Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Hoài
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Hoài



Thị xã đón chào tôi bằng một cơn mưa tầm tã. Xuống tàu rồi, tôi vẫn cứ đứng ở nhà chờ, ôm túi hành lý trong tay, ngơ ngẩn nhìn từng bóng người vội chạy đến chạy đi. Phố thị nhỏ nên người xuống ga này cũng thưa thớt. Chẳng mấy chốc dường như chỉ còn lại mình tôi và… mưa. Vài bóng đèn được thắp lên tỏa ra những vòng sáng vàng nhàn nhạt_ thứ màu vàng thật đặc biệt chỉ có khi pha vào đó nỗi cô đơn.

Một ông bác mặc đồng phục của nhân viên nhà ga chắc thấy tôi cứ đứng mãi đó nên đi ra hỏi thăm:
- Cậu chờ người nhà đến đón à?

Tôi lắc đầu:
- Không, cháu từ nơi khác mới đến. Gần đây có nhà trọ nào không bác?

Nghe tôi nói thế, người đàn ông có mái tóc điểm hoa râm kia cẩn thận nhìn tôi một lượt:
- Cậu nhìn cứ như học sinh, không phải bỏ nhà đi đấy chứ?

Tôi nghe thế chỉ còn biết mỉm cười… chua chát:
- Trông cháu giống dân bỏ nhà đi lắm à?
- Chẳng có điểm nào khác. Mà thôi, gần đây cũng chả có nhà trọ nào đâu. Cậu cứ vào đây với tôi trước đã.

Nói rồi ông cũng dợm bước quay vào phòng, nghĩ nghĩ một hồi tôi cũng theo sau. Căn phòng trực không rộng lắm cũng chẳng bày biện gì. Một chiếc bàn làm việc, trên có đặt vài chồng sổ sách, cạnh đó là một tủ hồ sơ , rồi mới tới “góc nhỏ riêng tư” mà ông bác hóm hỉnh giới thiệu: một chiếc chiếu cuộn gọn dựng ở góc, phích nước sôi, cùng vài vật dụng linh tinh khác.

Tôi vục đầu vào bát mì tôm còn tỏa khói nghi ngút mà ông Hoàng _người trực nhà ga tốt bụng vừa nấu cho. Chợt cảm thấy tiếng mưa rả rích ngoài kia như vọng về từ một cõi xa xăm. Nước dùng nóng hôi hổi tràn qua cổ họng, rót từng chút ấm áp xuống tứ chi tê lạnh, có ớt đâu mà tôi cảm thấy sóng mũi mình lại cay cay.

- Đúng là tụi trẻ chúng bây nông nổi và bồng bột quá đi. Nhưng thế mới đúng là tuổi trẻ chứ. Cứ đi đi con. Lăn lộn, thất bại rồi mới khôn ra. _ Nghe xong câu chuyện của tôi, ông Hoàng cười khà khà phán cho.

Nông nổi và bồng bột ư? Tôi nghĩ ông nói không hề sai.
Thi xong tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định không thi tiếp vào Đại học mà sẽ vừa đi trải nghiệm các nơi vừa tự học vẽ. Cả nhà tôi ai cũng phản đối, rồi đủ thứ lý do được đưa ra: sức học tôi không hề tồi, phải có tấm bằng đại học mới mong tiến thân, rồi thì tương lai, rồi cả mặt mũi gia đình… những sợi dây chằng chịt đã thít chặt lấy cổ tôi suốt mười mấy năm qua.
Trong mắt gia đình và bạn bè, tôi luôn là một đứa con, một người bạn bình thường và ngoan ngoãn. Nhưng chỉ riêng tôi biết được, nỗi cô đơn tự bao giờ đã xâm nhập và gặm nhắm hết tâm hồn tôi. Mãi mãi tôi cũng không thể nào có được cảm giác bình yên. Và tôi biết đã đến thời điểm cuối cùng. Một là phải cắt phựt những ràng buộc ấy đi, nếu không chính bản thân tôi sẽ bị chúng quấn chặt và hút đến cạn kiệt chút sinh lực ít ỏi còn lại của mình. Dòng máu chảy trong huyết quản tôi đang kêu gào sự thoát ly. Dù tôi biết để có được điều ấy, tôi sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ.

- Thế bây giờ cậu dự tính thế nào?
- Cháu tính tìm một chỗ trọ trước, rồi mới đi tìm công việc.
- Việc làm thì tôi không thể giúp cậu rồi. Nhưng tôi có ông bạn cũng đang có phòng cho thuê. Có điều ông ấy là người kỹ tính lại thích yên tĩnh, nên cũng rất kén khách trọ. Tôi chỉ giới thiệu, có được hay không thì còn phải xem đã.
- Cháu cám ơn ông trước. Được hay không cũng không sao ạ. Ông giúp cháu nhiều quá rồi. Nếu không có ông, đêm nay cháu chẳng biết mình sẽ ở đâu.
- Có gì đâu. Tôi ngồi trong phòng quan sát cậu một hồi, thấy cậu cứ ngơ ngẩn đứng một chỗ. Đoán chừng cậu có chuyện gì nên đến hỏi thăm thử.

Đêm nay không có tàu qua ga, sắp xếp xong công việc ông Hoàng mới trải tấm chiếu ra, vặn nhỏ ngọn đèn bàn rồi bảo tôi nghỉ ngơi. Tôi lấy vài bộ quần áo ra, xếp vuông vắn làm cái gối tạm, rồi mới nằm xuống một bên chiếu. Nghĩ nghĩ sao tôi lại muốn hỏi:

- Trông cháu giống kẻ gian lắm sao, mà ông quan sát cháu kỹ thế?
Mãi vẫn không có tiếng ông Hoàng trả lời, tôi dần dần chìm vào giấc ngủ. Chợt mơ màng nghe thấy dường như có ai đang buông một tiếng thở dài, nhẹ tan vào màn đêm thăm thẳm...

(còn tiếp)
Hoài (tt)

Sáng hôm sau, tôi cầm theo mảnh giấy ông Hoàng vẽ chỉ đường đi tìm nhà trọ. Trời vẫn còn rây mưa lâm râm, không đủ ướt áo nhưng vẫn lùa được cái lạnh thấm sâu vào da thịt. Ngủ ở một nơi xa lạ, giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị, nên tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Mảnh giấy nắm chặt trên tay âm ẩm ướt, những vệt mực dường như cũng đang nhòe đi.

Không hiểu vì thời tiết đỏng đảnh hay vì thị xã này vốn đã lặng lẽ như thế, mà người trên đường đi lại khá thưa thớt. Thi thoảng có vài chiếc xe đạp cọc cạch chạy qua. Còn tiếng kèn xe máy thì hầu như không có, làm cho đôi tai tôi vốn dĩ thường ngày phải nghe quá nhiều tạp âm, giờ đây cảm giác nhẹ nhàng hẳn. Gió bắt đầu đẩy đưa cho tôi những thanh âm khẽ khàng và dịu dàng hơn: tiếng nước rỏ long tong từ những đầu hồi, vài tán lá xào xạc, và tôi tưởng như mình đang nghe âm thanh của những ngọn cỏ đang cựa mình đón mưa…

Theo chỉ dẫn, tôi quanh co qua vài con đường với những dãy phố nhấp nhô như đây chính là hình mẫu của mấy bức tranh nỗi buồn phố thị mà tôi đã xem: rêu phong, cũ kỹ, và dường như tất cả đều đã lỡ bước lạc nhịp thời gian. Ngôi nhà ông Hoàng giới thiệu cho tôi nằm khép mình trong một ngõ vắng trồng đầy những cây nhạc ngựa. Tôi đọc lại địa chỉ lần nữa xem có chính xác không, xong rồi mới tranh thủ lấy tay vuốt mái tóc ngay ngắn lại, cũng xem qua quần áo_ tuy có chút nhăn nhưng coi như cũng là tươm tất đi. Cảm thấy ổn thỏa rồi, tôi mới nhấn chuông. Âm thanh rè rè đứt quãng reo lên trong sự tĩnh lặng của ngõ càng thêm vang vọng. Mất một lúc sau mới có người ra mở cửa. Tôi đoán chừng người này chính là ông Thìn chủ nhà _ cũng là người bạn mà ông Hoàng đã giới thiệu. Tôi không dám quan sát lâu, sợ mang tiếng thất lễ, nên liền cất giọng chào trước:

- Cháu chào ông. Cho cháu hỏi phải đây là nhà của ông Thìn không ạ?
- Đúng rồi. Tôi là Thìn đây. Cậu tìm ai? _ Giọng ông trầm trầm mà hữu lực.
- Dạ, là ông Hoàng làm ở nhà ga, giới thiệu cháu đến đây thuê phòng trọ.

Nghe thế ông bèn mở cánh cửa rộng ra thêm một chút, nhưng không phải để mời tôi vào mà là để có thể quan sát tôi rõ hơn. Tôi cũng len lén nhìn ông. Đoán chừng ông cũng cỡ tuổi ông Hoàng. Nhưng so với gương mặt ông Hoàng luôn có nụ cười thường trực thì ông Thìn nhìn có vẻ nghiêm khắc hơn nhiều.

- Cậu tên gì? Từ đâu đến? Sao lại muốn thuê phòng trọ?
- Dạ cháu tên Trường. Cháu từ thành phố… mới đến đây hôm qua. Cháu…

Thấy tôi cứ ấp úng, ông Thìn càng tỏ vẻ không kiên nhẫn:
- Nếu cậu không muốn nói thì thôi, tôi cũng không muốn cho mấy người không rõ ràng thuê phòng. Chào cậu.

Tôi chưa kịp phân trần thì cánh cửa đã đóng sập lại trước mặt tôi. Toan gọi cửa lần nữa, nhưng như thế thật không phải phép. Tôi nghĩ nghĩ rồi quyết định, trước tiên cứ thử đi dò hỏi xung quanh xem còn nhà nào cho thuê phòng trọ không.

Lòng vòng cả buổi sáng cũng không thu được kết quả gì. Trưa tôi ghé một tiệm cơm ven đường tìm chút gì bỏ bụng. Lựa cơm với những khứa cá kho cà thấm đẫm ớt, tôi tranh thủ hỏi thăm chủ quán có biết chỗ có cho thuê phòng không.

- Cậu mới đến không biết, chứ thị xã này nhỏ như cái lỗ mũi, có mấy ai chịu đến đâu mà người ta kinh doanh phòng trọ. _ Vừa trả lời, tay chị chủ vẫn thoăn thoắt xới cơm, múc thức ăn cho tôi.

Tôi cám ơn rồi đón lấy dĩa cơm, đi tìm một bàn trống ngồi ăn. Thấy chung quanh mình vài bàn khác cũng đang có khách dùng bữa. Quán cơm bình dân, khách chủ yếu cũng là dân lao động, ăn uống trò chuyện râm ran. Những con người ăn mặc có phần luộm thuộm và sự vất vả dường như đang khắc sâu từng nếp nhăn trên gương mặt họ. Nhưng ít nhất đêm nay họ còn có một chốn để quay về.
Còn tôi, tôi sẽ tiếp tục lang thang đến đâu?
Muỗng cơm vừa cho vào miệng, tôi chỉ còn có thể cảm nhận vị đắng chát.

(còn tiếp)
Hoài (tt)

Ráng nuốt cho xong dĩa cơm, tôi quyết định thử tìm ông Hoàng _ người xa lạ duy nhất mà tôi quen biết ở đây để hỏi thăm lần nữa. Vừa tìm đường trở lại nhà ga, tôi vừa lo lắng là ông Hoàng đã về nhà. May mắn sao, ông trời cũng còn chút xót thương tôi.

- Sao cậu lại quay lại? Không vừa ý nhà đó à?

Không vừa ý ư? Tôi thậm chí còn chưa bước được qua cánh cổng. Nghe tôi kể lại, ông Hoàng khà khà cười ra vẻ khoái trá lắm.

- Đấy lão già ta là như thế đấy. Tôi đã bảo rồi mà.

- Ông ơi, ông còn chỗ nào khác không, giới thiệu cho cháu với.

Nghĩ nghĩ một chốc ông mới đáp:
- Tôi cũng chỉ biết có mỗi nhà ông Thìn đó thôi. Nhưng cậu đừng lo, để tôi dắt cậu đến xem sao. Chắc ông ấy cũng sẽ nể mặt tôi.

- Vâng. Cháu cám ơn ông nhiều lắm. Cháu toàn làm phiền ông từ qua đến giờ.

- Hừ, khách sáo làm gì. Tôi cũng từng một thời như cậu đấy thôi. Xách ba lô lên đường rong ruổi. Hành trang chẳng có gì ngoài nắng và gió. Ăn bờ ngủ bụi, mà trái tim vẫn sục sôi hy vọng ha ha. Nghĩ lại cũng không ngờ mình dám liều thế!

- Thế ông có từng hối tiếc vì chuyện đó?

- Hối tiếc ư? Con người ta ai chẳng đôi lần như thế. Lúc cô đơn, lúc mệt mỏi, thậm chí cả tuyệt vọng… Sao không cảm thấy hối tiếc được chứ. Nhưng tôi biết chắc chắn, nếu thời gian có quay lại lần nữa, thì cả tôi và cậu vẫn chọn con đường như thế mà thôi.

- Vì chúng ta là những con tàu không tìm được sân ga ư…

- Ngày xưa tôi cũng từng nghĩ như cậu.

- Còn bây giờ?

- Bây giờ ư… Tôi chỉ là một cái ga xếp bị thời gian lãng quên mà thôi…


Sau giờ tan tầm, ông Hoàng dắt tôi đến nhà ông Thìn lần nữa. Phố thị bắt đầu lên đèn, trời cũng đã ráo mưa, chỉ còn một làn hương âm ẩm cứ vấn vít trong không khí mãi không tan. Tiếng chuông rè rè lại vang lên trong ngõ vắng. Lần này ông Thìn ra mở cửa rồi gương mặt thoáng nét ngạc nhiên khi thấy ông Hoàng và tôi.

- Thật là quý hóa, hôm nay rồng đến nhà tôm đây. Mời bác vào chơi ạ

- Hừ, với tôi mà ông còn bày đặt ra cho ai xem. Mau vào nhà thôi nào, cho tôi xin ngụm nước, khát khô cả cổ rồi đây.

Ông Thìn cũng cười đáp lại. Cửa được mở rộng ra, ông Hoàng bước vào, tôi cũng khẽ gật đầu chào ông Thìn rồi lóng ngóng theo sau. Đi qua cửa, bước vào căn phòng đầu tiên hình như là phòng khách với những vật bày trí phủ đầy dấu ấn cũ xưa. Chiếc tủ thờ cẩn xà cừ, bộ bàn ghế bằng gỗ dùng bao nhiêu năm mà nước bóng được như thế. Trên tường cũng có treo vài bức tranh sơn mài màu sắc đã có phần bợt bạt: kết nghĩa vườn đào, cá chép trông giăng…

Thấy tôi vẫn còn đứng tần ngần, ông Thìn cất giọng:
- Cậu cũng ngồi đi.

Tôi ngoan ngoãn nghe lời ngồi ở một bên, nhìn ông Thìn rót trà ra mấy chiếc tách. Tôi đưa hai tay đón lấy chung trà. Hơi ấm lan tỏa khắp lòng bàn tay, tôi nhấp thử một ngụm. Hương trà mộc mạc thôi, nhưng thật khiến lòng người dễ chịu.

Ông Hoàng thì uống cạn hết một hơi, khà một tiếng như người ta uống rượu. Ông Thìn thấy thế cũng phải bật cười:
- Thật là mời ông uống trà cứ như trâu gặm mẫu đơn. Thật phí hết trà ngon của tôi. _Nói rồi ông quay sang tôi.

- Cậu uống được chứ? Có đậm lắm không?

- Dạ không. Cháu thấy thế này uống vừa rồi ạ.

- Đúng thế, trà pha loãng quá thì thà uống nước lọc còn hơn.

- Đấy có người không chê trà ông pha đậm rồi đấy. _ Ông Hoành tranh thủ giành lấy tình cảm thêm cho tôi.

- Hừ, ông muốn nói gì thì nói thẳng đi. Nhưng nói trước tôi không cho những người không rõ ràng thuê phòng trọ đâu.

- Ông cứ nóng nảy thế. Để nghe tôi hết đã. Cháu Trường đây có gì mà không rõ ràng, chẳng là nó ngại nên chưa dám nói thôi.

Nói rồi ông Hoàng kể lại chuyện của tôi. Chủ yếu là việc tôi muốn dọn ra ngoài sống để tự lập mà thôi. Ông Thìn nghe xong, gương mặt vẫn đầy vẻ đăm chiêu:
- Không phải tôi khó khăn gì. Nhà tôi neo người, chỉ có hai ông cháu, nên mới phải cẩn thận thế. Còn cậu, ra ngoài bươn chải có nghĩ đến sẽ khó khăn thế nào không? Hay được dăm bữa liền bỏ cuộc.

- Ông này, sao cứ làm nhụt chí tuổi trẻ thế. Cứ cho bọn nó ra đời mà học hỏi, có mất mát gì đâu. Mình là những người đi trước, giúp được thì cứ giúp chứ sao.

- Hừ, cứ coi như tôi nể mặt ông đi. Nhưng tôi giao trước: không được dẫn bạn bè về nhà, đi đâu cũng phải về trước 10h. Sau giờ đó tôi sẽ đóng cổng. Còn nữa, phòng ốc phải giữ gọn gàng sạch sẽ. Cậu có làm được không?

- Dạ, cháu làm được ạ!

- Còn chuyện quan trọng nhất.

- Dạ?

- Đưa giấy tờ tùy thân của cậu cho tôi xem, còn phải đi khai báo tạm trú nữa chứ. Ông thật là vẽ chuyện cho tôi đấy ông Hoàng.

Ông Hoàng không đáp, chỉ quay qua nhìn tôi, hấp háy mắt cười.
Tôi bắt đầu dọn đến ở trọ nhà ông Thìn từ ngày hôm đó.


(còn tiếp)
Hoài (tt)

Nhà ông Thìn là căn nhà một trệt một lầu xây theo kiểu cũ. Mái nhà lợp ngói có ốp thêm một tầng la phông để chống nóng. Sàn lầu được lót bằng gỗ chứ không phải đúc bê tông. Hai ông cháu ông Thìn ở tầng trệt, còn tôi được sắp xếp trọ ở trên lầu với lối đi lên là một cầu thang ngắn và hẹp được lát những viên gạch có màu như gạch nung đã nứt vỡ đôi chỗ. Mỗi lần giẫm lên lại nghe âm thanh lục cục.

Tầng trên cũng không quá rộng rãi nhưng khá thoáng mát, có cả nhà tắm riêng nhưng bếp thì phải dùng chung ở tầng dưới. Đối với người chỉ biết luộc rau hay chiên trứng như tôi thì việc nấu nướng cũng không quan trọng lắm. Đồ đạc sẵn có cũng không nhiều, ông Thìn bảo tôi có thể tùy nghi sử dụng. Tôi tìm thấy chiếu và gối được xếp lại cẩn thận bọc ngoài bằng túi nilon, mà khi trải ra vẫn còn nghe thoang thoảng mùi nắng mới. Trong góc có đặt một chiếc tủ đóng dính cùng vài kệ gỗ nhỏ_ sẽ rất thích hợp để dụng cụ vẽ và sách của tôi. Mở tủ ra xem thử, không có gì ngoài vài tấm lót bằng nhật trình đã chuyển màu ố vàng cùng mùi gỗ gay gay xộc ngay vào mũi.

Phòng không có cửa sổ, nhưng bù lại chỉ bước ra ban công sẽ thấy được ngay cả một bầu trời đêm mênh mang thăm thẳm. Có thể nói góc ban công này đã thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bây giờ nó vẫn còn khá trống trải, nhưng tôi đã tự họa cho mình hình ảnh trong tương lai. Tôi sẽ kiếm vài cái cây dễ chăm sóc đem về trồng, treo lên một chiếc chuông nhỏ để đón gió qua cửa. Đặt thêm một chiếc ghế gỗ tôi đã có nơi để ngóng chờ bình minh mỗi ngày. Hôm nào mưa, tôi sẽ đem ghế vào phòng rồi bình lặng mà ngắm mưa rơi, thấy đời dường như đang trôi qua rất nhẹ…

Những đêm đẹp trời, tôi còn có thể đem giá vẽ ra để vẽ.
Còn vẽ gì ư?
Có thể là ngõ nhỏ bình yên với hai hàng cây nhạc ngựa xào xạc mỗi khi gió về.
Có thể là nhà ai vẫn còn thấp thoáng ánh đèn ẩn hiện như đang thao thức chờ đợi một tiếng bước chân.
Vẽ cả âm thanh cọc cạch của những chiếc xe đạp mỏng mảnh mà chất trĩu nặng gánh mưu sinh, lẻ loi đi về trong đêm tối một mình…

Trái tim thấy được bao xa tôi sẽ vẽ bấy xa. Giấy vẽ không đủ thì tôi còn có cả một bầu trời bao la để họa vào.

Thế nên người ta vẫn nói người nghèo thường có trí tưởng tượng rất phong phú. Bởi họ có gì đâu ngoài bốn bức tường cũ kỹ cùng một mái nhà lỗ chỗ ánh sao rơi, trống trải lắm nên có thể mặc sức mà vẽ vời. Vẽ cả một tòa biệt thự, thêm chăn êm nệm ấm sực nức hương nước hoa, vẽ cả một chiếc ti vi bật nhạc thật to… để rồi họ ngủ vùi trong tiếng mũi vo ve, và mùi ẩm mốc cứ lẩn quẩn trong từng thớ không khí đặc quánh.

Hành trang tôi mang theo cũng không nhiều. Tất cả đều được để tạm lên mấy cái kệ. Chiếc tủ gỗ thì tôi mở hẳn hai cánh cửa ra, cho thoáng bớt mùi mới cất đồ vào được.
Còn phải tìm tờ nhật trình mới thay mấy tờ đã cũ kia. Vật dụng cá nhân cũng chỉ có vài món cơ bản chắc cũng phải mua thêm. Giờ đây muốn mua thêm một món gì tôi đều phải cân nhắc thật cẩn thận: có cần thiết không, lựa loại nào có giá cả hợp lý… Vì tôi không muốn chẳng mấy chốc mà mình đã tiêu hết số tiền mang theo, nên việc trước nhất tôi phải làm là tìm được công việc đã. Giấc mơ đôi khi vẫn phải gắn liền với thực tế mà thôi.

Tôi vừa ngả lưng nằm xuống vừa lẩm nhẩm suy tính. Tự an ủi mình từ đêm nay trở đi ít nhất mình cũng đã có một nơi trú ngụ. Sự mệt mỏi bắt đầu buông màn mi mắt, tôi mơ màng tưởng tượng sẽ lấp đầy bức tường trống đối diện bằng một nụ cười… và dần dần tan vào giấc ngủ trong tiếng gió thổi lao xao...

(còn tiếp)