Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Người đi ngang phố
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Người đi ngang phố


Căn gác nhỏ của nhà bán tạp hóa cuối cùng cũng tìm được người thuê. Nghe đâu là một người đàn ông làm nghề viết văn tự do, trông khá trầm lặng nhưng lại hiện hữu thật sinh động qua lời kể của các cô các chị: nào là người gì đâu ốm nhom cao nhồng, mới dọn đến mà sao chẳng thấy chào hỏi ai tiếng nào, rồi nhìn thế nào cũng chả giống nhà văn có khi là dân lừa đảo thì sao. Có người liền cãi lại ngay: thế bà đã gặp nhà văn bao giờ chưa mà nói thế?

Câu chuyện dần lan sang chiều hướng khác và mang cả bình luận văn chương nghệ thuật vào, cho đến khi có tiếng trẻ con nhà ai khóc,thêm tiếng ai cằn nhằn … vang lên thì không cần thông báo mọi người cứ lần lượt giải tán dần, bỏ lại một cuộc tranh luận không có kết quả. Mà thật ra họ cũng chẳng cần điều đó. Đôi khi phụ nữ chỉ cần được nói và có người chịu nghe họ nói mà thôi.Còn chuyện người khác có đồng ý với họ không thì cũng chẳng quan trọng. Miễn là họ cảm thấy mình vẫn còn quyền tự do ngôn luận dưới sự đè ép của mớ nồi niêu xoong chảo là cũng đủ rồi.

Còn nhân vật chính bất đắc dĩ trong câu chuyện của các chị dĩ nhiên vẫn không hay biết gì, đang lặng lẽ xếp lại một số đồ đạc. Cũng không có gì nhiều, vốn là người hay di chuyển, mọi thứ của anh chỉ gói gọn trong một chiếc va li to mà thôi. Chiếc va li rất bền và chắc, dù vẻ ngoài trông khá cũ kỹ. Nó cũng như anh đã phơi qua bao mùa sương gió, đặt chân đến bao con phố lạ chưa kịp quen tên đã lại phải ra đi. Chẳng kịp lưu lại dấu chân, anh chỉ có thể len lén giấu những bí mật chỉ phố và anh chia sẻ cùng nhau qua những con chữ lụn vụn và bạc thếch nỗi niềm riêng.

Mỗi trang viết là một vùng tưởng niệm...
Nhà mặt tiền

Ngôi nhà anh vừa dọn đến ở trọ có vị trí khá đặc biệt. Mặt tiền trưng ra một con đường buôn bán sầm uất. Mặt sau cũng là mặt tiền, nhưng là mặt tiền của một con hẻm nhấp nhô.

Anh nghe ông chủ tiệm tạp hóa kể. Nhà ông xây từ thời trước Giải Phóng, là kiểu nhà cũ có lầu mà vẫn trông thấp lè tè, cứ xuống cấp dần theo thời gian và những cơn mưa dai dẳng. Ông vừa nói vừa cười khà khà, khoe hàm răng ố vàng vì khói thuốc:
- Cậu chưa biết đâu. Nhà tôi đây hồi trước là độc nhất vô nhị. Mùa nắng thì nóng sầm sập. Mưa xuống thì cả con đường đều ngập, nhà nào cũng thi nhau tát nước. Riêng nhà tôi còn phải lấy thêm xô chậu hứng nữa. Vì chủ trước cho đi máng xối trong nhà, nó mục nát rồi, cứ mưa là tràn.

Ông kể tiếp rồi cách đây mấy năm. Con đường này tự nhiên được trao tặng cái danh hiệu: tuyến đường trọng điểm của quận.
Ừ thì quận vùng ven cũng là quận đấy thôi. Ở trên ra lệnh xuống phải làm lại mặt đường đang láng o, giờ đào ra chằng chịt. Mấy người dân ở chung quanh như ông thì mừng lắm mang ra nào trà đá, thuốc lá rồi hỏi thăm đội thi công làm xong sẽ hết ngập phải không. Mấy anh thợ hớp ngụm trà, rít thêm điếu thuốc xong cười phớ lớ:
- Tụi tui bên đội thi công mặt đường chứ không phải đội chống ngập.

Từ đó máy khoan, máy cắt vẫn chạy ầm ầm, xe lu nghiến kèn kẹt trên mặt đường vừa rải nhựa bốc lên một mùi khét lẹt, chỉ là không còn ai mang trà đá và thuốc lá ra mời thợ thầy nữa.

Ông chủ tạp hóa còn chêm thêm một câu:
- Tội gì làm chuyện lỗ vốn!

Anh nhà văn nghe xong chỉ cười mà không cho ý kiến. Chỉ vừa mới tiếp xúc, nhưng anh vẫn có thể nhận ra ông chủ nhà đây rất hay tính toán chi li, là kiểu người sống rất thực tế. Ông chắt chiu từng đồng tiền một, và với ông không có gì là không thể sinh lời, chỉ là lời ít hay nhiều thôi. Anh cũng chẳng cảm thấy điều đó có gì là xấu. Con người ta sống mà tính toán một chút có khi lại hay vì sẽ chẳng ai thiệt hơn ai, hay lừa gạt được ai nữa.

Thấy anh hơi thiếu tập trung, ông chủ khục khặc ho mấy tiếng. Đâu phải lúc nào cũng tìm được một thính giả tốt tính như người ở trọ này đâu, ông phải tranh thủ nói cho thỏa cái ấm ức bao lâu nay của mình.

- Lúc con đường gần làm xong, mấy hộ ở mặt tiền như chúng tôi được thông báo là sẽ được cho quét vôi, sơn sửa lại biển hiệu. Vì nghe đâu ngày hoàn công có đoàn gì lớn lắm sẽ xuống tham quan. Không thể nào làm xấu đi hình ảnh của tuyến đường trọng điểm.

Nghe xong ai cũng thấy mừng, vì khi không được sơn sửa lại nhà. Nhưng đến cuối buổi họp mọi người ra về còn được tặng thêm một tờ giấy trên đó ghi nôm na mấy dòng là: vận động tự nguyện sửa sang khu phố.

Rồi thì muốn hay không thì cũng phải đóng góp mà thôi. Nhưng cũng may là xưa nay người ta chỉ cần trưng bộ mặt ra cho thiên hạ thấy xấu hay đẹp là đủ lắm, còn phần bên trong thì là chuyện riêng của mỗi nhà. Thế nên khi thu đủ tiền tự nguyện rồi người ta cũng bắt đầu cho sơn phết lại: trước nhà, biển hiệu, cả mấy cái cột đèn. Mấy ngày đó đi đâu cũng nghe mùi nước vôi, mùi sơn quyện chặt trong không khí, uống hớp nước mà cũng phải nín thở mấy lần. Đến tận hôm đoàn tham quan xuống, ông còn thấy nhiều người cứ phải một tay bắt tay, một tay tranh thủ che mũi. Mấy bà mấy cô áo dài đi cùng thì khẩu trang cũng không thèm tháo. Hôm sau cả con đường được đưa lên báo, mặt ai cũng tươi roi rói, chỉ tiếc là ông cứ ra ra vô vô trước cửa nhà mấy lần mà cũng chả dính được tấm ảnh nào.

- Nhưng nói đi thì cũng nói lại. Sửa sang xong rồi nhìn khu phố cũng có giá trị hẳn lên. Có điều từ đó cái gì cũng tăng giá theo từ điện, nước đến cả ly cà phê.

Ai bảo đường ông ở đã thành đường trọng điểm, nên ly cà phê lề đường giờ cũng thành cà phê lề đường trọng điểm. Dù lúc ông uống thì mùi vị vẫn y chang như trước, cứ thoang thoảng mùi khét vì rang bắp quá lửa.

- Đấy cậu coi, thứ gì cũng tăng. Buôn bán trước kia chỉ tạm đủ sống, giờ thành thiếu trước hụt sau. Nên tôi mới bàn với bà nhà làm thêm cái gác gỗ cho người ta thuê, được đồng nào hay đồng đó.

Vòng vèo mất cả buổi trò chuyện anh nhà văn cuối cùng cũng đã hiểu nguyên nhân vì sao căn nhà anh đang trọ có kết cấu kỳ lạ như thế. Mặt tiền thì cứ nhà mới, bước vào trong nhà thì từng miếng gạch, từng thớ gỗ đều bị thời gian khắc lên chi chít, chưa kể nó còn cõng trên lưng chừng vai một cái gác gỗ như cái tổ chim bồ câu phóng đại.

Và anh đang ngồi tựa bên ô cửa sổ của cái tổ ấy nhìn xuống một mặt khác của căn nhà… nơi những con hẻm sẽ chảy về đâu…
Những dòng sông không tìm được đến biển


Anh từng ví von những con hẻm ngoằn ngoèo kia chính là các dòng sông: luồn lách giữa những khối bê tông chật như nêm để tìm đường ra biển rộng.

Con phố nơi anh vừa chuyển đến trọ cũng không thiếu những con hẻm như thế. Thậm chí ngay vị trí anh trải chiếu nằm ngủ, chỉ cần xoay người lại cũng đã thấy mình đối mặt với nó rồi. Nếu như những con đường rộn rịp tiếng xe, các biển hiệu chỉ chực chờ ngày vừa tắt nắng là thi nhau khoe ánh sáng…mang lại cho anh xúc cảm mình vẫn đang tồn tại, thì cuộc sống thường nhật nơi những con hẻm mới chính là hơi thở của anh.

Anh thích loanh quanh trong đó, giả vờ như mình đi lạc, hoặc có khi là thật sự lạc… nhặt nhạnh từng chút miên man cho mình. Anh đã từng cảm thấy nhà mình đang ở trọ có kết cấu khá là kỳ lạ thì khi đi sâu vào hẻm những ngôi nhà kỳ lạ hơn xuất hiện càng nhiều. Có căn nhà mỏng như chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua có cảm tưởng sẽ lung lay theo, căn khác thì cơi nới thêm không chỉ một căn gác mà là gác chồng lên gác… Nếu đứng từ phía đầu hẻm nhìn thẳng vào, anh như đang nhìn một hàm răng nhấp nhô mọc lệch. Ở nơi mà tấc đất tấc vàng thì mọi không gian, khoảng trống dường như con người đều cố gắng tận dụng hết.

Anh lang thang trong hẻm để vừa đi vừa né tránh những đứa trẻ đen nhẻm đạp xe vùn vụt qua, có khi lại phải ép sát cả thân mình vào tường khi có một chiếc xe máy chạy ngang con hẻm quá hẹp. Đâu đó là mùi khói tỏa ra từ những bếp than tổ ong đặt ngay trước cửa nhà hay thậm chí là lối đi chung_ gay gay mà da diết. Những hàng quán không tên xuất hiện khắp nơi: lèo tèo chiếc xe đẩy, dăm bộ bàn ghế thôi… mà lúc nào cũng xôn xao con hẻm nhỏ. Người bán càu nhàu chuyện nhà người khác, người ăn vừa nghe vừa bàn luận chuyện hàng xóm chung quanh… Đối với anh đó mới chính là âm thanh của cuộc sống.

Và không biết có ai có cùng suy nghĩ giống như anh không: ở thành phố, không khí mùa xuân đến sớm nhất lại chính là nơi những con hẻm quanh co này. Để khi cuốn lịch bloc ngày một mỏng hơn, những cơn mưa dầm dề không còn qua đây nữa và nắng_ nắng vàng như mật rót vào vạn vật hơi thở mùa xuân, hẻm nhỏ cũng được thổi bùng lên luồng sinh khí mới. Đã thưa dần những tiếng ti vi ồn ào, hay tiếng cãi nhau huyên náo, thay bằng những âm thanh máy chạy rầm rì cho kịp đơn hàng cuối năm. Những xóm chuyên làm đồ trang trí Tết thì như được phủ trong sắc đỏ, các bà các chị tay vừa thoăn thoắt làm hàng, mắt vẫn không quên liếc nhìn rổ củ kiệu đang phơi ngoài kia có đủ nắng hay chưa… Và trên lan can, sào phơi đồ không chỉ có những bộ quần áo thường ngày, đâu đó là cái chăn cả năm rồi mới đem ra giặt giũ, hay tấm ra giường màu sắc sực rỡ đến chói mắt… điểm thêm chút ý vị cho mùa xuân. Anh không có chăn, chỉ có chiếc mền chỉ mỏng nhưng dường như cũng bị cái không khí rộn rịp mà dịu dàng ấy cuốn lấy. Anh đem mền ra giặt thật kỹ rồi phơi nắng, để nắng nhuộm thêm hương sắc mùa xuân vào nó hay vào chính lòng anh…

Càng vào sâu, “những dòng sông” càng quanh co và hẹp lại, con người ta cũng vất vả vì mưu sinh hơn. Vẫn là hơi thở cuộc sống anh hằng yêu, nhưng lại nhuốm thêm màu khắc khổ. Và đôi khi ánh nắng mùa xuân cũng chẳng thể rọi được đến nơi này_ người ta hay gọi chúng là những con hẻm cụt. Nó như một cái ao tù nước đọng quanh năm, quấn lên những người sống chung quanh thêm nhiều lo toan, nặng gánh. Hàng hàng xe hủ tiếu gõ nép sát vào nhau. Mùi than tổ ong, lẫn cả mùi cao su bốc cháy càng thêm gay gắt. Chẳng có sắc màu tươi vui được phơi phóng, chỉ có bạc thếch phong sương hiển hiện khắp nơi. Người đến, kẻ đi, ánh mắt nhìn nhau hoang mang lạc lõng. Có ai đó thở dài: “Sắp Tết đến nơi rồi…”

Những con hẻm quanh co, những con hẻm luồn lách giữa tầng tầng bê tông muôn hình vạn trạng… đến cuối cùng có tìm được ra tận biển khơi???