Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Miền ký ức
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Có những điều tưởng chừng đã ngủ quên mãi mãi.
Chợt một ngày lại cựa mình thức dậy theo tiếng mưa rơi,
cho lòng ai không khỏi thoáng bồi hồi...
Dường như ta đã có một thời như thế.
Dẫu là vậy thì buồn hay vui chỉ còn là hồi ức.
Nhớ và quên đôi khi cũng chẳng thể rạch ròi.
Vậy thì thôi cứ thả cảm xúc trôi
Về một miền xa xăm trong tâm tưởng...





Tiếng đàn bầu

[Hình: danbau_500.jpg]


“Đàn bầu ai gẩy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.”

Lần đầu tiên tôi nghe được tiếng đàn bầu là những năm còn học cấp một khi về quê ngoại nghỉ hè. Khi đó tôi cùng mấy người em họ núp dưới bóng dừa ven bờ ao, trốn cái nóng oi nồng của mùa hạ. Trong không gian tĩnh lặng ấy, tiếng đàn vang lên, không phải là một tấu khúc, mà chỉ là những âm thanh so dây đứt quãng. Lúc ấy tôi vẫn chưa biết đó là loại nhạc cụ gì, sau hỏi mới biết đó là ông cậu đang chơi đàn bầu.

Thời trước, ông cố vốn là địa chủ. Vì vậy ông cậu cũng được gửi lên thành phố đi học, đi đó đi đây, giao tiếp rộng rãi… và chẳng biết tự bao giờ say mê ngón đàn bầu. Đến độ ông cậu bỏ cả học, trốn đi theo gánh hát. Ông cố biết được, liền cho người bắt về, rồi tổ chức đám cưới ngay cho con trai. Để hy vọng làm ông cậu yên bề gia thất rồi sẽ hồi tâm chuyển ý.
Mà có lẽ ông cố đã thành công. Từ đó ông cậu không có ý định bỏ nhà đi nữa. Nhưng mỗi khi họ có đám, thế nào ông cậu cũng xin ba cho người mời gánh hát về, diễn tấu suốt đêm cùng tiếng đàn bầu của ông.
Nghe mọi người kể, lúc ấy ông cậu đào hoa lắm. Vừa mang dáng dấp của một công tử trí thức, lại thêm ngón đàn bầu da diết đã làm say đắm không biết bao thiếu nữ mơ mộng. Có người thậm chí đến tận nhà, để xin được theo hầu người mà không cần danh phận. Ông không từ chối ai, nhưng cũng không nạp thêm ai. Người ta nói đó là sự đa tâm nhưng cũng tối vô tình của những người có mang chút hơi hướng nghệ thuật. (không biết có phải không ta?)

Năm tháng như bóng câu qua thềm. Thời cuộc cũng đổi thay. Cơm áo gạo tiền trở thành gánh nặng, cũng chẳng còn vị cha già nghiêm khắc nhưng bao dung đứng ra giải quyết những món nợ phong lưu cho ông cậu. Tiếng đàn bầu thưa thớt dần, rồi chỉ còn là hồi ức.
Thi thoảng khi nhớ lại quá khứ thời thanh xuân, ông cậu lại mang đàn ra lau chùi, những ngón tay bị thời gian bào mòn, chỉ còn có thể khảy lên những âm thanh… run rẩy…

Trong ký ức của tôi chợt bừng sáng lên một sớm mùa hạ. Dưới bầu trời trong xanh, có mấy đứa trẻ chân trần chạy trên bờ đắp mới. Từ xa xa dần hiện rõ nét một bóng người dáng đi thật thẳng, là ông cậu đi ăn sáng về: một bộ quần áo thuần bạch, đội nón cối trắng, gậy ba ton trên tay… mỉm cười bao dung khi thấy mấy đứa trẻ khoanh tay cúi chào.
Lòng sao lại có cảm giác nao nao… Chợt muốn một lần nghe được một tấu khúc đàn bầu đầy đủ của ông cậu.

Thời gian không chỉ làm nhạt phai tất cả, mà đôi khi còn dựng lên cho người ta những ảo ảnh mơ hồ.
Dưới bầu trời mùa hạ trong veo, có một người thanh niên: mặc tây trang thuần bạch, nón cối trắng trên đầu. Chiếc gậy baton được thay bằng chiếc ô đen. Bóng lưng thật thẳng hòa vào trong thứ ánh sáng mờ nhạt mông lung. Xa xăm đâu đây hình như có ai đang khảy đàn bầu
Bánh ít mái nhà

[Hình: cai-banh-it-ngay-xua-1.jpg]


Hôm qua là ngày mãn tang cậu, nhà bên đó nấu cỗ rồi gửi cho một ca cà ri thêm chục bánh ít.
Bóc từng lớp lá sẫm màu, lộ ra chiếc bánh hình tam giác xinh xắn, màu óng ánh như ngọc thạch, không cần nhai đã cảm thấy dẻo quẹo. Nhưng mẹ lại thoáng chần chừ khi cắn miếng bánh:
- Là bánh mua ngoài chợ.

Mình cũng chỉ có thể im lặng ngồi ăn, biết mẹ lại đang nhớ món bánh ít mái nhà của ngoại…

Ngày trước nhà nào có đám giỗ quải, tự nấu cỗ gói bánh là chuyện bình thường. Cứ chuẩn bị thật tốt nguyên liệu nào bột, lá, đậu, dừa…để sẵn đó. Sớm hôm sau con cháu lục tục kéo về, cùng nhau mần cỗ. Cánh đàn ông thì bày bàn, tiếp khách. Cánh đàn bà thì lúi húi sau bếp nấu nướng. Mấy đứa trẻ không được giao nhiệm vụ gì, chỉ mong chúng yên ổn kéo ra ngoài chơi. Nhưng thế nào chốc chốc cũng có đứa thập thò nơi cửa bếp, với ánh mắt chờ mong chị hay mẹ sẽ cho một miếng gì đó ăn thử.

Việc gói bánh thu hút nhiều nhân lực nhất, nhưng người gói đẹp thì ít, xiên xẹo thì nhiều. Kinh nghiệm tỉ lệ thuận với tuổi đời. Những cái bánh đẹp nhất thường là của ngoại, rồi mới tới các mẹ các mợ… Mấy chị trẻ trẻ hì hục mãi mới gói được một chiếc tạm được. Lũ trẻ thì ngồi bình phẩm như người lớn và bóc vụng nhân, để dưới cái trừng mắt của mẹ thì lại vù vù bỏ chạy.

Bánh nhà tự gói không hiểu có phải vì “niềm tự hào gia đình” hay không mà khi ăn lúc nào cũng cảm thấy dẻo hơn, thơm hơn bánh ngoài chợ. Đã thế những đứa cháu yêu … quái còn tha hồ đưa ra “yêu sách”: bánh con nhân đậu nhiều nhiều nha, con ăn nhân dừa, có đứa còn đòi cho thêm hạt lạc… Ngoại cười thật hiền, đứa nào cũng đáp ứng hết. Lũ trẻ càng làm tới, mẹ la cũng không sợ vì đã có bà “chống lưng”:
- Kệ, lâu lâu xấp nhỏ mới về chơi mà tụi bây.


Bánh mới nấu xong ăn ngon là thế, vậy mà mẹ lại cứ nhớ hoài mấy cái bánh “mốc meo” ngày cũ:
Bánh ít gói đám ăn không hết. Ngoại lột vỏ đem lên mái nhà phơi nắng. Đi đâu về đói bụng thì lại lấy một cái xuống ăn. Bánh hong nắng nên vỏ ngoài hơi khô, nhưng bên trong vẫn dẻo quẹo, nhân hơi chảy, vị ngọt thấm đẫm vào bột bánh thêm đậm đà…
Càng phơi thì bánh càng khô, có khi nổi cả mốc. Lúc đó, ngoại cẩn thận gọt lớp ngoài mốc đi, cho vào nồi cơm hấp, bánh lại nóng hôi hổi, xoa dịu cái đói của mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Thời gian cứ lầm lũi trôi qua. Đất thì chật, người thì đông. Người lớn tuổi rủ nhau đi tìm “miền đất phúc”, lại mang theo cả mấy chiếc bánh ít gói thật đẹp ngày nào. Để lại những chiếc bánh xiên xẹo vẫn chỉ là những chiếc bánh xiên xẹo khi không có đủ thời gian và kiên nhẫn. Đám giỗ quải vẫn thế chỉ thiếu đi màn nấu nướng, gói bánh… Không còn thứ gì để lấp ló ăn vụng, lũ trẻ trong phút chốc bỗng hóa thành người lớn.
Người lớn không thích những chiếc bánh ít gói sẵn…

Miên man hỏi mẹ bánh ít mái nhà ăn ngon không?
Mẹ nói: ngon gì, toàn bụi.
Ánh mắt mẹ xa xăm… Không ngon. Nhưng biết chắc chắn mẹ sẵn sàng đổi một mâm bánh ít mới để đổi lấy một chiếc bánh toàn bụi kia.

Người lớn không thích bánh ít gói sẵn… người lớn nhớ bánh ít mái nhà…
Đọc bài nàng viết, cứ thấy nghèn nghẹn Nắng ah... sad
Chim én không về

[Hình: h89b.jpg]


Ngày xa xa lắm, cách nhà tôi một đoạn có một căn nhà hai tầng kiểu cũng cũ thôi, nhưng đặc biệt hơn một điều là trên sân thượng nhà ấy có bầy chim én tự về làm tổ.

Chim én không ríu rít như chim sẻ, cũng chẳng khí thế như họa mi… chỉ là những chấm nhỏ bình yên trên bầu trời xanh thẳm, điểm chút cô đơn không hiểu tại vì sao.
Ông chủ nhà ấy cũng đã có tuổi, mái tóc phần muối chiếm hầu hết phần tiêu, sáng sáng lại nhấc hai chiếc ghế nhựa ra trước sân nhà. Một chiếc để ngồi, chiếc còn lại đặt ly bạc xỉu vẫn còn thoáng bốc khói. Tôi không nhớ nổi gương mặt ông ấy, nhưng lại nhớ kỹ màu hai chiếc ghế. Là màu đỏ bị thời gian thổi bay dần thành cái màu không tên nhợt nhạt, thế mà lại khắc sâu vào trí nhớ của một đứa trẻ. Quả thật đầu óc con người ta đúng là một vùng đất bí ẩn và khó hiểu.

Ông cụ lớn tuổi rồi cũng không thể làm gì, chỉ có niềm vui quây quần con cháu và ngắm bầy chim én chẳng hiểu sao lại chọn nhà ông để làm tổ _ như một niềm tự hào mà ông hay khoe một cách thầm kín với những người bạn già khác.

Chỉ là hình như khi những căn nhà khác được sửa chữa, xây dựng cao hơn, người dọn đến khu phố đông hơn… thì những cánh chim én bất giác tự bao giờ lại mang thêm vẻ trơ trọi.
Vài vụ ném đá, đôi lần mấy đứa trẻ hàng xóm leo sang sân thượng chọc tổ chim… Có ai rảnh rỗi để đếm số lượng bầy chim én đó không nhỉ? Chắc chỉ có ông chủ nhà với những tiếng thở dài lặng lẽ.

Rồi nhà ấy chẳng hiểu vì sao lại bán đi, dọn về nơi khác. Không biết là nơi đâu, nhưng chắc không có một đàn chim én làm tổ trên sân thượng. Vì chiều chiều lại bắt gặp hình ảnh ông chủ nhà ngồi ở quán cà phê bông giấy bên cạnh nhà cũ ngẩn ngơ nhìn bầy chim én. Chắc chỉ có ông mới biết những cánh chim ấy đã thưa thớt… và mệt mỏi lắm rồi…

Ngày vẫn cứ lặng lẽ trôi, nhịp sống vẫn ầm ầm chuyển động, chỉ có quán cà phê trồng cây bông giấy còi cọc là thiếu đi một người khách quen.
Thời gian vốn dĩ không chờ đợi ai mà.

Số lượng chim én nhà ấy cũng giảm dần rồi không còn cánh chim nào chao lượn nữa.
Có lẽ sợ ông lão cô đơn nơi xa lạ, nên chúng cũng vội vã đi theo ông…bỏ quên một mùa xuân sắp tràn qua phố nhỏ.


Mùa xuân năm ấy chim én không về…

Những sớm tinh sương


[Hình: images?q=tbn:ANd9GcQWtBZK7FQiwtasK4Sgm9W...9MJ6aO_mP9]

Tôi càng già thì càng mắc cái tật thích ngủ nướng, dù đôi khi chỉ là thêm dăm phút cũng quyết tâm ôm chặt cái gối mà "chiến đấu" đến giây phút cuối cùng. Chả bù ngày bé, lúc nào cũng hăm hở ráng dậy sớm (dù hăm hở có thừa, nhưng quyết tâm vẫn ít, nên cũng không hay thành công lắm đâu). Hay là vì đã mất đi động lực _những niềm vui nhỏ nhỏ mà ngày xưa mỗi khi thức dậy sớm sẽ được hưởng dụng nhỉ?

Đầu tiên phải kể đến là cái khí trời se se lạnh, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới vẫn chưa thể xuyên qua tấm màn sương xám giăng giăng, tôi thức dậy trong cái lạnh co ro, mở cửa ban công ra để hít thở một bầu không khí trong veo. Thứ không khí ít nhiều chưa bị khói bụi quấn lấy mang theo điểm trong lành của cây cỏ quanh đây, lại có điểm man mát cọ nhẹ trong lồng ngực, và cả thêm chút dư âm ngái ngủ của phố thị lúc bình minh. Những ngọn đèn đường chưa đến thời gian tắt, tỏa thứ ánh sáng vàng dịu xuống mặt đường, như mang thêm một tia ấm áp cho những khách bộ hành phải thức dậy còn sớm hơn cả mặt trời kia.

Thi thoảng một chiếc xe lam bình bịch chạy qua. Trên xe chất đầy người, lèn chặt thêm những cần xé rau xanh um, lại có thêm đôi quang gánh móc ngay sau đuôi xe. Ngày bé cứ trợn tròn mắt mà nhìn vì không thể hiểu cái xe bình thường mình hay ngồi về quê, có thể chứa nhiều đến như thế mà vẫn từ từ tấp lại hỏi những người đang đi bộ dọc đường:
- Có đi xe không?

Đổi lại những cái lắc đầu, cũng có khi là gật đầu, rồi lại có thêm người len lên xe, có người phải nhích sát vào. Kẻ lo sợ mớ rau mình bị đè dập thì la oai oái bác tài xế, nhưng rồi tất cả cũng đều như nhường nhau một chút… Có lẽ đều cũng là những người lao động vất vả như nhau nên ít nhiều cũng có sự đồng cảm. Chiếc xe lại lắc lư chuyển bánh, để lại một vệt khói mãi chưa tan trong không khí, và những giọt nước rỏ từ những cần xé rau xuống mặt đường, như đánh dấu một hành trình đã qua.

Những sớm tinh sương ấy đối với tôi còn là hơi nóng ấm áp tỏa ra từ bếp lò đang nấu sữa đậu nành của một người cô. Để tiết kiệm chi phí, bếp được đun bằng vỏ dừa tận thu từ quán nước lúc nào cũng tỏa ra một làn khói mong manh. Trên bếp là nồi sữa đầu nành sôi lăn tăn, thi thoảng lại phải khuấy đều đề không cho sữa đóng váng (ah mà cái miếng váng sữa vàng nhạt này ăn cũng hay hay lắm, hơi béo hơn sữa đậu nành nhưng vẫn thanh thanh), lại cho thêm mấy cọng lá dứa thơm thơm. Và ngoan ngoãn ngồi canh bếp lửa (ngồi nghịch đúng tình cảnh hơn ah), thì thế nào cũng được thưởng một chén sữa đậu nành nóng hôi hổi vừa thồi vừa xuýt xoa uống, ấm sực cả người.

Có những dịp đặc biệt hơn thì còn được ba dắt đi ăn sáng ở tiệm đàng hoàng nhé. Tôi còn nhớ tiệm ấy không có biển hiệu, nhưng ai cũng gọi là tiệm nước Nam Sanh. Nước thì bán suốt ngày, còn hủ tiếu mì các loại như: xá xíu, thập cẩm… chỉ bán vào buổi sáng. Chủ quán là người Hoa, khách nhân hầu hết cũng thế nên ngôn ngữ được nghe nhiều nhất ở đây thường là tiếng Quảng hay tiếng Tiều sang sảng. Bàn ghế trong quán chủ yếu làm từ gỗ, chất gỗ tốt qua năm tháng càng thêm bóng nước, phía trước tiệm là xe hủ tiếu trang trí bằng mấy tấm kính màu, nồi nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục tỏa ra hương khí mê người (hay mê dạ dày). Nhưng cái làm tôi đam mê hơn cả là những đĩa điểm tâm bé xíu, mà khi có khách ngồi vào bàn, người phục vụ (tiểu nhị a hihi) bước đến ghi món cho khách thì trước tiên luôn đặt thêm lên bàn chiếc lồng hấp xinh xinh, trong đó đặt vài đĩa há cảo, xíu mại vẫn còn đang bốc khói. Gọi là đam mê vì đối với tôi món này thật sự rất ngon, ngon hơn cả tô hủ tiếu chất lượng kia, nhưng lại khó mà được ăn (vì mẹ tôi cho là món này thường hay để qua đêm hôm sau lại mang ra bán, không tốt cho sức khỏe.) Có phải tại vì khó được ăn mà càng thêm yêu thích nó không nhỉ, giống kiểu cái gì càng không có lại càng thêm mong muốn. Chỉ biết là từ đó tôi sinh ra chấp niệm khá xấu với món há cảo, đó là: cứ thấy chỗ nào bán há cảo ngon thì lại tìm mua về, nhưng mua về lại lén lút một mình ăn, không thích cũng không muốn chia cho ai hết. Hình như là muốn ăn bù lại cho đủ những năm tháng cứ nhìn đĩa bánh bé xíu đặt ngay trước mắt mà chỉ có thể thèm thuồng nuốt nước miếng kia.

Ngẫm lại có khi mình càng già lại càng ấu trĩ.
Ấu trĩ đến độ hiếm hoi có được lần thức dậy sớm, thì thế nào cũng mở cửa ra ban công hóng cái lạnh sáng sớm, để chút kỷ niệm mơ hồ vuốt ve lên vùng ký ức mong manh…