Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Những câu chuyện kỳ bí
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Kỳ bí chuyện giếng bị yểm bùa và sự tồn vong cả dòng họ


Câu chuyện về hai cái giếng bị yểm bùa và sự tồn vong của một dòng họ đã có từ bao đời nay, và vẫn được người dân ở làng Hà Đông, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lưu truyền.

Thực hư về bí mật về hai cái giếng có tên giếng Mai, giếng Táng và sự tồn vong của một dòng họ chúng tôi đã tìm về xã Diễn Cát để tìm hiểu câu chuyện trên.

Kỳ bí giếng Mai

Từ trung tâm TP. Vinh vượt quãng đường gần 50 km chúng tôi tìm về xã Diễn Cát để được tận tai nghe câu chuyện về giếng Mai, giếng Táng mà người dân nơi đây vẫn lưu truyền. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, ngày trước làng Hà Đông có tên gọi khác là làng Quảng Hà thuộc xã Giang Triều, tổng Thái Xá.

Trong làng khi đó có 16 dòng họ sinh sống bao gồm: Dòng họ Mai, họ Đàm, họ Hoàng, họ Trương, họ Cù, họ Võ… Thế nhưng, dòng họ Mai là một trong những dòng họ đầu tiên đến sinh sống và khai sinh ra ngôi làng này, chiếm số con cháu đông nhất
trong cả làng

[Hình: images714069_giengthieng1.jpg]

Dấu tích được cho là của giếng Táng mằm giữa cánh đồng rộng mệnh mông

Cuộc sống của con người suốt ngày bám vào đồng ruộng nên không mấy khá giả, và dòng họ Mai ngày đó cũng vậy, đông con, lắm cháu nên kinh tế của dòng họ cũng thuộc loại trung bình trong làng. Ngày đó, nếu gia đình nào muốn đào giếng thì phải xem thầy cẩn thận để tránh đụng vào long mạch mà mang họa.

Để tránh điều đó, cụ tổ của họ Mai đã mời về một ông thầy địa lý người Tàu để làm lễ đào hộ dòng họ một cái giếng. Trước sự khẩn thiết của trưởng họ cũng như con cháu trong họ, ông thầy địa lý đó đã đồng ý giúp họ Mai đào giếng. Cẩn trọng xem hướng mảnh đất nơi họ Mai sinh sống, chỉ mất hơn một ngày cùng với sự giúp sức của các trai đinh, giếng nước đã hoàn thành.

Cụ Phạm Thị Loan, một cao niên trong làng nhớ lại: “Để cảm ơn sự giúp đỡ của ông thầy địa lý này, con cháu dòng họ Mai ngỏ lòng muốn trả công cho thầy thật hậu hĩnh. Tuy nhiên, thầy địa lý im lặng chẳng nói chẳng rằng đi bứng một khóm tre về trồng bên cạnh cái giếng mới đào rồi nói lại với trưởng họ Mai ông sẽ không lấy tiền công bây giờ mà sẽ chờ khi bụi tre ông vừa trồng xuống lớn lên, đẻ măng, măng lại lớn thành tre thì ông sẽ quay lại đốn tre chẻ thành sợi lạt để xâu tiền (ngày đó còn sử dụng đồng tiêng có lỗ ở giữa)”. Nói xong, ông thầy địa lý bỏ đi, trước khi từ biệt, ông ấy còn đặt tên cái giếng mới đào là giếng Mai, nó tượng trưng cho cả dòng họ Mai tại làng Quảng Hà.

[Hình: images714071_giengthieng2.jpg]

Giếng Mai nơi khởi nguồn cho sự phồn thịnh một thời của dòng họ Mai


Giếng Mai có từ ngày đó, một điều kỳ lạ nữa là kiến trúc xây dựng thành của giếng Mai rất đặc biệt, toàn bộ cái giếng sâu khoảng 20m, thành giếng được ghép bằng sò tự nhiên, nhưng không cần dùng đến một thứ vôi vữa hay loại hồ kết dính nào. Từ khi có cái giếng, cả dòng họ Mai quả nhiên làm ăn ngày càng phát đạt, mùa màng bội thu nên cuộc sống của các thành viên trong họ khá lên trông thấy. Nước trong giếng đầy ăm ắp, trời dù có đại hạn, nước ở sông suối có cạn khô thì mực nước ở giếng Mai vẫn như cũ.

Đặc biệt, vào mùa lũ, những cơn mưa làm cho nước giếng ở làng bị đục nhưng nước trong giếng Mai vẫn luôn trong vắt. Vì lý do đó, bao lần hạn lớn, giếng Mai cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng Quảng Hà.

Niềm vui có được giếng Mai như có được báu vật trời ban trong nhà, con cháu họ Mai ra sức bảo vệ báu vật đó. Nghĩ đến lời hẹn với ông thầy địa lý năm xưa, nghĩ rằng trong nay mai, có thể ông thầy đó tìm về và lấy tiền công như lời ông nói thì biết tính làm sao. Trưởng tộc dòng họ Mai đã mở cuộc họp bàn với các bô lão để tìm cách để khỏi phải trả tiền cho ông thầy địa lý nọ. Suy đi, tính lại, cuối cùng có người hiến kế, nếu trước khi ông thầy ra đi nói sẽ trở về khi bụi tre mọc măng, vậy thì chỉ có cách chặt hết măng đi thì lời nói đó không có cơ sở để thực hiện và dòng họ lại không bị mất tiền công nữa.

Mọi người đều nhất trí thực hiện quyết định đó, từ đó, hễ có mậm măng nào nhú lên từ bụi tre của ông thầy địa lý trồng thì con cháu dòng họ Mai nhanh chóng chặt đi. Kỳ lạ thay, càng chặt bao nhiêu thì măng lại càng mọc nhanh bấy nhiêu, thậm chí trong một đêm mà măng mọc ra nhiều không kể xiết. Bấy nhiêu mầm măng mọc là bấy nhiêu lần con cháu họ Mai dùng dao chặt đi.

Suy vong dòng họ vì lòng tham

Thời gian cứ thế trôi đi, dòng họ Mai vẫn âm thầm thực hiện diệu kế mà họ cho là “thượng sách” để không phải trả công cho ông thầy địa lý. Khoảng mười năm sau, khi câu chuyện về tiền công đào giếng tưởng chừng như đã bị lãng quên thì một ngày nọ, ông thầy địa lý tìm về nhà trưởng tộc họ Mai. Khi nhìn thấy bụi tre chỉ lơ thơ vài ba cây tre nhỏ, ông biết rằng các mầm măng đã bị chặt đi, vẻ mặt thoáng thất vọng nhưng ông cũng không trách móc gì.

Ngồi nói dăm ba câu chuyện phiếm, tuyệt nhiên ông không đả động gì đến chuyện tiền công đào giếng nữa mà ông còn ngỏ lời sẽ giúp dòng họ Mai đào thêm một cái giếng nữa. Nghe vậy, ông trưởng tộc họ Mai mừng lắm, ông nghĩ rằng, ông thầy này quả là cao tay ông ta chỉ mới ra tay đào giúp một cái giếng mà dòng họ của mình đã làm ăn phát đạt, ngày càng giàu có. Nếu ông ấy giúp đào thêm một cái nữa thì họ mình đã giàu lại càng giàu thêm.

Ngay lập tức, ông trưởng tộc huy động mấy trai đinh mang theo xuổng, cuốc theo chân thầy địa lý đi đào giếng. Chiếc giếng mới này, theo lời kể của các cụ Loan thì cái giếng ấy rất khác so với cái giếng ban đầu, giếng sâu chỉ hơn 2m nhưng rộng gần một sào ruộng. Vừa đào xong nước đã trong xanh và ngọt mát vô cùng. Một bề được ghép bằng đá vôi để tiện lên xuống, bề còn lại để bờ tự nhiên. Trông từ xa cái giếng không có gì khác một thửa ruộng. Khi công việc đào cái giếng thứ hai hoàn tất, ông thầy địa lý đặt tên là giếng Táng.

Vừa nghe thầy địa lý đặt tên giếng, khuôn mặt của trưởng họ Mai bỗng dưng biến sắc, ông liền hỏi lại thầy địa lý vì sao lại đặt tên giếng như vậy. Ông Thầy địa lý trầm ngâm nói ta nói rằng vì cả dòng họ tham lam, không muốn trả tiền công mà chặt hết măng tre đi. Và ông lớn tiếng mắng người dòng họ Mai, các người không biết, bao nhiêu mầm măng là bấy nhiêu tài lộc mà các người được hưởng, nhưng cũng chính tay các người đã chặt hết các mầm măng đó cũng chính là tự tay mình chặt hết tài lộc của mình. Giếng Táng vừa đào chính là quả báo của cả dòng họ, nó đã cắt đứt long mạch của dòng họ Mai.

Từ đó, họ Mai làm ăn ngày càng sa sút, liên tục mất mùa, con cháu trong họ không hiểu mắc bệnh gì nhưng đều lần lượt chết trẻ. 10 năm sau, dòng họ Mai gần như tuyệt diệt tại làng Hà Đông, cụ Loan cho hay: “Nghe đâu, dòng họ Mai còn sót lại một người con gái lấy chồng xa, nhưng về sau người này cũng không có con cái gì cả, đến nay, cả làng Hà Đông không còn một ai mang họ Mai cả”.

[Hình: images714073_giengthieng4.jpg]

Bà Hoa cho biết, bao lần hạn nặng mà nước trong giếng vẫn đầy ắp

Sau khi họ Mai mất đi, phần đất đai nhà thờ tổ của dòng họ bị bỏ hoang nhưng giếng Mai thì vẫn được người làng sử dụng. Có điều nước từ đấy không trong, ngọt như trước mà chuyển sang vị lợ. Vì thế nước giếng Mai chỉ được sử dụng để tắm, giặt còn ăn uống thì lấy nước ở giếng Táng.

Về sau, ngôi làng Quảng Hà đổi tên thành làng Hà Đông bây giờ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, và nhu cầu sử dụng ruộng đất, giếng Táng bị đất bồi và bị người dân san lấp. Bây giờ, giếng Táng chỉ còn lại là một vũng nước giữa cánh động rộng mênh mông mà chỉ những bậc cao niên trong làng mới biết. Đến năm 1986 phần đất có giếng Mai đã được gia đình ông Thái Doãn Long mua lại và sử dụng, nên giếng Mai vẫn được giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Hoa vợ ông Long cho hay, từ khi chuyển đến sống cho đến nay, chưa khi nào bà thấy cái giếng cạn nước, cho dù gặp năm đại hạn nước trong làng khô hết thì nước trong giếng Mai vẫn nguyên vẹn và xanh trong. Cũng theo bà Hoa cho biết, có gia đình muốn thau rửa giếng vì lâu năm cây cỏ mọc um tùm, lá cây rụng xuống nhiều nhưng khi sử dụng máy bơm, bơm nước hẳn một ngày mà nước không cạn đi là mấy.

Câu chuyện về giếng Mai, giếng Táng bị yểm bùa cũng như sự tồn vong của dòng họ Mai trên mảnh đất ấy thực sự khiến người khác phải tò mò. Ngày nay tại làng Đông Hà vẫn không có một ai mang họ Mai sinh sống, người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, mảnh đất nơi dòng họ Mai sinh sống ngày trước thiêng lắm, ở đó vẫn còn một ngôi mộ cổ nhưng không ai biết vị trí của nó.

Ngoài ra, một số người dân cho hay thi thoảng về đêm người ta vẫn bắt gặp một ông lão râu trắng bạc phơ, chống gậy đứng trước nhà ông Long nhìn vào đầy vẻ tiếc nuối. Dù không có ai chứng minh được câu chuyện trên hoàn toàn có thật, nhưng sự tồn tại của giếng Mai, giếng Táng và sự suy vong của dòng họ Mai thực sự tồn tại trong lòng người dân làng Hà Đông cho đến tận ngày nay.

Theo Trịnh Nguyễn
Các nhà khoa học đang nghiên cứu và tìm câu trả lời cho hiện tượng "nhục thân" mới nhất được phát hiện ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc: Đại lão hòa thượng Diệu Trí, chuyên tu pháp môn Dược Sư, viên tịch vào ngày 25-2-2003, hưởng thọ đến 116 tuổi. 3 năm sau ai nấy đều kinh ngạc khi nhục thân của hòa thượng vẫn còn nguyên vẹn…

Toàn thân vẫn mềm, sắc mặt vẫn hồng sau 6 ngày viên tịch

Sau khi hòa thượng viên tịch đến ngày thứ 6, các đệ tử kiểm tra thân xác sư phụ thấy toàn thân vẫn mềm, sắc mặt vẫn hồng nhuận. Theo lời dặn giữ lại chân thân của thầy, các đệ tử thỉnh pháp sư ở Cửu Hoa Sơn đến làm lễ khâm liệm, đặt hòa thượng vào trong chum theo tư thế tọa thiền (ngồi kiết già). Trong chum có để than củi, gỗ đàn hương và vôi, sau đó phong kín miệng chum lại, đợi đúng 3 năm sẽ mở ra.

Ngày 25-2-2006, khi chum được mở ra, ai nấy đều kinh ngạc khi thấy nhục thân của hòa thượng vẫn nguyên vẹn, sắc mặt tươi như còn sống. Đệ tử của hòa thượng Diệu Trí cho biết, trước khi hòa thượng viên tịch 3 ngày có gọi các đệ tử vào nói rằng: "Người xuất gia đến cũng tay không, đi cũng tay không. Sau khi ta đi rồi chẳng có gì để lại cho các con, chỉ để lại hình hài này cũng là vật vô giá đấy".

[Hình: 1341134886-nhuc-than-dieu-tri-2.jpg]


Nhục thân sư Diệu Trí lúc mới đưa ra khỏi chum

Sau năm vãng sinh sự sống vẫn tiếp tục?

Tại sao nhục thân của hòa thượng Diệu Trí không bị hư hoại? Các đệ tử của ngài chỉ biết rằng hòa thượng rất tinh thông về Đông y. Họ nhớ rằng, trước khi viên tịch mười mấy ngày, hòa thượng đã tịch cốc, không ăn gì, mỗi ngày chỉ uống ít nước. Điều thêm kinh ngạc là sau 3 năm viên tịch hai mắt của hòa thượng vẫn mở, còn tóc trên đầu lại dài ra 1,8cm, móng tay cũng dài ra 1cm. Theo quy định nhà Phật, tóc của các hòa thượng không được để dài hơn 1 hạt gạo và sau khi hòa thượng Diệu Trí vãng sinh được 4 ngày thì các đệ tử đã cạo tóc, cắt móng tay cho người trước khi liệm.

Hiện tượng này đã trở thành một thách đố đối với các nhà khoa học.

Kỳ bí nhục thân xá lợi các thiền sư

Quy luật của vũ trụ là vật chất không tự nhiên mất đi, mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, trong Phật giáo còn gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không. Xá lợi không bị chi phối bởi không gian, thời gian và quy luật của vũ trụ. Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng thế giới về tài ướp xác hàng nghìn năm không phân hủy.

Tuy nhiên, để ướp được xác, người Ai Cập phải lấy óc và lục phủ ngũ tạng của người chết ra, sau đó dùng các loại hóa chất, hương liệu để diệt trùng nhằm bảo quản cơ thể. Việc ướp xác theo cách đó có thể giải thích bằng khoa học khá đơn giản. Thế nhưng, khả năng ướp xác không cần thuốc diệt trùng, không cần môi trường chân không, không cần ướp lạnh mà vẫn giữ được toàn vẹn xương cốt, lục phủ ngũ tạng thì quả là kỳ tài.

Xá lợi toàn thân của Thiền sư Việt Nam

Cái chuyện " kim cương bất hoại" này thì ở Việt Nam khá nhiều. Trước đây là chuyện nhục thân hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu vào thế kỷ XVII. Cách đây khoảng 300 năm, vào giữa thế kỷ 17, trong ngôi chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội) có 2 thiền sư Vũ Khắc Minh (pháp danh Tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (pháp danh Tự Đạo Tâm) nối tiếp nhau trụ trì. Hiện tại chùa Đậu đang lưu giữ nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Cả hai trước khi viên tịch đều nhập thất 3 tháng 10 ngày, sau đó tự hóa để lại xá lợi nguyên vẹn ở tư thế ngồi nhập thiền.

Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai thầy trò đồng thời cũng là hai chú cháu. Tục truyền xưa kia, nhân dân quanh vùng thường gọi thiền sư Vũ Khắc Minh là nhà sư rau, bởi quanh năm thức ăn của ông chỉ duy nhất là rau. Trước khi mất, ông ngồi vào trong am để tụng kinh, mang theo 1 chum nước và một chum dầu để thắp. Ông dặn các đệ tử “sau 3 tháng 10 ngày nếu không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa mới được mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta còn nguyên vẹn thì lấy sơn ta bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am”. Vị thiền sư đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình.

Cho đến nay, khoảng thời gian 3 tháng 10 ngày đó vẫn mãi là bí mật chưa được giải thích. Giới Phật tử thì cho rằng, hai vị thiền sư đã tu luyện được “lửa tam muội”, một loại lửa có thể chiến thắng mọi tác động bên ngoài và trường tồn với thời gian mà vẫn được lưu truyền trong Phật giáo.

Các bậc đại sư khi chết đi, thân xác của họ được hỏa táng sẽ tạo thành những viên xá lợi rất cứng, đẹp và bền vững. Xá lợi có nghĩa là đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí thời gian bào mòn. Những viên xá lợi này chính là tinh túy của thân thể tích tụ lại, đốt ở nhiệt độ cao cũng không cháy được. Nhưng theo như lời của vị sư trụ trì chùa Đậu, đại đức Thích Thanh Nhung, thì hai vị thiền sư sau khi đắc đạo để lại toàn thân xá Lợi. Việc luyện thiền để tạo được xá lợi đã là kỳ bí, khó giải thích, còn tu luyện đến mức giữ được toàn thân xá lợi thì nghe giống như chuyện không có thật dù là... thật. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã lên tiếng giải thích về hiện tượng đặc biệt này, song vẫn chưa sáng tỏ và chưa thuyết phục. Xá lợi và toàn thân xá lợi không những là hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học trong nước mà còn đối với cả thế giới.

Chính vì vậy, hai pho tượng quý, hiếm này của văn hóa nước nhà được coi là quốc bảo thiêng liêng. Ngoài ra, tại chùa Phật Tích cũng có pho tượng tổ sư Chuyết Thuyết và chùa Tiêu Sơn có thiền sư Như Trí, đều giữ được toàn thân xá lợi đã gần 300 năm nay.

Tuyệt kỹ của thuyết "Nhục thân"

Phong tục thờ phụng "Nhục thân Bồ tát" trong Phật giáo Trung Hoa bắt nguồn từ đời Đường. Vào năm Trinh Nguyên thứ 6 (790), thiền sư Nguyên Tế khi 91 tuổi tự biết đã sắp viên tịch bèn trở về Nam Đài Tự ở Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam. Thiền sư từ đó không ăn, chỉ dặn đồ đệ sắc thuốc để uống. Thuốc sắc có đến hàng trăm loại do sư hái, mỗi ngày uống đến hơn 10 bát, sau khi uống thì tiểu tiện rất nhiều, mồ hôi ra như tắm. Uống thuốc liên tục hơn 1 tháng sau thì sư gầy hẳn đi nhưng sắc mặt hồng nhuận, hai mắt sáng rực.

Năm Trinh Nguyên thứ 10, đại sư Nguyên Tế viên tịch trong lúc đang ngồi kiết già đọc kinh. Đệ tử tuân theo lời dặn, để nguyên hơn 1 tháng sau nhục thân của sư vẫn tỏa mùi hương nên không hỏa táng như thông lệ mà đặt di thể đại sư vào quan tài bằng đá. 3 năm sau khi mở quan tài, di thể đại sư vẫn tươi như còn sống, người ta cho là Địa Tạng bồ tát giáng thế nên dát vàng toàn thân để thờ qua hơn nghìn năm. Năm 1911, kim thân của đại sư Nguyên Tế ở cung Hoạt Phật, thị trấn Bộ Văn, Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến bị quân Nhật Bản đưa về Nhật Bản. Qua kiểm tra, trong bụng của thiền sư Nguyên Tế không có tạp vật, cơ thể thấm thuốc chống mục, miệng và hậu môn đều được bịt kín, đấy có thể là nguyên nhân cơ bản giúp thi thể không bị hủy hoại. Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu cũng chưa thể kết luận là trước khi viên tịch thiền sư đã sử dụng những loại thảo dược gì để bảo dưỡng nhục thân.

24h.com
‘Rắn thần’ báo thù, hàng chục người theo nhau chết?

Theo quan niệm dân gian, khi cải táng mộ, nếu gặp rắn nằm trong mộ thì tối kỵ việc bắt, giết. Thế nhưng, những người trong một dòng họ ở Thị xã Chí Linh (Hải Dương) khi cải táng ngôi mộ tổ, gặp sự việc bất thường này lại có hành động “bất thường”: Bắt hai con rắn nặng cả ký lô lên làm… mồi nhậu.


Những chuyện lạ chưa thể giải thích từ đó cứ liên tiếp diễn ra trong dòng họ này. Chỉ trong một thời gian ngắn mà lần lượt những người trẻ chết tức tưởi, chết tai nạn vì những lý do cực kỳ lãng xẹt...

Đã phạm điều tối kỵ lại còn “trùng tang”?

Đầu những năm 2000, do mộ cụ tổ của cụ ông và cụ bà dòng họ nằm cách xa nhau, mộ của cụ bà lại bị người dân làm ruộng cuốc làm mất hết cả chân mộ dẫn đến nước ngập vào trong nên cả họ tiến hành họp những người cao tuổi trong dòng họ, bàn chuyện chuyển mộ cụ bà về gần cụ ông.

Người ta kể lại, khi thợ xây tiến hành đào đất để di dời mộ của cụ bà thì phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn lạ, nặng khoảng nửa ký nằm ở độ sâu khoảng 1,5 mét, lạ lùng là mình rắn có màu đỏ như lửa. Tiếp tục đào mộ cụ ông, người ta lại tiếp tục phát hiện một con rắn hổ mang nặng đến một ký nằm ở trên đầu ngôi mộ. Theo lời kể lại, sợ nhất là cả hai con rắn trên đầu đều có mào hình chữ thập, nhìn kỹ thì thấy một con trên đầu có hình chữ “Thọ”, một con trên đầu có hình chữ “Phúc”.

Có lẽ người ta nghĩ ở khu vực cánh đồng ngập nước này, chuyện gặp rắn thì “thường như cơm bữa” nên không ai lấy làm lạ. Cánh thợ xây liền mang con rắn hổ mang đi bán lấy tiền uống rượu. Con rắn có màu đỏ rực còn lại thì ông Điền là người trong họ mang về nhà để ngâm rượu, nhưng sau đó vợ ông không cho ngâm nên ông mang ra ruộng thả đi.

Sau khi dòng họ di dời mộ cụ ông, cụ bà về với nhau, thời gian đầu mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, không có biến cố nào xảy ra. Bẵng đi một thời gian, vào khoảng năm 2007 vợ của ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời. Dân làng bỗng trở nên hoang mang hoảng sợ, kể từ đó câu chuyện về dòng họ bị “ma ám” bỗng trở nên xôn xao, náo động cả một vùng quê.

Người trong họ cho biết, sau khi vợ ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời, con dâu trưởng của người chết liền đi xem bói thì được cho rằng: Khi làm mộ, nếu phát hiện có rắn ở trong thì đó là điều thịnh vượng và không nên đào lên nhưng mọi người vẫn cố làm dẫn đến bị động mả, do đó các cụ “về bắt” dần con cháu trong họ và người đầu tiên “bị bắt” chính là vợ trưởng họ. Bên cạnh đó, thầy bói còn “phán” thêm: Do bà vợ trưởng họ bị “bắt” đúng vào giờ “trùng tang” nên cứ thỉnh thoảng các vị “thần trùng” lại về lấy con cháu trong họ xuống để làm phục vụ cho các “thần”.

Cả nhà theo nhau chết

Chẳng biết cái chết của bà vợ ông trưởng họ có liên quan gì tới việc “động mồ mả tổ tiên” hay “trùng tang” hay không, nhưng kể từ khi cô con dâu cả đi xem bói về thì hàng loạt người trong dòng họ không kể già trẻ, gái trai cứ thế chết dần chết mòn. Hơn một tháng sau, cả họ suốt ngày “bận bịu” vì tiễn đưa bốn người gồm: Cô, dì, chú, bác, cháu trong dòng họ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Một điều trùng lặp khác khiến mọi người vô cùng lo sợ: Chỉ trong vòng có hơn nửa năm trời, ba vợ con của một gia đình trong dòng họ đang mạnh khỏe bỗng nhiên đổ bệnh rồi từ biệt mọi người về thế giới bên kia.

Trong vòng hơn một năm trời kể từ cái chết đầu tiên, tổng cộng gần chục người khác trong dòng họ cứ thế theo nhau chết, trong đó có những cái chết thuộc dạng lý do “cực dị”.

Cái chết của anh L.V. Ngãi (SN 1972) là một trong số đó, lạ đến mức khi nhắc lại cả người trong và ngoài cuộc vẫn ngơ ngác không biết giải thích như thế nào cho hợp lý. Đó là một buổi chiều giữa tháng 9/2009 vào giữa mùa rươi nổi, anh Ngãi cùng vợ chở nhau bằng xe đạp ra sông Bích Thủy bắt rươi.

Chị vợ kể lại: “Hôm đó, khi tới bờ đê sông anh Ngãi đưa điện thoại cho tôi, dặn đứng chờ rồi anh ấy bơi thuyền ra nơi bẫy rươi giữa sông”. Bóng anh Ngãi dần khuất trong bóng đêm giữa mênh mông sóng nước chỉ còn thấy leo lét ánh đèn pin. Đứng chờ trên bờ một hồi lâu, bỗng chị nhận được điện báo của người anh chồng cũng đánh rươi cách đó vài trăm mét thông báo việc thấy đèn pin và chậu đựng rươi của anh Ngãi trôi lập lờ theo nước dòng mà không thấy người đâu.

Có chút sững sờ nhưng chị vợ cố trấn an suy nghĩ vì biết chồng lớn lên trên sông nước, bơi lội nhất nhì làng không thể có chuyện chết đuối. Nhưng đợi mãi, gọi mãi không thấy, chị mới tá hỏa hô hoán mọi người đi tìm giúp. Vạch từng bụi cỏ quanh sông, theo dòng vài km cũng không thấy động tĩnh gì. Lúc bấy giờ, không hiểu linh tính thế nào người anh trai nạn nhân mới giật mình nói rằng: “Nó vẫn ngồi đâu đây thôi”.

Quả thực, tất cả những người hôm đó sững sờ nhìn thấy thi thể anh Ngãi chợt bật lên khỏi mặt nước, xếp chân trong tư thế ngồi ngay cạnh mạn thuyền, không hề trôi đi dưới dòng nước đang cuồn cuộn chảy, trong khi không hề vướng mắc vào bất cứ vật cản nào. Nén lại đau thương và không thể giải thích được cái chết kỳ cục của nạn nhân, mọi người chỉ đoán già đoán non anh đã bị cảm đột ngột nên ngã đuối nước mà thiệt mạng.

Đúng ngày giỗ 100 ngày anh Ngãi, người anh trai cũng đột ngột qua đời ngay trong buổi sáng giỗ em.

Sáng hôm ấy, chị vợ anh dậy từ tinh mơ chuẩn bị gánh hàng cá đi chợ nhưng thấy chồng nằm im thin thít thì nhẩm nghĩ: “Chắc hôm qua đi làm nên mệt nhọc say giấc” và đã không đánh thức chồng. Sau khi chuẩn bị cơm sáng, đưa con đi học rồi đến khi tan chợ về nhà, chị vợ lấy làm lạ vì thấy chồng không đi dự giỗ trăm ngày em trai mà nằm bất động trên giường.

Nấu cơm xong, gọi dậy ăn nhưng anh chồng chỉ lắc đầu. Ngỡ chồng giận mình vì lý do nào đấy nên chị không nói gì. Đến tận chiều, cả nhà mới hốt hoảng về tình trạng của anh. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu, nhưng những dấu hiệu không lành về sức khỏe hiện tại của bệnh nhân đã báo trước cho dòng họ thêm một lần tang tóc. Anh trai anh Ngãi đã qua đời ít ngày sau đó tại bệnh viện Hải Dương sau cơn đột quỵ ấy.

Nỗi đau trong họ mạc, gia đình còn chưa chấm dứt khi hai anh em ruột lần lượt qua đời cách nhau 100 ngày mà không có lý do thì một sự lạ khác lại tiếp diễn. Đúng 100 ngày sau cái chết của người con thứ 2, mẹ đẻ của hai anh cũng đột ngột qua đời. Khăn tang trắng lại chồng lên khăn tang, chỉ hơn 9 tháng trời mà gia đình chịu cảnh chia ly người thân 3 lần.

Người trong họ kinh hãi, người trong thôn xôn xao. Thực hư không rõ như thế nào nhưng những sự lạ này cứ được đồn đại lên. Có người cho rằng “khi thấy người anh không dậy được thì mời thầy về cúng bái, cúng xong hôm sau nạn nhân bỗng tỉnh lại, nhưng kì quái là khi tỉnh dậy người này cứ đuổi bà vợ để cắn, rồi ngày hôm sau nữa thì chết”. Rồi chuyện lúc gia đình làm lễ gọi hồn người đó về hỏi thì người đó nhập hồn vào một người khác và cứ cười khanh khách: “Có phải một mình tao bắt đâu, thằng đấy nó khỏe lắm, tao phải gọi mấy người lừa lúc nó say rượu nên mới bắt được”.

Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”.
Nghĩa trang dòng họ 3 năm trắng vòng hoa vì hai con rắn?

Trong vòng chưa đầy 3 năm, dòng họ này đã có 12 người chết bất thường, chết vì bệnh tật. Khu nghĩa trang của dòng họ lúc nào cũng trắng vòng hoa vì người trong dòng tộc theo nhau chết.

Được báo trước vẫn không thoát chết

Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”. Ông thầy Quảng Ninh “phán” rằng, trong họ một tuần nữa sẽ có người tên là Cường sắp bị “bắt đi”.

Không tin vào lời thầy phán, mọi người trong họ lại tiếp tục đi gọi hồn ở bên huyện Nam Sách. Trong quá trình gọi hồn, “người chết hiện lên” nhập vào một người và cho biết “vào ngày 20/8/2010 các “thần” sẽ bắt một người tên Cường trắng trẻo, đẹp trai, đi làm ở xa và là người có chức tước”. Sau khi nghe thấy thông tin đó, mọi người trong nhà ai nấy đều nơm nớp lo sợ và chờ đến ngày 20 định mệnh. Rà soát trong họ xem những ai có tên thì chỉ thấy có duy nhất một người tên Cường (là con của ông lão định mang con rắn màu đỏ rực về ngâm rượu). Người này đã lấy vợ nhưng ở tận Hà Nội.

Cuối cùng ngày đó cũng đến, trong họ người này dặn người kia luôn phải cẩn thận, máy điện thoại lúc nào cũng phải bật 24/24h để nghe ngóng tình hình. Đến 20h ngày 20/10/2010, cả họ vẫn chưa thấy xuất hiện tin xấu, cho rằng mọi chuyện đã qua và các thầy bói, thầy gọi hồn là lừa bịp. Mọi người vui vẻ rủ nhau đi uống rượu hát karaoke “ăn mừng”.

Nhưng cuộc vui ấy chỉ diễn ra được chưa đầy 2 tiếng đồng hồ: Đúng 22h, điện thoại mọi người run bần bật, người trên Hà Nội báo về hung tin anh Cường vừa chết thảm khi tàu hỏa đâm phải ở thị trấn Văn Điển. “Người thì đứng chết lặng sững sờ, người thì sợ quá rơi cả cốc bia vào chân vỡ tan mà không hay khi nghe thông tin ấy”, một người thuật lại. Nạn nhân là một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, thời điểm anh “ra đi”, vợ anh đang mang bầu đứa con đầu lòng và anh cũng đang giữ chức vụ Phó Giám đốc một công ty chuyên về thiết bị điện.

Hơn 2 tháng sau, người trong họ lại tiếp tục đi xem bói và được thầy phán sắp tới trong họ sẽ có một người nữa có tên vần H sắp “ra đi”. Lại một lần nữa sự trùng lặp xảy ra khi ngày 28/3 vừa qua, một người trong họ tên Hùng đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên đổ bệnh, sau khi đi bệnh viện chiếu chụp ông được các bác sỹ cho về nhà chữa trị. Về nhà được vài ngày, trong khi đi từ nhà ra ngoài cửa thì ông gục ngã chết luôn tại chỗ.

Một phụ nữ trong họ mắt đỏ hoe nhớ lại: “Chiều hôm ấy tôi còn mang bột mỳ rán sang cho ông ăn. Ông tỉnh táo và khỏe mạnh mạnh lắm, nhìn thế nên tôi yên tâm ra về. Chỉ vài tiếng sau đã nghe thấy tin ông ấy đột nhiên loạng choạng bước tới cửa thì lăn đùng ra chết.”

Như vậy chỉ tính trong vòng chưa đầy 3 năm, dòng họ này đã có 12 người chết bất thường, chết vì bệnh tật. Khu nghĩa trang của dòng họ lúc nào cũng trắng vòng hoa vì người trong dòng tộc theo nhau chết.

“Lá vàng khóc lá xanh”

Theo chân một người dân Bích Thủy, chúng tôi đến nhà ông L.Sinh, một người trong dòng họ. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, tiếp chúng tôi là 2 người đàn ông, một già, một trung tuổi, là ông Sinh và người cha - cụ L.Tài (79 tuổi). Đây chính là gia đình đã có 3 người liên tiếp chết cách nhau 100 ngày.

Khi hỏi thăm về sức khỏe và tuổi tác, ông cụ cười cười nhưng đôi mắt đượm buồn: “Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, nếu bà ấy còn thì xuân này chúng tôi đã được cùng con cháu mừng thọ 80”. Có lẽ những cái chết của vợ và các con trai làm ông gần như suy sụp, nếu không phải vì biến cố này thì người đàn ông ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ấy vẫn còn mạnh khỏe lắm. Giờ đây mỗi bước đi của ông đã phải nhờ đến cây gậy đồng hành.

Tò mò về câu chuyện 2 con rắn, chúng tôi đánh bạo hỏi ông Sinh xem thực hư thế nào. “Đúng là có chuyện đó”, ông khẳng định. “Mấy năm trước, con cháu trong họ chúng tôi góp tiền để đưa mộ cụ tổ bà về bên cạnh cụ tổ ông. Trong quá trình đào lên thấy trong mộ bà có con rắn cạp nia và trong mộ ông có con rắn hổ mang nặng gần một ký. Nhưng không có chuyện con rắn có cái mào như mọi người vẫn nói và chúng tôi cũng không đập chết mà những người thợ xây mộ đã đem con rắn này đi bán lấy tiền uống rượu”, ông cho biết.

Theo ông Tài, dòng họ L.V có khá nhiều điều đặc biệt: Có 8 chi, đến đời mình mỗi người con trai trong họ sau khi lập gia đình đều sinh được 8 người con. Đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà người họ L.V vẫn lấy làm tự hào về cái “lộc” của mình. Nhưng đến nay, ông Tài cũng chỉ còn lại 5 người con.

Sau “cơn bão ma” này, riêng chi nhà ông cũng mất 5 người. Các chi khác trong họ cũng cùng chung tiếng khóc mất con cháu một cách đau lòng, khó hiểu. Từ năm 2009 đến nay, cứ lần lượt những cái chết gần nhau liên tiếp xảy ra cướp đi hơn chục mạng người, hiện tại trong họ còn một người đàn ông cũng đang vật lộn chống chọi khó khăn với bệnh tật và “không biết đi lúc nào”.

Những người quá cố, già có, trẻ có, cả nam và nữ, người bỗng dưng phát bệnh, người chết tức tưởi để lại nỗi đau khôn cùng cho người còn sống. Con cháu trong nhà hoang mang lo sợ, những buổi họp họ đầu xuân đã không còn vui nữa, thêm vào đó là những lời đồn thổi dù không ác ý của dân trong làng làm không khí trong mỗi gia đình mang họ này chẳng mấy lúc được bình yên.

Những người con trai khỏe mạnh cứ đột ngột ra đi để lại nỗi trống trải không gì bù đắp được cho những người phụ nữ và sự phiền muộn, nhớ thương của những người làm cha mẹ. Kể cho chúng tôi nghe chuyện của các em mình, ông Sinh vẫn bùi ngùi vì thương hai “chú” chưa có con trai nối dõi. Ông cũng vô cùng thương tiếc cho cái chết của anh Cường: “Hàng trăm người đứng đợi tàu hỏa đi qua, “ma xui quỷ khiến” thế nào, chú nó lại chọn đúng thời điểm ấy để băng qua đường sắt”.

Nỗi đau chưa lời giải

Mang nỗi lo sợ trong lòng, những người phụ nữ với bản tính yếu đuối tìm đến các đền, chùa, thầy cúng, cô đồng để xem bói, giải hạn. Bản thân ông trưởng họ và gia đình cũng nhiều lần lập đàn giải oan, giải hạn cho họ nhà mình. Trong tâm trạng hoang mang, lo lắng họ cũng chỉ biết tìm đến những nơi như thế để tìm chốn cầu an cho dòng họ.

Bình tĩnh hơn, ông Sinh nghĩ rằng gia đình cũng như dòng họ, “thịnh nhiều rồi cũng có lúc suy. Những chuyện không may, những cái chết đau lòng là việc rủi ro không tránh được. Bản thân tôi là người trực tiếp đào mộ các cụ lên để quy hoạch, mình làm việc tốt báo hiếu tổ tiên, sao có thể coi là bị trừng phạt được?”.

Tìm gặp ông trưởng họ L.Xương tại một quán nước trong làng khi ông đang mải nói chuyện với những người hàng xóm, ông thở dài âu sầu: “Tôi đã dồn được 20 triệu đồng định để cải mộ cho bà lão nhưng sau những chuyện đã qua, mấy đứa con chưa đồng ý, chúng bảo để đi “xem thầy” xem thế nào”.

Nghe đâu câu trả lời của “thầy” khiến không ít người sởn gai ốc lo sợ: “Dòng họ này bây giờ không được cải táng mộ vì cứ hễ có một người được đào lên sẽ có một người nằm xuống”. Ông Xương thoáng buồn kể chuyện mấy người con dâu của ông sợ rằng khi bốc mộ mẹ lên thì chồng các chị sẽ chết, vì thế các con ông lần chần mãi mà không dàm làm. Lúc chúng tôi về thôn Bích Thủy cũng là lúc người con dâu của ông Xương đang lặn lội lên tận Bắc Giang tìm thầy xem bói cho vận hạn nhà mình.

Những người trong dòng họ L.V biết bao ngày nay đã sống trong sợ hãi. Không những thế, họ còn phải luôn nhân được những cái nhìn ái ngại của người trong vùng. Sau những sự việc đã xảy ra, có người nghĩ rằng rồi bây giờ, con cháu nhà họ L.V sẽ khó lấy vợ, lấy chồng do ai biết chuyện cũng sẽ bất an, sợ “ma ám”. Câu chuyện của dòng họ còn có khi bị một số người gán ghép vào những chuyện không hay, xui rủi khác. Người xấu bụng thậm chí còn thêu dệt ra câu chuyện đổ lỗi người họ khác chết cho… họ L.V.

Một phụ nữ trong làng thì thào với chúng tôi: “Đấy, cái vụ nhà chị hàng xóm cạnh nhà ông trưởng họ chết vì điện giật là một ví dụ. Người nhà chị bị điện giật đã đi xem bói thì được thầy phán rằng do bà vợ ông trưởng họ L.V trên đường về nhà bắt con cháu đi cùng nhưng do cửa khóa không vào được nhà nên đã đi vòng phía sau. Không may nhà chị ấy lại ngay sau nhà bà này nên hồn ma bà này đã bắt đi”.

Những người trong dòng họ L.V muốn tin rằng những tai ương liên tiếp giáng xuống đầu họ bấy lâu nay chỉ là một sự rủi ro. Họ mong muốn tai ương qua đi, vận đen qua đi để người còn lại vẫn phải sống tiếp, con cháu trong nhà sẽ lớn khôn khỏe mạnh dựng vợ, gả chồng sinh con cháu đề huề đem lại phúc đức, thịnh hưng cho dòng họ, xóa bỏ lời đồn “ma ám” bấy lâu nay. “Những người còn sống làm tròn trách nhiệm cải táng cho người đã khuất theo đúng tập tục, văn hóa người Việt Nam, vì sao chỉ vì 2 con rắn mà phải chịu nhiều nỗi đau đến thế?”, một người đặt câu hỏi.

Theo Pháp luật & Thời đại.
Bí ẩn về chuyện các thiền sư 'đầu thai'



Trong truyền thuyết và thực tế cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp khó lí giải khi những đứa trẻ kể rành mạch "cuộc sống kiếp trước" của bản thân mình.

...

Việt Nam cũng đã có trường hợp này. Thậm chí đến nay, nhiều tư liệu lịch sử thể hiện những bậc thiền sư "biết rành mạch kiếp sau" của mình và dặn đệ tử trước khi viên tịch, để họ tìm cách ứng phó.

Từ giai thoại “đầu thai” làm vua để trả ơn cứu mạng

Câu chuyện mang màu sắc tâm linh này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116). Đến nay người dân xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội nơi có danh lam chùa Thầy, nơi vị thiền sư này tu hành vẫn còn kể cho nhau nghe về câu chuyện kì lạ này. Đương thời, thiền sư Đạo Hạnh nổi tiếng là người có thể khiến cho các giống sơn cầm, dã thú vây quanh. Chúng thật hiền lành thuần phục, thiền sư bấm đốt ngón tay cầu đảo mưa rơi, phun nước trị bệnh, không lúc nào không ứng nghiệm.

Tương truyền, vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) không có con nối ngôi đành nhận một đứa bé 3 tuổi, người ở phủ Thanh Hoa (Ninh Bình) thông minh, lại tự xưng là con vua. Triều thần can ngăn cho rằng, nếu đứa trẻ kia quả thực là linh dị, tất phải thác thai ở nơi cung cấm thì sau mới lập được. Nhà vua nghe theo, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai.

Từ Đạo Hạnh nghe tin, cho rằng, đứa trẻ kia là yêu ma quái dị bèn tìm cách phá hỏng. Nhân có chị gái là Từ Nương làm thị nữ trong triều, cũng là người túc trực ở thai đàn, ông bí mật đưa cho Từ Nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú bảo đặt ở trên rèm. Hội đã qua 3 ngày đêm, nhưng đứa trẻ kia không thể đầu thai được bèn tâu lên rằng: Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, cửa khóa mấy tầng, cẩn mật kiên cố, mọi lối đi đều bị chẹn kín, tuy muốn thác thai mà sợ không được vậy. Lời tâu chưa hết thì bỗng nhiên ngã lăn ra chết.

Vua Lý Nhân Tông rơi lệ thương tiếc, sai người kiểm soát trong ngoài đạo tràng, quả nhiên tìm được một dải mấy viên ấn phù ở trên rèm. Tra hỏi thì Từ Nương nói rằng, có em trai Đạo Hạnh bảo đặt lên. Nhà vua lệnh cho gọi Đạo Hạnh đến rồi hội họp các bá quan văn võ cùng bàn bạc định tội chết cho thiền sư Đạo Hạnh.

Duy chỉ có hoàng thân Sùng Hiền hầu, vốn biết Đạo Hạnh là người đắc đạo chân nhân, tâu rằng: "Đạo Hạnh lục trí thần thông, thiên hạ đã biết từ lâu. Thiết nghĩ Giác Hoàng nếu có thần lực thì Đạo Hạnh làm sao có thể tiêu trừ được. Nay, vì Giác Hoàng mà luận tội Đạo Hạnh thì có ích gì với quốc gia?". Nhà vua bằng lòng và Đạo Hạnh được tha về.


[Hình: best_fee36ed29f-2-images1007654-chuathay.jpeg]

Chùa Thầy, nơi có động Thánh Hoá, được cho là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đập đầu vào đá chết để đi đầu thai sang kiếp sau.
Sùng Hiền hầu mời thiền sư về nhà chúc mừng. Đạo Hạnh nói: "May được quan nhân cứu giúp mà mỗ tôi được bảo toàn. Một tấm chân tâm ngang tàng, thân này không biết lấy gì để báo đáp, nguyện xin được thác thai cung để cảm tạ ân đức lớn, hầu nghe lời nói hợp ý liền gật đầu đồng ý". Chỉ trong phút chốc, phu nhân của Sùng Hiền hầu ở trong buồng tự nhiên cảm thấy thân mình động đậy như có thai.

Đạo Hạnh lại nói với Sùng Hiền hầu rằng: "Nhân duyên kiếp trước được làm nghĩa cha con, nay nguyện đầu thai làm con nối dõi của hầu", sau đó xin từ biệt trở về.

Trước khi về ông có dặn, đến kì sinh nở, phải đến báo cho biết trước! Đến tháng, phu nhân Sùng Hiền hầu động sản sai người cấp báo cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh nghe tin, liền nói với môn đồ là thiền sư Minh Không: "Nhân duyên kiếp trước chưa hết, còn phải thác sinh làm vua". Dặn Minh Không rằng, 20 năm sau có tin vua bị bệnh thì đích thân mang thuốc này vào chữa trị (chuyện rằng, trước lúc thiền sư Đạo Hạnh đi đầu thai, ông đang mang bệnh và uống thuốc).

Sau đó, thiền sư Đạo Hạnh bèn leo lên động, đập đầu vào tường đá, rồi giậm chân lên bàn đá nghiễm nhiên mà hóa (tức nay là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, hiện dấu vết vẫn còn).

Đạo Hạnh nhập vào cõi niết bàn và hóa, ra đời làm con của Sùng Hiền hầu, không dưỡng dục mà ngày càng lớn; không giáo huấn mà thông minh, dung nhan tuấn tú đẹp đẽ, tài hùng biện không ai sánh bằng. Vua Lý Nhân Tông chưa có con nối ngôi, khi tuổi đã cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử.

Con của Sùng Hiền hầu mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sau khi vua Nhân Tông băng hà, Dương Hoán được lên ngôi (13 tuổi), đổi niên hiệu là Thiên Thuận tức vua Lý Thần Tông.

Đến năm vua Lý Thần Tông 20 tuổi, lâm bệnh, không có ai có thể trị được. Quần thần liền đi thông báo khắp thiên hạ cầu người tài đến giúp. Thiền sư Minh Không liền vào cung, vì nhớ lời thầy dặn trước đây, đưa thuốc ra chữa trị. Quả đúng, ứng nghiệm, vua Lý Thần Tông uống vào đột nhiên người khoẻ mạnh hẳn.

Đến những dòng chữ kỳ lạ trên lưng vua Minh Thần Tông

Cũng như câu chuyện về việc thiền sư Từ Đạo Hạnh chủ động đi đầu thai làm vua, để trả ơn cứu mạng thì chuyện về kiếp trước của Minh Thần Tông, hoàng đế thứ 13 của triều Minh (Trung Quốc) cũng liên quan đến một vị thiền sư và họ "biết trước được kiếp sau" của mình sẽ được đầu thai làm vua.

Câu chuyện này được người dân ở xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, Hải Dương vẫn còn lưu truyền, gắn liền với vị thiền sư Huyền Chân, tu tại chùa Quang Minh, làng Bóng.

Tương truyền, khi đã về già, một hôm, thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà đến nói: "Ngươi dày công với Phật đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc". Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với đệ tử của mình và dặn: "Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu, sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu". Các đệ tử ghi nhớ, làm theo đúng ý của thiền sư Huyền Chân.

Càng kì lạ hơn, trong nhiều câu chuyện truyền kì đến nay vẫn được người dân nơi đây lưu truyền cho biết “kiếp sau” của vị thiền sư này chính là vua Minh Thần Tông.

Theo truyền thuyết, thì đời vua Lê Kính Tông (1599-1619), triều đình cử một đoàn sứ bộ sang nước Minh do Nguyễn Tự Cường, tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1604) làm Chánh sứ.

Đến Bắc Kinh, sứ thần Nguyễn Tự Cường bất ngờ vì vua Minh Thần Tông bỗng hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường rằng: "Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu không?". Sau đó, Nguyễn Tự Cường được nghe kể lại: "Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào". Nguyễn Tự Cường thưa: "Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là "kiếp sau" của thiền sư trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được".

Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới. Ngôi chùa đó chính là chùa Bóng tên chữ là Quang Minh Tự nay thuộc xã Quang Minh, huyện Gia Lộc.

Sau khi tìm được ngôi chùa, vua Lê Kính Tông sai người múc nước giếng của ngôi chùa này, sau đó cử Nguyễn Tự Cường đích thân dẫn đoàn người sang trao cho vua Minh Thần Tông. Điều kì lạ, sau khi vua Minh Thần Tông tắm nước đó, thì chữ ở trên người mất hết. Vua Minh rất vui mừng và ban thưởng cho Nguyễn Tự Cường 300 lượng vàng.


Viet Bao.vn
Hòn đá chia cắt tình duyên ở Thanh Hóa


Hai làng xa xưa có thù hận nên quyết định chôn hòn đá giữa cánh đồng để yểm bùa không cho trai gái hai bên lấy nhau.

Trải qua hàng trăm năm, hòn đá thề nằm giáp ranh giữa làng Lụt và làng Lở (thuộc xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Hòn đá vô tri vô giác lại là nỗi ám ảnh của người dân hai làng, bị cho rằng là nguyên nhân khiến biết bao cuộc tình trai gái đẹp như mơ bị chia lìa đôi ngả. Hòn đá thề là minh chứng văn hóa lịch sử cấm cản trai gái hai làng Lụt và Lở không được kết hôn với nhau. Hòn đá này được chôn ở địa phận làng Vóc (xưa gọi là làng Vô Kỵ, ở giữa làng Lụt và làng Lở).

Cụ Phạm Liên Giáp (90 tuổi, người làng Vóc) cho biết, mấy trăm năm trước, vùng đất An Đỗ (làng Lở bây giờ) rất trù phú, với những cánh đồng màu mỡ trải dọc bờ sông Mã. Cạnh đó là vùng đất Mường Kẹ (làng Lụt bây giờ) khô cằn, trong khi dân cư đông đúc; chủ yếu có ruộng bậc thang, trồng trọt, cày cấy liên tục mất mùa, cuộc sống đói kém.

Vào khoảng giữa thế kỷ 18, với dân số đông hơn nhưng nghèo hơn, những chức sắc đứng đầu Mường Kẹ đã dùng âm mưu chiếm đoạt vùng đất trù phú An Đỗ. Sau đó, dân làng Mường Kẹ kéo nhau đến canh tác ở vùng đất mới “mua” được. Dân An Đỗ đã dùng mọi kế sách nhưng không lấy được đất về.


[Hình: lang-lut-3168-1382157748.jpg]

Cánh đồng Tạp Bùa nơi chôn hòn đá yểm bùa.

Không làm được gì, người An Đỗ đã mời “thầy mo” cao tay nhất vùng về phù phép làm bùa, lập lời thề ếm vào hòn đá rồi chôn sâu dưới cánh đồng. Nội dung lời thề là từ nay những kẻ cướp đất sẽ vĩnh viễn không được sống chung một nhà với người An Đỗ. Trai Mường Kẹ không được lấy gái An Đỗ. Gái An Đỗ không được làm dâu Mường Kẹ. Buổi yểm bùa kèm lễ giết trâu bò ăn uống linh đình.

Cuối cùng, những hòn đá thề được bí mật chôn ở cánh đồng bị mất do Mường Kẹ chiếm. Cánh đồng đó hiện nay vẫn còn, được người dân biết đến với tên là Tạp Bùa (trong tiếng Mường, có nghĩa là ruộng bùa).

Hàng trăm năm qua, đến nay dấu tích của những hòn đá thề đã không còn đầy đủ. Theo lời kể của cụ bà Trương Thị Quỳnh (89 tuổi, ngụ làng Vóc) thì trước đây có đến 3 hòn đá thề. Nhưng do người dân làm đồng thấy đá ở ruộng cản trở việc cày bừa nên đã đào và di chuyển đi 2 hòn đá nhỏ. Còn hòn đá chính nằm ở khoảnh ruộng nước, rất nhiều lần người ta cố gắng đào bỏ nhưng không hiểu sao mọi cố gắng đều bất lực, hòn đá vẫn chễm chệ giữa cánh đồng.

Lời thề và bùa chú yểm vào hòn đá vô tri vô giác là truyền thuyết, nhưng dân làng vẫn nhắc đến câu chuyện. Con cháu đời sau giữa làng Lụt và làng Lở dù có yêu nhau say đắm thế nào cũng không dám trái lời thề để kết hôn với nhau. Người địa phương có câu thành ngữ: “Lụt thì phải Lở nên không được ở với nhau”.

Theo một cao niên, từng có vài đôi trai gái làng Lụt với làng Lở bất chấp lời nguyền, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, làng xóm để đến với nhau, nhưng họ thường bất hạnh, gặp những tai ương khó lý giải. “Có cặp thì vợ hoặc chồng chết, hoặc gặp những tai họa đau lòng khác”, ông cụ nói.

Có cặp người vợ vào rừng chặt gỗ, bất cẩn thế nào cây đổ đè xuống trúng người, chết thảm. Sau này có thêm hai đôi nữa người làng Lụt lấy vợ làng Lở thì được mấy năm thì một đôi bị tai nạn chết cả hai. Một đôi khác thì có vợ chỉ bị chó cắn cũng dẫn đến tử vong... Từ ngày ấy, trai gái hai làng dù có cảm mến nhau cũng chỉ giới hạn ở kết nghĩa làm bạn bè.


[Hình: lang-lo-1760-1382157748.jpg]

Cao niên trong làng cho biết, cặp đôi nào cố ý trái lời nguyền đều gặp những tai ương, thậm chí là chết người.

Mấy chục năm trở lại đây, có duy nhất một cặp đôi dám phá lời nguyền để đến với nhau. Đó là trường hợp của chị Phạm Thị Vân (làng Lở) và anh Hà Văn Tiền (làng Lụt). Tình yêu của hai người được nảy sinh từ những ngày thanh niên trong xã tổ chức giao lưu văn nghệ.

Anh Tiền được đánh giá là người con trai tháo vát có tiếng của làng Lụt, còn chị Vân có tiếng là người con gái đẹp cả người lẫn nết ở làng Lở. “Trai tài, gái sắc” gặp gỡ trong những buổi thi hát, tập văn nghệ, chẳng mấy chốc họ cảm mến nhau. “Thế rồi chúng tôi nhớ nhung, yêu nhau từ lúc nào không hay”, chị Vân nhớ lại.

Khi đã thề non hẹn biển, đôi trai gái dẫn nhau về nhà ra mắt gia đình. Đôi bên gia đình cùng kịch liệt phản đối. Thế nhưng, đôi trẻ nhất quyết thuyết phục cha mẹ để được hẹn hò yêu thương. Sợ lời nguyền lại ảnh hưởng đến tương lai con cái, đồng loạt cả hai gia đình một lần nữa ra sức ngăn cản, thậm chí giam vào buồng không cho anh chị gặp mặt nhau. Nhưng họ vẫn âm thầm yêu, rồi quyết định “ăn cơm trước kẻng” để có em bé, đẩy hai bên gia đình vào thế đã rồi. Cuối cùng hai bên gia đình đồng ý cho anh chị lấy nhau trong nơm nớp lo sợ.

Hai họ sợ lời nguyền xưa làm mất hạnh phúc của con mình, liền bàn bạc không cho các con sinh sống trên đất làng Lụt hay làng Lở. Anh chị được gia đình bố trí chuyển lên xóm Chợ, cách làng cũ khá xa. Cuộc sống vẫn bình yên, anh chị đã có một cơ ngơi nho nhỏ, một cậu con trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi, cuộc sống không giàu sang nhưng yên ấm, hạnh phúc.

Cuộc tình vượt qua lời nguyền này khiến nhiều người thay đổi quan niệm, cho rằng chẳng có bùa chú hay lời nguyền nào cả. Có thể trước đây hàng trăm năm giữa hai làng có mâu thuẫn thù ghét nhau nên các cụ cấm cản con cháu lấy nhau. Sợ thế hệ sau này không nghe lời nên các cụ thêu dệt chuyện bùa phép, lời nguyền để “dọa” con cháu.


ngoisao.net