Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Bâng khuâng chiều nội trú: 30 năm từ thơ đến nhạc
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
(Saigon, Nov 01, 2011 – DongNhacXua.com ) Mặc dù đã hơn 15 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác lần đầu tiên được nghe bản “Bâng khuâng chiều nội trú” trong một chiều mưa buồn ở ký túc xá Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức cuối năm 1995. Qua màn mưa, trong nỗi nhớ nhà và trong nỗi nhớ cô bạn sinh viên cũng ở ký túc xá, tiếng hát truyền cảm của Tuấn Ngọc càng làm nhạc phẩm này da diết hơn.

Mãi sau này chúng tôi mới biết được nhạc phẩm này là của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang sáng tác vào năm 1981, lấy cảm hứng từ hai bài thơ của một nữ sinh viên trường Tư Pháp TPHCM (Đại học Luật sau này). Nhạc phẩm này phổ biến ở hải ngoại rồi sau đó mới trở lại Việt Nam và nổi tiếng hơn 30 năm qua.

Nghe “Bâng khuâng chiều nội trú” qua tiếng hát Tuấn Ngọc



ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG


Trong khi chúng ta biết khá rõ về nhạc sỹ Lê Hựu Hà thì chúng ta lại có rất thông tin về tiểu sử của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang, người bạn thân và cũng là người đã cùng Lê Hựu Hà lập ra ban nhạc trẻ Phượng Hoàng nổi tiếng một thời trước năm 1975. Có thể nói không ngoa rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel, nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang đã có công khai sáng phong trào nhạc trẻ Việt Nam.
Về năm sinh và năm mất của ông, chúng tôi chưa có một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Theo những gì chúng tôi được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, hưởng dương chưa đầy 40 năm! Xung quanh cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại. Tuy nhiên có một điều chắc chắn đúng là ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật như lời chính mẹ ruột của ông nghẹn ngào tâm sự trong một chương trình video của trung tâm Asia.

ĐÔI NÉT VỀ HAI BÀI THƠ ĐÃ LÀM NIỀM CẢM HỨNG CHO NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG

(Theo một bài báo của tác giả Nguyễn Minh trên báo Tuổi Trẻ)

Tác giả hai bài thơ, chị Hoài Mỹ (ảnh chụp năm 1981)

[Hình: hoai-my-1981-191x300.jpg]

Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” ấy dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng khuâng chiều nội trú. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

Người đã viết ra hai bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú (được NS Nguyễn Trung Cang lấy làm cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát này) và Mưa (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A-B của bài Bâng khuâng chiều nội trú) là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời và chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy thì đến một ngày, khi ấy Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ nhạc hai bài thơ này và Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.

Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)

Bâng khuâng chiều nội trú

Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên

Mưa

[i]Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tường chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh

Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa

Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh… thơ. Bài thơ ra đời như thế. Còn bài Mưa là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tư pháp ngày nào, tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa. Mỗi lần nghe lại bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy.

Lời bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú

Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm

Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM


DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc!

Lương Y Hòa

hoa@dongnhacxua.com
Nhạc sỹ Nguyễn Trung cang và những ca khúc để đời
Hương Giang

Hạnh phúc trong tận cùng tuyệt vọng

Trong khi tất cả những người yêu nhạc Rock miền Nam nói riêng và quan tâm đến nhạc trẻ Việt Nam nói chung biết khá rõ, tường tận và đủ đầy về những giai thoại, cuộc sống và sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Hựu Hà thì dường như lại hiếm hoi có được những thông tin về tiểu sử của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang - người bạn thân và cũng là người đã cùng Lê Hựu Hà lập ra ban nhạc trẻ Phượng Hoàng.

[Hình: nguoiduatin-Nhcs-NguynTrungCang-ngcnhcas...ngHong.jpg]
Ban nhạc Phượng Hoàng chụp chung với một số bạn hữu.

Có thể nói rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel thì Nguyễn Trung Cang là nhạc sĩ đi tiên phong, khai sáng nhạc trẻ tại miền Nam trước 1975. Cho đến nay, chính giới nghiên cứu âm nhạc và những bạn bè cùng thời với Nguyễn Trung Cang cũng chưa nắm chắc năm sinh và năm mất của ông. Chỉ có một số nguồn tin gợi mở cho biết, Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947, mất năm 1985 khi chưa đầy 40 tuổi. Cái chết của Nguyễn Trung Cang đến nay vẫn còn là ẩn số đối với nhiều bạn bè và giới mộ đạo say mê các tuyệt phẩm của ông.

Rất nhiều người yêu nhạc cho rằng, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (hoặc những nhạc phẩm chung tay với nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng) mà ông từng tham gia là những lời ca, những nét nhạc của sự bi quan, chất chứa sự thở than trước nhân tình thế thái. Nhưng sâu thẳm bên trong những nhạc khúc của Nguyễn Trung Cang lại là sự lạc quan mà tình khúc Còn yêu em mãi là một minh chứng để đời.

Giữa chốn rừng sâu hiu quạnh, người nhạc sĩ vẫn còn biên đầy trang thư gửi về cho người vợ yêu dấu những tình cảm nồng ấm của thuở yêu thương mặn nồng. Quá vãng tươi đẹp với tình yêu sâu sắc vượt qua mọi rào cản và cuộc vượt ngục về tinh thần này đã chắp cánh cho địa hạt Tân nhạc Việt Nam một tác phẩm vang sáng trước mọi ám ảnh sợ hãi cũng như bóng tối của miền rừng thiêng nước độc trong những ngày dài đằng đẵng sống trong đau khổ.

Ngay cả khi sức khỏe đã suy kiệt, chú Phượng Hoàng một thời vẫn hiên ngang đứng trên đỉnh dốc vẫy cánh và có thể dệt lời ca ân tình thì chắc chắn nếu không có trái tim lạc quan thì Nguyễn Trung Cang khó lòng sáng tạo và chắt lọc được những lời ca đẹp đến thế. Giống như lần cuối cùng được hát, Nguyễn Trung Cang - một phần của Phượng Hoàng đã hát say sưa, vang lừng để có một giai điệu của Còn yêu em mãi không quá vui tươi nhưng cũng đủ để cho người nghe thấy được khát khao về một ngày mai tương phùng mãnh liệt. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng, giấc mơ tương phùng của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang mãi mãi không trở thành hiện thực bởi ông đã ra đi mà chưa có giây phút hội ngộ để nghe người thân khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.

Những ca khúc trác tuyệt để đời

Thương nhau ngày mưa


Đây là ca khúc được phổ biến rộng rãi của Nguyễn Trung Cang trong thời điểm còn gắn bó với ban nhạc Phượng Hoàng. Bản nhạc đã làm xao xuyến con tim của biết bao thế hệ sinh viên Sài Gòn thuở đó. "Như mưa ngày nào thấm ướt vai em, như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm"... Điệu Slow Rock nhẹ nhàng vương vấn, dòng nhạc tựa những cơn mưa tuôn rơi đều đặn trên những khuông nhạc réo rắt.

Ca khúc này cũng được đánh giá là ít chất sầu tình nhất của Nguyễn Trung Cang. Nó trong sáng, thánh thiện như những cơn mưa chiều và có lẽ là rất phù hợp với tâm hồn tuổi trẻ đầy hoa mộng mới vừa chạm ngõ yêu thương của Nguyễn Trung Cang thời điểm đó. Từng được rất nhiều bạn trẻ Sài Gòn thể hiện lại trong những đêm không ngủ xuống đường biểu diễn tại các chương trình hát cho đồng bào tôi nghe, Thương nhau ngày mưa còn được ví von như hiện tượng làm chao đảo cả giới nhạc trẻ khi đó.

Đây là ca khúc đánh dấu sự thăng hoa đầu tiên của Nguyễn Trung Cang với định mệnh âm nhạc của mình. Khi cùng Phượng Hoàng lang thang khắp các phố phường, quán bar biểu diễn, giọng ca chính Elvis Phương của nhóm đã một lần nữa thắp lửa cho Thương nhau ngày mưa bằng giọng hát quái đặc biệt của mình. Tiếng ngắt dứt khoát của điệu Slow Rock và những trần tình chắp vá, không đầu không cuối của một tình yêu trai trẻ đã làm nên một trác tuyệt cho đến giờ vẫn đủ đánh thức tâm hồn của nhiều người yêu nhạc đang say ngủ.

Bâng khuâng chiều nội trú

Đây là ca khúc ám ảnh nhất trong gia tài sáng tác của Nguyễn Trung Cang. Ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ của nữ sinh trường Tư pháp thành phố Sài Gòn mà bạn trai cô gái chính là người bạn thân của Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ bắc cầu ấy đã cho ra đời một Bâng khuâng chiều nội trú ấm áp đến nao lòng. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới dội lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam, chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Vì vậy, mãi về sau, khi Nguyễn Trung Cang mất thì ca khúc này mới được phổ biến và trở nên nổi tiếng qua giọng hát Tuấn Ngọc. Hai bài thơ: Bâng khuâng chiều nội trú và Mưa của tác giả nữ ngoại đạo đã thổi hồn cho một Bâng khuâng chiều nội trú xuất thần của Nguyễn Trung Cang.

Còn yêu em mãi


Đây là ca khúc đưa Lưu Bích Tô Chấn Phong trở thành cặp song ca hải ngoại được yêu thích nhất trong thập niên 90. Bài hát là tự sự không thể chân thành hơn của những người đang yêu. Cảm giác nồng nàn, ấm áp xuyên suốt ca khúc đã làm người ta quên đi nỗi u uẩn, mệt mỏi trong tận cùng sâu xa của bài hát. "Dù có cách xa mỏi mòn, mà những yêu dấu còn mãi. Sưởi ấm xác thân héo gầy, tình yêu như gió đem mây, gọi mưa giăng kín khung trời...".

Ca khúc cuối đời tuổi trẻ nghèo khó, tuyệt vọng của gã si tình, say đời Nguyễn Trung Cang dành cho người vợ yêu quý của mình, nhờ người bạn thân Lê Hựu Hà chuyển giúp. Nó là định mệnh trớ trêu, bởi chỉ vài tháng sau, ông đã chết vì kiệt sức. Những ca từ nồng ấm đã trở thành lời trăng trối có thật. Những nốt nhạc như lời tiên tri về thiên tai đời mình của Nguyễn Trung Cang.

Cùng với tuyệt phẩm này, Nguyễn Trung Cang còn một ca khúc nữa cũng lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả nghe nhạc là Dạ khúc. Dạ khúc ít được hát hơn nhưng vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng...
Dạ Khúc



Nỗi buồn của một thế hệ

Elvis Phương, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là những trụ cột chính của ban nhạc Phượng Hoàng - ban nhạc đã làm nên một cuộc cách mạng cho nhạc trẻ Việt Nam trong thập niên 60 - 70. Những ca khúc của Nguyễn Trung Cang - người nhạc sĩ phiêu lưu trên những nẻo đường Sài Gòn xưa cũ rơi vào vòng quay hiện sinh không lối thoát, buồn và bế tắc. Đó là nỗi buồn của một thế hệ quay cuồng trong những bi kịch tinh thần.