Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Những mảnh vỡ của đêm
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Trang: 1 2
Cây ớt xa quê



Chị lớn lên từ những trái ớt quê nhà. Từ lúc bé lẫm chẫm bước đi, chị đã được theo bố mẹ ra vườn. Người lớn thì làm việc, còn chị thì mải mê đuổi theo những con côn trùng bé xíu cũng như chị lúc đó.

Chơi đồ hàng, chị lấy lá ớt làm cơm, trái ớt làm thịt. Thi thoảng nghịch dại, moi ruột quả ớt ra chơi để rồi cả hai tay bỏng rát, chị đã biết xoa tay vào cát ướt để cái nóng kia giảm đi phần nào.

Rồi lớn hơn, chị một buổi đi học, một buổi phụ ba chăm sóc vườn ớt_ nguồn sống của cả gia đình. Chị còn biết phơi ớt khô rồi rang với muối, cho vào hũ để mẹ mang ra chợ bán. Đến ngay cả những giấc mơ của chị cũng thấm đẫm vị cay nồng của ớt.

Chị lấy chồng xa tận mãi trên thành phố. Ngày tiễn chị đi, bố bứng một cây ớt cho vào chậu_ của hồi môn của chị đó. Hôm đó có ăn miếng ớt nào đâu mà hai mắt chị cứ đỏ hoe.

Cây ớt ba cho, chị chăm kỹ lắm. Cái cây ấy nó ra hoa, rồi bắt đầu xuất hiện lác đác những quả ớt xanh bé tí ti.

Chị khấp khởi mừng. Khoe khắp nhà chồng. Ớt nhà chị vốn có tiếng ngon mà. Ai đó thì thầm mấy tiếng “Đồ nhà quê”. Niềm vui trong chị như vơi đi một nửa, mà nỗi nhớ nhà thì cứ tăng theo cấp số nhân.

Những quả ớt chín dần, đỏ au.
Hôm ấy chị đi chợ, tìm mua con cá ngon nấu nồi canh chua. Lúc hái những trái ớt xuống để cho vào canh và làm mắm, bất giác chị thẫn thờ.

Những trái ớt tuy chín đỏ, nhưng mềm oặt ẹo.
Không lẽ ớt mà nó cũng biết nhớ mảnh đất nơi nó sinh ra?

Chén nước mắm chị pha hôm đó, ai cũng bảo mặn quá.
Chắc có mấy phần nước mắt của chị.
Nước mắt của những trái ớt xa quê…



Màu ký ức


Ngày em tiễn tôi lên thành phố. Hai đứa bịn rịn mãi, tưởng không thể xa nhau. Nhưng vì tương lai của em, vì hạnh phúc của chúng tôi mà tôi đành nuốt nước mắt ra đi.
Tàu lăn bánh. Chiếc áo bà ba vàng nhạt của em lẫn trong những chiếc áo trắng học trò ra ga đưa tiễn thầy cứ mờ dần, mờ dần như mảnh nắng nhạt nhòa mùa đông.

Giữa thành phố xa hoa, giữa bồn bề những con số, đôi lúc tôi thấy mình kiệt sức. Nhưng nụ cười của em, những lá thư em viết màu mực tím biêng biếc đong đầy nỗi nhớ… giúp cho tôi thêm sức lực.

Làng tôi và em nghèo lắm. Cái nghèo thấm sâu vào từng thớ đất đến độ gieo trồng gì cũng chỉ sinh ra thêm những cái nghèo khác mà thôi. Tôi và em chung lớp, chung con đường đến trường quen thuộc, rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay.

Học xong cấp ba, em ở nhà phụ gia đình buôn bán. Tôi học cao đẳng sư phạm với ước mơ mang con chữ đến những mái đầu khét nắng của trẻ con quê tôi.

Cái nghề thanh đạm, lương ba cọc ba đồng. Em vẫn ủng hộ mơ ước của tôi. Nhưng ba em thì kiên quyết: không để con gái ông phải chịu sống cảnh nghèo khó cùng tôi.

Thương em, tôi từ bỏ hoài bão của mình, quyết tâm lên thành phố lập nghiệp, để ba em rồi có thể bằng lòng cho hai đứa đến với nhau.

Những con số quay vòng, những con chữ đảo điên. Em đi lấy chồng _ một công tử giàu có theo sự sắp đặt của gia đình. Nhận được thư báo của người bạn thân, tôi vội trở về, để chỉ kịp nhìn thấy em thật đẹp trong tà áo cưới mà chú rể không phải là tôi.
Tà áo dài đỏ của em nổi bật trong ráng chiều rực rỡ. Chỉ riêng tôi khuất dần phía bóng tối với hàng ngàn mảnh vỡ vụn không biết nên ráp lại từ đâu.

Tôi lại trở về với những dãy số dài như vô tận. Không còn em, tôi chẳng biết mình nên bám víu vào đâu. Tôi lấy công việc lấp đầy những khoảng trống em để lại. Những khoảng trống như chiếc lỗ đen vũ trụ, hút cạn mọi thứ tôi dùng để trám lòng mình.

Nhưng thời gian là liều thuốc an thần hiệu nghiệm. Nỗi đau trong tôi nguôi dần, chỉ còn là những vệt màu loang lổ: chiếc áo bà ba vàng nhạt của em, tà áo cưới rực rỡ hôm nào, cả những con chữ tím biêng biếc… tất cả như hòa lẫn vào nhau thành một thứ màu vừa nhàn nhạt vừa thăm thẳm. Tôi gọi đó là màu ký ức.

Tôi tìm về với quê, tìm về với những đứa trẻ mái đầu khét nắng sau bao năm mệt mỏi giữa cơm áo gạo tiền nơi thị thành. Con cái tôi giờ cũng đã có gia đình và đứa nào cũng ủng hộ cho cái quyết tâm mở lớp học tình thương của một ông công chức về hưu như tôi.

Tôi gặp lại em giữa buổi chợ trưa chang chang nắng.
Em bây giờ đã khác hẳn ngày xưa.
Ừ, mấy mươi năm rồi chứ có ít gì đâu.
Đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, những bước chân bấm sâu vào đất. Cái nghèo vẫn tìm đến với em.

Tôi muốn lắm, gọi một cái tên, nhưng cổ họng cứ tắt nghẹn. Cái bóng nhỏ bé, chông chênh của em xa dần.
Tôi ngẩn ngơ trông theo mãi, chỉ còn thấy thấp thoáng tà áo em mặc.
Chiếc áo bà ba mang cái màu vừa nhàn nhạt vừa thăm thẳm.
Tôi gọi đó là màu ký ức.





Khe cửa hẹp



Tuy cùng mang hai tiếng tuổi thơ, nhưng những ký ức ấy trong mỗi chúng ta đều rất khác nhau: với bạn có thể là ô cửa xanh ngăn ngắt mây trời, hay với người là những trò chơi giữa cái nắng oi nồng mùa hạ… Còn tuổi thơ tôi lại gắn liền với một khe cửa hẹp.

Ngày ấy bố mẹ đều đi làm cả ngày, tôi chưa đến tuổi đi học, và gửi nhà trẻ lúc này là một điều vượt quá mức chi tiêu của gia đình. Vì vậy cứ sáng sáng, bố mẹ khóa cẩn thận cửa nẻo trước khi đi làm, còn tôi thì tha thẩn chơi giữa bốn bức tường dán kín mít bằng giấy báo. Tôi chơi chán thì cũng là lúc đói bụng và biết lấy cơm mẹ đã nấu sẵn ủ kỹ trong cà mên vẫn còn âm ấm ra mà ăn, rồi lại tiếp tục những trò chơi một mình.

Và trò tôi thích nhất là nhìn mọi người qua khe cửa nhà mình. Chắc ai thấy cảnh tượng một con bé nằm bẹp dí, ép sát người xuống nền xi măng, đầu nghiêng hẳn về một hướng, thô lố mắt nhìn qua khoảng không giữa cánh cửa và nền nhà thì chắc không khỏi phì cười.
Con bé ấy là tôi đấy.
Ai biết được một khe hở chỉ đủ đút lọt mấy ngón tay mũm mĩm của trẻ con lại là cả một vũ trụ tuổi thơ của tôi.

Qua khe cửa tôi có thể nhìn thấy những đóa hoa nắng lung linh, tinh nghịch rơi đầy ngoài hiên nhà, có bông còn lém lỉnh đến độ chui tọt qua khe cửa, áp vào mặt tôi. Nong nóng.
Và trận mưa rào chợt đến chợt đi, còn mau hơn cả những giọt nước mắt vẫn chưa kịp khô trên mi tôi lóng lánh. Những hôm trời mưa ấy, khi nằm nhìn qua khe cửa, tôi cứ phải xuýt xoa vì cái lạnh âm ẩm của nền xi măng.

Tôi nằm đợi cả những vòng bánh xe quen thuộc của bố mẹ khi chiều tàn_ lúc những nhà hàng xóm thở ra mùi thức ăn thơm sực nức. Chỉ cần thấy những vòng bánh xe ấy, rồi đôi ủng to của bố, bàn chân gầy gầy của mẹ hiện ra trước cửa, tôi sẽ đứng phắt ngay dậy, mặt mày hớn hở chuẩn bị chờ đón những cái ôm thật ấm áp. Và chẳng mấy chốc nhà tôi cũng thở ra mùi thức ăn thơm phưng phức kia.

Rồi cả hình dáng bước chân của cô bán tàu hũ đường quen thuộc. Chỉ cần nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu xanh lá, hai ống quần vải đen sờn thấp thoáng đầu ngõ, tôi biết ngay là cô mà không cần nghe đến tiếng rao ngọt hơn cả nước đường cô nấu: “Ai ăn tàu hũ nước đường không………”
Lúc đó tôi sẽ thì thầm nho nhỏ. “Cô ơi, cô đợi đến cuối tuần nha. Khi ấy cháu sẽ ăn. Ăn tận hai chén cơ!”
Vì tôi biết cuối tuần bố hay mẹ sẽ mua tàu hũ cho tôi. Ngày hôm đó, tôi cũng không cần nằm bẹp dí chờ bóng dáng đôi dép cô, mà có thể hiên ngang ngồi ngay trước cửa nhà đợi tiếng rao ngọt lịm kia.

Thoang thoảng mùi thơm ngòn ngọt của chuối chiên pha lẫn mùi ngầy ngậy béo của khoai lang rán vàng từ nhà đối diện bay đến. Nhà của thằng Sún_ bạn thân nhất của tôi những ngày thơ ấu đấy. Tôi chỉ thích hít hà hương thơm những món rán vàng ấy chứ không dám ăn vì sợ răng tôi rồi sẽ sún hết như răng thằng bạn (thật ra lúc đó nó đang thay răng.) Tôi hay nằm bên khe cửa, Sún nằm phía bên ngoài. Dĩ nhiên lúc nhà nó đã ngủ trưa, chứ thấy cảnh con mình đang nằm trên nền đất giữa cái nắng chang chang, thế nào mẹ nó cũng phết cho nó mấy roi.
Một hôm, tôi mải mê nhún nhảy trên ghế, hăng say đến độ té sấp xuống nền nhà. Lúc ấy không thấy đau, nhưng tôi vẫn khóc. Khóc thật to, miệng ngoác cả ra, mong bố mẹ sẽ chạy đến đỡ mà quên mất chỉ có mình tôi đang ở giữa bốn bức tường. Thế mà Sún vẫn nghe tiếng tôi khóc. Nó vội chạy qua và nằm bẹp xuống đất mà hỏi:

- Ti ơi. Sao mày khóc thế?

Được người hỏi thăm tôi càng khóc lớn. Thằng Sún chẳng biết nghĩ gì mà lại biến mất, tôi chả còn nhìn thấy đôi mắt đen lay láy của nó nữa. Thế là đành tạm thời nín khóc, nằm ép bụng xuống sàn nhà và gọi váng lên:

- Sún ơi? Mày đâu rồi.

- Tao đây nè.

Thằng Sún lại xuất hiện trước mắt tôi. Hay đúng hơn là cặp mắt nó xuất hiện trước mắt tôi.

- Sao mày khóc dữ vậy?
- Tao té.
- Đau không?
- Không.
- Không đau. Sao mày khóc?
- Tao cũng không biết. Tự nhiên khóc thế thôi.
- Mày nín đi. Cho mày nè.

Nói rồi, thằng Sún đút mấy ngón tay qua khe cửa, đẩy theo một miếng khoai lang vàng rộm.

- Tao không ăn đâu. Ăn rồi sún như mày à?

Sún giận tôi. Nó bỏ về. Miếng khoai lang nằm chỏng chơ trên mặt đất.

Dĩ nhiên là mấy ngày sau, hai đứa trẻ lại làm huề nhau ngay.
Nhưng từ đó Sún cũng không bao giờ mời tôi một miếng khoai hay chuối nào nữa.
Tôi lớn dần lên, cũng biết thích món ấy, nhưng vẫn len lén đi xa nhà mua ăn, chứ không dám ăn ở nhà Sún.


Năm tháng cứ lặng lẽ trôi, nhà tôi chuyển đi nơi khác. Tôi thành vợ rồi cũng được một đứa trẻ gọi bằng âm thanh trìu mến là: mẹ.

Một hôm đang nấu nướng sau bếp, tôi chẳng thấy đứa con gái bé bỏng đâu. Vội quày quả lên nhà trên thì thấy… bé đang nằm ép sát mình xuống nền nhà, chăm chú nhìn qua khe cửa sắt. Tôi bèn nhấc bổng bé dậy, xoa xoa cái bụng nhỏ mát lạnh và hỏi:

- Con đang làm gì vậy?

Con bé mân mê mấy sợi tóc lòa xòa của tôi, rồi líu lo nói:

- Con đợi bố về. Chỉ cần nhìn qua khe cửa, thấy đôi giày của bố hiện ra trước cửa là con sẽ được đón bố ngay.

Tôi ôm thật chặt con vào lòng. Những ký ức ngày xưa cứ chực tuôn trào.

Chỉ một khe cửa hẹp nhưng với trẻ con lại là cả một vũ trụ bao la.
Bởi có lẽ đứa trẻ nào cũng không chỉ nhìn bằng mắt mà còn ngắm mọi vật vớt tất cả trái tim trong veo của nó.

Ai cũng từng một thời là trẻ con…


Những biểu tượng thuộc về nhau

Đêm Đà Lạt lạnh đến nao lòng. Cái lạnh mà đối với dân bản địa là hơi thở của sương, còn với những du khách đi một mình như tôi thì hay thích gọi văn hoa hơn là cái lạnh của tâm hồn.

Kéo cao cổ chiếc áo khoác lên một chút, tôi quyết định tìm một nơi để dừng chân và làm ấm lại những gì còn có thể sưởi ấm. Loanh quanh lên xuống các bậc thang, rồi tôi ghé vào một quán bar cà phê nhỏ.

Quán chẳng có gì đặc biệt. Dăm chiếc bàn gỗ kê sát bốn bức tường. Chút nhạc xưa vang vọng từng ngõ ngách ngay khi đẩy cửa bước vào. Không muốn ngồi một mình ở những chiếc bàn phủ khăn trải carô, tôi tìm đến quầy bar hy vọng có ai đó để trò chuyện.

Người pha chế hơi ngẩng đầu lên khi nhìn thấy tôi. Đó là một thanh niên còn khá trẻ, nhưng lại có cái nhíu mày như của một ông lão đã từng sống qua hai thế kỷ.

- Cho tôi Café Royale.

Nhìn cách anh rót rượu từ từ vào ly café, rồi ngọn lửa bùng lên. Tôi thấy lòng mình ấm hơn một chút. Nhưng rồi ánh mắt tôi lại bị thu hút bởi những mảnh giấy dán phía sau lưng người pha chế. Những mẩu giấy trắng đủ hình dạng, kích thước. Mỗi mảnh mang một hình vẻ khác nhau. Có cái là tấm gương, cái là đóa hồng_ với nét vẻ tượng trưng nhiều hơn là miêu tả. Thấy tôi chăm chú nhìn những hình ảnh ấy. Người pha chế giải thích:

- Đó là những biểu tượng?
- Những biểu tượng?
- Đúng vậy. Con người ta đôi khi không thể nào hiểu nổi được hết bản thân mình. Khi đó, họ thường mượn các hình ảnh sự vật khác để có thể giúp khái quát lại một phần nào tính cách của họ.
- Nghe cũng thú vị thật! Của anh hết à?
- Không, là của du khách ghé quán và để lại.

Tôi khẽ gật gù và tiếp tục thưởng thức ly cocktail. Bỗng cảm giác như có ai chăm chú nhìn mình, tôi ngẩng đầu lên. Người thanh niên pha chế đang hý hoáy vẽ cái gì đó. Nhưng ngay cả khi anh ta cúi đầu, tôi vẫn có cảm giác anh đang nhìn thẳng vào “cái tôi” sâu thẳm của tôi.

Đêm càng lúc càng đậm đặc hơn. Tiếng nhạc khó nhọc lắm mới len lỏi qua được tầng tầng không khí sương giá mà vọng đến tai tôi_ những âm thanh đục và ngắn hơn bình thường khá nhiều. Tôi nghĩ đã đến lúc mình nên trở về khách sạn, mở máy tính và biết đâu may mắn sẽ nhận được một lá mail_ để ít nhất hiểu rằng ai đó còn đang biết đến sự tồn tại của mình.

Thay vì chỉ nhận được hóa đơn tính tiền, tôi còn được khuyến mãi thêm một mảnh giấy nhỏ.

- Là?
- Tôi nghĩ biểu tượng này khá hợp với cô? _ người pha chế khẽ trả lời.
- Một con ốc không vỏ?
- Đúng.
- Anh hay vẽ cho khách thế này à?
- Không. Cô là lần đầu tiên.
- Sao lại muốn vẽ cho tôi?
- Vì ngay từ lúc cô ngồi vào chiếc ghế trước mặt tôi. Cô đã ám ảnh tôi.

Gấp mảnh giấy lại, tôi ra về_ với một nỗi ám ảnh.


Tôi gọi cô ấy là một nỗi ám ảnh_ ngay lần đầu tiên mắt tôi chạm vào mắt cô ấy. Lúc đó trong tôi, như có những sợi dây căng ra hết mức, rồi tất cả đều đứt phựt. Tôi vẫn nhìn, vẫn nghe, pha chế thức uống, nhưng tôi biết một phần hồn mình đã rơi vào trạng thái vô thức. Tôi không biết tại sao, cũng không biết cô ấy đã làm gì với tôi. Tôi chỉ biết duy nhất một điều là khi nhìn thấy cô ấy, tôi mới có cái cảm giác mang tên trọn vẹn. Như bức vẽ biểu tượng mà tôi đã trao cho cô ta. Cô ấy là một con ốc không vỏ, còn tôi chính là chiếc vỏ cô còn thiếu kia. Chúng tôi là một đôi sinh ra để lấp đầy khoảng trống của nhau.

Không cần phải hẹn gặp, hay tìm cách liên lạc. Tôi biết rồi cô ấy sẽ quay lại.
Ngay tối hôm sau. Vẫn áo khoác trắng và chiếc khăn choàng xám hờ hững, trông cô hôm nay vừa mệt mỏi lại vừa háo hức. Hình như cô cũng trang điểm, chỉ một chút thôi rất nhẹ nhàng.

- Như hôm qua.
Tôi chăm chú pha ly cà phê đặc biệt cho cô. Không phải thay đổi công thức, hay nguyên liệu mà tôi cho vào đó rất nhiều, nhiều đến độ không thể đếm hết cảm xúc của tôi. Cô khẽ nhăn mặt khi môi vừa chạm vào thành ly.

- Anh quá nhiệt tình rồi!

Tôi giả vờ như không nghe cô nói, chăm chú lau chùi những chiếc ly đến độ sáng bóng lên. Cô vẫn ngồi đấy trước mặt tôi, hơi lơ đãng theo tiếng đàn piano dìu dặt. Một đôi tình nhân đẩy cửa bước vào. Ngay lúc ấy hình như tôi đã nhìn thấy một tia sáng ánh lên trong mắt cô. Chỉ một tích tắc mà thôi.

Hôm nay cô về sớm hơn hôm qua. Hết ca làm, tôi chậm rãi ra về, thấy thèm một điếu thuốc_ thứ mà tôi chưa từng chạm môi đến. Bước xuống những bậc cầu thang, bóng người con gái ám ảnh tôi hiện lên mờ ảo, dù vậy tôi vẫn có thể nhận ra cô ngay cả từ sau lưng.
Cô khẽ mỉm cười.

- Tôi chờ anh.
- Tôi biết. Tôi đưa cô về nhé!
- Uhm.

Rồi chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau. Không đủ gần như những đôi tình nhân, nhưng cũng chẳng đủ xa như hai người xa lạ. Mỗi lần vượt qua một con dốc là mỗi lần tôi thấy trái tim mình như rớt lại phía đằng sau. Có một lúc, tôi đưa tay dìu cô qua bậc thang trơn ướt. Cô nắm bàn tay tôi rất nhanh rồi buông ra ngay. Có lẽ cô cũng đang như tôi. Xáo trộn.


Người thanh niên ấy đã làm mọi thứ trong tôi xáo trộn.
Tôi không biết mình đang làm gì nữa, tôi chỉ biết là tôi muốn gặp anh ta. Khi lần đầu tiên bàn tay tôi chạm vào bàn tay anh ấy. Tôi biết có gì đó vừa rơi vỡ trong tôi.
Nát vụn.
Sợ hãi tôi rút tay về ngay. Tôi sợ chỉ cần để lâu thêm một chút, tôi sẽ không bao giờ còn là tôi như cũ nữa.

Chắc bạn bảo đây là tiếng sét ái tình?
Tôi biết không phải. Tôi chưa thấy những rung động, hay cảm giác yêu thương nhung nhớ. Trong tôi chỉ có những dòng cảm xúc thật mãnh liệt chảy tràn qua mọi ngóc ngách cơ thể tôi.

Tôi sợ, sợ anh ấy có thể nhìn thấy con người thật của tôi. Nhưng tôi muốn, không, phải nói là khao khát được chạm vào anh ấy.

Ngày thứ ba, tôi trở lại quán.
Hơi sớm hơn bình thường. Không có anh. Tôi chọn một chiếc bàn hơi khuất ngồi nhâm nhi một tách sôcôla. Một lúc sao, anh xuất hiện. Tôi nhìn anh không chớp mắt. Nhìn từng lọn tóc, khóe mắt, những gón tay gầy gầy của anh. Tôi muốn thu giữ những hình ảnh đó thật lâu, thật đậm. Vì tôi sợ chỉ cần tôi nhắm mắt lại, anh sẽ tan biến, và thứ tôi còn nhớ về anh chỉ là ly cocktail quá nhiều cảm xúc.

Suốt buổi tối hôm ấy, tôi chỉ ngồi lặng lẽ quan sát anh. Tôi biết anh nhận thấy điều đó, nhưng không hề có phản ứng gì. Tôi cứ đợi và đợi. Đợi cho đến khi anh hết ca làm lại đưa tôi về như hôm qua. Chỉ khác là lần này, tôi về nhà anh.

Đừng hỏi tôi đó là một căn phòng như thế nào?
Tôi không nhớ gì cả, trước mặt tôi chỉ có anh. Trong mắt tôi, cũng chỉ có thể thấy anh.
Đêm ấy, tôi nằm trên chiếc giường anh vẫn ngủ, đắp chiếc chăn anh vẫn đắp hàng ngày, lắng nghe tiếng thở đều đều của anh ngoài phòng khách… lần đầu tiên tôi biết mình sẽ ngủ ngon, ở một nơi xa lạ mà tôi còn có cảm giác thân thuộc hơn cả nhà mình.

Không phải hơm ấm từ chiếc chăn, không phải sự êm ái của tấm đệm làm tôi cảm thấy ấm áp. Mà là ngọn lửa của anh đã lan tỏa đến trái tim tôi.


Sáng hôm sau, tôi thức dậy thì cô ấy đã đi rồi. Tôi muốn tìm chút hơi ấm của cô ấy để lại cũng không có. Tất cả mọi thứ đều phẳng phiu, tinh tươm như cô ấy chưa từng xuất hiện.
Lần đầu tiên, tôi cảm thấy trơ trọi trong chính ngôi nhà của mình.
- Mai tôi sẽ về thành phố.

Tôi khẽ nhíu mày khi nghe cô ấy nói thế. Hôm nay cô trang điểm khá đậm. Màu son đỏ nổi bật hẳn lên. Tôi bần thần.

- Vì tôi?
- Không phải vì anh, mà là vì bản thân tôi thôi.
- Cô sợ ư?
- Hơn cả sợ đấy chứ. Như anh nói… Đó là ám ảnh.

Rồi tất cả rơi vào im lặng. Một lúc lâu sau cô ấy khẽ nhấp môi một chút rồi đưa tôi ly cà phê.

- Uống nốt giúp tôi nhé!

Tôi cầm chiếc ly sóng sánh, tìm nơi môi cô vừa đặt vào. Một vệt son mờ mờ. Tôi đặt môi mình vào đó. Vừa chạm vào thành ly, tôi liền biết đấy là một nụ hôn cô gửi lại. Những ấm áp nồng nàn từng chút rót vào cuống họng tôi, rồi bỗng mọi thứ trở nên cay nhẹ và đắng chát. Ly nước cạn, nụ hôn cũng dừng lại. Chia tay cũng có vị như khi nụ hôn kết thúc ư?
Lần thứ hai tôi lại cảm thấy trơ trọi dù cô ấy vẫn đang còn tồn tại trước mặt tôi.
Vì tôi biết chúng tôi mãi mãi không thuộc về nhau.
Cô ấy là con ốc mất vỏ. Tôi là cái vỏ ốc rỗng toang. Chúng tôi là của nhau, nhưng không dành cho nhau. Tôi và cô ấy đã quen với sự cô độc, khiếm khuyết của mình quá lâu rồi. Lấp đầy nhau? Chỉ làm cả hai thấy trống trải nhiều hơn mà thôi.


Đà Lạt vẫn lạnh cái lạnh đến nao lòng.
Tôi con ốc không vỏ, có tìm bao nhiêu thứ khoác lên người vẫn không đủ ấm.
Quán cà phê ngày xưa. Không còn anh.
Phía sau quầy bar vẫn đính đầy những mảnh giấy vẽ biểu tượng.
Một chiếc vỏ ốc rỗng.
Chiếc vỏ ốc của tôi.
Vụn vỡ…
Cô bé xây lâu đài cát


Cô bé ngồi chăm chú xây một tòa lâu đài bằng cát bên bờ biển, nhưng rồi một cơn sóng ập vào, cuốn trôi tất cả những gì cô bé đã làm. Cô thẫn thờ nhìn thành quả của mình tan theo bọt biển, rồi bật khóc.

Sóng vẫn vô tình, hát mãi khúc hát thiên thu.


Thất vọng. nhưng rồi cô bé kia vẫn tìm đến biển mộng mơ, vẫn muốn lần nữa dựng nên lâu đài cổ tích. Lần này cô dựng thêm hàng hàng những vỏ ốc, những mảnh gỗ nhặt vội trong chiều, để ngăn những con sóng cuốn theo ước mơ của cô. Sóng vẫn cuồn cuộn ập vào, cô bé cũng không hề nao núng. Bỗng sóng cất lời du dương:

- Cô bé ơi. Lâu đài của cô xinh đẹp quá. Tôi muốn đến mà nhìn ngắm thật gần. Có được không cô bé?

Cô bé ngây thơ hỏi lại:

- Nhưng sóng hứa chỉ nhìn ngắm thôi. Đừng cuốn theo lâu đài của tôi nhé!

Sóng gật đầu bảo cô bé hãy yên tâm.

Cô bé bèn tháo đi những hàng rào quanh lâu đài nhỏ cho sóng tiến vào. Từng cơn sóng dập dìu uốn quanh lâu đài cát, rồi bất ngờ quay ngoắt trở về biển, mang theo cả niềm tin của cô bé.

Lần thứ hai, cô bé vẫn khóc.

Đứng trước biển cô bé hét thật to:

- Tại sao sóng lại nói dối tôi? Tôi đã xem sóng là bạn mà...

Sóng không trả lời, chỉ có tiếng cô bé vang vọng, rồi chìm dần vào biển khơi sâu thẳm.



Cô sẽ không tin vào sóng nữa. Cô bé tự nhủ lòng như thế rồi bắt tay xây dựng lại lâu đài cát của mình. Từng con sóng sáng sáng chiều chiều ghé ngang qua, hát những bài ca dịu dàng nhất vẫn không làm cô bé mềm lòng. Nhưng rồi có một con sóng bạc đầu hàng ngày chỉ im lặng ngắm nhìn cô bé làm việc, thi thoảng lại khe khẽ thở dài... Tiếng thở dài của con sóng kia làm cô bé thấy nao lòng. Một ngày kia, cô bé hỏi:

- Tại sao sóng lại thở dài ?

- Vì tôi cô đơn, cô bé ạ.

- Thế ư? Tôi cũng cô đơn giống sóng vậy...

- Chúng ta có thể làm bạn với nhau không cô bé ?

- Không, tôi không còn tin vào các con sóng nữa đâu. Con sóng nào cũng chỉ muốn làm tôi tổn thương cả.

- Nhưng một con sóng cô đơn như tôi thì không bao giờ làm vậy đâu...

Cô bé rồi cũng xiêu lòng và kết bạn với con sóng bạc đầu. Ngày ngày cô bé lại ra bờ biển xây tiếp lâu đài của mình. Còn sóng thì lững lờ kề bên kể chuyện cho cô bé nghe... Chuyện về những rặng san hô rực rỡ, về những con trai ẩn tình giữa biển giấu trong lòng những bí mật diệu kỳ...

Mỗi ngày trôi qua, khi tình bạn của cô bé và con sóng càng thêm thắm thiết. thì lâu đài cô bé xây dựng cũng càng cao và vững chắc lên. Cô bé còn trang trí thật đẹp cho lâu đài cát của mình.

Nhưng đến một ngày, sóng lại thở dài. Cô bé cũng buồn hiu hắt.

- Có tôi rồi. Sóng vẫn thấy cô đơn ư?

- Không, không phải. Chỉ là, tôi ước ao sao một lần được ngắm nhìn tòa lâu đài của cô bé thật gần. Tôi thích cô bé lắm, và quý cả những gì bàn tay cô bé chạm vào.

- Nhưng tôi sợ, sóng rồi sẽ như những con sóng khác, lại cuốn đi mất lâu đài của tôi.

- Không. Tôi sẽ không làm thế với người tôi yêu quý đâu.

- Tôi cũng quý sóng lắm. Và tôi chẳng muốn nghe sóng thở dài. Thôi được rồi...

Thế là cô bé lần nữa lại mở toang những hàng rào, cho con sóng tiến vào tòa lâu đài cát.

Sóng luồn lách quanh lâu đài, miệng cứ xuýt xoa khen: đây là tòa lâu đài đẹp nhất mà nó từng thấy.

Cô bé cũng mỉm cười. Không phải vì lời khen của sóng mà vì ánh mắt đáng lấp lánh hạnh phúc của con sóng kia.

Bỗng sóng lại thở dài... Cô bé lo lắng hỏi:

- Sao thế sóng? Sóng vẫn không vui ư?

- Ừ. Vì tôi sắp có một thứ xinh đẹp nhưng cũng sẽ mất đi một điều quý giá.

- Là sao vậy sóng?

Sóng không trả lời chỉ cuồn cuộn dâng cao, cuốn phăng phăng theo tòa lâu đài của cô bé trở về với biển. Cô bé thảng thốt nhìn con sóng xa dần... vang đâu đây là lời vĩnh biệt của con sóng bạc đầu và tiếng thở dài của cô bé. "Tại sao vậy sóng? Nếu sóng thích, tôi có thể tặng sóng cả tòa lâu đài, sẽ xây cho sóng hàng ngàn lâu đài khác. Tại sao sóng lại cứ cuốn trôi hy vọng và cả niềm tin của tôi..."

Nhưng lần này cô bé không khóc nữa. Sóng đã có một thứ xinh đẹp, và cũng mất đi một điều quý giá.

Cô bé cũng mất đi điều một điều quý giá. Nước mắt của cô...


Chiều chiều, cô bé vẫn tìm về với biển, nhưng không còn xây cho mình thêm một tòa lâu đài nào khác.

Cô không phải sợ sóng sẽ cướp mất thành quả của cô mà chỉ sợ trái tim mình không đủ lớn để chứa thêm nỗi thất vọng nào nữa, nhưng cũng không đủ nhỏ để làm ngơ trước tiếng thở dài của một con sóng cô đơn...

Và nước mắt cô bé không thể rơi, nhưng niềm đau thì cứ chảy tràn trong từng góc tâm hồn... Cô bé đau vì một niềm tin ngô nghê cho đến tận bây giờ : ngoài biển khơi xa xăm kia, rồi sẽ có một con sóng không bao giờ nói dối hay làm tổn thương cô bé dù chỉ một lần...

Có lẽ cô bé không ngờ rằng... mình lại đang xây lên...một lâu đài cát...
Nhà có hai người


Nhà chỉ có hai người, diện tích cũng chẳng rộng rãi gì. Vậy mà đi ra đi vô thi thoảng mới nhìn thấy mặt nhau.

Sáng. Họ cùng thức dậy, vội vã chuẩn bị đi đến chỗ làm. Cả hai chỉ kịp gật đầu chào nhau một cái, rồi đường ai nấy đi.

Chiều tối họ trở về nhà mang theo một túi đựng đầy mệt mỏi của cả ngày làm việc.Và một trong hai người sẽ phải đi nấu cơm.
Rồi họ lặng lẽ cùng nhau ăn tối_ trong yên lặng.

Mọi việc cứ tuần tự diễn ra như thế từ ngày này sang ngày khác, như một chiếc đồng hồ chẳng bao giờ chạy nhanh hay chạy chậm lấy một phút.


Thỉnh thoảng, người ta thấy một người trở về mặt mày hớn hở, cười thật tươi với người kia vì hôm nay được sếp cân nhắc tăng chức. Người thứ hai cũng vui mừng cho bạn mình.

Lại có khi, một người về nhà với gương mặt ủ dột, chẳng thèm liếc nhìn hay chào người kia một tiếng. Anh bạn còn lại cũng hiểu và không xuất hiện trước mặt bạn mình một lần nào.


Cứ thế hai người tiếp tục sống lặng lẽ cùng nhau cho đến ngày... cây đinh treo tường rời khỏi vị trí của nó mang theo chiếc gương cùng tìm về với mặt đất.
Những mảnh thủy tinh văng tung tóe.

Một người gom nhặt lại những mảnh vỡ trong tiếng thở dài.

Căn nhà giờ chỉ còn có một người.
Du mục



Tôi đưa em về với biển. Như một đứa bé thơ được trở về với mẹ, em ùa vào lòng biển. Tiếng cười em hay là tiếng sóng biển đang reo vui?

Chậm rãi, tôi đốt mốt điếu thuốc. Từng sợi khói bảng lảng hòa tan vào không khí, thấm vào trái tim tôi nỗi miên man khó tả. Em quay lại, khẽ nhăn mặt:

- Anh lại hút thuốc rồi.

Tôi cười khẽ:

- Một điếu thôi. Anh thấy hơi lạnh. Em không lạnh à?

- Không. Nước ấm lắm, anh ra đây đi.

Dụi tắt điếu thuốc, tôi mon men đi về phía em. Cát ướt trải mịn dưới chân rồi tôi cũng bước vào lòng biển. Lạnh buốt.

Thấy tôi nhăn mặt, em cười khúc khích. Chỉ muốn cốc đầu em một cái thật đau.

- Lạnh thế, mà em bảo ấm.


Em lý sự lại ngay:

- Nước biển ấm hay lạnh là do lòng người thôi. Giống như em thấy ấm vì lúc nào ở cạnh anh em cũng thấy ấm áp. Còn anh thấy lạnh vì…

Em khẽ xuống giọng:

- Vì em chưa đủ sức sưởi ấm trái tim anh.

Rồi em cúi mặt xuống. Từng sợi tóc lòa xòa khẽ vờn trong gió. Tôi biết mắt em đang rơm rớm. Khẽ kéo em về phía tôi và ôm em vào lòng, tôi nói:

- Em ngốc quá. Toàn nghĩ chuyện vớ vẩn.

Em không nói gì, chỉ vòng tay ôm tôi thật chặt. Thật chặt như chỉ cần một phút sơ sảy, tôi sẽ tan biến ngay.


Quán cà phê cũ, chỗ ngồi quen thuộc. Không em, tôi có thể chậm rãi đốt từng điếu thuốc mà không sợ em cằn nhằn. Bây giờ em đang làm gì? Chắc đang trong lớp. Tâm trí tôi bỗng vẽ vời một hình ảnh em nghiêng nghiêng ngồi chép bài, tóc vén để lộ một bên tai. Tôi thích nhìn và vuốt ve vành tai em. Khi đó em chả khác gì một chú mèo con: ngoan ngoãn và dễ bảo.

Nhấp một ngụm cà phê đen và đặc, vị đắng chát mãi không tan. Tôi vốn là kẻ thích những gì rõ ràng và đậm chất. Còn em? Em trong trẻo và cũng nhạt quá đối với tôi.

Có lẽ tôi ở cạnh em, chỉ vì em yêu tôi?
Một kẻ lãng tử như tôi_ thêm một cuộc tình hay bớt đi một tình nhân cũng chỉ thế thôi. Tôi có thể dành tặng nụ hôn nồng nàn cho tất cả những cô gái trên đời. Nhưng tình yêu thì tôi chỉ có thể trao duy nhất cho một người_ và thật may mắn cho em khi đó không phải là em.


Tôi không yêu em.

- Mình chia tay nhé anh!

- Tùy em.

- Ừm.


Thế đấy, chúng tôi chia tay nhẹ nhàng, chẳng có gì ầm ĩ. Chỉ là tôi thấy hơi nhoi nhói trong lòng.
Còn em? Thật sự tôi không biết em đang nghĩ gì? Vì đã bao giờ tôi hiểu về em đâu.


Tôi về với biển. Một mình. Nghe sóng biển vỡ òa dưới chân. Toan châm một điếu thuốc rồi lại thôi. Thấy lòng mình hoang hoải chẳng khác chi một cơn gió phiêu lãng. Có ai mơ có thể giữ được một cơn gió suốt đời?

Bỏ lại biển sau lưng, tôi trở về thực tại. Thắp cho mình một ánh lửa mới, lửa bập bùng thu hút bóng thiêu thân. Thiêu thân cháy vì tình, tôi cháy vì khát khao không trọn. Chẳng ai có thể lấp đầy lòng thảo nguyên bao la.

Nhoi nhói đau.

“Anh là một kẻ du mục. Nên tình yêu anh dành tặng cho người cũng chỉ có thể là tình yêu của một kẻ du mục mà thôi…”
Tại sao Nắng không xuất bản truyện ngắn nhỉ ?
Chật


Anh vẫn hay nói đùa với mọi người là:
- Chúng ta cũng chỉ như những con dế sống trong mấy chiếc hộp mà thôi.

Vuông vức và tù túng.

Mỗi ngày cứ đúng giờ thức dậy, chuẩn bị đi làm, chui từ một chiếc nhỏ sang một chiếc hộp to hơn với đủ thứ mùi pha trộn trong âm thanh e e của những chiếc máy lạnh mà từ bao giờ bật nó đã trở thành một thói quen như bật công tắc đèn..

Anh không biết cảm giác của những con dế bị nhốt trong hộp thế nào. Còn anh_ anh cảm thấy ngột ngạt. Anh thèm một bãi xanh ngút ngàn, thèm cả cái mùi cỏ mới cắt ngai ngái.
Và bất giác không hiểu tại sao, mỗi khi nhìn từng dòng nước mưa chảy ngoằn nghoèo trên ô cửa kính, anh lại cảm thấy khát vô cùng. Uống vội vài cốc nước, cơn khát ấy vẫn chẳng thể thuyên giảm.

Khô khốc và ram ráp.

Những con dế mơ về một khung trời tự do qua mấy cái lỗ thông hơi bé ti hin. Còn anh mơ về gì khi vô tình phát hiện ra một mảnh xanh be bé?

Phòng làm việc của anh nằm trên lầu ba. Cuối hành lang người ta có đục thêm một ô vuông nhỏ, gắn vào tấm lưới sắt mắt cáo. Vậy là những con dế đã có lỗ thông hơi.

Thi thoảng căng thẳng anh lại bước ra đó, hít thở một khoảnh trời vừa đủ trong, và ngắm nhìn bí mật nho nhỏ của riêng mình. Từ ô cửa đó, trông chênh chếch, anh sẽ thấy được sân thượng của vài căn nhà, mà một trong số đó có đặt những chậu cây.
Be bé thôi nhưng có vẻ được sắp xếp và chăm sóc rất cẩn thận. Nho nhỏ thôi, nhưng cũng đủ tiếp thêm chút nước cho cơn khát của anh.

Và đôi khi anh lại thả trí tưởng tượng trôi xa.
Ngoài mảnh vườn trên sân thượng, nhà ấy chắc còn trồng thêm nhiều cây nữa. Có khi là một chậu lan chi đặt ngay bên cửa sổ, hay thậm chí là một cây khế trĩu quả mà anh từng thấy ở đâu đấy.
Ai là người chăm sóc những chậu cây kia? Một ông cụ về hưu đã lâu, tìm vui với hoa cỏ. Một cô thiếu nữ mới lớn, thả mơ mộng qua mấy chậu hoa. Hay là món quà mà người chồng tặng cho cô vợ trẻ sau một chiều tan tầm mệt mỏi?

Mỗi ngày ít nhất một lần, anh sẽ ngắm những chậu xanh hy vọng ấy, để vui mừng khi thấy có thêm một chậu lan vừa được chiết cành, hay khấp khởi chờ đợi một loại cây anh chẳng biết tên đang bắt đầu có nụ. Và để rồi lo lắng khi thấy mảnh xanh ấy cứ ngày một ngả màu.

Dù chẳng có lý do, anh vẫn thử tìm vị trí chính xác của căn nhà ấy. Không có cây khế trĩu quả như trong trí tưởng tượng của anh mà chỉ là hai cánh cửa sắt đóng im ỉm. Trời không mưa, không có những dòng nước ngoằn ngoèo vẽ lên ô cửa kính mà sao anh vẫn cảm thấy khát khô cả cổ.

Thêm vài ngày nữa, ngay cả cái màu xanh úa ấy cũng không còn. Thảng thốt, anh lại tìm đến căn nhà ấy nữa. Lần này ngoài hai cánh cửa sắt ra, anh còn thấy bên cạnh những túi rác có thêm mấy cái cây vừa mới bị nhổ. Những cái cây từ mảnh vườn không phải của anh.

Thấy anh cứ đứng tần ngần, có mấy người e ngại ghé hỏi. Anh cũng chỉ bảo thấy mấy cái cây này còn tươi, tính xin về trồng. Người ấy mới nói:
- Em cứ lấy, nó đem bỏ cả rồi.

Người khác tiếp lời:
- Mà cũng phải công nhận nhìn mặt mũi hai vợ chồng cũng đàng hoàng mà tệ ghê…

Mỗi người góp một chút. Con dế ngơ ngác ngồi nghe một câu chuyện xa xăm. Chuyện về có một ông cụ có mỗi đứa con trai, vậy mà lấy vợ sinh con rồi thì chẳng nhớ gì nữa cả. Cứ bảo nhà chật. Trồng cây cũng chỉ cho trồng mấy cái chậu nhỏ. Rồi thì cả đến người hắn cũng thấy chật nốt cứ như là có cái gai ở trong mắt khó chịu vô cùng...

Anh lựa mấy cây chưa quá dập nát, tan tầm về ghé qua tiệm hoa kiểng mua thêm vài cái chậu. Vừa nhìn thấy vợ anh đã ca thán:
- Nhà đã bé như cái hộp diêm mà ông còn tha mấy thứ này về.

Anh chỉ biết im lặng chịu đựng. Ai bảo nhà chật...

Một đêm nào ấy, con dế mơ màng ngủ. Giấc mơ len lỏi qua những lỗ thông hơi bé ti hin cuối cùng rồi cũng tìm được nó.
Ở một nơi xa xăm, có mấy cụ bà cụ ông, cùng nhau chăm sóc một cây khế trĩu quả, kể cho nhau nghe những câu chuyện ngày xưa. Chuyện về những đứa con đứa cháu đáng yêu, hiếu thảo… Chỉ là...
Tiếc chỉ là...do chật quá mà thôi!


.
Đồng hồ

"Nhà có ba chiếc đồng hồ thì mỗi chiếc lại chạy một giờ khác nhau.

Đồng hồ đeo tay của Mẹ lúc nào cũng chạy nhanh hơn hai chiếc còn lại một chút. Mẹ bảo là để Mẹ cảm thấy thời gian vẫn còn đủ để đánh thức Bố và con, hay chuẩn bị kịp bữa tối. Nhưng Bố lại nói: do Mẹ thích đi tám chuyện, lại mê xem tivi nên cứ phải chỉnh đồng hồ nhanh một chút không thì lúc nào cũng trễ.

Đồng hồ của Bố thì ngược lại lúc nào cũng chạy chậm. Bố nói do đồng hồ cũ rồi nên thường chạy chậm hơn. Có điều Mẹ lại nói với con khác Bố ạ. Mẹ bảo: Bố cố tình chỉnh sai giờ để có về trễ thì Bố lại đổ lỗi cho cái đồng hồ.

Duy nhất đồng hồ của con là đúng giờ. Nhưng con lúc nào cũng trễ học. Bố Mẹ nói là tại con, nhưng con nghĩ là do đồng hồ Bố Mẹ chạy sai thì đúng hơn. Có điều dĩ nhiên con không dám nói điều này với Bố Mẹ rồi.

Con chỉ biết hôm nào Bố về đúng giờ thì Mẹ chẳng kịp nấu cơm. Nhưng nếu Bố về trễ một chút Mẹ lại sẽ bảo: anh cứ về trễ thế cơm canh nguội lạnh hết rồi.
Bố cũng thế thôi, đừng cằn nhằn Mẹ hay la cà đi chợ về trễ. Bố đi làm về cũng có chịu về nhà đúng giờ đâu.

Sau một đêm con nghe loảng xoảng gì đó với nhau, thì tự nhiên ba cái đồng hồ nhà mình lại quay về cùng một giờ nhất định.
Để rồi từ đó... Con vẫn hay trễ học, Mẹ vẫn không kịp nấu cơm, còn Bố vẫn la cà về muộn.

Có điều Bố Mẹ chẳng thể đổ lỗi cho cái đồng hồ của mình rồi, nên Bố Mẹ bảo tất cả là tại đồng hồ của con. Nó chạy sai giờ, nên làm hai chiếc còn lại cũng sai theo.

Con không nghĩ như vậy nhưng con cũng sẽ không nói ra đâu ạ."
(Trích "Nhật ký một đứa trẻ đang học sử dụng đồng hồ đúng cách")
Post lại truyện cũ, mục đích chính: kiếm thêm thu nhập 031

Những lá thư viết từ một hành tinh cô đơn


Ngày… tháng… năm

Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Ở đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhà tôi không có ống khói bạn nhé.

Còn nơi bạn sống thì như thế nào? Có thể kể cho tôi nghe được không?[/i]

Tôi nghe nói ở những hành tinh khác, họ sống khác xa chúng tôi. Chẳng hạn như chỉ nói về thời tiết khi mà chúng tôi có cả một thùng phiếu để bầu cử cho thời tiết mỗi ngày thì các bạn cứ phải lo lắng khi mưa bão ập đến, hay nắng hạn kéo dài. Và thật ngớ ngẩn biết bao nhiêu khi các bạn cho rằng được thấy cầu vồng là hạnh phúc, trong lúc chúng tôi có thể tạo ra “niềm hạnh phúc” ấy. Không phải sẽ tốt hơn sao?

Tôi và mọi người ở hành tinh này chỉ cần bật chương trình “Thông báo thời tiết” (chứ không phải là “dự báo” như các bạn nhé) một lần trong ngày là có thể biết hôm ấy nắng mưa thế nào, có cần phải mang ô mũ theo không. Thật tiện lợi biết bao nhiêu.

Dẫu vậy khi được xem một bộ phim từ hành tinh nào đó. Trong đấy, có một bé gái đi học và quên mang ô theo. Chiều hôm ấy trời mưa tầm tã, mẹ cô bé vội vã đem ô ra trường đón con. Hai mẹ con núp dưới một chiếc ô, khúc khích cười trong làn mưa xám xịt. Sao họ có thể cảm thấy vui khi để mình bị ướt thế nhỉ?

Ở chỗ bạn có giống như thế không? Hay cũng tiện lợi như nơi tôi ở?

Rất mong nhận được thư trả lời của bạn…



Ngày… tháng… năm


Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Ở đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhà tôi không có ống khói bạn nhé.

Còn nơi bạn sống thì như thế nào? Có thể kể cho tôi nghe được không?

Tôi lại viết gửi cho một người mà tôi không biết là ai nữa.

Ở đối diện ngôi nhà tôi sống cũng có một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhưng đó là một ngôi nhà có ống khói.
Nơi đấy có một đứa trẻ, không bao giờ ở một mình. Nhưng nó vẫn là đứa bé cô đơn.

Cô đơn vì chả ai buồn bế nó lên, hát ru nó nghe, hoặc cù cho nó cười nắc nẻ.
Người trông nó là ai thì cũng như nhau, sẽ bỏ nó vào chiếc nôi đặt cạnh tivi, rồi cả hai cùng xem cho đến khi đứa bé khóc thét lên, thì sẽ có người lôi ra một bình sữa nhét vào miệng nó, thế là nó nín bặt.

Một đứa trẻ cô đơn, sống ở một hành tinh cô đơn thì có lẽ nó cũng biết lấy thân phận của mình mà tự lớn lên trong sự cô đơn bạn nhỉ?

Còn những đứa trẻ ở nơi bạn sống thế nào? Chúng có biết khóc và dừng đúng lúc vì có khóc thêm nữa cũng sẽ chẳng ai dỗ dành. Mà như vậy lại tốt hơn bạn nhỉ? Chẳng phải người ta vẫn bảo: cưng chiều trẻ con quá sẽ làm chúng hỏng đi mà.

Rất mong nhận được thư trả lời của bạn…



Ngày… tháng… năm

Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Ở đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhà tôi không có ống khói bạn nhé.

Còn nơi bạn sống thì như thế nào? Có thể kể cho tôi nghe được không?

Hôm nay tôi rất mệt và toan không viết thư. Nhưng tôi nghĩ có nhiều điều thắc mắc quá, nếu để đến ngày mai có khi tôi lại quên mất thì hỏng.

Ngày hôm nay trường chúng tôi có tổ chức chuyến đi cắm trại thường niên. Chúng tôi được dạo chơi trong những khu vườn nhân tạo tuyệt đẹp. Những thảm cỏ đủ màu sắc, hàng trăm loại hoa mà mỗi loại mang những mùi hương khó ai không thích: hương vani, hương sô cô la… À, tôi còn chưa kể đến cả những con bướm, cánh cam xinh xắn. Tất cả đều được làm và điều khiển bằng máy nên bạn cứ tha hồ bắt chúng mà không sợ chúng bay quá nhanh.

Thật tuyệt phải không bạn?

Nhưng tôi nghe nói ở một số hành tinh khác. Họ có những thảm cỏ lùi xùi, những loại hoa thậm chí không có mùi hương, nhưng họ vẫn ca ngợi và gọi chúng là “thiên nhiên”. Hành tinh bạn sống có phải là một hành tinh như vậy không?

Nếu đúng. Bạn có thể mô tả cho tôi biết cái cảm giác đi chân trần trên những bãi có còn ướt đẫm sương đêm, hay hương thơm ngai ngái của những loài hoa không do bàn tay con người tạo nên được không?

Mong chờ thư của bạn.



Ngày… tháng… năm

Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Ở đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhà tôi không có ống khói bạn nhé.

Còn nơi bạn sống thì như thế nào? Có thể kể cho tôi nghe được không?

Người bạn tôi chưa biết ơi. Bạn thích ăn những món gì? Và ghét món chi?

Ở hành tinh chúng tôi, không hề có khái niệm thích và ghét món ăn nào cả. Vì các nhà khoa học tài giỏi ở đây đã tìm ra được công thức một món ăn mà ai cũng đều sẽ thích. Họ gọi nó là “Món không thể ghét”. Vì thế ở chỗ chúng tôi, chẳng ai phải nấu nướng chi cả. Đến bữa sẽ có người tự mang thức ăn đến đúng theo nhân khẩu từng nhà, và chúng tôi chỉ việc ăn cho hết phần của mình.

Không phải lo lắng chuyện bếp núc, nên dĩ nhiên chúng tôi có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi để làm những việc mình yêu thích. Chẳng hạn như lau chùi nhà bếp, vì nơi này lúc nào cũng bụi bặm, mạng nhện bám đầy, do chẳng mấy khi sử dụng đến.

Bạn thấy điều ấy có hay không?

Tôi thì thấy rất hay, nhưng đôi khi tôi vẫn thèm được ăn một món ăn mà mình ghét.

Bạn nghĩ tôi có buồn cười không vậy?

Mong sớm nhận được thư trả lời của bạn.



Ngày… tháng… năm

Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Ở đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ, có hai cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào cũng nhỏ nốt. Nhà tôi không có ống khói bạn nhé.

Còn nơi bạn sống thì như thế nào? Có thể kể cho tôi nghe được không?

Bạn có hay chớp mắt không?

Tôi thì rất thích chớp mắt. Và tôi đang ước ao, một cái chớp mắt của tôi sẽ kéo dài tận mười lăm phút.

Vì sao ư?

Vì chúng tôi không có thói quen ngủ nhiều _ với một loại thức uống vừa dinh dưỡng vừa làm con người ta hoàn toàn tỉnh táo đến khi nào họ muốn.

Bạn đừng ồ lên ngạc nhiên và bạn đã hiểu tại sao tôi nói tôi rất rảnh rỗi chưa nè?

Chúng tôi có thể xem tivi, nhìn màn hình máy tính, hoặc đọc sách cả ngày mà không lo buồn ngủ hay mắt mệt mỏi.

Dẫu vậy chúng tôi vẫn phải chớp mắt. Và khi mở mắt ra, thì mọi thứ vẫn y như cũ. Một hành tinh cô đơn. Một ngôi nhà không có ống khói. Vì vậy tôi ước sao một cái chớp mắt có thể kéo dài thêm, để các nhà khoa học tài giỏi kia có thể sẽ phát minh ra một loại thức uống dinh dưỡng khác mà khi uống vào có thể ngủ bao lâu tùy thích.

Tôi rất hy vọng vào điều đó.

Bạn có hy vọng giống như tôi không?

Hãy cho tôi biết ở nơi bạn sống có loại thức uống như thế không nhé… Chờ thư bạn.



Ngày… tháng… năm

Bạn là ai_ người vô tình nhận được lá thư của tôi?

Tôi đến từ một nơi xa rất xa. Nơi ấy người ta gọi là hành tinh Cô Đơn.

Hay còn một cái tên khác là: Trái Đất… một ngày không xa… (033, 2-6-09)
Hành trình

Hắn gặp nàng lần đầu tiên cũng đã là chuyện của hơn ba tháng về trước. Khi Minh mang nàng đến gặp hắn, hắn cũng không có mấy ấn tượng, chỉ nhớ mơ hồ Minh giới thiệu: nàng là “lính mới” mong hắn chiếu cố nàng nhiều hơn.
Nghe thế miệng thì đáp đồng ý, nhưng thái độ hắn vẫn khá là dửng dưng. “Lính mới” thì sao, không có chút bản lĩnh tên kia dễ gì cho nàng lộ diện, cũng chẳng cần quan tâm quá mức như thế. Minh đề nghị để nàng lại cho hắn mấy ngày để hai bên có thời gian tìm hiểu nhau thêm, còn dễ bề cộng tác. Hắn cũng không từ chối.

Mấy ngày này hắn mới có dịp tiếp xúc với nàng nhiều hơn. Nhận ra nàng quả thật không tồi, khá có tư chất, cũng rất có sức chịu đựng. Khi hắn quan sát nàng, thì nàng cũng không e dè che giấu đi ánh mắt đáp trả lại. Chỉ là trong tích tắc ấy, hắn cảm thấy lấp lánh một tia không cam lòng xẹt qua trong đáy mắt nàng. Nhưng rồi tan biến mất rất nhanh như một vệt sao băng vút qua giữa bầu trời đêm mà thôi. Hắn chợt ngẩn ngơ, nhưng rồi lại cười trừ. Hắn đã quá quen với thái độ những tay còn non như nàng. Trải qua thực tế rồi tự nàng sẽ biết thay đổi như thế nào. Còn nếu nàng không thể tự điều chỉnh, hắn sẽ sẵn sàng loại trừ nàng. Hắn không muốn phí thời gian của mình vào những thứ không có hiệu quả.

Không cam lòng thì sao? Lấp lánh thì sao? Thứ nào rồi cũng sẽ tàn lụi theo thời gian mà thôi.

Giữ đúng lời hứa với Minh, một tuần sau hắn mang nàng lên đường. Cả hai bắt tàu lửa ra Nha Trang. Là lần đầu nên nàng bắt đầu lúng túng và có vẻ sợ hãi. Hắn đã đoán trước tình huống này nên nhanh chóng trấn an, giúp nàng bình tĩnh lại, đồng thời không khỏi hơi nhếch mép cười: Lính mới vẫn chỉ có thế thôi. Đến địa điểm ước định thì cả hai chia tay nhau. Đoạn đường trở về của nàng và hắn khác nhau. Nhiệm vụ dẫn đường của hắn đã xong, giờ là tới hành trình riêng của nàng mà thôi. Tất cả bây giờ đều thuộc vào ý chí, và quyết tâm của nàng, cũng là cơ hội biểu hiện cho ông chủ của nàng biết nàng có năng lực đến đâu.

Trên đường trở về hắn nhận được tin nhắn của Minh báo nàng đã về tới nơi, còn cảm ơn hắn và khen ngợi thành tích nàng mang về. Hắn cũng nhẹ nhõm thở phào một hơi. Nàng quả thật cũng không tệ.

Sau khi hắn về đến nhà Minh lại đến tìm hắn. Minh bảo tin tưởng hắn, và thấy nàng cũng hắn cũng khá hợp nhau muốn hắn tiếp tục dẫn đường cho nàng. Hắn biết Nha Trang không thể nào là điểm dừng tham vọng của Minh, cũng không phải là giới hạn của nàng. Hắn đồng ý.
Hắn và nàng tiếp tục rong ruổi cùng nhau. Quãng đường càng ngày càng xa. Nàng vẫn thế im lặng và nghe mọi mệnh lệnh của hắn. Nhưng thi thoảng trước những chuyến hành trình, hắn vẫn bắt gặp một tia không cam lòng trong mắt nàng. Hắn không báo lại cho Minh. Dù Minh đúng ra phải là người được biết đầu tiên. Vì điều này chứng tỏ nàng vẫn chưa hoàn toàn phục tùng, rất dễ có sai sót xảy ra trong quá trình hành động. Nhưng hắn bất giác nổi lên một tia hứng thú hay đúng hơn là ác ý với nàng. Hắn muốn tự tay bóp chết cái không cam lòng đó… như có người đã từng bóp chết giấc mơ của hắn.

Hắn đề nghị với Minh tiếp tục nâng cao nhiệm vụ của nàng, nàng cũng không kêu ca mà càng cố gắng hơn nữa. Có điều hắn biết nàng đã sắp đến mức cực hạn. Sức khỏe, sự nhanh nhẹn của nàng đã bắt đầu có dấu hiệu chùng lại, chỉ có ý chí của nàng mới giúp nàng vững vàng trên những hành trình dài thăm thẳm đó.

Hắn bắt đầu hoài nghi về nàng, về hắn. Hắn từng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho số phận đẩy đưa hắn đến con đường hắn không mong muốn. Nhưng lúc đó nếu hắn cố gắng hơn nữa, giữ vững niềm tin của mình, có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi. Bất chợt hắn cảm thấy mình mệt mỏi vì những chuyến hành trình lầm lũi này. Chỉ có nàng và hắn, chỉ có không cam lòng cùng ngơ ngác.

Minh đến tìm hắn nói rõ ý định cũng là tương lai của nàng. Thật ra dù hắn không nói ra, với một người dạn dày kinh nghiệm như Minh cũng đoán được tình trạng của nàng. Vì vậy Minh muốn lúc nàng vẫn còn chút sức khỏe thì để nàng sinh nở. Hắn không đồng ý, cũng chẳng phản đối. Hắn chỉ muốn Minh cho nàng đi cùng hắn một chuyến nữa. Không đi xa, chỉ là đến Nha Trang _ điểm đến đầu tiên của nàng cùng hắn.

Ba ngày sau hắn và nàng lên đường. Khi lên tàu nàng chẳng còn cái vẻ e sợ như lần đầu, hắn thì ngược lại bắt đầu hoang mang và lo lắng. Xuống tàu rồi hắn cũng không đưa nàng vể điểm tập kết mà mang nàng đến một nơi khác, rồi cứ thế lặng lẽ ngồi nhìn nàng tận đến khi mặt trời xuống núi. Hắn thở hắt một hơi, nhìn sâu vào đôi mắt nàng đang được hoàng hôn nhuộm thẵm một màu, đến cuối cùng vẫn là không đành lòng nhìn nàng bị mất đi đôi cánh. Hắn mở cửa lồng, tìm cách tháo kiềng cho nàng:
- Mày đi đi. Đừng quay về nữa. Chủ của mày đã quyết định đem mày đi gầy giống. Chuyến đua này chính là chuyến đua cuối cùng của mày.

Hắn không biết nàng có hiểu lời của hắn không, chỉ là tia không cam lòng trong mắt nàng càng lúc càng nồng đậm. Nhưng hắn chợt nhận ra lần này là dành cho hắn, nàng quyến luyến hắn. Khẽ chạm nhẹ vào bộ lông nàng, hắn biết hắn sẽ rất nhớ nàng. Nhưng hắn vẫn nâng nàng ra khỏi lồng, tung nàng lên bầu trời cao thăm thẳm.
- Hãy bay đi tìm tự do của mày.

Minh đến tìm hắn báo tin: nàng không trở về, nhưng cũng không trách hắn lời nào. Vì chim bồ câu trong cuộc đua không về được đích cũng là chuyện bình thường thôi. Minh còn ngỏ ý muốn hắn tiếp tục dẫn đường và thả chim đua cho Minh. Lần này thì hắn từ chối.
- Tôi không làm nghề này nữa.
Minh ngẩn ngơ nhìn hắn:
- Sao thế?
Hắn chỉ mỉm cười không nói. Minh quan sát hắn một chút rồi phán:
- Ông hôm nay lạ quá!
Hắn cũng cảm thấy thế, có lẽ vì trong mắt hắn bắt đầu xuất hiện một vùng đất khác. Nàng đã bay đi tìm bầu trời tự do của nàng, còn hắn sẽ quay về nơi mà hắn đã chôn vùi giấc mơ một thời của mình.

Đâu phải thứ nào rồi cũng sẽ tàn lụi theo thời gian...
Trang: 1 2