Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Tận thu
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
TT - Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, người ta đã thảo luận nhiều về “luận thuyết con bò sữa“. Có người nói phải tận thu vắt sữa con bò mỗi ngày thật nhiều mới có sản lượng tối đa, người khác bảo phải nuôi nó cho khỏe để có thể cho sữa trong thời gian dài nhất. Người ta gọi những người đòi vắt sữa mỗi ngày và thật nhiều là theo “chủ nghĩa tận thu”.

Có vẻ như chúng ta đang phải đối diện với sự trở lại của “chủ nghĩa tận thu“? Phí chồng phí giao thông đến mức phi lý; thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý, không theo kịp lạm phát, không chú ý đến nhu cầu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu; đủ các loại phí mà người ta có thể nghĩ ra để thu tiền con trẻ, học sinh, sinh viên đến trường; đủ loại chi phí khi phải đến bệnh viện...

Hậu quả của tận thu ai cũng biết. Chắc chắn không ai muốn có nó. Nhưng ngay cả ấn tượng, cảm giác về sự tồn tại của lạm thu cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng và cần phải được nhanh chóng xóa bỏ.

Phần lớn các quy định về phí giao thông được ban hành có cơ sở pháp lý từ cấp cao nhất. Nhưng rõ ràng chúng còn nặng tính tận thu vì thế khó hợp lòng dân. Phải có một cơ sở pháp lý để hủy bỏ hoặc sửa đổi những quy định hợp pháp như vậy. Nhưng chúng ta chưa xây dựng được những cơ sở pháp lý đó. Đây là nhiệm vụ của lần sửa đổi hiến pháp hiện nay.

Trong hiến pháp phải có những quy định có giá trị chung cao nhất làm mục tiêu và giới hạn cho mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước để có thể vận dụng hủy bỏ các quy định của Chính phủ dù chúng phù hợp với pháp luật hiện hành nhưng không phù hợp với những giá trị chung của hiến pháp. Nếu hiến pháp quy định và công nhận phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm thì chắc chắn những quy định thuế thu nhập cá nhân nào khiến người dân sau khi nộp thuế không còn đủ tiền để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày sẽ bị hủy bỏ.

Khi hiến pháp công nhận và bảo vệ quyền tự do đi lại, quyền tự do hoạt động kinh doanh thì mọi loại phí giao thông - dù được ban hành hợp lệ nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do lưu thông cá nhân, hay quyền tự do kinh doanh (người ta vì sợ chi phí giao thông cao mà không muốn kinh doanh) cũng sẽ bị hủy bỏ.

Cũng cần phải mở rộng hơn nữa phạm vi các quyết định, hành vi quản lý nhà nước mà người dân có quyền khởi kiện hành chính.

Người dân chắc chắn sẽ vui lòng nộp thêm các loại thuế, phí nếu họ biết chắc đó là vì quyền lợi của chính mình. Nếu không thể áp dụng được cho toàn bộ thì trước mắt đối với những loại thuế, phí nhạy cảm gây nhiều tranh cãi cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc công khai, minh bạch. Thu bao nhiêu, dùng vào việc gì và ai là người giám sát, ai là người kiểm tra quyết toán đều phải công bố cụ thể cho người dân biết trước khi thực hiện.

Làm được vậy, chắc hẳn những nghi ngại về một thứ “chủ nghĩa tận thu” sẽ nhanh chóng biến mất.

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
Theo TTO
Phí ô tô và chính sách kiểu "chưởng Kim Dung"

Định hướng phát triển ngành ô tô với cuộc tranh cãi về phí chồng lên phí gợi nhớ về tuyệt chiêu võ công trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung: Song thủ hỗ bác hay trò chơi trẻ con thách đó nhau, làm thế nào để tay trái vẽ hình tròn trong khi tay phải vẽ hình vuông.
"Lão Ngoan đồng" Châu Bá Thông là một trong những cái tên đáng nhớ nhất trong thế giới nhân vật phong phú kỳ diệu của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Thứ võ công vị đạo sỹ này sáng chế có tên gọi hơi cắc cớ: "Song thủ hỗ bác". Yếu quyết của nó là hai tay cùng lúc phải thi triển hai chiêu thức khác nhau, tay này "hỗ" (yểm trợ) thì tay kia "bác" (gạt bỏ). Đối phương không biết đâu mà lần, chẳng khác nào cùng lúc phải đón đỡ sự tấn công của hai cao thủ.

Song thủ hỗ bác tương tự như một trò chơi con trẻ hay đố nhau, làm thế nào để tay trái vẽ hình tròn, tay phải vẽ hình vuông. Có lẽ vì thế, võ công này đòi hỏi người tập luyện phải sở hữu một tâm hồn trong trẻo như trẻ thơ, ngõ hầu tránh chính mình bị rối trí khi phân tâm thi triển hai tay hai thức khác nhau.

Một tay chặn xe

Chuyện thu phí các phương tiện cá nhân gần đây đã dần trở nên định hình khi Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/6/2012, với nguồn thu chính của quỹ là phí sử dụng đường bộ. Đây là số tiền được thu hàng năm tính trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Bộ Giao thông Vận tải dự thảo mức thu là 180.000-1,4 triệu đồng/tháng đối với ôtô và 80.000-150.000 đồng/năm đối với xe máy. Chưa hết, nếu đề xuất gần đây của Bộ GTVT được thông qua, ôtô có thể sẽ phải đóng thêm phí lưu hành xe từ 20 đến 50 triệu đồng/năm và phí vào nội đô giờ cao điểm 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt.

Đã có nhiều tính toán cho thấy, một chiếc ô tô có thể gánh chi phí hàng chục triệu đồng để vận hành xe hàng tháng, tiếp nối những khoản thuế và phí các loại, vốn đã chiếm trung bình hơn một nửa giá trị xe tại thời điểm thiết lập sở hữu.

Nhìn vào các động thái chính sách nêu trên, có cảm giác các phương tiện đi lại của người dân, đồng thời cũng là các phương tiện vận chuyển hàng hoá và cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế[1] đã được xem như tác nhân chủ yếu của hiện trạng tắc đường và tai nạn giao thông. Nếu so sánh với chính sách phát triển công nghiệp được cổ vũ hai thập niên vừa qua, không khỏi liên tưởng các sản phẩm ô tô - xe máy với hình ảnh của Tiêu Phong đại hiệp[2], người từ vị thế danh môn chính phái bỗng chốc thành tội đồ được cả giang hồ săn đuổi.



Nhìn vào đó, các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô - xe máy trong tương lai có thể tự ước lượng mức độ mà bàn tay hữu hình mong muốn chặn lại đà phát triển của mình.

Một tay đẩy xe

Bộ Công thương đang xem xét 12 ngành công nghiệp để xây dựng Chính
sách phát triển công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, công nghiệp mũi nhọn là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển.

Các ngành này bao gồm ôtô, xe gắn máy, điện tử, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp.

Đi kèm là danh sách các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, động cơ, khung xe, thân máy, bo mạch in...

Được biết, sau khi rút gọn xuống còn 5 ngành để đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải, bản danh sách này sẽ được chốt vào tháng 3/2012, sau đó báo cáo Chính phủ.

Một căn cứ để xây dựng công nghiệp ôtô - xe máy trở thành ngành mũi nhọn là bởi tác động lan toả của nó. Các phân tích cho thấy chỉ cần ngành công nghiệp ôtô phát triển đúng tầm cũng đã là động lực cho rất nhiều ngành kinh tế khác như điện tử (ước tính chiếm 30% giá trị trong xe ôtô), thép (cũng chiếm giá trị khoảng 30% trong xe ôtô), nhựa - cao su (vật liệu nội thất, xăm lốp.v.v.), công nghệ chế tạo máy... Cùng với đó còn là lực lượng lao động đông đảo, có kỹ năng, được đào tạo bài bản tại các nhà máy, các dịch vụ kèm theo từ hệ thống tiếp thị - hậu mãi tới vệ sinh chăm sóc xe.v.v. Công nghiệp ôtô phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng không nhỏ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sự phát triển kinh tế của một quốc gia có dân số ngót 90 triệu người.

Tay hỗ gặp tay bác, ai gánh vác cho ai?

Nếu đối chiếu với chính sách thu phí phương tiện các loại như đã nêu ở phần trên, các nhà tư vấn chính sách phát triển công nghiệp có lẽ nên khuyến nghị Bộ Công thương nhấc ngành ô tô - xe máy ra khỏi danh sách ngành công nghiệp mũi nhọn ưu tiên phát triển cho tới năm 2020, nhất là khi thời điểm tự do hoá thương mại với ASEAN đã cận kề.

Hành động này ban đầu thì nghe chừng hơi thiếu tính khuyến khích với các nhà đầu tư, vốn đã dày công bỏ vốn vào thị trường Việt Nam trong hai thập niên vừa qua. Lần lượt gần đây đó là những kế hoạch tăng vốn, mở xưởng của Piaggio, Honda, Yamaha (xe máy) hay Ford, Toyota và thậm chí dự án sản xuất động cơ đầu tiên tại Việt Nam đầy tham vọng giữa Trường Hải và Hyundai-Kia.

Nhưng thẳng thắn từ sớm còn hơn là giữa chừng quay ra nghiệt ngã. Hẳn không mấy ai muốn nhìn tình cảnh sau đây diễn ra trong vài năm tới: Các nhà đầu tư hăng hái khoanh các nhà máy sản xuất của mình theo quy hoạch hình vuông, tới khi đưa sản phẩm ra thị trường thì ngỡ ngàng nhận ra cung đường trước mặt được vẽ hình tròn như xoáy nước. Khách hàng của họ, cả cá nhân, tổ chức lẫn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, mang cái nhìn tròn trặn đi rước những chiếc xe về thì mới bàng hoàng va đầu vào góc nhọn hình vuông của những kế hoạch thu phí đều đặn trải dài như "cánh đồng bất tận".



[1] Theo ước tính của các hãng xe và các tổ chức tín dụng, ô tô được sử dụng với mục đích kinh doanh chiếm không dưới 50% lượng xe bán ra trên thị trường Việt Nam. Xét ở khía cạnh này, ô tô chưa chắc là biểu tượng của sự tận hưởng tiêu dùng cá nhân, mà trên thực tế đã tham gia vào nền kinh tế như một công cụ lao động.

[2] Bang chủ Cái Bang trong "Thiên Long Bát Bộ" của Kim Dung.

Bảo Bảo

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvi...dung-.html