Thi Ẩm Lâu
Những chuyện bi hài đằng sau việc trả tiền cho… thơ - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Phiếm Luận Đường (https://thiamlau.com/forum/forum-14.html)
+--- Chủ đề: Những chuyện bi hài đằng sau việc trả tiền cho… thơ (/thread-1427.html)



Những chuyện bi hài đằng sau việc trả tiền cho… thơ - Biển xanh - 18-01-2013

Sưu tầm- mời Thi ẩm lâu đọc cho zui


- Dư luận chỉ xôn xao trước những con số trăm triệu bán bản quyền của một bài thơ, chẳng ai quan tâm đến câu chuyện phía sau những số tiền ấy là vấn đề bản quyền “thả nổi” của thơ ca. Đã từ lâu, thơ bị mất vị thế. >> Nhiều bài thơ Việt trị giá tiền tỉ!
Trong đời sống hiện nay, không ít người cho rằng vị thế của thơ ngày càng trở nên lép vế. Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến người ta ít “xao lòng” trước một vần thơ nào đó. Chẳng hạn, với đa số thanh niên hiện nay, nếu một anh chàng mang thơ đi đọc tặng cô gái mà anh ta định tán tỉnh, tỉ lệ “trượt” sẽ rất cao, thậm chí, có người còn dễ kết luận: “Đầu óc anh này có vấn đề!”.

Không chỉ trong cuộc sống, trong các văn bản quy phạm, thơ cũng ở thế yếu: Theo dự thảo bảng biểu giá về mức thu tác quyền do Cục bản quyền soạn, có sự chênh lệch khá rõ rệt trong mức phí trả cho thơ và văn xuôi trên sóng phát thanh. Cụ thể, mỗi phút đọc thơ được trả 5.000 đồng, trong khi đó, mỗi phút đọc văn xuôi lại được trả 10.000 đồng. Nhiều nhà thơ băn khoăn, nếu với cách ngâm thơ, có thêm nhạc phụ họa, một bài thơ có độ dài trung bình giỏi lắm cũng chỉ kéo dài 3-5 phút, còn nếu đọc với tốc độ bình thường, chỉ khoảng 2 phút là xong, trong khi đó, văn xuôi gồm tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, thời gian đọc gấp nhiều lần, mức phí cho mỗi phút lại được trả cao gấp đôi!
Cũng vì thơ có phần bị xem nhẹ, nên không ít thi sĩ dù đã dồn nhiều tâm huyết, trí tuệ để làm ra những vần thơ, nhưng vẫn sẵn sàng “cho không, biếu không” với suy nghĩ: có người đọc, chia sẻ là quý lắm rồi và coi nhẹ chuyện bản quyền!

[Hình: btdd-57acc.jpg]
Thơ ca đã mất đi phần nào vị thế của mình

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Không phải cứ cho không biếu không mới có người đọc, vấn đề là hay hay dở, nếu hay thì người ta mới đọc. Bản quyền phải tôn trọng, trước hết là tính nguyên bản. Một bài thơ sau khi người ta công bố, tất cả các trang mạng hoặc các báo in lại thì phải tuân thủ đúng nguyên tắc là giữ chính xác cho tác giả, chứ không được chỉnh sửa, thêm bớt theo ý mình”.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhấn mạnh vấn đề bản quyền nguyên tác của tác phẩm bởi anh cho rằng hiện nay, thơ đang trong tình trạng nguy hiểm là “tam sao thất bản” rất nhiều. Đó là vấn đề của việc thiếu tôn trọng tác quyền. “Chúng ta bắt đầu làm bản quyền thơ vì sự tôn trọng các nhà thơ, chứ chưa phải vì tiền, vì ý thức, đó là tiêu chuẩn của một xã hội văn minh”, anh nói. Anh cũng cho rằng, tiền chưa chắc đã khuyến khích các nhà thơ sáng tạo, nhưng nó giúp họ vững tin hơn vào công việc sáng tạo của mình, vấn đề là sự tôn trọng, chứ vấn đề chưa hẳn là tiền”.

“Lâu nay mọi người ngại nói về tiền bạc của một bài thơ, thực ra không phải vấn đề nhiều hay ít, nhà thơ làm thơ không phải vì tiền, nhưng việc trả bản quyền thể hiện thái độ tôn trọng của người sử dụng đối với người sáng tạo. Người phổ thơ cũng trả tiền, người in sách cũng trả tiền, dùng bản thảo trả tiền là điều nên làm”- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết.
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, người “chơi đẹp” nhất hiện nay là nhạc sĩ Phú Quang, khi bắt đầu phổ nhạc cho thơ, ông đã bắt đầu trả tiền cho nhà thơ rồi, khi in đĩa hay biểu diễn lại tiếp tục trả tiền. “Đây là hành vi mà những người khác nên làm theo”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhấn mạnh. Có thể chỉ một lá thư cảm ơn đã hơn rất nhiều những hành động khác, chẳng hạn một công ty nào đó dùng một bài thơ của tác giả nào đó để đưa vào nội san của cơ quan, chỉ cần gửi một lá thư thể hiện sự trân trọng tới tác giả, đó đã là một cách tôn trọng tác quyền rồi.

[Hình: Le-Thieu-Nhon-57acc.jpg]
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Về mức thu phí được đề nghị là 1000 đồng cho mỗi lần sao chép, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng nên nhìn tác phẩm thơ ở quyền lợi của cả người đọc lẫn tác giả. Nếu không vì mục đích kinh doanh, thì thu phí cũng không nên. Còn nếu người sử dụng đã có mục đích kinh doanh rõ ràng như karaoke, in sách, in vào thiệp… thì nên thu. Hiện nay có tình trạng những người làm thiệp vô tư sử dụng thơ để in vào các loại thiệp để bán, nhưng không bao giờ trả tiền cho nhà thơ, như vậy không thể chỉ thu 1.000 đồng, mà phải tính trên hiệu quả kinh doanh của họ.

Để các thi sĩ yên tâm chọn mặt gửi vàng, ủy quyền, theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, trung tâm đó phải thực sự minh bạch. “Trung tâm đó phải có trang web, ngày nào giao dịch như thế nào, tiền thu ra sao, đối tác nào còn nợ… phải công khai. Thời đại internet bây giờ phải nên minh bạch, mọi người đương nhiên sẽ ủy quyền, có người làm được thì quá tốt”, thi sĩ họ Lê nói.

Anh khẳng định công chúng thơ ngày nay vẫn rất nhiều, không thua gì ca nhạc. “Chúng ta phải nên biết rằng, các bài thơ in trong sách giáo khoa ở các nước phát triển đều có bản quyền, trừ Việt Nam không có. Chẳng hạn ở Mỹ, sinh viên đóng tiền học môn văn chương, trong học phí đã có cả tiền trả bản quyền thơ và nhà thơ được nhận tiền bản quyền. Trong thư viện, sinh viên photo tài liệu là thơ cũng phải trả tiền bản quyền đó. Còn ở Việt Nam thì chưa, nhưng dần dần thì sẽ phải quen”, Lê Thiếu Nhơn nói.

Thơ hết hạn bản quyền, ai được lợi?


Theo tiết lộ của một người làm sách, các yếu tố để làm nên giá sách bao gồm tiền mua bản quyền hoặc nhuận bút tác giả, chi phí biên tập, thiết kế, vẽ bìa, tiền giấy in và in ấn, chi phí phát hành… Trong đó, tiền nhuận bút chiếm 15%. Nhưng với những tác phẩm hết thời hạn bảo hộ hoặc thuộc sở hữu nhà nước nhưng liên tục được xuất bản như Truyện Kiều, thơ Hồ Chí Minh, Hàn Mạc Tử… thì các đơn vị làm sách không phải trả chi phí này.

[Hình: untitled-57acc.jpg]
Truyện Kiều đã hết thời hạn bảo hộ, thuộc sở hữu của toàn dân nhưng nhà xuất bản vẫn không ghi giảm giá 15% phí bản quyền


Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép VN, lẽ ra, khi xuất bản, nếu như giá bìa là 50.000 đồng thì NXB phải ghi thêm: giảm 10-15% phí bản quyền và trừ đi 5.000đ-7.000đ, người mua chỉ phải trả 42-45.000đ, đó mới gọi là sở hữu toàn dân. Chưa thực hiện điều này có nghĩa là công chúng chưa được hưởng lợi gì từ những tác phẩm hết thời hạn bảo hộ bản quyền, mà những người đầu tư làm sách đó được hưởng tiền đó, vậy là không công bằng. Đã đến lúc nhà nước cần phải xem xét lại và các hiệp hội phải có tiếng nói, phải rành mạch, minh bạch.

Theo bà Luyến, nếu các NXB không tự trừ tiền vào giá bìa thì nhà nước hoặc hội Nhà văn thu tiền đó làm quỹ khuyến khích phát triển văn học nghệ thuật. “Hiện nay, hai mảng thuộc quyền sở hữu công chúng và thuộc quyền sở hữu Nhà nước đều bỏ ngỏ, giá như thu được tiền đó đưa vào quỹ do Nhà nước quản lý rồi phân phối về các hội nghề nghiệp thì đỡ gánh nặng tài chính cho Nhà nước rất nhiều, mà số tiền ấy không hề nhỏ chút nào!”, bà Đoàn Thị Lam Luyến trăn trở.



Lê Nguyễn