Thi Ẩm Lâu
Thần Long Điêu Thuyền - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Trà Dư Tửu Hậu (https://thiamlau.com/forum/forum-8.html)
+--- Chủ đề: Thần Long Điêu Thuyền (/thread-1103.html)



Thần Long Điêu Thuyền - lanhdien - 08-09-2012

Thần Long Điêu Thuyền
Hoàng Hải Thủy

Tam Quốc Chí là truyện có nhiều Rồng. Ðứng đầu và nổi nhất là Ngọa Long Tiên Sinh, Ông Quân Tử Tầu kiêm Quân Sư Tầu Rồng Nằm ở Ngọa Long Cương – Ðồi Ngọa Long – đất Nam Dương. Nhưng với Ông Rồng Nằm Ngọa Long Gia Cát Khổng Minh tôi phải viết, quí bạn phải đọc một bài riêng, một bài thật dài; còn hôm nay nhân ngày Xuân Rồng, mời các bạn gập lại một số những nhân vật được gọi là Rồng — những con Rồng Nhỏ xuất hiện chung quanh con Rồng Lớn Ngọa Long — trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa.

Người mang tên Rồng thứ nhất trong Tam Quốc là Thường Sơn Triệu Tử Long, nhưng Tử Long tuy tên là Long mà lại là Hổ tướng. Người được gọi là Rồng trong trận Ðương Dương Trường Bản Triệu Tử Long trổ thần uy đánh quân Tào Tháo là chú nhỏ A Ðẩu Lưu Thiện, con của Lưu Bị, người sẽ thay Lưu Bị làm vua nhà Thục Hán. và cũng là vị vua sẽ đầu hàng nhà Tấn.

Ðương Dương Trường Bản là trận đánh lớn mở đầu cho hàng trăm trận đánh dữ dội thời Tam Quốc. Trong trận ấy Tào Tháo kéo quân nghiêng nước — đông đến bốn, năm trăm ngàn binh sĩ — xuống đánh miền Nam. Lưu Bị bỏ thành Tân Dã chạy về Hạ Khẩu. Trên đường chạy nạn Triệu Tử Long được giao phó nhiệm vụ bảo vệ vợ con Lưu Bị. My phu nhân, một trong hai bà vợ của Lưu Bị, bị thương nặng, bà trao con là A Ðẩu cho Triệu Tử Long rồi nhào xuống cái giếng khô tự tử để cho Triệu Tử Long không vì phải bảo vệ bà mà cũng phải chết. Ðây là đoạn phim bi hùng tráng lúc My phu nhân tự tử và Triệu Tử Long xung đột phá vòng vây của quân địch:

Trích Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, bản dịch của Tử Vi Lang:

Một người lính bị thương nói với Triệu Tử Long:

– Tôi thấy Phu nhân bồng tiểu chủ, bị thương không chạy được, phải lết vào ngồi sau bức tường đổ kia…

Vân chạy tới, thấy trên nền cái nhà bị đốt còn trơ lại mấy bức tường sứt mẻ, My phu nhân đang ngồi bồng A Ðẩu, nép sau tường mà khóc bên cạnh cái giếng khô, Vân vội xuống ngựa, bái phục xuống đất.

My phu nhân nói:

– Tôi được gập Tướng quân ở đây quả là mệnh A Ðẩu còn dài. Mong Tướng quân thương cha nó, nửa đời bôn ba lận đận, chỉ có mỗi một giọt máu này. Tướng quân hãy bảo vệ thằng bé này về thấy mặt cha nó, tôi chết không ân hận gì!

Vân nói:

– Ðể Phu nhân mắc nạn là tội lớn của Vân. Không thể nói nhiều, mời Phu nhân lên ngựa, tiểu tướng chạy bộ tử chiến với giặc, đưa Phu nhân ra khỏi vòng vây.

Phu nhân lắc đầu:

– Không! Không! Tướng quân phải có ngựa mới được. Tính mạng thằng bé này trông cậy ở một mình Tướng quân. Tôi bị thương nặng, chết còn tiếc gì. Xin mau mau mang nó đi. Ðừnng để mang lụy vì tôi.

Vân giật mình nghe ngóng, rồi giục giã:

–..Tiếng reo hò đã gần lắm, quân giặc sắp đuổi tới, xin Phu nhân lên ngựa ngay cho…

Phu nhân quả quyết:

– Tôi đau quá không thể đi được nữa. Ðừng làm nguy khốn cả Tướng quân và tôi…

Dứt lời bà bế xốc A Ðẩu lên, đưa cho Triệu Vân, tha thiết dặn:

– Tính mạng đứa bé này nằm trong tay Tướng quân đấy!

Triêu Vân kêu lên:

– Trời ơi.. Phu nhân không nghe lời tôi, truy binh ập đến thì làm thế nào?

Phu nhân đặt A Ðẩu xuống đất rồi nhào xuống giếng khô tự tử. Người sau có thơ :

Chiến tướng sa trường cậy vó câu
Chạy chân, bồng Chúa, thoát làm sao?
Ðành cam một chết, lưu nòi Hán
Dũng cảm khen thay bậc nữ lưu!


Nguyên văn:

Chiến tướng toàn bằng mã lực đa
Bộ hành chẩm bả ấu quân phò?
Phiên tương nhất tử, tồn Lưu tự
Dũng quyết hoàn khuy nữ trượng phu!

Triệu Vân thấy Phu nhân liều mình thì bàng hoàng kinh hãi. Sợ quân Tào tới cướp xác Vân đạp đổ bức tường đất lấp kín giếng khô, cởi dây buộc giáp, tháo vòng kính yểm tâm, bọc lấy A Ðẩu, đeo vào trước ngực, thắt lại mối dây, rồi mới cầm dáo lên ngựa. Vừa chạy ra, gập ngay một tướng Tào kéo quân tới. Ðó là Án Minh, cầm thanh đao hai lưỡi, ba mũi, xông tới đâm Vân. Vân vung dáo đánh không đầy ba hiệp đã đâm Án Minh chết lăn xuống đất, rồi đánh tan đám quân ấy, mở đường máu chạy ra. Chạy được một quãng bị đoàn quân Tào khác chặn đánh. Viên đại tướng dẫn đầu oai phong hùng hổ dưới lá cờ đề bốn chữ “Hà Gian Trương Cáp”. Vân vung dáo đánh. Qua hơn mười hiệp bất phân thắng bại, Vân không dám ham đánh, phải cướp đường mà chạy. Trương Cáp phóng ngựa đuổi theo. Vân ra roi quất ngựa chạy miết. Ðang chạy chợt nghe “sầm” một tiếng, Vân cả người lẫn ngựasa xuống cái hố. Cáp hăm hở xông tới giết Vân. Bỗng một đạo hồng quang từ dưới hố lóe lên như cầu vồng sáng rực, con ngựa của Vân tung mình lên khỏi hố.


Người sau có thơ:

Rồng sa hố thẳm lóe cầu vồng
Ngựa chiến tung mình thoát tới sông
Chân mệnh đế vương điềm đã rõ
Tướng nhờ phúc chúa, khét oai phong.


Nguyên văn:

Hồng quang trạo thể, khổn long phi
Chinh mã xung khai Trường Bản vi
Tứ thập nhị niên chân mệnh chúa
Tướng quân nhân đắc hiển thần uy.




… Thấy Huyền Ðức và mọi người ngồi nghỉ dưới bóng cây, Vân xuống ngựa, lậy rạp xuống đất mà khóc. Huyền Ðức cũng khóc theo, Vân nghẹn ngào vừa thở vừa nói:

– Tội của Vân dù muôn chết cũng chưa chuộc được. Thưa Chuá công, My phu nhân bị thương nặng, không chịu lên ngựa, đã gieo mình xuống giếng mà thác. Vân chỉ kịp xô đổ bức tường đắùp điếm cho phu nhân, rồi bồng Công tử, đánh phá trùng vây. May nhờ hồng phúc của Chuá công mà thoát được.

Vân sờ cái bọc trước ngực, sợ hãi:

– Lạ quá..Vừa rồi còn nghe tiếng Công tử khóc..Sao bây giờ im lặng thế này..?

Mở bọc ra mọi người thấy A Ðẩu ngủ khì ngon giấc.

Vân mừng rỡ:

– May quá! Công tử vẫn không sao.

Nói rồi hai tay bồng A Ðẩu, đưa lên cho Huyền Ðức. Vừa đỡ lấy con Huyền Ðức ném phịch con xuống đất, giận dữ nói:

– Thằng nhãi ranh này! Vì may mà suýt nữa thiệt mất một danh tướng của ta.

Triệu Vân kinh hãi vội bồng A Ðẩu lên, núc nở khóc:

– Vân này dù gan nát, óc lầy cũng chưa báo được ơn Chúa công trong muôn một.

Người sau có thơ:

Hổ mạnh tung bay thoát lưới Tào
Rồng non trong bọc ngủ ngon sao.
Cô cùng, Chúa muốn mua lòng Tướng
Trước ngựa gieo con, ý rất mầu…


Nguyên văn:

Tào Tháo quân trung phi hổ xuất
Triệu Vân hoài nội tiểu long miên
Vô do phủù úy trung thần ý
Cố bả thân nhi trịch mã tiền!


Ngưng trích.

Hai lần, trong hai bài thơ A Ðẩàu Lưu Thiện được gọi là Rồng: “Khổn Long, Tiểu Long.” Nhưng Rồng Lưu Thiện là thứ Rồng Ðất, Rồng Không Bay, Rồng Bị Thịt, Rồng Hèn, Rồng thiên hạ đặt đâu ngồi đấy. Lưu Thiện ở ngôi vua đến hơn bốn mươi năm mà không làm được qua một việc gì đáng kể để rồi cuối cùng dâng nước đầu hàng:

... Quân Ngụy kéo đến, Hậu chúa, dẫn Thái tử và các vương tử cùng quần thần hơn 60 người, tự trói mình lên xe “dư thấn” — xe có sẵn quan tài – ra khỏi thành nười dặm, quì gối bên đường, xin hàng. Ðặng Ngải — Tướng Ngụy — đỡ Hậu chúa dậy, sai quân đốt “xe hòm”, mời lên ngồi cùng xe, đi vào thành.

Người sau có thơ

Quân Ngụy vào Xuyên mấy vạn người
Sống thừa, Hậu Chúa chắp đôi tay
Bán vua, Hoàng Hạo cam đành dạ
Cứu nước, Khương Duy chiu uổng tài
Dòng Tướng liều mình, đau xót nhẽ
Nòi Vương giữ tiết, thảm thê thay
Tiếc công Chiêu Liệt bao năm tháng
Cơ nghiệp tan tành một sớm mai.


Nguyên văn:

Ngụy binh sổ vạn nhập Xuyên lai
Hậu chủ thân sinh thất tự tài.
Hoàng Hạo chung tồn khi quốc ý
Khương Duy không phụ tế thời tài
Toàn trung nghĩa sĩ tâm hà liệt
Thủ tiết vương tôn chí khả ai
Chiêu Liệt kinh dinh lương bất dị
Nhất triêu công nghiệp đốn thành ôi.


Hoàng Hạo, một văn thần của Hậu Chủ Lưu Thiện, sui Lưu Thiện đầu hàng, Khương Duy, dũng tướng của Thục, sau khi Lưu Thiện đầu hàng, vẫn tính chuyện dùng mưu kế và binh lực lật đổ bọn Tướng Ngụy chiếm đóng và trấn thủ Tây Xuyên, khôi phục đất nước. Khương Duy chết trong mưu định này.

Rồng Mắc Dây Thung Lưu Thiện về Lạc Dương, vào hầu Tư Mã Chiêu — lúc này Tư Mã Chiêu chưa cướp ngôi Vua của con cháu Tào Tháo, còn là Tấn công — Tư Mã Chiêu mắng:

– Ông hoang dâm vô đạo, bỏ người hiền, để hỏng chính sự, theo lẽ nên giết đi.

Mặt Lưu Thiện tái như mầu đất, không nói được lời nào. Chiêu phong cho Thiện tước An Lạc công, cấp lương tiền. Thiện đến phủ của Chiêu tạ ơn. Chiêu bày yến thết đãi, sai bọn nam nữ vũ nhạc công diễn múa và hát những vũ nhạc điệu của Ngụy trước tiệc. Các quan Thục đều xúc động, thương cảm. Riêng Hậu Chúa Lưu Thiện vẫn tươi cười ăn uống thoải mái. Chiêu lại sai tấu nhạc Thục. Các quan Thục đều bồi hồi, ứa lệ xót sa. Riêng Hậu Chủ Rồng Ðất vẫn vui vẻ.

Chiêu nói riêng với Giả Sung:

– Hạng người vô tình đến thế kia thì Gia Cát Khổng Minh có còn cũng chẳng giúp gì được.

Rồi hỏi Lưu Thiện:

– Có nhớ Thục không?

Rồng Ðất Lưu Thiện đáp ngay:

– Ở đây vui lắm, vui không nhớ Thục.


Câu nói bất hủ của Rồng Ðất là “lạc bất tư Thục“. Cả một đời Lưu Thiện chỉ để lại có bốn tiếng ấy. “Lạc bất tư Thục” trở thành thành ngữ của người Hoa để chỉ tình trạng những người bỏ quê hương đi sống ở nước người thấy đời sống ở nước người thật vui, thật đáng sống, quên quê hương của mình. Trong năm mươi năm cuối của Thế kỷ Hai Mươi những người “lạc bất tư Thục” có khá nhiều trên trái đất.

Bạn vừa thấy con Rồng Ðất Tam Quốc Lưu Thiện, nay mời bạn nhìn mặt con Rồng Bẩn Tam Quốc Hoa Hâm. Chư hầu diệt được Ðổng Trác thì có Tào Tháo thế chân họ Ðổng thu nắm hết quyền hành vương triều Hán. Vua Hán Hiến đế bị Tháo áp bức, gửi mật chiếu cho quốc cữu Phục Hoàn — ông thân của Phục hoàng hậu — ra lệnh cho Phục Hoàn mưu đồ việc diệt Tào Tháo. Tháo phát giác âm mưu này. Ðây là phản ứng của Tào Tháo:

…Ngay đêm ấy Tháo sai điểm ba ngàn giáp binh vây kín nhà Phục Hoàn, bắt hết già trẻ, trai gái. Lục xét bắt được lá thư do chính Phục Hậu viết, liền bắt cả ba họ nhà Phục Hậu hạ ngục. Mờ sáng hôm sau Tháo sai Ngự Lâm Tướng Quân Khích Lự cầm cờ Tiết vào cung, thu ấn tín của Hoàng hậu. Hôm ấy Hiến Ðế đang ngồi ở điện ngoài, thấy Khích Lự đem ba trăm giáp sĩ sừng sực đi vào, vội hỏi:

– Có việc gì thế?

Khích Lự tâu:

– Vâng lệnh Ngụy Công, vào thu ấn tín của Hoàng hậu.

Vua biết việc đã lộ, sợ nát ruột, tan hồn. Khích Lự vào hậu cung. Phục hậu mới dậy. Lự gọi người giữ ấn đến, đòi lấy ấn ngọc, rồi đi ra. Phục hậu biết sự đổ vỡ, đành trốn vào tiêu phòng ở phía sau điện, nép mình giữa hai lần vách.

Lát sau, Thượng thư lệnh Hoa Hâm kéo 500 giáp sĩ vào thẳng hậu điện, hỏi các cung nữ:

– Phục hậu đâu?

Các cung nhân đều chối không biết. Hoa Hâm sai quân sục xạo tìm khắp nơi khônng thấy, đoán là Phục hậu trốn trong bức vách hai lớp, liền thét giáp sĩ phá vách ra, quả nhiên bắt được. Hâm vén tay áo, túm tóc Hoàng hậu lôi ra. Phục hậu kêu:

– Xin tha mạng!

Hâm trừng mắt, quát:

– Ðến trước Ngụy công mà xin.

Nhắc lại: tên Hoa Hâm này có tài văn chương nổi tiếng một thời. Trước kia Hâm cùng với hai người là Bỉnh Nguyên, Quản Ninh kết bạn thân thiết. Người đời ví ba người như con rồng: Hoa Hâm là đầu rồng, Bỉnh Nguyên thân rồng, Quản Ninh là đuôi rồng. Một hôm Ninh và Hâm cùng ở ngoài vườn trồng cây, khi cuốc đất cuốc lên một thỏi vàng. Ninh cứ cuốc tới không thèm nhìn, Hâm thì nhặt lên xem rồi mới bỏ xuống. Một hôm khác, Ninh và Hâm đang ngồi đọc sách, ngoài đường có tiếng tiền hô, hậu át vang dậy, và tiếng người kháo nhau:” Có vị quí nhân ngồi xe đi qua..” Quản Ninh vẫn ngồi chững chạc đọc sách, Hoa Hâm thì bỏ sách chạy ra xem. Từ đó Ninh khinh Hâm là kẻ thiếu tư cách, bèn cắt đôi chiếc chiếu ra ngồi riêng, không thèm chơi với Hoa Hâm nữa. Về sau Quản Ninh tránh loạn sang ở Liêu Ðông, thường đội mũ trắng, sống trên cái lầu, không bước chân xuống đất, trọn đời không ra làm quan với nhà Ngụy. Còn Hoa Hâm thì trước thờ Tôn Quyền, sau theo Tào Tháo. Ðến nay lại có việc bắt bà Phục hoàng hậu. Người sau có thơ chê Hoa Hâm:


Văn nhân bỗng giở thói tàn hung
Bắt mẫu nghi và phá cấm cung
Một buổi thêm nanh cho cọp sói
Ngàn năm để bẩn tiếng đầu rồng.


Nguyên văn:

Hoa Hâm đương nhật sinh hung mưu
Phá bích sinh tương Mẫu hậu thu
Trợ ngược nhất triêu thiêm hổ dực
Mạ danh thiên tải tiếu long đầu.


Có thơ khen Quản Ninh:

Quản Ninh lầu ấy ở Liêu Ðông
Người vắng, lầu trơ để nhớ mong
Danh lợi Hoa Hâm muôn thưở nhục
Sao bằng mũ trắng sống thong dong.


Nguyên văn:

Liêu Ðông truyền hữu Quản Ninh lâu
Nhân khứ, lâu không, danh diệc lưu
Tiếu sát Hoa Hâm tham phú quí
Khởi như bạch mão tự phong lưu.


Anh Rồng Bẩn Hoa Hâm thuộc loại bị gọi là “văn nhân vô hạnh”. Trong Tam Quốc Chí không có nhiều mẫu người văn nhân vô hạnh như Hoa Hâm. Tuyệt đại đa số nhũng người có văn học, văn chương đời Tam Quốc đều cương trực, khẳng khái, đều sống chết với lý tưởng, với niềm tin của mình. “Văn nhân vô hạnh” là một đề tài khác. Xuân Năm Rồng, mời bạn nhớ lại nữ nhân vật Ðiêu Thuyền Tam Quốc.

Tào Tháo liên kết với Lưu Bị, bao vây Lữ Bố trong thành Hạ Bì. Mưu sĩ của Lữ Bố là Trần Cung đề nghị Lữ Bố đem binh ra ngoài thành hạ trại, cùng với quân trong thành hai mặt tấn công quân Tào mới đến. Bố nghe theo, nhưng khi cho quân sĩ sửa soạn thì vợ lớn của Bố là Nghiêm thị nói:

– Tướng quân bỏ thành quách an toàn, mặc vợ con bơ vơ, đem quân ra ngoài xa. Một sớm, một chiều xẩy biến, liệu thiếp có còn được làm vợ chàng hay không!

Bố nghe lời vợ, ba ngày ở lì trong phòng vợ. Trần Cung giục giã, Bố lại nói chuyện mang quân ra khỏi thành với vợ, Nghiêm thị khóc:

– Nếu chàng ra đi, bọn Trần Cung làm sao giữ nổi thành trì! Ôi.. Nếu xẩy ra chuyện không may thì hối làm sao cho kịp. Trước kia ở Tràng An thiếp đã bị chàng bỏ bơ vơ, may nhờ người che chở, dấu diếm, thiếp mới được tái hợp cùng chàng. Ai ngờ nay chàng lại bỏ thiếp mà đi.. Thôi.. Chàng hãy lo bảo trọng lấy mình, đừng nghĩ ngợi gì đến thiếp nữa..!

Lữ Bố rầu rĩ mò sang phòng Ðiêu Thuyền. Ðiêu Thuyền cũng nói:

– Tướng quân là chủ đời thiếp. Xin đừng nhẹ vó ngựa đi đâu!

Ta thấy hai sự kiện:

-- Trước khi lấy Ðiêu Thuyền, Lữ Bố đã có vợ.

– Ðiêu Thuyền sống với Lữ Bố trong thành Hạ Bì cho đến lúc Bố bị Tào Tháo bắt sống, giết chết.


Tam Qước Chí kể rõ: Tào Tháo diệt Lữ Bố, lấy con ngựa Xích Thố của Bố ban cho Quan Vân Trường nhưng tuyệt nhiên không nhắc nhở gì đến người đẹp Ðiêu Thuyền. Lữ Bố chết rồi, Ðiêu Thuyền đi đâu, về đâu, thuộc về ai? Hoàn toàn không thấy nói.

Kim Thánh Thán viết về Ðiêu Thuyền trong Lời Bình Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa:

“Từ khi Lữ Bố chết về sau không ai biết Ðiêu Thuyền lưu lạc về đâu! Như thế là thế nào? Xin thưa: Khi đã thành công mà biết lui kịp thời tức cũng như con thần long chỉ cho người đời thấy đầu mà không cho thấy đuôi. Cái tuyệt diệu chính là ở chỗ “hạ lạc” vậy. Còn nếu như cứ thắc mắc mà hỏi Ðiêu Thuyền lưu lạc về đâu, cuộc đời nàng kết thúc ra sao, thì xin hỏi lại rằng: Sau khi quan Ðại phu họ Phạm cưỡi thuyền đi chơi khắp Ngũ Hồ, nào còn ai biết tông tích nàng Tây Thi ở đâu nữa?”
Ngưng trích Thánh Thán

Kim Thánh Thán gọi Ðiêu Thuyền là Thần Long. Tiên sinh viết lời bình trên đây ở ngay đoạn Vương Tư Ðồ và Ðiêu Thuyền thành công trong việc dùng Lữ Bố giết Ðổng Trác, không ở đoạn Lữ Bố bị giết và người đời ngơ ngẩn không biết Ðiêu Thuyền đi đâu, về đâu. Tiên sinh viết lời bình Nữ Thần Long ở đoạn đầu Rồng, không ở đoạn đuôi Rồng.

Nhân dân Tầu truyền nhau hai chuyện về Ðiêu Thuyền.

Một: Tào Tháo ban hai chiến lợi phẩm Ðiêu Thuyền, Xích Thố cho Quan Vân Trường. Quan Công vui vẻ thu nạp và dùng tốt cả hai.

Hai: Quan Công chém chết Ðiêu Thuyền.


Cả hai chuyện trên đều không vững. Tào Tháo là tay hiếu sắc nhất đời Tam Quốc. Ðiêu Thuyền là Ðệ nhất Chuyên Viên Ái Tình đương thời. Không có lý nào Tào A Man lại dửng dưng, lại lửng lơ con cá vàng trước nàng Ðiêu Thuyền thơm hơn múi mít — không phải thơm như.., mà là thơm hơn… — Tào A Man, kiêm Tào Mạnh Ðức, kiêm luôn cả Tào Tháo, không thể quân tử Tầu đến cái độ tự ý buông người đẹp ra khỏi vòng tay Thừa tướng đa tình, đa dâm, đa đủ thứ, vòng tay chiến thắng có toàn quyền được hưởng thu.

Không có lý do gì để Quan Vân Trường chém Ðiêu Thuyền. Lúc này Lưu Bị còn chịu phận làm đàn em Tào Tháo, Quan Công chưa là cái gì cả. Tào Tháo diệt Lữ Bố không phải do công của anh em Lưu Bị. Vân Trường không có một quân công nào trong chiến dịch công phá Thành Hạ Bì. Kể cũng lạ: tại sao Tào Tháo lại ban ngựa Xích Thố của Lữ Bố cho Quan Vân Trường mà không ban cho viên tướng nào của Tháo? Tháo có thiếu gì đại tướng xứng đáng được cưỡi ngựa Xích Thố? Chuyện Tào Tháo ban Ðiêu Thuyền cho Quan Vân Trường đã là chuyện khó xẩy ra, chuyện Quan Vân Trường tự dưng lôi cổ Ðiêu Thuyền ra chém lại càng khó tin hơn nữa. Quan Vân Trường không hiếu sát hay quân tử Tầu quá khích đến cái độ hung hăng con bọ xít giết Ðiêu Thuyền chỉ vì Ðiêu Thuyền đẹp và làm tình quá tuyệt vời, hoặc chỉ vì nàng từng là vợ Lữ Bố. Cứ giả như chuyện Tào Tháo “ban” Ðiêu Thuyền Múi Mít cho Quan Vân Trường là có thật thì theo Lễ, theo Lẽ Phải, nếu Vân Trường không “dùng” Ðiêu Thuyền, ông phải trả Ðiêu Thuyền về cho Tào Tháo, hay ông cho nàng đi tu, ông không thể giết nàng khơi khơi được. Vân Trường chỉ có thể chém Ðiêu Thuyền nếu được Tào Tháo ban cho Ðiêu Thuyền làm của riêng, nhưng như đã nói chuyện Tào Tháo đa dzâm “ban” người đẹp Ðiêu Thuyền cho ai khác là chuyện khó tin là có thật.

Ðiêu Thuyền có tội gì mà bị Quan Công xử tử? Ðổng Trác đa dzâm, Y chết vì cái tật Dzâm Ðãng của Y, Lữ Bố không chết vì Ðiêu Thuyền. Vậy thì Ðiêu Thuyền có tội gì? Ở đời thiếu gì anh chết vì mê Ðàn Bà Ðẹp. Các anh chết vì lòng dzâm của các anh, đàn bà đẹp có tội gì?

Tam Quốc Chí kể rõ chuyện Tào Tháo ban ngựa Xích Thố cho Vân Trường: Diệt xong Lữ Bố, Lưu, Quan, Trương theo Tào Tháo về Hứa Ðô. Trong thời gian sống ở đây Luu Bị nhàn rỗi ngày ngày ra vườn trồng hoa, tưới cây ra cái điều an phận, không có chí tung hoành. Tào Tháo mời Lưu Bị đến uống rượu và tronng tiệc rượu này Tháo luận anh hùng:

“Anh hùng trong thiên hạ chỉ có Sứ quân với Tháo..”

Sau đó Lưu Bị đi khỏi Hứa Ðô, tuyên bố chống Tào Tháo. Sau trận đánh nhau với quân Tào ở Thổ Sơn, bị vây hãm, Quan Vân Trường phải hàng Tào Tháo, đưa hai bà vợ Lưu Bị về Hứa Ðô. Trong thời gian này Tào Tháo muốn mua lòng Vân Trường nên mới ban ngựa Xích Thố cho Vân Trường.

Chuyện kể vào chi tiết: Khi thấy ngựa Xích Thố, Vân Trường quì xuống lậy tạ Tháo. Tháo nói:

– Ta từng ban nhiều vàng bạc cho ông, cho ông cả người nữa; chưa lần nào ông lậy tạ. Sao lần này ông lậy tạ ta vì ta cho ông con ngựa này? Chẳng lẽ ông trọng vật hơn người ư?

Vân Trường nói:

– Thưa Thừa tướng… tôi lạy tạ Ngài vì Ngài ban cho tôi con ngựa tốt này, một ngày nó có thể đi ngàn dặm; khi nào biết Hoàng thúc anh tôi ở đâu, tôi có thể dùng nó đến với anh tôi.

Tào Tháo cho ngựa là muốn Vân Trường cảm kích mà ở với mình; khi nghe Vân Trường nói đến chuyện dùng Xích Thố để ra đi, Tào Tháo thấy hối nhưng lỡ cho rồi không lấy lại được.

Như Kim Thánh Thán chỉ cho ta thấy: rất có thể La quán Trung vì yêu thương Ðiêu Thuyền nên không nỡ kể lại những ngày cuối cuộc đời của nàng. Tôi tin như thế.

Kim Thánh Thán kính mộ Ðiêu Thuyền nên đề cao Ðiêu Thuyền là Thần Long — Nữ Thần Long duy nhất trong gần một trăm năm Tam Quốc. Ðúng vậy. Nàng như con Rồng, chỉ cho thiên hạ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thần Long khác với những Rồng Bẩn, Rồng Ðất, Rồng Hèn, Rồng Bị Thịt.., bọn Rồng chỉ để cho người đời thấy đuôi mà không thấy đầu.

Tôi – Công Tử Hà Ðông – cảm khái vì cuộc sống bất hạnh của Ðiêu Thuyền. Nàng đẹp nên nàng bị đàn ông mê, muốn, người ta lợi dụng sắc đẹp của nàng, và người ta kết tội nàng. Oan nàng biết mấy. Tôi tin chắc hơn bắp là Tào Tháo giết Lã Bố, Tào Tháo sẽ nạp Ðiêu Thuyền. Những đêm ở xứ người, đọc lại Tam Quốc Chí, cảm thương Ðiêu Thuyền, tôi cảm khái làm mấy Lời Thơ:

Ðiêu Thuyền tuyệt sắc má đào,
Làm sao thoát được tay Tào A Man.
Cọp nào tha em Nai Tơ,
Ðời nào Tào Tháo lửng lơ Ðiêu Thuyền!
Bố “đai”, Tào Tháo ở đâu?
Mà Ðiêu Thuyền lại về hầu Quan Công?