Thi Ẩm Lâu
Lớn lên để biết yêu thương - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Tác Văn Lâu (https://thiamlau.com/forum/forum-7.html)
+--- Chủ đề: Lớn lên để biết yêu thương (/thread-1115.html)

Pages: 1 2 3


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 11-04-2013

Hãy giữ vững ước mơ


Một ngày nọ, một gia đình quý tộc giàu có nước Anh đã đưa con về miền quê nghỉ mát. Trong khi nô đùa, tai nạn đã xảy ra, cậu con trai nhỏ của họ sa chân ngã xuống vực nước sâu. Tất cả tưởng chừng như vô vọng, không còn phương cách nào cứu sống cậu bé không biết bơi. Thế rồi, từ xa, nghe tiếng kêu thất thanh, một chú bé nhem nhuốc, con của một nông dân nghèo trong vùng đã chạy đến tiếp cứu.

Nhà quý tộc đã hết sức biết ơn cậu bé nhà nghèo. Thay vì chỉ nói lời cảm ơn và kèm theo một ít tiền hậu tạ, ông ân cần hỏi cậu bé:

- Khi lớn lên, cháu muốn làm gì?

Cậu bé nhỏ nhẹ thưa:

- Thưa ông, chắc cháu sẽ tiếp tục nghề làm ruộng của cha cháu.

Nhà quý tộc lại gặng hỏi:

- Thế cháu không còn ước mơ nào lớn hơn nữa sao?

Cậu bé im lặng cúi đầu một lúc rồi mới trả lời:

- Dạ thưa bác, nhà cháu nghèo thế này thì cháu còn biết ước mơ điều gì nữa đây?

Lại tiếp tục một câu hỏi chân tình:

- Nhưng bác muốn biết, nếu cháu được phép mơ ước thì cháu sẽ ước mơ điều gì?

Và lần này cũng lại là một câu trả lời thật thà:

- Thưa bác, cháu muốn được đi học, cháu muốn trở thành một bác sĩ! Nhưng gia đình cháu rất nghèo và không thể trang trải cho việc học tập của cháu được.

Nhà quý tộc tiếp lời:

- Đừng bận tâm cháu ạ. Cháu sẽ có một trái tim của người thầy thuốc độ lượng và kiến thức sâu rộng về y học. Hãy giữ vững ước mơ, lên kế hoạch cho bản thân và bác sẽ chi trả mọi chi phí học tập.

Sau này, cậu bé ngày xưa không biết bơi được cứu sống đã trở thành một vĩ nhân, đã làm cho cả nước Anh hãnh diện tự hào, đó là nhà chính trị gia Winston Churchill (nổi tiếng với cương vị thủ tướng Anh trong thời thế chiến thứ hai). Còn cậu bé quê nhà nghèo đã không còn chỉ biết đặt ước mơ đời mình nơi cụm cỏ bờ đê. Cậu đã trở thành một bác sĩ lừng danh thế giới, cũng đồng thời là ân nhân của cả nhân loại khi tìm ra được thần dược penicillin. Tên của ông là Alexander Fleming.

Không ai ngờ rằng đến thủ tướng nước Anh lâm bệnh trầm trọng, cả vương quốc Anh đã đi tìm những vị danh y lẫy lừng để cố cứu sống nhà lãnh đạo tối cao của mình. Tất cả đã bó tay. Thế rồi bác sĩ Alexander Fleming đã tự ý tìm đến và ông đã cứu sống, một lần nữa, người mà ông từng cứu năm xưa.


ngoísao.net


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 13-06-2013

Coi nầy thấy cũng tội nghiệp


Tình bạn chú chó mù

Lily thuộc giống chó Dogana Đan Mạch 6 tuổi, bị mất thị lực do một căn bệnh hiếm gặp từ khi mới 18 tháng tuổi.
Cuộc sống của chú chó đã hoàn toàn tuyệt vọng khi các bác sĩ buộc phải loại bỏ đôi mắt để cứu sống Lily.

Và cho đến khi gặp Madison, một chú chó cũng thuộc giống Dogana 7 tuổi, Lily đã không còn cô độc.


Madison đã trở thành người dẫn đường cho Lily, cả hai đã là đôi bạn không hề tách rời trong suốt 5 năm qua.

[Hình: 1.jpg]

Chủ của hai chú chó này đã không thể tiếp tục nuôi được cả hai nên hiện Lily và Madison đang cùng "tị nạn" ở một trung tâm tại Anh, chuyên giúp đỡ cho các chú chó "vô gia cư" tìm kiếm những chủ nhân mới.

[Hình: 3.jpg]

Sau khi thông tin về câu chuyện tình bạn diệu kỳ của hai cô chó Lily và Madison xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, đã có hơn 200 người đăng ký nhận nuôi và rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm về câu chuyện cảm động của đôi bạn này.

st


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 23-07-2013

Không bao giờ từ bỏ


Cuộc sống có thể hất bùn lên bạn. Cách duy nhất để bước ra khỏi 'cái giếng' của tuyệt vọng là rũ bỏ khó khăn và tiếp tục bước lên.

Mint
(Dịch từ Moralstories)

Một ngày nọ có con lừa của một người nông dân bị ngã xuống đáy giếng. Con lừa khóc lóc thảm thương trong vài giờ đồng hồ trong khi người chủ tìm cách giải thoát cho nó.

Cuối cùng người nông dân quyết định rằng con lừa cũng đã già rồi và cái giếng cần phải được lấp đi, ông không cần phải cứu con lừa nữa.

Người nông dân gọi hàng xóm của ông đến và giúp một tay. Họ cầm xẻng và bắt đầu xúc đất đổ xuống giếng. Ban đầu, con lừa biết chuyện gì đang xảy ra và nó lại bắt đầu khóc vì tuyệt vọng. Nhưng sau đó mọi người lại thấy ngạc nhiên vì nó bỗng dưng trở nên im lặng.

Một lúc sau người nông dân nhìn xuống giếng và ông ta phải kinh ngạc vì những gì xảy ra trước mắt. Với mỗi xẻng đất mà người ta hất xuống giếng, con lừa đã làm một việc: nó lay người để giũ hết cho đất bùn rơi xuống và tiếp tục bước lên trên.

Với mỗi xúc đất của người ta hất xuống giếng, con lừa lại rung mình và bước một bước lên trên đống đất. Chỉ sau một lúc, mọi người đều kinh ngạc vì con lừa đã lên được đến miệng giếng và vui vẻ thoát ra ngoài.

Cuộc sống có thể hất bùn đất lên bạn, bằng mọi cách. Cách duy nhất để bước ra khỏi "cái giếng" của tuyệt vọng đó là hãy rũ bỏ khó khăn và tiếp tục bước lên. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi vực thẳm bằng việc đừng bao giờ từ bỏ. Hãy vượt qua nó chứ đừng đầu hàng.

ngoísao.net


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 26-07-2013

Trường học chủ nhật




Một cô bé đứng khóc nức nở gần một lớp học vì bị đẩy bật ra khi có quá đông người chen chúc.

Haley
(Dịch từ Morgantonga)

"Cháu không thể vào trường học chủ nhật được!". Cô bé vừa khóc vừa kể với vị mục sư đi ngang qua. Nhìn thấy vẻ ngoài giản dị, thậm chí đến mức xoàng xĩnh của cô bé, vị mục sư đoán ra nguyên nhân.

Ông nắm lấy tay cô bé, dẫn vào trong nhà thờ và tìm chỗ cho em ngồi. Đêm đó, cô bé cảm động đến mức thức suốt để nghĩ về những đứa trẻ nghèo, thậm chí không có chỗ ngồi trong trường học chủ nhật.

Khoảng hai năm sau, cũng cô bé ấy đang nằm hấp hối trên giường bệnh trong một căn nhà nghèo nàn. Bố mẹ cô mời vị mục sư, người đã trở thành bạn thân của con gái họ đến làm những nghi thức cuối cùng khi cô bé qua đời. Khi mục sư bế cô bé lên, một cái ví rơi ra. Đó là một cái ví đã sờn rách, trong đó có 57 xu và một tờ giấy nhỏ với nét chữ trẻ con: "Đây là tiền để sửa trường cho lớn hơn, để nhiều trẻ em có thể đến trường ngày chủ nhật".



Trong vòng hai năm, cô bé đã tiết kiệm số tiền này. Khi vị mục sư đọc mảnh giấy, ông đã khóc, và ông biết mình nên làm gì. Luôn mang theo người mảnh giấy và chiếc ví cũ, vị mục sư nhiều lần kể cho những con chiên đến nhà thơ câu chuyện về tình cảm và sự hy sinh của cô bé nhỏ tuổi. Ông đã đề nghị các con chiên quyên góp tiền xây dựng trường lớn hơn. Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng ở đấy!

Một tờ báo biết được câu chuyện này và đăng thông tin. Một nhà kinh doanh bất động sản đọc được và bán cho nhà thờ một lô đất trị giá hàng nghìn đô, nhưng ông chỉ lấy số tiền là 57 xu. Chưa hết, tiền quyên góp được gửi đến từ khắp các nơi. Trong 5 năm, số tiền vì cô bé đã tăng lên đến 250.000 đô - một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó.

Tình yêu không vị kỷ của cô bé đã được đền đáp. Khi bạn đến thành phố Philadelphia (Mỹ), hãy đến thăm nhà thờ Temple Baptist, với 3.300 chỗ ngồi, và trường đại học Temple, nơi hàng trăm sinh viên đang học. Nhớ tham quan ở bệnh viện Người Làm Phúc (Good Samaritan) và ở khu nhà làm "Trường học chủ nhật"- nơi có rất nhiều người đến học mỗi cuối tuần và nơi đây đủ rộng để không một đứa trẻ nào trong vùng bị đẩy ra ngoài mỗi khi muốn vào học.

Trong một căn phòng của khu "Trường học chủ nhật", bạn có thể nhìn thấy bức ảnh khuôn mặt đáng yêu của cô bé nhỏ tuổi - cô bé mà 57 xu của cô đã làm nên một lịch sử đáng nhớ. Cạnh đó là chân dung của vị mục sư tốt bụng- Tiến sĩ Russel.H.Conwell, tác giả cuốn sách "Những cánh đồng kim cương".

ngoisao.net


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 01-08-2013

Hãy yêu thương khi còn có thể


Tại sao không làm mọi thứ ngay trong ngày hôm nay, bởi nếu ngày mai không bao giờ tới, bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều...

Hà Lê
(Dịch từ Motivational)

Một người thanh niên đang sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp của mình. Với ước mơ một chiếc xe thể thao đẹp sau khi được nhận bằng, anh đã phấn đấu để có được phần thưởng đó từ cha mẹ. Mọi nỗ lực đã được đền đáp, ngày tốt nghiệp đã đến, anh háo hức trở về nhà với hi vọng cha mua chiếc xe đó cho anh.



Người cha gọi anh vào phòng đọc sách, ông nói mình đã tự hào như thế nào khi có một đứa con trai tuyệt vời và không từ ngữ nào có thể diễn tả được tình yêu của ông dành cho con. Ông đã tặng cho anh một món quà được gói rất cẩn thận. Rất tò mò và hơi thất vọng, anh mở giấy bọc và thấy một cuốn Kinh Thánh bọc da bên ngoài, và dưới góc được khắc tên chàng trai trẻ.



Người con rất tức giận và ném món quà xuống bàn, "Với khả năng của cha, cha chỉ cho con một cuốn kinh thánh sao?". Anh xông ra khỏi nhà rồi đi mất. Rất nhiều năm trôi qua, người thanh niên trẻ giờ đây đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Anh có một ngôi nhà đẹp và một gia đình tuyệt vời. Bất chợt anh nhớ tới cha mình. Hẳn giờ đây cha đã rất già và đã lâu rồi anh không tới thăm cha kể từ khi tốt nghiệp.



Trước khi có thể sắp xếp để đi, anh nhận được một bức điện nói cha mình đã qua đời và để lại toàn bộ tài sản cho con trai. Anh cần về nhà ngay lập tức. Khi vừa bước tới cửa, sự buồn bã và tiếc nuối tràn ngập trái tim. Anh đi vào trong và bắt đầu xem các giấy tờ quan trọng của cha mình. Bất ngờ anh nhìn thấy món quà của cha năm xưa. Nó vẫn nằm đó sau cái ngày mà anh ném nó xuống bàn. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, người con trai bắt đầu mở từng trang của cuốn kinh thánh.



Ngay trang đầu anh đã thấy một mảnh giấy cha cẩn thận kẹp trong đó. "Lúc 7h11 tối, ngày Matt nhận bằng: Nếu con vốn là một người cha tồi tệ, vậy con biết làm thế nào để dành tặng món quà tuyệt vời nhất cho con trai của mình. Xin Người hãy chỉ cho con biết điều này". Và thật bất ngờ từ cuốn sách rơi ra một chiếc chìa khóa. Đi kèm với nó là một tấm thẻ sở hữu có tên chiếc xe thể thao anh yêu thích, cùng dưới đó là ngày đăng ký trùng với ngày mà anh tốt nghiệp. Người con không nói được lời nào, anh ngồi xuống và bật khóc nức nở.


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 03-08-2013

Bạn có giúp tôi không


Con bảo các bạn đừng sợ vì nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi ấy, các bạn cũng sẽ được cứu.

Mint
(Dịch từ Angelfire)

Vào năm 1989 tại Armenia có một trận động đất lớn 8,2 độ richter đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn ba mươi nghìn người trong vòng chưa đầy bốn phút.

Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường nơi mà con ông đang theo học. Tòa nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát. Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình rằng: "Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cha sẽ luôn ở bên con!" và nước mắt ông lại trào ra.

Bây giờ mà nhìn vào đống đổ nát mà trước kia là trường học thì không còn hy vọng. Nhưng trong đầu ông luôn nhớ lại lời hứa của mình với cậu con trai. Sau đó, ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa đứa con đi học qua mỗi ngày. Ông nhớ lại phòng học của con trai mình ở phía đằng sau bên tay phải của trường.

Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới giữa đống gạch vỡ. Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến đó và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than: "Ôi, con trai tôi!"; "Ôi, con gái tôi!". Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát và nói đi nói lại:

"Đã muộn quá rồi!"
"Bọn nhỏ đã chết rồi!"
"Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu!"
"Ông hãy về đi!"
"Ông đi đi, không còn làm được gì nữa đâu!"
"Ông chỉ làm cho mọi việc khó khăn thêm thôi!"





Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi: "Anh có giúp tôi không?". Và sau đó với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới tìm đứa con mình. Ở đó có cả chỉ huy cứu hỏa, người cũng cố sức khuyên ông ra khỏi đống đổ nát: "Xung quanh đây đều đang cháy và các tòa nhà đang sụp đổ. Ông đang ở trong vòng nguy hiểm. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc. Ông hãy về nhà!". Người đàn ông chỉ hỏi lại "Ông có giúp tôi không?".

Sau đó là những người cảnh sát, họ cũng cố thuyết phục ông: "Ông đang xúc động. Đã xong hết rồi. Ông đang gây nguy hiểm cho cả những người còn lại. Ông về đi. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc!". Và với cả họ ông cũng chỉ hỏi: "Các anh có giúp tôikhông?". Nhưng không ai giúp ông cả. Ông tiếp tục chịu đựng một mình, vì ông phải tự mình tìm ra câu trả lời cho điều day dứt ông: "Con trai tôi còn sống hay đã chết?".

Ông đào tiếp... 12 giờ... 24 giờ..., sau đó ông lật ngửa một mảng tường lớn và chợt nghe tiếng con trai. Ông kêu lớn tên con "Armand!". Ông nghe tiếng đứa con vọng lên: "Cha ơi, con đây, cha! Con nói với các bạn đừng sợ vì nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi cha cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng ở bên con. Và cha đã làm được, cha ơi!".

- Có chuyện gì xảy ra vậy? Ở đó ra sao rồi? - Người cha hỏi.
- Tụi con còn lại 14 trên tổng số 33, cha ạ. Tụi con sợ lắm. Đói, khát... Nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở đây. Khi tòa nhà đổ, ở đây tạo ra một khoảng không nhỏ và thế là tụi con còn sống.
- Ra đây đi con!
- Khoan đã cha! Để các bạn ra trước, con biết rằng cha không bỏ con. Có chuyện gì xảy ra, con biết là cha chắc chắn sẽ không bỏ rơi con!


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 08-08-2013

Bài nầy đọc cũng hay hay


....



Bữa cơm của Khổng Tử



Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là 2 học trò yêu của Khổng Tử.


Trong thời Đông Chu , chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.


May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc thổi cơm.


Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.


Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.


Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng.


Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”



Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ.

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên: tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.


Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước.



Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”



Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”


Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra định vất đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em.


Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”


Nghe Nhan Hồi nói xong. Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!


Vậy nên: MUỐN HIỂU BIẾT TƯỜNG TẬN MỘT VẤN ĐỀ GÌ, CẦN PHẢI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 19-08-2013

Cách yêu con của ba


1. Một tuổi, con tập đi, mẹ chạy theo đỡ mỗi khi con ngã. Cha ngăn lại bảo rằng hãy để con tự tập đứng lên.

2. Ba tuổi, con vòi vĩnh khóc đòi quả ớt trên mâm cơm. Mẹ kiên quyết không cho. Trong khi ba lại bảo hãy để con nếm thử rồi con sẽ tự tránh xa.

3. Năm tuổi, con nhất định không đến nhà trẻ. Mẹ không nỡ buông tay, đứng trước cổng trường nhìn con mãi. Ba quay đầu bảo mẹ lên xe mau.

4. Sáu tuổi, con vào lớp 1. Mẹ căn dặn cô giáo xem chừng con bị bắt nạt. Thế mà ba lại bảo cô rằng, con làm gì sai cứ phạt thẳng tay.

5. Chín tuổi, con đánh nhau với thằng bạn học đến trầy cả mặt mày. Mẹ lo lắng muốn rơi nước mắt. Vậy mà ba lại la con, bắt con đến xin lỗi người bạn đó.

6. Mười hai tuổi, con đòi gắn mạng trong phòng. Mẹ vui vẻ đồng ý ngay. Trong khi ba chỉ cho con đặt máy tính ở phòng khách, làm con không thể thức khuya cày game với lũ bạn.

7. Mười lăm tuổi, con xin đi phượt cùng lũ bạn. Mẹ đồng ý nhưng càu nhàu mãi vì lo lắng. Trong khi ba gật đầu ngay. Suốt chuyến đi, mẹ gọi điện hỏi thăm con đủ thứ nào là vui không, ăn gì chưa, chỗ ngủ thế nào, có gì trở ngại không? Còn ba, suốt những ngày đó chỉ điện thoại cho con 1 lần lúc xuống xe. Ba chỉ nói vẻn vẹn ba câu: Tới chưa, khi nào về và chúc con vui vẻ.

8. Mười sáu tuổi con tụ tập hút thuốc. Mẹ nổi giận la con. Trong khi ba nhẹ nhàng dắt con ra ban công cho con xem bảng xét nghiệm ung thư phổi của ba.

9. Mười bảy tuổi, con dắt một cô gái về nhà. Mẹ bảo con còn rất nhỏ để nghĩ đến chuyện uyên đương. Ba mỉm cười nói rằng, bị tổn thương ắt sẽ dời bỏ.

10. Mười tám tuổi, là lúc ba trở bệnh nặng. Ngày con thi đại học, mẹ chỉ dặn dò qua loa rồi thu xếp vào viện chăm sóc ba. Đến giờ nghỉ trưa con nhận được điện thoại của ba. Ba nói rằng ba rất khỏe. Thi xong con không về nhà ngay mà đi ăn mừng cùng lũ bạn vì làm bài rất tốt. Khi con về nhà thì ba đã đi rồi. Mẹ bảo ba nhất định không cho mẹ gọi điện cho con vì ba muốn con thi thật tốt.

11. Hai mốt tuổi, con nhận được một phần học bổng sang Mỹ đào tạo. Con biết nếu ba còn sống nhất định sẽ khuyên con đi. Nhưng bây giờ con không hỏi ý kiến mẹ mà đã từ chối phần học bổng đó. Con không muốn sau 5 năm đi đào tạo về con lại trải qua cảm giác giống ngày con đi thi đại học về.

12. Trong khi, mẹ dặn con rằng nếu làm gì không được, hãy nhờ mọi người thì ba lại dạy con, nếu làm được gì hãy giúp đỡ mọi người.

Nhưng bây giờ, nếu có người hỏi con thương ai nhất trên đời, con sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay đó là Mẹ. Và nếu người ta hỏi, ai là người thương con nhất, con cũng sẽ trả lời ngay là ba.


vietbao.vn


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 01-09-2013

..

Cái bình nứt


Trong cuộc sống, ai cũng đều có những vết nứt, vì vậy chẳng ai là hoàn hảo cả, tất cả chúng ta đều có thể là 'cái bình nứt'.



Một người gùi nước ở Ấn Độ, có hai cái bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu của một sợi dây và rồi được đeo lên cổ anh ta để mang về nhà. Một trong hai cái bình thì còn rất tốt và không bị chút rò rỉ nào cả. Cái còn lại bị nứt một chút nên nước bị vơi trên đường về nhà, chúng chỉ còn lại có hai phần ba.

Hai năm trời anh ta vẫn sử dụng hai cái bình gùi nước đó, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn. Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện, trong khi cái bình nứt thì cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Một ngày nọ, bên dòng suối, cái bình nứt đã thưa chuyện với người gùi nước:

- Tôi rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông về thời gian đã qua".
- Sao lại phải xin lỗi? Mà ngươi xin lỗi về chuyện gì? - Anh ta hỏi lại cái bình.
- Suốt hai năm qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà, ông đã phải làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi - Cái bình nứt đáp.

Với lòng trắc ẩn của mình, người gùi nước rất thông cảm với cái bình nứt, ông ta nói: "Khi chúng ta trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường"

[Hình: bai1-1377857530.jpg]
Quả thật, cái bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp trên đường về nhà và điều này khuyến khích được nó đôi chút. Nhưng khi đến cuối đường mòn, nó vẫn cảm thấy rất tệ bởi nước đã chảy ra rất nhiều, một lần nữa nó lại xin lỗi người gùi nước.

Người gùi nước liền nói: "Ngươi có thấy rằng những bông hoa kia chỉ nở một bên vệ đường, chỉ phía bên ngươi không? Thật ra, ta đã biết rất rõ về vết nứt của ngươi, và ta đã lấy điểm yếu đó để biến nó thành điều có ích. Ta đã gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên ngươi, và mỗi ngày trong khi ta gùi nước về nhà, ta đã tưới chúng từ những chỗ rò rỉ của ngươi. Giờ đây, ta có thể hái những bông hoa tươi tắn ấy để trang trí nhà cửa của ta. Không có vết nứt của ngươi, ta đã không có những bông hoa duyên dáng để làm đẹp ngôi nhà của mình".


ngoisao.net


RE: Lớn lên để biết yêu thương - kanguru - 14-09-2013

Cô giáo


Sự nhẫn nại của tôi sắp cạn. Không lẽ ngày nào tôi cũng phải nhắc Nicole đem trả cuốn truyện tranh mà cô bé đã mượn của trường. Đã hơn 3 tuần nay, hễ tôi hỏi tới là cô bé lại cúi mặt nhìn xuống đất, lúng búng trong miệng: "Xin lỗi cô, con quên mang theo". Đã mấy lần tôi định tới nhà Nicole đòi lại cuốn sách của trường. Gọi là trường nhưng thực sự chỉ là một lớp dạy chữ miễn phí, được mở ra ở một vùng quê châu Phi hẻo lánh. Một hội đoàn từ thiện đã thuê tôi, một cô giáo mới ra trường, đến đây đứng lớp.

Học trò của tôi là con cái của những người nông dân suốt ngày cặm cụi trên những cánh đồng ngô cháy nắng. Đa số trẻ con ở đây phải ở nhà bế em, lo nấu nướng hoặc ra đồng giúp cha mẹ từ sáng đến tối. Chỉ chừng hai chục đứa được cha mẹ cho đi học ở chỗ chúng tôi. Cuộc sống ở đây thật chán, tôi chỉ mong cho hết hạn hợp đồng để thoát khỏi nơi này.

Sau khi học hết bộ chữ cái và học ráp vần, Nicole được thưởng. Chúng tôi cho con bé mượn một cuốn truyện tranh chữ in thật to, dày chừng hơn chục trang, trong một tuần phải trả. Vậy mà Nicole cứ lần lữa. Bực mình, một bữa nọ tôi dọa rằng nếu làm mất sách sẽ bị đuổi học, con bé nghe vậy hốt hoảng đáp: "Em thề là sách không bị mất, chỉ tại em quên".

Tối hôm đó, mất hai giờ đồng hồ vượt qua mấy quãng đồng trống tối tăm, tôi tìm đường đến xóm nhà Nicole. Người ta chỉ cho tôi một túp lều vách đất, mái tranh. Bước tới sát cánh cửa đan bằng thân sậy khép hờ, tôi nghe thấy những tiếng ê a ngắc ngứ: "Bà... tờ... iê nờ iên... tiên... bà tiên...". "Bà tiên hiện ra và bảo... Đọc lại nào. Chậm thôi", một giọng trẻ con khác ra chiều bảo ban.

Tôi nhìn qua khe cửa. Khoảng sáu bảy đứa trẻ đầu tóc xoăn tít ngồi xếp bằng quanh bếp lửa. Cạnh chúng là một người phụ nữ trẻ và một bà lão. Ngón tay dò trên cuốn sách (chính là cuốn truyện tranh mà Nicole mượn ở trường không chịu trả suốt mấy tuần nay), hai người lớn chụm môi cố vật lộn với mấy tiếng "i ê nờ iên" đang mắc kẹt trong cổ họng. Đám trẻ con đã đọc xong câu văn, ngóng cổ chờ hai người phụ nữ đánh vần nốt. "Cô giáo" Nicole đang háo hức chỉ bảo "học trò".

"Khi cháu nó khoe đã đọc được sách, tôi không tin", người mẹ trẻ đến mức đáng kinh ngạc của Nicole phân bua, khi tôi đã vào nhà. "Ông bà tôi, cha mẹ tôi, rồi tới các anh các chị tôi không ai biết chữ cả. Tôi cũng không nốt. Mới mười bốn tuổi tôi đã đẻ Nicole, thời gian đâu mà học", người phụ nữ trẻ lấy chiếc khăn lau mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi. "Nó bảo, mẹ và bà cứ thử xem, con chỉ cho. Rồi nó rủ thêm mấy đứa con nhà hàng xóm cùng học. Từ cha sinh mẹ đẻ có bao giờ tôi mơ được học chữ. Giờ tôi biết khá khá rồi đấy. Tôi đọc cô giáo nghe thử nhé", bà của Nicole ngượng nghịu nhìn xuống cuốn sách lấm lem nhọ nồi.

Cũng như ở trên lớp, Nicole lại cúi gằm mặt xuống đất. Nó thì thào qua tiếng nấc: "Con xin cô, cô đừng mách. Con không muốn bị đuổi học". Và nó tròn mắt ngạc nhiên trước câu trả lời nghẹn ngào của tôi: "Ồ không, Nicole. Người đáng bị đuổi là cô kia".

nguồn:
xaluan.com