Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Bắt Cọp
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Làng bẫy cọp ở Quảng Nam

Có giai thoại thuật lại rằng, sinh thời Tú Quỳ - danh sĩ nổi tiếng Quảng Nam - một lần lên thượng nguồn sông Thu Bồn, đến một ngôi làng có cái tên rất lạ: Dùi Chiêng. Nguyên do làng Dùi Chiêng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể như cái dùi của cái chiêng. Vốn tính tinh nghịch, khi ra về, ông có hát mấy câu chủ ý chọc mấy cô thôn nữ trong làng cho vui: "Ngày mai tui đảo dốc Bình Yên/ Các cô ở lại có chiêng không dùi/ Ra về tui những bùi ngùi/ Các cô ở lại, tui có dùi không chiêng". Làng Dùi Chiêng, nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, không những có tên lạ mà thời ấy còn được mệnh danh là làng bẫy… cọp.

Dinh Ông Trùm qua truyền miệng

Trong ký ức xa mờ, các cụ già cao tuổi, bất kể là cụ ông hay cụ bà, tám mươi hay chín mươi, đều nhớ như in rằng Dùi Chiêng xưa nổi tiếng nhất huyện về… cọp. Cọp nhiều vô kể. Chúng hay lẻn vào làng bắt trâu, bắt cả người. Và trong cuộc đấu tranh sinh tồn, cũng giống như chuyện cổ tích, người bao giờ cũng thắng, cũng chế ngự được cọp dữ. Trong đó, nhân vật làm nên kỳ tích ở vùng đất núi non trùng điệp này là ông Phạm Bá Doãn. Kế đến là Hội Hồng, con ông Bá Doãn.


Ông Nguyễn Tửu, năm nay đã 82 tuổi, một trong những lão làng thông hiểu chuyện xưa, vừa hớp ngụm nước trà ấm nóng giữa ngôi nhà dựa vào triền núi, vừa chậm rãi kể: "Hồi nửa đầu thế kỷ XX, làng Dùi Chiêng hãy còn là vùng rừng thiêng nước độc, chỉ lèo tèo năm, sáu chục ngôi nhà nằm cheo leo men theo vách núi. Khung cảnh thâm u hoang vắng. Rừng gần sát với nhà, sát đến mức nhiều khi người ta ngỡ là nhà ở trong rừng. Bởi từ nhà, chỉ vài bước chân là thấy núi, thấy rừng, nghe tiếng chim kêu, vượn hú". Bấy giờ, khi trời vừa tắt nắng, không khí lạnh từ rừng sâu, núi cao bắt đầu tràn xuống, nhà nào nhà nấy cửa đóng kín mít. Không ai dám ra ngõ. Thậm chỉ tiểu tiện, đại tiện cũng trong nhà. Nhiều đêm nghe tiếng cọp đi qua đi lại mà lạnh cả xương sống. Nhớ chuyện cũ, ông Nguyễn Tửu chưa hết bàng hoàng. Trong đó, có lắm chuyện sởn tóc gáy. Nhất là chuyện nửa đêm cọp về, lấy chân cạ cạ vào vách phên bằng đất. "Bấy giờ, cọp nhiều, dân lại ít, chúng dạn dĩ lắm, thường về luôn. Người ta nói do rừng động” - ông Tửu rủ rỉ.

Cũng chính tại làng Dùi Chiêng, đã bao đời nay có một cái miếu thờ mà người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Trùm. Về sự tích dinh, có câu chuyện khá lý thú và hấp dẫn, được lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời rằng hồi làng mới lập, có một ông Trùm Hò, không biết rõ họ và từ đâu đến. Ông Trùm Hò có dáng người cao lớn, vạm vỡ, giỏi võ nghệ. Thế cho nên, dân làng sợ cọp nhưng ông thì không. Ngày ngày, ông vác cái rựa, cái rìu một mình lên núi chặt cây gỗ về bán kiếm sống. Hôm đó, ông đang trên đường vác cây về thì gặp cọp. Ông bèn bỏ rìu, tay cầm rựa thủ thế. Cọp gầm lên một tiếng long trời lở đất trước khi nhảy vồ "con mồi". Ông nhanh nhẹn lách qua, tránh được. Ngay sau đó, cả cọp và người quần nhau suốt một ngày ròng rã. Ông Trùn Hò vừa nhảy vừa lợi dụng thế để chém cọp. Mãi đến chiều tối, cả hai kiệt sức rồi cùng chết...

Sự kiện ông Trùm Hò đánh nhau với cọp dân làng không ai biết. Bấy giờ, khu vực sau này trở thành Dinh Ông Trùm là cửa rừng, cây cối rậm rạp, heo hút, vắng bóng người qua lại. Mãi đến sáng hôm sau, khi đi lên núi, bà con mới phát hiện. Lúc đó, xác cọp và người đều đã đông cứng. Dân làng bèn lập miếu thờ. Đặc biệt, trên bàn thờ có để hai cái đầu: một đầu người (ông Trùm Hò) và một đầu cọp. Hằng năm, cứ đúng vào ngày lễ "khai truông", cũng là lễ "khai hạ", dân làng tổ chức cúng thần núi. Người ta mổ heo, để y nguyên cả đầu cẳng, lòng… đầy đủ, cúng cùng với những lễ vật khác như chè, xôi, hương đèn. Sau khi cúng, họ cắt đầu heo ra, giao nhiệm vụ cho anh giáp làng bưng vào Dinh Ông. Cứ để đấy đúng ba ngày ba đêm. Nếu sau đó cọp không xuống núi để ăn thì anh giáp được “hưởng” đầu heo này. "Tui nghe kể có năm cọp xuống ăn nhưng cũng có năm không xuống" - ông Nguyễn Tửu cho biết. Năm 1964, khi trận lụt khủng khiếp năm Thìn xảy ra, hai đầu cọp và người thờ ở miếu đã bị nước lũ cuốn trôi; dinh cũng bị hư hại nhiều. Hiện nay, dinh chỉ còn ba bức tường nham nhở, phần mái đã tốc, được che chắn tạm bợ.


"Bắt” cọp bằng mưu trí


Có thể nói, chuyện ông Trùm Hò đấu nhau với cọp là chuyện hi hữu. Làng Dùi Chiêng duy nhất chỉ có ông dám làm chuyện "động trời" này. Còn những gia đình khác đối phó với cọp bằng cách đánh thanh la, gõ mõ, gõ nồi và bất cứ vật dụng nào phát ra âm thanh để xua đuổi chúng. Tuy nhiên, đã mang danh là “làng… bắt cọp” thì gõ chỉ là cách đối phó bị động, còn phải có người giỏi bắt cọp. Nhưng bắt bằng mưu trí, chứ không ai dám đánh nhau với cọp như ông Trùm Hò. Người giỏi "bắt" cọp và bắt cọp có tiếng đầu tiên là ông Phạm Bá Doãn. Để bắt cọp, ông làm một thứ bẫy mà người địa phương quen gọi là "chùa". Dấu tích còn lại của những cái "chùa" bắt cọp này là một địa danh người ta gọi là kiệt Chùa, tức kiệt có "chùa" bắt cọp. "Chùa" không to, chiều ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, hoàn toàn bằng cây săn chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên cũng được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy không thể vùng ra nổi. Trong chùa nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp đi, nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

Trên thực tế, “chùa" bắt cọp biến mất hồi cuối thập kỷ 1920, đầu thập kỷ 1930. Đó cũng là lúc ông Bá Doãn tiếp tục nghiên cứu làm cái kẹp gài cọp. Kẹp bằng sắt, nặng đến bốn, năm mươi ký, thường phải hai người khiêng. Bấy giờ, theo thói quen, dân làng Dùi Chiêng thường chăn thả trâu. Lúc đói mồi, cọp hay bắt trâu tha vào rừng ăn bộ lòng. Còn lại, nó giấu một nơi, chờ lúc đói lại đến ăn tiếp. Nắm rõ thói quen này, mỗi khi bị cọp bắt trâu bò, dân làng liền theo dõi xem cọp giấu xác trâu ở đâu. Sau đó, họ đến nhờ ông Bá Doãn gài kẹp giùm. Để chắc chắn, ông Bá Doãn cho gài hai, ba cái kẹp. Gài xong, họ cột chặt kẹp vào gốc cây to để cọp khi đã bị mắc kẹp thì không thể lôi đi.

Có thể nói, sau ông Bá Doãn, ông Hội Hồng - con ông Bá Doãn - cũng là người nổi tiếng cả vùng tây Quảng Nam về khả năng dùng kẹp gài cọp. Không chỉ gài ở Dùi Chiêng mà ở đâu có cọp, có người đến mời, ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Cho nên, mới có chuyện khiến nhân chứng như ông Nguyễn Tửu nhớ nhất. Ấy là lần cọp bị mắc kẹp ở Sé, giờ thuộc làng Phước Hội, xã Quế Lâm. Nguyên hồi đó, có con cọp ra bắt trâu. Gia chủ theo dõi, rồi cho người lên báo với ông Hội Hồng. Khi cọp dính kẹp, bà con rủ nhau đi xem rất đông. Bất thình lình, cọp gầm lên, nhảy vồ trúng một ông nọ làm chết ngay tại chỗ. Dân làng hốt hoảng nhưng mạnh ai nấy la, không ai dám vào. Được tin, ông Hội Hồng xách súng lên ngay. Ông bảo án mạng đã xảy ra, phải báo quan trước đã. Sau đó, ông yêu cầu làng lập biên bản, cam đoan rằng ông bắn cọp khi cọp đã vồ chết người, vì sợ lỡ bắn có viên đạn nào trúng nạn nhân thì sẽ bị quy tội giết người. Khi biên bản làm xong, mọi người ký tên vào làm chứng, ông mới bắn...

Sinh thời, cả ông Phạm Bá Doãn và ông Hội Hồng đều là những người nổi tiếng "sát cọp". Cũng vì vậy mà danh xưng làng bắt cọp, tức làng Dùi Chiêng, chẳng qua chỉ để nói đến hai cha con họ. Đặc biệt, khi bắt được con cọp nào, họ thường lấy "công" là bộ xương cọp. Tương truyền, gia đình ông Bá Doãn giàu nức tiếng ban đầu nhờ nấu cao hổ cốt. Ông có nhiều sáng kiến bắt cọp, từ sử dụng "chùa" đến kẹp gài. Khi ông mất đi, ông Hội Hồng lên thay thế. Nhờ nấu cao hổ cốt, ông nhanh chóng giàu lên, mua ruộng đất, phát canh thu tô. Bấy giờ, vay ang lúa, chỉ qua một mùa, trả thành ang rưỡi. Nghĩa là lời đến… 50% chỉ qua mấy tháng. Thế nên, người giàu càng giàu thêm. Còn dân nghèo, lỡ vay, nhiều khi trả hoài vẫn còn nợ. Sẵn tiền sẵn bạc, ông Bá Doãn bỏ tiền ra xây đến ba ngôi nhà lầu. Tuy giàu, nhưng ông Bá Doãn và sau này là ông Hội Hồng, may thay, lại được dân làng cho rằng có lòng hào hiệp chứ không keo kiệt như những người khác!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
15 TUỔI ĐÁNH HỔ CỨU NGƯỜI

Mùa hè năm 1962, hạn hán, nắng gay gắt, người làng Đồn (Vạn Ninh, Quảng Ninh) tranh thủ ra đồng nhổ mạ sớm để tránh nắng. Cô gái Ngô Thị Kỷ lúc đó 15 tuổi cũng ra đồng giữa nhá nhem. Đi cùng có người bạn hàng xóm, Bùi Minh Quốc, 16 tuổi. Hai người qua xóm Bến, thấy trước mặt có con hổ to như con bò đang lửng thửng bước. Bùi Minh Quốc hét toáng: “Cọp! Cọp! Cọp!...”.

Bất ngờ con hổ quay lại, lao vào vồ ngã Quốc. Nó dùng nanh lật lên mảng da đầu từ trán ra phiá sau, máu chảy lênh láng. Ngô Thị Kỷ không hề lo sợ mà quyết tâm cứu người, cô dùng đòn gánh đánh mạnh 2 phát vào đầu hổ, nó vẫn ngồi chễm chệ trên người Bùi Minh Quốc, trừng trừng sát khí. Lấy hết sức bình tĩnh, Kỷ giáng mạnh đòn thứ 3 vào chính giữa đầu hổ, hổ lồng lên, gầm một cái, định tấn công vào cô gái, Ngô Thị Kỷ nhanh trí đánh tới tấp vào con hổ, không cho nó lấy đà vồ lại người. Bị đánh phủ đầu, hổ đành bỏ chạy về hướng núi.

Cô gái Ngô Thị Kỷ đánh hổ cứu bạn được tuyên truyền rộng rãi trong lực lượng thiếu niên nhi đồng, tấm gương dũng cảm của cô thiếu niên nhỏ bé được báo chí đưa tin. Bác Hồ nghe tin đã gửi tặng Huy hiệu của Người. Tỉnh đoàn Quảng Bình đến trao huy hiệu, Ngô Thị Kỷ e úng nói: “Có chi mô, cháu thấy không đánh hổ thì bạn chết. Phải đánh mới cứu được bạn. Rứa là cháu đánh”.

Tên tuổi Ngô Thị Kỷ lúc đó bay sang 15 nước xã hội chủ nghĩa. Thư từ tới tấp gửi về. Và để mến mộ sự dũng cảm của cô gái Quảng Bình được nhớ mãi, ở miền Nam đã có một ngôi trường mang tên Ngô Thị Kỷ.


Làng Trung Bính, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) vẫn ngưỡng mộ bà Bùi Thị Té một đòn triêng (đòn gánh) hạ được con hổ rình rập vồ 3 đứa trẻ. Năm 1950, tiết trời tháng 3, bà Té lúc đó 17 tuổi. Gánh hàng qua đụn cát, vào rừng dương, gặp 3 đứa trẻ làng ngũ tránh nóng buổi trưa. Bà ngồi nghĩ, bỗng có tiềng ùm..ao nhỏ nhỏ trong lùm cây rậm rạp. Bà tưởng con mèo, đến xem. Không ngờ là con hổ đang rình vồ mồi. Trong tâm trí bà Té, Trung Bính làm gì có hổ, nhưng bà nghĩ, vùng cát quê bà chạy dọc lên đến Lệ Thuỷ, ở vùng Sen Thuỷ, rừng rú rậm rạp, là nơi hổ sinh sống dày đặc, có thế con hổ này đi lạc ra tận Nhật Lệ cũng nên.

Thấy cần cứu lũ trẻ, bà Té dùng đòn triêng đánh con hổ mấy phát vào chẩm trán. Hổ to như con bò nghé, gầm gừ xé toang sự yên tĩnh của trưa nắng, lao vào tấn công cô Té, nó dùng độc cước sơn lâm, tát vào mặt, cổ, tai, máu hoà vào cát. Cô gái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu ấy vẫn hiên ngang chống tròn triêng xuống cát, ngồi thụp người xuống, con hổ lao tới, bị đòn triêng thúc nặng vào ức, tức ngực, con hổ đổ vật xuống cát, bất tỉnh. Bùi Thị Té đứng dậy đánh mạnh nhiều nhát vào chẩm trán, con hổ chết chết ngay vì vỡ sọ. Cả làng Trung Bính biết chuyện, chạy ùa ra cát, bên bờ sông Nhật Lệ, họ tung hô cô gái Bùi Thị Té đã cứu sống 3 đứa trẻ của làng thoát khỏi nanh hổ. Làng mở cỗ ăn mừng, bà Té được đưa tên vào gia phả họ Bùi ở Trung Bính như người có công trạng khai khẩn lập làng. Hằng năm, họ tộc xem bà như người có công lớn với làng, đối xử trọng tình, trọng nghĩa. Bà Té sống trong niềm tin yêu của mảnh làng trên cát ven sông Nhật Lệ. Năm 2009, dân làng Trung Bính đưa tiễn người anh hùng làng cát về với tổ tiên khi bà tròn 92 tuổi. Bà Té mất, nhưng chuyện bà đánh hổ vẫn mãi nằm trong di sản ký ức làng.

47 năm sau, chúng tôi về thăm người đánh hổ cứu bạn. Cô gái trẻ ngày nào đã bước qua tuổi 63. Sức khoẻ còn minh mẫn, bà vẫn kể rành rọt những năm tháng cuộc đời và kỷ niệm đánh hổ vẫn in đậm trong trí nhớ.

Những thiếu niên dũng cảm như bà trước đây thường được chính quyền cho đi học, bà chọn hướng khác, ở nhà làm xã viên, sản xuất lúa gạo đưa ra chiến trường. Suốt ngày bám mặt với ruộng, bà lý giải: “Làm ruộng vui hơn đi thoát ly xa nhà, nhiều người đi ra làm được việc, mình ở nhà làm ruộng giúp ích cho hợp tác xã cũng hay”.

Sinh được 7 người con. Vợ chồng bà hướng con cái vào công việc đồng áng, chỉ người con út học cao đẳng. Bà nói: “Cuộc sống không khó khăn, nhưng con cái thích làm ruộng thì tui cho, đứa út đòi nghiệp sách vỡ thì cũng theo. Ba mẹ không ép. Vì làm ruộng có cái thú điền viên”.

47 năm trôi qua, ông Bùi Minh Quốc đã có gia thất, sống cùng làng với bà Kỷ. Thoát chết khỏi nanh hổ từ hành động của người bạn gái cùng xóm, Bùi Minh Quốc khắc tâm suốt đời vị ân nhân cứu mạng. Họ sống đùm bọc nhau vượt qua bom đạn chiến tranh, đến ngày hoà bình hai người cùng thề ở ngay trong làng để chăm sóc cho nhau mỗi lúc cần. Mỗi lần nhà bà Kỷ dựng vợ gã chông, ông Bùi Minh Quốc đứng ra làm chủ lễ vì ông có khiếu nói năng lưu loát. Gia đình bà Kỷ đau ốm, ông chạy chữa thuốc thang bằng tất cả sức lực gia đình. Gặp chúng tôi, ông Quốc cảm động: “Bà Kỷ sống tốt, tui phải sống bằng cái tâm để không phụ lòng gia đình bà ấy. Bà ấy trong sáng đến lạ, mỗi lần nhà tui có việc trọng, vợ chồng bà ấy vẫn đến giúp hết việc như người một nhà. Tốt rứa thì tui phải lấy cái tình bạn làm trọng chứ”.

Cứ mỗi cuối năm, gia đình Ngô Thị Kỷ và Bùi Minh Quốc lại sum họp, họ cùng uống chén rượu thề thuỷ chung để nâng niu tình cảm cưu mang nhau.

Nguyễn Oanh
LÀNG BẮT CỌP THỦY BA
Ngô Minh



Làng Thủy Ba trong câu chuyện này đã từ rất lâu không ai làm nghề bắt cọp nữa, nhưng dân làng vẫn thường kể cho nhau nghe, kể cho lớp con cháu lớn lên về một "nghề" nổi tiếng kinh hoàng và lạ lùng của cha ông xưa: Nghề bắt cọp. Câu chuyện như một huyền thoại anh hùng hiếm có ở đời. Săn cọp bằng súng ống hiện đại đã là chuyện vô cùng khó, ấy thế mà trăm năm trước, người dân Thủy Ba bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, tay không mà vẫn bắt sống hàng trăm con cọp dữ!

Tôi may mắn một lần được về làng Thủy Ba huyền thoại ấy. Chúng tôi đi đến tận từng nhà hỏi các già làng về chuyện bắt cọp, thức với đám thanh niên trai tráng một đêm sơn cước bập bùng những câu chuyện xưa trong men lửa và rượu! Đến phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy, chúng tôi được ông chủ tịch xã vui vẻ giới thiệu hai "cổ vật" quý giá của làng Thủy Ba xưa còn được lưu giữ: Đó là tay lưới và chiếc đinh ba - những vũ khí bắt cọp! Tay lưới và chiếc đinh ba hơn trăm tuổi này vẫn được các thế hệ người Thủy Ba giữ gìn, trân trọng như một báu vật! Ông chủ tịch xã cho chúng tôi được khiêng tay lưới và chiếc đanh ba ra giữa sân hội trường để ngắm cho đã những chứng tích còn lại của một thời thượng võ oai hùng của dân làng Thủy Ba danh tiếng! Sau con bão số 11 tháng 10 năm 2009 rồi, tôi đội mưa gió về lại xã Vĩnh Thuỷ để chụp ảnh tay lưới bắt cọp , nhưng ông bí thư đảng uỷ bảo tay lưới ấy đã đưa vào Bảo tàng Tổng hợp Quảng trị ở Đông Hà. Thế là tôi lại bươn vào Đông Hà, ngủ lại đêm để chụp cho được tấm ảnh cho bài viết này. Thì ra chuyện làng săn cọp là chuyện có thực trăm phần trăm chứ chẳng phải là truyền thuyết gì cả.

Làng Thủy Ba thuộc xã Vĩnh Thủy ( Vĩnh Linh) ở vùng bán sơn địa cách sông Hiền Lương lịch sử khoảng 6 cây số về phía Bắc. Từ thị trấn Hồ Xá, theo Quốc Lộ 1A về phía Nam vài cây số có con đường lớn rẽ lên hướng núi. Đi khoảng 4 cây số, đến đường sắt Bắc Nam là đến làng Thủy Ba. Thủy Ba xưa là căn cứ chống Pháp nổi tiếng, căn cứ đầu não của cách mạng Vĩnh Linh. Trong kháng chiến chống Mỹ, có ngày quân dân Vĩnh Thủy - Vĩnh Ba bắn rơi 6 máy bay, bắt sống 4 tên giặc lái Mỹ. Thủy Ba là xã anh hùng, là quê hương của nữ anh hùng chống Mỹ Trương Thị Khuê. Cái tên Thủy Ba cho đến hôm nay vẫn chưa thôi vang vọng trong bài hát nổi tiếng của Nguyễn Văn Thương " Hướng về nam... Ai đã vô Đông Hà, đã qua Hồ Xá, đã đi Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong..."


Rừng Thủy Ba lắm cọp dữ. Những người lính chiến khu xưa đã nhiều lần nhìn thấy cọp. Cọp về trong cả giấc mơ: Ngày ấy cọp về rón rén lá rơi / Gió Thủy Ba vờn qua giấc ngủ ...Ở miền Trung có nhiều câu ngạn ngữ về cọp. "Cọp Thủy Ba, ma Bình Thuận", " Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ"! Bình Thuận, Trộ Rớ (Quảng Bình) là những địa danh nổi tiếng về rừng thiêng nước độc. Nguy hiểm sánh ngang với cọp Thủy Ba! Vì rừng rậm lắm cọp dữ, người Thủy Ba phải bắt cọp để giữ làng, để được yên ổn.

Theo chân anh xã đội trưởng trẻ măng, chúng tôi tìm đến nhà cụ Xây ở Thủy Ba hạ. Cụ lên nương vắng. Hơn tám mươi rồi mà cụ vẫn đi làm nương như một lực điền. bà con Thủy Ba kể rằng lứa tuổi như cụ lúc thiếu nhi đã đi bắt cọp. Chúng tôi đợi đến gần trưa cụ mới vác cuốc rựa về. Biết chúng tôi đến hỏi chuyện bắt cọp, mắt cụ sáng lên, chòm râu rung rung xúc động. uống cạn một hơi hết bát nước chè xanh đặc quánh ( người Vĩnh Linh gọi là nước chè "đứng đũa", nghĩa là cắm chiếc đũa vào không đổ !), cụ đứng múa tay chân theo thế quyền rồi cất giọng diễn bài "vè bắt cọp" mà cụ thuộc lòng từ hồi nhỏ. Bài vè kể chuyện làng Thủy Ba bắt cọp và tả lại chuyện dân Thuỷ Ba hành quân vào Kinh Đô Huế bắt cọp theo lệnh nhà Vua của các tráng đinh trong làng :

Mùng sáu sắc Hạ vua ra

Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền

Đò vô tận "ải" Thừa Thiên

Dữ ma độc nước không yên chăng là...

...Đời xưa nỏ có mô ri

Đời nay dân phải cu li bắt hùm...


Như thế nghĩa là dân Thủy Ba không chỉ bắt cọp ở rừng mình, mà tiếng tăm Thủy Ba bắt cọp giỏi bay về Kinh Đô, nhà vua liền phải xuống chiếu" điều động" thợ săn làng Thủy ba vào Huế, lên thượng nguồn sông Hương ( vùng Bình Điền, Tuần bây giờ) để bắt cọp dữ. Theo bài vè kể lại thì cuộc đi rất khẩn trương, mùng sáu sắc chiếu vua ra,mùng tám các tráng đinh phải xuống thuyền ở Cửa Tùng để vô Huế. Có lần vua đã ngự đến tận nơi để xem tai trận các thợ săn Thủy Ba bắt cọp:


Cắt dân vén ( dọn) hết hai bên

Vua quan ngài ngự cũng lên ải này.



Nhà vua "điều động" thợ săn Thủy Ba vào Kinh Đô bắt cọp để làm gì? Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ở Huế có trường đấu Hổ Quyền được xây dựng rất quy mô ở xã Thủy Biều. Đây là nơi xảy ra các cuộc chiến sinh tử giữa voi chiến triều đình với hổ, cho vua quan và thần dân được xem một năm vài lần. Một cuộc đấu không chỉ có vài con hổ mà có khi từ hàng chục con hổ được nhốt từ trước. Thợ săn Thủy Ba bắt cọp để phục vụ cho các trận đấu ở Hổ Quyền. Đoàn thợ săn cọp này của Thủy Ba gọi là Đoàn Vọng Thành. Trong bài viết " Tỉnh Quảng Trị" in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921 của đoàn Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: " Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ Thần, và Thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ". Do đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ, và luôn được giao nhiệm vụ bắt hổ để giao đấu với voi triều đình. Đôi khi dân Thủy Ba mang đến Huế luôn cả cái bẫy hổ để dâng cho vua cái vinh dự được tự tay giết con hổ sa bẫy! Cuộc săn hổ cuối cùng của người Thủy Ba ở Huế xảy ra dưới thời vua Thành Thái năm thứ 17, là năm những người săn hổ thành lập một đội săn hổ có tên là Vọng Thành. Đó cũng là năm mà trận đấu hổ ở Hổ Quyền cuối cùng được tổ chức tại Huế. Cũng có giả thiết kể rằng, lúc đó nhà Nguyễn mới xây xong kinh thành Phú Xuân, rừng rậm còn kề ngay phố chợ. Hổ thường xuyên xuất hiện quấy rối cuộc sống Kinh Đô làm cho quan dân sợ hãi. Nghe tin có làng Thủy Ba ở Quảng Trị nổi tiếng bắt cọp, Vua mới xuống chiếu mời các tráng đinh săn cọp về Kinh đô diệt hổ để yên dân!

Theo cụ Xây và nhiều người già làng Thủy Ba kể lại thì săn cọp vô cùng nguy hiểm nhưng ly kỳ và hấp dẫn lắm, bởi cuộc săn nào cũng sôi động, cuốn hút hết cả làng. Săn cọp ở Thủy Ba đã trở thành nghề cha truyền con nối. Trai tráng khỏe mạnh thì cầm đinh ba, giáo mác, khiêng lưới, vây lưới... Người già thì bày mưu tính kế, trẻ con thì trống mõ, hò reo, phụ nữ thì lo cơm nước hậu cần.

Muốn bắt được cọp phải hiểu tính nết, đặc điểm của con cọp. Về điểm này người Thủy Ba rất rành. Căn cứ vào hướng gió, mũi cọp hay dấu cọp, người ta có thể đoán được cọp đực hay cọp cái, to đến mức nào và dò được khu rừng nào có cọp ở. Cọp Thủy ba khôn đến ,mức "thành tinh" nhưng cũng không thoát khỏi những người chuyên nghề "dọi đấu" ( tìm dấu vết cọp) của làng Thủy Ba. Các thợ săn cọp làng Thủy Ba có rất nhiều cách săn cọp như bẫy, hầm sập... Nhưng phổ biến hơn cả là dung lưới vây bắt. Lưới bắt cọp ở Thủy Ba gọi là lưới sót. Cây sót là loại dây leo phổ biến ở rừng Vĩnh Linh. Hạt sót hơi đắng và có thể ăn được. Nghe nói loài cọp cũng rất thích ăn hạt sót chín. Người Thủy Ba chặt cây sót về, đập cho dập nát, đem ngâm vào hồ nước vôi như cách ngâm đay ở miền Bắc. Cho tới khi thịt gỗ cây sót vữa ra, còn lại một loại dây gai rất dai. Người ta se sợi sót này thành dây thừng to bằng ngón tay và đan thành lưới. Mắt lưới rộng bằng bàn tay, mỗi bề khoảng nửa gang tay. Tay lưới sót ở phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy có tới trăm năm tuổi vẫn bền dai. Chúng tôi dăng lưới ra sân kéo thoải mái chẳng việc gì. Mỗi tay lưới sót như vậy cao tới 3 - 4 mét, dài 15mét, nặng tới hai đòn khiêng. Làng Thủy Ba xưa có 4 thôn: Thủy Ba Thượng, Thủy Ba Hạ, Thủy Ba tây, Thủy Ba đông, chia làm 6 phường săn. Tất cả những trai làng từ 19 đến 45 tuổi đều phải gia nhập vào phường săn cọp gọi là xâu. Mỗi xâu có từ bốn đến năm tay lưới, có một trưởng xâu chỉ huy. Khi "trinh sát" phát hiện ra khu rừng có cọp ẩn náu, cả làng Thủy Ba từ già tới trẻ đều phấn khích, sôi động hẳn lên. Trước khi xuất quân là phải mổ lợn, giết gà cúng trời đất để cầu may, gọi là lễ Thượng Vong. Sau lễ Thượng Vong là xuất quân. Các xâu khiêng lưới dựng lưới vây quanh ấy gọi là ải. Vòng vây lưới chừa lại một cửa gọi là cửa ải, là chỗ những thợ săn tiến vào đối mặt với cọp dữ. Ở cuối hướng chạy của cọp là lưới đơm được đóng vững, buộc cố định. Lưới đầu hướng vùng của ải và xung quanh gọi là lưới đảy, có thể di động khi vòng vây khép dần lại. Trong vùng ải người ta phát quang rừng thành những khoảng đường trống để biết cọp di chuyển đi lại trong ải. Cọp là loại tinh khôn, có khi nó nằm lỳ "giả chết" cả ngày, nên phải phát quang rừng ải, đông thời phải có đội quân cao thủ làng sục để dồn cọp vào lưới. Bên ngoài vòng vây lưới phải có đội ngũ thợ săn cầm đinh ba mác nhọn sẵn sàng chiến đấu khi cọp lao ra xé lưới hoặc nhảy qua lưới. Người Thủy ba có kinh nghiệm là cọp thường không dám chạm vào những cành lá nằm úp sấp ( tức mặt dưới của lá nằm ngửa lên trời ) nên những chỗ "yếu" của lưới người ta bố trí các đám lá úp trái để ngăn cọp không đến gần. Những cây cao gần dưới đều bị chạt để cọp khỏi leo lên nhảy qua lưới khi bị vây bắt. Khi mọi việc chuẩn bị và bố trí xong xuôi, người tổng xâu (trưởng làng) đánh một hồi phèng la, hô vang:

Thủy Ba đứng dậy cho đều

Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy


Lập tức phèng la, trống thúc ngũ liên nỗi lên ba phía lưới cùng vói tiếng hò reo dậy trời. Cuộc chiến vào hồi quyết liệt. Vòng vây lưới hẹp dần. Chúa sơn lâm điên cuồng lao hết chỗ lưới này đến chỗ lưới khác hòng thoát thân, nhưng đều bị các thợ săn tấn công bằng đinh ba, giáo mác từ phía ngoài nên không tài nào thoát ra được. Cuộc "phong tỏa" bằng lưới có khi kéo dài hàng tuần lễ, cho đến khi cọp mệt nhoài, lao đầu vào khoảng lưới đơm, nơi có một cái rọ lớn bằng song mây chờ sẵn. Cửa rọ sập xuống. Tiếng hò reo dậy lên. Cọp bị bắt gầm thét như điên. Từ rọ song mây cọp bị đẩy vào cái cũi bằng gỗ cứng gọi là rọ kẹp. Già làng chỉ huy cuộc săn tiến tới đeo cái "lục lạc" vào cổ con cọp, tuyên bố cuộc săn thắng lợi. Các tráng đinh Thủy Ba khiêng cọp bị trói về làng, theo sau là các xâu thợ săn mặt mày rạng rỡ, chiêng trống tưng bừng. Cả làng mở hội ăn mừng, giết bò heo và gà giò làm lễ hạ vong tạ ơn trời đất đã phù hộ dân làng diệt trừ ác thú. Nghệ thuật bắt sống cọp bằng lưới sót của làng Thủy Ba điêu luyện đến mức trong chuyến đi Kinh Đô họ đã "biểu diễn" cho vua quan triều "mục sở thị"!

Theo bài vè ông già Xây ở Thủy Ba hạ đọc cho tôi hôm ấy thì cuộc vô Kinh Đô Huế săn cọp đó thật vất vả. Mùng sáu chiếu vua ra, mùng 8 dân làng đem lễ tế rồi khẩn trương hành quân họ mang theo tất cả các dụng cụ như hàng tấn lưới, đinh ba, giáo mác, trống chiêng, tù và... Vào đến Huế mấy tuần không dọi được dấu chân cọp, hết lương thực, 50 tráng đinh phải quay về. 50 người vẫn bám rừng tìm cọp. Họ cúng tế trời đất, dùng cả trâu làm mồi nhử cọp. Và cuối cùng cũng săn được cọp theo chỉ dụ của nhà vua. Xứng với "danh bất hư truyền", trước sự ngưỡng mộ tột cùng của vua quan triều đình và các tầng lớp dân cư kinh đô Huế.

Đứng bên tay lưới sót cùng cây đinh ba trong căn phòng hẹp ở nhà truyền thống xã Vĩnh Thủy, tôi còn nghe như tiếng reo hò dậy đất của làng Thủy Ba từ ngàn xưa mỗi lần bắt sống cọp.

Câu chuyện như một huyền thoại kể mãi, kể mãi về sưc quật cường của người dân Việt trước các loài ác thú và ngoại xâm để mãi mãi là chủ nhân muôn đời của đất nước này.
Nghe đồn sau này làng đó chỉ còn phụ nữ và thái giám
Chi rứa bay? rolling on the floor