Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Tranh luận với "gái hư" Trang Hạ
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
“Làm “gái ngoan rất dễ. Cô ấy chỉ cần thuộc lòng những điều không được làm do gia đình và xã hội quy định cho cô ấy. Nhưng để làm “gái hư’ thì phải học nhiều lắm”

Không chỉ nổi tiếng với tư cách là nhà văn đã đưa dòng văn học mạng tới Việt Nam và một blogger nổi tiếng, những năm gần đây Trang Hạ còn được biết đến như một biểu tượng phụ nữ hiện đại, tự tin khi liên tục đưa ra những quan điểm sống mạnh mẽ đề cao giá trị và vai trò của người phụ nữ - như Trang Hạ nói - đôi khi thách thức cả những giá trị quan đang tồn tại.

Nhiều người phụ nữ đã tìm thấy chính mình trong các bài viết, trưởng thành hơn với quan điểm của Trang Hạ. Ở mức độ nào đó, Trang Hạ đã thành công trong mảng truyền thông cho phụ nữ như chị mong muốn.

Tôi - một người phụ nữ khác - muốn cùng Trang Hạ mổ xẻ kỹ hơn những quan điểm ấy. Chúng tôi đã một cuộc tranh luận thú vị.

Khen hết lời hoặc ném đá không tiếc tay

Những bài viết của Trang Hạ hấp dẫn sắc sảo. Có một điểm chung là giúp phụ nữ ý thức rõ ràng hơn về giá trị của họ. Trang Hạ cũng rất tích cực khuyến khích phụ nữ tự tin yêu hết mình và... rời bỏ đàn ông khi cần. Những bài viết của chị thường nhận được phản hồi như thế nào?

Thường tôi nhận được hai luồng ý kiến: khen hết lời hoặc ném đá không tiếc tay. Phía bên khen thường nói "giống hệt như họ nghĩ", vì thực ra rất đơn giản: Chúng ta cùng sống chung một thế giới, cùng lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội và nền tảng văn hóa. Tôi chỉ khác họ ở chỗ tôi biết viết ra những điều đó mà thôi.

Những người phản đối thì căng thẳng hơn một chút, vì gần như Trang Hạ đang thách thức những giá trị của họ. Ví dụ như trên diễn đàn ô tô cho các quý bà có câu hỏi: phụ nữ đi xe nào đẹp nhất?

Khi những người khác đưa ra tên những cái xe, bài mình viết lại cho rằng phụ nữ đi cái xe do chính cô ta mua được mới là đẹp nhất, chứ không phải chiếc xe mới nhất, đắt nhất hay chiếc xe là quà tặng của người khác. Cô ấy có thể hãnh diện về tình yêu cô ấy nhận được, chứ không nên hãnh diện về tài sản được nhận.

Có người thì cho rằng tiền là đủ để đánh giá tình yêu. Một người chồng đưa vợ 100 triệu một tháng được đánh giá là yêu vợ hơn người chỉ đưa 20 triệu thôi. Hay nhiều người cho rằng nhan sắc mới là sự thành đạt của người phụ nữ, hay ít nhất có nhan sắc bạn đã thành công một nửa rồi... Nhưng nhiều quan điểm của Trang Hạ đi ngược lại hoặc thách thức giá trị của họ.
Không chỉ nổi tiếng với tư cách là nhà văn đã đưa dòng văn học mạng tới Việt Nam và một blogger nổi tiếng, những năm gần đây Trang Hạ còn được biết đến như một biểu tượng phụ nữ hiện đại
Gần đây nhất, gây tranh cãi nhất là mình nói chuyện đi phượt: Nếu một cô gái thực sự mê xe, thích chinh phục, ham mê tốc độ; hay đơn giản hơn là họ háo danh thì tự đi mua cái xe của mình chứ đừng ôm eo một người đàn ông rồi về kể như mình là một thành viên của chuyến đi. Tôi cho rằng việc ôm eo người đàn ông ấy chỉ nói lên sự lệ thuộc của phụ nữ. Họ không hiểu họ chỉ là đạo cụ của một bức ảnh mà thôi.

Khi đưa ra quan điểm như vậy, Trang Hạ đã gây ra tranh cãi không ít, vì rõ ràng tôi đã phủ định những giá trị mà nhiều phụ nữ tự hào.
picture on thiamlau


Tôi không ngạc nhiên về những sự phản ứng đó. Trên các diễn đàn, hay trong các câu chuyện của phụ nữ, phát ngôn của người nổi tiếng... những mẫu câu kiểu "Tôi cần bờ vai nương tựa' rất phổ biến mà tôi ít thấy ai nói "Tôi cần một người bạn đời". Tôi không phản đối chuyện tìm "cái vai", nhưng "cái vai" khác với cái mắc áo. Tôi cảm giác nhiều bạn chỉ cần yên tâm tìm rồi quàng cuộc đời lên đó, phó mặc cho cái vai định đoạt và tự hào về điều đó.

Nhưng những suy nghĩ trên nếu tôi phát ngôn chính thức, có lẽ tôi cũng sẽ bị ném đá, bởi nó cũng đi ngược với quán tính của số đông.


Tôi có một người bạn đã cưới vợ đến lần thứ ba, đang lăm le lấy vợ lần thứ tư. Anh ấy luôn luôn nói thế này: chiến hữu như tay chân, vợ như quần áo, thay lúc nào cũng được. Thực ra đó cũng là quan điểm của nhiều người đàn ông gia trưởng trong xã hội Việt Nam, do ảnh hưởng quá nhiều văn hóa Trung Quốc.

Nhưng chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại. Ai đó thậm chí mất chân tay có thể dùng chân tay giả, nhưng họ không thể không mặc gì đi ra đường. Thế nhưng họ vẫn coi thường bộ quần áo của họ. Có rất nhiều giá trị quan của xã hội bị đánh giá ở tâm thế cách đây đã cả thế kỷ rồi.

Ngay cả ở thời này, xã hội đề cao những tiêu chí như ba đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà. Theo tôi cũng vẫn là hình thức khác của chiếc vòng kim cô "tam tòng tứ đức" để ràng buộc người phụ nữ vào gia đình mà thôi.

Tôi thấy rằng có rất nhiều quyền lợi của phụ nữ mà chúng ta quay lưng. Đàn ông chưa bao giờ tước quyền bình đẳng của phụ nữ, chỉ là phụ nữ tự tước bỏ quyền đó của họ thôi.

Câu chuyện "bờ vai" chính là phản ánh tâm thế lệ thuộc mà phụ nữ tự áp đặt cho mình.

Hy sinh nhiều khi đồng nghĩa với dại dột

Không hiểu sao từ trước tới nay, tôi rất dị ứng với từ hy sinh - hay nói đúng hơn, tôi chỉ chấp nhận từ này ở những lý tưởng - còn trong quan hệ gia đình, tôi rất ghét dùng từ này. Tôi hay đọc ở đâu đó những người phụ nữ oán thán: "Tôi hy sinh thế này, tôi hy sinh thế kia cho anh ấy; thế mà anh ấy đền đáp tôi thế này" "Tôi đã hy sinh cho anh ấy, rồi anh ấy phụ bạc tôi...vv..." Tôi thấy từ hy sinh ở đây vừa có tính lệ thuộc, vừa như "kể công", đặt người phụ nữ vào vị trí dễ tổn thương.

Tôi thích suy nghĩ thế này: nếu cuộc sống của tôi sau kết hôn có thay đổi. Những thú vui riêng hay quan hệ xã hội của tôi không còn như trước, hay tôi từ bỏ những khát vọng cá nhân nào đó để dành thời gian cho gia đình, là do tôi LỰA CHỌN thế. Đơn giản chỉ là bước chuyển để phù hợp với mỗi giai đoạn cuộc đời. Khi nghĩ thế tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thản hưởng thụ cuộc sống mới. Tôi chẳng hy sinh gì nên không phải chăm chăm mong đền đáp, để rồi thất vọng hay tổn thương. Cách mạng trong tư tưởng của mình, chắc chắn dễ hơn thay đổi một người đàn ông hay số phận.

Đúng không chị?


Có rất nhiều người chồng Việt Nam được khen ngợi là may mắn khi có người vợ đảm đang, hy sinh cho chồng con. Nhưng tôi nghĩ một người đàn ông có tự trọng sẽ cảm thấy ngượng khi bị đặt câu hỏi anh đã làm gì để khiến người vợ phải hy sinh vì anh?

Ngược lại, cũng rất nhiều người phụ nữ trong gia đình nói rằng tôi hy sinh vì chồng vì con, nhưng cuộc sống của tôi không được như ý muốn. Cuộc hôn nhân của chúng ta không đạt được mục đích, nhưng vì con cái, vì thể diện của chồng và gia đình, họ phải chấp nhận hy sinh. Tôi chỉ cho rằng đó là sự dại dột.

Chúng ta đã có quá nhiều vụ trọng án như con giết bố vì bố bạo hành mẹ. Vụ Phan Minh Mẫn trong TP HCM là một ví dụ. Tôi cho rằng chính người mẹ đã mang cho con bản án tử hình khi bà ấy cố kéo dài cuộc hôn nhân bi kịch, làm đứa con đau khổ phẫn uất đến mức độ thành kẻ sát nhân. Bản thân họ quá bị đè nặng hai chữ hy sinh, và xã hội cũng dồn nén họ đến vị thế phải hy sinh.

Có một câu ngạn ngữ Anh thế này "người phụ nữ chính là tâm trạng của một gia đình".

Trong gia đình, nếu người mẹ không hạnh phúc thì cả gia đình không hạnh phúc. Người đàn ông đặt cái Tôi lên trên, đó là một gia đình gia trưởng. Nhưng khi người phụ nữ đặt cái Tôi lên thì phải là một người hiểu biết. Cô ấy ý thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng của cô ấy trong gia đình.

Một người phụ nữ không biết làm thế nào để chính họ hạnh phúc, liệu họ có làm cho người thân hạnh phúc không?

Tôi thấy người phụ nữ luôn nhầm lẫn khi họ nghĩ rằng cứ quên bản thân đi, hết lòng vì chồng con và họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Nhưng thật ra chính họ đang dung túng sự ích kỷ của người đàn ông. Người chồng có thể đi bồ bịch ngoại tình bên ngoài, trong khi vợ họ đang tất tả với núi việc nhà, coi là bình thường.

Câu chuyện trên lại đi đến những vấn đề xã hội rộng hơn rồi. Điều tôi muốn nói nằm chính ở trong tư tưởng của người phụ nữ kia. Nếu họ không tự tìm cách yêu mình trước, không tự mình tốt với chính mình trước, thì chờ ai tốt với mình đây.

Lúc nãy chúng ta vừa nói đến chuyện hy sinh trong gia đình. Quay trở lại rộng hơn một chút với các cô chưa lấy chồng. Sự hy sinh đồng nghĩa với thiệt thòi. Rất nhiều cô cho rằng sau một cuộc chia tay là mình thiệt thòi. Tôi dâng hiến cho anh ấy rồi anh ấy phụ bạc tôi.

Tôi nghĩ hai chữ thiệt thòi ở đây là do chính những người phụ nữ tự làm khổ mình. Bởi khi nhìn vào một mối quan hệ của hai người yêu nhau, thì thực tế cả hai người đều đang hưởng thụ mối quan hệ. Tôi nghĩ họ nên cảm ơn nhau, coi đó là một cơ hội để cùng tận hưởng hạnh phúc.

Nhưng không hiểu sao phụ nữ luôn cảm thấy mình bị thiệt thòi, và luôn cho rằng đàn ông chia tay sau khi ngủ với người đàn bà là kẻ tồi tệ. Cô ấy chỉ thấy mình đã phải hy sinh tuổi trẻ, thời gian, tình cảm, hoặc trinh tiết cho người yêu và giờ bị phụ bạc. Nhưng cô ấy quên rằng cô ấy cũng được anh ấy chăm sóc, yêu thương và hạnh phúc.

Tôi cho rằng, chính người phụ nữ nào cứ khư khư suy nghĩ: "Vì anh đã ngủ với tôi thì anh phải cưới tôi !" mới là người không có liêm sỉ.

Tôi đồng ý với chị những vấn đề, những cái tưởng là bất hạnh đó chỉ nằm trong đầu người phụ nữ thôi, muốn hạnh phúc cô ấy phải tự mình thay đổi.

Cụ thể sự thay đổi ấy cần phải như thế nào?

Tôi vừa viết loạt bài gái ngoan, gái hư trên tạp chí Nam Châm. Theo tôi làm "gái ngoan" rất dễ. Cô ấy chỉ cần thuộc lòng những điều không được làm do gia đình và xã hội quy định cho cô ấy. Nhưng để làm "gái hư' thì phải học nhiều lắm: học làm chủ đời mình, học cách sắp xếp trò chơi và luật chơi. Gái hư phải học cách quyến rũ, yêu đương, và cả từ bỏ khi cần. Tóm lại cô ấy cần học nhiều để tự quyết định cuộc đời mình.

Ở Việt Nam có một đặc trưng: người ta thường nhân danh người thân để can thiệp vào số mệnh của người khác. Từ việc chọn nghề này hay nghề kia, đến lấy người này chứ không lấy người nọ, người ta đều can thiệp vào vì họ là bố là mẹ.

"Gái hư" sẽ không cho phép cuộc đời cô ấy bị người khác quyết định hộ như thế.

Đương nhiên tôi thích mẫu người thứ hai, nhưng tôi không thích cách dùng từ hư và ngoan ở đây. Có lẽ ta sẽ tìm được thích hợp hơn. Mẫu người thụ động và chủ động chăng?

Tôi thường dùng từ mạnh, nó tạo ấn tượng và đôi khi thay đổi cả cách nghĩ của người đọc Nếu phải thay đổi tôi nghĩ người ta sẽ nói mẫu thứ nhất là truyền thống. Mẫu thứ hai là hiện đại.

Tôi vẫn không đồng ý. Truyền thống theo cách hiểu của tôi là giá trị cốt lõi mang tính kế thừa. Hiểu cách đó thì truyền thống là điều đáng gìn giữ. Trong khi mục đích của các bài viết của chị, và ngay cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay cũng nhằm mục đích vì sự tiến bộ và giải phóng phụ nữ đúng không. Vậy khi đặt từ truyền thống vào mẫu người thụ động, khác gì ta tạo thêm mâu thuẫn và rào cản cho mục tiêu đó?

Chúng ta không nói đến truyền thống theo cách như năm nào ta cũng mang tranh sơn mài đi hội chợ, sự kiện văn hóa nào các cô người mẫu cũng mặc áo dài. Đó chỉ là sự lười biếng sáng tạo.

Một cô gái thông minh sẽ rất trân trọng giá trị cốt lõi của cô ấy, nhưng đồng thời cô ấy sẽ tích cực học để trở thành một "gái hư" hoàn hảo.


Tác giả: Hoàng Hường