy những biến cố của bi kịch. Là người ngông cuồng kiêu ngạo không coi ai ra gì và ăn nói lỗ mãng dung tục hay chửi thề? Là một người nổi loạn vô chính phủ dùng văn chương để quăng quật vào đời sống những hằn học chất chứa? Là một người không thừa nhận bất cứ một trật tự nào trên thế giới nhưng lại coi thi ca như một tôn giáo linh thiêng?

Tuệ Sĩ đã hỏi về khuôn dáng Nguyễn Ðức Sơn:
“Anh là ai? Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn, quậy phá? Dưới ngòi bút phê bình anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng và những ấn tượng mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miêu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng, mà là một cái gì đó, ở đâu đó.. ”


Với tôi, trong cảm quan của riêng mình, tôi thấy khi đọc thơ hoặc truyện ngắn của Nguyễn Ðức Sơn, tôi mường tượng thấy hình như thế giới của ông không phải là của mặt đất hiện hữu này. Ông sống như để muốn biểu lộ những suy nghĩ bị khép kín bị đóng băng. Thành ra ông như một con tê giác ( tượng hình mà nhà văn Bửu Ý gán cho ông) cứ húc vào hư vô như một phản ứng tự nhiên của một người hình như không còn lý đến căn cước của mình mà vẫn phải sống, vẫn phải trôi theo dòng đời trong khi muốn ngược lại để bơi vào cái khu vực thâm u của chính mình nhưng cũng chưa hề hiểu rõ điều gì là huyễn ảo và điều gì là thực tế.

Nguyễn Mạnh Trinh



RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 09-06-2013

Nguyễn Đức Sơn, Nhà Văn

[Hình: 396709_338848036140299_264392496_n.jpg]

Từ “Nguyễn Ðức Sơn nhà thơ” qua “Nguyễn Ðức Sơn nhà văn” chỉ là một khoảng cách ngắn. Ngoài phong vị văn xuôi riêng của những suy nghĩ cực đoan nhìn cuộc đời bằng những nét đen tối với phong cách du côn thì thi ca cũng làm dịu đi cái nồng độ căm ghét cuộc đời qua tâm hồn yêu thương cây cỏ và nhìn thiên nhiên cảnh vật như một người bạn chia sẻ thiết tha. Viết về”người” với những phác họa nhiều khi của khép kín thì viết về “cảnh” lại mở ra. Với tâm hồn của một thi nhân, một thi nhân lập dị…

Nguyễn Ðức Sơn đã in ba tập truyện ngắn trong khoảng thập niên 60, 70 đều do nhà An Tiêm của ông Thanh Tuệ in. Những tập truyện này phác họa được một chân dung mà bản sắc và cá tính tạo thành một nét riêng biệt một mình một chiếu trong văn chương.

Tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Ðức Sơn là tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi. Một tập truyện mở đầu của một hành trình kiếm tìm chân dung chính mình từ những phần sâu thẳm nhất. Ý kiến về truyện ngắn của ông được in trong tập truyện ngắn này chẳng phải là những điều gì cao xa mà chỉ là xác định thế nào là truyện ngắn và truyện ngắn có phải là một phần của truyện dài không.
“Truyện ngắn khó viết. Truyện ngắn thì ngắn, truyện dài thì dài. Nhưng nếu truyện dài là cái gì đã hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi. Ðó là điểm dễ hiểu nhưng ít người chịu hiểu. Một số ít người được gọi là những người đầu tiên làm văn học nghệ thuật mới ở đây- như nhóm Sáng Tạo- đã mắc lỗi này. Họ viết những truyện ngắn không thể gọi là truyện ngắn. Nó chỉ giống một đoạn nào đó cắt ra từ truyện dài. Truyện ngắn cũng nhất thiết không phải là những truyện ngắn quá ngắn ngủi và nhất là quá vô duyên như kiểu” A very short story” của Hemingway. Truyện ngắn là truyện ngắn. Nó có thể thức riêng biệt của nó dù kỹ thuật nó vẫn biến đổi. Bàn về truyện ngắn chỉ có thể bàn đến cái thể thức đặc thù đó thôi. Không nên đả động đến nội dung vì nó có thể ẩn trùng với hầu hết mọi thể văn xuôi khác..”


Những truyện ngắn của Cát Bụi Mệt Mỏi có những nhân vật sống trong thời gian và không gian không xác định đầy nét mơ hồ của những kiếp sống vô định đầy nét đen tối bi quan. Nguyễn Ðức Sơn diễn tả bằng phong thái khinh bạc và chen lẫn những hận thù vô cớ của một thứ nghệ thuật siêu ấn tượng. 9 truyện ngắn với những nhân vật mà cái chết như một ám ảnh và là tổng hợp của nhiều khuôn mặt, vóc dáng của nhiều người chung một môi trường sống của một xã hội mà thấp thoáng đâu đó bóng dáng của thời thế chiến tranh. Những nhân vật quay quắt trong đời sống và nhiều chất vô vọng của suy tư dằn vặt.

[Hình: 401209_366296636728772_137384830_n.jpg]

Nhà văn Thạch Trung Giả đã nhận xét về tập truyện ngắn của Nguyễn Ðức Sơn:
“Cát Bụi Mệt Mỏi đã vượt lên mọi tác phẩm ở phong thái phẫn nộ chán chường triết nhân mà bi thương, nhất là ở sự thành thật, tâm tình và hình ảnh được diễn tả bằng một thứ siêu ấn tượng. Tôi thấy một vũ trụ dật dờ xiêu đảo với cảnh rừng biển man rợ miền nhiệt đới (khác với thơ Tàu với rừng trầm lặng mà biển hầu như không có vì những đại thi sĩ Trung Hoa ở sâu vào lục địa). Tôi – sở thích riêng – yêu nhất câu truyện hai vợ chồng trẻ chôn con nơi đã chôn xác chim bên bờ biển. Tôi thấy đề tài kiếp phù sinh được nói lên đáng sợ. Truyện ông bác sĩ nói với đứa con gái nuôi khiến tôi nghĩ đến phái Shivaisme Ấn Ðộ. Nói chung qua cả thơ lẫn văn Nguyễn Ðức Sơn tôi vẫn thấy một hồn thơ. Tôi thích nhất điều này. Tôi còn thấy tác giả có điểm đáng phục là ghê tởm những cái sáo những cái mốt (bây giờ là mốt hiện sinh tuy nếu muốn tìm chất chán chường trước sự phi lý bi đát thì Nguyễn Ðức Sơn có thừa, có một cách tự nhiên…”


Nhà văn Thạch Trung Giả nhắc đến truyện ngắn “Buổi sáng trong bệnh viện” mà ông liên tưởng đến phái Ấn Ðộ giáo Shiva của người Hindu. Bác sĩ Hoan nói chuyện với cô con gái nuôi Hallie trong một buổi sáng khi đứng bên cửa sổ nhìn ra biển và chứng kiến một đám tang của hai vợ chồng trẻ chôn xác một hài nhi vừa chết. Cái chết trong buổi sáng hôm nay tự nhiên đẹp dịu dàng và câu chuyện của một già một trẻ chỉ là những bâng quơ của cuộc sống. Hai vợ chồng trẻ của đám tang nhỏ đã thành một cái cớ để ông bác sĩ nhận định về cuộc sống về cái chết. Có định mệnh nào trong cuộc đời trong băn khoăn của một người lớn tuổi và cô bé lai mười tuổi?

Nguyễn Ðức Sơn hay viết về biển, về những bãi cát và về những đám tang. Truyện “Một Vùng Biển” với hai vợ chồng Liêm và Hạnh chôn đứa con trai mới sinh trên biển cát. Biển và cát, luôn luôn thay đổi và con người cũng như vậy, cũng thay đổi theo. Hai vợ chồng nói chuyện với nhau về đứa con trai vừa mất, về nơi chôn xác chim của thời thơ ấu xa xưa của người chồng. Ði tìm lại thơ ấu trong cái đổi thay của biển và cát, có lẽ cả hai thấy thấm lạnh trong cái hoang vắng của thiên nhiên. Chôn con chim của thời quá khứ để không bao giờ tìm lại thì bây giờ chôn đứa con cũng trong mội trường thay đổi của biển và cát có tìm và giữ lại được hiện tại không?

Truyện ngắn cuối Cát Bụi Mệt Mỏi cũng là một đám tang của ông ngoại nhân vật xưng Tôi. Một gia phả nhơm nhếch của một dòng họ được phô bày và kể lại với sự thản nhiên vô cảm của một người nhìn cuộc sống toàn từ những nỗi bất như ý từ những cuộc cãi vã dằn vặt nhau trong một khoảng quá khứ đầy những biến cố của thời thế. Những bà dì , những ông cậu, những cuộc tranh chấp, dù là người bất thành nhân dạng như bà cô khùng, hay là những người có ăn có học làm những công việc mô phạm cũng là những nhân vật của đời thường, đầy những điều xấu xa nấp đằng sau bóng dáng của đạo đức của miệng tiếng thiên hạ. Nguyễn Ðức Sơn kể một cách lạnh lùng như những lát dao giải phẫu vạch trần một xã hội giả trá . Ðoạn kết của truyện ngắn là lời lên án xã hôi đương thời: “và đây là ít câu chuyện đậm nét , có tiền có hậu, có hô có ứng bi ai lý thú và rất người, xảy ra xung quanh cuộc đưa tiễn một người đứng đầu trong gia tộc đến nơi an nghỉ đời đời.
Chuyện mở màn. Dượng tôi và mẹ tôi vật lộn đánh nhau túi bụi khi đám ma sắp khởi hành. Nguyên do dượng tôi ỷ có tiền về trước nói xấu mẹ tôi cho mẹ tôi là bất hiếu và vì mẹ tôi không phải là người đàn bà thích ôn hòa. Kết quả thứ nhất: Dượng tôi – người có bằng Primaire và biết đàn mandoline đó – chạy trốn vì sợ một người cô của mẹ tôi đòi cột đầu. Kết quả thứ nhì: mẹ tôi vì nhục nhã không dám về miền cao nguyên kia ngay như ý định. Kết quả thứ ba: cậu tôi ngã lăn bất tỉnh vì chưa từng mục kích cảnh đấu võ kỳ lạ như thế. Kết quả thứ tư: người dì khùng của tôi đã thốt lên một câu bất hủ “Chết quách hết là xong nợ”.

Chuyện thứ hai. Người con trai độc nhất con bà vợ thứ không chính thức của ông tôi (đồng tuổi với tôi) mà tôi chưa có dịp nói đến vui lòng làm theo tất cả những thủ tục mai táng làm tôi rùng mình phát lạnh khi nghe kể lại. Cậu đã không ngại kề mũi hít hơi nước xì ra từ cái thân thể đã bắt đầu ung thối sau mấy ngày khâm liệm. Người vợ của cậu tuy mới cưới nhưng cũng tỏ ra một dâu con có tình có nghĩa. Từ lúc ông tôi nằm xuống giường bệnh cho đến khi tắt hơi mợ luôn luôn có mặt.

Chuyện thứ ba. Khi đám tang xong xuôi mọi thứ nghi lễ phiền phức mẹ tôi trở về không quên mang theo một thùng nước mắm ngon, một bao muối trắng với hy vọng bán lại kiếm đủ hai vòng tiền xe đi và về.

Chuyện tối hậu. Tất cả mọi người già trẻ – kể cả tôi – đều không giấu được nét mặt vui tươi khi nghe biết hai ông thầy địa lý lừng danh ở đây tiết lộ rằng ông ngoại tôi chết đúng ngày giờ rất tốt và do đó con cháu sẽ làm ăn thi cử rất vượng.”..


Tập truyện ngắn Cái Chuồng Khỉ của Nguyễn Ðức Sơn nhà xuất bản An Tiêm in năm 1969 cũng là một tập truyện đặc biệt và truyện Cái Chuồng Khỉ đặc biệt mang dấu ấn của một bút pháp hầu như chỉ có một không có hai của văn chương Việt Nam. Mộc Linh, nhân vật nữ và Dự, nhân vật nam, trong một cuộc dạo phố vào thăm vườn bách thú vì không biết làm gì. Dự, một người lúc nào dường như cũng muốn nổi loạn một cách vô thức và không tìm được mục đích cũng như ý nghĩa của tình yêu hay tình người. Vào xem chuồng khỉ, chọc phá những con khỉ trong lồng với sự thù ghét tiểu nhân, nhìn hành động làm tình của cặp khỉ với nhau để hiểu rõ hơn tâm tính của một người luôn ghen ghét ganh tị cả với những ai, những gì không đáng. Dự có những ý nghĩ thật kinh khủng qua lăng kính đời sống nhiều méo mó. Từ những con thú trong vườn bách thú đến những con vật ở chợ trời những suy nghĩ để liên tưởng đến đời sống con người là những suy tư biểu lộ một nhân dáng không giống với những người bình thường. Anh ta không trân trọng gì với tình yêu, nhìn những người khác bằng con mắt soi mói để bôi đen, để muốn đập vỡ tan đi cái thế giới đang lăn, đang quay này: “Tôi còn đang lăn đang chạy đang mở ra. Tôi còn đang dự tính dù những dự tính của tôi sẽ tan biến cùng sự hủy diệt của tôi trước mặt hư vô. Dù sao tôi cũng muốn chết trên đường. Tôi chắc chắn sẽ không có một địa điểm một cái mức ăn thua để về đó chết. Tôi muốn chết cái chết của một người chạy đua trên đường về đích dù nó cũng không có ý nghĩa gì hết. Tôi vẫn khát vọng cái đích dù chẳng có một cái đích nào thực thụ tuyệt đối cho tôi ở cõi đời này cả. Tôi thèm một cái đích không có…đích. Tôi chạy. Thế thôi..”

Mầm mống tự hủy đã làm cho nhân vật của Nguyễn Ðức Sơn có quyết định: “…Dù sao tôi cần lập lại tình cảm căm thù của tôi chưa dồn nén đến tận cùng vì nếu thế tôi đã tự sát lâu rồi. Mỗi lần tôi sống trong tình cảm kia tôi phải hành động một cách vô tri nào đó để giải thoát. Như buổi sáng nay tôi cho taxi chạy lung tung để quên đi một vấn đề sắp giải quyết và biết mình bất lực. Tôi đã gặp nhiều vấn đề mà mọi người thường bỏ qua nhưng đối với tôi tôi hăm hở giải quyết dù để không bao giờ giải quyết được gì cả. Với tôi nghĩ một cách thiển cận tự tử là một vấn đề tối thậm phi lý. Nghĩ một cách xa xa hơn nữa, tự tử vẫn chỉ là một hành động tối thậm phi lý. Nhưng nghĩ cho cùng tự tử chính là một hành động cao đẹp viên mãn nhất khi người ta đã suy gẫm và xác nhận cái bất lực trước tuyệt đối. Bởi tự tử là một hành động quay ngược trở lại bất cứ một thứ định mệnh và số phận nào..”

Tập truyện gồm 6 truyện ngắn và hầu như không khí truyện của tất cả đều giống nhau của một không gian đời sống ngột ngạt vô vọng và được xóa nhòa bôi đen đến độ nhàm chán. Chính trong cái bức bội ấy đã tạo cho ông một văn phong riêng của những nỗi khó chịu nặng nề cứ đeo theo từng lời kể, từng câu văn lạnh lùng. Có khi từ những khởi động uể oải của bố cục truyên, những đoạn sau đã diễn tả nhiều hơn và có năng động tính hơn. Bởi cũng khó với một cốt truyện là những điều vụn vặt tầm thường và là cái cớ để tác giả nói lên được tâm cảm của mình qua nhân sinh quan đầy nét triết học và suy tưởng…

[Hình: 416863_366296573395445_95239475_n.jpg]

Tập truyện thứ ba là Xóm Chuồng Ngựa xuất bản năm 1971. 5 truyện ngắn được viết trong một thời kỳ mà cuộc chiến đang ở một cực độ. Truyện ngắn Ý Tưởng Chiều Tà được chọn in trong tuyển tập “Những truyện ngăn hay nhất của quê hương chúng ta” và cũng là một truyện ngắn được coi là mang tính nổi loạn của Nguyễn Ðức Sơn. Hơn nữa nó còn được coi là thông điệp dấn thân của một nghệ sĩ theo cách nhìn ngắm nhận định của nhiều người.

[Hình: 426100_366296710062098_445318221_n.jpg]

Ý Tưởng Chiều Tà là một chuyến đi rồi trở về của nhân vật tên Tâm. Anh ta đi đến xứ sương mù trên một chuyến xe lửa mà anh tưởng là đang tiến vào một cuộc sống khác với tiếng còi tàu như nhắc nhở đến thân phận mình.
“Tâm cảm thấy mình đã đầu hàng. Tâm cảm thấy mình muốn nhắm mắt nằm xuống suốt những chiều tà còn lại trong đời. Chàng đột ngột từ giã đột ngột các bạn, bỏ đứt một chân dạy học ở một tư thục mà chàng phải mỏi mắt kiếm được để đáp chuyến tàu suốt Sài Gòn – Ðà Lạt lên đây sau khi nhận được thư Nga. Tâm đã quyết định để cho thân thể trí óc và tâm hồn anh nằm xuống vĩnh viễn. Anh đã cảm thấy rất mạnh sự vô nghĩa cùng cực của tất cả mọi hành động phản kháng và ước ao. Anh đã tính đầu hàng…”

Ngắm nhìn sương mù rồi những tia nắng nhạt của hoàng hôn, nghĩ về đời sống tự nhiên Tâm đổi ý. Không thể nào yên nghỉ với đời sống của thỏa hiệp. Của những dự tính của một gia đình sung tác êm ấm với một người vợ của một cuộc sống bình thường. Anh sẽ phải cắt đứt liên lạc với những người bạn với những công việc mà Nga cho là điên cuồng với cái suy nghĩ của những đứa con gái của” Tất cả con gái đều không thể nào nhìn thấy trái đất này nó quay nó quay , không thể nào thấy đau nhưc và phẫn nộ trong một chiều tà êm ả vạn niên với từng đợt nắng nhỏ vô cùng rực rỡ.”


Tâm muốn trở lại Sài Gòn để không muốn mình nằm xuống an phận thỏa hiệp dù với tình yêu. Nhưng chuyến xe lửa cuối cùng đã khởi hành. Muộn rồi. Như một tình cờ của số phận , chuyến xe đi muộn đã mang một hành khách bất đắc dĩ trở lại với đời sống của những người chọn lựa phải “đứng” để không” nằm”. Ðoạn kết câu chuyện :

“Tâm lại bối rối.. Thật may hay rủi.” Nga ơi” tâm kêu vọng lên nhỏ vừa đủ nghe. Hay đúng ra tiếng kêu chỉ ở trong hồn anh. Anh không rõ nữa như anh đã thực sự phản bội và lừa dối Nga.” Nga ơi có thể, rất có thể lắm Nga ạ là ngày nào kia anh sẽ thống hối khi anh không bao giờ được về ngôi biệt thự của em nữa vì nhiều lý do. Xa mái tóc em đôi mắt em hồ nước trong như gương những đám rong rêu ven hồ và nhất là những chiều tà êm ả vạn niên mà chỉ có khung cảnh nhà em mới tạo nên một cách kỳ ảo anh sẽ tiếc suốt đời. Nhưng anh không muốn phản bội lý tưởng và con đường của anh con đường chỉ thỉnh thoảng mới rợp bóng chiều tà còn hầu hết nó sẽ chạy qua sa mạc rát bỏng nhảy dựng chân qua đấu trường để chứng kiến giờ khắc uy nghi nhất đời mình, qua đại dương để đón nhận cuồng phong bão táp qua những đêm trăng hàn lạnh và cô tịch trên một bờ biển hoang vu nào đó để tiếp nhận sự mong manh vô nghĩa của kiếp người.

Vâng Tâm không chắc chuyến tàu này may hay rủi cho anh. Anh chỉ biết rằng suốt đời chắc không bao giờ Nga biết đến chuyến tàu kỳ cục này. Cũng như Nga làm sao biết được rằng Tâm đã nhìn thấy rất rõ trái đất này nó quay nó quay nó quay. ”


Từ khi còn trẻ, Nguyễn Ðức Sơn đã làm báo và tạp chí Mặt Ðất chỉ ra được vài số với khuôn khổ đặc biệt chỉ gồm 4 trang giấy khổ lớn nhưng cũng gây được nhiều chấn động trong văn giới. Tạp chí Mặt Ðất được giới thiệu: “Ðấu trường của bọn trẻ tự động và ý thức nhất. Chủ trương biên tập Nguyễn Ðức Sơn, vô gia cư, vô nghệ nghiệp, vô địa táng. Tòa soạn liên lạc tất hữu, và trường kỳ. Hiện tại không có địa chỉ liên lạc.” Lá thư ngỏ gửi các thân hữu xa gần của tạp chí xuất bản Mặt Ðất cũng gây ra nhiều phản ứng mà có người còn gọi là” tiếng kêu trầm thống của một thế hệ không tiếng nói” :
” Cùng các bạn,

Sau bao nhiêu năm dài dằng dặc suy tính nát nước để dựng lên ngay một nền văn nghệ rực rỡ phải có ở miền Nam chỉ tạo ra được ngoài tầm những thế lực xuất bản đang hoạt động, chúng tôi không thể trông chờ một phép lạ hiển linh nào ngoài giải pháp rất không anh hùng chút nào; ngửa tay mượn tiền của các bạn. Nếu các bạn tin tưởng một trăm phần trăm khi lực làm việc sôi sục hằng hằng trong chúng tôi xin các bạn nhắm mắt bấm bụng gửi bưu phiếu có thể có được của các bạn về sớm cho chúng tôi (đề tên Lê Mong, 68 Phạm Phú Quốc, Blao nhờ chuyển lại ở ngoài bì). Chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn lại các bạn một cách tròn trĩnh và hậu hĩnh dù muốn dù không và trong thời hạn ngắn nhất có thể. Xin các bạn yên tâm không sợ mất vốn chúng tôi cam chịu nhiều tốn phí để những tác phẩm dịch thuật cũng như sáng tác độc sáng của chúng ta có kỹ thuật ít ra phải bằng An Tiêm và nghệ thuật trình bày phải thật tiến bộ. Không thể dù dừ dụ dự đợi thời thế thêm chút nào nữa chúng tôi đánh bạo viết mấy dòng đau đớn ít nhiều trên cho các bạn dù các bạn không thể hưởng ứng chút nào trong thời kỳ quá khó khăn này. Hãy tưởng tượng nếu phụ lòng các bạn chút xíu nào thôi chúng tôi còn biết làm gì hơn ngoài việc độn thổ

Trân trọng và tha thiết.”


Thế giới sáng tác của Nguyễn Ðức Sơn dù là nhà văn hay nhà thơ cũng là một thế giới nhiều bí hiểm. Khi trả lời câu hỏi kinh nghiệm sống và sáng tác thích nhất ông phát biểu:
“Sartre nói: “Je n’ai pas besoin de faire de phrases… Se mefier de la litterature. Il faut ecrire au courant de la plume; sans chercher les mots”( La Nauseé tr. 77). Như vậy đúng. Vì mới theo kịp ý tưởng nhất là khi chúng xuất hiện hai ba cái một lần và xuất hiện quá mau. Viết như vậy thì sống khỏe lắm. Có điều khác mọi người là tôi không viết nhật ký. Mệt lắm. Trong giờ phút hân hoan hay đau đớn quặn người tôi lặng người cảm xúc. Nhất định tôi không ghi lại. Vì sẽ không đúng và khổ sở lắm. Tôi rất kỵ và gần như kinh tởm những người bạn đồng lứa đã làm văn nghệ hoặc muốn làm văn nghệ. Vì nhiều lý do phương hại đến sự sáng tác của tôi. Lý do thứ nhất: tất cả tình cảm, hành động, cử chỉ, những cử chỉ thật nhỏ nhặt của họ cũng đều có tính toán, sắp đặt hết. Ðiểm này làm tôi phát ngấy. Lý do thứ nhì: tôi không tin tưởng ở bất cứ ai hết nhất là khi hầu hết đều có vẻ tự mãn trong lúc họ thiếu hoàn toàn căn bản. Ðiểm này làm tôi khổ sở vì suốt đời e không có lấy một người bạn đồng hành – dù đồng hành không phải là đi chung với nhau. Còn sáng tác thích nhất? – Chưa có. Riêng về thơ tôi chỉ mới cho đăng một ít thơ cũ làm trong bước đầu để kiếm những khoản tiền nhỏ nhưng nhiều khi tối cần. Mơ ước hiện tại của tôi là những nhà in nhỏ nhưng có nhiều chữ sắc, nhọn, đẹp gởi đúc từ Pháp chẳng hạn. Và có giấy có bìa đẹp một cách nghệ thuật hẳn hoi như của bao nhiêu sách ở Pháp, ở Mỹ.. và những nhà xuất bản cai quản và điều khiển bởi những tâm hồn mới có học thức, có thực lực và cấp tiến. Và sự – không-gặp-nhiều- khó-khăn để được đăng lên tạp chí hay in thành sách. Chừng ấy điều kiện, nền văn học Việt Nam chắc chắn sẽ được củng cố phát triển rực rỡ và hùng cường. Những tác phẩm vô vị, những tờ báo lá cải, nhất là những bọn trẻ vô tài bất tướng, chắc chắn sẽ bị đào thải. Viễn tượng kia có xa lắm không để cho những “sáng tác thích nhất” của tôi mà người phỏng vấn đã hỏi sẽ ra đời. Tôi đã lạc đề nhiều qúa và xin dừng…”


Nguyễn Mạnh Trinh

[Hình: 417318_366296743395428_1053509903_n.jpg]


RE: Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) - Một cõi phiêu bồng - lanhdien - 10-06-2013

Đêm Thu
Nguyễn Đức Sơn

một đêm trăng mờ ảo
anh tìm về thăm em
phố buồn như hoang đảo
gió ngừng ru bên thềm
ánh đèn sao le lói
căn phòng sao đìu hiu
anh lặng người thầm hỏi
kiếp người sao tiêu điều

anh đi vòng sau nhà
một mình như bóng ma
giật mình anh nghe thấy
có tiếng gì bay xa

rồi đêm trăng mờ ảo
anh lại về thăm em
như lá vàng lảo đảo
anh lui về trong đêm.



Sáng trên đồi

Song thưa lùa gió thơm vào
Có đàn chim lạ đến chào ánh dương
Ngất ngây chùm trái đang hườm
Thản nhiên nhìn xuống bản mường ngủ say
Đêm thanh nằm mộng giấc đầy
Sáng ra tôi gặp những ngày rất thơ
Cỏ lau mùa trước rụng ngừa
Ước mơ tôi lại bây giờ thêm xanh.

N.Đ.S


Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển
NĐS

Đầu tiên tôi thở cái phào
Bao nhiêu phiền não như trào ra theo
Nín hơi tôi thở cái phèo
Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
Sướng nên tôi thở phập phồng
Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm
Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.