Thi Ẩm Lâu
Về Một Bài Thơ Phổ Nhạc: “Màu Tím Hoa Sim” Của Hữu Loan - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Phiếm Luận Đường (https://thiamlau.com/forum/forum-14.html)
+--- Chủ đề: Về Một Bài Thơ Phổ Nhạc: “Màu Tím Hoa Sim” Của Hữu Loan (/thread-1083.html)



Về Một Bài Thơ Phổ Nhạc: “Màu Tím Hoa Sim” Của Hữu Loan - lanhdien - 27-08-2012

Về Một Bài Thơ Phổ Nhạc: “Màu Tím Hoa Sim” Của Hữu Loan

Thơ phổ nhạc có lẽ là một thể loại sáng tác đặc biệt Việt Nam. Có thể vì bản chất thơ Việt nam là vần điệu. Trong thơ đã có nhạc. Các nhạc sĩ đã làm cho các bài thơ được đại chúng hoá. Sự phối hợp giữa thơ và nhạc nhiều khi đã nâng giá trị bài thơ lên cao hơn trên mức độ thưởng ngoạn.

Thơ Việt nam được phổ nhạc rất nhiều. Nhưng, “Ngậm ngùi” thơ của Huy Cận, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, được Phạm Duy phổ nhạc; “Chiều” thơ Hồ Zếnh, nhạc Dương Thiệu Tước phải kể là những phối hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc. Thơ không bị đổi lời hay thêm lời cho đúng nhịp điệu và âm giai, đã nhờ nhạc mà hay hơn. Nhạc có thơ mà ngôn từ hóa âm thanh, chuyên chở cảm xúc trực tiếp đến người nghe.

Cho nên, nói như nhà thơ Nguyên Sa khi trả lời nhà báo Lê đình Ðiểu (TK21 105). “Nhạc hoàn toàn không làm tăng giá trị của thơ, chỉ có thơ làm tăng giá trị của bản nhạc thôi.”. Hay, nếu có một nhạc sĩ nào cho là, nhờ nhạc mà thơ hay hơn thì đều mang tính chủ quan một chiều.

Thế nhưng, không hiếm khi chính bài nhạc phổ đã giết chết bài thơ tức tưỡi. Bài thơ “ Màu tím hoa sim” của Hữu Loan do Dzũng Chinh và sau này được Phạm Duy phổ nhạc là một trường hợp.

Tôi nhớ. Khoảng đầu thập niên 1954 học sinh thành phố chuyền tay say mê học thuộc bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan từ vùng kháng chiến lén lút đưa về. Ðây là một bài thơ bi hùng và lãng mạn cách mạng. Bài thơ rất xúc động vì được thi sĩ viết từ nỗi đau thương mất mát xé ruột của chính mình. Nhà văn Hoàng Tiến, người gần gũi với Hữu Loan viết “Ðúng là những giọt máu của tác giả đã nhỏ trên trang giấy ( tác giả mất vợ, mất người yêu trong kháng chiến) khiến cho người đọc, đọc đến đây cũng không cầm được nước mắt.”. Một bài thơ mà từng chữ một được chắt chiu cẩn trọng. Mỗi ý thơ toát ra cái thần . Cái mà Hoàng Tiến gọi là “Ngôn trung hữu quỷ”.

Tôi về

không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con

Ðầy bóng tối

Chiếc bình hoa

ngày cưới

thành bình hương

Tàn lạnh vây quanh


Ðó là nói về lời thơ. Không thể sửa lời và thêm lời.

Còn về âm vận của bài thơ? Những bài thơ được phổ nhạc thành công như đã kể, thì hoặc thuộc thể lục bát rất dễ chuyển sang nhịp chậm Slow hay nhịp ba Boston, như bài Ngậm ngùi:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu..

Thơ năm chữ rất thích hợp với nhịp ba chậm, như bài Tiếng thu

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu


Với Dương Thiệu Tước, cũng là thơ năm chữ, nhưng ông lại phổ nhịp bốn (Tango habanera) cho bài Chiều. Chính nhờ nhịp điệu này mà Chiều của Hồ Zếnh mang cái nét lảng đãng hoàng hôn êm ả.

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây


Bài thơ “Màu tím hoa sim” lại dùng một thể thơ cách tân, rất xa lạ vào thời đó. Thể thơ mà Hữu Loan gọi là “thơ xuống hàng”. Nhà văn Hoàng Tiến nhận xét “Lối này người đọc phải đọc ngắt giọng, ngắt chữ, nó đập vào trực giác chúng ta (intuitivement), nó làm nổi hình khối lên (en relief)”.


Lời thơ như thế, nhịp thơ như thế thì làm sao mà với những giới hạn về tiết tấu nhịp điệu của một ca khúc có thể chuyên chở hết trọn vẹn diễn cảm của bài thơ.


Thế nên khi bài thơ trữ tình đầy chất bi hùng lãng mạn đó được Dzũng Chinh thay lời, thêm lời cho đúng nốt nhạc điệu nhạc, phổ theo điệu Bolero rất bình dân phổ biến vào thời đó, và khi mà ca khúc “Những đồi hoa sim” được hát nơi nơi, thì cũng là lúc kết liểu luôn một trong những bài thơ hay nhất thời kháng Pháp.

Sau này nhạc sĩ tài năng Phạm Duy, bạn đồng lứa của Hữu Loan, có lẽ muốn cứu sống bài thơ, đã phổ lại bài thơ với tựa đề “Áo anh sứt chỉ đường tà”, lấy từ câu của bài thơ. Ca khúc hay hơn, tiết tấu thay đổi lôi cuốn hơn. Nhưng với tài năng của mình trong Ngậm ngùi, trong Tiếng thu, Phạm Duy không cứu nổi bài thơ, nếu không muốn nói bài thơ bị giết chết lần thứ hai.

Hữu Loan đã nói: “Có người đổi đầu đề bài thơ của tôi là Ðồi sim màu tím. Màu tím như vậy thành cụ thể mất rồi. Vì vợ tôi thích màu tím, màu tím với tôi lúc này là một ảo giác, tôi hát trong màu hoa ấy, tôi mê, tôi tỉnh, tôi say, tôi phát cuồng”

Ðó. Mới chỉ đổi đầu đề bài thơ mà thôi thì đã lạc xa cái hồn thơ của người viết đến như thế. Huống hồ những câu thơ tuyệt vời về chiều hoang màu tím bị thay đổi như sau đây thì không những Hữu Loan mà cả những người yêu thơ ông cũng thấy buồn.

Nguyên văn thơ Hữu Loan đoạn hay nhất nói về ảo giác màu tím một buổi chiều

“Chiều hoang tím

có chiều hoang biếc

Chiều hoang tím

tím màu da diết

Nhìn áo rách vai

tôi hát

trong màu hoa”



Ðoạn này không được phổ. Dzũng Chinh chọn đoạn thơ khác, sửa lại

“Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim

tím chiều hoang biền biệt”



Và Phạm Duy


“Chiều hành quân qua những đồi sim,

những đồi sim, những đồi sim

Màu tím hoa sim

Tím cả chiều hoang biền biệt”


Chỉ riêng trong trường hợp này hay nhiều trường hợp tương tự, thì tôi không những đồng ý với cố thi sĩ tài hoa Nguyên Sa, “Nhạc hoàn toàn không làm tăng giá trị bài thơ”, mà phải nói thêm theo từ ngữ thông dụng hiện nay, “Nhạc đã abuse bài thơ.



Ninh Hạ