Thi Ẩm Lâu
Lời cuối bình yên - Krishnamurty - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+---- Diễn đàn: Tàng thư viện (https://thiamlau.com/forum/forum-11.html)
+---- Chủ đề: Lời cuối bình yên - Krishnamurty (/thread-1299.html)



Lời cuối bình yên - Krishnamurty - hvn - 24-11-2012

Lời cuối bình yên
J.Krishnamurty


Thung lũng Ojai, California

Ngày thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983

Ngày lại ngày suốt mấy tuần liền, chúng tôi tìm đến ven sông ngắm một cội cây vào lúc vầng dương sắp mọc. Đang khi vầng hồng dần ló dạng cuối chân trời, nhô lên từ những tàng cây, thì đột nhiên cội cây hy hữu kia rực ánh hoàng kim.

Muôn lá sáng ngời tràn sức sống. Tên tuổi của cây biết để làm gì, điều đáng quan tâm chính là cội cây tráng lệ ấy, đang khi ngắm nó, thời khắc trôi qua, từng giờ trôi dạt. Một hương vị nhiệm mầu như đang lan tỏa khắp không gian, khắp cõi đất, bảng lảng khắp sông nước.

Rồi đương khi mặt trời vươn lên cao tí nữa, lá cây bắt đầu cựa mình, nhảy múa. Mỗi giờ, mỗi khắc như cống hiến cho cây một ý vị riêng biệt. Trước buổi rạng đông, ở cây là niềm cô tịch, lặng lẽ, xa xăm, trầm tĩnh. Rồi khi vào ngày, muôn lá cưỡi ánh sáng trên lưng nhảy múa, tạo cho cây một dáng dấp tân kỳ của muôn muôn vẻ đẹp. Đến xế trưa, tàng cây rũ bóng in đậm nét, ta có thể ngồi tránh nắng, làm bạn cùng cây, chẳng khi nào cảm thấy lẻ loi, cô độc.

Đương khi ngồi, thời ở đó có ra mối tương liên an toàn sâu chắc, một niềm tự tại thanh thoát chỉ có riêng loài cây thấu hiểu.

Đợi khi về chiều, khi ánh tà dương sắp tắt, ửng sáng cõi trời phương tây, cây cũng bắt đầu trở nên u mặc, nhá nhem màu xám, quy hồi khép cửa tự thân. Bầu trời pha sắc đỏ, vàng, xanh, nhưng cây vẫn điềm nhiên lặng lẽ, ẩn dật, bắt đầu cuộc ngơi nghỉ cho đêm. Nếu thiết lập được liên hệ với nó, tức thời ta có liên hệ với nhân loại. Ta bấy giờ có trách nhiệm với cội cây kia, cùng tất cả muôn loài thảo mộc trên thế giới.

Nhưng nếu không có quan hệ với các loài sinh vật trên trái đất, ta có thể cũng đã đánh mất mối quan hệ sẵn có của mình với nhân loại, với con người. Hẳn ta chưa từng nhìn sâu vào bản chất của cây; chưa hề thực sự rờ nó, cảm nhận sự rắn chắc của nó, cái vỏ xù xì, và nghe ra thanh âm thần thể của cây. Không phải thanh âm của gió chen kẽ lá, không phải thanh âm của làn gió ban mai thoảng đưa đọt lá, mà chính là thanh âm tự thể, thanh âm của thân cây và thanh âm tịch diệt của rễ cây cội gốc.

Ta phải cực kỳ nhạy cảm mới có thể nghe ra thanh âm như thế. Đó là thanh âm vốn dĩ không phải là tiếng ồn ào nhân thế, không phải tiếng ồn của tâm trí không ngừng nói nhảm, không phải tiếng nguyền rủa tục tằn của loài người tranh cãi, của loài người ấu đả sinh sát. Mà đó chính là âm thanh thể thân của vũ trụ.

Kể cũng lạ rằng ta có quan hệ quá èo uột với thiên nhiên, với lũ côn trùng, với con cóc nhái, với con cú hú gọi đàn vang vọng khắp lũng đồi. Ta dường như không hề có chút cảm thương đến mọi loài sống trên trái đất. Nếu ta có thể bắc lại được nhịp cầu cảm thông sâu chắc với thiên nhiên, ta sẽ không bao giờ giết một con thú vì miếng ăn ngon miệng, sẽ không bao giờ làm thương tổn, mổ xẻ thí nghiệm, một con khỉ, một con chó, một con heo vì lợi lộc của mình. Ta sẽ tìm phương chữa bệnh cách khác, để trị lành thân thể ốm đau.

Nhưng sự bình phục tâm trí lại hoàn toàn nằm ở lãnh vực khác. Cuộc hồi sinh ấy xảy ra nếu ta có quan hệ với thiên nhiên, với quả cam trên cành, với bụi cỏ mọc hoang từ kẽ nứt sân gạch, và với những lũng đồi ẩn khuất trong những tầng mây phủ. Đây không phải là những cảm xúc nhất thời, hoặc tưởng tư lãng mạng; đây là thực chất của mối tương quan với muôn loài hiện đang sống, đi lẫn đứng trên trái đất này.

Loài người đã giết biết bao triệu con cá mập, và vẫn đang tiếp tục giết chúng. Những lợi lộc mang lại từ cuộc sát hại kia vẫn có thể kiếm được bằng những phương tiện sinh sống khác. Nhưng rõ ràng là con người ưa sát hại muôn loài, nào là con nai linh hoạt, con voi bệ vệ, và con hưu cao cổ chon von. Tính ta thích giết nhau. Cuộc chém giết tương tàn chưa hề có phút giây ngừng nghỉ dọc dài suốt lịch sử nhân loại.

Nếu ta có thể, và ta phải khẩn thiết, thiết lập cho được nhịp cầu quan hệ sâu chắc với thiên nhiên, với cội cây trước mặt, với bụi, với hoa, với cỏ, và với đám mây bay cuồn cuộn, thể thời ta sẽ không bao giờ sát hại bất kỳ một ai vì bất cứ lý do gì.

Sát sanh có tổ chức là chiến tranh, và dù ta có biểu tình chống cuộc chiến tranh nào đó, nguyên tử, hoặc bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác. Ta chưa từng biểu tình chống chiến tranh toàn diện. Ta chưa từng bao giờ tuyên bố rằng giết người là tội lỗi lớn nhất thế gian.


Thứ hai, ngày 28 tháng 2, năm 1983

Ở trên cao độ 41 ngàn bộ, dọc dài suốt chuyến bay xuyên lục địa, nhìn xuống ta chỉ thấy những tuyết cùng tuyết, dặm dặm tuyết tuyết; từ núi sang đồi, khắp nơi tuyết phủ, sông nước băng băng.

Tuyết lững thững, tuyết lang thang khắp cùng cõi đất. Tận phía trời xa, dưới vùng xa xăm của chốn, tuyết và băng phủ ngập ruộng đồng. Chuyến bay mười một giờ liền dài và mệt mỏi. Hành khách đang tán gẫu giết thì giờ. Sau lưng có một cặp nói năng không ngớt, không buồn đếm xỉa đến cảnh huy hoàng tráng lệ của những đồi cùng núi hy hữu kia, không màng ngó lui trông qua người khác.

Hiển nhiên họ đang chìm đắm trong những suy tính, trong những lo âu và trong những lời lăng xăng lít xít. Cuối cùng, sau chuyến bay tẻ nhạt, an ổn, ta đáp xuống một thị trấn cạnh bờ Thái Bình Dương, giữa tiết đông hàn quạnh quẽ. Trải qua những giây phút nơi phố xá ồn ào náo nhiệt, ta bỏ lại sau lưng cái thành phố thô phù, đông đúc, tục tằn, gầm thét, cùng những dãy hàng phố quán bán những thứ đồ kiểu cọ như nhau.

Ta bỏ tất cả những thứ đó lại sau lưng đương khi ta đảo dọc theo con đường xa lộ uốn quanh lưng bờ Thái Bình Dương xanh ngát, rẽ vào một con lộ nên thơ, lượn vòng qua những lũng đồi, lại được bao phen tái ngộ chạm chân ven bể;

Và khi Thái Bình Dương chìm khuất phía sau, thì xa xa phía trước ẩn hiện đó đây quanh đồi nhấp nhô cao thấp là những làng mạc ruộng vườn, thanh bình, yên tịnh, tràn đầy đức hạnh diệu kỳ của hương quê; vượt qua chốn đó thời cuối đường là tiến vào thung lũng.

Từng trú ngụ ở đó có đến sáu mươi năm, vậy mà mỗi lần trở lại thung lũng, là mỗi lần sững sờ kinh ngạc. Nó lặng lẽ như chưa từng tiếp giáp thế nhân.

Ta bước vào thung lũng như vào trong một cái chén vành khổng lồ, một tổ chim. Rời khu làng nhỏ, ta tiến dần lên độ cao khoảng 1 ngàn 4 trăm bộ, dọc theo đường là hàng hàng lớp lớp dẫy cam vườn tược. Không gian tẩm ngát hương cam.

Toàn vùng thung lũng thấm đượm mùi hương. Hương len vào tim, ngập cả hồn, phủ khắp châu thân. Sống giữa vùng hương hoa như thế, kéo dài có hơn ba tuần lễ, gây nên một cảm nhận vô cùng hy hữu. Và cảnh tịch nhiên nơi các dãy núi có ra một điều trọng vọng.

Mỗi lần đứng ngắm những dãy đồi, ngọn núi cao, có hơn 6 ngàn bộ, là mỗi lần ta cứ mãi sững sờ không ngờ trên dương gian lại có ra chốn quê hương như thế.

Mỗi lần ta đến với thung lũng lặng lẽ, thanh bình này, dường như ở đấy có một niềm cô liêu rất lạ, một niềm tịch lặng thẳm sâu cùng sự lan tràn cùng khắp của sóng thời gian ngưng nghỉ.

Người ta đã từng bao phen tìm cách khai thác, hủy hoại thung lũng, nhưng nó đã được bảo tồn. Và những ngọn núi vào buổi sáng hôm ấy sao mà đẹp lạ. Ta gần như có thể chạm vào thân nó được.

Cái nét hùng vĩ, cái hồn vĩnh cữu như đang trú ngụ trong chúng. Rồi ta lặng lẽ bước vào căn nhà ta đã từng ở đó hơn sáu mươi năm qua, cái khung cảnh, cái bầu khí, chứa đựng, nếu ta có thể dùng đến chữ, thánh thiện; Ta có thể cảm nhận được nó. Ta có thể gần như chạm vào thân nó.

Trời đang ở mùa mưa, trong vùng mưa nhiều, nên tất cả các ngọn đồi và trên những lõm núi cỏ mọc phủ xanh tươi, tràn đầy, sung mãn -- trái đất nở nụ cười ý vị, với một vài thâm cảm như nhiên về cuộc tồn sinh hiện hữu của chính nó.

"Ngài đã bao lần nói rằng tâm trí, hoặc nếu ưng ý thì dùng chữ, trí óc, cần phải yên tịnh, cần phải trút bỏ tự thân toàn bộ tri kiến hay kiến thức tích tập bấy lâu,

Chẳng những là nhằm giải thoát mà còn để nhìn nhận ra một sự kiện không thuộc thời gian, hay tư tưởng, hay bất kỳ phạm trù hành động nào.

Ngài đã diễn nói điều này dưới nhiều cung cách khác nhau trong hầu hết các buổi thuyết giảng, và tôi đã cảm thấy vô cùng khó khăn, chẳng những trên phương diện lãnh hội chiều sâu của vấn đề, mà còn khốn đốn luôn trong việc cảm nhận cái rỗng rang tịch lặng, nếu tôi có thể dùng chữ ấy.

Tôi chưa từng bản thân thể nhập điều đó. Tôi đã dùng mọi cách để tâm trí ngừng vọng động, không để bị xâm chiếm hết chuyện này đến chuyện khác, chính sự choáng ngập này đã tạo ra muôn vấn đề nan giải. Sống ở đời, khó ai thoát khỏi nó. Đời sống hàng ngày của chúng ta là như thế: buồn tẻ, chuyện trò đổi trao trong gia đình, và nếu không nói chuyện với nhau thì đã có ti-vi, sách báo choáng chỗ. Tâm trí dường như lúc nào cũng đòi hỏi phải được lấp đầy, bận bịu hết chuyện này sang chuyện khác, hết tri kiến này đến kiến giải nọ, hết tác tạo này sang tạo tác khác với dòng tư tưởng chuyển xoay không ngừng nghỉ."

"Như đã nói rõ, tư tưởng không thể bị chận đứng bởi nỗ lực ức chế, bởi sự cương quyết của ý chí, hoặc bởi dục vọng sục sôi muốn thể nhập cái trạng thái rỗng rang tịch lặng."

"Tôi chợt thấy mình cay đắng não nề cho cái mà tôi nghĩ, tôi cảm được, là thực, cái mà tôi muốn có, nhưng bấy nay cứ mãi vuột khỏi tầm tay.

Tôi đã đến, như bao lần đã đến, để được hầu truyện cùng ngài: tại sao trong đời sống hàng ngày của tôi, trong cuộc mưu sinh thường nhật của tôi, đã không có sự ổn định, sự tồn tại lâu dài của tịch lặng? Tại sao nó không có trong đời sống của tôi? Tôi đã bao lần tự hỏi tôi phải làm gì đây? Rồi tôi cũng nhận ra rằng tôi khó có thể cục cựa gì được, hoặc nói cho chính xác hơn hết là tôi hoàn toàn chẳng làm gì được cả. Nhưng nó cứ đeo theo trù yếm. Tôi muốn yên mà nó chẳng buông tha. Phải chi cho tôi được một lần chứng nhập, thời kinh nghiệm đó cũng đủ dưỡng nuôi tôi, thời ức niệm đó sẽ mang lại nhiều ý vị cho cuộc đời vốn dĩ xiết bao là bạc bẽo.

Thế nên tôi tìm đến để xin hiểu: tại sao cái tâm trí này -- có lẽ tốt hơn là nên dùng chữ khối óc -- cứ mãi luôn đòi hỏi là nó lúc nào cũng phải luôn bận bịu?"


Thứ ba, ngày 10 tháng 3, năm 1983

Bữa hôm đó, đang khi đi dạo trên con đường rừng hẻo lánh, xa tiếng ồn, xa nền văn minh tàn nhẫn, gian trá, tục tằn, xa tất cả những gì do thế nhân tạo tác, liền khi đó chợt có ra niềm tịch lặng vô biên, ấp ủ muôn loài, thành khẩn, diệu vợi và tràn đầy âm thanh của trái đất.

Trong lúc lặng lẽ đi, tránh quấy rầy cảnh vật chung quanh, những bụi cỏ, lùm cây, những chú dế và những cánh chim, đột nhiên ở một khúc quẹo, có hai con thú rừng nho nhỏ đang gùn ghè cãi vả, đánh nhau trong cái thế giới tí hon của chúng. Một bên ra công đánh đuổi, một bên tìm phương đánh chiếm cái hang bé tí. Cuối cùng thì chủ hang keo này thắng cuộc, kẻ xâm lăng thất bại chạy mất.

Lại có ra niềm tịch lặng, một niềm cô liêu thăm thẳm. Ngó lên, con đường vươn tới tận núi cao, bên lề thác nước róc rách thong dong đổ; một vẻ đẹp muôn ngàn, sang trọng vô biên, không phải thứ sang trọng bầy biện bởi loài người đầy ngạo mạn và rỗng tuếch.

Con thú rừng nhỏ bé tự đồng hóa bản thân vào chỗ ở của nó nào khác chi loài người.

Ta luôn tìm cách đồng hóa bản thân vào giống nòi, vào văn hóa, vào những gì ta tin cậy, vào những đấng thần bí, hoặc đấng cứu rỗi, hay đấng siêu phàm nào đó. Đồng hóa dường như đã biến thành tính tự nhiên của con người. Rất có thể ta đã bẩm thụ cái tính này từ con thú nhỏ bé kia. Ta tự hỏi tại sao lại có ra cái tâm khao khát, mong cầu được đồng hóa. Ta có thể hiểu và chấp nhận sự đồng hóa vào những nhu cầu vật dụng cá nhân cần thiết như: nơi cư ngụ, quần áo, thức ăn ...v...v... Nhưng ở nội tâm, cái thế giới ẩn sau da thịt, ta đã tìm cách đồng hóa thân phận vào quá khứ xa xưa, vào truyền thống, vào một hình ảnh kiêu kỳ lãng mạng nào đó, hoặc một thần tượng nổi tiếng đó đây.

Đương nhiên, ở đồng hóa, trong đó có một cảm giác đảm bảo, an toàn, một cảm giác tùy thuộc và chiếm hữu. Nó tạo ra một cảm giác an ổn lớn lao. Và người ta sẵn sàng đón nhận an ổn dưới bất kỳ sắc áo ảo tưởng nào. Rõ ràng là, con người hiện đang cần rất nhiều ảo tưởng.

Xa xa có tiếng cú gọi. Phía bên kia thung lũng vọng lại tiếng đáp khàn khàn. Trời còn tờ mờ sáng, tiếng náo nhiệt của ngày chưa trổi dậy, vạn vật còn lim dim. Có một thứ gì kỳ lạ, thánh thiện cuối chân trời nơi vầng dương trú ngụ. Có một lời nguyện, một tiếng kinh cầu đón buổi bình minh, đón tia nắng đầu lạ lùng vắng lặng.

Buổi ban mai hôm ấy, cánh nắng như khép lại, không một làn gió thoảng, và cây trái, cây rừng, bụi cây, luống cỏ thì bất động, lặng yên, như mong đợi.

Hẳn đang đợi chờ ánh dương lên. Rất có thể chừng nửa giờ nữa mặt trời mới mọc, và bình minh đang dần lan khắp cõi đất với sự bất động nhiệm mầu.

Dần hồi, từ tốn, đỉnh núi càng lúc càng rực sáng, mặt trời đang chạm vào thân nó, vàng ửng, thanh tao, còn lớp tuyết thì trắng trong, vô nhiễm ánh buổi ngày.

Đang khi lên núi, bỏ lại sau lưng những con đường làng li ti phía dưới, tiếng địa giới chuyển mình, tiếng dế, tiếng chim cút, hoà cùng tiếng của các loài chim khác bắt đầu cất tiếng hát chào mừng buổi bình minh, ngân nga vang hót, cử hành buổi lễ hội của ngày. Đương khi mặt trời mọc, ta là phần thể thân của ánh sáng ấy, và đã bỏ lại sau lưng tất cả những gì tư tưởng từng tạo dựng. Ta quên bẵng mất bản thân. Tâm thức trút giũ sạch trơn những phấn đấu và sầu hận.

Đang lúc đi, lúc trèo, không lúc nào lại có cái cảm giác cách ngăn, không có ngay cả cái cảm giác là người. Lớp sương đục buổi mai đang tụ về thung lũng, và lớp sương đục đó chính là ta, càng lúc càng dầy đặc, càng lúc càng cuồng quay thành những phù phiếm, xa hoa, lãng mạng, thành những mơ hồ điên đảo của đời ta.

Đường xuống núi mất một lúc khá lâu. Có tiếng thỏ thẻ của gió, tiếng rỉ rả của côn trùng, tiếng gọi đàn của chim muông. Xuống đến nơi thì lớp sương mù cũng đã tan. Nào là phố xá, quán hàng, cảnh lộng lẫy của buổi rạng đông đang biến đi mau chóng. Và ta bắt đầu trở lại với lối mòn thường nhật, kẹt cứng trong thói lề nghiệp nghề, trong tương tranh giữa người với người, trong chia rẽ của đồng hóa, tập đoàn, trong phân ranh của ý hệ, chủ nghĩa, trong mưu tính dự trù cho chiến chinh, trong niềm đau nội tại và trong bể khổ của loài người...

Trích từ "Krishnamurti to Himself, His Last Journal", bản dịch của Van Do