Thi Ẩm Lâu
NGHĨA ĐỊA MANG KHÔNG GIAN… THƠ! - Phiên bản có thể in

+- Thi Ẩm Lâu (https://thiamlau.com/forum)
+-- Diễn đàn: Tửu Lầu (https://thiamlau.com/forum/forum-5.html)
+--- Diễn đàn: Trà Dư Tửu Hậu (https://thiamlau.com/forum/forum-8.html)
+--- Chủ đề: NGHĨA ĐỊA MANG KHÔNG GIAN… THƠ! (/thread-1020.html)



NGHĨA ĐỊA MANG KHÔNG GIAN… THƠ! - lanhdien - 03-07-2012

Xin nói ngay, đây không phải là nghĩa địa để “chôn” thơ phú, mà nó cũng chỉ dùng để an táng những người đã chết như bao nghĩa địa bình thường khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, điểm có một không hai là gần như trên toàn bộ số bia mộ ở đây đều thấy khắc các bài thơ. Cách thị xã Tây Ninh chừng 6 km, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh có một nghĩa địa rất độc đáo. Các ngôi mộ ở đây đều dựng bia có tạc trên đó ít nhất một bài thơ khóc thương người đã khuất. “Nghĩa địa Thơ” ấy, thực ra, chỉ là tên gọi nôm na; còn người dân địa phương lại nghĩ: “Sống là cõi tạm, chết về miền cực lạc”, nên họ gọi khu yên nghỉ ngàn thu này là “Cực lạc Thái bình”.

NGHĨA ĐỊA MANG KHÔNG GIAN… THƠ!

HẠNH NGUYÊN

Từ một bài thơ trên bia gỗ…

Ông Phạm Văn Lộc, người làm công tác quản lý mồ mả ở đây từ năm 1963 cho biết: Cực lạc Thái bình có từ đầu thế kỷ 20. Thuở ấy, nơi đây còn là vùng đất hoang sơ chỉ có thú rừng với le hoe vài ba ngôi mộ. Ngôi mộ đầu tiên có đề thơ là của một người trong đạo. Lúc sinh thời, ông ấy vốn rất mê thơ nên trước khi mất, có căn dặn vợ con rằng hàng năm đến ngày giỗ phải “gửi thơ” cho ông. Không biết vợ con ông có làm theo lời đó hay không chứ sau khi ông mất, vợ ông lại liền thuê người tạc hẳn cho ông một bài thơ lên bia gỗ. Qua thời gian, bia đó bị mục nát và bài thơ ấy cũng thất lạc nhưng ai cũng nhớ mang máng, nó có nội dung tiếc thương người đã khuất.

Ít lâu sau, trong vùng có một người đàn ông khác, do nghi ngờ lòng chung thủy của vợ nên đã tự tử. Đến lúc đưa tang, gia đình bên chồng nhất định không cho người vợ đi theo. Sau khi chôn cất chồng, người đàn bà ấy liền lén tạc 2 câu ca dao cũng lên một bia gỗ rời như là cách tự minh oan, rồi đem cắm nó trên mộ chồng. Đó là 2 câu mà không chỉ nhiều người ở Cực lạc Thái bình đều biết và còn truyền tụng nhau đến giờ, mà biết bao nhiêu người Việt Nam khác cũng đều biết: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.


… Thành cả một “phong trào”

Người trước đề thơ, người sau bắt chước, cứ thế cho tới nay, đã có cả một “nghĩa địa thơ” hẳn hòi: Vợ khóc chồng, chồng khóc vợ, cha mẹ khóc con… và người sống khóc cho người nằm dưới huyệt mộ.
Tuy Cực lạc Thái bình đã góp mặt từ cả trăm năm nay nhưng chưa ai thống kê xem trong nó có tất cả bao nhiêu bài thơ, chỉ biết trên diện tích 58 ha, với hầu hết là mộ xây nằm san sát nhau, trên mỗi mộ đều thấy tạc ít nhất một bài, thậm chí nhiều mộ còn tạc đến 7 - 8 bài. Ở đây, xin không bàn đến thuộc tính văn hóa hay giá trị văn chương của các “tác phẩm” này, vì thơ ở nghĩa địa nên hầu hết đều mang hơi hướm… nghĩa địa hơn là thi ca chính tông. Chỉ biết, nếu nói theo dân gian là “tấm lòng thành không cần kiểu cách”, thơ ở đây rõ ràng tuy mộc mạc, chất phác nhưng vẫn thể hiện nổi bật “cái tình” tha thiết của những người ở lại.

Chẳng hạn bài thơ khóc chồng tạc trên mộ ông L.V.T: “Tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm/ Ông đi tôi ở lệ tuôn dầm/ Năm canh thương nhớ lòng quặn thắt/ Vĩnh biệt từ đây nghĩa vợ chồng”. Hay như bài thơ của một người cha khóc đứa con trai mới 14 tuổi đã mất sớm do tai nạn giao thông: “Tre già chịu cảnh khóc măng non/ Tiếng nói con thơ chẳng có còn/ Một phút rủi ro do mạng số/ Chỉ còn rơi lệ để tiễn con”. Hoặc bài thơ của một người vợ khóc chồng: “Ngồi nhìn nấm mộ lệ mưa rơi/ Duyên nợ đang vui, bóng khuất rồi/ Những tưởng trọn đời chung hạnh phúc/ Nào ngờ ba bốn rẽ chia đôi/ Anh ơi! Tội nghiệp con còn nhỏ/ Từ phút này đây chịu cút côi/ Quạnh quẽ sau nhà anh vắng bóng/ Hắt hiu sân trước một mình tôi”.

Vì là “thơ nghĩa địa”, do các thi sĩ “tay ngang” làm và chạm khắc nên các tác phẩm đó thấy có vô số lỗi chính tả. Như bài thơ trên ảnh kèm bài này, nhìn qua đã thấy 4 - 5 lỗi. Mà có hề gì, khi người ta chỉ cần đọc lên, thấy được cái tình là đủ!
Suốt một ngày lang thang trong Cực lạc Thái bình để… thưởng thức thơ, người viết còn phát hiện thấy nhiều bài thơ của những Việt kiều, điển hình như của một cô dâu lấy chồng Đài Loan đã gửi về tạ lỗi với cha: “Khẩn cấp tin cha sớm lụy trần / Đài Loan nghìn dặm quyết nhanh chân/ Nghìn năm cha hỡi! Sao đành vội/ Sớm tối mẫu từ chịu goá thân/ Cõi tục con thơ cam lỗi đạo / Đường tiên thân phụ lướt non trần/ Cầu nguyện hồn cha hưởng huệ ân”.

Ông Lộc, cũng là một trong các tác giả, cho biết: Thơ ở đây hầu hết do tự cảm tác là chính, còn lại thì tùy theo từng gia cảnh, một số ít bài đã được “cải biên” từ các tác phẩm của các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Để tiện chọn lựa, các bài thơ mẫu đã được đóng thành từng tập hẳn hoi, mỗi tập có đến hàng trăm bài, người ta cứ tha hồ thưởng thức. Ngoài tập thơ của ban quản lý, giới thợ hồ xây mộ ở đây hầu như ai cũng có 1 - 2 tập. Ngay cả dân địa phương, nhiều người cũng thích sưu tầm, họ bảo là để tự chọn sẵn cho mình trước khi vào Cực lạc Thái bình!

Ông Hai Nhứt, một thợ hồ có hơn 10 năm xây mộ ở đây cho biết: Nguồn thơ có sẵn, nếu gia chủ cần làm gấp trong 1 - 2 ngày thì giá gia công là 80.000 – 100.000 đồng/ bài, còn nếu thư thả dăm bảy ngày thì cứ 60.000 đồng/ bài, làm tới. Và muốn có thơ “độc” thì người ta phải đặt làm, chứ trong các tập thơ mẫu ít khi có sẵn – ông Lộc bảo. Muốn vậy, ông đã phải từng ngồi hàng giờ để nghe gia chủ kể lể những chuyện trên trời dưới đất, thậm chí cả những chuyện riêng tư, để thấy “ngấm” mà sáng tác. Dù vậy, có những bài, ông vẫn phải mất cả tháng trời mới làm được. Sau hơn 40 năm quanh quẩn nơi này, ông cũng chỉ làm nổi có vài chục bài và tất nhiên, là thơ… từ thiện. Nhưng những bài thơ “độc” này thật ra cũng bị sao chép: Chỉ vài năm sau, lại thấy chúng xuất hiện trên những ngôi mộ khác dù việc “tranh chấp bản quyền” từ phía này phía khác tới giờ chưa hề có!

Một điều lạ lùng, Cực lạc Thái bình giờ đây thu hút người chết từ khắp nơi. Trước 1995, nếu đất đai ở đây chủ yếu là cấp không (Đất ở Cực lạc Thái bình do Tòa thánh Tây Ninh quản lý), thì nay do nhu cầu ngày càng nhiều nên đã được “cấp” theo giá thị trường. Tuy vậy, vẫn không hạn chế được tốc độ số mồ mả tăng nhanh đến chóng mặt. Theo các thợ hồ, không biết có phải vì tên gọi của nghĩa trang hay vì quá “yêu thơ” mà đã ngày càng có nhiều “đám” từ tận Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM tìm đến.


Nguồn: báo Thế Giới Hội Nhập