Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Nét đẹp đời thường
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Tôi mở cửa hàng hoa cũng chừng gần 10 năm rồi. Không biết tôi gặp ông cụ bao giờ, lúc nào. Nhưng trong vài năm gần đây tôi lại nhớ ông và có ấn tượng với ông.

Cứ mỗi dịp đến ngày 8/3 thì cụ lại xuất hiện đến cửa hàng để mua hoa. Ông cụ năm nay chắc gần 80 ( tôi đoán thế). Cụ rất đẹp lão, râu tóc bạc phơ và rất dài, gương mặt phúc hậu và toát lên nét thanh cao.

Ngày 8/3 năm nay cụ cũng đến và như mọi lần cụ chọn một bông hồng thật xinh để đi tặng. Lần này tôi không thể kìm nén sự tò mò của mình nên vội vàng bắt chuyện cùng ông cụ. Thật ra thì những lần trước một phần vì sự bề bộn công việc, một phần vì khách quá đông nên tôi không thể trò chuyện cùng cụ được.

Hôm đó cụ đến cũng khá sớm nên khách hơi thưa thớt nên tôi mới có dịp trò chuyện cùng cụ.

Tôi hỏi: Thưa ông! ông mua hoa tặng cho bà phải không ạ.

Ông cụ trả lời: Ông mua hoa tặng bà mấy mươi năm nay rồi và năm nay cũng không ngoại lệ. các cháu chọn cho ông một bông hoa thật đẹp dể ông tặng bà.

Nhân viên tôi vội vàng chọn hoa đưa cho cụ và nói:

Thưa ông hoa hồng năm nay là 15 ngàn ạ.

Tôi nhanh miệng nói: lấy cụ 8000 thôi.

Thật ra tôi có thể tặng cho cụ được. Nhưng tôi biết cụ chắc không thích vì mấy chục năm nay cụ vẫn tặng vậy và khi tặng quà thông thường, cái người ta tặng mình mà mình đem tặng lại cho người khác thì không được hay cho lắm. Nên tôi không dám tặng cụ.

Ông cụ mĩm cười và cảm ơn tôi. Tôi bắt chuyện tiếp:

Thưa ông! ông tặng quà cho bà chắc bà vui và hạnh phúc lắm nhỉ?

Ông cụ cười khà và đáp lại câu hỏi tôi là:

Nhớ ngày mùng tám tháng ba
Nhớ bà ông phải mua bông tặng bà
Âm dương cách trở bao xa...
............................................?


Mới đọc đến câu thứ ba là ông đã bước ra khỏi cửa hàng rồi. Tôi bất ngờ về những câu thơ của cụ nên sững người lại, phải nói lúc đó rất thú vị và kinh ngạc nên sau một phút bất ngờ, định hỏi cụ cái câu tiếp theo thì cụ đã đi xa rồi. Không thể chạy theo hỏi cụ được nên tôi lẩm bẩm ba câu thơ của cụ một mình.

Thì ra là cụ bà đã mất, có một cảm xúc gì đó nghèn nghẹn trong tôi, chừng ba năm trước thôi ông đã từng dắt cụ bà ra cửa hàng hoa tôi để mua hoa tặng bà. Vậy mà...

Ngày hôm ấy ông cụ để lại tôi rất nhiều cảm xúc. Cuộc đời này mấy ai làm được những điều nhỏ nhặt như vậy mà kiên trì đến thế. Ông cụ vẫn chung tình cho dù bà cụ đã khuất bóng rồi, nhưng ông vẫn thấy như cụ bà còn hiện diện quanh đây. Vậy chúng ta đã làm những gì và đọng lại những gì?

Tôi không cần biết hay so sánh gì với những ai đã để lại cho đời những áng văn, những công trình hay những tuyệt tác bất hủ cho nhân loại, cho người sau thưởng thức. Nhưng ông cụ vừa cho tôi thưởng thức một tuyệt tác đời thường và định nghĩa cho tôi thấy có một chữ Tình rất sâu sắc và thủy chung mà rất bình dị.

Chợt nhớ hai câu thơ của Cố thi sĩ Bùi Giáng:

Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi


Ở đời cái nghĩa phu thê mấy ai chung tình đến thế và keo sơn đến thế.
CĂN HỘ BÊN SÔNG ELBE (Chuyện Đời)



Lời Đầu:


CĂN HỘ BÊN SÔNG ELBE

Dũng-Hiền của quán Asia Wok ở gần khu đèn đỏ St. Pauli, sát bên cảng Hamburg là một đôi vợ chồng "song kiếm hợp bích" rất hi hữu trong giới làm nhà hàng ở vùng Bắc Đức.

Hiếm có cặp vợ chồng nào kinh doanh nhà hàng theo System (phương châm) "Chồng trong, Vợ ngoài" mà được khả năng "song kiếm hợp bích" hay như cặp này.

System "chồng trong vợ ngoài" là phương pháp kinh doanh nhà hàng ăn uống theo kiểu "China Restaurant" vào thời "mạt vận" của nghề làm ăn này ở nước Đức.

Vào thời kỳ kinh tế châu Âu khủng hoảng, cộng với sự "khiếp đảm" trước các thương hiệu Madein China của người bản xứ. Đồng thời với sự xuất hiện các cơn sốt "cúm gà", "cúm heo", "cúm gia cầm".... Việc kinh doanh nhà hàng ăn uống có xuất xứ châu Á gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.

Để cứu vãn tình hình thất thu tránh bị phá sản, các nhà hàng ăn uống loại vừa, các quán ăn nhanh theo thương hiệu "đặc sản Á châu" phải giảm bớt chi phí đến mức thấp nhất. Trong đó biện pháp hữu hiệu nhất đó là giảm công nhân. Vì tiền lương lao động ở Đức rất cao, cho nên giảm người làm cũng đồng nghĩa với sự tiết kiệm chi tiêu tối ưu.

Công việc kinh doanh nhà hàng ăn uống đòi hỏi rất nhiều công sức, nếu thuyên giảm người làm không hợp lý, sẽ rơi vào trường hợp "lủng". Có nghĩa là phục vụ không kịp cho khách hàng. Chính vì vậy mà hầu như các quán ăn nhỏ, đều lui về cố thủ kiểu "công nghệ gia đình".

Mà mô hình điển hình nhất chính là mô hình "Chồng trong, Vợ ngoài". Có nghĩa là phía trong bếp do chồng phụ trách, phía ngoài ngoài do vợ làm bồi.

Nghề kinh doanh nhà hàng tiền chi tiêu nặng nề nhất là tiền lương phải trả cho đầu bếp và bồi chính. Nếu tránh được khoản chi tiêu này thì kinh tế suy thoái kiểu gì, sự cố ngoại cảnh ảnh hưởng kiểu gì, nhà hàng vẫn có thể "sống" được.

Chính vì đặc điểm ưu việt, manh tính chất "sống còn" của System "Chồng trong, Vợ ngoài" như vậy, nên khi đảo qua các nhà hàng nhỏ, các quán ăn nhanh của người Việt trên nước Đức, chúng ta sẽ thấy hầu hết là kiểu "song kiếm hợp bích" này.

Tuy nhiên cái System sống còn này của dân kinh doanh nhà hàng cũng gặp phải trở ngại lớn. Đó là tình trạng "song kiếm hợp bích" bị suy thoái thành cảnh "ông chằng bà chuộc".

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cảnh suy thoái của Sytem này là do vợ chồng rất khó hợp tác với nhau trong công việc.

Về phần người chồng, do công việc lu bu không ngưng nghỉ, vừa ngơi tay xóc chảo là phải quay sang chuẩn bị đồ đặc cho cho "trận" tiếp theo. Từ sáng đến tối úp mặt vào lò, quanh năm suốt tháng hít phải khí ga, mùi dầu mỡ. Lại ăn uống toàn đồ nhà hàng mà chủ yếu là các loại thức ăn có tính nóng. Vì vậy hầu như đầu bếp nhà hàng nào cũng lâm vào tình trạng gan bị nóng. Chính vì đặc điểm đó mà hầu hết đầu bếp nhà hàng Tàu đều rất cục mịch và nóng nảy, rất dễ bị kích động phẩn nộ vô cớ.

Phần người vợ phụ trách bên ngoài cũng không khá hơn, mỗi ngày phải chạy đi chạy lại, bưng bê, lau dọn...Tính ra, đôi chân cũng phải khua qua hàng chục cây số trong tình trạng bị nhiều áp lực thần kinh do phía khách hàng đưa lại

Chính vì hai đặc điểm này của đầu bếp và bồi chính nên System "Chồng trong, Vợ ngoài" rất khó hình thành những cặp có tính "song kiếm hợp bích" một cách hoà thuận và ngoạn mục.

Vợ chồng Dũng-Hiền, không phải đợi đến mùa suy thoái kinh tế mới sử dụng system này.

Ngay từ ban đầu mới mở nhà hàng. Cái Hiền đã nhận thức ra được ý nghĩa sống còn của System này rồi. Cho nên khi mới khai trương nhà hàng. Hiền đã sắp xếp cho nhà hàng hoạt động theo phương châm này. Dũng phụ trách trong bếp. Hiền chịu trách nhiệm phía ngoài. Vì vậy nhà hàng của chúng nó tuy không hoành tráng qui mô tầm cỡ "sao" như các nhà hàng khác nhưng hiệu suất kinh tế thì hơn rất nhiều nhà hàng có tiếng tăm trong vùng.

Hồi mới về Hamburg, Dũng làm thuê cho nhà hàng Dynasty của tụi Tàu Đài Loan. Hiền thì mới sinh cái Phượng. Một hôm Dũng đi làm về mặt thuỗn ra như cái bơm. Hiền gạn hỏi thì Dũng bực bội nói, hôm nay xào nhầm một loại sốt cho khách quen, bị thằng chủ chửi là đồ đầu đất, nên bực bội khó chịu.

Hiền nghe nghe chồng kể, đứng nghiến răng trèo trẹo: "Còn bà chúng nó chứ, đã thế mai anh báo nghĩ làm. Kiếm cái quán nào nho nhỏ vợ chồng mình tự kinh doanh, tự làm chủ khỏi phải bị con nào thằng nào đì cả". Dũng lưỡng lự "Em mới sinh, một mình anh sợ xoay xở không nổi, vả lại chúng mình đâu đủ vốn". Hiền tỉnh bơ "Vốn liếng khỏi lo, mình mở một cái nho nhỏ, thiếu bao nhiêu hú bạn bè giúp đỡ. Anh là đầu bếp xịn, em là bồi thứ thiệt, sợ đếch gì mà không làm".

Chẳng hiểu vì sao vợ tên Hiền mà chẳng hiền tý nào, rất cương quyết, nói là làm, dũng khí ngất trời. Còn chồng tên Dũng, thì tính tình trầm lặng, hiền lành có phần như nhu nhược. Mọi sự quyết định lớn nhỏ gì trong gia đình cũng đều do Hiền quyết định.

Cũng nhờ cái cương quyết không chịu khuất phục thua kém ai, không muốn chồng mình đi làm thuê làm muớn bị người khác đì mà vợ chồng chúng nó có cái quán Asia Wok có tiếng tăm là làm ăn được ở cái xứ cảng này.

Hồi đầu mới mở quán. Nhà hàng chúng nó có một khách quen rất đặc biệt. Đó là một ông kỹ sư già về hưu. Ông già tên là Heiner, bọn Dũng Hiền thường gọi theo cách phát âm tiếng Việt là ông Hai.

Ông Heiner là khách quen thường xuyên của quán Wok, từ khi quán mới khai trương. Ông khách này có đặc điểm rất giống với một hiện tượng khách hàng mà tiếng Đức gọi nôm na là "Besondert Stamkunden" (khách quen đặc biệt).

Loại khách quen này thường chỉ ngồi một chỗ nhất định, ăn uống một loại nhất định và đôi khi chỉ vào đúng một thời điểm nhất định nào đó trong ngày hoặc trong tuần mà thôi.

Loại khách này nếu lúc vào nhà hàng, thấy chỗ mình thường ngồi đã có người ngồi, là họ bước ra khỏi nhà hàng ngay. Hoặc có nhiều khách quái đản hơn, nếu người phục vụ không để ý đến thói quen của họ để phục vụ, họ cũng rất dễ phật lòng bỏ đi. Ví dụ họ đã quen uống một thức uống gì đó trước lúc dùng bữa. Người phục phụ khi thấy họ, không cần phải hỏi họ dùng gì, cứ vậy mà bưng ra phục vụ. Nếu lỡ như vô tình hỏi họ như thói quen hỏi cách khách hàng khác, họ cũng phật lòng và lần khác sẽ không đến nữa.

Ông Heiner thuộc loại khách quen đặc biệt này. Vì hầu như ngày nào ông cũng đến quán Wok dùng bữa. Vì vậy mà Dũng Hiền luôn luôn đặt mảnh giấy "bàn đặt trước" lên cái chỗ mà ông thường ngồi để giữ chỗ cho ông.

Hồi đầu quán mới mở, Hiền chưa làm bồi được vì cái Phương lúc đó mới hơn một tuổi. Không làm bồi nhưng Hiền lúc nào cũng ở quán. Hiền chăm lo quán xuyến tất cả mọi việc liên quan đến sổ sách giấy tờ, liên quan đến vấn đề kinh doanh và cả việc sắp xếp nhân sự.

Gặp lúc khách đông vào giờ cao điểm, Hiền cũng tham gia làm việc như một "hậu vệ thòng". Lúc thì giúp ngoài, lúc thì giúp trong. Những khi đó cái Phương được đặt vào xe đẩy và để vào góc quán.

Đôi khi có sự cố khách quá đông, trong ngoài đều bận tíu tít, cái Phương lại trọ trẹ khóc. Những khi đó ông Heiner từ một khách hàng đặc biệt trở thành người bảo mẫu bất đắc dĩ. Hoặc là ơ ơ ầu ầu rung rung cái xe đẩy cho cái Phương nín. Hoặc đôi khi ông phải đẩy xe ra đường khi cái Phương khóc to ảnh hưởng đến khách đang ăn.

Rồi dần dần từ từ ngày này qua tháng nọ, cho đến khi Hiền không thể nào chịu được cách làm việc thiếu trách nhiệm và ít nhạy bén của mấy người làm bồi. Hiền tự mình đứng ra đảm trách nhiệm vụ làm bồi chính luôn. Và cũng không biết từ lúc nào ông Heiner đã trở thành Opa (Người Ông) "bất đắc dĩ" của cái Phương nữa.

Ông Heiner sống độc thân, không có vợ con và có một căn hộ riêng gần quán nhà Dũng Hiền. Từ một khách hàng đặc biệt ông trở thành một thành viên gần như không thể thiếu trong cái "guồng máy " của quán Wok dưới sự điều hành của Hiền.

Cái chỗ ngồi luôn luôn dành cho ông vẫn lúc nào cũng đặt mảnh giấy "bàn đặt trước". Ông vẫn gọi thức ăn đồ uống như một khách hàng đặc biệt, vẫn thanh toán tiền đầy đủ không thiếu một xu. Chỉ khác hơn là ông không phải ăn xong rồi về, mà ăn xong và ở lại chăm nom và cùng chơi với cái Phương.

Cái Phương lớn dần lên, đi học mẫu giáo, học lớp 1, lớp 2, lớp 3 rồi cho đến lớp 5. Cái thế giới tuổi thơ của nó chính là một góc nhỏ trong quán Wok, nơi có chiếc bàn đơn đặt tấm giấy "bàn đặt" dành cho ông Heiner. Cái Phương gọi ông là Opa. Ông Heiner từng ngày từng ngày chứng kiến cái Phương lớn lên.

Đã gần 10 năm trôi qua, cái Phương đã là một cô gái nhỏ. Dũng Hiền đã trở thành một cặp đôi "song kiếm hợp bích" nổi tiếng thành đạt trong làng ẩm thực Á châu vùng Bắc Đức. Ông Heiner ngày một già đi, khọm nọm thêm.

Dũng Hiền quá bận bịu với quán xá, nhiều lúc gần như khoán trắng việc chăm sóc cái Phương cho ông Heiner. Mọi sự liên quan đến học hành và giải trí của cái Phương từ nhỏ hầu như đều do ông trong coi.

Cái Phương ngày một lớn, nó có bạn có bè có những nỗi đam mê khác, tuy nó vẫn luôn thân mật và kính trọng ông, nhưng khoảng cách ngày một xa, một xa ra.

Ông Heiner sau một cơn đột quị nhẹ, sức khoẻ yếu hẳn đi, ông bắt đầu đi đứng chậm chạp, tay chân bắt đầu run. Nhưng vẫn như xưa, ngày nào cũng như ngày nào, ông vẫn đến quán Wok dùng bữa ở đó, vẫn một chai bia, một bát súp Bắc Kinh, một dĩa Vịt chiên sốt chua ngọt hay sốt cay.

Cái Phương không còn đến quán thường xuyên nữa, nó đã lớn. Nó đã tự biết chăm sóc mình. Nhưng ông Heiner thì vẫn cứ đến, vẫn cái chỗ ngồi đó như từ mười mấy năm về trước. Ông ngồi từ khi nhà hàng mới mở cửa cho đến khi đóng cửa. Hôm nào cái Phương có ghé nhà hàng thì ông vui, hôm nào cái Phương không ghé nhà hàng thì ông lại rười rượi đi về.

Ngày Hiền quyết định sửa sang lại nhà hàng, chuyển từ cách phục vụ bình thường sang cách phục vụ búp-phê. Cái chỗ ông Heiner thường ngồi trở thành nơi đặt dàn búp- phê. Ông Heiner phải chuyển chỗ ngồi ra gần ngoài của để tránh cản trở khách hàng. Ông rất buồn, nhưng cũng đành chịu, và cũng không vì thế mà không đến thường xuyên nữa. Ông vẫn đến và gần như ngồi "đóng đinh" tại vị trí mới dành cho ông. Một bữa ăn, nhâm nhi vài chai bia, một ngày như mọi ngày của ông đều trôi qua nơi quán Wok như vậy. Niềm vui duy nhất của ông chính là mỗi khi có tiếng ríu rít của cái Phương.

Làm quán có thời có vụ, nhằm khi có khách thì không sao. Gặp khi vắng khách, Hiền thấy dáng ông Heiner ngồi bất động nơi chiếc bàn gần cửa ra vào thì nhấm nhảy cằn nhằn với Dũng là do ông Heiner ngồi ám. Nhiều khi Hiền đá bàn đá ghế, xô cái này đẩy cái kia. Có lúc lại lấy tờ báo châm lửa huờ huờ quanh chỗ ông ngồi coi như đốt phong long. Ông Heiner không để ý đến thái độ của Hiền có ý đuổi khách. Ông vẫn ngồi đợi, biết đâu cái Phương ghé lại.

Vào năm có Word Cup tại Đức, dân tình ngồi nhà xem đá bóng, ít ai đi ăn quán. Quán Wok vắng như chùa Bà Đanh. Hiền quyết định bắt Dũng đuổi ông Heiner đi. Dũng ngại không dám nói, vì dẫu sao ông Heiner cũng gắn bó với quán, với cái Phương hơn cả 10 năm nay. Hai vợ chồng cứ đùn đẩy nhau không ai đủ nhẫn tâm để nói với ông điều bất tiện, khi ngày nào ông cũng đến ám từ trưa đến tối như vậy.

Cuối cùng Hiền đành phải nhờ cái Phương nói. Chờ một dịp cái Phương ghé lại quán, Hiền nói với Phương điều mong muốn đó. Cái Phương nói, Opa ngồi đó đâu có sao, đâu có ảnh hưởng gì khách của Mẹ đêu. Hiền nói nhưng ông ngồi đó suốt ngày, lại ngay cửa ra vào, mà dạo này ông ốm yếu, ít tắm rửa nên có mùi hôi, ông ngồi đó từ ngày này qua tháng nọ có khác gì ám khách đâu. Cái Phương gân cổ lên cãi, nhưng mà Opa là khách hàng, Opa ăn uống trả tiền hẳn hoi, Mẹ không có quyền đuổi Opa đi. Hiền năn nỉ con, không phải vấn đề trả tiền hay không trả, mà vấn đề tâm linh của nơi làm ăn, quán xá mà có một người như vậy ám quanh năm suốt tháng là không ngóc đầu lên được đâu.

Cái Phương ngân ngấn nước mắt đến nói với ông Heiner : "Mẹ nói, Opa đừng ngồi đây nữa, Opa ngồi đây hoài nên quán không có khách, Opa về đi"

Thoạt đầu ông Heiner chưa hiểu chuyện gì, khi nhìn thấy khuôn mặt lạnh tanh của Hiền, ông mới chợt hiểu ra. Ông luống cuống đứng dậy, run run xuýt nữa té. Ông cúi gập người xuống hai tay chắp trước ngực, gật đều lia lịa, kiểu như người Thái Lan hay người Hàn Quốc tỏ thái độ có lỗi vậy. Ông gật gật đầu, nước mắt lưng tròng nhìn cái Phương, miệng lắp bắp líu ríu nói lời xin lỗi liên tục và từ đi giật lùi ra cửa.

Cái Phương nhìn dáng ông lầm lũi đi qua đường khóc òa lên quay lại nhìn Mẹ trách móc. Dũng cũng rơm rớm nước mắt dang nắm đấm, đấm một phát vào tường bật cả máu. Hiền đưa tay lên ôm ngực nhìn chồng và con nói: "Tôi cũng đau lòng lắm, nhưng không thể nào làm khác được, vì cứ để ông ngồi đó, thì ám quẻ lắm".

Từ ngày đó ông Heiner không ghé quán Wok nữa. Không ghé nhưng ông vẫn đi ngang qua quán Wok, đến một quán bia đối diện bên kia đường ngồi uống. Ông chọn một chỗ ngồi quay sang hướng quán Wok. Ông vẫn luôn ngồi bất động như vậy, trước chai bia uống dở. Ánh mắt vô hồn nhìn sang quán Wok. Chỉ khi nào ông thấy có thấp thoáng có bóng cái Phương ở đó thì khuôn mặt ông mới sáng rạng lên chút sinh khí.

Và cũng như hồi ở quán Wok, ông trở thành người khách đặc biệt, có chỗ ngồi đặc biệt dành cho Stamkunden (Khách Quen).

Đã mấy năm trôi qua như vậy, ông không hề ghé lại quán Wok. Có những lúc vô tình Dũng thấy ông đi ngang qua quán, Dũng muốn mời ông vào, nhưng Hiền cản lại. Hiền nói mời ông vào, biết đâu ông lại ngồi lì như ngày xưa thì sao. Dũng im lặng không nói gì lẳng lặng bỏ vào bếp.

Cái Phương thì rất ít khi gặp lại ông, chỉ đôi khi tình cờ gặp ông trước lễ Noel, trước dịp năm mới, trước ngày sinh nhật của Phương thôi. Mỗi lần gặp như vậy ông đều nói rất vui khi tình cờ gặp lại cháu. Là tình cờ gặp nhưng khi nào ông cũng có sẳn một món quà rất quí giá đưa cho Phương nhân dịp gì đó.

Bẳng đi một thời gian khá lâu, Dũng Hiền và cái Phương không gặp ông, cũng không thấy ông ngồi ở quán bên kia. Sau này có lần gặp lại, Dũng Hiền hỏi ra mới biết ông bị bệnh phải nằm nhà thương, và khi ra viện ông đã chuyển chỗ ở vào viện dưỡng lão ở ngoại ô, nên ít có dịp ghé lại Altona.

Biết thế nên sau này không thấy ông xuất hiện nữa, nhưng Dũng Hiền cũng không còn lấy làm lạ.

Cho đến ngày sinh nhật cái Phương tròn 16 tuổi. Có một nữ Luật sư mang theo một bó hoa có 16 cành bách hợp rực rỡ và toàn bộ hồ sơ giấy tờ về quyền thừa kế hợp lệ một căn nhà nghỉ mát bên cạnh dòng sông Elbe phía tọa lạc về phía Đông của cảng Hamburg cho cái Phương. Người để lại căn nhà nghỉ có giá trị như một mơ ước này cho cái Phương là ông Heiner.

Bà luật sư nói, trước khi ông Heiner về ở viện dưỡng lão. Ông đã bán căn hộ của ông trong phố Altona và mua căn hộ nghỉ mát nho nhỏ này, với mong muốn để lại như một món của hồi môn cho người cháu gái thân thiết nhất của ông là cái Phương. Bà còn nói, trong lúc làm thủ tục thừa kế, ông Heiner nói, sở dĩ ông mua căn hộ này cho Phương là vì ngày xưa khi cái Phương còn bé, ông thường dắt nó đi dạo dọc bờ cảng, cái Phương thường nói với ông nó mơ ước được ở trong một căn nhà bên bờ sông, để đêm đêm được nghe tiếng sóng vỗ.

Mấy tháng sau khi cái Phương nhận quyền thừa kế căn hộ bên sông. Hiền giao lại toàn bộ việc kinh doanh quán xá lại cho Dũng, và xin đi học nghề Altepfleger (Nghề chăm sóc người già, một nghề thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức). Và nay đã trở thành một nhân viên nơi viện dưỡng lão mà hồi trước ông Heiner sống ở đó.

Hiền xin với con cho phép mình được sử dụng căn hộ ven sông cho đến khi Phương học hành ra nghề và lấy chồng. Hiền biến căn hộ ven sông thành một căn nhà nghỉ để cho thuê.

Giá thuê căn nhà nghỉ ven sông Elbe của Hiền cực rẻ, rẻ gần như chỉ thu cho có lệ. Mặc dù những khu nhà nghỉ ven sông Elbe vốn là những địa điểm "hot" trong các kỳ nghỉ của khách vãng lai. Duy chỉ có điều kiện cho thuê hơi khác thường. Người thuê phải là người già trên 70 tuổi, và ưu tiên cho các cụ già độc thân.

Hôm tôi có việc vào Viện dưỡng lão. Tôi có gặp Hiền ở đó, tôi hỏi, có phải cô ân hận chuyện ngày xưa đuổi ông Heiner ra khỏi quán, nên mới bỏ nghề kinh doanh đếm tiền để đi làm công việc mang đậm tính nhân đạo này không. Hiền trả lời, không! nếu như quay lại ngày xưa, thì vì công việc kinh doanh em vẫn làm thế, em bỏ nghề nhà hàng để trở thành nhân viên chăm sóc người già là vì qua sự việc ấy, em mới thấu cảm được sự cô đơn cùng tột của những người già ở bên này....

14.02.11
TN



P.s: nguồn đây: http://thuannghia.vnweblogs.com/post/7291/280527