Thi Ẩm Lâu
Từ "Nhẫn cỏ cho em" đến biệt danh "Vua nhạc sến" - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Ca kỹ phòng (https://thiamlau.com/forum/forum-10.html)
+--- Chủ đề: Từ "Nhẫn cỏ cho em" đến biệt danh "Vua nhạc sến" (/thread-1366.html)



Từ "Nhẫn cỏ cho em" đến biệt danh "Vua nhạc sến" - Phở - 21-12-2012

Tìm tên ông trong danh sách hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam không hề có. Nghe nói ông mới được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Tp HCM sau khi chính thức trình làng hai tập sách nhạc gồm 86 ca khúc chọn lọc về tình yêu và quê hương...


Thật ra từ lâu, người yêu âm nhạc cả trẻ lẫn già đều biết đến nhiều ca khúc nổi tiếng của ông. Thậm chí có tới hàng triệu người thuộc những bài hát rất tình cảm và sầu muộn về tình yêu của người nhạc sĩ ẩn dật và nghèo túng này. Đó là nhạc sĩ Vinh Sử, người một thời được gọi với biệt danh "Vua nhạc sến". Cho đến nay, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhiều bài hát của ông vẫn ngân vang trong từng ngõ xóm lao động, qua mỗi phiên chợ quê của từng vùng miền ở khắp đất nước. Ông tự nhận mình là nhạc sĩ của những người nghèo luôn mơ mộng và kể những câu chuyện buồn...

Cách đây hơn chục năm, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Vinh Sử tại Hà Nội, khi ông tìm đến tòa soạn báo Hà Nội mới để cảm ơn mọi người vì đã cho in bài giới thiệu ông trong chuyên mục "Những bài hát được nhiều người yêu thích", nhân kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh. Ông xuất hiện khá bất ngờ với quần bò, áo thun, đầu đội mũ phớt nom khá "ngầu"; tay cầm máy camera quay từ ngoài cửa phòng vào đến tận bàn làm việc của mọi người với mong muốn lưu giữ những giây phút gặp gỡ rất thú vị này, bởi lẽ đây là lần đầu tiên ông ra Hà Nội.

Hôm đó ông đã kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện về những bài hát mang tiếng là "sến" được phổ biến khá rộng khắp từ những năm đầu của thập niên 60 ở Sài Gòn. Đặc biệt, vào tuổi 17, ông nổi như cồn với bài hát "Nhẫn cỏ cho em". Đó là một kỷ niệm khó quên của mối tình học trò, khi chàng trai Vinh Sử ngồi im như thóc trước mặt người bạn gái xinh đẹp học cùng lớp. Cô bé ấy hồi hộp chờ Vinh Sử nói điều gì đó rất quan trọng như lời đã hẹn cả mấy ngày trước. Ấy thế rồi một chiếc nhẫn được Vinh Sử tết bằng những cọng cỏ để trao tặng cho người mình yêu thầm nhớ trộm ngày đêm. Và, chiếc nhẫn cỏ ấy đã trở thành hình tượng cho bài hát bày tỏ tình yêu của ông. Tôi hỏi "Kết cục rồi sao"? Ông bùi ngùi nói rằng: "Thế thôi, tình yêu đâu còn có ý nghĩa gì. Bởi cô gái ấy quên bẵng mọi kỷ niệm với chiếc nhẫn cỏ và xa nhau mãi mãi. Kiếp nghèo mà".

Bài hát đã trở thành hiện tượng trong giới ca hát thời đó cùng với bài "Nhành cây trứng cá" được phát liên tục trên Đài Tiếng nói Sài Gòn. Cùng lúc, mấy bài hát được in hàng trăm ngàn bản đều bán hết. Đâu đâu cũng vang lên những lời ca: "Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/ Tặng em theo sính lễ tơ hồng/ Thì đây anh trao nhẫn cỏ…".

Từ đó trở đi, chàng trai Vinh Sử cho ra đời liên tục các bài: "Người phu kéo mo cau", "Tình chỉ đẹp", "Qua ngõ nhà em", "Gái nhà nghèo", "Người về từ nghìn trùng"…Toàn những bài thổ lộ tình yêu trong mộng tưởng, yêu một bề, hoặc yêu rồi chia xa, đều do cái nghèo cả. Có lẽ đây là thời điểm trời cho nhạc sĩ trẻ lập nghiệp khi biết bày tỏ hộ không biết bao mối tình nghèo bị tan vỡ, khổ đau. Nhạc sĩ "khoe", ngay từ đầu, chỉ với một số ca khúc được phát hành với số lượng lớn, ông đã mua được ôtô, bù đắp cho những ngày tháng chân trần lang thang trên con đường mưu sinh khốn khó.
Có thể nói, nhạc sĩ trẻ Vinh Sử ngày ấy đã tạo nên một xu thế âm nhạc bình dân, chân thật và gần gũi với những người lao động vất vả. Với những giai điệu dịu dàng, đôi khi pha chút sầu muộn, thê lương, nhiều bài hát của Vinh Sử còn chiếm lĩnh tình cảm của cả giới trí thức và học sinh, sinh viên. Bởi họ, ai cũng có những nỗi niềm khó chia sẻ trong tình yêu, hôn nhân và cuộc sống thị dân. Họ cần được chia sẻ. Nhạc sĩ Vinh Sử đã làm được điều đó.

Đặc biệt, Vinh Sử còn được trời "phù hộ" khi trong làng nhạc xuất hiện một số "giọng ca vàng" đã quan tâm đến các ca khúc đầu tiên của ông. Những giọng hát ấy đã làm mê hoặc lòng người. Nỗi buồn của bài hát được nhân lên. Niềm cay đắng của tác giả thêm một lần xót xa truyền đến người nghe như xát muối trong lòng.

Sau đó, không ít ca sĩ đã vang danh từ dòng nhạc "sến" của Vinh Sử…

Có thể nói, đã có không ít nhạc sĩ bị ảnh hưởng dòng nhạc "sến" của Vinh Sử. Họ đã sáng tác nên nhiều ca khúc hay, có sức lay động lòng người. Trong những nhạc sĩ mang hơi hướng Boléro Mineur, dịu buồn, ngậm ngùi như Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Thanh Sơn, Giao Tiên… thì Vinh Sử nổi bật với vai trò tiên phong và trọn đời sáng tác theo một phong cách. Do vậy, ông có tới 500 ca khúc thì đến non nửa đều được phổ biến sâu rộng trong thị trường âm nhạc. Hàng chục bài của ông hiện nay vẫn được nhiều hãng băng đĩa sản xuất trong nhiều album.

Cách đây ít lâu, tôi có dịp vào những xóm trọ của hàng ngàn người lao động trẻ ở các khu công nghiệp ở Bình Dương, mới hay bài hát của Vinh Sử vẫn có sức phổ biến trong cộng đồng đến kỳ lạ. Nhất là bài "Nhớ quê nhà" với những lời ca rất dễ thương vang lên đây đó: "Ở quê nhà có gì vui không em?/ Chắc hôm sau, dòng nước vẫn êm đềm/ Những con đò nằm yên phơi nắng/ Khói lam chiều cao vút cánh diều lên…".

Nỗi nhớ cơn mưa ngâu. Nhớ luống ngô, vườn nhãn, lũy tre, với bao kỷ niệm qua giai điệu ngọt ngào buồn đến tê tái lòng người trong màn đêm. Hơn nữa, những bài hát của Vinh Sử còn được những ca sĩ trẻ như Chế Thanh, Thái Dương, Hồ Quang Tám, Duy Trường, Tường Nguyên… trình diễn trong nhiều đêm nhạc ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Họ phục vụ cho hầu hết những người lao động xa quê, với giá vé rẻ hợp túi tiền của người nghèo.

Cuộc đời của Vinh Sử dường như được thể hiện trong hàng trăm ca khúc, theo những năm tháng lao động miệt mài trong xóm ngõ của người nghèo. Ông được sinh ra và lớn lên tại khu thợ thuyền quận 4, nổi tiếng với những nhóm người "du thủ du thực" và lao động làm thuê làm mướn qua ngày. Nhạc sĩ Vinh Sử cũng lận đận với những tình duyên dang dở. Ông có tới bốn đời vợ chính thức, nhưng rồi lại vẫn một mình, ứng với tên một ca khúc của ông: "Hai bàn tay trắng".

Hiện ông ở cùng với con cháu ở khu lao động quận 7, và sống bằng nghề làm dép lốp cao su của gia đình từ trước đó. Giờ đây, đã bước sang tuổi 68, ông vẫn đi bỏ mối hàng ở các phố chợ quận 1, quận 3. Rồi đêm đêm, đây đó lại vang lên những bài hát về xóm nghèo của ông. Nỗi niềm ngậm ngùi lại tràn về trong tâm hồn cô đơn trải qua bao gió bụi, dặm trường của người nghệ sĩ nghèo. Khán giả nghe vì được ông an ủi, nghe vì được ông vỗ về sẻ chia, trong từng nỗi buồn và sự ra đi từ nghìn trùng xa cách...

Tính đến nay, đã có bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử tồn tại tới nửa thế kỷ. Và đặc biệt, có ca sĩ hát ca khúc của ông sớm nhất thì đến nay, con trai của ca sĩ này lại tiếp tục hát những ca khúc ấy, với những cảm xúc sầu muộn và đầy sức ám ảnh của người cha truyền lại. Nếu tính số lượng bài hát mang tên Vinh Sử được thu và phát hành trong 50 năm qua, thì phải nói, ông đạt kỷ lục và xứng với danh "Vua nhạc sến". Thật là một hiện tượng kỳ lạ. Hầu hết những nơi sản xuất băng đĩa lậu đều lấy ca khúc của ông trong nhiều album theo các chủ đề về quê hương hay tình yêu. Đó là những ca khúc có sức vượt thời gian.

Hiện tại, trong khi trào lưu nhạc trẻ đang đầy những biến động theo thị trường, lúc quậy, lúc sexy, khi lại giả nai ngô ngọng, hoặc rên rỉ la hét với tình yêu dẫn tới sự bế tắc về hướng phát triển thì dòng nhạc Vinh Sử vẫn âm thầm vang lên và bền bỉ theo thời gian, trong hang cùng ngõ hẻm, quán xá của người lao động.

Giờ đây, như người phu kéo mo cau, một trò chơi kéo thuyền chở cô bé hàng xóm ngày nào chạy khắp ngõ vườn, nhạc sĩ Vinh Sử lại tiếp tục hành trình đi bỏ "mối hàng tình yêu" và cất lời ca mơ ước về một con tàu ra khơi…


Vương Tâm (Văn Nghệ CA)