Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Hội chứng mê thơ cuồng nhiệt và phong trào bốc thơm lẫn nhau
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Hội chứng mê thơ cuồng nhiệt và phong trào bốc thơm lẫn nhau
VŨ QUẦN PHƯƠNG

Không biết từ bao giờ lưu hành cái nhận định rất tự hào rằng dân tộc ta là dân tộc yêu thơ (Đúng ra là yêu cách nói giàu vần, giàu nhịp điệu) rồi bà con ta cứ thể nô nức rủ nhau đi làm thơ. Từ khi việc in sách dễ dàng thì thể loại thơ được in ra tràn ngập chứ chất thơ trong tư duy, trong cảm xúc trong các cuốn gọi là thơ hiện nay thì quả thật chưa dám đảm bảo. Loại có vần thì ưu điểm là có vần, loại không có vần thì ưu điểm là rất giống văn xuôi mà không ra văn xuôi, nghĩa là không biết nó nói gì. Sự bội thu của các loại thơ ấy dẫn đến nghịch lý:

- Thơ in nhiều khiến hiệu sách không muốn bán thơ nữa.
- Người làm thơ đông nên người đọc thơ vắng...

Còn thứ thơ “cách tân” cao xa bí hiểm, chỉ những nhà cách tân đọc với nhau và bí tỉ khen nhau chứ độc giả thỉ không dám lai vãng.
Phải chăng vì thế mà mấy năm nay mỗi khi muốn thư giãn trên màn ảnh nhỏ, thì nhà thơ thường được nhà đài lôi ra như một thứ gàn dở, lập dị, ít tắm rửa và túng bấn.

Thơ có đáng tội như thế không?

Theo tôi, đám làm thơ ấy, nếu không có tài đi nữa, thì chỉ đáng thương và ngẫm nghĩ lại thấy họ đáng yêu. Đáng yêu ở chỗ ngây thơ. Còn đáng thương là họ tự làm khổ mình và làm khổ vợ con, vất vả thiếu thốn. Còn tội là tội mấy anh thày dùi, tên chữ là nhà phê bình, nhưng họ không bình mà cũng không phê. Họ cứ khen đại. Nhận định thơ mà như viết điếu văn, thấy toàn công to đức lớn. Những câu kỳ khu mà chính họ cũng chả hiểu thì họ khen là cách tân, độc đáo, không ai nói như thế mà anh dám nói. Là thơ đi trước thời đại. Là bản lĩnh cao cả, chỉ viết cho mình đọc, hướng nội, tâm linh u ẩn... Còn những câu đơn giản đại loại như: đói rồi ta đi ăn cơm thôi thì họ khen là chân thật, là không phấn son chữ nghĩa, không đẽo gọt kỳ khu, giản dị như lời nói thường, cạnh tranh được cả với văn xuôi. Nếu thơ đưa cả những tiếng tục tằn vào thì họ khen là táo bạo, là có công lập lại sự bình đẳng cho ngôn ngữ, tục thanh gì cũng được coi trọng như nhau. Người được khen, mới đầu hốt hoảng, nhưng nghe khen mãi có lúc chợt ngẫm nghĩ: không chừng mình được thiên phú tài năng thơ ca? có thể lắm chứ ! Sao không? Thế là bắt đầu tai họa.

Đối với người còn trẻ thì độ mươi năm, thì chứng mê thơ có thể thuyên giảm, may ra thì khỏi hẳn. Ấy là khi người ta có nghề nghiệp, kiếm ra đồng tiền, có trách nhiệm nuôi dạy con cái và ý nghĩ xã hội cũng nhiều thiết thực từng trải. Nhưng đối với người già, rất khó chữa, lòng yêu thơ ca giống như u xơ tiền liệt tuyến, ngày một phát triển. Các cụ cứ lục xục suốt đêm dạy đi tiểu và làm thơ Các câu lạc bộ thơ mọc khắp các thôn cùng xóm vắng. Học theo các tổ chức xã hội, ngành câu lạc bộ thơ cũng đại hội toàn quốc, đại hội cấp tỉnh, đại hội cơ sở. Cũng tự chế ra bằng khen, ra huy chương Vì sự nghiệp thơ ca VN , sang trọng như huân chương Nhà nước, tặng nhau tùy theo đóng góp thơ ca và tài chính.

Có điều muốn tìm một tập thơ, thì lại không biết mua ở đâu? Thơ ế, các hiệu sách nhất tề không nhận bán thơ nữa.
Các thi huynh thi hữu bèn nảy ra sáng kiến phát hành thơ bằng... mồm: cuộc họp nào bây giờ cũng có mục đọc thơ: từ họp người cao tuổi phổ biến tiêu chuẩn ưu tiên vào đài hóa thân hoàn vũ đến họp phổ biến lịch tiêm chủng cho chó mèo phòng dại và họp để công ty mỹ phẩm quảng cáo phấn son cho đến mít tinh ngày phụ nữ quốc tế... đều có mục đọc thơ. Trong đám cưới thơ cũng được vận dụng phong phú. Họ nhà trai, họ nhà gái, đại diện chính quyền phường, mặt trận, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ... Cổ điển thì Đường luật. Dân gian thì lục bát. Nghe mà không hiểu gì thì là hậu hiện đại. Có đám tang giữa hai điệu kèn lâm khốc, phường bát âm cũng dừng lại đọc thơ kể công tích người quá cố hoặc ngâm vịnh ngợi ca cơ quan đang đến viếng. Lời lẽ châu ngọc và hài hước làm khách đến phân ưu lúng túng, mếu không ra mếu mà cười thì không dám.

Chơi thơ là việc tao nhã nhưng cái gì quá cũng không nên. Điều không nên nhất là đừng có xui (dại) người ta làm thơ. Đang yên đang lành đâm ra dở hơi dở hồn, tốn tiền tốn của, khổ vợ khổ con. Khen thơ theo kiểu viết điếu văn, lời lẽ huy hoàng choáng lộn, cũng e tổn thọ nền văn chương nước nhà lắm lắm!
Chả cứ gì thơ. Tính bầy đàn đã trở thành một thứ dân tộc tính của chúng ta.
ClapClapClapClap

Một bài phê bình cực hay !

Trong cái mớ hầm bà lằng của nồi canh thơ thời hiện đại, cọng thơ xanh vẫn cứ ngắc ngoải ất ơ !

Cảm ơn hưnh ! bài viết hay quá chừng
Còn chưa hết nạn mê thơ, đến vấn nạn chém gió. Nhà nhà đều chém, người người đều chém. Mà gió chỉ ri rỉ như mèo thở yếu ớt, khó so với quạt mo quạt máy chứ đừng nói tạo thành giông bão như các cụ Đê Tiện hội tiền bối Ngũ Đại Thi Nhơn (mới phong thêm 1 đại) năm nào, càng khó bì với cụ Hột thần thám.

Thảo nào nhà sách giờ quay lưng với nền văn hóa chém gió, không buồn đưa lên kệ. Các tiện sĩ đành phải lồng nó trong các buổi trà dư tửu hậu. Chém trơ trẻn đến độ một buổi offline năm nào ở diễn đàn Mày Tiên, có bác còn chém ngày làm cả trăm bài thơ Đường. Nghe xong cả bọn bỏ ăn không nuốt nổi nữa! Thật là trơ trẽn quá mức!
Bác ấy nói đúng mà...bác ấy đâu làm...máy nó làm không đó chứ.

Tội nhất là các cụ, sau một thời gian lăn lộn với chiến tranh, bị máy bay địch nó rượt chạy thiếu điều vứt quần mà chạy. Bây giờ hòa bình rồi, về nhà ko cầm súng thì cầm cái cuốc. Nhưng đô thị hóa nông thôn nên vác cuốc không được đành vác bút mần thơ. Lâu lâu đào được đống chữ đem ra bàn thơ anh , thơ tui nghe cũng mùi mẫn như ca cổ. Zậy mà có thằng đi ngang qua phán bừa một câu" Thơ gì thum thủm" thử có tức ói máu không chứ.

Đúng là báng bổ bánh bổ mà...hehe
Bây giờ đi đâu cũng thấy thơ.
Hầu như trang mạng diễn đàn nào cũng có 1 cái góc nho nhỏ gọi là văn thơ, nghệ thuật gì đó. Diễn đàn game, diễn đàn kinh doanh, diễn đàn hssv... cả trong trang bóng đá cũng bắt đầu thấy xuất hiện thơ. Rồi thì blog mỗi người cũng có. Thời đại internet mạnh quá mà, chỉ việc copy & paste là xong. Thế là tất cả mọi người đều có trang thơ để...giải tỏa tâm trạng riêng mình rolling on the floor.

Rồi sẽ có ngày, thơ cũng như âm nhạc, gồm đầy đủ các thể loại với từ ngữ mà được người khác đánh giá là súc tích, dễ đọc, dễ hiểu... Thôi thì đợi thêm vài năm nữa sẽ xuất hiện thể thơ...thị trường vậy rolling on the floor